Phỏng vấn Học giả Đinh Kim Phúc: “Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là một hành động chính nghĩa”

25 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 20528)

dien-dan-chinh-tri-_-may_25


Lời tòa soạn:

Hôm nay ngày thứ Năm 22-05-2014. Chúng tôi, Lý Kiến Trúc hân hạnh được tiếp xúc với Giáo sư Sử học Đinh Kim Phúc,một nhà nghiên cứu Biển Đông tại Sài Gòn. Trong tình hình thời sự nóng bỏng hiện nay, ý kiến riêng của ông Đinh Kim Phúc thể hiện phần nào suy nghĩ chung của công luận người Việt trong ngoài nước trĩu nặng tấm lòng hướng về tổ quốc. Văn Hóa Magazine trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc. (LKT)

- LKT: Kính chào ông Đinh Kim Phúc; ông có thể cho đọc giả biết về một vài quá trình hoạt động cũng như cá nhân ông sống trong môi trường hiện nay ở Việt Nam như thế nào không ạ?
- ĐINH KIM PHÚC: Trả lời câu hỏi của nhà báo Lý Kiến Trúc, tôi Đinh Kim Phúc tham gia quân đội nhân dân Việt Nam năm 1977-1980, sau đó về học ở khoa Sử đại học Cần thơ và tốt nghiệp Cao học Lịch sử tại Đại học Sư phạm 1 Hà Nội vào năm 1988, cũng là năm mà Trung Quốc đánh chiếm một số đảo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tôi đã nghiên cứu vấn đề này cũng gần 30 năm, là chủ biên, tham gia rất nhiều quyển sách về Biển Đông đã xuất bản tại Việt Nam; ví dụ như "Chủ quyền quốc gia Việt Nam trên vùng Biển Đông và trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa Việt Nam; "Xung đột trên Biền Đông không còn là nguy cơ tìm ẩn"; tôi cũng là chủ biên sách "Hoàng Sà Trường Sa trong thư tịch cổ"; là tác giả sách "Hoàng Sa Trường Sa luận cứ và sự kiện”. Từ năm 2009 tôi đã tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình với sự dìu dắt của Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, và chúng tôi đã có một tọa đàm về “Biển Đông và hải đảo Việt Nam” vào tháng 7 năm 2009. Đó là hội thảo lần đầu tiên đặt vấn đề Biển Đông và hải đảo Việt Nam tạo dư luận trong và ngoài nước.

- LKT: Đối với ông, điều gì nổi cộm nhất hiện nay về vấn đề Biển Đông?

- ĐKP: Trong tình hình nóng bỏng hiện nay, Trung Quốc đã đưa giàn khoan HD-981 vào tận trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, nó không còn là sự xung đột trên Biển Đông, nó không còn là cái âm mưu bá quyền của Trung Quốc trên lý thuyết nữa, mà đây là cái hành động xâm lược, hành động này nó không chỉ diễn ra trong tháng 5-2014 này, mà đây là một cái quá trình bành trướng của Bắc Kinh.
 
- LKT: Một trong quá trình bành trưướng đó có bắt nguồn từ Công hàm 1958 của TT Phạm Văn Đồng? Chắc ông đã nghe trên mạng khá phổ biến hiện nay, một video của Trung Cộng nói về Công Hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng, ông có ý kiến gì về cái video này không?
- ĐKP: Vấn đề là mỗi lần Trung Quốc thực hiện âm mưu bá quyền của mình trên Biển Đông thì cái việc làm đầu tiên của Trung Quốc làm là đánh lừa dư luận thế giới. Đó là cái gọi là Công Hàm Phạm Văn Đồng ngày 14-09-1958, đề hiểu vấn đề này thì trước nhất chúng ta phải xét về quan hệ quốc tế và bối cảnh lịch sử của thời điểm lúc bấy giờ. Để ngắn gọn, tôi xin nêu như thế này, sau cái sự kiện mà hàng loạt các nước Đông Âu tiến lên xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội và sự ra đời của khối liên phòng Bắc Đại Tây Dương tức khối NATO, chiến tranh lạnh trên thế giới bắt đầu.

Trong Hội Nghị San Francisco năm 1951 vì sao phái đoàn Liên-Xô đề nghị giao Hoàng Sa Trường Sa là thuộc chủ quyền của Trung Quốc, đề nghị này được Ba Lan và Tiệp Khắc ủng hộ, vì Liên-Xô thấy rằng ảnh hưởng của Mỹ bắt đầu manh nha ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương, Liên-Xô sợ rằng mình không cạnh tranh được với Mỹ do đó dùng Trung Quốc làm hàng rào cản đối với Mỹ, cũng như sự kiện vào tháng Giêng năm 1974, nhân cơ hội Việt Nam Cộng Hòa đang yếu thế trước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Mỹ đã làm lơ cho Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng sa, vì Mỹ thấy rằng Liên-Xô sẽ là người có ảnh hưởng ở Đông Dương sau khi Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam.

Cái thế cờ đó chúng ta thầy rằng mỗi một cường quốc trên thế giới đều có quyền lợi của họ, họ tính toán quyền lợi của họ trên đầu các nước nhỏ mà cũng có thể gọi là các nước đồng minh của họ. Trở lại vấn đề, chúng ta thấy rằng vào thời điểm năm 1958 khi mà Trung Quốc đứng trước áp lực bao vây của các thế lực thù địch (theo cái cách gọi của Trung Quốc) dẫn đầu là Mỹ, thì Trung Quốc vội vàng công bố lãnh hải của mình là 12 hải lý; lúc bấy giờ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là một đồng minh, là một đồng chí của Trung Quốc, cùng chung một chiến hào để chống kẻ thù chung, nhưng nếu nhìn lại cái tuyên bố lãnh hải của Trung Quốc bao gồm 4 điểm thì trong cái Công Hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông chỉ nêu là tán thành công bố cái tuyên bố này và tôn trọng cái lãnh hải 12 hải lý, không hề có một dòng một chữ nào từ bỏ chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mặc dù trong điều một của tuyên bố lãnh hải của Trung Quốc có nêu Tây Sa Nam Sa là của Trung Quốc.

Chúng ta thấy rằng đây là bức thư hữu nghị giữa hai người đồng chí, và một câu hỏi đặt ra là thủ tướng Phạm Văn Đồng có ảo tưởng về tình đồng chí này không, thì tôi tin chắc rằng thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng như những người lãnh đạo của Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa không hề ảo tưởng, vì trong bàn Hội Nghị Genève năm 1954 bàn về việc chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương trong đó có Việt Nam thì Trung Quốc là người đồng chí của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nhưng đả phản bội cách mạng Việt Nam, phản bội cách mạng Lào, phản bội cách mạng Campuchia. Cái hành động phản bội của Trung Quốc đó, khiến những người Việt đã đổ máu tiếp tục 21 năm cho cuộc chiến tranh, hệ quả của cuộc chiến tranh ở Việt Nam cho đến ngày hôm nay như quý vị đã biết, có những vấn đề không giải quyết được, đây là âm mưu của Bắc Kinh.

- LKT: Ông có vẻ biện hộ cho Công Hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng, đứng trên phương diện công pháp quốc tế và đứng trên vấn đề quốc gia của hai quốc gia Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa thì cái Công Hàm đó có giá trị thế nào?
- ĐKP: Cuộc chiến tranh giữa hai miền nam bắc mặc dù cái yếu tố giải phóng dân tộc là một yếu tố hàng đầu, nhưng bên trong cuộc chiến tranh này nó vẫn mang tính chất nội chiến được quốc tế hóa. Chúng ta thấy rằng giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa là hai thực thể không có chân trong liên Hiệp Quốc lúc bấy giờ, và theo quy định của Hội Nghị Genève năm 1954, Trung Quốc là một bên tham gia ký kết, hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam thuộc quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Theo quy định của hiệp định, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không có quyền cho, không có quyền tặng, thậm chí như một số những lần coi rằng là bán cho Trung Quốc. Hành động bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa là của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, nó đã được thể hiện từ năm 1956, khi Trung Quốc nhân cơ hội Pháp rút khỏi Việt Nam, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chưa đủ sức để quản lý hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa thì họ đã chiếm đóng vùng đảo phía đông của vùng đảo Hoàng Sa, và tất cả từ năm 1956 đến tháng Giêng năm 1974, tất cả những hành động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là một hành động chính nghĩa đã thể hiện được tránh nhiệm của mình đối với những quy định của điều khoản Genève năm 1954, cũng như thể hiện được chính nghĩa bảo vệ từng tấc đất của tổ tiên để lại.
dien-dan-chinh-tri-_-may_25-1

Cố Thủ tướng VNCH Nguyễn Bá Cẩn 2006, thủ lãnh và tác giả tập hồ sơ Thềm lục địa VN và Chủ quyền Biển Đông nộp lên Liên Hiệp Quốc. Những giờ phút cuối cùng trong chức vụ của mình, ông đã tường thuật lại trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Hạnh Dương như sau: "Vấn đề Việt Nam lúc bấy giờ là một ván bài chung của Hoa Kỳ và Pháp. Họ đã nhúng tay vào và đã sắp đặt tất cả. Họ buộc chúng ta phải đầu hàng, phải bàn giao nguyên trạng. Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức, theo Hiến pháp, ông đã bàn giao cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương lên làm Tổng thống. Ngày 25 tháng 4 năm 1975, tôi từ chức Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa, nhưng Tổng thống Trần Văn Hương yêu cầu tôi phải ở lại tiếp tục xử lý thường vụ cho đến ngày 28 tháng 4 năm 1975 để chờ tân chính phủ.". Tháng 9 năm 2003, ông cho xuất bản tập hồi ký Đất nước tôi. Tháng 5 năm 2009, ông nộp hồ sơ "Thềm lục địa Việt Nam" lên Liên Hiệp Quốc, khẳng định chủ quyền Việt Nam trên vùng biển Đông và các đảo Hoàng SaTrường Sa (theo Wikipedia). Ảnh Ánh Dương

- LKT: Trong một số quan điểm đã được viết công khai trên mạng và trên báo chí hiện nay có dư luận cho rằng Hoàng Sa sẽ không phân biệt là của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay của Việt Nam Cộng Hòa nữa mà là của Việt Nam nói chung, như vậy Công Hàm của ông Đồng cũng có giá trị về phương diện pháp lý đối với Trung Cộng có phải như vậy không?
- ĐKP: Bản thân thư gửi của thủ tướng Phạm Văn Đồng tới Chu Ân Lai, tôi nghĩ rằng đây là một bức thư thể hiện tình hữu nghị giữa hai người đồng chí. Nhưng tại sao lại có bức thư này, chúng ta thấy rằng ý thức hệ của thời kỳ chiến tranh lạnh giữa hai người Cộng Sản với nhau nó đã chi phối quan điểm của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong vấn đề ủng hộ Trung Quốc trong tuyên bố lãnh hải 12 hải lý của họ. Và cũng chính vì ảo tưởng giữa những người đồng chí với nhau, mà Trung Quốc đã lợi dụng để làm cái cơ sở tố cáo Việt Nam hiện nay đã thừa nhận cái gọi là Tây Sa và Nam Sa là của Trung Quốc. Bản thân thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ với một lá thư không hề có nghị quyết của quốc hội, tôi nghĩ rằng chứng cứ pháp lý đó cũng không phải là thế mạnh nếu ra trước tòa án quốc tế, và tôi được biết Quốc hội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa hay là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam sau này là Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, cũng như ngày nay là Quốc Hội Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chưa bao giờ có một nghị quyết từ bỏ chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hay một nghị quyết công nhận cái gọi là Tây Sa và Nam Sa là của Trung Quốc.

- LKT: Ông vừa đề cập đến cụm từ ý thức hệ, ông có thế nói rõ thêm vế ý thức hệ giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Trung Cộng lúc đó như thế nào, nó có liên quan đến vấn đề chiếm đoạt Hoàng Sa?
- ĐKP: Trong cái bối cảnh năm 1958, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc Việt Nam rất cần sự viện trợ và ủng hộ của Trung Quốc, của Liên-Xô và của các nước thuộc khối Xã Hội Chủ Nghĩa, nếu như nói rằng Tổng thống Ngô Đình Nhiệm đã từng tuyên bố đường biên giới của thế giới tự do kéo dài đến vĩ tuyến 17, Trung Quốc vẫn muốn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là khu vực đệm bảo vệ miền nam Trung Hoa để cho Trung Quốc rảnh tay xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội. Trong hoàn cảnh đó chúng ta phải hiểu rằng cái ý thức hệ của những người chung một chiến hào bao giờ nó cũng là mục tiêu đầu tiên để tiến hành mục đích của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tức là giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, tất cả các chuyện anh em sẽ giải quyết sau, và cái hệ quả đó cho đến ngày hôm nay đã bị khai thác triệt để bởi nhà cầm quyền Trung Quốc.

- LKT: Ông có bao giờ nghiên cứu về những văn bản chính thức của Việt Nam Cộng Hòa đã phản đối trận chiến xâm lăng vào tháng Giêng năm 1974 của Trung Quốc hay không?
- ĐKP: Tất cả những tuyên bố của Bộ ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa, tuyên bố của Tống thống Nguyễn Văn Thiệu cũng như tuyên bố của tất cả các cơ quan chức năng của Việt Nam Cộng Hòa trong thời điểm tháng Giêng năm 1974 tôi đã đọc hết, và tôi nghĩ rằng đây là những tuyên bố rất mạnh mẽ, một tuyên bố chủ quyền không thể chối cãi được, rất tiếc cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm cái tính chất bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam không được liên tục, và chúng ta là những thế hệ đi sau có trách nhiệm giải quyết những cái hậu quả này.

- LKT: Cho đến hiện nay đã là 40 năm rồi, những thành phần của Việt Nam Cộng Hòa đã di tản ra ngoại quốc gần như hầu hết, ông có thể cho biết với cái nhìn của ông đối với những thành phần tị nạn Việt Nam Cộng Hòa ở hải ngoại sẽ có phản ứng thế nào về vấn đề Hoàng Sa?
- ĐKP: Vấn đề này thì chúng tôi nghĩ rằng cái âm mưu xâm lược bá quyền của Trung Quốc về phương nam nó không phải xuất hiện gần đây đối với chế độ Cộng Sản Bắc Kinh, mà đây là cái truyền thống bá quyền từ thời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, đã được đảng Cộng Sản Trung Quốc nhân cao hơn trong thời đại ngày nay. Trước cái âm mưu mất nước, cái âm mưu mất đất của tổ tiên để lại, tôi nghĩ rằng mục tiêu của tất cả người Việt trong và ngoài nước là làm sao chống lại xâm lược, làm sao bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ, còn tất cả những chuyện khác, anh em trong nhà tôi nghĩ sẽ tính sau.

- LKT: Điều đó có nghĩa là trong tương lai sẽ có một cái giải pháp nào đó của phía Việt Nam Cộng Hòa để có thể đóng góp vào vấn đề đòi lại Hoàng Sa, có đúng như vậy không?

- ĐKP: Những quý vị có trách nhiệm trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1954 đến năm 1975 ngày nay đang sống ở hải ngoại, tôi tin chắc rằng trong tay quý vị có rất nhiều tư liệu, có rất nhiều bằng chứng để chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa về mặt lịch sử cũng như về mặt pháp lý. Tôi nghĩ rằng bất kể ý thức hệ là Quốc gia hay Cộng sản - bảo vệ tổ quốc là trên hết, tôi nghĩ rằng anh em trong nước cũng như anh em ngoài nước có thể ngồi chung trên một mặt trận để chống quân Trung Quốc xâm lược. Chúng ta phải nhìn thấy bài học của Trung Quốc và Nhật Bản, chúng ta thầy rằng dù là người Trung Quốc, người Macau hay là người Đài Loan, nhưng khi có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản trên hòn đảo Sensaku, thì họ đều ngồi chung trên một chuyến thuyền để đấu tranh cho chủ quyền, chẳng lẽ người Việt Nam chúng ta đứng trước nguy cơ xâm lược lại tự đánh nhau hay sao!

 dien-dan-chinh-tri-_-may_25-2
Luật sư Ngoại trưởng VNCH Vương Văn Bắc mạnh mẽ lên án cuộc xâm lăng của Trung cộng đối với quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Nhân danh chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, Luật sư - Ngoại trưởng Vương Văn Bắc nói: "Trước những sự vi phạm thô bạo đó, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam Cộng Hòa rất công phẫn và quyết không dung thứ. Sự kiện các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những phần tử bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa là một sự kiện hiển nhiên. (Minh họa của VH)
 
- LKT: Hiện nay đã có hai luồng suy nghĩ và hành động khác nhau ở trong nước, đó là phản ứng tự phát của đồng bào đối với vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên bộ cũng như trên biển, ngược lại có một số quan niệm, một số hành động của chính phủ gần như đi ngược lại ý dân, theo ông, ông nhận định thế nào về các cuộc tranh đấu hiện nay ở trong nước?
- ĐKP: Trước nhất tôi xin đính chính, tôi là một trong số những người đã xuống đường tham gia chống bành trướng Trung Quốc, không có cái gọi là biểu tình tự phát, cũng không thể gọi là yêu nước tự phát, yêu nước là trách nhiệm của mỗi một người công dân Việt Nam đối với cái nguy cơ bị xâm lược, nhưng đứng trước một Trung Quốc một cường quốc của thế kỷ 21 hơn hẳn Việt Nam về tất cả các mặt kinh tế, quân sự, vân vân...., thì Việt Nam phải có những cái bước đi phù hợp để tránh chiến tranh bùng nổ, vì chúng ta thấy rằng Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á sau hơn 40 năm chiến tranh và xung đột, thì cái nền hòa bình không phải chỉ riêng là tải sản của Việt Nam, mà nó là một cái tài sản quý giá của toàn bộ khu vực Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương. Trách nhiệm tránh nổ ra chiến tranh, trách nhiệm giải quyết vấn đề xung đột trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ đất nước của mình cũng như bảo vệ nền hòa bình ở Đông Nam Á là một điều rất đáng trân trọng, bước đi đó miễn sao nó phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, phù hợp theo nguyện vọng của các dư luận tiến bộ trên thế giới, phù hợp với công pháp quốc tế, thì chúng ta phải tôn trọng, đương nhiên bất cứ một chính phủ nào họ đều có chiến lược bảo vệ tổ quốc, đôi lúc chiến lược đó chưa đáp ứng được nguyện vọng của toàn thể nhân dân; tôi mong rằng trên dưới một lòng, minh bạch, sáng tỏ, thì cái sự cộng đồng cái sự đoàn kết chung tay để bảo vệ đất nước không thể nào không làm được. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rõ cái điều đó, khi mà trước quân xâm lăng, nhưng nếu nội lực bị tàn phá, sự đoàn kết bị phá hủy, thì đất nước rơi vào tay xâm lược của thực dân, của đế quốc, của các thế lực xâm lược khác. Thời đại Hồ Quý Ly như chúng ta đã biết, "không sợ thiếu quân đánh, chỉ sợ lòng dân không theo", Hồ Nguyên Trừng đã đưa ra một chân lý mà ngày nay vẫn có giá trị.

- LKT: Có một số dư luận ở trong nước nói rằng là không nên đổi hòa bình bằng chủ quyền, ông nghĩ thế nào về cái nguồn dư luận đó?
- ĐKP: Đó là câu nói của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, là không lấy chủ quyền để đổi lấy hòa bình, thì tôi nói rằng đây là một thông điệp rất đanh thép của chính phủ đưa ra trước hoàn cảnh mà chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tôi hy vọng rằng tất cả những chiến lược, những chiến thuật của Việt Nam trước quân xâm lược bá quyền của Trung Quốc phải được đi theo nguyên tắc này, không được lấy chủ quyền của quốc gia dân tộc để đổi lấy hòa bình, một nền hòa bình tạm bợ trước cái âm mưu bá quyền của Bắc Kinh.

- LKT: Giả sử như là giàn khoan HD-981 giống như một cục gạch cắm dùi trên thềm nhà Việt Nam, ông nghĩ thế nào nếu giàn khoan đó nhất định không chịu rút đi?
- ĐKP: Nếu như mà Trung Quốc vẫn ngoan cố không chịu rút gian khoan HD-981, và thậm chí đưa thêm nhiều giàn khoan khác nữa vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì tôi có thể nói rằng đến giờ phút này: ý thức hệ, tình đồng chí, bạn bè, sẽ không giải quyết được vấn đề chủ quyền của quốc gia, không giả quyết được vấn đề toàn vẹn lãnh thổ, không giải quyết được hòa bình và an ninh khu vực vậy thì cái ý thức hệ đó cần phải được thay đổi, cái ý thức hệ đó cần phải được đứng sang một bên để cho các ý thức hệ khác tập trung sức mạnh bảo vệ đất nước.
 dien-dan-chinh-tri-_-may_25-3
dien-dan-chinh-tri-_-may_25-4
- LKT: Giả sử như có một cuộc hải chiến diễn ra đối với giàn khoan HD-981, thì hậu quả của nó sẽ như thế nào ông có thể lường được trước không?
- ĐKP: Xét về mặt quân sự, nếu có chiến tranh trên biển, chiến tranh trên không, thì rõ ràng Việt Nam không phải là đối thủ của Trung Quốc, nhưng ví dụ như nếu chiến tranh xảy ra trên Biển Đông, người thiệt hại đầu tiên là Đài Loan, là Nhật Bản, là Hàn Quốc, là Trung Quốc… vấn đề đó nó sẽ chi phối mối quan hệ quốc tế, và tôi nghĩ rằng chính phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cũng như chính phủ Bắc Kinh hiện nay không ai mong gì chiến tranh xảy ra, vì trong thời đại này, chiến tranh không từ một ai, không có kẻ thắng, người thua, mà tất cả đều bại.

- LKT: Cám ơn ông Đinh Kim Phúc đã trả lời cuộc phỏng vấn của chúng tôi. Hôm nay là ngày thứ Năm 22-05-2014 tại Sài Gòn, xin cám ơn ông một lần nữa.
- ĐKP: Xin cám ơn anh Lý Kiến Trúc./