Công an quỳ gối xin lỗi nhân dân

20 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 16446)

Blog / Bùi Tín

Khi đội kiêu binh quỳ gối

VOA 18.03.2014 
image018 

Cảnh sát chống bạo động quỳ gối cúi đầu xin lỗi người dân thành phố Lviv, ngày 24/2/2014.

Tháng 2/2014, khi nhân dân Ukraina xuống đường, trước khí thế nổi dậy đòi quyền tự do của quần chúng đông đảo, đã có khá nhiều nhân viên an ninh - công an trong bộ máy đàn áp, chủ yếu trong đơn vị mũi nhọn Berkut can thiệp nhanh, cùng bảo nhau quỳ gối cúi đầu xin lỗi nhân dân vì đã từng theo lệnh trên bắn vào hàng ngũ biểu tình chống chế độ độc tài.

Thật ra hiện tượng này không phải quá hiếm và bây giờ mới có.

Ở Liên Xô trước kia, khi công an của tên trùm KGB Béria giết người không chùn tay, đày đọa hàng chục vạn người dân trong các trại tù lạnh lẽo giữa Siberia, thì chính một số nhân viên KGB đã thức tỉnh, viết bài tả lại tình hình cay nghiệt ở các trại giam Gulag, tố cáo bộ mặt dã thú của các Sa Hoàng CS mới trong điện Kremlin cho nhân dân và thế giới biết rõ.

Ở Cộng hòa Dân chủ Đức cũng vậy, ngay trước khi bức tường Berlin sụp đổ đã có những sỹ quan của cơ quan an ninh Nhà nước Stasi chạy sang Tây Đức kể cho công luận cả nước Đức biết về sự tàn bạo của bộ máy tình báo tuyệt mật này.

Ở Việt Nam cũng vậy. Có ai có thể biết rõ hơn về vụ án tàn ác ‘’Xét lại chống đảng’’ để kể lại tường tận bằng nguyên Đại tá Lê Hồng Hà, một thời là Chánh văn phòng Bộ Công an, thành viên Đảng ủy đảng CS của bộ này, để bị tù, nay thành chiến sỹ dân chủ tiền phong.

Cũng chỉ có Trung tá Vũ Minh Ngọc nằm trong Tổng cục 2 mới có thể biết rõ và kể lại những việc làm tàn ác, xấu xa phạm pháp, có bản chất phản quốc của những người như Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Nguyễn Chí Vịnh… trong những lời tố cáo xác thực của ông dù cho sau đó ông bị khai trừ, tước quân tịch và trả thù rất nặng (xem trong cuốn Vụ án siêu nghiêm trọng T2-T4, tủ sách Thời sự VN và thế giới – 2004).

Đó là những hạt ngọc quý chìm sâu trong núi đá, những bông sen vươn lên từ bùn đen, không bị môi trường tham nhũng hủy hoại nhân cách, quyết giữ vững tư cách làm người, giàu sang không cám dỗ, chức tước không chuyển lay, đứng thẳng như cây trúc, hiên ngang như cây thông xanh giữa bầu trời băng giá.

Đó là những nhân vật lúc này rất đáng để cho toàn thể lực lượng an ninh - công an nước ta noi gương.

Hiện lực lượng công an cả nước ta lên đến trên 30 vạn, với hơn 300 ông tướng, 600 thượng tá và đại tá, nghĩa là phát triển quá mức, được nuôi dưỡng như lũ kiêu binh thời xa xưa nhằm mua trọn sự trung thành mù quáng đối với các hôn quân, bạo chúa. Ngân sách an ninh công khai cộng với ngân sách an ninh mật được tiết lộ là cao hơn cả ngân sách quốc phòng. Lũ kiêu binh được ưu đãi nuông chiều trở thành gánh nặng của xã hội, đại nạn của nhân dân.

Mới đây người báo động về sự sa sút, tha hóa của bộ máy cai trị của đảng trong đó có bộ máy an ninh bệ rạc tàn ác với dân, cảnh báo nghiêm khắc cho lãnh đạo của đảng CS chính lại là một nguyên đại tá Công an đã nghỉ hưu nhưng không nghỉ ngơi, hiện còn là đảng viên CS. Đó là Đại tá Nguyễn Đăng Quang, người từng lên tiếng bênh vực anh Đoàn Văn Vươn ở Thái Bình, người từng tham gia xuống đường chống bành trướng Trung quốc, người từng có mặt trước tòa án khi đang diễn ra cuộc xử Ls Lê Quốc Quân để chống lại bản án phi nhân…

Ngày 8 tháng 3/2014, ông Quang cho đăng một bài báo dài dưới nhan đề «Thủ phạm của cái chết sống của đảng Cộng sản VN‘’. Đây là một bài viết có lập luận chặt chẽ, có dẫn chứng phong phú, một luận văn đầy trách nhiệm và tâm huyết đối với quốc gia, dân tộc, nhân dân, cũng là một cảnh báo cực kỳ khẩn cấp với đảng CS.

Tôi nghĩ mỗi thành viên của lực lượng công an, từ anh binh nhì, đến sỹ quan từ chuẩn úy lên đến đại tướng Trần Đại Quang rất nên đọc thật kỹ bài viết này của một đồng chí, đồng nghiệp rất có tâm và có tầm của họ.

Vào đề, tác giả dẫn một câu chữ Hán:’’Sư tử thân trung trùng thực sư tử nhục‘’ (Bầy sâu trong cơ thể của con sư tử ăn thịt của nó) để khẳng định rằng đảng CS VN sẽ chết dần chết mòn ngay khi đang có vẻ còn sống, không phải bởi đế quốc, lật đổ, diễn biến hòa bình từ bên ngoài, mà đang chết dần vì bầy sâu tham nhũng thoái hóa, tàn bạo đang nảy nở lan tràn trong đảng.

Với bài viết này, nhà Dân chủ Nguyễn Đăng Quang có thể coi như anh quỳ gối tạ tội trước nhân dân, một nghĩa cử cao quý dũng cảm và trong sáng sẽ có tác dụng thức tỉnh đông đảo đảng viên CS và đông đảo nhân viên công an sớm nhận ra con đường sáng, cùng toàn dân thúc đẩy cuộc chuyển hóa thể chế từ độc đoán sang dân chủ và pháp quyền, mở ra con đường sống cho dân tộc thân yêu.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ./

 

Hạ Viện California hoãn thảo luận SCA 5, trả lại Thượng Viện
Tuesday, March 18, 2014 8:16:03 PM

Linh Nguyễn/Người Việt

SACRAMENTO, California (NV) - Trong một hành động bất ngờ, Chủ Tịch Hạ Viện California John H. Perez hôm Thứ Hai thông báo rằng ông sẽ hoãn thảo luận Dự Luật SCA 5, do Thượng Viện thông qua trước đây, và trả lại cho cơ quan lập pháp này, theo yêu cầu của Thượng Nghị Sĩ Ed Hernandez, tác giả của dự luật, theo đài phát thanh NPR.

Dù vậy, nhiều chính trị gia và tổ chức cộng đồng Việt Nam vẫn tiếp tục phản đối dự luật này và tiếp tục theo dõi SCA 5.

Mục đích của Dự Luật SCA 5 là tu chính Đạo Luật Prop. 209, được cử tri California bỏ phiếu thông qua hồi năm 1996, chấm dứt tình trạng thiên vị một cá nhân, hoặc một nhóm cá nhân, dựa trên căn bản chủng tộc, giới tính, màu da, sắc dân, hay quốc tịch, trong việc tuyển chọn vào đại học công lập.

Khoản tu chính này là các giới chức hai hệ thống đại học UC và CSU sẽ có sự tùy tiện hơn trong việc chọn lựa học sinh vào đại học.

image019

Cựu Dân Biểu Trần Thái Văn (bìa trái) giới thiệu thành phần diễn giả trong buổi thảo luận chống SCA 5 hôm Thứ Ba. Hôm Thứ Hai, chủ tịch Hạ Viện California cho biết đã trả dự luật lại cho Thượng Viện. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Mặc dù có sự ủng hộ của nhiều ngành, đặc biệt là giáo dục và y tế, SCA 5 bị nhiều tổ chức cộng đồng gốc Châu Á phản đối, cho rằng dự luật này có thể làm giảm số sinh viên gốc Châu Á vào đại học công lập California và đây là một dự luật gây chia rẽ chủng tộc ở California.

Chính vì thế, nhiều tổ chức cộng đồng gốc Châu Á lên tiếng phản đối.

Theo NPR, riêng trang web change.org đã thu được hơn 113,000 chữ ký chống lại SCA 5.

Trong khi đó, nhật báo Sacramento Bee trích lời ông Perez nói rằng: “Trong năm nay, cử tri California sẽ không phải bỏ phiếu cho Dự Luật SCA 5.”

Cũng theo NPR, trên thực tế, Dự Luật SCA 5 coi như “chết” trong năm nay.

Trong một thông cáo báo chí, Giám Sát Viên Janet Nguyễn, người phản đối SCA 5, cho biết bà hoan nghênh quyết định của Hạ Viện, nhưng vẫn tiếp tục theo dõi dự luật này.

Bà cho biết đã viết một bài để phản đối SCA 5 và yêu cầu đưa dự luật vào nghị trình cuộc họp của Hội Đồng Giám Sát Quận Cam vào Thứ Ba tuần tới để phản đối một cách chính thức.

Ngoài ra, trong cộng đồng Việt Nam cũng có hai buổi thảo luận, với sự tham dự của một số chính trị gia và các tổ chức, để lên tiếng phản đối dự luật này, một ở Thư Viện Việt Nam, Garden Grove, vào tối Thứ Hai, và một ở hội trường VNCR, Westminster, sáng Thứ Ba.

Tại Thư Viện Việt Nam, cựu Dân Biểu Trần Thái Văn, Giám Sát Viên Janet Nguyễn, cựu Ủy Viên Giáo Dục Orange County Phạm Kim Long, Thị Trưởng Westminster Trí Tạ, Nghị Viên Garden Grove Chris Phan, và cựu Ủy Viên Quy Hoạch Garden Grove Phát Bùi, đều phản đối SCA 5.

Tại hội trường VNCR, ông Văn và ông Long tổ chức một buổi thảo luận, bao gồm một số đại diện các học khu, tổ chức và công ty người Mỹ gốc Châu Á, như Community Advocates, Inc., Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Chino Valley, Hiệp Hội Dân Cử Mỹ Gốc Hoa, và Elite Education Institute, và Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ.

Tất cả đều lên tiếng phản đối SCA 5.

“Chúng ta phải chống lại SCA 5. Tôi kêu gọi giới truyền thông vận động đồng hương để bảo đảm tương lai cho con cháu chúng ta,” Bác Sĩ Võ Đình Hữu, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ, nói.

Ông Phát Bùi kêu gọi: “Phải đánh gục dự luật này một lần cho đến nơi đến chốn!”

Tuy nhiên, Luật Sư Trần Thái Văn cho biết: “Hạ Viện vẫn có thể quay qua bỏ phiếu thông qua bất cứ lúc nào. Trong quá khứ, thường thì điều này xảy ra vào cuối trung tuần Tháng Tám. Không có gì là chắc nên chúng ta vẫn phải kết hợp lại để theo dõi.”

Trong một thông cáo báo chí khác, Giám Sát Viên Janet Nguyễn kêu gọi những ai quan tâm đến SCA 5 có thể đến tham dự buổi họp của Hội Đồng Giám Sát Quận Cam vào lúc 9 giờ 30 sáng Thứ Ba, 25 Tháng Ba, 2014, tại Tòa Nhà Hành Chánh Quận Cam, 333 W. Santa Ana Boulevard, Santa Ana, CA 92701, để nêu lên ý kiến của mình.

Trước năm 1996, California, cũng như nhiều tiểu bang khác ở Hoa Kỳ, áp dụng chính sách thiên vị (Affirmative Action) đối với một số nhóm chủng tộc thiểu số trong các lãnh vực việc làm, phân phối hợp đồng, và giáo dục, vì họ bị kỳ thị và bị bất lợi trong xã hội đa số là người da trắng. Đạo Luật Prop. 209, được cử tri California thông qua năm 1996, chấm dứt hoàn toàn chính sách thiên vị này.

SCA 5 của Thượng Nghị Sĩ Ed Hernandez muốn hệ thống đại học công lập ở California được miễn thi hành Đạo Luật Prop. 209, trong việc tuyển chọn sinh viên.
Liên lạc tác giả: LinhNguyen@nguoi-viet.com/

++++++++++++++++

Bầu cử tại San José (bài 1)

 Giao Chỉ - San Jose

Xem chừng cuộc bầu cử năm nay khá sôi nổi trong phạm vi cộng đồng Việt Nam tại miền Bắc California.

Riêng tại vùng Vịnh thì vị thẩm phán cao niên đơn thân độc mã vừa tiến được bước cụ thể. Trải qua cuộc tranh luận ráo riết, thẩm phán Phan quang Tuệ đã thắng bà Mỹ Virginia Fuller để được đảng Cộng Hòa chính thức đề cử đại diện. Trong khi đó thì thanh niên trẻ tuổi Việt Nam anh Johnny Lee vừa bị loại vì thiếu người đề cử. Rất tiếc anh chỉ thiếu 4 phiếu trên 50. Nhu cầu đơn giản chỉ cần 50 cử tri trong vùng ký tên đề cử là xong. Anh thu được 70 người nhưng giờ chót tìm thấy 19 tên không hợp lệ.

 

Ông tòa Tuệ tranh cử chức vụ dân biểu liên bang Hoa Kỳ, khu 11, nằm ở phía Đông vịnh San Francisco, trong khi đó ứng cử viên trẻ tuổi muốn ngồi vào ghế nghị viên khu 7 tại San Jose thay cho cô Madison Nguyễn. Tuy nhiên dù anh Lee không được vào danh sách ứng cử nhưng Việt Nam ta vẫn còn 3 vị sẽ dự tranh cùng với 1 người Mễ. Với 3 ứng cử viên gốc Việt cho khu 7, kỳ này có nhiều hy vọng khu vực Senter, Tully và Story sẽ vẫn là đất của ta kể từ khi cô Madison Nguyễn mở đường 8 năm trước.

Chuyện của ông trung úy trẻ tuổi ngày xưa Phan quang Tuệ bây giờ một mình mở phòng tuyến nơi xa đánh vào chính trường sẽ được gác lại.

 

Chúng tôi xin nói trước về mặt trận liên quan tại San Jose. Nhắc lại chuyện xưa. Con số người Việt ghi danh đi bầu tại quận Santa Clara vào đầu thập niên 80 chỉ có vài trăm. Mười năm sau đã vô quốc tịch, hưởng phúc lợi lên đến con số vài ngàn. Thập niên 90 là thời gian cộng đồng hô hào đồng hương ghi danh đi bầu. Tỷ lệ vẫn thấp. Bầu tổng thống thì còn khá đông. Còn bầu địa phương, dân ta chẳng quan tâm. Mỗi kỳ bầu cử 4 năm và mỗi kỳ kiểm tra dân số 10 năm, dù hô hào tối đa con số phe ta tham dự vẫn còn thấp.

 

Có lần mời được cả đại phóng viên là ông Peter Jenning về thăm cộng đồng để khích lệ. Kết quả vẫn chừng mực. Vô quốc tịch để hưởng phúc lợi, để làm đơn đoàn tụ, nhưng không phải để đi bầu. Rõ ràng số cử tri Việt Nam đi bầu mỗi kỳ đều không khả quan so với thiên hạ. Vì con số không đáng kể nên các vị dân cử không quan tâm. Mỗi lần lễ hội, viên chức chính quyền chỉ cử đại diện phát cho 1 tờ tưởng lục phe phẩy như lá vàng rơi. Nhưng rồi dần dần gió đổi chiều, con số cử tri Việt Nam chịu ghi danh gia tăng và con số chịu đi bầu lớn dần. Tại sao. Vì có người Việt ứng cử. Các ứng cử viên Việt Nam kêu gọi dân ta đi bầu. Phiếu Việt Nam bắt đầu có giá.

 

Lễ hội hàng năm chúng ta có các vị dân cử thắt cà vạt màu cờ vàng và bắt vợ mặc áo dài. Thậm chí có ông nghị may luôn 2 bộ quốc phục Việt Nam xanh đỏ, mùa nào màu đó. Bây giờ mặc quốc phục chưa đủ, các ngài đi học tiếng Việt để chúc mừng năm mới và mở đầu luôn luôn nói về đề tài nhân quyền, tự do dân chủ cho Việt Nam. Đó là chính trị xã giao. Bầu cử tại San Jose.

 

Tại Nam Cali thì các vùng thị tứ của người Việt khá rộng trải ra trên các thành phố nhỏ. Tại Bắc Cali thì tập trung nhiều nhất vào khu số 7 của San Jose. Con đường Senter chạy dài theo trục Bắc Nam nối 3 con đường Story, Tully và Capitol. Đó là vùng chính của khu Bẩy. Vùng đất biết bao lần nổi sóng và hiện do cô nghị Madison đảm trách. Cũng chính tại đây khởi đi hơn 8 năm trước là trận thư hùng giữa 2 anh thư Việt Nam vào chung kết chức vụ nghị viên. Những cuộc đối chất hết sức gay cấn và xúc động giữa 2 tuổi trẻ Việt Nam. Cả 2 đều là trí thức khoa bảng. Giáo sư Madison Nguyễn và cô Luật sư Linda Hàn Nguyễn.

 

 Kết quả cô Madison, con 1 gia đình thuyền nhân Việt Nam trở thành nông dân tại Mỹ đã chiến thắng. Cô đã tồn tại qua 2 nhiệm vụ và 1 lần recall hết vất vả. Và bây giờ với tước vị phó thị trưởng, cô ra tranh chức thị trưởng San Jose. Trong khi đó, đối thủ ngày xưa của cô, luật sư Linda Hàn Nguyễn đang yên bề gia thất tại xứ Tây Ban Nha.

 

Trong lịch sử của chính quyền địa phương San Jose có thể nói chưa từng có nghị viên nào trải qua nhiều sóng gió mà tồn tại như Madison Nguyễn. Nhưng bây giờ xin tạm hoãn cuộc chạy đua thị trưởng. Xin trở lại nói về khu 7.

 

Chiến trường khu 7. Luật sư Nguyễn Tâm, nhà tranh đấu và cô Lê Cẩm Vân, nhà hoạt động cộng đồng Kết quả sau cùng có 5 ứng viên muốn dự tranh, 3 Việt Nam và 2 người Mễ. Khu vực này dự có khá nhiều sắc dân. Về dân số thì Mễ chiếm 42% Việt Nam 30% còn lại là các sắc dân khác. Tuy dân Mễ đông nhưng lại có nhiều người tình trạng cư trú bất hợp pháp và mức độ quan tâm bầu cử cũng thấp. Vì vậy phiếu Việt Nam vẫn là con số quyết định. Với 3 ứng cử viên Việt Nam thì 2 người đã thấy vận động ráo riết.

 

Luật sư Nguyễn Tâm và cô Cẩm Vân đều ở vào tuổi trung niên, đã được cộng đồng Việt Nam biết đến từ nhiều năm qua. Luật sư Tâm đồng thời cũng là nhạc sĩ sang tác và có nhiều thành tích đấu tranh. Cô Cẩm Vân là con của cụ Lê văn Cao, một nhà hoạt động lâu năm nay đã qua đời. Cẩm Vân đã chuẩn bị cho mình con đường hoạt động chính trị từ nhiều năm trong hội đồng quản trị học khu và giữ được một số phiếu căn bản. Cô cũng đã từng tranh cử một lần vào ghế nghị viên San Jose dù thất bại nhưng học được rất nhiều.Vì cảm tình, vì quen biết và cũng vì thông cảm với đường lối làm việc, các nhà hoạt động tại địa phương đã chia làm 2 để yểm trợ 2 phía đối nghịch.

 

Các thân hữu đi vào khu mobil Việt Nam cư ngụ, ngay cửa vào 1 bên cắm bảng cho Tâm Nguyễn và một bên ủng hộ Cẩm Vân. Trong chiến dịch tranh cử ông Tâm đưa ra các tuyên bố khá mạnh mẽ và táo bạo. Tên là Tâm, ông sẽ lấy trái tim và tấm lòng ra phục vụ. Khẩu hiệu đưa ra : "Đâu cần Tâm có, đâu khó có Tâm". Ông lại còn đề ra giải pháp tránh chia phiếu giữa Việt Nam, nên có cuộc bầu sơ khảo nội bộ. Ai thua thì tự động rút lui. Mới đây ông cho biết nếu vào chung kết với người Việt, sẽ nhường. Nghe ông nói như vậy, đối thủ sẽ rất mừng vì rất có nhiều triển vọng 2 người Việt sẽ vào chung kết. Như chuyện đã xảy ra 8 năm trước.Phía luật sư Tâm ra quân mãnh liệt như thế, còn về phần cô Vân ra sao.

 

Cho tới nay, việc gây quỹ của Cẩm Vân khá hơn các đối thủ mặc dù chưa tổng kết lần cuối. Cô cũng có được danh sách dài các giới chức Hoa Kỳ ủng hộ. Tuy nhiên đường lối tranh cử của cô khiêm tốn hơn. Hai phía hoạt động hoàn toàn khác biệt nhưng cùng có kết quả về

 

phương diện thông tin. Nếu phong cách của Tâm Nguyễn là lửa đấu tranh thì của Cẩm Vân là mạch nước của xã hội. Cả hai đều tin chắc mình sẽ thắng, nhưng Cẩm Vân phân tích rằng hội đồng thành phố 11 người hiện nay chì có 2 nữ. Madison hết nhiệm kỳ thì cần 1 người nữ vào thay thế để giữ được sự quân bình rất cần thiết. Nói như vậy, cô coi ứng cử viên phụ nữ gốc Mễ cũng đáng quan ngại. Cẩm Vân sẽ cố gắng và lặng lẽ tiếp xúc với cử tri qua các lãnh vực hết sức thực tế. Đối với cả 2 ứng viên được đề cập đến ở đây thì đa số người Việt đều quen biết. Và ngay giữa 2 ứng cử viên vẫn có sự đối thoại qua lại. Cả hai đều tránh công kích hay phê phán đối phương. Chúng ta có thể hy vọng rằng mặt trận khu bẩy kỳ này sẽ sạch sẽ hơn 8 năm về trước.

 

Tuy nhiên yếu tố bất ngờ của 2 ứng viên còn lại chưa biết được. Và kết quả của các ứng cử viên vận động phiếu ngoài cộng đồng Việt thì chưa đo lường . Bây giờ nói đến ghế Thị Trưởng. Vì lý do hết nhiệm kỳ, nên tháng 6 năm nay dân San Jose sẽ bầu sơ bộ ghế thị trưởng với nhiều danh tính để lựa chọn. Các nghị viên San Jose gần như hết hạn cùng 1 lượt nên ai cũng muốn thử thời vận.

 

Trong số này có 3 ứng cử viên được coi là nổi hơn cả. Phía thành phố có nghị viên kiêm phó Thị trưởng Madison Nguyễn, nghị viên khu down town là ông Sam Riccardo. Đây là 2 tay có tiếng phía thị xã. Từ hội đồng giám sát quận ra tranh cử là Dave Cortese. Ông này đã từng làm hội đồng học khu, lên nghị viên San Jose, lên phó thị trưởng rồi qua giám sát viên.

 

Ông Dave được coi là người đang dẫn trước cuộc đua, nhưng Madison và Sam đều là những đối thủ có hạng sẵn sàng gây bất ngờ. Khó ai có thể thắng hơn 50% vòng đầu. Kỳ chung kết sẽ hấp dẩn.

 

Chức vụ Thị trưởng San Jose đòi hỏi phải được phiếu của toàn thể thị xã, các sắc dân, các tổ chức và cử tri toàn tỉnh. Dân Việt tại San Jose có khoảng gần 10% nhưng tỷ lệ đi bầu chưa được 50%. Vì vậy nên rất cần phải nỗ lực gia tăng mới gây ảnh hưởng cho các ứng cử viên, không riêng gì ứng cử viên Việt Nam.

 

Cũng như cuộc bầu khu 7, việc bầu thị trưởng cũng có nhiều khuynh hướng khác nhau trong cộng đồng Việt. Một số thân hữu được hỏi cho biết dù có thể không đồng ý nhưng đã có ý bỏ phiếu cho Madison đơn thuần vì tình đồng hương. Đó là nguyên tắc người Việt bỏ cho người Việt. Cũng có ý kiến sẽ bỏ cho người khác vì chuyện giận hờn chưa nguôi từ nhiều năm qua.

 

Có cử tri nói rằng đồng hương cũng là yếu tố, nhưng giận hờn cũng đáng lưu tâm. Nếu suy nghĩ như 1 cư dân có trách nhiệm tại đất nước này mà thấy đồng hương có khả năng đáp ứng thì rất nên bầu. Nhưng nếu vì công tâm muốn bầu cho người xứng đáng hơn thì yếu tố đồng hương không phải là điều bắt buộc..

 

Vấn nạn quan trọng của thành phố San Jose hiện nay là vấn đề an toàn, ngân sách và gia cư. Án mạng gia tăng, San Jose mất đi danh tiếng của mộtthành phố an toàn số 1, Ngân sách vẫn còn nhiều thiếu hụt và sau cùng giá thuê nhà cao quá.

 

Đó là các nhu cầu thực tế mà mọi người dân San Jose phải đương đầu dù là thuộc sắc dân nào.

Là công dân của đất nước này, là cư dân của thành phố này, là cử tri của cuộc bầu cử này, đã đến lúc chúng ta phải đi bầu thật đông, và đi bầu với tấm lòng của 1 cử tri Hoa Kỳ.

 

Cử tri có thể bầu theo cảm tình riêng, bầu tùy hoàn cảnh hay theo suy luận của lý trí. Có thể bầu vì tình đồng hương hay vì yêu thương hay ghét bỏ. Có thể đi bầu theo thiên hạ hay bầu vì xúc động khi được ứng cử viên gõ cửa chào hỏi trong ngày trời mưa gió. Không ai bắt bẻ về lý do bạn chọn người này mà không chọn người kia. Trong gia đình vợ chồng có thể ý kiến khác biệt. Điều quan trọng là có sự quan tâm, ghi danh và bỏ phiếu. Và điều quan trọng là không để bầu cử trở thành duyên cớ nuôi hận thù.

 

Phải sống được với nhau dù các ý kiến khác biệt. Đó mới thực là dân chủ./