Chuyện một người tử tế

23 Tháng Năm 201612:19 SA(Xem: 13033)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  HAI 23  MAY  2016

Chuyện một người tử tế

 

MAI LOAN

 

Làm người tử tế thật ra cũng khó vô cùng. Bởi vì muốn được như thế, người ta phải cư xử đàng hoàng tử tế với mọi người và trong mọi tình huống. Thế nhưng phần đông chúng ta lại khó được như vậy, vì phần lớn đều bị cảm tính chi phối trong mọi hành xử hàng ngày. Vì thế nên một người nào đó có thể được xem như là một người tử tế bởi rất nhiều bạn bè và người thân quen, nhưng có thể lại không hành xử tử tế gì lắm đối với một số nhỏ người khác chỉ vì một vài lý do riêng tư nào đó. Điều này, nếu xét về mặt tâm lý học và xã hội học, thật ra cũng là chuyện bình thường do bởi con người chúng ta đều không qua khỏi quy luật “nhân vô thập toàn”, mấy ai hoàn toàn tốt đẹp như thánh sống!

Vì thế nên người ta mới chê cười những kẻ hay lên giọng kẻ cả để khuyên răn những người khác là hãy sống hay hành xử như người tử tế, như trường hợp của ông cựu thủ tướng Việt Cộng là Nguyễn Tấn Dũng sau khi bị rớt đài bởi phe cánh của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam hồi đầu năm nay. Nếu đã tử tế với nhau, nhất là tử tế với mọi con dân trong nước, thì họ đã không ngồi thụ hưởng quyền lực và vơ vét của cải trong nước sau khi lên nắm quyền và áp đặt một chính sách cai trị độc tài độc đảng, chỉ biết hà hiếp và bóc lột người dân hiền lành trong nước nhưng lại cam tâm tuân phục ngoại bang là quan thầy Trung Cộng đến nỗi nhắm mắt làm ngơ khi đất nước bị xâm lăng và mất đất mất biển.

Người ta thường chỉ thấy những tai hại đầu tiên khi chế độ Việt Cộng giành được quyền bính là gieo rắc đau thương tang tóc và khốn khổ nghèo đói với những chính sách tù đầy và cướp của được tung ra khắp nơi để bủa vây mọi người dân trong nước (với những ngôn từ đơn giản như “cải tạo” và “đánh tư sản mại bản” nhưng thực chất là xảo trá và nguỵ biện). Nhưng cái tai hại lâu dài và nguy hiểm hơn là nó đã để lại một di sản tệ hại trong tâm thức cũng như cung cách hành xử của đa số người dân trong nước do bởi cái văn hoá phi nhân bản khi mọi người đều trở thành nghi kỵ và dễ dàng lường gạt lẫn nhau (để sinh tồn), cũng như khiến mọi người dễ trở nên dửng dưng hoặc hèn nhát vì ích kỷ, chẳng ai thèm quan tâm đến những uy tín, sĩ diện cũng như quyền lợi chung của dân tộc và đất nước.

Trong bối cảnh đó, thảng hoặc chúng ta thấy hoặc biết được một người nào đó có những nét hành xử được xem là tử tế thì âu cũng là điều vui mừng và đáng để cho chúng ta ngưỡng mộ và thán phục.

 

image065

Luật sư Đoàn Thanh Liêm trưng tấm ảnh nhà báo Nguyễn Minh Cần vừa tạ thế có mối liên quan mật thiết với nhà báo Nguyễn Ngọc Bích. Ảnh VH

 

Vài tuần lễ trước đây, chúng tôi được một người bạn là giáo sư tiến sĩ Mai Thanh Truyết mời đóng góp phần trình bày của mình trong một buổi tưởng niệm giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, dự trù được thực hiện tại thành phố Houston vào đúng thời điểm 49 ngày sau khi ông vừa mới qua đời trên một chuyến bay đi sang Phi Luật Tân để tham dự một cuộc họp liên quan đến chuyện tranh đấu cho quê hương.

Thoạt đầu chúng tôi có hơi ngỡ ngàng chút ít vì lời mời này (vì không có thói quen thích xuất hiện để đọc những bài diễn thuyết trước công chúng), nhưng cũng không nỡ từ chối dù rằng chưa biết là mình sẽ đóng góp như thế nào. Giáo sư Truyết là một người bạn rất thân (kiểu mầy tao với nhau) với giáo sư và cũng là nhà văn Nguyễn Văn Sâm, một người bạn rất quí mà người viết bài này đã được dịp làm quen từ hơn ba thập niên về trước tại địa phương này. Do bởi áp dụng nguyên tắc tam đoạn luận hơi đơn giản và méo mó là “bạn tốt của ta thì cũng có thể là bạn tốt của ta” nên chúng tôi cũng dễ dàng thân quen với nhau, nhất là sau khi biết giáo sư Truyết cũng từng đứng trong hàng ngũ những sinh viên du học trước đây tại Pháp và đã góp mặt trong những sinh hoạt của các sinh viên thuộc phe quốc gia, mà chỉ những người cùng du học vào thời đó (trước năm 1975) thì mới chia sẻ được những kỷ niệm vui buồn này. Sau đó không lâu, lại tình cờ biết thêm giáo sư Truyết cũng là một người bạn rất thân (cũng kiểu mầy tao với nhau) với nhà văn Phí Ngọc Hùng, vốn cũng là một anh bạn già rất thân với chúng tôi, thường trao đổi thường xuyên trong thú đam mê chữ nghĩa, cũng như đã góp mặt trên các diễn đàn của hệ thống báo Sàigòn Nhỏ trước đây.   

Sau đó, chúng tôi cũng đã phân vân không ít để tìm hiểu xem là mình sẽ đóng góp một bài viết như thế nào để thích hợp cho buổi tưởng niệm này với mục đích mong muốn của ban tổ chức, nhưng đồng thời cũng phản ảnh chân thật quan điểm của mình thay vì những lời nói hoa mỹ ca ngợi theo thói quen thông thường, do bởi vấn đề này cũng có những lấn cấn riêng tư mà chúng tôi đã trải qua nên muốn mượn dịp này để thưa chuyện cùng bạn đọc.

Cách nay hơn 30 năm, cũng tại thành phố Houston, có một giáo sư và cũng là một nhà văn, đã viết một bài báo gây chấn động trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Nên nhớ là vào thời gian đó, chưa có tình trạng Internet phổ biến nhanh chóng và tràn lan như hiện nay, báo chí chỉ giới hạn trong một số các tờ báo giấy được in tương đối rất ít và các diễn đàn truyền thanh, truyền hình cũng không phổ biến rộng rãi như ngày nay.

Bài báo của giáo sư Nguyễn Khánh Do vào lúc đó đã chỉ trích một thói quen, có lẽ đã trở thành gần như một tập tục không mấy hay ho gì trong cộng đồng người Việt, đó là tệ nạn mà ông gọi là “áo thụng vái nhau”: khi một nhà văn (dường như là Mai Thảo?) đánh bóng một nhà thơ như là một bậc thi hào, thi bá trong khi một nhà thơ (có lẽ là Nguyên Sa?) thì lại ca tụng một nhà văn như là một ngôi sao Bắc Đẩu trong văn đàn v.v. Sở dĩ có tình trạng đó là vì vào thời buổi của những năm đầu sống đời tị nạn, những người còn lưu tâm đến chuyện sáng tác thơ văn tiếng Việt, rồi sau đó bỏ tiền ra để ấn hành và phổ biến sách báo, được xem là đã làm một điều đáng quí và đáng ca ngợi. Vì thế nên trong những dịp ra mắt sách để giới thiệu các tác phẩm này, nhiều diễn giả góp mặt thường có thói quen ca tụng các tác giả cũng như tác phẩm hơi tích cực, thỉnh thoảng cũng có phần hơi thái quá.

Bài báo này vào lúc ấy dĩ nhiên đã gây khó chịu rất nhiều cho giới cầm bút tại hải ngoại, đặc biệt là một vài vị cầm bút nổi tiếng trong giới sinh hoạt văn thơ tại vùng Little Saigon ở California là nơi có đông người Việt cư ngụ. Nhưng riêng cá nhân chúng tôi thì hoàn toàn đồng ý với nội dung của bài báo, nếu không muốn nói là rất tâm đắc với nhận định của tác giả bài viết này, nhất là sau này khi chúng tôi lựa chọn việc viết báo như là một công việc đam mê và sinh hoạt toàn thời gian.

Cá nhân chúng tôi không có cái thói quen làm cái việc gọi là “áo thụng vái nhau”, và cũng không ủng hộ việc này chút nào. Bởi vì chúng tôi quan niệm rằng người viết báo (hoặc người làm truyền thông) là người có may mắn hơn nhiều người khác vì có cơ hội được chứng kiến hoặc tìm hiểu và học hỏi nhiều nguồn tin đa dạng khác nhau, do đó họ phải có bổn phận tường thuật lại những gì mắt thấy tai nghe; và họ phải can đảm nói lên sự thật một cách đầy đủ và chính xác cho những người khác, là độc giả hay khán thính giả của họ, có thể hiểu được một phần nào những vấn đề thời sự một cách trung thực và đầy đủ. Nói một cách khác, viết báo là một cái nghề cao quý được nhiều người kính nể chứ không phải chế riễu như câu nói bình dân mà thỉnh thoảng nhiều người hay châm biếm là “làm báo nói láo ăn tiền”.

Sở dĩ chúng tôi phải dài dòng kể lại chuyện đã xảy ra cách nay đã hơn 30 năm là để mọi người thông cảm hơn về nỗi băn khoăn của mình khi quyết định góp mặt để thưa chuyện cùng cử toạ trong buổi tưởng niệm. Khi nhận lời của giáo sư tiến sĩ Mai Thanh Truyết để cùng đóng góp một bài viết góp mặt trong buổi tưởng niệm nhân ngày giỗ 49 ngày của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, chúng tôi đã phân vân và lo ngại rất nhiều trước một công tác và một trách nhiệm có nhiều thử thách này.

Khỏi phải nói, gần như mọi người chúng ta đều đồng ý rằng việc tổ chức một buổi tưởng niệm về một nhân vật nào đó là dịp để cho người ta nhắc lại những thành quả tốt đẹp mà người đó đã đóng góp cho đời để cho những thế hệ mai sau lấy đó làm gương để noi theo. Vì thế nên phần lớn những người tham dự đều cùng lên tiếng ca ngợi hoặc tán thán công đức của người vừa nằm xuống khiến cho những người còn ở lại đều phải tiếc thương và cảm phục yêu mến.

Nhưng riêng cá nhân chúng tôi trước đây đã vài lần có những bài nhận định không cùng quan điểm với giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, đặc biệt là trong lãnh vực thời sự chính trị Hoa Kỳ, có lẽ là vì giáo sư Bích, cũng giống như một số lớn người Việt ở hải ngoại trong buổi giao thời, đều có thói quen ủng hộ nhiệt thành cho đảng Cộng Hoà tại Hoa Kỳ với lập luận rằng “Cộng Hoà là chống Cộng, và Dân Chủ là phản chiến”. Nhưng cá nhân chúng tôi cho rằng đó là một nhận định hoàn toàn quá vội vàng và đơn giản nhưng sai lầm một cách tai hại. Thật vậy, nếu chịu khó tìm hiểu sâu rộng hơn về nội tình chính trường nước Mỹ chúng ta sẽ dễ dàng nhận chân ra một sự thật rất phũ phàng: đó là người Mỹ, dù là theo phe Cộng Hoà hay Dân Chủ, chẳng có ai chống Cộng hay yêu nước hơn ai, mà họ chỉ chống một thứ duy nhất, đó là họ chống lại những tất cả những gì có thể xâm phạm đến quyền lợi riêng tư của cá nhân họ.

Điển hình là cách nay 3 năm, nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Ba Lê là văn bản chính thức của Hoa Kỳ ép buộc Việt Nam Cộng Hoà ở Sàigòn phải nhượng bộ Hà Nội để cho bộ đội Bắc Việt được tiếp tục có mặt ở miền Nam, và từ đó mới tiếp tục quấy phá để rồi sau này tiến chiếm luôn toàn cõi đất nước, chúng tôi cũng đã chỉ trích lời kết luận của giáo sư Bích khi ông biện hộ cho Tổng Thống Richard Nixon không phải là người có ý định bỏ rơi miền Nam VN mà chỉ là do phụ tá Henry Kissinger qua mặt hoặc phản bội.

Và chúng tôi đã kết luận rằng đó là một sự sai lầm vì tác giả vẫn chưa nhận thấy một sự thật hiển nhiên: đó là trong hệ thống cầm quyền tại Hoa Kỳ, một vị Tổng Thống có thể bất lực trước một Quốc Hội đối lập và cứng đầu (như tình trạng hiện nay); nhưng đối với tất cả mọi nhân viên trong chính quyền, từ những vị tổng bộ trưởng hay tướng lãnh trở xuống, tất cả những người này đều phải tuân lệnh vị Tổng Thống một cách tuyệt đối với câu nói bất hủ: “I serve at the president’s pleasure”, có thể tạm dịch là “Tôi đang phục vụ hoàn toàn là tuỳ theo sự ưa thích của tổng thống”. Điều đó có nghĩa là mọi nhân viên chính phủ, cho dù cao cấp đến mấy, cũng chỉ là những người thừa hành một cách tuyệt đối lệnh của vị tổng thống. Tất cả họ đều phải tuân hành theo quyết định của tổng thống, chứ chẳng hề có phụ tá nào có cao kiến hay tài ba để có thể phỉnh lừa hoặc qua mặt được ông ta như trường hợp của một vài phụ tá có thể quá tài giỏi và quỉ quyệt để có thể qua mặt được lãnh tụ như chúng ta thỉnh thoảng có thể tìm thấy trong lịch sử hoặc trong tiểu thuyết.

Như vậy thì làm sao chúng tôi có thể viết bài để ca ngợi giáo sư Nguyễn Ngọc Bích khi mà nhiều độc giả của mình đã từng đọc nhiều bài viết có những lời lẽ đả kích khá mạnh những quan điểm của ông? Mà không riêng gì giáo sư Bích, những độc giả quen thuộc của ngòi bút Mai Loan cũng thường thấy những lời chỉ trích công khai và thẳng thừng đối với nhiều người cầm bút tên tuổi hoặc những vị gọi là “tai to mặt lớn” trong giới truyền thông tiếng Việt mỗi khi chúng tôi bắt gặp họ đưa ra những nhận định đầy thiên kiến và hoàn toàn sai lạc.

Chúng ta cũng thường nghe nhắc đến một câu nói khá quen thuộc, đó là “Cái quan định luận”. Tức là khi nắp quan tài vừa đóng lại, thì đó cũng là lúc mà mọi người có thể luận bàn một cách khách quan về người vừa nằm xuống (phải chăng vì không ngại gây bối rối cho người được nhắc tới, dù là khen hay chê?) Chúng ta có thể nói về những thành công hay thất bại của người vừa mới ra đi, theo kiểu “công và tội của họ thì hãy để cho lịch sử phán xét một cách công bằng”.

Giáo sư Bích đã ra đi cách nay khoảng 49 ngày. Đây cũng là dấu mốc thời gian mà theo truyền thống của người theo Phật giáo thì tin rằng hương linh của người vừa mất có thể được siêu thoát để đầu thai vào một kiếp khác, tuỳ theo nghiệp quả của họ ở đời trước. Những người còn sống trên thế gian như chúng ta có làm công việc bình phẩm, khen chê về giáo sư Bích thì đó cũng là lẽ thường tình, không có gì mới lạ.


image067

Tuy nhiên, cũng trong truyền thống rất tốt đẹp của người Việt chúng ta là khi một người nào đó vừa nằm xuống, những thân nhân và bạn bè của họ thường giành những lời ưu ái nhất để ngợi khen trong nỗi tiếc thương ngậm ngùi, nhất là với một người đã từng bôn ba sinh hoạt khắp nơi trong một thời gian dài, và đã có những đóng góp rộng rãi trên nhiều lãnh vực đa dạng như giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. Không ai lại mượn cơ hội này để quay ra tấn công hay chỉ trích họ, trừ khi đó là những kẻ tội đồ của dân tộc, chẳng hạn như bè lũ cộng sản tại Hà Nội đã làm nô lệ cho ngoại bang Liên Sô và Trung Cộng để gieo tang tóc trên quê hương trong cuộc chiến vừa qua, cũng như còn tiếp tục làm tay sai cho nhà cầm quyền Bắc Kinh ngày nay để dẫn đến những tai ương như Hoàng Sa và Trường Sa đã bị chúng chiếm đóng, cũng như những thảm hoạ về ô nhiễm giết hại môi sinh như trường hợp hàng triệu cá chết tại Vũng Áng, Hà Tĩnh mới đây mà chắc hẳn mọi người đều phải kinh hoàng và giận dữ khi biết tin.

Do đó, chúng tôi sẵn sàng nhận lời của ban tổ chức, nhất là từ một người đàn anh như giáo sư tiến sĩ Mai Thanh Truyết vốn cũng nằm trong hàng ngũ những sinh viên du học tại Pháp như chúng tôi trước đây.

Vậy thì ở điểm nào nơi giáo sư Nguyễn Ngọc Bích mà chúng tôi có thể không ngần ngại để đề cao trong thành tích và sự nghiệp của ông? Sau ngày ông ra đi, có lẽ nhiều người đã nghe hoặc đọc nhiều bài viết ca tụng về quá trình tranh đấu của ông cho một quê hương sớm được tự do, dân chủ và nhân quyền được tôn trọng. Đồng thời, nhiều người cũng thán phục và ngợi khen về sự đóng góp lớn lao của ông trong lãnh vực văn học nghệ thuật, những trước tác cũng như công trình dịch thuật của ông. Trong buổi tưởng niệm lần này, cử toạ cũng được nghe một vị đại diện ban tổ chức lược sơ lại tiểu sử của ông với biết bao công trình đóng góp cho xã hội và tha nhân. Và nhiều diễn giả khác cũng thuật lại một số những điểm son đó. Vì thế nên chúng tôi không cần liệt kê ra thêm nữa vì nó sẽ trở thành thừa thãi và làm mất thì giờ của mọi người.

Chúng tôi chỉ muốn nêu lên một góc cạnh nhỏ rất đáng thán phục của giáo sư Bích, mà có lẽ nhiều người ít chú ý để thấy rằng nó thật sự rất quí giá: đó là sự hoà nhã, luôn luôn cư xử nhã nhặn với mọi người, cho dù đó là những người không cùng quan điểm với ông.

Trong bối cảnh tranh chấp ngày nay trên chính trường rồi từ đó lan ra đến xã hội, con người dường như càng ngày càng ít thấy cởi mở và bao dung hơn. Ai cũng cho là mình đúng, người khác là sai; lập luận của mình đúng và vững chắc còn lập luận của đối phương là nguỵ biện và lỏng lẻo; tôn giáo của mình là chân lý vĩnh cữu còn tôn giáo của đối phương là tà ma ngoại đạo quá khích; và quốc gia của mình là có chính nghĩa sáng ngời còn xứ xở của đối phương là những nước độc tài, kém văn minh v.v. Hầu như người ta không muốn tôn trọng đối phương, và phải tìm đủ cách để bài xích, chê bai, chế riễu bằng những ngôn từ thậm tệ nhất. Vì thế nên mới có cái cảnh những người dân của phe Dân Chủ thì chê bai ông TT George W. Bush là một thằng nhóc con đầy may mắn nhưng ngu xuẩn, và những người của phe Cộng Hoà thì lúc nào cũng mở miệng chê ông TT Obama là thằng này, thằng nọ, nhút nhát và làm hư hỏng, phá tan đất nước, chỉ vì cái mầu da khó ưa của ông.

Và cộng đồng người Việt chúng ta cũng lây nhiễm cái thói hư tật xấu đó, dù rằng nhiều người vẫn chối là họ không có tinh thần kỳ thị, hoặc tinh thần cực đoan, cố chấp. Dường như người ta chỉ muốn nhìn mọi chuyện chỉ qua hai lăng kính mầu trắng hoặc mầu đen mà thôi; nhưng trong thực tế thì cuộc đời này còn có thêm hàng chục mầu xam xám khác nữa, không hẳn trắng mà cũng không phải đen. Do đó, chúng ta dễ dàng hằn học với nhau, và không ngần ngại bôi bác, chỉ trích đối phương mỗi khi chúng ta không đồng quan điểm, và nếu như không thắng được đối phương về mặt lý luận, chúng ta cũng không ngần ngại lôi những chuyện riêng tư của họ ra để chỉ trích.

Nhưng có lẽ giáo sư Bích là một trong số những người hiếm hoi không đi vào con đường lầm lạc tai hại đó. Trong tất cả những cuộc tranh luận hoặc trong những bài viết của ông, có thể ông cũng tích cực bênh vực cho quan điểm của mình một cách thái quá do bởi cảm tính, nhưng tuyệt nhiên ông không hề dùng những ngôn từ thậm tệ để mắng nhiếc hay chê bai đối phương. Lúc nào ông cũng dùng những lời lẽ hoà nhã và lịch sự, theo đúng với phong cách của kẻ sĩ phương Đông. Người ta có thể chê bai lập luận của Nguyễn Ngọc Bích không vững chắc hay không có sức thuyết phục cao, nhưng không ai có thể chê bai cung cách trình bày vấn đề của ông, lúc nào cũng hoà nhã, và giành cho đối phương đầy đủ thời gian để trình bày quan điểm của họ.

Mới đây, chúng tôi tình cờ đã được nghe một người bạn kể lại một câu chuyện khá lý thú và càng làm cho chúng tôi tin tưởng hơn nữa về đức tính nhã nhặn và lịch sự của ông. Người bạn chúng tôi cùng đang hành nghề thông ngôn là công việc toàn thời gian, nhưng có một đam mê là thích đọc nhiều bài viết hoặc tài liệu bằng Anh ngữ để học hỏi và mở mang kiến thức. Do đó, chúng tôi có nhiều dịp trò truyện để chia sẻ những nhận định để rút tỉa kinh nghiệm. Cá nhân chúng tôi thường chú ý đến những từ ngữ và cách hành văn trong các bài viết này mà nhiều người trong giới truyền thông tiếng Việt thường lầm lẫn khi dịch thuật lại xuyên qua các bài viết hay bản tin lược dịch, còn anh bạn chúng tôi thì lại chú ý thuần tuý về những lỗi lầm hay thiếu sót trong nguyên bản tiếng Anh.

Anh bạn này, trước đây cũng đã theo học ban Sư Phạm tại Đại Học Sàigòn trước năm 1975, có một biệt tài là nắm bắt được rất nhanh một số những lỗi lầm về văn phạm trong các bài viết trên các tờ báo lớn, dù là của các tác giả Anh-Mỹ. Vì thế nên anh cũng nhìn thấy một ít những lỗi lầm trong các bài viết bằng Anh ngữ của các tác giả gốc Việt, cho dù là những bài được viết bởi nhiều giáo sư tên tuổi trong lãnh vực này. Nói chung, đó thường là những sai sót do sơ xuất vì thói quen đọc nhanh nên chúng ta không để ý kỹ lưỡng, hoặc cũng không phải là những lỗi lầm tai hại, tức là câu văn vẫn rõ nghĩa nhưng nếu được viết theo một cách khác thì sẽ hay và đúng hơn. Nhìn một cách rộng rãi hơn, đó cũng chỉ là một sự cầu toàn mà những người ưa chuộng chữ nghĩa có thể trân quý sự góp ý sửa chữa của anh bạn tôi nhìn thấy và đề nghị.

Người bạn này kể lại rằng trong một dịp giáo sư Bích về Houston nhân dịp giới thiệu một cuốn DVD nào đó, anh ta tình cờ được tiếp xúc với tác giả để thưa chuyện liên quan đến một cuốn sách mà giáo sư Bích đã dịch sang Anh ngữ tác phẩm Hoa Địa Ngục của Nguyễn Chí Thiện. Anh bạn tôi trước đó đã kiểm chứng chi tiết này với một số bạn bè khác và họ đều đồng ý rằng sự sai sót trong bản dịch (mà anh bạn tôi tìm thấy được) quả đúng là một nhận xét rất tinh tế.

Vì thế nên trong lúc rảnh rỗi trước khi bắt đầu buổi sinh hoạt, giáo sư Bích đã không ngần ngại tiếp chuyện với anh bạn tôi và được nghe anh ta kể lại về những chi tiết mà anh thắc mắc và nghĩ rằng có lẽ cách viết tiếng Anh như vậy không đúng hoặc chưa hay lắm.

Điều đáng chú ý là giáo sư Bích đã lắng nghe và ghi nhận những chi tiết. Nhưng liền sau đó thì chương trình đã đến giờ khai mạc nên ông phải tạm ngưng cuộc trò chuyện để quay sang chủ đề chính của buổi sinh hoạt hôm ấy. Sau đó, đến giờ nghỉ giải lao, giáo sư Bích đã đến gặp anh bạn tôi để nói rằng, và đây là nguyên văn của ông, “có lẽ là anh nói đúng”. Ngay lúc đó, giáo sư Bích cũng nói với anh bạn tôi, và có lẽ cũng tự nói với mình, là ông cũng thấy hơi lạ, vì cuốn sách đã được phát hành khá lâu và ông cũng đã đưa cho nhiều người có kiến thức và sở trường trong lãnh vực này để đọc qua, nhưng lại chưa hề thấy ai nêu lên điểm khiếm khuyết này. Sau đó, giáo sư Bích đã hỏi tên anh bạn và nói rằng khi về nhà ông sẽ xem lại và trả lời với anh ta sau này.

Trong khuôn khổ của bài nói chuyện trước cử toạ trong buổi tưởng niệm, chúng tôi xin miễn ghi lại những chi tiết về một vài câu Anh ngữ trong bản dịch của bài thơ này để khỏi làm mất thì giờ của nhiều người. Tuy nhiên, chỉ một chi tiết nhỏ này thôi cũng đủ để chúng tôi tin tưởng hoàn toàn vào sự thành tâm và nhã nhặn, khiêm cung của giáo sư Bích trong vấn đề này. Và theo thiển ý, đó là một đức tính hết sức cao đẹp đáng đề cao.

Bởi lẽ chúng ta vẫn thường nghe nhắc đến một câu thành ngữ bất hủ dường như chỉ áp dụng cho người Việt mình: đó là “văn mình, vợ người”. Tức là lời văn của mình thì bao giờ cũng hay nhất, còn vợ của người khác thì bao giờ cũng đẹp nhất. Nói một cách khác, người ta lúc nào cũng sẵn sàng khen ngợi văn tài của mình chứ ít thèm đề cao văn tài của người khác. Bù lại, nhiều người cũng hà tiện lời khen về vợ mình, trong khi lại mau chóng khen ngợi vợ của người khác là hay, là giỏi, là nết na, giỏi chịu đựng v.v.      

Một nhân vật như giáo sư Bích đã trước tác nhiều tác phẩm, đã bỏ nhiều công sức trong việc dịch thuật nhưng lại không tự cao tự đại, sẵn sàng nhìn nhận những lời phê bình của một người khác, không quen biết và có thể cũng là người bình thường kiểu “vô danh tiểu tốt” như anh bạn tôi, quả là một hành động khiêm cung đáng ngưỡng phục.

Để kết luận, chúng tôi cho rằng đó là một trong nhiều thí dụ mà chúng ta có thể ngợi khen giáo sư Bích mà không sợ mang tiếng là làm trò “áo thụng vái nhau”.

Vào đầu tháng 3 vừa qua, trong một bài viết về sự ra đi của bà Nancy Reagan, vợ của cố TT Reagan, chúng tôi có thuật lại chuyện nữ ký giả Diane Sawyer của hệ thống truyền hình ABC News ca ngợi bà Nancy Reagan rằng, khác với nhiều người hiện nay, bà ta không biến những khác biệt trong quan điểm thành những điều cứng ngắc để định nghĩa đối thủ.

Một nhà báo nổi tiếng khác là Tom Brokaw của đài truyền hình NBC News cũng đề cao Nancy Reagan là một người cương quyết bảo vệ lập trường bảo thủ của mình, nhưng khi giải quyết xong một vụ tranh chấp, thì coi như bỏ qua mọi chuyện để tiếp tục giải quyết chuyện khác (thay vì tiếp tục ôm theo những hận thù, ganh ghét kéo dài). Người con trai út là Ron Reagan cũng kết luận tương tự khi nói rằng hầu hết những người bạn cùng thời với bà đều đã ra đi. Và có lẽ bà là một trong những người cuối cùng của một thế hệ đã qua đi (thế hệ của những người không quá cứng rắn với lòng hận thù, không bao giờ muốn chấp nhận kẻ khác như nhiều người trên chính trường và trong xã hội hiện nay).  

Theo nhà báo Andrew Romano của diễn đàn Yahoo News, cuộc tiễn đưa bà cựu đệ nhất phu nhân không những chỉ là cuộc đưa tiễn lần chót một nhân vật được nhiều người mến mộ đi vào lòng đất, mà có lẽ cũng còn là dịp giã từ những nét đẹp lịch sự của những người đã từng nổi tiếng trên chính trường nước Mỹ. Nó mang mầu sắc của một cuộc đưa đám một thời kỳ chính trị đã qua đi, khó tìm thấy lại ngày nay. Những lời điếu văn ca ngợi người vừa nằm xuống, một nhân vật trong hậu trường nhưng đã có ảnh hưởng với một tổng thống được đại đa số cử tri bảo thủ ngợi ca như một anh hùng, đã khiến cho nhiều người không khỏi so sánh với tình cảnh hiện nay của các chính khách đang tranh giành chiếc ghế ứng viên được đề cử của đảng Cộng Hoà để mong bước vào Toà Bạch Ốc, nối tiếp sự nghiệp của lãnh tụ đáng yêu của họ là Ronald Reagan.

Cuộc tiễn đưa giáo sư Nguyễn Ngọc Bích phải chăng cũng là dịp giã từ những nét đẹp lịch sự của một thế hệ kẻ sĩ đáng được trân trọng và noi gương theo.

Và đó cũng là lý do vì sao chúng ta đều ngậm ngùi nuối tiếc với sự mến phục về một người tử tế vừa mới ra đi.

 

MAI LOAN

Houston, Texas ngày 20/05/2016

26 Tháng Mười 2014(Xem: 24035)
Ts Lê Phước Sang, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Việt Nam Dân Xả đảng, đọc diễn văn khai mạc lễ Kỷ niệm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ thành lập Dân Xã đảng 21 tháng 9, 1946 tại trụ sở trung ương ở thành phố Garden Grove, nam California
16 Tháng Mười 2014(Xem: 18064)
Sau gần 30 năm miệt mài, cuộc hành trình tìm tự do đầy cam go và nhục nhằn của 97 người tỵ nạn VN cuối cùng tại Thái Lan vẫn còn gặp phải những chông gai, trở ngại vào giờ thứ 25! Mặc dù đã được chính phủ Canada cấp giấy phép nhập cảnh, mặc dù đã được Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ hoàn tất toàn bộ hồ sơ tỵ nạn, mặc dù đã cầm vé máy bay trong tay, tuy nhiên nhóm người tỵ nạn đầu tiên dự trù đặt chân đến phi trườngVancouver, Canada vào ngày Thứ Năm, mùng 9 Tháng 10, 2014 vừa qua vẫn chưa được chính phủ Thái Lan cấp giấy phép xuất cảnh!
14 Tháng Mười 2014(Xem: 17901)
Sau gần 30 năm miệt mài, cuộc hành trình tìm tự do đầy cam go và nhục nhằn của 97 người tỵ nạn VN cuối cùng tại Thái Lan vẫn còn gặp phải những chông gai, trở ngại vào giờ thứ 25! Mặc dù đã được chính phủ Canada cấp giấy phép nhập cảnh, mặc dù đã được Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ hoàn tất toàn bộ hồ sơ tỵ nạn, mặc dù đã cầm vé máy bay trong tay, tuy nhiên nhóm người tỵ nạn đầu tiên dự trù đặt chân đến phi trườngVancouver, Canada vào ngày Thứ Năm, mùng 9 Tháng 10, 2014 vừa qua vẫn chưa được chính phủ Thái Lan cấp giấy phép xuất cảnh!
12 Tháng Mười 2014(Xem: 17689)
Hiệp Hội Thiện Nguyện Vì Dân(ViDan Foundation Inc.) là một tổ chức bất vụ lợi, phi chính phủ (Non-Profit Humanitarian Organization – ID# 801949153) được thành lập theo quy chế 501(c)3, chủ trương trợ giúp nhân đạo cho những người có nhu cầu khẩn thiết, đặc biệt là tầng lớp trẻ thơ. Mọi sự đóng góp cho ViDan Foundation Inc. đều được cấp biên nhận trừ thuế.
09 Tháng Mười 2014(Xem: 19348)
Hiện nay tổng số người Việt sinh sống tại hải ngọai, thì ước lượng có đến 4.5 triệu người. Như vậy, nếu so sánh với dân số trong nước là 90 triệu, thì số người Việt hải ngọai đã chiếm đến tỉ lệ 5% của tổng số dân trong nước.
07 Tháng Mười 2014(Xem: 18215)
Có tin 22 tổ chức dân sự ở Việt Nam ký một bản tuyên bố ủng hộ biểu tình ở Hong Kong và nói tình hình Việt Nam còn ‘thê thảm hơn’. Bản tuyên bố hôm 5/10 nói họ “vô cùng cảm phục thái độ ôn hòa, tinh thần cương quyết, tài năng tổ chức” của giới trẻ Hong Kong.
05 Tháng Mười 2014(Xem: 17989)
Một số người Việt thuộc cộng đồng người Việt Quốc gia ở Montreal, với cờ VNCH trong tay, tham dự cuộc biểu tình để ủng hộ cuộc biểu tình của hàng chục ngàn sinh viên đòi tự do dân chủ tại Hồng Kông. Cuộc biểu tình này được tổ chức tại Đại học McGill ở Montreal vào thứ Tư, ngày 1/10/2014. Một người đang cầm lá cờ VNCH trên tay giải thích: “Đây là lá cờ mà người Việt tị nạn cộng sản thường sử dụng như một biểu tượng của tự do dân chủ chống lại chủ nghĩa cộng sản”.
30 Tháng Chín 2014(Xem: 16939)
The Diplomat ngày 28/9 đăng bài phân tích của Scott Hartley, thành viên Hội đồng Quan hệ đối ngoại cho biết, thung lũng Silicon đang phát triển những công nghệ có thể mang lại sự minh bạch hơn cho những khu vực gặp khó khăn, ví dụ như Biển Đông.
23 Tháng Chín 2014(Xem: 18551)
Trên đây là những câu hát trong một sáng tác hợp sọan của hai nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và Trúc Hồ, phản ảnh thật đúng tâm trạng và hoàn cảnh của gần 100 người Việt tỵ nạn Cộng Sản đã bỏ nước ra đi từ cácthập niên 1980 và 1990, trong số đó có những người từng bị từ chối cho định cư, có những người quyết tâm trốn cưỡng bách hồi hương và cũng có những người tỵ nạn muộn màng. Họ sống vất vưởng, lẩn trốn, sống ngoài vòng pháp luật như những kẻ vô gia cư, vô nghề nghiệp và vô tổ quốc, mặc dù họ chính là quân dân cán chính của nước Việt Nam Cộng Hòa! Tuy nhiên dù phải trải qua bao khổ đau, bao chông gai và thách đố, họ vẫn quyết tâm không trở về Việt Nam để phải sống dưới chế độ Cộng Sản, và vẫn tiếp tục bước đi tìm kiếm tự do, “đi hoài dù không hề tới…”
21 Tháng Chín 2014(Xem: 19396)
Chúng tôi những anh em văn nghệ sĩ cùng gia đìnhxin chia sẻ nỗi đau buồn này cùng chị Trương Gia Vy và tang quyến. Xin cầu nguyện hương hồn anh Nguyễn Xuân Hoàng nhẹ nhàng thênh thang cất bước trên chín từng mây và bầu trời xanh thẳm không vướng chút bụi trần.
16 Tháng Chín 2014(Xem: 17908)
Một cựu quân nhân Mỹ gốc Việt trẻ tuổi dù đã giải ngũ từ năm 2009 vì hai lần bị thương nặng từ chiến trường Iraq và dù hằng ngày vẫn phải điều trị các thương tật về thể xác lẫn tinh thần, nhưng vẫn tìm mọi cách hỗ trợ các đồng đội cùng cảnh ngộ và giúp đỡ người nghèo tại Việt Nam qua các chuyến đi từ thiện. Đó là tinh thần hy sinh-đóng góp của đại úy bộ binh James Văn Thạch đối với quê mẹ và với đất nước đã cưu mang mình.
14 Tháng Chín 2014(Xem: 19001)
Thế kỷ XIII, nước Đại Việt chỉ mới tới Quảng Nam. Vậy mà như “Châu chấu đá xe. Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng”. Xe nghiêng chính là quân Mông Nguyên đang làm mưa làm gió từ Á sang Âu ở đầu thế kỷ XIII. Chiếm được Trung Quốc, Hốt Tất Liệt trở thành Nguyên Thái Tổ năm 1271, trở thành một đế quốc hùng cường rộng lớn nhất thời bấy giờ.
08 Tháng Chín 2014(Xem: 19118)
Westminster (Bình Sa)- - Vào lúc 2 giờ chiêu Chủ Nhật 31 tháng 8 năm 2014 tại Hội Quán Lạc Hồng số 7219 Westminster, Thành Phố Westminster, Đoàn Văn Nghệ Lạc Hồng đã tổ chức buổi trình diễn lớp Đàn Tranh do Giáo Sư Nguyễn Thị Mai phụ trách giảng dạy cho các em.
02 Tháng Chín 2014(Xem: 19436)
Tòa đô chánh Ottawa treo cờ VN bất chấp sự phản đối của cộng đồng người Việt
17 Tháng Tám 2014(Xem: 32557)
Từ năm 1975 đến năm 1990, TT Thiệu sống âm thầm ở Mỹ rất lâu mặc dù trên nguyên tắc ông định cư ở Anh. Mỹ là nơi tập trung cộng đồng di dân tỵ nạn CS đông đảo nhất thế giới. Little Sàigon là thủ đô tinh thần của cộng đồng VN.
12 Tháng Tám 2014(Xem: 21150)
Lê Thị Kim Thu (Danlambao) tường trình - Ngày 7-8-2014 lúc 3 giờ chiều tại chùa Liên Trì, quận 2 Thủ Thiêm Sàigon, có buổi phát quà cho một số Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa và những người nghèo nhân mùa Vu Lan báo hiếu. Có hơn 30 TPB-VNCH đến dự, số nhỏ này là những người có hoàn cảnh quá khó khăn, còn những gia đình nghèo thì hơn 300.
10 Tháng Tám 2014(Xem: 18185)
Tôi mới nhận được email của một vị có tên Lê Văn Kim viết bài tựa đề Đoàn Kết và Phát Triển. Ông tự nhận cũng là quân nhân VNCH. Sau vài lời bầy tỏ tinh thần xây dựng, với tựa đề lịch sự tác giả nhắc nhở chuyện rút quân cao nguyên 1975 để tấn công về binh nghiệp đại tá Lê khắc Lý. Cũng trong lá thư oan nghiệt này ông Lê Văn Kim lên án chuẩn tướng Trần Văn Nhựt đào ngũ tại Cam Ranh.
07 Tháng Tám 2014(Xem: 19732)
Thượng Nghị Sĩ Lou Correa chúc chương trình mới của Văn khố ĐNA tiến triển tốt đẹp; ông cho rằng những kinh nghiệm quý báu của di dân sẽ mang lại sự phong phú cho đời sống đa sắc tộc - đa văn hóa Hoa Kỳ. Kinh nghiệm từ gia đình ông (ông Nội của Lou) đã di cư đến sống ở Hoa Kỳ từ năm 1890, nhưng nay tìm lại những di tích đầu tiên rất là khó khăn.
06 Tháng Tám 2014(Xem: 26735)
Tôi rất tiếc không tìm thấy lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ nào ở Đền thờ Tử Sĩ, Nghĩa Dũng Đài cũng như trên các ngôi mộ chiến sĩ chôn trong Nghĩa Trang Biên Hòa.