Tỷ phú Việt tặng 155 triệu bảng Anh: ‘Không ý nghĩa gì nhiều’

12 Tháng Mười Một 20218:50 SA(Xem: 4469)

VĂN HÓA ONLINE – CỘNG ĐỒNG - THỨ SÁU 12 NOV 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Tỷ phú Việt tặng 155 triệu bảng Anh: ‘Không ý nghĩa gì nhiều’


VOA 11/11/2021


image035Bà Nguyễn Thị Phương Thảo trong buổi ký kết hiến tặng cho Linacre College


Số tiền trên 200 triệu đô la mà một nữ tỷ phú Việt Nam hiến tặng cho một trường đại học Anh, ‘không giúp ích nhiều cho nghiên cứu, sáng tạo’ trong khi ‘chỉ có tác dụng hạn chế trong việc nâng cao hình ảnh Việt Nam’ trong mắt quốc tế, một nhà nghiên cứu Việt ở Mỹ cho biết.


Sự kiện bà Nguyễn Thị Phương Thảo, người nắm trong tay hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air, hiến tặng 211 triệu đô la (tức 155 triệu bảng Anh) cho Đại học Oxford, hồi cuối tháng 10 nhân dịp bà tháp tùng chuyến công cán của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Anh, đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận.


Bà Thảo là một trong những người giàu nhất Việt Nam hiện nay. Nơi nhận số tiền tài trợ của bà là Linacre College, một phân viện của Đại học Oxford. Sau khi nhận tiền hiến tặng của bà Thảo, trường này sẽ xin giấp phép để đổi tên thành Thao College nhằm tri ân bà.


Theo tờ The Guardian, đây là khoản hiến tặng lớn nhất cho Oxford trong vòng 500 năm qua.


‘Hơi lãng phí’


Trao đổi với VOA từ Eugene, thủ phủ bang Oregon, Tiến sỹ Nguyễn Lương Hải Khôi, hiện đang là nghiên cứu viên tại Viện các vấn đề Toàn cầu thuộc Đại học Oregon ở Eugene, cho rằng vì số tiền này là tài sản cá nhân của bà Thảo, nên việc bà hiến tặng cho ai hay chi tiêu như thế nào ‘hoàn toàn là quyền cá nhân của bà’.


Tuy nhiên, ông bày tỏ nghi ngờ về ý nghĩa của hành động này và tác dụng của nó trên thực tế.


Ông Khôi đã tham khảo báo cáo hoạt động hàng năm của Linacre College và chỉ ra rằng phân viện sau đại học này ‘không phải là nơi nghiên cứu và đào tạo chính quy mà chỉ là một không gian cư trú đặc thù của Oxford’.


“Nói đơn giản thì nó là ‘ký túc xá’ nhưng là ký túc xá ‘sang chảnh’, có thư viện, có hội trường dành cho sinh hoạt học thuật, có máy tính và Internet, thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo học thuật, các bài giảng dành cho công chúng,” ông Khôi cho biết trong email gửi cho VOA.


Ông dẫn ra thông báo của Linacre College cho biết số tiền hiến tặng của bà Thảo ‘chủ chủ yếu sẽ được chi dùng cho hỗ trợ các sinh hoạt hàng ngày, xây dựng một cơ sở sau đại học mới’ để chỉ ra rằng việc hiến tặng cho hoạt động của một khu ký túc xá là ‘hơi lãng phí’.


Với khoảng 7 triệu trong số tiền 155 triệu bảng sẽ dành để cấp học bổng, ưu tiên cho sinh viên Việt Nam và các nước lân cận, ông Khôi cho là đây chỉ ‘một phần nhỏ’.


Do đó, trả lời câu hỏi của VOA liệu việc hiến tặng của bà Thảo có được coi vì ‘public good’, tức là đóng góp chung vào sự phát triển chung của nền học thuật và giáo dục thế giới và như thế Việt Nam cũng được lợi, hay không, ông Khôi nói ‘nhìn từ bên ngoài thì có vẻ như vậy’.


“Nếu số tiền 155 triệu bảng được hiến tặng cho một khoa, viện nghiên cứu nào đó của Đại học Oxford, lập quỹ học bổng cho các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế tại các viện nghiên cứu của Oxford với các yêu cầu tương đối rõ ràng (ví dụ nghiên cứu về năng lượng xanh, nghiên cứu về phát triển, xoá đói giảm nghèo, hay một ngành khoa học, kỹ thuật cụ thể nào khác…) thì sẽ phát huy được nhiều hiệu quả hơn,” ông Khôi lập luận.


Xây dựng hình ảnh Việt Nam?


Khi được hỏi liệu hành động này có góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam từ một quốc gia lâu nay hay đi xin xỏ, nhờ vả khắp nơi trên thế giới thành một nước đóng góp lại cho thế giới hay không, ông Khôi nói ‘xét về mặt mục đích, có thể coi là như thế’.


Tuy nhiên, ông cho rằng hình ảnh quốc gia ‘không thể xây dựng đơn giản bằng cách hiến tặng tiền bạc cho một nơi đứng ở chóp của thế giới’ mà ‘cần chiến lược bài bản và dài hạn’.


Ông cho rằng cho dù Việt Nam có cố gắng vung tiền đến đâu đi nữa mà vẫn xảy ra những sự việc như 39 người Việt Nam chết trong thùng container lạnh khi tìm cách trốn vào Anh, hay tỷ lệ cao của du học sinh Việt Nam học tiếng ở Nhật Bản phải lao động như nô lệ và ăn cắp vặt để sinh tồn qua ngày, hoặc các tờ quảng cáo có thể cưới vợ Việt Nam với ‘giá rẻ’ ở Hàn Quốc, Trung Quốc thì thế giới vẫn nhìn vào Việt Nam với hình ảnh tiêu cực.


“Cách xây dựng hình ảnh quốc gia tốt nhất chính là nỗ lực để không còn những người chấp nhận rủi ro tính mạng để ly hương,” ông Khôi, vốn bảo vệ luận án Tiến sỹ ngành Triết học tại Đại học Nihon, Tokyo, Nhật, và hiện đang nghiên cứu lịch sử và các vấn đề Việt Nam đương đại ở Đại học Oregon, nhấn mạnh.


Nên giúp chỗ cần hơn?


Nhìn chung, học giả này khẳng định, việc bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiến tặng tiền cho Đại học Oxford ‘cũng là điều tốt’. Tuy nhiên, ông cho rằng sẽ tốt hơn nếu ‘tài trợ cho những người có khả năng tạo ra giá trị của Việt Nam có thể kết nối với Oxford’, cụ thể là giúp các nhà nghiên cứu, giảng viên đại học, giáo viên phổ thông hay tiểu học, các nhà sáng tạo nghệ thuật Việt Nam… có thể tiếp cận và trải nghiệm môi trường văn hoá giáo dục ở Oxford.


Nhìn về Việt Nam, ông nói số tiền đó là một số tiền lớn và có thể giúp các trường đại học trong nước tuyển dụng, chiêu mộ nhân sự quốc tế để phát triển trong dài hạn. “Việc Việt Nam có nhiều trường đại học tốt cũng có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhân loại và xây dựng hình ảnh quốc gia của Việt Nam một cách thực chất,” ông Khôi viết trong email.


Ông đặt vấn đề tại sao bà Thảo không dùng số tiền đó để giúp cho những đối tượng cần giúp hơn bởi vì ‘sinh viên và nhà nghiên cứu của Oxford lâu nay vốn thường được xem là những người có nhiều lợi thế trong một thế giới bất bình đẳng’.


Ông dẫn số liệu của Bộ Giáo dục-Đào tạo Việt Nam cho biết ở Việt Nam hiện nay ‘có 33,6% số trường thiếu phòng học, 31% số trường thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh tạm bợ, 61% số trường có nhà vệ sinh không đạt chuẩn’.


“Số tiền 155 triệu bảng có thể xây dựng được khoảng 7.300 ngôi trường cho trẻ em vùng nghèo khó ở Việt Nam,” ông phân tích.


Tại sao ít đại học trong nước được hiến tặng?


Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, nếu bà Thảo hiến tặng đại học trong nước mà không có tư duy quản lý đúng đắn khiến số tiền đó bị lạm dụng thì ‘tài trợ cho nơi dùng đúng mục đích vẫn tốt hơn’.


Ông chỉ ra rằng các đại học tư thục ở Việt Nam vốn thuộc sở hữu của các doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận sẽ khó lòng được hiến tặng bởi lẽ ‘các nhà hảo tâm chỉ hiến tặng khi chắc chắn tiền của mình được phục vụ cho lợi ích công cộng, không trở thành lợi nhuận của các nhà đầu tư giáo dục’.


Còn về hệ thống trường công lập, vị tiến sỹ này cho rằng ‘cũng khó kêu gọi tài trợ’ do ở Việt Nam trường đại học ‘được xác định phục vụ cho hệ thống chính quyền’, ‘vận hành dưới sự kiểm soát của đảng’ và ‘có cơ sở đảng trong trường’ nên nhà hảo tâm khó lòng biết rằng số tiền của mình có phục vụ cho mục đích chính trị hay không.


“Theo tôi được biết thì cho đến nay hiến tặng cho giáo dục đại học chưa phải là thói quen và xu hướng hành động của giới nhà giàu Việt Nam,” ông cho biết và chỉ ra rằng khác với các nước phát triển, khi hiến tặng cho các trường đại học các nhà hảo tâm Việt Nam không được khấu trừ thuế nên điều này không tạo động lực cho họ.


Tiến sỹ Khôi dẫn chứng trường hợp doanh nhân Phan Văn Bên, chủ công ty lúa gạo Cỏ May ở Đồng Tháp, hiến tặng khoảng 2 triệu đô la để xây dựng khu học xá cho sinh viên ở Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, hay như Giáo sư-Tiến sỹ Trần Thanh Vân, một nhà vật lý tên tuổi ở Pháp, đã hiến tặng khoảng 2 triệu đô la để xây dựng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành hồi năm 2013.


Ngoài ra, cũng có trường hợp tỷ phú nước ngoài hiến tặng cho đại học Việt Nam như tỷ phú Mỹ Chuck Feeney đã hiến tặng một nửa kinh phí xây dựng Trường Đại học RMIT Việt Nam, khoảng 33 triệu đô la, ông Khôi chỉ ra.


Ở các nước phát triển, việc các đại học công lập được các mạnh thường quân hiến tặng là ‘việc rất bình thường’, ông Khôi cho biết, vì tiền thu học phí từ các sinh viên chỉ đủ cho việc duy trì đào tạo chứ không thể nào ‘tạo ra tri thức, công nghệ và các giá trị văn hoá mới’.


“Các đại học tư, phi lợi nhuận như Đại học Johns Hopkins, Đại học Cornell, Đại học Stanford, Đại học Chicago, Đại học Rockefeller đều được xây dựng và phát triển từ các nguồn tài trợ của những người giàu có,” ông dẫn chứng.


“Nhà trường nhận tiền tài trợ sẽ phải thực hiện việc chi tiêu một cách đúng đắn, liêm chính, đúng mục đích khoa học, giáo dục và văn hóa mà các bên đã thống nhất, tránh lợi dụng tiền tài trợ để làm việc bất chính,” ông cho biết thêm.
28 Tháng Hai 2022(Xem: 4000)