Tang Lễ Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy - Hồi ký Cam Ranh - Chuyến ra khơi cuối cùng – Houston, Xứ nóng Tình nồng

16 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 21988)

HỒI KÝ CAM RANH

 Giao Chỉ, San Jose

(Trích trong tuyển tập hồi ký Giao Chỉ. Cuộc đời chiến binh VNCH ai

cũng có một ngày 30 tháng tư. Riêng kỳ niệm của tôi lại bắt đầu vào tháng

ba, tại Cam Ranh)

CHUYỆN HẢI QUÂN

Đầu tháng 12-2013 hải quân VNCH họp mặt tại San Jose. Ngoại trừ đô đốc Chơn, người địa phương, chẳng có ông tướng hải quân nào về tham dự. Lý‎ do duy nhất là tuổi già, sức yếu. Ông phó đề đốc Diệp Quang ThủySan Mateo, ngay bên cạnh cũng không về được. Ông nói chuyện hải quân ra khơi qua điện thoại.

image016

Đề đốc Diệp quang Thủy(bên trái) và lễ phủ cờ.

 image018

Đó là kỳ phỏng vấn cuối cùng. Một tuần sau ngày đại hội ông qua đời. Vị tướng tham mưu trưởng hải quân mất ngày 6 tháng 12-2013, hưởng thọ 82 tuổi. Ngày 11tháng 12-2013 tôi đi dự tang lễ ở San Mateo. Anh em hải quân phủ cờ, nhưng chỉ có gia đình và thân hữu hiện diện. Ông tướng hiền lành nhất của hải quân Việt Nam Cộng Hòa ra đi cũng đơn giản như thời kỳ ông còn lái xe lunch để bà nhà bán cơm trưa cho anh em làm hãng xưởng tại San Jose.

Ông tướng cao lớn, đẹp trai, hào hoa nhưng hiền lành và lương thiện. Sống giản dị, chết cũng chẳng ồn ào. Cái chết của ông Thủy làm tôi nhớ lại chuyện của mình. Lần này tôi không viết nhiều về chuyện ra đi của ông tướng hải quân. Tôi viết về chuyện của tôi. Tựa đề Hồi k‎ý Cam Ranh. Gần 40 năm trước, trên chuyến bay định mệnh từ Saigon ra Cam Ranh, chúng tôi ngồi chung 1 tàu. Sứ mạng vĩ đại được trung ương giao phó là tái trang bị cho binh sĩ của quân khu I và II về tập trung tại Cam Ranh.

Ông xếp đại diện tổng tham mưu là thiếu tướng pháo binh Nguyễn xuân Trang. Tôi, đại tá Vũ văn Lộc phụ tá và lo về tiếp vận. Đại tá Trường lo về quân số. Đại tá Huy, tham mưu phó tiếp vận sư đoàn Dù lo cho lính mũ đỏ ở mặt trận Khánh Dương. Phó đề đốc Thủy là tham mưu trưởng lo việc hải quân. Trên tàu bay còn có 1 trung đội quân cảnh của tổng tham mưu để giữ trật tự. Mỗi vị đều có các sĩ quan tham mưu và cận vệ tháp tùng. Phần tôi có đại úy Nguyễn thế Đỉnh, gốc biệt động quân. Anh là quận trưởng, bị thương ở chi khu, mới đổi về tổng tham mưu. Tôi mang đi theo để có tay súng tác chiến yểm trợ ông thầy.

Chúng tôi xuống Cam Ranh rồi mỗi người đi 1 ngả. Những tưởng sẽ hẹn nhau trở về Saigon. Nhưng rồi chỉ vài ngày sau tan hàng tại chỗ, chúng tôi chẳng còn gặp lại nhau. Bây giờ đại tá Trường chết ở quận Cam, đại tá Huy dù đã chết bên Texas, thiếu tướng Trang ở lại đi tù. Khi HO qua Mỹ tôi có đón ông chuyển tiếp tại phi trường San Francisco. Ngày nay chẳng biết tin tức ra sao. Còn ông đề đốc Thủy, dù cũng chẳng xa xôi gì mà cũng không gặp mặt. Ai ngờ tôi gặp lại lúc đưa ông về chốn vô cùng.

image020

DUYÊN NỢ CAM RANH

  image022

Cam Ranh, thời kỳ chiến tranh và thời kỳ di tảnTuy rằng chuyến bay ra Cam Ranh với tướng Trang và tướng Thủy là chuyến bay cuối cùng tháng 4-1975 nhưng không phải là chuyến bay đầu tiên của tôi. Trong cái giai đoạn đau thương của đất nước tôi đã lãnh công tác bay ra Nha trang ngày 15 tháng 3/1975. Công tác yểm trợ cho việc tái chiếm Ban Mê Thuột.

Chắc anh em còn nhớ ông Thiệu họp hội đồng an ninh quốc gia tại Cam Ranh ngày 14 tháng 3/1975 cho lệnh rút quân đoàn II. Lúc đó đại tướng Viên đi họp về đã cho chuẩn tướng Thọ trưởng phòng 3 biết tin. Nhưng các xếp hoàn toàn giữ bí mật. Sáng 15 tháng 3/1975 bộ tư lệnh quân đoàn II đã bỏ cao nguyên mà phái đoàn tổng tham mưu của chúng tôi cứ phoong phoong lên máy bay ra Nha Trang như chuyến đi bình thường. Khi vào bản doanh bộ tư lệnh của quân đoàn II ở Nha Trang đã thấy ông Phú đang cầm máy hò hét các cánh quân.

Ông mới từ Pleiku về hôm trước. Bỏ lại anh bạn Cương Quyết Thủ Đức của tôi là đại tá Lê khắc Lý, tham mưu trưởng quân đoàn với cả miền cao nguyên đang hoảng loạn. Xem cung cách của vị tư lệnh Phú lúc đó đã thấy quân đoàn II đang vất vả lắm rồi. Chẳng kỳ vọng gì chuyện tái chiếm Ban mê Thuột. Anh bạn Cương Quyết Đà Lạt, đại tá Vũ Thế Quang, tư lệnh phó sư đoàn 23 đã bị giặc bắt đang trên đường Việt Cộng giải ra Bắc.Tôi lấy xe chạy qua ngã ba đường đèo lối vào quận Ninh Hòa.

Đón được những chuyến xe đi sớm nhất từ Pleiku lọt được về duyên hải. Một xe jeep đậu bên đường. Anh tài xế bị thương bế 2 đứa nhỏ phía sau. Một tay trung úy lái xe mắt đỏ với bộ mặt đau thương giận dữ. Người đàn bà ngồi bên cạnh băng bó toàn thân. Tôi lại gần mới biết, người vợ đã chết được buộc ngồi vào ghế trưởng xa. Đầu ngả 1 bên. Anh trung úy thấy tôi đeo lon đại tá mang huy hiệu bộ tổng tham mưu, chợt buông tiếng chửi thề rồi lên xe chạy tiếp. Tôi nghĩ rằng mình sẽ đem tiếng chửi về lại bộ tổng tham mưu.

Có thể gọi cả điện thoại cho đại tá Đỗ đức Tâm đang làm việc tại võ phòng, để trình lên tổng thống! Tôi quay về Nha Trang, nhưng không ghé vào quận Ninh Hòa. 38 năm sau mới biết nếu ghé Ninh Hòa, sẽ gặp trung tá Đỗ Hữu Nhơn đang ngồi tại quận này. Ông Nhơn, một đời đi lính lực lượng đặc biệt, 3 lần quận trưởng, bây giờ là thân hữu già cùng khóa Cương Quyết, cư ngụ tại San Jose. Trở về tổng tham mưu tôi báo cáo tình hình cho các xếp.

Nhưng xem ra tin tức về chuyện rút quân cao nguyên đã rung động cả Saigon. Ai cũng biết tin tức đau thương qua bản tin của Nguyễn Tú đăng trên báo Chính Luận. Hai tuần sau đại tướng Viên ra lệnh cho tiền doanh tổng tham mưu lên đường. Tướng Trang cao niên và hiền lành được cử làm trưởng phái đoàn, đại tá Lộc mới đi về, coi bộ thuộc đường đi nước bước, được chỉ định trở lại Cam Ranh. Đi lần này có tướng tham mưu trưởng hải quân, ông Thủy.

Có đại tá Dù, ông Huy. Có ông Trường, một tay ngon lành của TTM, chuyên viên về quân số. Có hơn 20 anh quân cảnh. Xem ra chẳng có hy vọng gì tái tổ chức được 2 quân đoàn và lập phòng tuyến thép. Ngồi trên phi cơ, anh em chúng tôi không ai nghĩ là sẽ làm được chuyện phi thường. Lúc đó xếp xòng thị xã Cam Ranh là đại tá Liễu, chỉ huy trưởng bộ chỉ huy 5 tiếp vận và quân trấn Cam Ranh là đại tá Mai duy Thưởng. Qua đêm đầu yên tĩnh. Buổi sáng tướng Trang nói với anh em là “moi” ngủ không yên. Cứ hắt hơi suốt đêm.

Ông tâm sự, ngày xưa lúc còn trong quân đội liên hiệp Pháp, trước khi bị Nhật bắt “moi” cũng bị như thế này. Điềm rất xấu. Ông thở dài. Chúng tôi cũng lại nghe thêm toàn tin xấu. Tin Đà nẵng thất thủ, rồi đến Quy Nhơn tan vỡ. Tôi vui mừng được biết tại Quy Nhơn hải quân vớt được anh em ở bộ chỉ huy 2 tiếp vận. Các hạm đội hải quân tập trung về Cam Ranh. Máy bay C47 của đại tướng Viên bay ra dự trù đón tướng Trưởng và phái đoàn tổng tham mưu trở về. Nhưng ông Trưởng không lên bờ và máy bay cũng không đáp xuống được.

Phi trường khá đông người và mất trật tự. Tôi gặp tướng Nhựt sư đoàn 2 từ chiến hạm lên thăm dò tình hình Cam Ranh. Hỏi ông có cần trang bị gì cho sư đoàn. Ông quay ra bến tầu, vừa đi vừa lắc đầu. Không tìm thấy đại tá Huy Dù, tôi bèn qua trung tâm bảo toàn để tìm cách liên lạc với đơn vị yểm trợ tiền tuyến bên cạnh mặt trận Khánh Dương. Chợt có tin một phi cơ C130 của không quân đã đáp xuống đang chờ lệnh. Vội chạy ra phi trường.

Ở đây đúng là hỗn quân hỗn quan. Tin tức về phi trường nổi loạn ở Đà Nẵng và việc bắn giết nhau trên bãi biển và ngay cả trên sà lan, trên tàu di tản đã tạo không khí kinh hoàng cho Cam Ranh. Binh sĩ tan hàng từ chiến hạm lên bờ tìm thực phẩm. Súng ống lựu đạn đầy người. Chẳng thấy sĩ quan chỉ huy. Chỉ cần 1 hành động bất cẩn là tiêu tùng. Đặc biệt là không khí căng thẳng giữa quân cảnh TTM với lính tổng trừ bị từ chiến trường hỗn loạn chạy về. Một anh quân cảnh của chúng tôi đã bị chém ở bến tàu.

Tôi ở lại dẫn lính tổng trừ bị ra bến tàu. Cũng chẳng phải can đảm gì. Cái thế phải như vậy. Nếu leo lên máy bay sớm là bị lính ba gai bắn chết tại chỗ cùng với mấy anh quân cảnh.

Khi trở về bộ chỉ huy 5 tiếp vận được biết ông trưởng đoàn đã cùng đại tá Liễu tỉnh trưởng Cam Ranh bay trực thăng vào Phan Rang. Đại tá Mai duy Thưởng cũng đã di tàn đường biển, cả bộ chỉ huy còn lại mình tôi với đại tá Trường.Anh tài xế biệt phái lái xe cho tướngTrang hỏi thăm tôi bao giờ ông tướng trở lại. Anh còn đi tìm ông đại tá chỉ huy trưởng để nhận lệnh. Mặc dù lòng đang bấn loạn nhưng vẫn tỉnh táo nói rằng bây giờ tôi là người chỉ huy ở đây.

Anh tài xế vui vẻ chờ lệnh. Báo cáo về Saigon cho trung tướng Khuyên,tham mưu trưởng liên quân. Trung tá chánh văn phòng Nguyễn đình Bá nửa đùa nửa thật nói là xếp chỉ thị anh Lộc có điều động được thì bây giờ làm chúa đảo kiêm Chỉ huy bộ chỉ huy tiếp vận, luôn cả thị xã Cam Ranh. Tôi ngao ngán nói rằng lệnh bổ nhiệm chậm trễ 3 năm. Bây giờ “moi” phải tìm đường chạy qua hải quân gặp ông đề đốc Hoàng cơ Minh. Tôi nói chuyện về tổng tham mưu hoàn toàn bạch văn chẳng có kiểu cách gì. Lúc đó đã khuya rồi.

Chưa tắt máy, chợt có tiếng anh thượng sĩ truyền tin xen vào. Anh nói rằng, mấy hôm nay chúng em trên núi nghe tiếng đại tá nói chuyện với bộ tổng tham mưu. Bây giờ không còn ai liên lạc về Saigon, chúng em là siêu tần số truyền tin diện địa. Đại tá qua bên kia dùng hệ thống hải quân, xin cho lệnh tụi em về. Tôi hỏi là có xe từ trên núi xuống không. Anh ta nói là chúng em có phương tiện, 6 người truyền tin và 1 tiểu đội địa phương quân. Xin cho chúng em rút. Tôi đồng ý cho lệnh cả toán lấy tiêu lệnh triệt thoái ra mà thi hành. Phá hủy máy, giấy tờ và đặc lệnh truyền tin. Ra lệnh rồi mà tôi cũng cứ băn khoăn, nghĩ rằng mình hơi ẩu.

Sau đó anh em chúng tôi còn lại đi 2 xe jeep chạy qua trung tâm huấn luyện hải quân ở phía bên kia bán đảo. Cho lệnh các anh tài xế và hộ tống tan hàng, không phải chờ đợi ai nữa. Từ bên ngoài hàng rào, các anh lính biệt phái mới quen biết hai ngày cùng giơ tay chào. Ngậm ngùi trông theo, thôi thì như vậy cũng đành. Đại tá chạy, nhưng ông nói rằng ông chạy. Anh em không phải thắc mắc đợi chờ. Quê em ở Ninh Hòa, mai này ông thầy có dịp trở lại ra quán vợ em mua nem. Chúng nó nói đùa mà như có nước mắt.

 CĂN CỨ HẢI QUÂN

 

image024

Phía bên bộ binh tại Cam Ranh rối loạn bao nhiêu thì trong căn cứ hải quân lại bình yên trật tự lạ lùng. Xem ra các chiến hạm khá nhiều mà không thấy dân chúng ồn ào chen chúc.

Chúng tôi ngồi uống nước buổi tối dưới hàng cây. Phía sân trước có 2 trực thăng đậu sẵn. Tôi ngồi bàn tán chuyện thời sự với chuẩn tướng Thântrung tướng Thi bay từ Đà Nẵng về. Sẵn cơn tức giận pha lẫn đau thương lo sợ, tôi phê phán tổng thống Thiệu thẳng thừng.

Tướng Thi đồng ý nhưng ngồi yên lặng. Tướng Thân nguyên là tư lệnh sư đoàn 1 thời kỳ anh bạn tôi là trung đoàn trưởng Nguyễn thế Nhã tử trận, chúng tôi cùng đưa đám ở Mạc đỉnh Chi. Ông Thân rất cảm khái nói rằng các “toa” là đại tá còn dám nói thực lòng, tổng thống đánh đấm thế này thì chết cả anh em.Giấc khuya cả 2 ông lên trực thăng bay vào Nam.

Ông Minh gặp tôi nói: Sao không theo mấy ổng lên trực thăng. Thôi bây giờ tàu dưới bến, anh muốn đi chiếc nào thì đi. Tôi bắt tay ông Minh nghĩ rằng không biết bao giờ sẽ gặp lại. Sáng hôm sau, xuống tàu, được biết ông Diệp quang Thủy đã về trước rồi. Ông Minh di chuyển bằng tàu nhỏ. Trên mặt trận duyên hải, xem ra chỉ còn mình ông Minh bình tĩnh giải quyết công việc.

Tôi cùng sĩ quan bộ binh khác thuộc các đơn vị miền Trung di tản trên một chiến hạm mà ngày nay chẳng còn nhớ con tầu nào. Sĩ quan chúng tôi lẫn vào binh sĩ và dân chúng ngồi dưới sàn tầu. Buổi tối, tôi thảo điện văn nhờ tàu gửi cho tư lệnh hải quân chuyển qua trung tướng tham mưu trưởng liên quân.

Ông hạm trưởng biết chuyện nể tình và cũng muốn giữ an ninh nên đưa 2 ông đại tá tổng tham mưu lên boong tàu nằm cho đỡ vất vả. Canh khuya, tôi chợt nghe thấy tiếng cười của cô nữ quân nhân hải quân.Nằm phía ngoài hiên phòng lái chịu cơn gió đại dương thân thể lạnh ngắt và đầu óc hết sức hoảng loạn cho một tương lai bất định. Mới hơn 5 năm trước bay đêm trên trời Cam Ranh, nhìn xuống quân cảng đèn sáng rực rỡ như thiên đường. Thương thuyền và chiến hạm đầy bến. Các cầu tàu nhộn nhịp lên hàng.

Không thể tưởng tượng có ngày Mỹ bỏ Cam Ranh. Rồi đến VNCH cũng bỏ Cam Ranh. Đoàn tàu từ giã bến cảng 1 thời nổi danh Đông Nam Á. Rồi tất cả rúc còi xuôi Nam. Tàu của tôi chở đầy dân tỵ nạn nên không được vào Vũng Tàu. Phải chạy ra Phú Quốc. Ngay sau khi cặp bến lên tầu thì ngày hôm sau có tin cô thiếu úy xã hội của hải quân bị rớt xuống biển. Đó lại là con gái của vị tư lệnh hải quân đầu tiên Đại tá Lê Quang Mỹ. Tôi vẫn nhớ tiếng cười của người nữ quân nhân hải quân giữa trùng dương mấy hôm trước. Trên đưởng chạy giặc mà sao vẫn nghe thấy tiếng cười của cô gái trong trẻo như pha lê.

Tôi nhớ đến các cháu gái nhà tôi. Ba đứa nhỏ tuổi hoa niên đang học Gia Long ở Sài Gòn. Rồi đây tương lai sẽ ra sao? Sau khi đến Phú Quốc vào đêm khuya, sáng hôm sau tôi lên máy bay về Saigon. Việc đầu tiên là hỏi thăm nhà của ông hạm trưởng để nhà tôi đem biếu hộp bánh với lời cảm ơn. Tôi cũng có ý tìm hiểu xem vụ tai nạn có trở ngại gì không. Rồi đến cuối tháng tư tôi thu xếp đem cả đơn vị xuống tầu quân vận ở bến Khánh Hội mà chạy theo hải quân. Từ ngày đó không gặp lại đại tá Trường tổng tham mưu. Không gặp lại đại tá Huy dù. Không gặp lại tướng Thủy. Các ông bạn một thời chinh chiến lặng lẽ ra đi. Cùng ở nước Mỹ mà ra đi lúc nào, ai có hay.

Nhưng sau cùng tôi có dịp tiễn đưa ông Diệp Quang Thủy lần cuối. Dù bên ngoài trông ông Thủy bình thản hiền lành nhưng thực ra những năm qua, trong phạm vi kín đáo ông vẫn sinh hoạt nhiệt thành với các chính đảng hướng về đại nghĩa quang phục quê hương. Chuyện này ngay anh em hải quân cũng ít người biết đến.

Ông Hoàng Cơ Minh một đời sôi nổi. Từ mặt trận duyên hải cho đến kỳ hạm đội ra khơi lần cuối. Tiếp theo là thời kháng chiến hay là chết. Sau cùng ông đã hy sinh tại Hạ Lào. Đề đốc Thủy kín đáo hơn, nhưng vẫn 1 lòng nghĩ về quê hương cho đến giây phút cuối cùng. Hai ông hải quân mỗi người đeo một sao. Một ông người Bắc, một ông Nam Kỳ. Cả 2 ông đều làm tôi nhớ lại Cam Ranh.

Trên sân khấu của đại hội hải quân ngày 1 tháng 12-2013 tôi có dịp kể chuyện Cam Ranh và ngỏ lời cảm ơn ông hạm trưởng con tầu tháng tư đã chở tôi về Phú Quốc mà thực sự tôi đã quên tên. Chỉ còn nhớ chuyện cô gái chết rất đau thương. Tối qua, tìm được điện thoại, ngay tại San Jose từ hơn 30 năm qua, anh em mới có dịp hàn huyên. Tôi mới được biết con tầu đầy kỷ niệm là HQ.500 của ông hạm trưởng trung tá Lê Quang Lập, quê Phan Rang, xứ sở của ông Thiệu.

Danh hiệu hết sức tình cảm của HQ 500 lại là Dương vận hạm Cam Ranh. Sự tình cờ làm đậm đà cho bài hồi ký 38 năm sau. Nhớ mãi ông Trường TTM, ông Huy Dù, ông Thủy hải quân và tôi trong chuyến bay buổi sáng đầu tháng tư, năm 75. Ông Trang ngồi trong phòng lái. Anh em mình ngồi một dãy bên nhau, tin tan hàng mất đất dồn dập, chẳng ai nhìn thấy tương lai. Tuy nhiên không ai biết rằng đến lượt Cam Ranh, chỉ còn đứng vững ba ngày rồi tan ra như lửa thiêu nước đá.

image026

Chẳng thấy bóng quân thù. Không một tiếng súng. Các binh đoàn cứ mờ dần như đang mộng du. Lúc đó chúng tôi 20 tuổi học trò, 20 tuổi lính, 40 tuổi đời. Gần 40 năm sau, chỉ còn mình tôi ngồi nhớ khung trời Cam Ranh mà chẳng biết bây giờ các ông ở đâu.

Giao Chỉ , San Jose.

CHUYẾN RA KHƠI CUỐI CÙNG HẢI-QUÂN V.N.C.H.

NGUYỄN THỊ KIỀU-LAM

Buổi Hội Ngộ chính thức về Chuyến Ra Khơi Cuối Cùng của Hải-Quân V.N.C.H. cách nay 38 năm được cơ quan Dân Sinh Media và Hội Bặch-Đằng San Jose tổ chức vào lúc 2 giờ chiều ngày 1 tháng 12 năm 2013, tại Santa Clara Convention Center.Trước khi vào hội trường, quan khách gặp nhau, tay bắt mặt mừng; vì sau 38 năm bây giờ mới có cơ duyên gặp lạ. Sau giây phút vui mừng, quan khách tụ lại từng nhóm nhỏ, thì thầm gợi lại những giờ phút đau thương đầy phẫn uất của những ngày cuối tháng Tư 1975. Những vị di tản bằng đường thủy từ Vùng I và Vùng II vào Saigon thì khơi lại những giờ phút kinh hoàng, thảm khốc quanh các bãi đổ bộ và họ nói với nhau một câu chan chứa ân tình: “Nếu không có Hải-Quân đón thì số người chết ở Vùng I và Vùng II còn tăng gấp bội phần; vì Việt Cộng đâu chừa ai, dân hay quân gì Việt Cộng cũng nã đại pháo để tiêu diệt!” Có người lại nhắc đến những cảnh tự tử tập thể của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến tại bãi đón quân ở Thuận-An.(1)

Những chi tiết về các cuộc đón quân từ Vùng I và Vùng II đã được Hải-Quân V.N.C.H. soạn thảo và thi hành một cách nghiêm chỉnh. Nhưng, vào thời điểm đó và trong tình cảnh bi thảm đó, không ai còn đủ bình tĩnh để chụp hình, để đem theo tài liệu, v. v…Vì vậy, cơ quan Dân Sinh Media phải góp nhặt hình ảnh trên Internet để thực hiện một DVD về Chuyến Hải Hành Cuối Cùng của Hải-Quân V.N.C.H.

Thực hiện xong DVD, cơ quan Dân Sinh Media còn thận trọng hơn, muốn đưa sự kiện trong DVD càng gần với sự chính xác của lịch sử càng tốt; cho nên, cơ quan Dân Sinh Media đã mời nhiều sĩ quan cao cấp Hải-Quân, nhiều Hạm Trưởng cũng như những vị có liên hệ đến Chuyến Ra Khơi Cuối Cùng xem DVD rồi góp ý. Chúng tôi nhận thấy có sự hiện diện của những vị sau đây tại buổi Tiền Hội Ngộ, được tổ chức vào lúc 2 giờ chiều 30 tháng 11 năm 2013, tại thư viện Tully: Cựu Hải-Quân Đại Tá Đỗ-Kiểm, nguyên Tham Mưu Phó Hành Quân, Bộ Tư Lệnh Hải-Quân; Cựu Hải-Quân Đại Tá Nguyễn-Xuân-Sơn, nguyên Tư Lệnh Hạm Đội; quý vị Hạm Trưởng; quý vị Hải-

Quân có liên hệ đến Chuyến Ra Khơi Cuối Cùng; và nhà văn Điệp-Mỹ-Linh, tác giả cuốn tài liệu lịch sử “Hải-Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975”.

Khi DVD về Chuyến Hải Hành Cuối Cùng được trình chiếu, cả hội trường im lặng hoàn

toàn. Nhìn những chiến đỉnh và chiến hạm rẻ sóng, nỗi bi thương mà mọi người HảiQuân tưởng đã nén lại đâu đó trong lòng suốt 38 năm qua, nay bỗng cuồn cuộn trở về! “Nàng dâu” của đại gia đình Hải-Quân, bà Điệp-Mỹ-Linh, không thể ngăn được xúc động! Những chiến đỉnh lướt trên dòng sông đục ngầu phù sa, với cờ vàng bay phất phới, gợi lại trong ký ức của bà Điệp-Mỹ-Linh hình ảnh oai hùng, lẫm liệt của những đơn vị tác chiến Hải-Quân mà ngày xưa Bà thường tháp tùng theo các chuyến hành quân hỗn hợp do Hải-Quân Trung Tá Hồ-Quang-Minh chỉ huy. Ngày xưa đó, những đơn vị tác chiến Hải-Quân trên sông rạch là nỗi ám ảnh hãi hùng cho Việt Cộng vào những lúc Việt Cộng “công đồn”. Khi Việt Cộng “đã viện” thì không thể nào Việt Cộng chịu đựng được sức tác xạ như vũ bão từ các chiến đỉnh. Nhờ những đơn vị tác chiến Hải-Quân và cũng nhờ những cuộc hành quân hỗn hợp vượt sông Mekong để cắt đứt nguồn tiếp tế vũ khí của Việt Cộng từ Cao-Miên, mà, cho đến tháng Tư năm 1975, Vùng IV Chiến Thuật vẫn yên “như bàn thạch”. Vậy mà bây giờ…Bà Điệp-Mỹ-Linh cúi mặt, lau nước mắt!

Phu nhân của Cố Hải-Quân Trung Tá Nguyễn Văn Phước đến cạnh Điệp-Mỹ-Linh, muốn ngõ lời an ủi. Điệp-Mỹ-Linh chỉ thốt được một câu: “Buồn quá, chị Phước ơi!” rồi tựa

đầu lên vai bạn, cả hai cùng khóc! Phu nhân của Hải-Quân Thiếu Tá – và cũng là nhà văn – Phan-Lạc-Tiếp đến cạnh, bảo: “Ông Tiếp khóc quá trời! Tôi tưởng chỉ mình ông Tiếp khóc, không ngờ Điệp-Mỹ-Linh cũng khóc!” Cựu Hải-Quân Đại Tá Đỗ-Kiểm đến, thân mật để tay lên vai hai người vợ của hai cựu sinh viên sĩ quan Hải-Quân khóa 8 mà Đại Tá Kiểm từng là hiệu trưởng, hỏi: “Sao, khóc đã chưa?”

Sau khi chiếu DVD là phần góp ý của những vị sĩ quan Hải-Quân để bổ khuyết những Nhân vật đầu tiên được mời cho ý kiến là Cựu Hải-Quân Đại Tá Nguyễn-Xuân-Sơn. Đại Tá Sơn nhiệt liệt ca ngợi công lao cũng như sáng kiến của Dân Sinh Media đã thực hiện được một DVD mà tập thể Hải-Quân chưa thể làm được. Đại Tá Sơn cũng bày tỏ lòng biết ơn của Ông đối với Dân Sinh Media.

Nhân vật thứ hai là Cựu Hải-Quân Đại Tá Đỗ-Kiểm. Sau khi ngõ lời biết ơn đến cơ quan Dân Sinh Media, Đại Tá Kiểm nói rõ vai trò của Ông và những biến động trên hệ thống truyền tin giữa Tuần Duyên Hạm Chí-Linh, HQ 11 – nơi Ông điều động các chiến hạm từ bến Bạch-Đằng cho đến khi Hạm Đội ra đến biển – và Trung Tâm Truyền Tin Hải-Quân.(2) Điều đặc biệt là Đại Tá Kiểm nói lên hoàn cảnh và nỗi lòng của những người Hải-Quân không thể đem theo vợ con, gia đình, như chính bản thân Đại Tá Kiểm, mà những người này cũng vẫn tuân hành lệnh của những sĩ quan của một binh chủng không còn quân đội, không còn tổ quốc để đưa quân bạn và đồng bào đến vùng đất Tự Do. Thủy thủ đoàn vẫn lo nấu cơm, tiếp tế nước sôi cho trẻ em bú bình và nước ngọt cho người lớn cho hơn 30 ngàn quân bạn và đồng bào trên các chiến hạm với tất cả khả năng và với trái

tim ướt đẫm tình người.

Trong DVD mọi người thấy sự xuất hiện của một nhân vật Hoa-Kỳ, ông Richard Lee Armitage. Có người đặt câu hỏi. Đại Tá Kiểm giải thích cặn kẽ vai trò của ông Richard .Người kế tiếp là Cựu Hải-Quân Thiếu Tá Phan-Lạc-Tiếp.

Thiếu Tá Tiếp đặt câu hỏi rằng: Chi tiết về đứa bé vuột khỏi tay Mẹ, rơi vào lòng nước, trong khi người Mẹ chen lấn để lên chiến hạm HQ 502, mà ông Tiếp đã viết rất nhiều, tại sao không ai đọc và không có một chi tiết nào của HQ 502 được đưa vào DVD này?

Tiếp theo là “nàng dâu” của đại gia đình Hải-Quân, nhà văn Điệp-Mỹ-Linh. Bà Điệp-Mỹ-Linh bổ

khuyết vài Lực Lượng tác chiến của Hải-Quân mà người giới thiệu trong DVD đã nêu lên không đủ,

đó là Lực Lượng Tuần Thám, Lực Lượng Hải Tuần và Lực Lượng Giang Cảnh. Bà Điệp-Mỹ-Linh

cũng nồng nhiệt khen ngợi những nhạc khúc làm nền cho DVD. Theo Bà, một người chơi nhạc, thì

nhạc đệm trong DVD rất tuyệt vời. Nhạc đệm từ DVD dội thẳng vào tâm thức người nghe, khích

động và khơi dậy nỗi đau xưa!

Bà Điệp-Mỹ-Linh cũng góp ý rằng đoạn DVD có cô gái và chàng Hải-Quân mặc quân phục đại lễ

đang tình tứ bên bờ biển nên đưa vào hồi tưởng; bởi vì, trong cảnh hỗn loạn như từ tháng Ba cho đến

cuối tháng Tư 1975 thì không một quân nhân Hải-Quân nào có điều kiện để thể hiện tình yêu một

cách quá lãng mạng như vậy. Chỉ khi đêm về, một mình trơ trọi giữa một “rừng” người, người Hải-

Quân xa lìa vợ con mới có thể hồi tưởng lại những ngày hạnh phúc xa xưa. Nhân đó, bà Điệp-Mỹ-

Linh cũng yêu cầu vị nào chọn nhạc đệm cho đoạn DVD này hãy chọn tình khúc “Hoa Biển” của

Anh-Thi thay vì ca khúc “Bảy Ngày Đợi Mong”; vì nhạc của “Hoa Biển” đã hay mà lời ca của “Hoa

Biển” cũng dễ thương, ý nghĩa và thích hợp với hoàn cảnh. Một chi tiết nữa là chàng Hải-Quân chỉ

nên mặc quân phục tiểu lễ; vì, ngày xưa, Hải-Quân V.N.C.H. không mặc quân phục đại lễ khi lên

bờ.

Kế tiếp là Cựu Hải-Quân Trung Tá Phạm-Trọng-Quỳnh, nguyên Hạm Trưởng Tuần Dương Hạm Ngô-Quyền, HQ 17 và Cựu Hải-Quân Trung Tá Đinh-Mạnh-Hùng, Hạm Trưởng Tuần Dương Hạm Trần-Quang-Khải, HQ 2. Cả hai vị Hạm Trưởng đều bổ khuyết nhiều chi tiết về các cuộc rút quân từ Vùng I, Vùng II Duyên Hải và Phú-Quốc.Sau phần góp ý về DVD, Ban Tổ Chức mời mọi người đến viếng Bảo Tàng Viện Việt-Bảo Tàng Viện Việt-Nam là ngôi nhà cổ, được đặt dưới sự quản trị của Bà Kiều-Trang. Trước ngôi nhà, bên phải là chiếc ghe đánh cá rách tả tơi, tượng trưng cho những chiếc ghe đã đưa không biết bao nhiêu người Việt-Nam vượt biển đi tìm Tự Do. Bên trái là bức Tường, ghi công tất cả Quân, Cán, Chính miền Nam Việt-Nam đã tuẩn tiết mà tiêu biểu là ảnh của 5 vị Tướng, 2 vị Tá V.N.C.H.

Vào bên trong Bảo Tàng Viện mới thấy được kỳ công và óc sáng tạo của những người xây dựng Bảo Tàng Viện này. Bức tượng của một quân nhân V.N.C.H. trong tư thế đang chiến đấu chinh phục tình cảm của người xem rất nhanh. Từng bộ quân phục, cây kiếm, huy chương, lon “ghi-gô” để người tù cải tạo đựng thức ăn cũng được trưng bày. Hầu hết huy hiệu của các quân binh chủng Quân Lực V.N.C.H. đều được sưu tầm và trưng bày.

Sáng hôm sau, những người ở xa về San Jose tham dự Hội Ngộ được Cựu Đại Tá Vũ Văn Lộc, tức nhà văn Giao-Chỉ và cũng là Giám Đốc cơ quan IRCC, Trung Tâm Định Cư và Văn Hóa Di Dân, hướng dẫn đi thăm Tòa Thị Chính vừa mới được xây xong.Tại Tòa Thị Chính, mọi người được gặp Phó Thị Trưởng Madison Nguyen, một người trẻ được sinh năm 1975 và đến Mỹ năm 1990, giới thiệu về cao ốc này. Từ tầng 18, quan khách có thể thấy bao quát cả vùng San Jose hiền hòa.Sau đó, mọi người nô nức, mong đến Santa Clara Convention Center tham dự buổi Hội Ngộ chính thức để được gặp lại những người đã giúp họ thoát khỏi sự cai trị tàn độc và dã man của Cộng Sản Việt-Nam.

Trước khi chương trình Hội Ngộ được khai mạc, một cuộc phỏng vấn dành riêng cho các sĩ quan Hải-Quân trực tiếp liên hệ đến Chuyến Ra Khơi Bi Hùng của Hải-Quân V.N.C.H., các Hạm Trưởng và nhà văn Điệp-Mỹ-Linh, được thực hiện bên ngoài hội trường. Nhưng vì bà Điệp-Mỹ-Linh được đưa đến hội trường trễ cho nên bà Điệp-Mỹ-Linh được phỏng vấn vào sáng hôm sau, tại khách sạn. Cuộc phỏng vấn này sẽ được đưa vào DVD cùng với phần bổ khuyết hôm Tiền Hội Ngộ.Cuộc phỏng vấn thực hiện xong đúng vào giờ Hội Ngộ được khai mạc.

Trong khung cảnh trang trọng của buổi lễ khai mạc Hội Ngộ Chuyến Hải Hành Cuối Cùng, ngoài số quan khách chật kín cả hội trường, người ta thấy có sự hiện diện của Cựu Đề Đốc Trần-Văn-Chơn, nguyên Tư Lệnh Hải-Quân V.N.C.H.; phu Nhân Cố Phó Đô Đốc Chung-Tấn-Cang; Ông Paul Jacobs, Cựu Hạm Trưởng Khu Trục Hạm USS Kirk 1087; và 17 vị Hạm Trưởng của Hải-Quân V.N.C.H.Người điều hợp chương trình là anh Phạm Phú Nam, Giám Đốc Dân Sinh Media, phụ trách về báo chí, radio, TV, sản xuất CD và DVD.Nhân vật giới thiệu Hải-Quân là Cựu Hải-Quân Thiếu Tá Vương-Thế-Tuấn.Với chi tiết cặn kẽ về mỗi vị Hạm Trưởng, Thiếu Tá Tuấn lần lược giới thiệu từng vị Hạm Trưởng. Mỗi vị Hạm Trưởng được choàng một vòng hoa trong tiếng vỗ tay vang dội.

Mục cảm động trong chương trình là nhiều vị từ các tiểu bang khác đã về San Jose, chỉ với mực đích được bày tỏ lòng biết ơn đối với Thủy Thủ Đoàn đã cứu vớt họ trên đường di tản tránh hiểm họa Cộng Sản. Một Cụ Ông cho biết, khi chiến hạm Hải-Quân đưa toàn gia đình Cụ đến Subic Bay thì gia đình của Cụ gồm 19 người; bây giờ gia đình của Cụ là Xen kẽ vào chương trình là những màn vũ, đơn ca, song ca và hợp ca do nhạc sĩ Nam Lộc và một số nghệ sĩ phụ trách.

Chương trình Hội Ngộ về Chuyến Hải Hành Cuối Cùng được kết thúc vào lúc 5:30 giờ Nhìn mọi người ra về với nét mặt buồn buồn, người ta có thể tự đặt câu hỏi: Nếu không có Chuyến Ra Khơi Bi Hùng của Hải-Quân V.N.C.H. thì làm thế nào chúng ta có được những đợt vượt biển và vượt biên bằng đường bộ? Bởi vì, sau đợt di tản đầu tiên do Hải Quân V.N.C.H. thực hiện, di dân Việt-Nam được thế giới Tự Do tiếp nhận thì đài BBC loan báo và người trong nước tìm mọi phương tiện để trốn thoát chế độ Cộng Sản.

Từ đó chúng ta có danh từ “Boat People”. Nếu không có Chuyến Ra Khơi Bi Hùng của Hải-Quân V.N.C.H. thì làm thế nào chúng ta có được thế hệ tỵ nạn thứ hai đạt được những thành quả không ngờ! Và, nếu không có Chuyến Ra Khơi Bi Hùng của Hải-Quân V.N.C.H. thì, các nhà tù của Cộng Sản Việt-Nam đã có thêm biết bao nhiêu sĩ quan Hải-Quân, sĩ quan quân bạn và Dân, Cán Chính?

Vì những lý do đã nêu, Chuyến Ra Khơi Bi Hùng của Hải-Quân V.N.C.H. là trên cả tuyệt vời. Chúng ta có bổn phận phải ghi lại bằng sử liệu, bằng hình ảnh để những thế hệ mai sau hiểu được sự thống khổ, nỗi bi thảm và niềm phẫn hận của Ông Cha và của một quân chủng mà cho đến ngày 7 tháng 5 năm 1975, tại Subic Bay, kỹ luật và hệ thống chỉ huy cũng vẫn được tôn trọng và thi hành một cách tốt đẹp. Đó là truyền thống của Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa.

NGUYỄN THỊ KIỀU-LAM

1-2-3: Muốn biết thêm chi tiết xin mời đọc Hải-Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975 của Điệp-Mỹ-Linh tại http://

4: Danh từ của Hải-Quân, nghĩa là rời đơn vị, chiến hạm hoặc chiến đỉnh để đi phố./

Houston, Xứ Nóng Tình Nồng

 

Tuỳ bút của Đinh Thị Ngọc Tuyết

Ngày 24 tháng 11, 2013

http://machsong.org

Năm nay mình có duyên với tiểu bang cao bồi Texas. Tháng 9 vừa rồi, đến Dallas, TX tham dự dạ tiệc Góp Một Bàn Tay (GMBT) để gây quỹ Pháp Lý giúp đồng bào tị nạn CS tại Thái Lan và các nạn nhân buôn người. Ngồi chung bàn với chị Janet Thuý Hằng Nguyễn và anh Tuấn Trần, cư dân Houston, TX. Hai chị em chuyện trò rất vui vẻ và thân mật. Chị Thúy Hằng rủ mình về Houston để tham dự chương trình gây quỹ Góp Một Bàn Tay do chị và các thân hữu tổ chức ngày 16 tháng 11, 2013. Vì có duyên với Houston, nên mình lại lên đường tòng quân.

Kỳ này đi mình ên vì chàng ở nhà trông đám gà con. Trước khi ra phi trường, chú gà út nước mắt lưng tròng vẫy tay chào gà mẹ. Chú nghe gà mẹ hứa sẽ mua bánh ngọt hình trái bắp và bánh mì Lees Sandwiches về thì chú gà út khóai chí cười toe. Miệng cười mà mắt thì sũng nước. Thương ơi là thương.

Chiều thứ sáu sau giờ làm việc, mình về nhà ăn cơm chiều với đàn gà con, sau đó ra phi trường đón chuyến bay thẳng từ Louisville đến Houston. Đáp xuống phi trường Houston là anh Dan (Dũng) Trần ra đón. Hai anh em về đến nhà chị Thúy Hằng cũng gần 9:30 tối. Vừa vào nhà, chưa kịp dọn hành lý, là mình đã sà vào bếp để thưởng thức món mì khô Chợ Lớn tuyệt hảo của đầu bếp Ngô Thị Hiền đến từ tiểu bang Maryland. Món mì khô là món khoái khẩu của mình. Đã được ăn ngon mà còn được truyền bí quyết cách luộc cọng mì cho khô và giòn nữa. Quá là vui thú.

image028

Các tình nguyện viên trong ban tổ chức, Houston 16/11/2013 (ảnh Janet Nguyễn)

 

Nhà chị Thúy Hằng lúc này rộn ràng tiếng cười nói. Nhìn quanh mình thấy nhà có 3 xóm nhà lá. Xóm nhà lá thứ nhất là xóm mê ăn hơn mê uống, ngồi ở phòng khách. Mình tham gia xóm này vì mình đang đói nên mình mê ăn. Xóm này gồm có vợ chồng chị Cẩm Sa, anh David, Tuyết, chị Ly, chị Hiền Em, chị Hiền Ngô, chị Thúy Hằng. Xóm này ăn uống rôm rả và xôm tụ lắm. 

Xóm nhà lá thứ hai tập trung ở dưới bếp. Xóm này mê uống hơn mê ăn. Tham gia nhóm này có Thảo Nhi, anh Dan, Chị Kim Dung, anh Phát. Trên bàn la liệt những chai và ly rượu. Tiếng cụng ly cốp cốp, dzô dzô vang vọng lên tới nhà trên. Mồi nhậu của xóm nhà lá này là bánh cracker, phó mát, bánh mì, và trái cây, và dĩ nhiên là không thể thiếu rượu. Vừa có rượu ngon, vừa có bạn hiền nên cứ thế là dzô dzô. Không phải như cụ Nguyễn Khuyến ngày xưa uống rượu mà không có bạn hiền nên đã buông lời than “Rượu ngon không có bạn hiền: Không mua không phải không tiền không mua”.

Xóm nhà lá thứ 3 tập trung ở ngoài vườn sau. Xóm này không mê ăn mà cũng không mê uống. Tham gia nhóm này có anh Tuấn Trần, anh Dũng Ngô và một vài thân hữu. Hình như nhóm này mê “tám” hơn mê ăn và uống. Có nhóm này thì đồ ăn đỡ hao và đồ nhậu đỡ tốn.

Mà nói nào ngay, dân cư của ba xóm nhà lá cứ di cư vòng vòng. Hết chạy qua rồi chạy lại, đến khi cuộc vui đã tàn thì ba tụ gôm lại chỉ còn 1 cái nhà lá. Những lần gặp gỡ như thế này thật là quý vì các anh chị em thân hữu có dịp hàn huyên tâm sự, trao đổi những suy nghĩ và tâm tư, cùng nhau chia ngọt xẻ bùi.

Gần 2 giờ sáng, tiệc tàn. Thảo Nhi đã tót lên lầu say giấc nồng từ thăm thẳm chiều trôi rồi vì rượu dzô là ta đi ngủ. Chị Hiền Ngô, chị Thuý Hằng và mình dọn dẹp đôi chút rồi tắt đèn đi ngủ.

Sáng sớm thứ 7, chị Hiền Ngô lục đục xuống bếp tìm đồ ăn sáng. Mình cũng xuống bếp nhóm tụ với chị Hiền. Hai chị em uống trà nóng vừa ăn bánh, quá là vui thú niềm riêng. Nữa tiếng sau thì Thảo Nhi và chị Hằng cùng thức. Ăn sáng xong, mọi người lo khiêng đồ ăn ra xe chị Hằng để đến nhà chị Hương, em chị Hằng, chuẩn bị nấu cho bữa tiệc tối.

Bếp nhà chị Hương và anh Nam thật là tuyệt vời. Rất là rộng rãi, đầy đủ đồ nghề nấu ăn như một nhà hàng. Cần gì cũng có, nồi niêu xoong chảo, rất nhiều nồi to để nấu. Anh chị chủ nhà, Hương và Nam rất hiếu khách, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhóm nhà bếp do bếp trưởng Ngô Thị Hiền đảm trách thoải mái nấu nướng, bày biện. Hai anh chị giúp dọn dẹp nhà bếp trong lúc nấu và sau khi nấu.

Thảo Nhi lo phụ trách phần cắt hành, gọt khoai tây, cắt khoai môn. Tội nghiệp cô nàng ngồi lâu tê cẳng, cắt hành chảy nước mắt ròng ròng, hai tay tê vì cắt những củ khoai môn vừa to vừa nặng. Mình cũng nhảy vào cắt phụ hành với Nhi vì hành cay nên không ai cắt lâu được. Khoảng 2 tiếng sau, có chị Hiền em, anh Dan, chị Ly, anh Phát đến phụ nên không khí trong nhà bếp rộn rã và nhộn nhịp hơn.

Chị Hằng chạy ra chợ mua thêm một số món còn thiếu. Tuyết cắt thịt bò và tranh thủ mở những hộp cà chua và nước sauce để chuẩn bị nấu món bò ragu kiểu Pháp. Chị Hiền là đầu bếp. Khi thịt bò, thịt gà, cà chua, hành và khoai tây đã chuẩn bị sẵn sàng thì bếp trưởng ra tay. Mình là thợ vịn cho chị Hiền, chị sai đâu thì mình đánh đó như Thiên Lôi vậy. Theo đầu bếp làm việc, mình học được nghề nấu món ragu nha. Thật là nhất cử lưỡng tiện.

Trong lúc đang hầm nồi thịt bò và gà, thì đầu bếp Hiền nấu món chè khoai môn và chè hoa câu. Từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, sau 6 tiếng quần thảo trong bếp, đầu bếp Ngô Thị Hiền và các thợ vịn đã cho xuất lò được 4 món: Bò Ragu, Gà Ragu, chè Khoai Môn bột bán nước dừa, chè Hoa Câu. Chị Hằng và Nhi cũng hoàn thành xong món bánh Pate Chaud nóng giòn vừa thổi vừa ăn.

Tiệc bắt đầu vào lúc 6 giờ chiều nên lúc 4:30 chiều, chị Hương và chị Hằng tranh thủ chở tất cả các món ăn trực chỉ đến Rosemary Garden để chuẩn bị cho tiệc tối. Chị Hiền Ngô và Tuyết được anh Tuấn chở về lại chị Hằng để chuẩn bị và sau đó chạy thẳng ra Rosemary Garden để dự tiệc. Trên đường đi, anh Tuấn ghé vào Lees Sandwiches để mua 30 ổ bánh mì mới ra lò, thơm nứt mũi luôn.

Đúng 6 giờ chiều, mình có mặt tại Rosemary Garden. Vào cửa là đã thấy không khí nhộn nhip. Từ 6 giờ đến 7:30 tối, quan khách bắt đầu đến và thưởng thức món các thịt bò, thịt gà ragu nóng hổi chấm bánh mì và tráng miệng bằng chè khoai môn và hoa câu do đầu bếp Ngô Thị Hiền đảm trách. Ban tổ chức còn chuẩn bị một bàn lớn có bánh mì và patê gan cho chị Cẩm Sa chế biến, bánh ngọt, cheese, bánh lạt, trái cây, và rau quả các loại để quan khách thưởng thức. Anh Dan Tran cũng chở những thùng bia và rượu từ Dallas xuống Houston để quan khách uống thoải mái với tinh thần đóng góp tùy tâm.

Các thiện nguyện viên làm việc sốt sắng và phục vụ quan khách rất chu đáo. Chú Đoàn Bốn, chủ nhân một Nursery có tầm vóc ở Houston, đã ưu ái gởi tặng nhiều chậu cây xanh đủ cỡ và đủ kiểu để tranh trí khán phòng. Nhờ có màu xanh của lá mà khán phòng nhìn tươi mới như có sức sống của thiên nhiên.

 Mình có dịp gặp gỡ và trò chuyện với Danh Hui, chị ruột của Huỳnh Thị Bé Hương, nạn nhân đầu tiên được giải thoát và hồi hương trong số 15 cô gái bị lường gạt và bán vào ổ mãi dâm ở Nga vào tháng 4 năm nay. Liên Minh CAMSA đưa cô Danh Hui đến Quốc Hội Hoa Kỳ điều trần vào ngày 11 tháng 4, 2013.

Sau khi mọi người đã dùng xong cơm chiều, quý đồng hương và quan khách đã dành cho bếp trưởng Ngô Thị Hiền những tràng pháo tay giòn giã khi ban tổ chức giới thiệu người đầu bếp đến từ Maryland đã vất vả chuẩn bị và nấu những món ăn rất ngon miệng để khoải đãi mọi người.

Đúng 7:30 tối, chương trình được chính thức khai mạc. Anh Dũng Ngô, Giáo Sư Khoa Tâm Lý Học của trường Đại Học Texas at Tyler là người điều kiển chương trình. Quốc Ca Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa được mọi người đồng thanh hát vang. Mình cứ mỗi lần cất tiếng ca: “Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi..” là cảm xúc trào dâng và nước mắt bắt đầu tuôn, giọng bắt đầu nghẹn.

Sau phần hát quốc ca, mọi người cùng lắng đọng và dành “một phút mặc niệm để ghi nhớ công đức tiền nhân, các anh hùng dân tộc vị quốc vong thân. Phút mặc niệm để tưởng nhớ đến đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh trong công cuộc chiến đấu bảo vệ tự do. Phút mặc niệm để thương xót cho hàng ngày đồng bào chúng ta chết đớn đau trong vùng kinh tế mới, các chiến hữu đã gửi thân xác lại góc núi ven rừng trong ngục tù cộng sản. Phút mặc niệm để tưởng nhớ đến hàng vạn đồng bào chúng ta kém may mắn trên đường tìm tự do đã gửi thân lại vùng biên giới và trên sóng biển mênh mông. Và sau hết, phút mặc niệm để thương tiếc cho những thân xác Việt Nam đã vùi chôn nơi xứ lạ quê người.”

Sau nghi lễ chào cờ chấm dứt, anh Dũng Ngô đã mời chị Thúy Hằng, đại diện ban tổ chức chào đón và cám ơn quý ân nhân bảo trợ, quý bạn bè thân hữu, và đặc biệt là quý đồng hương Việt Nam đã dành chút thời gian qúy báu để đến tham gia và ủng hộ cho chương trình gây quỹ giúp đồng bào tị nạn cộng sản tại Thái Lan và các nạn nhân buôn người.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng, cô Phạm Tuyết Mai, luật sư Lan Ng. là ba diễn giả chính của chương trình. Ts. Thắng chia sẻ: “Tháng 10 vừa qua, Liên Minh CAMSA được mời sang Cyprus để tìm hiểu tình trạng của hàng nghìn người Việt lao động tại quốc gia nhỏ bé này. Nhiều người trong số họ bị lường gạt, bóc lột và bỏ rơi ở xứ lạ quê người. Liên Minh CAMSA đang phối hợp với các tổ chức địa phương để giúp đỡ cho số đồng bào này. Điều này cho thấy rằng Liên Minh CAMSA ngày càng tăng tầm vóc và uy tín quốc tế.”

Diễn giả thứ hai được mời lên sân khấu là cô Phạm Tuyết Mai. Cô là một cựu nữ sinh Trưng Vương và đã về về hưu ở Houston. Cuối năm 2011, qua email Cô nghe đến tình cảnh của đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan nên quyết định lên đường tình nguyện và nhập toán BPSOS đang làm việc tại Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý đặt ở Bangkok vào tháng 3 năm 2012. Hàng ngày Cô thăm viếng và uỷ lạo các gia đình gặp khó khăn, dạy học cho người lớn và trẻ em, thăm nuôi những người bị bắt giam, và khi cần thì giúp cả phần thông dịch. Cô Tuyết Mai đã dành hơn 6 tháng để sống giữa những người tị nạn và đã góp một bàn tay làm thay đổi cuộc đời của những mảnh đời bất hạnh.

Đây là những lời tâm tình của anh Dan Trần khi nghe cô Tuyết Mai chia sẻ những gì mắt cô đã thấy, tai cô đã nghe, và tay cô đã làm cho đồng bào đang lánh nạn CS tại Thái Lan: “Nghe cô tường thuật lại hình ảnh các em bé Hmong bị gò bó trong nhà vì sợ bị lộ diện, và các em mong muốn được đi học mà lấp ló trước lớp học dành cho người lớn, các em bò vô lớp học. Và chuyện cô kể một em bé xin thêm gói chip cho em nhỏ ở nhà, thì không sao cầm được nước mắt, thương cảm cho các mảnh đời kém may mắn đó.”

Mọi người chăm chú lắng nghe những lời chia sẻ từ đáy lòng và trái tim của cô Tuyết Mai. Một số hình ảnh của Cô đang dạy học hay viếng thăm và ủy lạo các đồng bào và trẻ em đang lánh nạn ở Thái Lan cũng đưọc trình chiếu trên màn ảnh để mọi người có thể hiểu thêm về hoàn cảnh khó khăn và khốn cùng của đồng bào Việt Nam lánh nạn Cộng Sản trên đất Thái.

Mình đã đọc được loạt bài tường thuật của cô Tuyết Mai trên báo Mạch Sống từ tháng 4 năm 2012. Mình rất ngưỡng mộ và mến phục nghĩa cử cho đi và phục vụ đồng bào của cô. Không ngờ, hôm nay lại được gặp cô bằng xương bằng thịt, được ôm cô vào lòng, thật là hạnh phúc. Cô rất bình dị và khiêm tốn. Cô có cách diễn đạt và chia sẻ rất hay, đi vào lòng người và chạm tới trái tim của người nghe.

Sau phần chia sẻ của cô Tuyết Mai, luật sư Lan Ng. là một trong những luật sư Việt Nam đã đến Thái Lan để giúp đồng bào tị nạn. Ls Lan tường trình với quý đồng hương những khó khăn về pháp lý mà đồng bào VN chúng ta đã trải qua trong quá trình nộp đơn xin tị nạn chính trị với Cao Uỷ Tị Nạn LHQ.

Sau phần chia sẻ của các diễn tả, chương trình gây quỹ được bắt đầu với màn đấu giá bức Thư Pháp “Trả Ta Sông Núi” được Nha Sỹ Tuấn Trần mua với giá $1,000 đô la. Một số tranh ảnh cũng được bán đấu tranh theo hình thức “silence auction”.

Mình thật là may mắn khi chuộc được tấm ảnh “Lòng Thương Xót Chúa” do Bác Sỹ Linh Mục Phạm Hữu Tâm tặng. Mình không hề biết câu chuyện đằng sau bức tranh thêu này cho đến khi về đến nhà chị Hằng, chị mới nói mình may mắn lắm vì đã chuộc được tấm ảnh này và Chị Thúy Hằng kể cho mình nghe về câu chuyện của bức tranh thêu này.

Cuối tháng 9 vừa qua phái đoàn Liên Tôn gồm có LM Phạm Hữu Tâm từ Houston, HT Thích Huyền Việt từ Houston và MS Y Hin Nie từ Greensboro (NC) đã đến thăm đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan.

Qua sự sắp xếp của toán thiện nguyện của BPSOS túc trực ở Thái Lan, trong chuyến viếng thăm phái đoàn đã tiếp xúc và phát quà cho hơn 700 đồng bào thuộc nhiều thành phần: các nhà tranh đấu dân chủ, các bloggers, các người biểu tình chống Trung Quốc, các thanh niên Công giáo, các Mục Sư và tín đồ Tin Lành, các đồng bào Phật tử, các dân tộc bản địa Tây Nguyên, Hmong và Khmer Krom, và cả một số nạn nhân buôn người gặp nguy hiểm vì đã dám tố giác nạn buôn người. Con số đồng bào đang lánh nạn thực ra nhiều hơn là vậy, có lẽ lên đến 900.

Cha Tâm đã đưọc một chị Việt Nam đang lánh nạn tại Thái tặng bức tranh cho chính tay chị thêu. Chị vừa mới sanh em bé, không có tiền trả tiền nhà thương. May nhờ vào tấm lòng hảo tâm của đồng bào Việt Nam tại hải ngoại đã giúp đỡ tài chánh để chị có tiền đi bệnh viện sanh em bé. Để tỏ lòng biết ơn, chị không có gì ngoài tấm lòng và đôi tay khéo léo của chị, chị đã tranh thủ thời gian khi em bé ngủ và đã thêu 4 tháng ròng rã để hoàn thành bức ảnh “Lòng Thương Xót Chúa”.

Chị đã tặng cho Cha Tâm và Cha Tâm đã mang từ Thái Lan về Mỹ, tặng lại cho chị Thuý Hằng để bán đấu giá gây quỹ giúp người tị nạn. May mắn thay, mình được ơn phúc chuộc ảnh Chúa về nhà. Cuộc đời thật đẹp vì những tấm lòng luôn biết cho đi.

Mình rất xúc động khi thấy rất nhiều quý đồng hương Việt Nam đã dành thời gian quý báu đến tham dự buổi tiệc gây quỹ giúp đồng bào VN về pháp lý. “Không có sự can thiệp của luật sư thì họ hầu như không có cơ hội để được Cao Uỷ Tị Nạn LHQ cứu xét tư cách tị nạn dù đã từng bị tù đày, dù đang bị truy nã, hay dù đã có trường hợp hồi hương và bị tra tấn và tù tội. CUTN/LHQ hiện rất khắt khe vì nhiều lý do, dẫn đến các quyết định hết sức bất công và nguy hiểm cho đồng bào lánh nạn.”

Quý đồng hương và bạn bè thân hữu ở Houston, TX đã mở rộng vòng tay và tấm lòng đóng góp giúp đồng bào VN đang lánh nạn tại Thái Lan. Mình được phân công làm việc với chị Thảo, nhân viên văn phòng của BPSOS tại Houston trong ban thủ quỹ. Số tiền bán tranh ảnh đấu giá và đóng góp tài chánh thu về được hơn $20,000 đô la.

Ban văn nghệ đã trình bày những bản Hùng Ca Sử Việt thật hào hùng và khí thế. Chị Cẩm Sa rất duyên dáng trong tà áo Huế màu tím. Chị hát rất hay và với tất cả tấm lòng nhạc phẩm Truờng Ca Hội Trùng Dương của cố nhạc sỹ Phạm Đình Chương.

Buổi tiệc họp mặt và gây quỹ được kết thúc lúc 11:00 tối. Các anh chị em thiện nguyện và ban tổ chức đã ở lại thu dọn và cùng chụp hình chung để giữ làm kỷ niệm. Do tiếp khách và chuẩn bị cho chương trình, mọi người đều thấm mệt và đói, thế là mọi người cùng kéo đến nhà hàng Sinh Sinh để ăn tối trước khi chia tay.

Đến gần 2 giờ sáng mới về đến nhà chị Hằng, bốn nàng ngự lâm pháo thủ (Hiền Ngô, Hằng, Nhi, Tuyết) bụng thì no, mà thân xác thì rã rời, và hai mắt thì díu lại. Mọi người chỉ kịp thay đồ là lăn đùng ra ngủ một giấc say sưa

Sáng Chúa Nhật, bốn nàng ngự lâm dậy sớm, ăn điểm tâm, uống trà gừng cho ấm bụng rồi kéo nhau đi lễ Misa. Sau lễ, hẹn với anh Thắng, anh Dan, chị Hiền em, và chị Hương cùng gặp bốn nàng ngự lâm pháo thủ để ăn trưa tại nhà hàng La Madeleine, gần trường đại học Rice. Anh em đã chia sẻ những kế hoạch và chương trình Vận Hội Cho Dân Tộc trong những ngày kế tiếp.

Đến 2 giờ trưa, anh em bắt đầu chia tay. Nhi cùng với anh Dan, chị Hiền em lái xe về lại Dallas, TX. Anh Thắng ra phi trường về lại Virginia. Chị Hiền Ngô ở lại chơi ngày Chúa Nhật rồi thứ hai ra phi trường bay về Maryland. Chị Thúy Hằng chở mình ra và chị Hiền ghé tiệm Lees Sandwiches, mua bánh ngọt và bánh mì về làm quà cho đám gà con, sau đó thì trực chỉ ra phi trường Hobby để bay về lại Lousiville, Kentucky.

Mình ra phi trường hơi trễ, may mắn nhờ có Chúa cùng với bức ảnh “Lòng Thương Xót Chúa” đồng hành với mình nên dù trời mưa bão ở vùng Trung Tây nước Mỹ, có gió xoáy và mưa lớn, máy bay rung rinh, nhào lên, lộn xuống mấy lần, nhưng mình về tới nhà bình an và đúng giờ, và đặc biệt là bức ảnh còn nguyên vẹn, không bể kính và trầy sướt chút nào.

Về đến nhà thì đám gà con đã lên chuồng ngủ sớm để thứ hai đi học. Chàng thấy vợ mang bức ảnh về, miệng vợ cười toe, thao thao bất tuyệt kể chuyện đường xa và câu chuyện về bức ảnh. Chàng lau chùi tấm ảnh cho sạch bụi rồi treo lên tường. Vừa thu dọn hành lý xong thì đã thấy chàng đã làm xong tô phở bò nóng hổi vừa thổi vừa ăn trên bàn. Oh la la, đời sao mà đẹp thế !!! Đang đói mà có tô phở nóng, ôi đời em lên hương, lên hương !!!

Về đến nhà bình an sau hai ngày cuối tuần bận rộn tại Houston, tuy rất mệt nhưng rất vui, ăn thì nhiều mà ngủ thì ít, nhưng lòng tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Được gặp gỡ và quen biết rất nhiều anh chị em có tấm lòng nhân ái với đồng bào và tha thiết với quê hương.

Sống trên đời, cần có một tấm lòng, nhưng không để gió cuốn bay đi, mà để phục vụ đồng bào và đất nước.

Posted on Wednesday, December 04 @ 18:12:57 EST by ngochuyn

20 Tháng Tám 2017(Xem: 10406)
19 Tháng Bảy 2017(Xem: 9851)
Tổng thống Donald Trump tham dự triển lãm giới thiệu các mặt hàng được sản xuất tại Mỹ và kêu gọi người dân sử dụng hàng nội địa nhằm thúc đẩy nền kinh tế.