Ngoại trưởng Kerry chủ tọa Lễ trao Quyết định thành lập Đại học Fulbright

01 Tháng Sáu 20161:07 SA(Xem: 11839)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  TƯ 01 JUNE  2016

Phát biểu tại Lễ trao Quyết định thành lập Đại học Fulbright

Ambassador Ted Osius

May 28 at 12:41am ·


Ngoại trưởng John Kerry Phát biểu tại Lễ trao Quyết định thành lập Đại học Fulbright Việt Nam: http://vietnamese.hochiminh.usconsulate.gov/pr-052516.html


Secretary of State John Kerry's remarks at the Fulbright University Vietnam Establishing Ceremony: http://m.state.gov/md257701.htm

image133image134
Thông cáo báo chí

Ngoại trưởng John Kerry

Khách sạn Rex

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Ngày 25/5/2016

NGOẠI TRƯỞNG KERRY: Chào Việt Nam. Chào các ông các bà. (Vỗ tay). Ted, cám ơn. Cám ơn Ted rất nhiều vì những lời giới thiệu hào phóng và cảm ơn các bạn vì tất cả những gì các bạn đã làm và những gì các bạn đang làm mỗi ngày để đưa quan hệ hai nước phát triển. Tôi nghĩ mọi người đều nhận được sự kính trọng vì những việc làm đó.

Tôi muốn cảm ơn tất cả các vị khách quý đã được giới thiệu để tôi không cần giới thiệu lại nhưng tôi rất vui mừng khi thấy cựu Bí thư Thành ủy có mặt tại đây và không cần phải nói tôi rất hài lòng khi ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ở đây và tất cả chúng tôi đều biết ơn vì sự ủng hộ của ông và những ủng hộ trước đây để có được ngày hôm nay. Đây là sự lãnh đạo quan trọng và chúng cảm ơn ông Bí thư rất nhiều.

Tôi cũng rất ấn tượng. Tôi không biết các bạn cảm thấy như thế nào. Tôi ấn tượng – tôi nghĩ bởi vì chúng ta đang nói về việc thành lập một trường đại học, khi có người Mỹ ở đây là Ben Wilkinson nói tiếng Nhật và có người Việt nói tiếng Anh. (Vỗ tay). Tôi nghĩ các bạn là một đội thi đấu tuyệt vời. (Cười)

Thưa các quý bà và quý ông, chúng ta đều cần trung thực về những công việc phía sau dự án này và hôm nay tôi muốn tỏ lòng tôn kính đối với người bạn tốt của tôi Tommy Vallely – (vỗ tay) – và toàn bộ những người phụ trách dự án Đại học Fulbright Việt Nam. Họ đã làm những công việc phi thường nhưng tôi nghĩ tất cả các bạn đều biết rằng nếu không có các mối quan hệ của Tommy, sự cố gắng của Tommy và sự thúc giục của Tommy, chúng ta sẽ không thể có mặt ở đây hôm nay. (Cười). Tommy, cảm ơn rất nhiều vì những việc làm tuyệt vời đó. (Vỗ tay)

Ngoài ra, tôi muốn nói điều gì đó đặc biệt về sự đóng góp của ông Bí thư Thành ủy vào nỗ lực này. Thành phố đã dành cho trường 25 ha đất tại Khu Công nghệ cao. Đây là sự đóng góp rất lớn và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ dự án này ngay từ ngày đầu tiên. Chúng tôi rất biết ơn thành phố này vì sự am hiểu tương lai, cam kết với tương lai và quan hệ với Hoa Kỳ. Đó là một món quà đặc biệt.

Tôi cũng muốn tỏ lòng biết ơn một người bạn tuyệt vời và là đồng nghiệp – Tôi suýt nói là bạn cùng phòng, không đó là đồng nghiệp trong Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sỹ Bob Kerrey, người đã đồng ý đảm nhận trách nhiệm là Chủ tịch hội đồng tín thác. (Vỗ tay). Và bà Đàm Bích Thủy, cảm ơn rất nhiều vì là hiệu trưởng đầu tiên của trường. Cam kết của các bạn trong việc thành lập trường đại học này là điều then chốt giúp trường đại học thành hiện thực và quan trọng nhất là bảo đảm sự thành công của trường. Cảm ơn sự lãnh đạo của các bạn. (Vỗ tay).

Giờ đây, thưa các quý bà và quý ông, là người tốt nghiệp Đại học Yale, tôi đã quen đại diện cho Đại học Harvard. (Cười). và Chương trình Việt Nam của Đại học Harvard đã đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng Đại học Fulbright Việt Nam, trong trường hợp này rất dễ tán dương. Và Đại sứ Osius là người tốt nghiệp Đại học Harvard nên ông và các nhân viên của ông đang làm một công việc tuyệt vời và tôi phải thừa nhận rằng Đại học Harvard cuối cùng cũng bắt đầu có tên riêng của chính mình. (Cười và vỗ tay).

Tôi chắc chắn mọi người ở đây đều đã biết mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đối với những người như tôi, Tommy và Bob Kerrey đều mang những dấu ấn cá nhân. Không chỉ chúng tôi, mà với rất nhiều người ở cả 2 bên bờ Thái Bình Dương.

Tôi đến Sài Gòn từ năm 1968. Tôi vẫn nhớ rõ đã đi qua con đường ngắn từ đồng bằng sông Cửu Long rồi đến Sài Gòn. Cũng tại mái thượng khách sạn Rex, tôi ngồi suy tư, thoát khỏi tất cả tình hình cuồng loạn. Từ vị trí này, tôi có thể quan sát thành phố về đêm. Tôi nhìn thấy những ánh sáng lập lòe khắp Sài Gòn về đêm. Ngay tại đây, bạn vẫn có thể nghe thấy tiếng súng nổ, hoặc thỉnh thoảng là máy bay C130, thường được gọi là “Puff, chú rồng kỳ diệu”, nổ súng ở đằng xa. Đó là một cảm giác rất kỳ lạ, nơi đây giống như một ốc đảo, nhưng vẫn là vùng chiến tranh.

Khi đến Việt Nam hôm nay, ngay ở khách sạn Rex, cũng từ vị trí cao này, tôi đã thấy một góc nhìn khác, một đất nước rất khác, trong một bối cảnh mới. Giao thông nhộn nhịp bên ngoài, nguồn năng lượng dồi dào vô cùng ấn tượng, như muốn bùng nổ. Bạn có thể cảm thấy nó cũng như sự rung động này. Những âm thanh mà bạn đang nghe chính là cách mà người dân đang hăng hái kết hợp với nhau trong hòa bình để vận hành cuộc sống của họ.

Chiến tranh là ký ức không thể xóa nhòa, nhưng nó đã trôi đi rất xa. Và đối với hầu hết mọi người, chiến tranh hoàn toàn không phải là kỷ niệm. Chắc chắn rằng, những sinh viên sẽ đăng ký học tại Đại học Fulbright Việt Nam rất quan tâm đến việc dấn thân vào nền kinh tế thế giới, hơn là chìm đắm trong quá khứ, hoặc luôn bị ám ảnh bởi những sự kiện đã xảy ra từ rất lâu, trước cả khi họ chào đời.

Thực tế này cũng được phản ánh rõ ràng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng thay đổi, thậm chí với tốc độ thay đổi mà chúng ta chứng kiến trong 2 ngày rưỡi qua. Chúng tôi vừa dự buổi gặp gỡ của Tổng thống Obama với thanh niên Việt Nam. Đó đều là những lời lẽ chân thật. Hình thức sự kiện không thể đơn giản hơn, khi Tổng thống trả lời các câu hỏi mà giới trẻ đưa ra. Cá nhân tôi bị ấn tượng trước một câu hỏi về sự chảy máu chất xám, về những người trẻ có thể bị nơi khác nhiều cơ hội hơn "hút mất".

Tổng thống đã trả lời câu hỏi này một cách thẳng thắn rằng, câu trả lời chính là cơ hội, và cơ hội đang ở đây. Chúng ta cùng nỗ lực để chắc chắn rằng mọi người được tiếp cận nền giáo dục mà họ cần, để họ cảm thấy không cần phải đi đến nơi nào khác. Đó là những điều đang diễn ra lúc này.

Tôi cũng đề nghị các bạn nghĩ một chút về những bước tiến giữa 2 nước kể từ khi bình thường hóa quan hệ. 20 năm trước, số lượng người Mỹ đến Việt Nam chưa tới 60.000 người. Ngày nay, con số đó đã tăng gần 8 lần.

Cách đây 20 năm, thương mại song phương chỉ đạt 450 triệu USD. Ngày nay, con số này là 45 tỷ USD.

Trong quá khứ, chưa tới 800 sinh viên Việt Nam học tập ở Hoa Kỳ. Ngày nay, con số này là gần 19.000.

Giờ đây, đó không đơn thuần chỉ là con số thống kê. Đó là thước đo của sự chuyển biến ấn tượng, và được phản ánh qua chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Obama đến Việt Nam tuần này, đặt trong bối cảnh chương trình nghị sự song phương rộng lớn mà 2 nước đã cùng phát triển. Chúng bao gồm nội dung về năng lượng sạch, biến đổi khí hậu, cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, công nghệ cao, hợp tác an ninh, và thỏa thuận thương mại bước ngoặt TPP.

Các bạn của tôi! Chúng ta đã cùng nhau đi qua một chặng đường dài. Chúng ta cũng biết rằng cách để thúc đẩy cơ hội kinh tế thực sự cho nhân dân Việt Nam, điều mà Tổng thống đã nói tới và bạn trẻ trong sự kiện cũng đã hỏi, chính là xây dựng một thị trường tự do và một thị trường tự do về tư tưởng. Hai điều này phải đi song hành cùng nhau. Sự tự do đó bắt đầu từ giáo dục. Khoản đầu tư thông minh nhất mà chúng ta có thể dành cho thế hệ sau chính là giáo dục, và đó là điều mà chúng ta đang cùng thực hiện ngày hôm nay.

Điều đáng để trông chờ không thể nào to lớn hơn nữa. Ở Việt Nam, có 22 triệu người dưới 15 tuổi. Những quyết định mà họ thực hiện lúc này và nền giáo dục mà họ đang tiếp nhận hiện thời – chứ không phải 10 nữa mà ngay hôm nay - sẽ có tác động quan trọng đối với tương lai đất nước và cả khu vực, thậm chí có thể đóng góp - dù không nhất thiết phải rất to tát - vào tư duy thế giới, vào quá trình của những sự kiện đang diễn ra trên hành tinh này, nơi tất cả chúng ta đều liên kết với nhau. Phần lớn điều này sẽ phụ thuộc không chỉ vào cách sinh viên học suy nghĩ cái gì, mà họ suy nghĩ như thế nào, và liệu họ có được khuyến khích hoặc có khả năng để sáng tạo và theo đuổi những ý tưởng mới hay không.

Một cách để bảo đảm họ có cơ hội này, chính là Việt Nam cần tạo ra những mối quan hệ đối tác với những cơ sở học thuật hàng đầu và đó chính là lý do vì sao chúng ta hiện diện ở đây hôm nay.

Hoa Kỳ và Việt Nam vẫn tiếp tục học hỏi để kết hợp thêm những không gian khác vào mối quan hệ của chúng ta. Mỗi lần tôi đến đây – tôi đã đến từ rất lâu - tôi đều cảm thấy quan hệ 2 nước đã tiến tới một cấp độ mới. Đại học Fulbright Việt Nam chính là đại diện cho một bước tiến mới về phía trước.

Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, Đại học Fulbright Việt Nam sẽ mang lại những đóng góp to lớn cho Việt Nam và trường đại học này sẽ trở thành trung tâm xuất sắc thực sự nhờ vào các yếu tố tự do học thuật, chế độ đãi ngộ với nhân tài, tính minh bạch và quyền học tập bình đẳng. Trường sẽ xây dựng thương hiệu vươn ra cả ngoài Việt Nam.

Trường đại học này là sự tiếp nối hợp lý của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright mà tôi có đặc quyền được giúp thành lập cùng Tom Vallely. (Cười). Và nỗ lực đó liên quan đến sự tham gia của cả sinh viên Việt Nam và Mỹ và đã đào tạo được khoảng 1.200 sinh viên Việt Nam, những người hiện đang giúp định hướng đất nước này trong một thời điểm quan trọng của lịch sử.

Đại học này cũng sẽ được xây dựng nhờ sự đầu tư mà chúng ta đã đạt được thông qua Quỹ Giáo dục Việt Nam, vốn giúp tạo thuận lợi cho việc trao đổi giảng viên và giúp gần 600 sinh viên Việt nam học thạc sĩ và tiến sĩ tại Hoa Kỳ.

Giờ đây, tôi đã thảo luận ý tưởng về trường đại học này rất thường xuyên với các quan chức chính phủ Việt Nam và chúng ta đã đồng ý rằng đây chính là thời điểm để thực hiện bước đi này. Đây là đất nước luôn đề cao giá trị học tập. Sinh viên Việt Nam luôn lạc quan và mong muốn sử dụng hết tài năng và kỹ năng của mình và cũng có xu hướng hướng ngoại. Ngày nay, hơn 35 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook và hàng triệu người đã quen thể hiện mình một cách tự do trên Internet.

Điều này rất quan trọng bởi vì tự do tìm hiểu, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận là những điều cần thiết cho nền giáo dục thế kỷ 21.

Đây không phải là vấn đề ý thức hệ. Đây không phải là vấn đề đất nước này áp đặt quyền chọn lựa lên đất nước khác. Đây là cách thế giới ngày nay hoạt động. Và nếu bạn là một doanh nghiệp phát đạt, một quốc gia tiến bộ và một đất nước gắn bó với người dân thì bạn phải có khả năng làm việc với tốc độ nhanh hơn, có thể chuyển dịch tự do trên thị trường, không chỉ hàng hóa mà cả ý tưởng. Vì vậy, điều quan trọng là những giá trị tự do này phát triển mạnh ở Việt Nam và quan hệ song phương giữa hai nước sẽ chỉ ngày càng phát triển như ngày nay.

Tôi đã chia sẻ với các bạn một chút hồi tưởng về khoảng thời gian quá khứ từ rất xa. Tôi nói khoảnh khắc đó có vẻ kỳ quái. Nhưng bản thân cuộc chiến là một thực tế. Đó là cuộc xung đột mà lẽ ra không bao giờ nên xảy ra. Nó phản ánh sự thất bại của ngoại giao, sự thất bại của hiểu biết lẫn nhau, và sự thất bại về tầm nhìn.

Cuộc chiến đã cướp đi rất nhiều sinh mạng, tước đoạt của chúng ta nhiều điều quan trọng mà mãi không thể trở về, gây nên những vết thương mà phải mất hàng thập kỷ để chữa lành.

Ngày hôm nay là một thực tế hoàn toàn khác. Ngày nay, những người tử tế từ 2 quốc gia đã hợp tác cùng nhau để thành lập một trường đại học sẽ đóng góp tích cực cho tương lai của hàng ngàn, hàng triệu thanh niên. Ngày hôm nay thể hiện sự tự tin về khả năng của chúng ta trong việc thích ứng trước sự thay đổi, vượt qua những khó khăn, và tận dụng những cánh cửa mở ra kỷ nguyên hiện đại – với tất mọi sự thần kỳ của công nghệ - dành cho tất cả chúng ta. Ngày hôm nay phản ánh thắng lợi vượt bật về ngoại giao, thắng lợi về tầm nhìn của ông Thomas Valley và tất cả những người ở cả Hoa Kỳ và Việt Nam và Bí thư Đinh La Thăng, những người đã giúp hàn gắn quan hệ giữa 2 nước chúng ta và tạo ra nền tảng cho sự tiến bộ, không chỉ trong lĩnh vực giáo dục mà còn trên vô số nhiều lĩnh vực khác.

Chúng ta đã trải qua 20 năm bình thường hóa quan hệ, và khoảng 20 năm nữa để chữa lành và xây dựng. Hãy nghĩ về những điều chúng ta có thể đạt được trong 20 năm tới. Mọi người nông dân đều sẽ nói với bạn rằng, nếu chúng ta muốn có vụ mùa bội thu, chúng ta cần phải gieo hạt giống. Hôm nay, chúng ta đang gieo những hạt giống tốt nhất dưới hình thức một đại học quyết tâm cống hiến vì tri thức và cơ hội học tập. Chúng ta cùng thực hiện điều này với niềm tin chắn chắn rằng những vụ mùa tương lai sẽ mang lại lợi ích to lớn, không chỉ cho các sinh viên Việt Nam, mà còn cho tình hữu nghị ngày càng phát triển giữa nhân dân 2 nước.

Chúc mừng tất cả mọi người và cảm ơn. (Vỗ tay)

02 Tháng Tư 2017(Xem: 12077)