Là trang thu hút hàng chục triệu người Việt trong nước và ở nước ngoài sử dụng, Facebook, mạng xã hội từng bị chặn tại Việt Nam, đang xuất hiện các thông điệp tương đối trái chiều để đánh dấu sự kiện 30/04.
Các bài liên quan
- Nếu Việt Nam Cộng Hòa chiến thắng?
- TQ từng xóa lời chống Mỹ của Bắc Việt?
- Hiệp định Paris: Thất bại của Lê Duẩn
Chủ đề liên quan
Tờ Bấm Dân Trí có bài mô tả rằng “các bạn trẻ treo trên tường nhà cùng với việc thay avatar hình lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam”.
“Cộng đồng mạng còn hạ quyết tâm “nhuộm đỏ” Facebook với sự xuất hiện của quốc kì, đó không chỉ là trào lưu mà là hành động thiết thực thể hiện tình yêu với quê hương đất nước,” bài báo của Dân Trí viết.
Trong khi đó Bấm Đốp Catherine có bài ‘30/4 - anh hỏi em nghĩ gì?’ trên Facebook được khá nhiều người tán thưởng.
Tác giả bình luận “Những ngày này em lên facebook, những avatar cờ vàng ba sọc đỏ xen lẫn với avatar cờ đỏ sao vàng. Những ngày này, người ta đang tranh cãi nhau nên gọi nó là ngày gì: giải phóng hay quốc hận".
'Giải phóng'
Biểu tình "Ngày Quốc Hận" chiều 27/04/13 tại Place du Trocadéro, Paris.
“Em đã đọc về Sài Gòn trước 75, em đã thấy những hình ảnh của một Sài Gòn phồn thịnh, tự do nên em không thể coi đó là ngày giải phóng.
“Em sinh sau đẻ muộn, em biết chuyện hàng ngàn người bỏ mạng ngoài biển khơi, em hiểu nỗi đau của những người còn sống sót và đến được bến bờ tự do nhưng em không muốn mang chữ hận thù bên cạnh mình.
“Em sẽ gọi nó là ngày tang thương, dù thực ra, cuộc tang thương của đất nước mình bắt đầu trước đó cả ba mươi năm”, tác giả viết.
Trong khi đó từ Đại học Harvard, nhà báo Huy Đức, tác giả cuốn "Bên Thắng Cuộc” dẫn lời Thủ tướng Thái Lan nói "Chúng tôi tự hào vì không phải đánh nhau với đế quốc to nào cả" khi đáp lại câu “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to" của cố Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt khi ông thăm nước này vào năm 1991.
Trong một entry ngắn trên Facebook, Bấm Huy Đức dẫn lời cố Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Nước độc lập mà dân không có tự do, hạnh phúc, thì độc lập đó cũng không có ý nghĩa".
"Nếu những người cộng sản tin những gì mình đã làm là cao cả thì nên chiểu theo "lời dạy của Hồ Chí Minh", thấy cái gì dân chưa có tự do thì trả tự do cho dân, thấy cái gì dân chưa hạnh phúc thì để cho dân mưu cầu hạnh phúc"
Nhà báo Huy Đức
Nhà báo có nhiều người hâm mộ trên Facebook viết tiếp “Ngày 30-4-1975, cũng có thể coi là ngày chiến thắng nhưng nó chỉ mới là chiến thắng của những người cộng sản”.
“Cho dù đã sau 38 năm, theo tôi, vẫn có thể tạm gác lại chuyện đánh giá bản chất của cuộc chiến tranh.
"Nếu những người cộng sản tin những gì mình đã làm là cao cả thì nên chiểu theo "lời dạy của Hồ Chí Minh", thấy cái gì dân chưa có tự do thì trả tự do cho dân, thấy cái gì dân chưa hạnh phúc thì để cho dân mưu cầu hạnh phúc.
“Cái ngày mà đảng cộng sản Việt Nam làm được điều đó xin cứ gọi là ngày giải phóng và chắc chắn sẽ có không ít người dân cũng coi đó là ngày chiến thắng”, nhà báo Huy Đức bình luận trên Facebook của mình.
Con em 'chế độ cũ'
“38 năm- Nhà nước của một nửa” của Bấm Ngô Minh là bài viết được phát tán khá nhiều khác trên mạng.
Tác giả mở bài nói “Cứ nghĩ đến đất nước từ sau năm 1975 đến nay, đã 38 năm gọi là “thống nhất” nhưng thực tế lòng người chưa về một mối”.
Người dân tại cả hai bên chiến tuyến đều chịu thiệt hại về người và của trong Cuộc chiến Việt Nam.
“Thực tế vẫn tồn tại hai loại người: Người phe của cách mạng và người thuộc phe “ngụy quân ngụy quyền”. Hai “loại người” cùng sống trong một làng, ấp, xã này khác biệt nhau từ ý thức hệ đến những chế độ chính sách cụ thể hàng ngày.
"Những phân biệt đối xử như vậy khiến người dân liên quan đến “ngụy quân ngụy quyền” cứ nghĩ: Nhà nước này là nhà nước của những người cách mạng, không phải nhà nước của mình. Nghĩa là nhà nước của một nửa,” tác giả viết.
Bài viết mô tả về sự phân biệt đối xử với “con em ngụy quân ngụy quyền, những người làm việc dưới chế độ cũ” và cáo buộc điều tác giả gọi là có một loại “nhà nuớc một nửa khác”.
“Đó là nhà nước ra tay ủng hộ bọn cướp đất của dân, điều động cảnh sát , quân đội trấn áp nhân dân để cho bọn cướp đất làm giàu như ở Tiên Lãng, Văn Giang. Ở Tiên Lãng, người nông dân bị hại đứng lên chống lại bọn cướp thì bị xử tù nặng hơn bọn cướp. Nghĩa là nhà nước là nhà nước một nửa, nhà nước của quan chức tham nhũng”, tác giả nhận xét.
Phải nói thẳng rằng, 38 năm qua, nhà nước cầm quyền đã không có được một chính sách xã hội thích đáng để hàn gắn vết thương lòng của dân tộc, tạo nên sự hòa họp, hòa giải dân tộc, mà nhiều khi còn làm cho tình trạng bất hòa tăng lên.
"Tôi tin chả có thế lực thù địch nào bên ngoài, nguy hiểm bằng chính sự tha hóa ở bên trong đang làm mục ruỗng đất nước mình"
Phương Bích
Tôi cứ nghĩ, nếu cứ tiếp tục quản lý đất nước theo ý thức hệ “địch–ta” như thế này thì đến trăm năm nữa người Việt cũng không hòa giải dân tộc được.
Còn công dân mạng ký tên Phương Bích thì lấy nguồn cảm hứng từ bài thơ “Đất nước, những năm tháng thật buồn” của ông Nguyễn Khoa Điềm, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (2001-2006) để viết bài “Hòa giải dân tộc cũng là chuyện của người Việt trong nước” vì điều tác giả gọi là ông Điềm đã “nói hộ tâm tư của không ít người, trong đó có cả tôi”.
“Ít nhất đã có nhiều người ở cả hai phía của cuộc chiến trước đây, giờ trở thành bạn bè thân thiết qua mạng. Họ đều có chung một khao khát cho đất nước, sau ngần ấy năm đau khổ vì chiến tranh và ly tán, nay phải được bình yên và hạnh phúc.
“Tôi tin chả có thế lực thù địch nào bên ngoài, nguy hiểm bằng chính sự tha hóa ở bên trong đang làm mục ruỗng đất nước mình,...
“Chuyện hòa giải không còn là của riêng người Việt trong nước và người Việt tha phương, mà chính người Việt trong nước cũng cần hòa giải với nhau. Nếu không cố gắng tìm tiếng nói chung, vô hình chung chúng ta càng đẩy mình ra xa nhau,” tác giả Phương Bích viết.