VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ - THỨ TƯ 04 NOV 2020
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)
Câu chuyện của báo Công An với Đại sứ Daniel J. Kritenbrink (*)
LỜI TÒA SOẠN:
Nhà báo Phan Đăng (báo Công An Nhân Dân) trò chuyện cùng Đại sứ Daniel J. Kritenbrink. Nguồn ảnh: CAND
Bài phỏng vấn quan trọng của báo Công an Nhân dân hôm 31/10/2020 tại Hà Nội với Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink ngày 31/10/2020 với tựa đề: Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Daniel J. Kritenbrink: “Ước gì có thể ở Việt Nam mãi mãi...” (xem nguyên văn tại mục TỪ CALIFORNIA TỚI KHẮP NƠI).
Bài phỏng vấn đăng trên báo Công An Nhân Dân ngày 31/10/2020 với tựa đề: Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Daniel J. Kritenbrink: “Ước gì có thể ở Việt Nam mãi mãi...” (xem nguyên văn tại mục TỪ CALIFORNIA TỚI KHẮP NƠI).
Phần dưới là bài viết của đài VOA tómlược những nội dung quan trọng bài phỏng vấn của báo Công An với tựa đề mới: ĐS Kritenbrink: Việt Nam là ‘trung tâm’ trong tầm nhìn của Mỹ ở khu vực.
Báo Văn Hóa Online-California (nhatbaovanhoa.com) có vài dòng nhận định:
Bài phỏng vấn được thực hiện có vẻ gấp gáp trước khi nước Mỹ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống có ba ngày, quyết định Tổng thống Mỹ là người thuộc đảng Cộng Hòa hay đảng Dân Chủ. Trong bốn năm dưới thời Tổng thống Trump - đảng Cộng Hòa, chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Việt Nam đang trên đà hai bên cùng mở rộng qua nhiều lãnh vực như an ninh quốc phòng, quân sự, chính trị , kinh tế ...
(Chú thích: Nếu ông Joe Biden - đảng Dân Chủ thắng cử, có thể thay Đại sứ Mỹ tại Việt Nam).
Trả lời cuộc phỏng vấn, Đại sứ Daniel Kritenbrink gần như đã nói trắng, nói thẳng, chính sách đối ngoại và tầm nhìn của Mỹ đối với Việt Nam; về vị trí chiến lược trung tâm của Việt Nam và chủ trương của Việt Nam ở biển South China Sea và biển Đông không thể tách rời chiến lược Indo - Biển Đông - Pacific mà Tổng thống Donald Trump đã công bố tại Hội nghị APEC 2017 tại Đà Năng; về quan điểm chính trị của Mỹ đối với nền chính trị Việt Nam; về khả năng di chuyển các nhà máy sản xuất của các công ty Mỹ ra khỏi Trung Quốc sang Việt Nam, về lợi ích quốc gia hai bên cùng có lợi, đặc biệt, Mỹ mong muốn, trợ giúp Việt Nam trở thành con rồng Châu á; khuyến khích niềm tin của Việt Nam đối với Hoa Kỳ bây giờ là Washington, D.C. + Hà Nội chứ không phải Washington, D.C. + Saigon trước 1975; v.v...
Cũng xin nhắc lại, cùng một thời điểm, tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (Nhật - một đồng minh lớn của Mỹ) hiện đang là thành viên quân sự trong bộ tứ kim cương Quad Plus (Mỹ - Nhật- Ấn - Úc), ngay khi nhậm chức thủ tướng đã đến Hà Nội hôm 19/10/2020, sau đó ông đến Jakatar khẳng định con đường chiến lược Indo-Pacifia không thể đảo ngược; Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Hà Nội ngày 28/10/2020 chứng kiến các hiệp định thương mại song phương Việt-Mỹ trị giá lên tới hàng tỉ đô la. (lkt)
++++++++++++++++++++++++++++++++
ĐS Kritenbrink: Việt Nam là ‘trung tâm’ trong tầm nhìn của Mỹ ở khu vực
VOA 02/11/2020
Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Daniel Kritenbrink, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Công an Nhân dân hôm 31/10, nói rằng Việt Nam là trọng tâm trong chiến lược ở khu vực của Mỹ và có thể "tin tưởng" vào Washington. (Ảnh chụp màn hình Công an Nhân dân)
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết rằng Việt Nam đóng vai trò “trung tâm” trong tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và tái khẳng định rằng Mỹ sẽ không vì lợi ích quốc gia mà ‘bỏ rơi’ Việt Nam.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn dài gần 2 tiếng đồng hồ với báo Công an Nhân dân hôm 31/10/2020, người đứng đầu phái đoàn ngoại giao của Hoa Kỳ đưa ra khẳng định trên, chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ bất ngờ tới thăm Việt Nam để tái khẳng định sự lớn mạnh của quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
Đại sứ Kritenbrink nói với phóng viên của Công an Nhân dân rằng Việt Nam hiện là “một trong những đối tác quan trọng nhất” của Mỹ trên thế giới và rằng Việt Nam “có vai trò trung tâm trong tầm nhìn” của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á khi được hỏi “Việt Nam thực sự nằm ở đâu trong chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ?”.
Năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump tới dự Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng và công bố tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Chiến lược này được cho là nhằm tăng ảnh hưởng của Mỹ và kiềm chế sự bành trướng quyền lực của Trung Quốc trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Hoa Kỳ ủng hộ một vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó có Biển Đông. Với chiến lược này, Việt Nam dường như trở thành một đối tác quan trọng hơn đối với Mỹ khi Tổng thống Trump đã hai lần tới thăm Việt Nam và bộ trưởng quốc phòng Mỹ có ba chuyến công du tới Hà Nội trong 3 năm trở lại đây.
“Quan niệm của chúng tôi là: An ninh và sự thịnh vượng của mình chỉ được đảm bảo khi có được những người bạn cũng vững mạnh và thịnh vượng trên khắp thế giới,” Đại sứ Mỹ nói. “Ở khu vực Thái Bình Dương, khi chúng tôi có một đối tác là Việt Nam độc lập, thịnh vượng thì chúng tôi cũng sẽ duy trì được sự thịnh vượng của mình.”
Đại sứ Kritenbrink hồi tháng 8 nói rằng quan hệ đối tác giữa Washington và Hà Nội sẽ giúp Việt Nam vượt lên các nước khác trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang quyết liệt đẩy mạnh việc đưa chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc, trong đó có việc di chuyển các nhà máy sản xuất của các công ty Mỹ ra khỏi nước này sang Việt Nam.
Khi được hỏi về nhận định của các nhà bình luận chính trị rằng nước Mỹ “sẵn sàng chìa tay ra” khi “cần bạn bè đồng minh để đảm bảo lợi ích và duy trì vai trò số 1 của mình trên thế giới” nhưng lại “sẵn sàng thoả thuận trên lưng bạn bè, đồng minh, khiến những nước nhỏ phải trả giá đắt” khi “không cần nữa”, Đại sứ Kritenbrink cho biết rằng “cũng dễ hiểu khi các nhà lãnh đạo Mỹ phải ưu tiên lợi ích quốc gia Mỹ.”
“Tổng thống Donald Trump từng có khẩu hiệu ‘Nước Mỹ trên hết’ nhưng ‘Nước Mỹ trên hết’ không có nghĩa là nước Mỹ đứng một mình,” Đại sứ Kritenbrink nói. “Tôi nghĩ là đất nước và người dân chúng tôi cũng đã hội được rất nhiều bài học lịch sử của chính mình, trong đó có bài học là không thể đứng một mình.”
Vào năm 1972, nhiều người Việt Nam tin rằng chính phủ Mỹ đã “bỏ rơi” đồng minh của mình lúc đó là Việt Nam Cộng hoà sau khi rút quân về nước và “bắt tay” với Trung Quốc nhằm chống lại Liên Xô.
“Điều cốt lõi trong chính sách ngoại giao của chúng tôi… đó là chúng tôi có lợi ích trong việc có được những đồng minh, đối tác và bạn bè tự chủ, thịnh vượng,” Đại sứ Kritenbrink giải thích và cho biết rằng Mỹ có sự hỗ trợ về các đối tác hiện có của Mỹ trên khắp thế giới. “Tôi muốn nói rằng: Các bạn hoàn toàn có thể tin tưởng nước Mỹ.”
Mỹ gần đây đã ủng hộ và cam kết với Hà Nội nhiều hơn trong nhiều vấn đề từ an ninh, kinh tế cho tới hợp tác chống đại dịch.
Trong năm nay, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng cùng nhiều thượng nghị sỹ Mỹ đã mạnh mẽ lên tiếng ủng hộ Hà Nội khi lên án Bắc Kinh về các hành vi “bắt nạt” Việt Nam và các nước trong khu vực, đặc biệt sau khi Bắc Kinh đưa tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi.
Trong chuyến thăm tới Hà Nội hôm 29-30/10, Ngoại trưởng Pompeo công bố khoản hỗ trợ thêm 2 triệu USD giúp Việt Nam khắc phục hậu quả lũ lụt ở miền Trung, trong khi bày tỏ mong muốn với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng Hoa Kỳ tiếp tục cùng với Việt Nam xây dựng mối quan hệ và làm cho khu vực Đông Nam Á, châu Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở nên an toàn, hoà bình và thịnh vượng. /