Khí công Hoàng Hạc: Môn học tùy duyên

04 Tháng Mười Một 20217:45 SA(Xem: 4846)

VĂN HÓA ONLINE – CỘNG ĐỒNG - THỨ NĂM 04 NOV 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Khí công Hoàng Hạc: Môn học tùy duyên

image002

Trần Mỹ Duyệt


Tôi đến với Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc đã được gần nửa năm và do cơ duyên từ một người bạn lâu năm giới thiệu. Điều này cho tôi thêm một cảm nhận, đó là trong cuộc sống này cái gì cũng có duyên, có số.


Duyên số. Tin hay không tin là tùy vào mỗi người và cũng tùy vào từng hoàn cảnh. Có người dứt khoát không bao giờ tin vào duyên số, họ tự nghĩ mình thành công hay thất bại là do cố gắng, tài năng của mình nhiều hay ít. Nhưng phần đông vẫn tin vào số mệnh. “Tiểu phú do cần, đại phú do thiên”. Chính vì vậy có người nay không tin nhưng mai, mốt lại tin. Có người chuyện này không tin nhưng chuyện khác xảy ra lại tin. Tóm lại, duyên số là một phạm trù bí ẩn, một tư tưởng có tính cách vừa triết học vừa thần bí.


Theo Lm. Anthony Trần Văn Kiệm trong thì “Duyên” có thể hiểu là cái cớ. Lý do, hoặc số trời định.[1] Cụ Nguyễn Du đã diễn tả triết lý nhân sinh này của cụ bằng câu thơ: “Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao.” Quan niệm nhà Phật về duyên “là mối ràng buộc đã được định sẵn trong đời người.”[2] Với Kitô giáo, duyên được hiểu như một sự an bài của Thượng Đế.


Tóm lại, dù bằng bất cứ suy nghĩ nào, việc tôi đến với Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc là một việc làm đúng thời điểm, đúng nơi, và đúng lúc. Đối với tôi, trên hành trình cuộc sống, lang thang giữa cõi đời ô trọc, trải qua nhiều sóng gió, nổi trôi thì việc dừng chân dưới bóng mát của Khí Công Hoàng Hạc là một cơ duyên tốt. Ít nhất tôi có dịp luyện tập, trau dồi thêm về sức khỏe, gặp gỡ được một số bạn bè mới; và nhất là được dịp học hỏi thêm về những nguyên lý cuộc sống, trao đổi và chia sẻ những cảm nghiệm sống với những bậc thầy đáng kính. Biển học mênh mông vô tận.  


Loanh quanh, lung khởi với chữ “duyên” không ngoài mục đích chia sẻ cảm nghiệm của riêng tôi sau những lần trao đổi, tâm sự với các bậc thầy của môn thể dục này. Có lần trong chỗ thân mật, tôi đã hỏi chưởng môn Phạm Gia Cổn:


-Một sinh hoạt xét về cấu trúc dựa trên Y-Võ-Nhạc, về triết lý vừa có tính tâm linh, tâm lý, xã hội, và thể lý giúp tăng thêm sức khỏe, đem lại tinh thần tươi trẻ và tích cực yêu đời như vậy tại sao lại có ít người tham dự. Có phải do ảnh hưởng của đại dịch Covid? Hoặc vì một yếu tố tâm lý hay xã hội nào không?


Bằng một thái độ ung dung và với tinh thần cởi mở, Bác sỹ Cổn trả lời:


-Ảnh hưởng của đại dịch Covid cũng có, nhưng theo tôi yếu tố tâm lý chiếm ưu thế hơn.


Rồi ông giải thích thêm:


Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ rằng một môn học như Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc chắc chỉ thích hợp với mấy ông bà già. Nguyên chỉ nghe chữ “hoàng hạc” là nhiều người đã vội cho rằng những người đến tập là những người “già”, mà già thì không có trẻ, không thích nghi với trẻ. Giới trẻ khi nghĩ đến thể dục, thông thường họ tìm đến những gym and Fitness Clubs, nơi có phòng tắm hơi, có những máy móc, và hồ bơi... Đối với lứa tuổi này, thể dục mang một ý nghĩa khác, là tập luyện cho thân hình săn chắc, cơ bắp, và thực tế nhất đối với nữ giới là giảm ký. Cũng đúng thôi, vì tại những lớp Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc không thỏa mãn những đòi hỏi đó. Ngược lại, Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc là môn tập nhằm tu tỉnh con người, phát triển tinh thần, tâm lý, và lẽ sống. Dĩ nhiên sức khỏe thể lý vẫn là điều mà những giờ tập được hướng tới. Tóm lại, do những quan niệm khác nhau như vậy chính là  lý do mà các lớp Khí Công Hoàng Hạc vắng bóng giới trẻ.


Tuy nhiên, trong những ngày trước đây không phải là không có nhiều người tham dự. Nhưng tất cả mọi sinh hoạt mang tính xã hội đều có cùng số phận là có lúc đông, có lúc ít, có những lúc sinh hoạt khởi sắc, rầm rộ  nhưng cũng có những lúc như chìm ẩn.


-Vậy bác sỹ có nghĩ nên quảng bá rộng rãi để thu hút người tham dự qua những phương tiện truyền thông đại chúng không? Một sinh hoạt hữu ích như vầy cần phải cho nhiều người biết.


-Tôi nghĩ cũng không cần thiết. Cứ để từ từ. Sinh hoạt của Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc đã có mặt 15 năm rồi, và nó cũng đã xuất hiện trong sinh hoạt cộng đồng tại nhiều nơi khác nhau như San Jose, California; Houston, Texas; Tampa, Florida; cùng một số các quốc gia như Turku, Phần Lan; Melbourne và Sydney, Úc; Copenhagen, Đan Mạch.


      


-Bác sỹ có ý nhấn mạnh đến hai chữ “tùy duyên”?


-Tùy duyên nghe có vẻ triết lý và tâm linh quá, nói nôm na và thực tế là nếu ai “nghe” được tiếng gọi đàn của “hoàng hạc”, họ sẽ nhập đàn.


Tâm tình chia sẻ trên đã dẫn đến một kết luận rất tâm linh và cũng rất tâm lý. Thực vậy, sức thu hút và hấp dẫn của Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc là còn tùy vào sự chấp nhận và cái cơ may của từng người. Những người như bác sỹ Phạm Gia Cổn, bác sỹ Dương Đức Huyên, và những anh chị em trong Gia Đình Hoàng Hạc sẽ mang tâm sức mình trong việc gieo hạt giống Hoàng Hạc, còn hạt giống nào mọc lên, đơm hoa kết trái là tùy vào Thượng Đế. Đến phần người hưởng dùng những lao công ấy lại cũng tùy duyên. Nhưng:


“Duyên do Trời định. Phận do người tạo. Hạnh phúc do chính mình nắm bắt”


 


Và nếu bạn thấy mình có duyên với Hoàng Hạc thì đừng bỏ qua mà không nắm bắt. Hãy liên lạc với chúng tôi:


Qua Email: theduckhiconghoanghac@gmail.com


Hoặc


Trực tiếp gọi:


Tổng Thư Ký: Phạm Đàm: 714-397-2539


Thủ Quĩ: Phúc Giang: 714-625-9553


Ủy viên Ngoại Giao: 562-242-5876


________


 Nguồn tham khảo”


1. Từ Điển Văn Học Việt Nam, 2007


2. Từ Điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Hồng Đức