LÊ XUÂN NHUẬN: BTL QUÂN-ĐOÀN I VÀ QUÂN-KHU I

04 Tháng Tư 20209:28 SA(Xem: 8991)

VĂN HÓA ONLINE - CỘNG ĐỒNG - THỨ BẨY 04 APRIL 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  vaamacali@gmail.com (VănHóa Online-California)


LÊ XUÂN NHUẬN: BTL QUÂN-ĐOÀN I VÀ QUÂN-KHU I


(hồi-ký lịch-sử)


image049image048


BỘ TƯ-LỆNH QUÂN-ĐOÀN I VÀ QUÂN-KHU I


KỂ từ ngày bãi-bỏ các Tòa Đại-Biểu Chính-Phủ cấp Vùng (một tổ-chức hành-chánh dưới thời “Đệ-Nhất Cộng-Hòa” của Tổng-Thống Ngô Đình Diệm, thay-thế các Phủ Thủ-Hiến/Tổng-Trấn cấp Phần/Kỳ dưới thời “Quốc-Gia Việt-Nam” của Quốc-Trưởng Bảo-Đại), các “Tướng Vùng” (Tư-Lệnh Quân Đoàn và Vùng Chiến-Thuật) đã hiển-nhiên trở thành Thủ-Hiến hoặc Đại-Biểu Chính-Phủ tại Vùng của mình rồi.


Sau khi bãi-bỏ luôn chức-vụ Phụ-Tá Hành-Chánh bên cạnh Tư-Lệnh Vùng Chiến-Thuật, các “Tướng Vùng (nay là Quân-Khu)” càng có nhiều quyền-hành hơn đối với các cơ-quan dân-chính cấp Vùng (Khu) mà nhiệm-vụ được xem là những nỗ-lực chính của Chương-Trình Bình Định & Phát Triển, qua Trung-Tâm Thường-Trực của Hội-Đồng Bình Định & Phát Triển Quân-Khu, thuộc Bộ Tư-Lệnh Quân-Khu, mà nhân-viên toàn là quân-nhân, dưới quyền chỉ-huy của Phó Tư-Lệnh Quân-Khu .


Riêng Cảnh-Lực thì hoạt-động đi sát với Quân-Lực hơn, nên Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Vùng/Khu, với tư-cách Trưởng một Cơ-Quan thuộc Quân-Khu, trực-tiếp nhận chỉ-thị từ Tư-Lệnh Quân-Khu.


Nói chung là Cảnh-Lực, nhưng thực-sự thì chỉ có Cảnh-Sát Đặc-Biệt là có phần lớn trách-vụ tương-quan với Quân-Lực, qua hai ngành Quân-Báo (Phòng Nhì) và Quân-An (An-Ninh Quân-Đội). Ngoài ra, Đặc-Cảnh cũng chịu trách-nhiệm thực-hiện một trong các mục-tiêu chính của Chương-Trình Bình Định & Phát Triển: an-ninh nông-thôn.


Theo Sắc-Lệnh của Chính-Phủ cải-tổ Cảnh-Sát Đặc-Biệt thành Ngành Đặc-Biệt vào năm 1970, một năm trước cuộc cải-tổ của Cảnh-Sát Sắc-Phục, chức-vụ của tôi được xếp vào hàng Giám-Đốc một Nha-có-nhiều-Sở, và có trách-nhiệm trực-tiếp báo-cáo tình-hình lên Tư-Lệnh Quân-Khu, tức tôi cũng là một Trưởng Cơ-Quan cấp Quân-Khu.


Sau cuộc hội-thảo mà tôi tổ-chức tại Bộ Chỉ-Huy CSQG Khu I, và sau các cuộc thanh-sát của tôi tại từng Tỉnh+Thị và Quận trong Vùng, tôi đã nhận thấy Đặc-Cảnh Vùng I có một tiềm-năng rất lớn, cần được khai-dụng tối-đa.


Tuy nhiên, trong bối-cảnh chiến-tranh và trước ưu-thế đương-nhiên của phía quân-sự, tôi cần trước tiên đạt được cảm-tình và niềm tin của giới quân-nhân.


Trong tinh-thần đó, để bắt đầu các hoạt-động đối-ngoại của Ngành, tôi phải sớm đến ra mắt các cấp lãnh-đạo và điều-hành Quân-Khu ở đây.  


Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng


  Tại Quân-Khu I, tôi ít gặp Trung-Tướng Tư-Lệnh Ngô Quang Trưởng, nếu so-sánh với các Trung-Tướng Tư-Lệnh Vĩnh Lộc, Lữ Lan, Ngô Du, Nguyễn Văn Toàn, như hồi tôi còn làm việc ở Quân-Khu II. Tướng Trưởng dùng phần lớn thì giờ của ông để đi thị-sát bên ngoài, ít ở văn-phòng.


Tuy thế, trong tâm-tưởng tôi cảm thấy gặp-gỡ và gần-gũi ông thường-xuyên. Viên trung-tướng ấy, như ở Sài-Gòn cũng như ở Vùng II tôi nghe nhiều người ca-tụng, quả là một nhân-vật lý-tưởng của xã-hội đương-thời. Địa-vị của người quân-nhân đã dược nâng lên hàng đầu trong bốn giới Quân, Công, Cán, Chínhmà người quân-nhân ấy lại đã ở trên đỉnh cao của chức-vụ (“Tướng Vùng” là “lãnh-chúa” của Vùng rồi). Nào là được đề-bạt lên chức-vụ cao hơn ở Trung-Ương nhưng ông thoái-thác, tình-nguyện ở lại trấn-giữ vùng địa-đầu đầy gian-nguy này của Quê Hương; nào là tận-tụy dồn hết tâm-trí, công-sức và thì-giờ vào công cuộc chống Cộng ngay ở trận tiền, hiếm khi hưởng-lạc ở thị-thành; nào là được Tổ-Chức Liên-Phòng Đông-Nam-Á (SEATO= South East Asia Treaty Organization) mời qua Thái-Lan hàng tháng để thuyết-trình về nỗ-lực và kinh-nghiệm chiến-trường Việt-Nam; nào là không có tham-vọng chính-trị nên được Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu tin yêu, an-tâm rằng ông sẽ không bao giờ ly-khai Trung-Ương như toan-tính của cựu Trung-Tướng Nguyễn Chánh Thi ngày xưa...


  Một hôm, trong lúc chờ đợi tập-trung tài-liệu đem đi họp lần đầu tiên với Quân-Đoàn I tại văn-phòng của Đại-Tá Hoàng Mạnh Đáng, Tham-Mưu Trưởng Quân-Đoàn và Quân-Khu, một số sĩ-quan cao-cấp đã ngẫu-nhiên đề-cập với tôi về Trung-Tướng Trưởng: nào là ông đã nghiêm-phạt một viên tướng Tư-Lệnh Sư-Đoàn vì liên-đới chịu trách-nhiệm trong vụ một đơn-vị thuộc quyền lùa bò của dân-nhân; nào là ông đã trừng-trị một viên đại-tá Trưởng Cơ-Quan vì tham-nhũng đối với ngân-sách Phát-Triển Nông-Thôn; nào là ông dùng trực-thăng bay khắp Quân-Khu, đích-thân kiểm-soát tình-hình mọi mặt, mọi nơi, kể cả giám-sát tác-phong kỷ-luật của quân-nhân dọc đường cũng như tại các đồn trại xa-xôi, vào những ngày giờ bất-ngờ nhất; nào là ông chỉ mặc chiến-phục với áo giáp, mũ sắt, sẵn-sàng tác-chiến bất-cứ lúc nào... Dư-luận cũng đồn là ông đã từng tát tai một viên Bộ-Trưởng hãnh-tiến tại phi-trường...


Vô-số việc làm điển-hình của Tướng Trưởng đã được kể lại với tôi bằng lời-lẽ và thái độ đầy thán-phục, gây trong tôi một xúc động mạnh và một ấn-tượng sâu, đến nỗi sau đó, lúc tôi leo lên giữa chừng cầu thang dẫn đến văn-phòng của ông và của Đại-Tá Đáng, thình-lình gặp ông bước xuống, tôi bỗng khựng người. Sừng-sững trước tôi quả là hình-ảnh vĩ-đại của một “người hùng” mặc-áo-giáp, đội-mũ-sắt, thực-tế mà hoang-đường như trong huyền-thoại thời xưa. Ông hỏi tôi đến làm gì, tôi nghẹn-ngào nói không nên lời, khiến Đại-Tá Lê Quang Nhơn, Chánh-Sở I An-Ninh Quân-Đội, cùng đi với tôi, phải trả lời thay.


  Thế là tôi đã có một lãnh-tụ chống-Cộng khả-tín cho toàn Vùng Chiến-Tuyến sôi-sục này.


Thiếu-Tướng Hoàng Văn Lạc


  Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng đã đồng-ý để chúng tôilà Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Sát Quốc-Gia Khu I, Trưởng Phòng 2 Quân-Đoàn I & Quân-Khu I, Chánh Sở I An-Ninh Quân-Đội, và tôi là Giám-Đốc Ngành Đặc-Biệt Khu I, cùng “Người Bạn Đồng-Minh” của tôihọp mặt hàng tuần tại văn-phòng của Đại-Tá Hoàng Mạnh Đáng, Tham Mưu Trưởng của ông.


Đó là nỗ-lực phối-hợp tình-báo và hành-quân.


  Còn về an-ninh lãnh-thổ/nội-chính thì chúng tôi gặp nhau tại văn-phòng của Thiếu-Tướng Hoàng Văn Lạc, Tư-Lệnh Phó Quân-Khu.


Tham dự tại đây có thêm Phụ-Tá CHT/CSQG Khu I đặc-trách Phụng-Hoàng, tức là Phụ-Tá Tổng-Thư-Ký Trung-Tâm Thường-Trực của Ủy-Ban “Phụng Hoàng” Quân-Khu I, nhưng không có “Người Bạn Đồng-Minh”.


  Ngay trong phiên họp mà lần đầu tiên có tôi, Tướng Lạc nhấn mạnh đến tình-hình an-ninh chung, nhất là ngay giữa và xung quanh Thị-Xã Đà-Nẵng, nơi Quân-Đoàn I và Quân-Khu I đặt tổng-hành dinh, nơi bây giờ là thủ-phủ của Miền Trung.


Các vấn-đề điển-hình được nêu ra:


Kho Xăng lớn nhất của Quân-Khu I ở Liên-Chiểu, sát bên chân Đèo Hải-Vân, đã bị Việt-Cộng tấn-công mấy lần; các bồn xăng dự-trữ quan-trọng khác ở giữa nội-thành Đà-Nẵng cũng bị đặc-công Việt-Cộng cắt rào thép gai dở chừng (năm rồi đã bị đặt bom phá hủy một số lượng lớn xăng dầu); xe lửa từ Huế, vào khỏi hầm Đèo Hải-Vân là bị Việt-Cộng giật mìn đều đều; đặc-biệt là ở phía nam Núi Ngũ-Hành-Sơn, phi-cơ trực-thăng của Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng thường bị Việt-Cộng bắn sẻ, nên ông phải tránh vùng đó bằng cách bay vòng ra xa...


 Tôi không cần thắc-mắc tại sao Bộ Tư-Lệnh Quân-Đoàn I & Quân-Khu I và Bộ Chỉ-Huy CSQG Khu I đóng ở đó, mà các cơ-quan/đơn-vị Quân-Lực và Cảnh-Lực sở-tại đã không thanh-toán được các ung-nhọt kinh-niên này.


  Tôi liền tự-nguyện đảm-trách việc phục-hồi và bảo-đảm an-ninh lâu dài cho các nơi kể trên.


Tôi còn đề-nghị để cho Cảnh-Lực nói chung, Ngành Đặc-Biệt nói riêng, do tôi đích-thân nhập cuộc, đảm-nhận vai trò chủ-trì trong các hoạt-động cả chìm lẫn nổi, tiễu-trừ cộng-sản và duy-trì an-ninh lãnh-thổ, bất-cứ tại vùng đất nào có thường-dân cư-trú và sinh-hoạt, bắt đầu từ các thị-xã, quận-lỵ, trên khắp Quân-Khu.


Tôi chỉ xin một chữ ký của Tư-Lệnh Quân-Đoàn và Quân-Khu, thông-báo việc này cho hết thảy các cơ-quan và đơn-vị quân-sự trên toàn Vùng đều biết để tuân-hành.


  Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư-Lệnh Quân-Đoàn I và Quân-Khu I, đã chấp-thuận đề-nghị ấy của tôi.  


Phòng Nhì và An-Ninh Quân Đội


  Nói chung thì quân-nhân không ưa gì cảnh-nhân; nói riêng thì, trong lãnh-vực tình-báo, có sự bất-đồng ý-kiến, nếu không muốn nói là tranh-giành ảnh-hưởng giữa Quân-Báo, Quân-An, với Cảnh-Sát Quốc-Gia [Đặc-Cảnh]. Tuy thời-gian sau này quân-nhân các cấp được biệt-phái qua Cảnh-Lực rất đông, và sĩ-quan quân-lai nắm giữ đa-số chức-vụ chỉ-huy trong ngành Áp-Pháp, nên sự giao-tiếp giữa hai bên ở cấp cao và ở bề mặt đã được cải-thiện khá nhiều; nhưng trong các đụng chạm hằng ngày, kể cả trong việc phối-hợp công-tác, phần lép vế vẫn thường dành cho phía cảnh-nhân.


Ai cũng biết, trong địa-hạt tình-báo quân-sự, các chuyên-viên quân-nhân đương-nhiên thành-thạo hơn; huống chi trong thời chiến, Quân-Báo được trang-bị các phương-tiện máy-móc, dụng-cụ và kỹ-thuật tối-tân qua nguồn quân-viện là ngân-sách chính-yếu của Hoa-Kỳ; được sự yểm-trợ của không-ảnh; được ưu-tiên khai-thác các tài-liệu bắt được tại chiến-trường; được ưu-tiên thẩm-vấn mọi nguồn tin, kể cả hồi-chánh-viên, can-phạm và tù-binh do Đặc-Cảnh bắt được. Điểm yếu của Đặc-Cảnh là cũng thu-lượm tin-tức quân-sự, nhưng thiếu hoàn-cảnh xác-nhận, lại thừa cảnh-giác bị-trách, nên tin-tức nào nhận được cũng đều chuyển tiếp đến Phòng Nhì; rốt cuộc có nhiều báo-cáo của các cấp cao mà chỉ có giá-trị thấp, thậm-chí không có giá-trị gì. (Các cấp lãnh-đạo Đặc-Cảnh ở Trung-Ương hầu như không chú ý đến điều này.)


Đối với tôi, vấn-đề phân-minh hơn. Đặc-Cảnh mà cũng am-tường về quân-sự thì lại càng tốt chứ sao. Thí-dụ, để đạt được điều đó, suốt nhiều năm qua, tôi đã nhịn ăn điểm-tâm mỗi ngày để kịp đến dự các buổi thuyết-trình sáng sớm tại Bộ Tư-Lệnh Quân-Đoàn II, hồi còn đóng ở Pleiku, và Bộ Tư-Lệnh Quân-Khu II, hồi đã dời về Nha-Trang, để theo sát diễn-biến tình-hình và nắm vững các vấn-đề quân-sự khắp Vùng, hòa mình với các cấp chỉ-huy các giới quân-nhân, nên khi lâm-sự là bản-thân được nể-vì và do đó công-vụ được phối-hợp chân-tình.


Tuy nhiên, mỗi cơ-quan có một chức-năng riêng, mỗi phần-vụ có một trách-nhiệm riêng. An-ninh và tình-báo đâu phải chỉ đóng khung trong phạm-vi quân-sự, dù cho đất nước đang trong tình-trạng chiến-tranh.


  Cộng-sản không phải chỉ là các đơn-vị quân-sự hay các lực-lượng vũ-trang, phục-kích, tấn-công. Nếu không có các lực-lượng chính-quy làm gió bão, thì chính các tổ-chức chính-trị và dân-sự của địch cũng vẫn là những ổ ẩn và nôi nuôi cho các loại mối-mọt và dịch-khí, đủ sức đục rỗng, xói mòn, làm sụp đổ nền móng của Quốc-Gia.


Đó là Đảng Nhân Dân Cách Mạng (Đảng Lao Động trá-hình); Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng; Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam; các hội đoàn nhân dân như Công Đoàn, Nông Hội, Phụ Nữ, Thanh Niên, Sinh Viên, Học Sinh; với các Đảng Ủy, Ủy Ban Mặt Trận, cơ quan nhà nước, chi nhánh hội đoàn, từ trung ương xuống đến xã thôn; các bộ-phận điệp-báo, đặc-công, tuyên-truyền, địch-vận, trí-vận, tôn-giáo-vận, kinh-tài, tiếp-tế, giao-liên...


Tất cả đều là đối-tượng của Đặc-Cảnh; mà chúng lại là những kẻ thù siêu-biên-giới, vạn-trạng thiên-hình.


  Đồng-ý với nhận-thức đó của tôi, Đại-Tá Phạm Văn Phô, Trưởng Phòng 2 Quân-Đoàn I và Quân-Khu I, đã thỏa-thuận thông-báo và chuyển-giao cho tôi tất cả những tin-tức và tài-liệu nào có liên-quan đến chính-trị và dân-sự Việt-Cộng mà phía Quân-Báo có được.


Phần tôi thì chỉ cung-cấp cho Phòng Nhì những tin-tức và tài-liệu nào mà tôi đã đích-thân lọc lựa, kiểm xác, có giá-trị cao.


  Từ trước đến nay, tất cả các cơ-quan tình-báo cũng như đơn-vị hành-quân khắp nước đều căn-cứ vào tài-liệu “Trận Liệt Việt-Cộng” do Phòng Nhì soạn-thảo, như một bộ từ-điển tổng-hợp về tổ-chức và nhân-sự của địch, để truy-tầm, phát-hiện, và xác-định lý-lịch cùng chức-vụ của từng phần-tử cộng-sản có được trước mặt hoặc trong tay.


Tuy nhiên, nhận thấy về phía chính-trị và dân-sự thì Ngành Đặc-Cảnh của tôi có đầy-đủ dữ-kiện hơn, nên tôi đề-nghị, và Bộ Tư-Lệnh Quân-Đoàn I và Quân-Khu I đã chấp-thuận, từ nay trở đi “Trận-Liệt Việt Cộng” được chia ra làm hai phần: Phòng Nhì chỉ lập Trận Liệt Quân-Sự, còn Trận Liệt Chính-Trị thì tôi đảm-nhận cho Ngành Đặc-Cảnh của tôi thực-hiện, cùng được lưu-hành và sử-dụng khắp Quân-Khu, cũng như phổ-biến lên Trung-Ương (Bộ Tổng-Tham-Mưu, Phủ Đặc-Ủy Trung-Ương Tình-Báo, Bộ Chiêu-Hồi, Bộ Tư-Lệnh CSQG, v.v...) và vào Quân-Khu II là lãnh-thổ giáp-biên, để mọi cơ-quan đơn-vị đều tham-khảo trong đó tất cả những gì có liên-quan đến Việt-Cộng ở Miền Trung.


  Dưới thời Thiếu-Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ-Tịch Ủy-Ban Hành-Pháp Trung Ương, Đại-Tá (về sau là Thiếu-Tướng) Nguyễn Ngọc Loan, Giám Đốc An-Ninh Quân-Đội, được cử kiêm-nhiệm Tổng-Giám Đốc Cảnh-Sát Quốc-Gia, đã ra lệnh cho Cảnh-Sát phải cung-cấp mọi tin-tức tài-liệu cho Quân-An. Từ đó về sau, việc ấy đã thành thông-lệ...


  Nhưng tôi không chịu giới-hạn sự phối-hợp giữa hai Ngành trong chừng-mực quá giản-đơn như trên. Thí-dụ: lâu nay Quân-An chỉ cần căn-cứ vào bảng kết-quả sưu-tra văn-khố của Cảnh-Sát để thông-qua quá-trình hoạt-động chính-trị của các ứng-viên Việt-Nam xin vào làm việc tại các công-sở, quân-cứ, và tư-hãng của Hoa-Kỳ. Tôi để ý thấy tại các bộ-phận Văn-Khố Cảnh-Sát (Sắc-Phục) lúc nào cũng có khá nhiều hồ-sơ cá-nhân hoạt-động cộng-sản ứ đọng, chưa được lập phiếu và xếp loại đưa vào hệ-thống lưu-trữ để dùng trong khâu sưu-tra. Ngoài ra, có những quân-nhân biệt-phái qua các cơ-quan hành-chánh; những quân-nhân đắc-cử vào các chức-vụ dân-cử; và cả những quân-nhân mà không phải lúc nào cũng ở trong trại binh: họ hưởng quy-chế quân-nhân, ngoài vòng quyền-hạn của Cảnh-Sát, nhưng đồng-thời họ đã vượt ra khỏi tầm tay kiểm-soát của Quân-An.


Tôi đặt vấn-đề với Đại-Tá Lê Quang Nhơn, Chánh Sở I An-Ninh Quân-Đội, và ông đã tán-đồng ý-kiến của tôi, trình ý-kiến thuận lên Cấp Trên, để hai Ngành phối-hợp với nhau một cách chặt-chẽ và rộng-rãi hơn, cả trên bình-diện giám-thị, theo-dõi, lẫn trong công-tác điều-tra, xử-lý, kể cả câu-lưu và thẩm-vấn, nhất là về mặt phản-gián, đối với các phần-tử nội-tuyến, cơ-sở nằm vùng của đối-phương trong hàng-ngũ quân-nhân...


  Trung-Tâm Thường-Trực Bình-Định và Phát-Triển Quân-Khu I


  Nếu một Chính-Quyền phải làm một lần cả hai công việc, giữ nước và dựng nước, thì Hội-Đồng Bình-Định và Phát-Triển là tổ-chức dựng nước vậy.


Tuy trong Chương-Trình có một mục-tiêu “vô-hiệu-hóa hạ-tầng cơ-sở của Việt-Cộng, vãn-hồi an-ninh cho Xã Ấp nông-thôn”, nhưng nhiệm-vụ ấy đã được giao khoán, trên danh-nghĩa, cho Ủy-Ban Phụng-Hoàng, và trên thực-tế, cho Quân-Lực và Cảnh-Sát Quốc-Gia, mà các phương-tiện hoạt-động thì đã có nguồn cung-cấp từ gốc ở Trung-Ương rồi. Còn lại các mục-tiêu khác, như giúp-đỡ nông-dân tăng-gia sản-xuất lúa gạo, chống nạn mù chữ và nâng cao trình-độ học-vấn của dân quê, khám chữa bệnh-tật và bảo-vệ sức khỏe cho đồng-bào, xây-đắp cầu đường để đáp-ứng nhu-cầu vận-tải giao-thông, mở rộng mạng lưới thông-tin để phổ-cập đến hạ-tầng tin-tức thời-sự và chính-sách luật-lệ của Chính-Quyền, v.v... thì có kèm theo ngân-sách để mua phân bón, cất thêm trường học, bệnh-xá, cầu, đường, trạm thông-tin, v.v... nên hấp-dẫn các nhà-thầu và lôi-cuốn các cấp chức liên-hệ với việc gọi-thầu, đấu-thầu hơn.


  Lần đầu tiên tôi đến với Trung-Tâm Thường-Trực Bình-Định và Phát-Triển Quân-Khu I thì gặp lúc Bộ Thương-Mại và Kỹ-Nghệ đang cùng Bộ Tư-Lệnh Quân-Khu I cứu xét vấn-đề một số thương-gia Hoa-Kiều xin khai-thác quế ở vùng Quận Quế-Sơn (thuộc Tỉnh Quảng-Tín) là vùng bán-an-ninh.


Quế là một nguồn lợi lớn, Việt-Cộng cũng giành.


Trước đó, Thiếu-Tướng (sau này là Trung-Tướng) Nguyễn Văn Toàn đã “tranh-thủ” thế nào mà báo-chí mệnh-danh ông là “Quế tướng-công”. Tôi đứng về mặt an-ninh, tình-báo, chính-trị, kinh-tế và dân-sự, góp thêm ý-kiến với Trung-Tâm, vì ngại các nhà quân-sự đang phải đương-đầu với các bộ óc tài-phiệt của giới phú-thương. Tôi đề-nghị để Đại-Tá Nguyễn Xuân Lộc, Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Vùng I, cùng tham-gia phái-đoàn Quân-Khu đến tận nơi nghiên-cứu tận-tường.


Bỗng-nhiên có lệnh cấm Đại-Tá Lộc vào Tỉnh Quảng-Tín.


Tôi thuyết-phục Lộc, và ông đã nghe theo tôi: cứ đi, vì đó là quyền của mình; mình đi về việc của mình. Tôi cùng đi với ông.


Có lần tôi khám-phá thấy Trung-Tâm Bình-Định và Phát-Triển Quân-Khu I đã dùng cả hai cảnh-nhân, một đại-úy và một thượng-sĩ, được Bộ Chỉ-Huy Cảnh-Lực Vùng I biệt-phái đến để “phối-hợp công-tác”, vào việc nấu nước pha trà, phục-vụ cho các sĩ-quan và hạ-sĩ-quan quân-nhân tùng-sự tại Trung-Tâm này!


  Tôi trình vụ này lên Đại-Tá Lộc và ông đã rút các nhân-viên kia về.


Sự Phối-Hợp Hoạt-Động Giữa An-Ninh & Phản-Gián Chính-Trị & Quân-Sự tại Miền Trung


  Một thời-gian sau, sau khi đã lập được sự thân-cận, tin-cậy và nể-vì nhau giữa các cơ-quan Cảnh-Sát Quốc-Gia (Ngành Đặc-Biệt), Phòng Nhì, và An-Ninh Quân-Đội, ở cấp Quân-Khu/Vùng rồi, tôi đã tiến xa hơn, đề-nghị, và đã được Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng chấp-thuận, để Bộ Tư-Lệnh Quân-Khu I tổ-chức một cuộc gặp mặt giữa các Chỉ-Huy-Trưởng CSQG với các Trưởng Ty/Phòng An-Ninh Quân-Đội của các Tỉnh/Thị và với các Trưởng Phòng Nhì của các Tiểu/Đặc-Khu toàn Miền Trung, để chính-thức-hóa và cụ-thể-hóa sự phối-hợp công-tác giữa 3 ngành an-ninh, tình-báo và phản-gián dân và quân-sự nói trên, ở cấp Tỉnh/Thị thuộc quyền.  


Buổi họp đặc-biệt ấy đã diễn ra tại hội-đường Bộ Tư-Lệnh Quân-Đoàn I & Quân-Khu I, dưới quyền chủ-tọa của Thiếu-Tướng Hoàng Văn Lạc, Phó Tư-Lệnh Quân-Khu I, đại-diện Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư-Lệnh Quân-Đoàn & Quân-Khu.  


Vì Tổng-hành-dinh của Bộ Tư-Lệnh Quân-Đoàn I & Quân-Khu I kiểm-soát việc vào/ra nghiêm-ngặt, nên tôi đã đích-thân hướng-dẫn đoàn xe của các Chỉ-Huy-Trưởng CSQG Tỉnh/Thị thuộc Khu I từ Bộ Chỉ-Huy Cảnh-Lực Vùng vào cổng Trại, đến tận hội-đường của Quân-Khu.


  Cũng như trong các trường-hợp khác, tôi vừa đề-xướng, vừa tổ-chức, vùa làm cấp chỉ-huy, vừa làm nhân-viên chấp-hành.


* Ngoài ra, Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng cũng đã chấp-thuận cho tôi dùng một nhân-viên Đặc-Cảnh, dù chỉ là hạ-sĩ-quan, đóng vai đại-úy Quân-Lực, tham-gia Phái-Đoàn Quân-Sự của VNCH, trong Ban Liên-Hợp Quân-Sự 4-Bên (sau này chỉ còn 2-Bên), để thực-hiện các công-tác điệp-báo nhắm vào 2 nhóm cộng-sản Ba-Lan và Hung-Gia-Lợi, dự-trù nấp dưới danh-nghĩa thư-ký của Trung-Tá Vinh, Phó Trưởng Phái-Đoàn VNCH tại Quân-Khu Itức Khu-Vực II chiếu theo Hiệp-Định Paris 1973.


(Việc cài viên-chức Đặc-Cảnh vào với Phái-Đoàn Quân-Sự VNCH đã từng được tôi đề-xướng thời-gian tôi còn điều-khiển Ngành Đặc-Cảnh tại Vùng II, điển-hình với vụ Thiếu-Tá Trần Văn Thả, Chánh Sở Đặc-Cảnh Tỉnh Bình-Thuận [được sự tán-trợ của Đại-Tá Tỉnh-Trưởng kiêm Tiểu-Khu-Trưởng Ngô Tấn Nghĩa], đưa một trung-sĩ Đặc-Cảnh vào giả làm một đại-úy Quân-Lực VNCH để tiếp-cận một mục-tiêu là thành-viên của “Chính-Phủ Cách-Mạng Lâm-Thời Miền Nam Việt-Nam” trong “Ban Liên-Hợp Quân-Sự 4-Bên” đóng ở Phan-Thiết.)


  Sở I An-Ninh Quân-Đội cũng đã trường-kỳ biệt-phái một thiếu-tá cầm đầu 5 sĩ-quan và hạ-sĩ-quan, đến làm việc chung với Toán “Thạch Mã” (giám-thị & theo-dõi các thành-viên của các Phái-Đoàn cộng-sản Ba Lan và Hung Gia Lợi trong Ủy-Hội Quốc-Tế nói trên) thuộc Ngành Đặc-Biệt Khu I của tôi.


Phòng Nhì Quân-Đoàn I cũng đã biệt-phái thường-trực một trung-úy, để cùng với viên-chức CSĐB của tôi đến hoạt-động ngày/đêm tại Tỉnh Quảng-Nghĩa, bên cạnh Bộ Chỉ-Huy Tiểu-Khu, các Bộ Chỉ-Huy Trung-Đoàn, các Bộ Chỉ-Huy Chi-Khu, Ty Chiêu-Hồi, Ty Xã-Hội, Ty Y-Tế, v.v... để cấp Quân-Khu có thể cùng với địa-phương kịp-thời khai-thác tin-tức & tiếp-cận tại chỗ mọi nguồn tin (VC bị hạ-sát, bị bắt, hồi-chánh; thường-dân ngộ-nạn, tỵ-nạn, được ta giải-thoát; v.v...), nhằm mục-đích tuyển-chọn, xây-dựng và sử-dụng làm tình-báo-viên xâm-nhập vào, hoặc nội-tuyến, bên trong hàng-ngũ đối-phươngvì Quảng-Nghĩa là nơi có nhiều cơ-hội nhất để tìm-kiếm các đầu-mối này...


* Những sáng-kiến và nỗ-lực ấy của tôi, nhằm thắt chặt mối tương-quan và sự phối-hợp hoạt-động giữa các cơ-quan nói trên, đã tạo nên không-khí và hoàn-cảnh thuận-lợi hơn cho công-tác của các cấp Cảnh-Sát Quốc-Gia/Cảnh-Sát Đặc-Biệt trên toàn Vùng/Quân-Khu I từ đó trở đi.


LÊ XUÂN NHUẬN


 Xem tiếp: Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng trong trách-vụ Đại-Biểu Chính-Phủ tại Miền Trung


++++++++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM


Bộ Tư Lệnh tiền phương Quân Đoàn I/Quân Khu I tại mặt trận Trị Thiên 1972


Posted on July 16, 2017 by dongsongcu


Vương Hồng Anh


Trong những ngày cuối của tháng 4 và đầu tháng 5 năm 1972, tình hình chiến sự tại Quảng Trị trở nên nguy kịch. Ở hai phía tây và tây nam Huế, áp lực của quân đội Bắc Việt gia tăng sau khi Tiểu Đoàn 2/54 thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh (BB) triệt thoái khỏi căn cứ Bastongne, và Tiểu Đoàn 1 của trung đoàn này rút khỏi căn cứ Checkmate ở cao điểm 342. Ngày 2 tháng 5 năm 1972, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng tiếp nhận quyền chỉ huy Quân Đoàn 1 từ trung tướng Hoàng Xuân Lãm. Sau đó ông đã gấp rút tái tổ chức mọi cơ cấu chỉ huy và tham mưu.


Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn 1/Quân Khu 1 được thành lập tại Huế và được điều hành bởi các sĩ quan thâm niên giàu kinh nghiệm chiến trường và công tác tham mưu. Cũng nên ghi nhận rằng trong những ngày đầu của tháng 5 năm 1972, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã điều động một số tướng lãnh, sĩ quan cao cấp đảm trách các chức vụ trọng yếu tại các mặt trận Trị Thiên, Nam Ngãi và Cao Nguyên.


image048


Tại Quân Khu 1, Trung Tướng Lâm Quang Thi, nguyên chỉ huy trưởng Trường Võ bị Quốc Gia Đà Lạt, được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 1 (từ tháng 5 đến tháng 9 năm 1972, tướng Thi được tướng Ngô Quang Trưởng giao nhiệm vụ coi chiến trường Quảng Nam-Quảng Ngãi, và sau khi lực lượng VNCH tái chiếm Quảng Trị, ông Thi được tướng Trưởng giao chức chỉ huy Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn 1 với bản doanh đặt tại Mang Cá, Huế).


Chuẩn Tướng Nguyễn Duy Hinh, nguyên tư lệnh phó Quân Khu 4, được điều động ra Huế giữ chức Tham Mưu Trưởng Hành Quân Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn 1/Quân Khu 1 (hơn một tháng sau, tướng Hinh được đề cử giữ chức Tư Lệnh Sư Đoàn 3 BB và được thăng thiếu tướng vào năm 1973).


Sau khi nhận chức tư lệnh Quân Đoàn 1/Quân Khu 1, trong hai ngày sau đó tướng Trưởng đã đến tận các đơn vị đang phòng thủ tại các vị trí trọng yếu từ bờ Nam sông Mỹ Chánh đến tây Nam Thừa Thiên để thị sát chiến trường và kiểm tra tại chỗ tình hình của các đơn vị.


Khi kiểm tra lại khả năng tham chiến của các đại đơn vị trực thuộc và tăng phái, ông đã nhận được báo cáo như sau: Sư Đoàn 1 BB còn lại 2 trung đoàn nguyên vẹn là Trung Đoàn 1 và Trung Đoàn 3 BB. Còn Trung Đoàn 54 BB đã bị tổn thất gần 40%. Sư Đoàn 3 BB lúc đó cũng bị thiệt hại nhiều tại Quảng Trị nên cần một thời gian để tái chỉnh trang và tái huấn luyện. Lực lượng thiết giáp và pháo binh tăng phái cho Sư Đoàn 3 BB cũng bị thiệt hại ở mức độ cần phải tái trang bị gần 100%.


KẾ HOẠCH PHÒNG THỦ HUẾ VÀ CHƯƠNG TRÌNH TÁI CHỈNH TRANG CÁC ĐƠN VỊ


Sau khi Quảng Trị thất thủ, áp lực của Bắc Việt đã chuyển hướng vào Huế, một mục tiêu trọng điểm mà Bắc Việt cố nhắm đánh chiếm. Ngày 4 tháng 5 năm 1972, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng khởi động một kế hoạch tổng quát cho công cuộc phòng thủ bảo vệ cố đô Huế. Kế hoạch này bao gồm Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) với 3 lữ đoàn nhận lãnh trách nhiệm vùng bắc và tây bắc Thừa Thiên, với tuyến đầu là bờ sông Mỹ Chánh, gần ranh giới hai tỉnh Quảng Trị-Thừa Thiên cách Huế khoảng 30 km đường chim bay.


image050


Nhiệm vụ của lực lượng TQLC là ngăn chận tất cả các nỗ lực xâm nhập của các đơn vị Bắc Việt vào Huế. Sư Đoàn 1 BB nhận trách nhiệm vùng tây và tây nam Huế, phòng thủ và ngăn chận hướng xâm nhập của đối phương từ thung lũng A-Shau (An Hậu). Ngoài các nhiệm vụ chính yếu, cả hai sư đoàn được toàn quyền mở các cuộc hành quân tấn công giới hạn để triệt hạ các đơn vị Bắc Việt hoạt động trong vùng trách nhiệm.


Trong sự liên kết với các nỗ lực để phòng thủ vòng đai Huế, một chương trình khẩn cấp được tiến hành để kịp thời tái trang bị và huấn luyện cho những đơn vị đã bị tổn thất nặng hoặc bị tan rã trong tháng 4 năm 1972. Bộ Tổng Tham Mưu chưa kịp có một kế hoạch dự trù nào để tái trang bị những đơn vị này để trở thành thiện chiến như trước khi trận chiến xảy ra. Trong phạm vi Quân Khu 1, đây là trách vụ ưu tiên mà Bộ Tư lệnh Quân Đoàn 1 đã nổ lực thực hiện để kịp thời có cường lực vượt qua các thử thách để tái chiếm những vùng bị Bắc Việt tạm chiếm.


Trong cuộc chiến 32 ngày tại Quảng Trị, mức tổn thất phía Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) rất cao. Nhiều đơn vị phải xây dựng lại từ đầu như Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh đã phải bỏ lại chiến trường 43 chiến xa M-48, 66 chiến xa M-41 và 103 thiết vận xa 113, phần lớn do khô cạn nhiên liệu. Về nhân mạng có 1,171 binh sĩ tử trận, thương vong, mất tích. Về pháo binh tổng cộng có 140 khẩu pháo đã được phá hủy hay bõ lại ở phía bắc bờ sông Thạch Hãn hoặc tại các căn cứ khi triệt thoái.


Sư Đoàn 3 BB chỉ còn lại bộ tham mưu và những thành phần còn lại của Trung Đoàn 2 và 57 BB với tổng số quân còn lại khoảng 2,700 người. Như vậy mức thiệt hại là đến 75%. Ba liên đoàn Biệt Động Quân (BĐQ) tham chiến cũng bị thiệt hại nặng, bị mất trên 50% cường lực tác chiến.


Các nỗ lực tái trang bị được tiến hành liên tục và hữu hiệu nhờ vào khả năng cung ứng và yểm trợ của các đơn vị tiếp vận qua sự điều động của Tổng Cục Tiếp Vận và các phản ứng nhanh chóng và rất hiệu quả của hệ thống tiếp vận Hoa Kỳ dưới sự giám sát của Bộ Tư Lệnh Yểm Trợ Quân Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (tức cơ quan MACV).


image051


Những chiến cụ khẩn thiết cho nhu cầu chiến trường đã được bổ sung kịp thời như đại bác 105-ly, thiết vận xa, quân xa, vũ khí cộng đồng và cá nhân, mặt nạ phòng hơi độc, ngòi nổ, mình định hướng. Tất cả các quân khí này được vận chuyển cấp tốc đến Đà Nẵng bằng các vận tải cơ khổng lồ hay bằng các hải vận hạm. Nhờ có sự yểm trợ kịp thời và đầy đủ, trong những tháng nghiêm trọng sau đó, không có một đơn vị chiến đấu nào thiếu thốn đạn dược, đặc biệt là các tiểu đoàn pháo binh 105 và 155-ly.


Về thời gian, các chương trình đã được rút ngắn. Một chương trình cấp tốc hai tuần lễ huấn luyện bổ túc đã được thực hiện cho các đơn vị do các toán huấn luyện lưu động Việt-Mỹ phụ trách. Đặc biệt trong chương trình này có phần huấn luyện quân sĩ sử dụng các vũ khí chống chiến xa địch, đặc biệt là loại hỏa tiễn có giây điều khiển TOW (Tube-launched, Optical-tracked, Wire-guided), lần đầu tiên được đưa vào chiến trường Việt Nam ngày 21 tháng 5 năm 1972. Khởi đầu các lớp huấn luyện này do Lữ Đoàn 196 BB Hoa Kỳ đảm trách. Về sau khi lữ đoàn này triệt thoái khỏi Đà Nẵng, các chương trình huấn luyện được dời về Trung Tâm Huấn luyện Hòa Cầm ở vùng ngoại ô phía tây Đà Nẵng.


Các đơn vị như Thiết Đoàn 20 Kỵ Binh, Trung Đoàn 56 BB và các tiểu đoàn Địa Phương Quân (ĐPQ) bắt buộc phải trải qua một chương trình đầy đủ thời lượng để tái trang bị và huấn luyện. Các đơn vị được tập trung tại Trung Tâm Huấn Luyện Đống Đa ở Phú Bài và tại trại Văn Thánh (doanh trại cũ thuộc trung tâm huấn luyện của Sư Đoàn 1 BB). Riêng Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 3 BB tạm thời đóng tại một khu vực ở Phú Bài do Quân đội Hoa Kỳ để lại.


image052


SƯ ĐOÀN 3 BỘ BINH TÁI CHỈNH TRANG


Cũng cần ghi nhận rằng sau khi Sư Đoàn 3 triệt thoái khỏi Quảng Trị, Tổng Thống Thiệu cũng muốn xóa đi khỏi quân lực danh hiệu của sư đoàn này và tái tổ chức sư đoàn này thành Sư Đoàn 27 BB, vì tổng thống cho rằng con số 3 xui xẻo, cần phải xóa đi. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng cho biết ông đã nhận được nhiều cú điện thoại của Trung Tướng Nguyễn Văn Mạnh, Tham Mưu Trưởng Liên Quân, thông báo ý định của Tổng Thống Thiệu về việc xóa danh hiệu Sư Đoàn 3. Ông đã phải tranh đấu và giải trình rất nhiều lần để giữ lại danh hiệu của sư đoàn này. Cuối cùng tổng thống đồng ý. Vào lúc này, Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai đã bị tạm giam vào ngày 5 tháng 5 năm 1972. Tư lệnh phó sư đoàn là Đại Tá Ngô Văn Chung đã được đề cử xử lý thường vụ chức tư lệnh sư đoàn.


Ghi nhận về những khó khăn mà Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai đã gặp phải trong khi điều động các đơn vị tăng phái, tướng Trưởng cho biết như sau: Vị tư lệnh tiền nhiệm Quân Đoàn 1 và Quân Khu 1 là Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm đã gây khó khăn cho tướng Giai trong kế hoạch điều quân khi tướng Lãm “tự mình thường xuyên ra chỉ thị bằng cách điện thoại hay gọi qua máy truyền tin thẳng với trung đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng, nhất là với vị chỉ huy Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh, người cùng binh chủng với tướng Lãm.”


Tướng Giai chỉ biết được nội dung các chỉ thị của tướng Lãm, sau khi các chỉ thị này đã được các đơn vị trưởng (nhận lệnh của tướng Lãm) thi hành xong xuôi. Tướng Trưởng nhận xét rằng việc làm của tướng Lãm đã làm tổn thương đến quyền chỉ huy của tướng Giai.


Chính sự bất tin của vị Tư Lệnh Quân Đoàn 1 đối với tướng Giai và sự bất tuân lệnh tướng Giai của các đơn vị trưởng tăng phái (do tướng Lãm đã ra lệnh trực tiếp cho các vị này), đã đưa đến kết quả cuối cùng của việc sụp đổ toàn diện hệ thống chỉ huy và kiểm soát tại chiến trường giới tuyến vào cuối tháng 4 năm 1972.


Vương Hồng Anh


(nguồn: DÒNG DÔNG CŨ)

10 Tháng Giêng 2023(Xem: 2579)
Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Miền Nam California (THSV) xin trân trọng thông báo về Hội Tết Sinh Viên lần thứ 41, năm 2023 sẽ được tổ chức tại OC Fair & Event Center (88 Fair Drive in Costa Mesa, CA). Hội Tết Sinh Viên sẽ được diễn ra từ ngày thứ 6 (ngày 27 tháng 1 năm 2023) đến chủ nhật (ngày 29 tháng 1 năm 2023).
10 Tháng Giêng 2023(Xem: 2657)
Buổi hẹn đầu của Tami và Dyrell ở San Francisco. Tami là con gái đầu lòng của một gia đình tỵ nạn Việt Nam truyền thống. Dyrell là con duy nhất của một gia đình hợp chủng với mẹ người Đại Hàn và cha người Mỹ gốc Phi Châu. Đúng ra là một bữa ăn tối bất ngờ đầy lãng mạn ở một nhà hàng Việt Nam.
21 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 2305)
Qua nghệ thuật và văn chương, người Việt đang nói lên tiếng nói của mình cùng những tiếng nói của các sắc dân Á Châu khác. Cùng nhau, chúng ta có thể ngăn chặn sự thù ghét và loan truyền lòng yêu thương, và tình cảm này không còn là một khẩu hiệu trống rỗng bởi tiếng nói của chúng ta càng lúc càng vang động hơn bao giờ hết.
20 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 2182)
We are excited to announce that the California Department of Social Services just announced a second year of funding for Stop the Hate.
02 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 2140)
Trong lịch sử California chưa bao giờ tiểu bang đã bỏ ra hơn 165 triệu đô la để tài trợ cho 80 cơ quan, bao gồm bảy cơ quan trong Quận Cam. Vào tháng Tư 2022, với sự tài trợ có được, Bộ Dịch Vụ Xã Hội California (CDSS) Quyền Công Dân, Việc Dễ Dàng Được Trợ Giúp và Bình Đẳng Sắc Tộc (CARE) đã làm nên lịch sử, hoạch định để cung cấp những dịch vụ ngăn ngừa và can thiệp trực tiếp cho những cư dân Á Châu...
08 Tháng Mười Một 2022(Xem: 2285)
Thành lập năm 2003 bởi Hiệp Hội Văn Chương & Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA), Lễ Hội Điện Ảnh Việt Nam (VFF) hiện nay là một lễ hội phim ảnh Việt có tầm vóc quốc tế với đầy ý nghĩa. Năm nay với 32 cuốn phim, gồm 12 phim dài và 21 phim ngắn, VFF tiếp tục chú tâm vào những yếu tố nhân bản trong nội dung của xã hội nhằm đạt tới sự vượt qua chính bản thể mình.
28 Tháng Mười 2022(Xem: 2642)
Là một cơ quan Á Châu, VAAMA đặt ưu tiên ngay từ khi mới hình thành trong việc góp phần vào những khởi xướng đầy ý nghĩa cho người Mỹ gốc châu Á và vùng đảo Thái Bình Dương. Những nền văn hóa này là một phần của đời sống người Mỹ. Chúng tôi lên án những hành vi kỳ thị chủng tộc và bạo động, đồng thời tiếp tục có những hành động cụ thể nhằm giúp ngăn chặn sự bất công dựa trên sắc tộc.
27 Tháng Mười 2022(Xem: 2525)
20 Tháng Mười 2022(Xem: 2741)