'Khủng hoảng dâu tây’ tại Australia từ cây kim của nữ Việt kiều Úc

13 Tháng Mười Một 20187:50 CH(Xem: 8914)

VĂN HÓA ONLINE - CỘNG ĐỒNG XÃ HỘI - THỨ TƯ 14 NOV 2018


'Khủng hoảng dâu tây’ tại Australia từ cây kim của nữ Việt kiều Úc


14/11/2018


Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tại Australia bùng phát khi một thanh niên nuốt phải kim khâu lúc ăn dâu tây. Sau 2 tháng điều tra, nghi phạm lộ diện là một phụ nữ gốc Việt.


Ngày 12/11, My Ut Trinh, một phụ nữ gốc Việt 50 tuổi đang làm việc tại trang trại ở bang Queensland, Australia, bị tòa án địa phương buộc tội cố ý nhét kim vào dâu tây. Nữ Việt kiều đang đối diện với án tù tối đa lên tới 10 năm như cái giá phải trả cho cuộc “khủng hoảng dâu tây” chưa từng có tại xứ sở chuột túi. Giáo sư an ninh lương thực Chris Elliot của Đại học Queen’s Belfast tại Anh gọi đây là một vụ “khủng bố thực phẩm”.


Ngành nông nghiệp nửa tỷ AUD điêu đứng


Ngày 9/9, Hoani Hearne, 21 tuổi, sống tại thành phố Brisbane, bang Queensland, phải nhập viện vì nuốt phải một cây kim khi ăn dâu tây của thương hiệu Berry Obsession. Theo bạn của Hearne, quả dâu tây có kim bên trong được mua tại siêu thị Woolworths, một trong những thương hiệu bán lẻ lớn nhất Australia.


10 ngày sau, cuộc “khủng hoảng dâu tây” lan ra cả 6 bang của Australia với hơn 100 trường hợp ghi nhận kim khâu bên trong dâu tây theo tờ News.com.au.


Bên cạnh đó, một số trường hợp đơn lẻ phát hiện kim và ghim băng trong táo, chuối cũng được thông báo với nhà chức trách.


Đến nay, 186 vụ việc phát hiện dâu tây chứa kim đã được thông báo cho cảnh sát nhưng có ít nhất 15 trường hợp là giả, theo Jon Wacker, giám đốc 1 công ty thám tử tham gia quá trình điều tra.


Các chuỗi siêu thị lớn tại Australia như Coles và Aldi phải loại bỏ dâu tây ra khỏi các kệ hàng của mình. Trong khi đó, Woolworths ngừng nhập loại trái cây này từ 6 nhà cung cấp bị nghi ngờ.


image057


Những chuỗi siêu thị lớn tại Australia ngừng bán dâu tây vì khủng hoảng. Ảnh: NY Times


Cuộc khủng hoảng nổ ra đúng vào lúc quả dâu tây đang vào mùa thu hoạch tại Australia khiến ngành nông nghiệp được ước tính trị giá nửa tỷ đô la Australia (AUD) bị ảnh hưởng nặng nề. Giá bán sỉ dâu tây rớt xuống một nửa, chỉ còn 50 - 60 cent một hộp. Hàng tấn dâu tây bị bán phá giá và thậm chí phải đổ bỏ, theo lời kể của Jamie Michael, người đứng đầu Hiệp hội các nhà trồng dâu tây Australia.


Thậm chí vụ việc còn vượt ra khỏi biên giới Australia khi một khách hàng ở thành phố Auckland, New Zealand mua phải hộp dâu tây xuất xứ từ nước láng giềng có kim khâu bên trong. Ngay lập tức, chuỗi siêu thị Countdown của New Zealand phải thu hồi tất cả dâu tây nhập khẩu từ Australia để đề phòng những trường hợp rủi ro tương tự.


Nhiều nông dân trồng dâu tây phải chi tiền mua các máy dò kim loại để kiểm tra sản phẩm của mình có bị gài kim bên trong hay không trước khi thu hoạch.


“Cuộc điều tra lớn chưa từng có”

Ngay khi nhà chức trách nhận được thông báo về trường hợp đầu tiên phát hiện kim khâu trong dâu tây, cảnh sát bang Queensland đã bắt đầu tiến hành cuộc điều tra với sự tham gia của 100 người, trong đó có 60 thám tử, theo tờ Brisbane Times. Sau khi cuộc khủng hoản lan ra toàn quốc, chính quyền của cả 6 bang tại Australia đều vào cuộc.


Cơ quan kiểm soát tiêu chuẩn thực phẩm New Zealand và Australia cùng lực lượng kiểm soát biên giới Australia cũng lần lượt tham gia hỗ trợ rà soát chuỗi cung ứng và những người lao động trái phép tại quốc gia này.


Jon Wacker mô tả đây là một cuộc điều tra với quy mô lớn chưa từng có trên tờ News.com.au.


Giới chức Australia liên tục đưa ra những phần thưởng hậu hĩnh cho việc truy tìm thủ phạm. Bang Queensland, nơi khởi phát và chịu ảnh hưởng nặng nề từ vụ việc, tuyên bố tặng 100.000 AUD cho ai cung cấp thông tin để bắt được hung thủ. Bang Tây Australia cũng thông báo mức thưởng tương tự.


image056


2 bang tại Australia tuyên bố thưởng 100.000 AUD cho ai cung cấp thông tin để bắt được thủ phạm gây ra vụ khủng hoảng. Ảnh: ABC.


Bà Palaszczuk, người đứng đầu bang Queensland, nơi đóng góp sản lượng dâu tây trị giá 160 triệu AUD mỗi năm, tuyên bố vụ tấn công là một tội ác kim tởm, có tính toán và đáng khinh thường.


Bên cạnh đó, để giúp đỡ nông dân và lấy lại niềm tin từ người tiêu dùng, liên bang Australia nói chung và Queensland nói riêng lần lượt công bố các gói hỗ trợ trị giá 1 triệu AUD.


Australia đồng thời thông báo các luật mới tăng thời gian chịu án tù tối đa từ 10 lên 15 năm đối với tội danh làm thực phẩm nhiễm độc. Những hành vi đăng tải thông tin giả mạo trên mạng xã hội về việc tìm thấy vật nguy hiểm trong trái cây cũng có thể bị khởi tố.


Nữ nghi phạm gốc Việt lộ diện

Sau cuộc điều tra phức tạp kéo dài trong 2 tháng, cảnh sát Australia thông báo tìm được DNA của nghi phạm trong một hộp dâu tây tại bang Victoria.


Đó là My Ut Trinh hay còn gọi là Judy, 50 tuổi, làm giám sát tại trang trại dâu tây của thương hiệu Berry Licious và Berry Obession nằm ở phía đông nam bang Queensland. Trinh là người gốc Việt và đã sống tại Australia 20 năm.


Ngày 12/11, My Ut Trinh xuất hiện tại tòa sơ thẩm Brisbane và bị buộc tội cố tình gây ra các thiệt hại kinh tế vì hành vi phá hoại của mình. Mức án tối đa mà Trinh có thể phải nhận là 10 năm tù giam.


Theo kết quả điều tra sơ bộ, Trinh đã nhét kim vào dâu tây trong khoảng thời gian từ ngày 2/9 đến 6/9. Trinh cũng biết mình đã lọt vào tầm ngắm của cơ quan điều tra từ ngày 12/9.


image058


My Ut Trinh, có vẻ ngoài giống đàn ông, có thể chịu án tù lên đến 10 năm vì hành vi nhét kim vào dâu tây. Picture: AAP/John Gass.


Các công tố viên không loại trừ khả năng Trinh hành động với mục đích trả thù vì bất mãn với cách bị đối xử tại nơi làm việc. Theo tờ 7 News, Trinh từng nói rằng muốn những người chủ của mình bị phá sản và “dìm họ xuống bùn”.


Luật sư của Trinh biện hộ rằng đã có rất nhiều kẻ bắt chước việc nhét kim vào dâu tây nên thân chủ của mình không thể chịu toàn bộ trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng đối với loại trái cây này tại Australia và đã nộp đơn xin bảo lãnh cho Trinh.


Tuy nhiên, Trinh sẽ bị giam giữ ít nhất đến cuối tháng 11 cho đến khi phiên xét xử tiếp theo được mở. Luật sư của Trinh phải rút đơn khi thẩm phán Christine Rooney cho rằng còn quá sớm để bàn đến chuyện bảo lãnh cho đến khi thu thập đầy đủ thông tin về vụ án.


Thêm vào đó, Cheryl Tesch, một công tố viên của phiên tòa, cũng phản đối kịch liệt việc bảo lãnh khi cho rằng Trinh có thể bỏ trốn hoặc bị những người chủ trang trại trả thù.


Tuy nhiên, luật sư của Trinh phủ nhận việc thân chủ của mình có thể bỏ trốn khi lập luận rằng Trinh đã không thay đổi số điện thoại và địa chỉ trong 2 tháng qua dù biết bị cơ quan điều tra theo dõi. “Nhiều người làm việc tại các trang trại đã rời khỏi Australia, nhưng bà ấy thì không”, vị luật sư nói thêm trên tờ The Australian. Việt Đức
10 Tháng Tám 2015(Xem: 15791)
SAN JOSE 14 July, 2015: "Khi cô Đỗ Minh Ngọc đặt câu hỏi tại sao cô không được phép đeo dây đeo cổ in cờ vàng ba sọc đỏ và cờ Mỹ vào, liệu như vậy có vi phạm tự do ngay trên đất nước tự do này hay không?"
21 Tháng Sáu 2015(Xem: 14567)
LGT: trước tháng 4, Khôi An, cô em họ mail và hỏi HLC làm sao liên lạc với Tướng Lê Minh Đảo để mời ông nói chuyện với sinh viên Đại Học Stanford ở San Jose. Hoàng Lan Chi phải đi đường vòng. Bắt đầu từ ông Hồ văn Kỳ Thoại rồi đến ô Lê Văn Trang..