Nạn tranh giả ở Việt Nam

28 Tháng Bảy 20167:55 CH(Xem: 13145)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  SÁU 29  JULY 2016


Nạn tranh giả ở Việt Nam


Hà Mi BBCVietnamese.com


image061

Image copyright Hochiminh City Museum of Fine Arts


Việc Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh vừa phải có thông cáo xin lỗi vì đã chấp thuận để triển lãm một bộ sưu tập mang tên "Những bức tranh từ châu Âu trở về" gồm 17 bức tranh, mà theo Hội đồng tư vấn của Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh kết luận thì không phải là tranh thật.


Thông cáo do bảo tàng gửi đến BBC hôm 20/7 viết: “Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc họp hôm 19/7 với các nhà quản lý, chuyên gia mỹ thuật và đưa ra kết luận: 15 bức tranh thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung đang triển lãm tại Bảo tàng không phải là bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện... Ngoài ra, hai bức tranh trong bộ sưu tập này mạo danh chữ ký tác giả (họa sĩ Tạ Tỵ và họa sĩ Sỹ Ngọc)”.


Dư luận và truyền thông quan tâm sau khi có nghi vấn tranh của họa sĩ Thành Chương bị ký tên Tạ Tỵ tại triển lãm này.


Loạt tranh do nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đưa ra giới thiệu đã dấy lại câu hỏi về tình trạng tranh thật, tranh giả tại Việt Nam.


Vụ việc này khiến người ta nhớ lại cuộc tranh luận hồi năm 2009 về tranh thật, tranh chép và tranh giả tại Việt Nam và câu hỏi được đặt ra khi đó là bao nhiêu tranh và tượng trưng bày tại chính Bảo tàng Mỹ Thuật Quốc gia Việt Nam là bản chính, sau khi có bài báo của tác giả Martha Ann Overland đăng trên tạp chí Time với tựa đề "Nạn chép tranh của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam" (04/05/09).


Trả lời BBC Tiếng Việt, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông Lương Xuân Đoàn, nói đây là điều hết sức đáng tiếc và cũng rất đau lòng "vì thị trường tranh giả ở Việt Nam vẫn chưa giải quyết được từ vài chục năm nay đặc biệt sau thời kỳ nghệ thuật VN đổi mới”.


‘Đỉnh tảng băng chìm’


Theo ông Lương Xuân Đoàn thì hiện vẫn có một đường dây hết sức an toàn, đưa tranh giả ra khỏi Việt Nam và thị trường tranh giả Việt Nam vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước.


“Đây không còn là vấn nạn, mà là quốc nạn của Mỹ thuật Việt. Nó làm tổn thương đến vong linh của rất nhiều danh họa hàng đầu của Việt Nam, cũng như xóa đi khuôn mặt đẹp của nghệ thuật Việt thời kỳ đổi mới. Đây là điều mà nhiều nghệ sĩ Việt Nam ở nhiều thế hệ rất bất bình, nhưng thực sự không có cách gì ngăn chặn được,” ông Đoàn nói.


Và theo ông Đoàn, để giải quyết đến nơi đến chốn, cũng như gọi tên những người làm giả thì không phải dễ dàng.


Khó có thể nói được vấn nạn này lan tràn tới mức độ nào tại Việt Nam, nhưng theo bà Nora Taylor, Giáo sư từ Quỹ Alsdorf về Nghệ thuật Nam và Đông Nam Á, thuộc Học viện Nghệ thuật Chicago, thì vụ việc này chỉ là phần nhô lên của một tảng băng chìm lớn và sẽ còn thấy xuất hiện thêm nhiều ví dụ khác nữa.


Tuy nhiên bà Taylor nói với BBC Tiếng Việt rằng đây có thể lại “sẽ là chất xúc tác để chấm dứt hẳn tình trạng này”.


“Vấn đề tranh giả, tranh mạo danh đã bao trùm nghệ thuật Việt Nam từ hàng chục năm nay kể từ khi thị trường nghệ thuật mở cửa vào những năm 1990.


“Bỏ sang một bên việc vẽ lại tranh theo đặt hàng của bảo tàng, mà không hẳn là chủ định để lừa dối, thì tình trạng vẽ tranh giả dường như bắt đầu khi người nước ngoài bắt đầu quan tâm tới các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương, những họa sĩ thời Pháp thuộc đã quá cố.


“Điều đó cộng thêm với việc các nghệ sĩ rơi vào tình cảnh khó khăn kinh tế sau khi chiến tranh kết thúc, vì rất ít nghệ sĩ giữ các hồ sơ các tác phẩm của mình, nên rất dễ dàng cho những người vẽ tranh giả có thể lợi dụng tình trạng đó và tìm cách kiếm chút tiền. Nhưng tôi không đổ lỗi hoàn toàn cho các nghệ sĩ Việt Nam,” bà Nora Taylor nói.


Đánh giá và thẩm định


Việc lần đầu tiên một bộ sưu tập được đưa từ châu Âu về “mà lại có độ đậm đặc là cả 17 bức [đều không phải tranh thật] là không thể chấp nhận được”, ông Lương Xuân Đoàn nói và đặt câu hỏi về độ tin cậy đối với chuyên gia của Nhà đấu giá Christie’s.


Vấn đề tranh giả, tranh mạo danh đã bao trùm nghệ thuật Việt Nam từ hàng chục năm nay kể từ khi thị trường nghệ thuật mở cửa vào những năm 1990.Nora Taylor, Gs về Nghệ thuật Nam và Đông Nam Á


Ông Đoàn cũng nhắc tới việc ông Vũ Xuân Chung đã có những chứng chỉ bằng vàng của nhà đấu giá Christie's để bảo đảm những bức tranh Việt Nam mà ông có là bản thật, những tác phẩm chân bản.


Tuy nhiên ông Đoàn cho biết khi chúng được công bố ở Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh thì “không ai có thể công nhận đó là tác phẩm chân bản được", ông Đoàn nói.


“Chúng tôi đặt dấu hỏi với ông J.F Hubert [chuyên gia của Christie's], vì ông bảo đảm bằng vàng rằng đây là những bức tranh thật, thì ông dựa trên cơ sở nào, và trình độ thẩm định của ông, trước những bức tranh được làm nhái, làm giả mà ông khẳng định là tranh thật, thì chúng tôi cũng hết sức ngạc nhiên và bất ngờ.


“Cho tới lúc này nhà sưu tập Vũ Xuân Chung vẫn khẳng định là tranh thật và vẫn rất tin tưởng vào chuyên gia nghệ thuật của mình. Đây là điều chúng tôi thực sự hết sức khó hiểu và cũng đặt rất nhiều câu hỏi trước nhà đấu giá Christie's nơi đã sử dụng ông Hubert để làm chuyên gia thẩm định nghệ thuật châu Á của mình,” ông Lương Xuân Đoàn nói.


BBC Tiếng Việt đã đặt câu hỏi này với Nhà đấu giá Christie’s Hong Kong và được ông Lee William Bingle, Giám đốc Truyền thông, Châu Á, trả lời qua email, khẳng định: “Ông Jean François Hubert là một cố vấn cao cấp về Nghệ thuật Việt Nam tại nhà đấu giá Christie’s. Ông Hubert là một chuyên gia được quốc tế công nhận về nghệ thuật Việt Nam từ những năm 1990 và trước đó đã giữ các vị trí tư vấn tại một số nhà đấu giá quốc tế."


Tuy nhiên Nhà đấu giá Christie’s từ chối bình luận về cuộc triển lãm này với lý do: “Nhà đấu giá Christie’s không chịu trách nhiệm giới thiệu cuộc triển lãm được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy chúng tôi không ở một vị thế để bình luận về bất kỳ vấn đề nào liên quan đến triển lãm lần này.”


Ông Lee William Bingle viết thêm: “Nhà đấu giá Christie’s duy trì các tiêu chuẩn cao nhất khi xác định tính xác thực của các tác phẩm mà chúng tôi bán. Các chuyên gia của chúng tôi dành nguồn lực đáng kể để điều tra nguồn gốc của tất cả các tác phẩm mà chúng tôi chào bán. Chúng tôi thận trọng khi chấp nhận bất kỳ lô hàng nào về để bán, và sẽ không cố ý đưa ra bất kỳ tác phẩm nào mà tính xác thực của nó bị nghi vấn.”


‘Hợp thức hóa’?


image058

Image copyright ape.gov.vn Image caption Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là một trong bốn họa sĩ nổi tiếng thời trường Mỹ thuật Đông Dương


Theo Giáo sư Nora Taylor thì chính các nhà đấu giá quốc tế cũng gặp khó khăn trong giai đoạn đầu khi tiến hành bán đấu giá tranh Việt Nam:


“Khi Nhà đấu giá Christie’s và Sotheby’s bắt đầu đấu giá các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam vào giữa những năm 1990, họ đã không được chuẩn bị để bán các tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam ở mức đó.


“Có nghĩa là họ không có tài liệu lịch sử nghệ thuật nào để dựa vào, không có bằng chứng về nguồn gốc, quyền sở hữu, chứng nhận tính xác thực, và không có chuyên gia nào có thể xác định một cách chắc chắn bất cứ một tác phẩm nào, chưa nói tới chuyện đánh giá và ước tính định giá các tác phẩm đó.


“Lần bán đấu giá đầu tiên đã có nhiều lỗi với một số tác phẩm bị quy nhầm tác giả và đưa vào cả các tác phẩm của cả các nghệ sĩ không có tên tuổi cùng với những danh họa bậc thầy có tiếng như Bùi Xuân Phái và Nguyễn Sáng.


“Họ sau đó đã thuê các chuyên gia của mình nhưng nay dường như các chuyên gia đó cũng ít có kinh nghiệm về nghệ thuật Việt Nam.


“Những tranh giả có thể đã lọt vào các lần đấu giá tại nhà Christie’s và Sotheby’s mà đây là một vấn đề còn nghiêm trọng hơn, vì nhiều nhà sưu tầm dùng những lần mua bán đấu giá này như là phương cách riêng của họ để có được chứng minh xác thực,” Giáo sư Nora Taylor nói.


So sánh tình trạng tranh giả Việt Nam với các nước khác , bà Taylor cho biết “chưa nghe thấy vụ bê bối nào liên quan tới tranh giả ở các nước khác trên thế giới. Tất nhiên là có, nhưng dường như ở các nước khác có tài liệu và hồ sơ về nguồn gốc tốt hơn. Việt Nam dễ bị hơn vì thiếu các tài liệu thích hợp.”


Thật, Phiên bản, Sao chép, Giả


image062

Image copyright Other Image caption Bức tranh lụa "Chơi ô ăn quan" của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh hiện đang được cùng lúc trưng bày tại bảo tàng hai nước khác nhau.


Phải nhắc lại, đã từng xảy ra trường hợp bức Chơi ô ăn quan của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, một thời đã được treo tại Bảo tàng Mỹ Thuật, nay đang được treo cùng lúc tại cả Singapore và Nhật Bản.


Một điều hầu hết giới họa sĩ Việt Nam đều biết là trong thời gian chiến tranh, bộ phận Phục chế của Bảo tàng Mỹ thuật chính là nơi sao chép tranh, một thực tế các viên chức bảo tàng cũ và đương thời đều công khai nói tới.


Lý do là vì chiến tranh và bom đạn nên "Để bảo tàng được mở cửa kể cả trong thời kỳ chiến tranh, thì các bản sao chép được trưng bày và bản chính được mang đi sơ tán”, theo lời ông Nguyễn Đỗ Bảo, thuộc Hội Mỹ thuật Hà Nội, từng là nhân viên Bảo tàng Mỹ thuật hồi năm 1966, trả lời bài báo trên Times nói trên.


Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho biết thêm cũng không hiểu bằng con đường nào, bức tranh lụa Chơi ô ăn quan của Nguyễn Phan Chánh lại xuất hiện hai bức, cùng một lúc ở hai nước khác nhau như vậy.


“Tuy nhiên thời chiến tranh cũng có xuất hiện những phiên bản do chính các tác giả của các tác phẩm đó thực hiện nhưng rõ ràng tác phẩm Con nghé của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm chẳng hạn thì sau này có vài bức Con nghé nhưng với ông Nghiêm đó là dị bản chứ không phải phiên bản.


“Tức là mỗi lần ông làm lại bức Con nghé thì lại có một sự thay đổi về bố cục thay đổi về màu sắc xử lý trên ngôn ngữ và chất liệu sơn mài của ông. Việc đó là tiếp tục sáng tạo, tiếp tục hoàn thiện bức tranh đầu tiên.


“Còn lại giữa những phiên bản của chính tác giả tự thực hiện thì tất nhiên không thể nào 100% như những tác phẩm đầu tiên mà họ sáng tạo ra. Chưa kể về sau những hàng giả thì lại còn kém biết chừng nào.


“Như triển lãm vừa rồi với 17 tác phẩm trong sưu tập của ông Vũ Xuân Chung thì khả năng nghề nghiệp rất kém và nó là bôi nhọ danh dự của các danh họa hàng đầu Việt Nam,” ông Đoàn nói.


Hậu quả


Tình trạng sao chép tranh và tranh giả này đang làm tổn hại ngay chính tới nền nghệ thuật của Việt Nam và tới tên tuổi của các họa sĩ Việt Nam hiện nay.


Vẫn theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn thì một hậu quả có thể thấy rõ là “những năm gần đây thị trường tranh Việt đóng băng vì người nước ngoài không còn tin tưởng vào các giá trị thật của các tác phẩm được họ phát hiện, lưu giữ vì độ giả quá lớn. Cho tới nay vẫn chưa giải quyết được thị trường tranh giả này. Điều này cản trở rất nhiều cho tâm lý sáng tạo mới của thế hệ họa sĩ trẻ đương đại Việt Nam.


“Rõ ràng trước câu chuyện về một thị trường tranh giả không chuyên nghiệp cũng như hệ thống gallery Việt Nam cũng không chuyên nghiệp khiến người nghệ sĩ Việt Nam cũng cảm thấy chống chếnh trong chuyện công bố tác phẩm, vì độ không an toàn khi tác phẩm được công bố là rất cao. Kể cả ý tưởng chia sẻ cũng có khi bị đánh cắp ý tưởng chứ đừng nói tác phẩm được sáng tạo ra.”


Nó không chỉ ảnh hưởng tới giá trị tranh Việt Nam trên thị trường thế giới, bà Taylor cond nói tới ảnh hưởng của tình trạng này tới lòng tin của các bảo tàng trên thế giới đối với tranh Việt Nam.


“Ngay lúc này nhiều bảo tàng trên thế giới không tin tưởng vào thị trường tranh Việt Nam với các tác phẩm giai đoạn nghệ thuật thời thuộc địa và điều đó có thể ảnh hưởng thậm chí tới các nghệ sĩ đương đại tìm cách bán tranh của mình cho các bảo tàng.”


Giải pháp


Lời khuyên của bà cho các nghệ sĩ và giới chức trách Việt Nam trước tình trạng này đó là “Lưu giữ hồ sơ”.


“Nếu giới nghệ thuật và đặc biệt là các bảo tàng quốc tế, quan tâm chú ý tới nghệ thuật Việt Nam và sưu tập nghệ thuật Việt Nam một cách nghiêm túc, và nếu các nghệ sĩ và các nhà sưu tầm muốn giá trị các tác phẩm của mình tăng lên, họ phải lưu tâm nhiều hơn rất nhiều tới vấn để tranh giả và bắt đầu làm hồ sơ các tác phẩm của mình.


“Với các nghệ sĩ thì nó có nghĩa là ghi lại việc mua bán các tác phẩm của mình ngay từ khi tác phẩm rời khỏi phòng tranh của họ và tên của người mua các tác phẩm của mình.


“Với các nhà sưu tập‎ họ cần làm nghiên cứu về sưu tập của mình. Không phải chỉ hỏi ý kiến một ai đó mà tìm hiểu để biết người đã mua bức tranh từ chính họa sĩ và sau đó truy tìm các chủ nhân tiếp theo, tạo ra được mạch truy tìm dấu vết cho từng bức tranh mà mình có.


“Là các nghệ sĩ đang còn sống, họ có phương tiện để kiểm soát người mua các tác phẩm của mình, vì thế họ nên tạo thói quen ký giấy tờ xác thực tranh của mình. Có thể như thế sẽ giúp cho tương lai của nghệ thuật Việt Nam,” Giáo sư Nora Taylor nói.


Nếu giới nghệ thuật và đặc biệt là các bảo tàng quốc tế, quan tâm chú ý tới nghệ thuật Việt Nam và sưu tập nghệ thuật Việt Nam một cách nghiêm túc, và nếu các nghệ sĩ và các nhà sưu tầm muốn giá trị các tác phẩm của mình tăng lên, họ phải lưu tâm nhiều hơn rất nhiều tới vấn để tranh giả và bắt đầu làm hồ sơ các tác phẩm của mìnhNora Taylor, Giáo sư về Nghệ thuật Nam và Đông Nam Á


Giới họa sĩ Việt Nam cũng cho rằng đã tới lúc giới chức trách phải thực sự vào cuộc “để dọn dẹp lại sạch sẽ thị trường trong nước. Tranh giả đã đánh vào tâm lý của người sáng tác hiện nay, là rất thấp thỏm khi công bố tác phẩm có thể đã bị giả thì sẽ được để ý và bị làm giả.


“Các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa trước tình trạng vài thập niên qua, cuối những năm 1990 tới nay, rõ ràng thấy tính khả thi của việc giám sát được hoạt động nghệ thuật trong nước là còn rất nhiều khó khăn, bất cập. Hoạt động làm giả tranh là hết sức kín đáo cho nên không phải dễ dàng gì tìm ra được những địa chỉ cung cấp hàng giả.


Cho tới nay cũng chưa ai có thể đo đếm hay tìm hiểu được với hàng loạt các nhà sưu tập Việt Nam về giá trị, chất lượng nghệ thuật và độ thực hư thật giả của các tác phẩm được sưu tập trong các bộ sưu tập đó.


Theo ông Đoàn do chưa làm được một tổng kiểm kê như vậy cho nên tranh giả vẫn là trôi nổi trên thị trường trong nước và quốc tế là điều đương nhiên và đặc biệt là trong thời kỳ dồn dập vài năm gần đây tranh Việt hồi hương.


“Tâm lý giới mỹ thuật Việt Nam cũng rất cảm động, ước ao được xem lại những tác phẩm chân bản của những họa sĩ hàng đầu thế hệ Trường Mỹ thuật Đông Dương nay trở lại quê hương nhưng rất tiếc trong xu thế tranh Việt hồi hương hiện này cũng bị cài rất nhiều những tác phẩm không phải là tác phẩm chân bản và điều này là một tổn thương lớn cho nghệ thuật Việt Nam hiện đại,” ông Lương Xuân Đoàn nói thêm.


BBC Tiếng Việt đã tìm cách lấy ý kiến của với nhà sưu tầm Vũ Xuân Chung và ông Jean Francois Hubert nhưng cho tới nay vẫn chưa liên lạc được./


BBC 26 tháng 7 2016

20 Tháng Mười Một 2018(Xem: 10324)
15 Tháng Mười Một 2018(Xem: 10271)