VOA phỏng vấn cộng đồng về bản án Trương Duy Nhất

23 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 15356)

VOA Report: Quan điểm của các nhà cầm bút hải ngoại về bản án dành cho Blogger Trương Duy Nhất

image037

Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện 
Phát thanh Thứ Tư, 12 tháng Ba, 2014

 

Trong phiên tòa ngày 4 tháng 3 tại Đà Nẵng, blogger/nhà báo Trương Duy Nhất, 50 tuổi, đã bị tuyên án 2 năm tù với tội danh "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân", theo điều 258 Bộ luật Hình sự. Theo các nguồn tin trong nước thì ông Trương Duy Nhất đã bị án tù vì những bài viết trên trang blog ‘Một Góc Nhìn Khác’, chỉ trích những tệ trạng và sai lầm của nhà nước. Bản án xảy ra ngay sau khi Việt Nam trở thành một thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ và qua một cuộc Phối Kiểm Phổ Quát Định Kỳ(UPR) về Nhân Quyền Việt Nam tại Geneve. Sự kiện này làm nhiều tổ chức bảo vệ Nhân Quyền quốc tế cũng như các quốc gia trên thế giới rất quan tâm và lên tiếng phản kháng. Giới cầm bút và truyền thông người Việt hải ngoại cũng rất quan tâm về bản án dành cho ông Trương Duy Nhất.

 

Ông Lý Kiến Trúc, Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Văn Hóa & Báo Chí ở Quận Cam, miền nam California và đang điều hành tờ Văn Hóa Magazine Online, cho rằng, bản án dành cho blogger Trương Duy Nhất tương đối nhẹ, so với các bản án dành cho các nhà dân chủ: 

"Ông Trương Duy Nhất là một nhà báo thuộc về dòng chính, ông đang đi trên lề phải, là có lợi cho nhà nước, mà ông lại chạy sang lề trái để phát biểu. Những lời phát biểu này nhiều khi nó lại có lợi cho dân chúng. Thật ra cái bản án 2 năm này, so với các bản án dành cho các nhà dân chủ khác thì tương đối nhẹ, nhằm là cảnh cáo nhà báo dòng chính mà dám có những lời lẽ hỗn với lãnh đạo mà thôi."

Ông nhận định rằng, bản án phản ánh sự chia rẽ giữa các phe phái trong đảng CVSN:
"Ông Trương Duy Nhất đã từng được ban tuyên giáo chính phủ tuyên dương về khả năng làm báo của ông. Như vậy đó, thì vấn đề bây giờ là ông đang bị kết án bởi đảng phe nào? Đảng phe nào trước đây tuyên dương ông?Và hiện nay đảng phe nào kết án ông?"

 

Theo Nhà văn Yên Sơn, một cư dân Houston và là Chủ Tịch Ủy Ban Định Chế Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, thì vì đã là nhà báo của nhà nước nên những bài viết của ông Trương Duy Nhất làm người dân hiểu rõ sự thật về nhà nước hơn:
"Nhà báo Trương Duy Nhất đã một thời gian khá lâu làm việc với các báo nhà nước, thì cái sự hiểu biết, cái cách nhìn chính xác. Đó là một điểm rất có hại cho chính quyền CSVN bây giờ. Dĩ nhiên đó là một cơ hội để tạo sự hiểu biết cho toàn dân. Một điều rất tốt."

 

Tiến sĩ Trần Diệu Chân, người dịch tác phẩm "Death by China" của tác giả Peter Navarro qua Việt ngữ, dưới tựa đề "Chết bởi Trung Quốc", được nhiều người Việt trong cũng như ngoài nước biết đến, chia sẻ rằng những bài viết của blogger Trương Duy Nhất là tiếng nói lương tâm mà nhà nước Việt Nam cần lắng nghe:

"Các bài viết mang tính chất xây dựng như của nhà báo Trương Duy Nhất là một điều rất cần thiết cho nhà nước Việt Nam, nhất là trong bối cảnh ngày hôm nay, khi mọi mặt của cuộc sống tại Việt Nam đang tuột dốc một cách thê thảm và trầm trọng. Một nhà nước biết thực sự vì quyền lợi của người dân không những phải biết lắng nghe những phản hồi của người dân, của truyền thông, của những nhà hoạt động, biết lắng nghe tiếng nói của lương tâm, như những bài báo của nhà báo Trương Duy Nhất, mà còn phải biết khuyến khích những phản hồi, những phê phán từ quần chúng về cách hành xử cũng như chính sách của nhà nước."

 

Đối chiếu với Hiến Pháp Việt Nam, Ông Lý Kiến Trúc nói rằng bản án dành cho Ông Trương Duy Nhất là đi ngược lại Hiến Pháp Việt Nam:
"Nói đến bản án dành cho ông Trương Duy Nhất để mà đối chiếu với Hiến Pháp Việt Nam, thì tôi thấy nó có sự trái ngược rất rõ ràng đối với những văn bản chính thức của Hiến Pháp nước CHXHCNVN."

 

Trong khi đó Tiến sĩ Trần Diệu Chân nhận xét, rằng sự kết án ông Trương Duy Nhất là vi phạm hiến pháp của chính Việt Nam và phản ánh sự che dấu của nhà nước:
"Điều 69 của Hiến Pháp năm 1992 và điều 25 của HP 2013 của chế độ Hà nội đã quy định rõ rệt các quyền Tự Do Dân Chủ mà Ông Trương Duy Nhất xử dụng. Đó là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Nếu quyền này chỉ được coi là hợp hiến và hợp pháp khi người dân khen hay đồng ý với chế độ và bị kết tội khi phê bình những sai trái của chế độ, thì rõ ràng đây là một chế độ chuộng xu nịnh và giả dối."

 

Trước sự gia tăng đàn áp nhân quyền, ngay sau khi trở thành một thành viên của hội đồng Nhân quyền LHQ, qua những bản án dành cho LS Lê Quốc Quân, blogger Trương Duy Nhất và các nhà tranh đấu khác, Tiến sĩ Diệu Chân nhận định như sau về nhiệm vụ của người dân Việt Nam đối với các hành động của nhà nước Việt Nam:
"Họ đã vi phạm tất cả những điều mà họ đã từng ký kết tôn trọng với nhân dân và cộng đồng quốc tế. Trên cương vị của người Việt, trong nước cũng như hải ngoại, người cầm bút hay không cầm bút, tất cả cần phải lên tiếng nói bởi vì không những đó là bổn phận, đó là tiếng nói lương tâm và cũng để giúp cho lãnh đạo CSVN thức tỉnh."

 

Nhận định về cơ hội nhà nước Việt Nam sẽ thay đổi chính sách để theo trào lưu dân chủ thế giới, Ông Lý Kiến Trúc cho rằng nhà nước Việt nam cũng có những dấu hiệu lắng nghe:
"Tôi nghĩ là trong cái xu thế đòi hỏi dân chủ và quyền phát biểu tự do tư tưởng, đó là quyền đầu tiên khi con người mới sinh ra, thì từ từ nhà nước CS Việt Nam có những dấu hiệu chấp nhận dần dần, bằng chứng là ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những cuộc họp với ban cố vấn chuyên viên đặc biệt của ông ta, ban tư vấn đó, thì ông ta có vẻ lắng nghe, có vẻ lắng nghe một số những ý kiến gần như là đối nghịch với quan điểm của nhà nước. Tôi cho đó là một dấu hiệu đáng mừng vì như vậy chứng tỏ rằng nhà nước CSVN bây giờ họ đã bắt đầu biết lắng nghe và có thể, có thể là từ từ họ sẽ biết phục thiện."

Nhưng Tiến sĩ Diệu Chân thì nói là nhà nước Việt Nam chỉ thay đổi khi có nhiều áp lực từ quốc tế cũng như những tiếng nói lương tâm từ người dân trong nước và hải ngoại:

"Chúng tôi hy vọng là những sự thay đổi sẽ diễn biến trên đất nước chúng ta, nhưng mà không một thể chế độc tài nào mà tự động thay đổi nếu không có áp lực của toàn dân và áp lực của quốc tế . Ngày hôm nay chúng ta thấy rõ là nếu một chế độ không biết lắng nghe người dân, tạo ra nhiều bất công, sai lầm và phẫn uất trong quần chúng, cũng như đắc tội với tổ tiên qua việc dâng nhượng biển đảo bờ cõi cho ngoại bang, thì dù là một chế độ có bao nhiêu thủ đoạn, nhà tù và súng ống cũng không thể nào chống chọi được với ý nguyện của toàn dân và bài học Ukraine vẫn còn nóng hổi trong dư luận quốc tế cũng như cộng đồng dân tộc của chúng ta."

 

Nhà văn Yên Sơn cũng đồng ý và cho rằng các người cầm bút cần phải tiếp tục tranh đấu nói lên sự thật:
"Những người cầm bút hải ngoại vẫn phải tiếp tục dùng ngòi bút của mình để nói lên, để gửi về Việt Nam, những cái nhìn trung thực, những khía cạnh có lợi cho vấn đề tranh đấu cho người Việt Nam bây giờ."

 

Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas./

 

++++++++++++++++++

Vì sao Mỹ muốn gặp các nhà bất đồng VN

BBC - thứ bảy, 21 tháng 1, 2012

Luật sư Lê Quốc Quân cho BBC hay một số nét về cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa đoàn thượng nghị sỹ Hoa Kỳ John McCain, Joseph Lieberman, Sheldon Whitehouse và Kelly Ayotte hôm thứ Sáu 20/01/2012 với các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam tại Hà Nội.

Ông Quân cho biết chuyến gặp mặt của bốn chính khách với các nhà bất đồng chính kiến, các cựu tù nhân bác sỹ Phạm Hồng Sơn, luật sư Lê Quốc Quân và luật sư Nguyễn Văn Đài, nhằm để "tìm hiểu quan điểm của chúng tôi về nhân quyền của Việt Nam thực sự như thế nào để đánh giá một cách thực sự trung thực và đúng đắn nhất."

Ông nói đoàn thượng nghị sỹ cũng trao đổi quan điểm của mình về tình hình nhân quyền của Việt Nam trong năm qua và thời gian gần đây với các nhà bất đồng:

"Họ nói rằng tình hình nhân quyền tồi tệ hơn nhiều do việc bắt giữ, rồi có nhiều sự đàn áp lớn hơn gần đây của chính phủ (Việt Nam) đối với những nhà bất đồng chính kiến," từ Hà Nội, luật sư Lê Quốc Quân nói với Quốc Phương.