Quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Biden

21 Tháng Mười Một 20205:25 CH(Xem: 9026)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ - THỨ BẨY 21 NOV 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Biden


20/11/2020


Phạm Phú Khải


image005Tập Cận Bình và Joe Biden, tháng Chín, 2015.


Hôm 13 tháng 11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc rốt cuộc cũng chính thức chúc mừng liên danh Dân chủ Biden – Harris.


Vào bầu cử năm 2016, một ngày sau khi có tin ông Trump chiếm hơn 270 cử tri đoàn, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi lời chúc mừng tổng thống đắc cử Donald Trump.


Nhưng mối quan hệ Mỹ - Trung chưa bao giờ thấp như hiện nay. Tranh chấp giữa hai nước đang diễn ra ở mức độ chưa từng có, từ công nghệ và thương mại đến Hồng Kông và Covid-19. Chính quyền Trump đã tung ra một loạt các biện pháp trừng phạt chống lại Bắc Kinh.


Hiện nay, nhiều người Việt có vẻ tin rằng nếu ông Biden lên làm tổng thống thì sẽ dễ dãi, nhượng bộ, hay ngay cả nhu nhược, với Trung Quốc. Họ thích tính cách cứng rắn và cương quyết của Tổng thống Donald Trump hơn. Trong thâm tâm người Việt, Trung Quốc là mối đe dọa lớn lao đối với sự tồn tại của Việt Nam hiện nay. Vì thế nếu có một tổng thống Mỹ mạnh mẽ quyết đoán để có thể đối đầu và bắt buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm cho các hành vi hung hăng của mình, nhất là với các nước nhỏ, trong đó có Việt Nam, thì ai nấy đều cảm thấy phần nào công lý được đền đáp.


Trong suốt 4 năm qua, quả thật chính quyền Trump cương quyết và mạnh mẽ với Trung Quốc, hơn thời của Barack Obama. Nhưng dù cương quyết, nhất là vấn đề thương chiến, chính quyền Trump vẫn chưa gặt hái được thành quả gì đang kể. Có thể một phần bị đại dịch Covid-19 làm gián đoạn. Trong khi đó, chỉ gần cuối nhiệm kỳ thì chính quyền Trump mới dồn nỗ lực đẩy mạnh thế liên minh với Bộ tứ (QUAD) với mục đích củng cố hợp tác chiến lược và cổ vũ cho một khu vực Ấn độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Ông Pompeo cũng đến Việt Nam vào cuối tháng 10 vừa qua để vận động cho một tầm nhìn chung về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở.


Dù sao, để đánh giá xác thực hơn chính sách của chính quyền Trump đối với Trung Quốc, nó phải cần một thời gian để các sử gia phân tích một cách công tâm hơn dựa trên chứng cớ và các tài liệu mật mà hiện nay chưa tiết lộ.


Trở lại chính quyền tổng thống đắc cử Joseph Biden: các chính sách của Biden sẽ thay đổi ra sao đối với Trung Quốc?


Một số chuyên gia bang giao quốc tế cho rằng chưa bao giờ Trung Quốc quan sát cuộc bầu cử Mỹ với sự âu lo như lần này. Lý do?


Nếu ông Trump tái đắc cử, ông cũng sẽ tiếp tục các biện pháp cứng rắn hiện nay. Điều mà Trung Quốc không hề muốn.


Còn nếu ông Biden lên thay thế, một cách thực tế thì Bắc Kinh cũng không mong đợi sự khoan nhượng hay dễ dãi từ tân chính phủ này.


Nên nhớ Biden đã từng gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một “tên côn đồ”, và thề sẽ dẫn đầu một chiến dịch quốc tế nhằm “gây áp lực, cô lập và trừng phạt Trung Quốc”. Chiến dịch của Biden cũng đã gán cho các hành động của Trung Quốc chống lại người Hồi giáo ở Tân Cương là "tội diệt chủng".


Biden từng khẳng định rằng "Hoa Kỳ cần phải cứng rắn với Trung Quốc", và “cách hiệu quả nhất để đối mặt với thách thức đó là xây dựng một mặt trận thống nhất gồm các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ để đối đầu với các hành vi lạm dụng và vi phạm nhân quyền của Trung Quốc”.


Trong những năm qua, với sự hung hăng và trí trá của Trung Quốc, Đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều thấy có nhu cầu kiềm hãm sự trổi dậy của họ, tuy cách thức sẽ khác nhau.


Giữa hai chọn lựa không mấy ưa thích này, Bắc Kinh có lẽ muốn làm việc với ông Biden hơn, theo Shi Yinhong, một giáo sư Mỹ học (American studies) tại đại học Renmin, và là cố vấn cho Hội Đồng Quốc Gia (cơ quan chính phủ hàng đầu) của Trung Quốc. Shi biện luận rằng chính sách của ông Biden đối với Trung Quốc sẽ mang tính cách ổn định và dễ dự đoán hơn. Shi cũng cho rằng cơ hội để chấm dứt sự leo thang “ăn miếng trả miếng” giữa hai bên cũng ngắn vì tình hình nội bộ chính trị của Mỹ và sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.


Ông Biden chắc sẽ mất một thời gian dài để xây dựng một chính sách toàn diện, từ thương mại và công nghệ đến nhân quyền cho đến các mối quan tâm chiến lược liên quan đến Biển Đông, Đài Loan và sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc với các nước láng giềng. Nhưng ông Biden cần tập trung hai chiến lược ưu tiên. Một, phối hợp chặt chẽ với các đồng minh ở châu Á và châu Âu, thì các chính sách khác sẽ được ủng hộ rộng rãi hơn và do đó có nhiều khả năng thành công hơn. Hai, sẵn sàng triệu tập một cuộc đối thoại chiến lược, nghiêm túc với Bắc Kinh, để qua đó xác định các lĩnh vực hợp tác tiềm năng (như về Triều Tiên và biến đổi khí hậu) và hạn chế các lĩnh vực bất đồng không thể tránh khỏi.


Giới tình báo và tinh hoa Mỹ đều hiểu rõ cung cách hành xử hung hăng này của Trung Quốc, mà ngày càng lộ liễu hơn. Tạp chí Economist cho rằng bất kỳ mối quan hệ hợp tác nào của Trung Quốc với Mỹ cũng phải được hiểu rằng nó là một nỗ lực câu giờ trong khi Trung Quốc chạy đua để trở nên mạnh mẽ hơn. Bởi vì Bắc Kinh không che giấu thế giới quan của họ rằng chỉ những người có quyền lực mới được đối xử tôn trọng.


Hai bài viết (12) mới nhất trên tạp chí Economist phân tích khá hay. Chiến tranh Lạnh số 1 (với Liên Xô) tập trung vào vấn đề vũ khí hạt nhân và ý thức hệ chính trị. Còn chiến tranh lạnh lần này (với Trung Quốc) thì khác, nằm ở nhiều mặt trận khác nhau: công nghệ thông tin, chất bán dẫn, dữ liệu, mạng 5G, tiêu chuẩn internet, trí tuệ nhân tạo (AI) và máy điện toán lượng tử. Trung Quốc hiểu con đường để gia tăng sức mạnh nằm ở khoa học kỹ thuật. Mỹ có thể vượt trội về mặt quân sự, nhưng trong 10, 20 năm tới, cuộc chạy đua đường dài sẽ quyết định ưu thế thắng lợi. Mỹ cần một cuộc “thương lượng lớn” (grand bargain) để có sự hợp tác với các quốc gia tại Âu châu và Á châu, tập hợp tổng lực cần thiết cho mục tiêu này. Vì như thế nên ông Biden rất có thể sẽ duy trì các chính sách cứng rắn thời ông Trump, đặc biệt về an ninh quốc gia, cũng như các biện pháp tách rời, chế tài, và kiềm chế sự lợi dụng của Trung Quốc trong việc chuyển giao công nghệ v.v…


Tóm lại, người Việt nào đang lo lắng về ông Biden có thể yên tâm rằng chính sách đối ngoại của chính quyền tổng thống đắc cử Biden sẽ tiếp tục đặt quyền lợi của nước Mỹ lên trên hết, như mọi chính quyền khác trước đây. Đó là điều bất biến trong mọi chính sách đối ngoại của Mỹ, dù Dân chủ hay Cộng hòa. Thêm vào đó, theo sự nhận xét của các chuyên gia ngoại giao thì chính quyền Biden sẽ không thay đổi hoàn toàn các chính sách thời ông Trump, nhưng cân nhắc lợi hại và vẫn nỗ lực xây dựng thế liên minh rộng rãi hơn tại Âu châu và Á châu. Ông Biden xem đồng minh là số nhân sức mạnh của Mỹ, để qua đó tạo mọi áp lực lên Trung Quốc buộc họ phải thay đổi hành xử để trách nhiệm hơn về nhiều mặt, trong đó có Biển Đông. (theo VOA)