Vài suy niệm về đề án lịch sử: “Tượng đài Cổ thành Quảng Trị” ở California

13 Tháng Chín 20218:58 SA(Xem: 5445)

VĂN HÓA ONLINE – CỘNG ĐỒNG - THỨ TƯ 15 SEP 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Vài suy niệm về dự án lịch sử: “Tượng đài Cổ thành Quảng Trị” ở California

image004

Lý Kiến Trúc

Văn Hóa Online

15/9/2021 (bổ túc)


image005Mô hình Tượng đài Cổ thành Quảng Trị.

Mời vào xem:  https://quangtrimonument.com


Với tư cách là một cựu Sĩ quan QLVNCH, từng chỉ huy liên tục Đại đội Chiến tranh Chính trị tại Vùng II từ năm 1971 đến ngày 30/4/1975, cựu tù nhân chính trị trong các trại tù cộng sản, tôi cho rằng việc Ủy Ban Quản Trị Tượng Đài Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị do cựu Dân biểu Luật sư Trần Thái Văn sáng lập, dự án xây dựng “TƯỢNG ĐÀI CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ” ở California có các ý nghĩa như sau:


Thứ nhất: Tại thành phố Quảng Trị - Cổ thành Đinh Công Tráng mùa Hè năm 1972 đã diễn trận đại chiến đẫm máu và tàn bạo nhất trong lịch sử chiến tranh vệ quốc miền Nam Việt Nam.


Lực lượng tấn công của cộng sản gồm 3 sư đoàn bộ binh, 2 trung đoàn thiết giáp. Lúc đầu có khoảng 45.000 quân, 156 đại bác, khoảng 100 xe tăng-xe thiết giáp, toàn chiến dịch sau là 105.650 quân mang theo cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam, ác chiến từng giờ từng phút, từng mét đất với khoảng 120,000 quân gồm các binh chủng Nhẩy Dù, Thủy quân Lục chiến, Sư đoàn 1 và 3 Bộ binh, Liên đoàn 81 Biệt cách dù, Kỵ binh, Pháo binh, Công binh, Không quân, Địa phương quân và không hải quân Hoa Kỳ. 


Vào thời điểm hội nghị chấm dứt cuộc chiến Vietnam War đang diễn ra ở Paris, mục tiêu hàng đầu của Hà Nội là quyết chiếm lấy vị trí cổ thành Đinh Công Tráng và thành phố Quảng Trị để tạo áp lực quân sự và chính trị nghiêng về phe Hà Nội và MTGPMN đối với Washinton và Saigon trên bàn hội nghị bốn bên Paris 1972.


Ngày 01/5/1972, quân chủ lực thuộc Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 và Sư đoàn 320 hiệp đồng tiến công từ La Vang vào trung tâm thị xã, cắm lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam lên nóc dinh Tỉnh trưởng Quảng Trị.


Sau 81 ngày đêm tử chiến, (từ 28/6/1972 đến 16/9/1972), lính tráng tử trận của hai bên tăng lên con số khổng lồ. Số liệu thương vong của phe cộng sản được ghi nhận khoảng 36,000 thanh niên tài hoa bỏ mạng, về phía VNCH, tính chung tất cả các cấp quân binh chủng xấp xỉ trên 20 ngàn thanh niên tài hoa bỏ mạng, hàng vạn thương binh trở thành phế nhân của nền văn minh nhân loại và vô số thường dân chết oan. (1)


Cuối cùng, 8 giờ sáng ngày 16/9/1972, một tiểu đội quyết tử thuộc tiểu đoàn 6 Thủy quân Lục chiến đã cắm cờ Việt Nam Cộng Hòa trên cổng thành phía tây của Cổ thành Quảng Trị.


Thứ hai: Tại Hà Nội, nhà nước CSVN đã cho xây một bia đá nhỏ bằng xi măng, trên đó khắc những hàng chữ viết về cố Phi công Hải quân Thiếu tá McCain, 31 tuổi và chiến đấu cơ Skyhawk của ông, khi đi oanh tạc Hà Nội phi vụ lần thứ 23 thì bị hỏa tiễn Nga bắn rơi xuống hồ Trúc Bạch ngày 26-10-1967. Bia đá McCain được lập ra như để kể lể về một công trạng chiến tích, chứ không mang ý nghĩa ghi dấu về thảm họa chiến tranh. Vào tháng 5 năm 2014, nhân dịp đi quan sát thực tế ở quần đảo Trường Sa để viết những tiểu luận về tình hình chiến sự và chính trị đang diễn ra ở Biển Đông, tôi đã ra Hà Nội chứng kiến, chụp hình bia đá McCain - vào năm 1967, hỏa tiễn Sam vũ khí của Nga đã bắn rơi chiến đấu cơ Skyhawk và Phi công hải quân Thiếu tá McCain.


Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Austin khi đến Việt Nam làm việc hôm 29/7/2021, ông đã đến nhà tù Hỏa Lò Hà Nội (Hanoi Hilton), và đến viếng bia đá McCain ở hồ Trúc Bạch Hà Nội, ông bày tỏ cảm nghĩ trên Twitter như sau:Một trong những điểm dừng chân đầu tiên của tôi ở Việt Nam là nhà tù Hỏa Lò Hà Nội. Đó là một lời nhắc nhở về cái giá phải trả của chiến tranh”.


Thứ ba: Hôm nay, sau 46 năm miền Nam Việt Nam thất thủ, hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi lưu vong nơi xứ sở Hoa Kỳ, quê hương thứ hai của người Việt tỵ nạn cộng sản; một số người trong tập thể cộng đồng Việt Nam ở Quận Cam nam California đã có tâm nguyện xây dựng một “Tượng đài Cổ thành Quảng Trị” tại Little Saigon, nhưng có sự khác biệt của Hội đồng thành phố Westminster về địa điểm xây dựng, quyết định cuối cùng của Ủy Ban Quản Trị (Quảng Trị Foundation) là Tượng Đài sẽ được an vị ở Công viên Lịch sử ở thành phố San Jose. Thật ra, ý nghĩa cao cả của Tượng đài Cổ thành Quảng Trị, đó là một lời nhắc nhở về cái giá khủng khiếp của chiến tranh.


Việc xây dựng “TƯỢNG ĐÀI CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ” ở California - Hoa Kỳ, là một hành động không mang tính khiêu khích, không kích động sự hận thù, hay nuôi dưỡng lòng thù hận, hay âm mưu ác độc chia rẽ tình tự dân tộc; đó là bản chất sâu thẳm của lòng từ bi bác ái của người Việt Nam chỉ muốn nói lên sự khổ đau của chiến tranh, sự trừng phạt vô hình và hữu hình của Thượng Đế đối với lịch sử vô minh của một dân tộc oan nghiệt; đó là hành động trở về nhân bản của thế kỷ 21, tưởng niệm về một cuộc chiến tương tàn không hề muốn, nó hoàn toàn khác biệt với những kẻ cố tình gây chiến phục vụ cho âm mưu đen tối, chít lên đầu nhân dân cả nước vành trắng khăn tang.


Ngày 18/9/2021 tới đây, tại khuôn viên trường Trung Học La Quinta số 10372 đường Mc Fadden, Tp Westminster, Little Saigon có một buổi lễ giới thiệu cùng đồng hương “TƯỢNG ĐÀI CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ” từ 11giờ sáng đến 5 giờ cùng ngày.


“TƯỢNG ĐÀI CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ” sẽ được an vị trong Công viên Lịch sử (History Park), khu Viện Bảo tàng Việt Nam thành phố San Jose bắc California, Tượng đài sẽ là một trong các di tích quan trọng trong chiến tranh Việt Nam, và là nơi thu hút cựu chiến binh Việt – Mỹ đến tưởng niệm hàng vạn đồng đội đã nằm xuống cho Tự Do ở chiến trường Quảng Trị.


Lý Kiến Trúc

15/9/2021 (bổ túc)

California


Chú thích:


(1) Nếu quí vị nào có con số thương vong hai bên dựa trên tài liệu cập nhật chính xác, xin vui lòng gởi về: Email: lykientrucvh@gmail.com


(2) Về con số 81, và niên lịch các cuộc hành quân lớn


Ngày 14/4/1970, đây là lần thứ nhất Quân lực VNCH hành quân ngoài lãnh thổ đánh qua biên giới Cam Bốt do Trung tướng Đỗ Cao Trí tổng chỉ huy thắng lợi.

Ngày 08/2/1971, đây là lần thứ hai Quân lực VNCH hành quân ngoài lãnh thổ, mở màn Chiến dịch Lam Sơn 719 tấn công các căn cứ của Bắc Việt trên đất Lào. Kế hoặch hành quân Lam Sơn 719 chuẩn bị từ 31/1/1971, bắt đầu vào ngày 08/2/1971 chấm dứt ngày 24/3/1971 (46 ngày đêm).

Mục đích của Lam Sơn 719 là cắt đứt đầu nguồn đường mòn Hồ Chí Minh, phá hủy các tổng kho hậu cần của Bắc Việt ở Tchepone. Chiến dịch kết thúc với việc TT Thiệu cách chức Trung tướng Tư lệnh Vùng I Hoàng Xuân Lãm, tổng chỉ huy Lam Sơn 719 thất bại.

Ngày 28/6/1972, tận dụng “thắng lợi” ở mặt trận Hạ Lào, với vũ khí và sinh lực bộ đội vẫn còn dồi dào, một năm 3 tháng sau, Hà Nội xua quân tràn qua vĩ tuyến 17 tấn công Quảng Trị.

Về con số 81 ngày đêm tử thủ Cổ thành Quảng Trị (từ 28/6/1972 – 16/9/1972), con số này có nhiều ý nghĩa thời sự như sau:


  • Chỉ trước một ngày quân đội VNCH cắm cờ trên nóc cổ thành Đinh Công Tráng, đêm 15/9/1972, toàn bộ bộ đội cộng sản đã rút quân tử thủ ở cổ thành và trong thị xã về vĩ tuyến 17 (bờ bắc và nam sông Thạch Hãn). Theo báo Tuổi Trẻ số ra ngày 26/7/1998 ghi lại theo lời kể của một cựu chiến binh (một trong chưa đến chục người sống sót của trung đoàn 27) qua bài ký nói về Trung đoàn Triệu Hải (Trung đoàn 27 Mặt trận B5), với hơn 1.500 quân cố thủ trong Cổ Thành đã bị thương vong gần như toàn bộ tại trận địa, chỉ còn chưa đến 1 tiểu đội thoát ra ngoài vào đêm 15/9/1972.
  • Chiến thuật “Hiệu ứng thất thủ ngắn ngày” đã được Bộ chính trị đảng cộng sản tận dụng triệt để. “Hiệu ứng thất thủ ngắn ngày” là một chiến thuật quân sự chiếm đóng trận địa nhưng không có ý định chiếm giữ lâu dài mà chỉ phục vụ cho việc mặc cả chính trị trên bàn hội nghị Paris. Đặc điểm tàn bạo của chiến thuật này dù phải “nhất tướng công thành vạn cốt khô” cũng phải giữ cho bằng được trận địa cho đến khi có lệnh lui binh.
  • Tướng chính trị đứng đầu phe Bắc Việt ở Paris là Lê Đức Thọ. Tướng quân sự chỉ huy mặt trận Quảng Trị là Văn Tiến Dũng, Lê Trọng Tấn và Hoàng Đan. Tướng Tổng tư lệnh ở Hà Nội là Võ Nguyên Giáp. Khi đoàn quân Bắc Việt và MTGPMN bị tổn thất nặng nề ở Quảng Trị, nhiều tư lệnh chiến trường đã muốn rút quân để bảo tồn sinh lực, nhưng Lê Đức Thọ ở Paris đã hạ lệnh không những phải tử thủ mà còn cho tung vào chiến trường hai sư đoàn dự trữ là Sư đoàn 308, Sư đoàn 312.
  • Mục đích của Lê Đức Thọ tận dụng tối đa sinh lực máu của bội đội ở mặt trận Quảng Trị rằng, dù phải trực tiếp đối đầu với hỏa lực khủng khiếp của không-pháo hải quân Mỹ yểm trợ tối đa cho Quân lực VNCH, Bắc Việt vẫn phải chiếm giữ cho được một tỉnh để gây tiếng vang lớn về chính trị. Đối với Thọ, chiếm được Cổ thành Đinh Công Tráng là coi như chiếm được thành phố Quảng Trị; hơn nữa, quân Giải phóng miền Nam đã tràn ngập thị xã và cắm cờ Mặt trận trên nóc dinh tòa Tỉnh trưởng Quảng Trị.
  • Chiến thuật “Hiệu ứng thất thủ ngắn ngày” của phe Bắc Việt phục vụ cho chính trị Paris kể như thành công. Thọ làm cứng lên gân với Mỹ trong việc lên xuống oanh tạc Hà Nội và eo sách các chi tiết hòa đàm. (Sau này Bắc Việt áp dụng chiến thuật hiệu ứng thất thủ ngắn ngày ở mặt trận Phước Long và Ban Mê Thuột, nhưng rất tiếc Tổng thống Thiệu bỏ mặc Phước Long, Hoàng Sa và Ban Mê Thuột không tái chiếm. Vì không tái chiếm nên từ chiến thuật hiệu ứng thất thủ ngắn ngày cộng sản biến thành hiệu ứng thất thủ vĩnh viễn – sẽ nói thếm ở phần dưới).
  • Ở mặt trận Quảng Trị, Lê Đức Thọ đã lầm khi đánh giá khả năng chiến đấu của Quân lực VNCH. Quân đội Mỹ không trực tiếp tham chiến bằng bộ binh ở Quảng Trị, trận liệt thuộc về các binh chủng trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Các vị chỉ huy và binh sĩ VNCH đứng vững, bám trụ chiến địa, giành nhau từng tấc đất. Dưới sự chỉ huy của tướng Ngô Quang Trưởng, đoàn quân chiến đấu kiên cường và có thể chiến thắng Quân đội Bắc Việt dù tổn thất rất nặng.
  • Sau này, cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, Hà Nội hết lời ngợi ca Bắc quân ở chiến trường Quảng Trị, nhưng chiến địa Cổ thành Quảng Trị là Khúc quân ca bất tử của Quân lực VNCH. Những anh hùng hai bên đều chảy máu ướt đẫm mảnh đất nghèo khổ quê hương. Cái giá phải trả cho Quảng Trị, ước tính về số thương vong của Bắc quân và Nam quân cộng chung lại có thể lên tới 60 ngàn binh sĩ. (1)
  • Quân sự và Chính trị tương quan với nhau. Xin nhắc lại, ngày 14/5/1969, Hòa đàm Paris chính thức bắt đầu. Một trong các giải pháp phía Mỹ đưa ra là sẽ có cuộc triệt thoái song phương (Bộ đội CS Bắc Việt và quân đội Mỹ), hai bên cùng rút một lúc khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt Vietnam War.
  • Bên lề Hội đàm Paris, Lê Đức Thọ đã mật ước với Henry Kissinger để hai bên thỏa thuận các điều khoản giữa Mỹ-Bắc Việt về việc ngưng bắn, thả tù binh, thời hạn rút quân và các chi tiết hiệp thương khác. (Thêm: Một chi tiết về tù binh Mỹ ờ nhà tù Hỏa Lò Hà Nội đã được Hà Nội sử dụng quân bài 335 tù nhân Mỹ để làm eo sách với Mỹ. Hà Nội nắm rõ tỏng tòng tong Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Richard Nixon và cố vấn Henry Kissinger đang chuẩn bị chơi canh bạc lá phiếu cử tri của dân Mỹ trong chiến dịch tái tranh cử, đồng thời thỏa mãn áp lực của dân Mỹ đòi Bắc Việt phải thả tù nhân chiến tranh theo Công ước tù binh Geneve mới bỏ phiếu tái tranh cử cho Nixon).
  • Ngày 14-8-1972, Paris tiếp tục diễn ra các cuộc tiếp xúc bí mật giữa Lê Đức Thọ và Henry Kissinger.
  • ·         Ngày 15-9-1972, Bắc Việt đưa ra đề nghị thời gian ấn định rút quân, trao trả tù binh và tổng tuyển cử, nội dung chi tiết hóa thành phần nhân sự và nguyên tắc thành lập “chính phủ hòa hợp dân tộc miền Nam Việt Nam”, Mỹ Ok.
  • Đêm 15/9/1972, Bắc Việt rút toàn bộ bộ đội ra khỏi Quảng Trị.
  • Sáng 16/9/1972 quân đội VNCH cắm cờ Vàng Ba Sọc Đỏ trên nóc cổ thành.
  • Ngày 18/12/1972, tức là sau trận Quảng Trị 3 tháng, Thọ vẫn nhỏ giọt trong việc thả tù binh và câu giờ các điều khoản đàm phán ký kết hiệp định tái lập hòa bình, Nixon tức giận ra lệnh mở màn “Chiến dịch Linebacker II”. 200 B-52 liên tục oanh tạc nội thành và ngoại thành Hà Nội từ 18/12 đến 29/12/2072 (12 ngày đêm). Lê Đức Thọ phải ngồi vào đàm phán trước sức mạnh quân sự của Mỹ trong thời điểm Nixon đang trên đà thắng áp đảo đối thủ ứng cử viên đảng Dân chủ George McGovern.
  • Ngày 19/1/1973, mật đàm Thọ-Kissinger kết thúc, bốn bên ký kết Hội nghị Paris. Quân đội Mỹ rút hết trong còng 60 ngày, trả hết tù binh Hỏa Lò. Một điều khoản vô cùng quan trọng mà Hà Nội đạt được là Bộ đội chủ lực Bắc Việt tiếp tục ở lại miền Nam. Nixon “hân hoan” rút quân trong danh dự - giã từ Vietnam War, nhưng thắng lợi quan trọng nhất đã nghiêng về phía Lê Đức Thọ. Khoảng 200 ngàn quân chính quy bám trụ ở miền Nam và đường mòn Hồ Chí Minh hoàn toàn ngưng việc không quân Mỹ đánh phá.
  • TT Thiệu trắng tay ở Paris. Thật sự, trong tâm tư TT Thiệu ông thừa biết, Hòa đàm Paris đã dồn ông và Saigon tới đường cùng. Hà Nội “bóng bẩy” giúp Nixon toại nguyện lòng dân Mỹ - các chú GI không phải tiếp tục phơi xác ở Vietnam War, tù binh Hỏa Lò về nhà, máu đôla ngưng chảy vào một chiến trường thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, Nixon và bộ tham mưu Washington mở ra một kỷ nguyên mới vào thị trường lục địa khổng lồ tỷ dân Trung Nam Hải, hào quang tái tranh cử thắng lợi trong lòng bàn tay.
  • Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn “nhân đạo” sắp xếp bàn hội nghị bốn bên (Washington phải trái với Hà Nội, Saigon phải trái với MTDTGPMN), mở ngỏ con đường “dân tộc tự quyết” cho Sàigon thách đố với MTDTGPMN để tiến tới việc bầu cử tự do thành lập chính phủ đại đoàn kết dân tộc giữa chính phủ Nguyễn Văn Thiệu Saigon và chính phủ Nguyễn Hữu Thọ-Huỳnh Tấn Phát, nhưng TT Thiệu cương quyết lập trường 4 không, ông tin tưởng “tuyệt đối” vào các lá thư cam kết bí mật của TT Nixon và nguồn viện trợ quân lương vũ khí, không tiếp xúc với  MTDTGPMN mà chỉ coi đó là công cụ chính trị của Hà Nội, đến nỗi Henry Kissinger phải rủa lên “Why Don’t These People Die Fast?” (Sao chúng không chết phứt đi cho rồi); ai dè tai nạn lịch sử xẩy ra, “quái vật watergate” bắt đầu lộ diện và hậu quả của nó khiến cả Nixon lẫn Kissinger lẫn ông Thiệu “đi đoong”.
  • Ngày 07/2/1973, Thượng viện Hoa Kỳ bỏ phiếu 100% chấp thuận việc thành lập Ủy ban Watergate (Senate Watergate Committee), đặc trách điều tra vụ việc mờ ám tranh cử của Nixon.
  • Ngày 29/3/1973, Mỹ gọi ngày này là ngày “X plus 60” (X cộng 60) có nghĩa là ngày thứ 60 kể từ khi đình chiến, đó là hạn chót theo Hiệp định Paris để Mỹ rút hết quân ra khỏi Việt Nam. Tất cả tù binh Mỹ Hỏa Lò về nhà đoàn tụ gia đình. Tù binh VNCH bị bắt trong các mặt trận Hạ Lào và Quảng Trị vẫn “an tâm” trong các trại tù miền Bắc. Quốc hội Mỹ cắt dần nguồn viện trợ cho Saigon từ 1 tỷ xuống còn 300 triệu.
  • Ngày 19/1/1974, trận Hoàng Sa diễn ra giữa Hải quân VNCH và Hải quân Trung cộng. Hoàng Sa thất thủ. Ông Thiệu không tái chiếm.
  • Ngày 08/8/1974, Tổng thống Richard Nixon từ chức. Phó Tổng thống Gerald R. Ford lên thay. Thời cơ vàng tới với Bắc Việt.
  • Ngày 06/1/1975, tỉnh Phước Long thất thủ. Ông Thiệu không tái chiếm. Nhiều luồng đánh giá cho rằng trận Phước Long có ý nghĩa như một trận đánh trinh sát chiến lược, thử sức đối với hai bên, cũng như thăm dò phản ứng của của Hoa Kỳ. Những lá thư mật của TT Nixon gởi riêng cho TT Thiệu vô tác dụng. Màu xám của chiến thuật Hiệu ứng thất thủ ngắn ngày báo hiệu màu đỏ của Hiệu ứng thất thủ dài ngày sắp đến.
  • Ngày 10/3/1975, Ban Mê Thuột thất thủ. Ông Thiệu không tái chiếm. Cao nguyên Trung phần bị bỏ rơi. Pleiku, Kontum, Ban Mê Thuột, Quảng Đức chạy. Mặc lính lính chạy, mặc dân dân chạy. Các cuộc di tản khổng lồ bi thảm của dân quân Vùng 2 và kéo theo Vùng 1 bắt đầu.
  • Ngày 4 tháng 4 năm 1975, TT Thiệu ra lệnh lập phòng tuyến Phan Rang. Bộ Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 3 được thành lập tại căn cứ Không quân Phan Rang do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi làm tư lệnh.
  • (Thêm câu chuyện cay đắng cho vui: bản thân tác giả khi di tản chiến thuật từ Quảng Đức qua Lâm Đồng, qua Đà Lạt, về tới Phan Rang đã vào Bộ tư lệnh Phan Rang ở phi trường Phan Rang trình diện nhưng không biết trình diện cấp trên nào (quân số của tác giả thuộc tổng cục CTCT); lúc đó bản thân cũng chỉ là sĩ quan cấp nhỏ (Trung úy) nhưng đã nhận ra cái lô cốt (bunker) tổng chỉ huy của tướng Nghi hoàn toàn trống trải ở phi trường, nếu trận địa pháo của quân Bắc Việt nổ ra, Bộ chỉ huy của tướng Nghi và bản thân tướng Nghi cũng chỉ làm mồi ngon cho pháo lửa mà thôi. Trong toàn cảnh hỗn loạn của miền Trung và Cao nguyên Trung phần lúc bấy giờ, Phan Rang chỉ là cứ điểm giả của TT Thiệu lập ra để cố giữ miền đất còn lại, cứ điểm thật để phòng ngự và giữ đất cho VNCH tồn tại chính là Vùng 4, nhưng Dinh Độc Lập hầu như không bàn tới. (Điện đàm riêng giữa TT Thiệu và Tướng tư lệnh vùng 4 Nguyễn Khoa Nam vẫn còn chôn kín bí mật. Khoảng nửa đêm 30/4 rạng ngày 01/5/ 1975, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam dùng súng tự sát không tuân lệnh đầu hàng). Bản thân tác giả chạy ra chiếc trực thăng đậu ở phi trường Phan Rang xin tí săng mồi vào hộp quẹt Zippo, ý là định xin quá giang “chuồn” về Saigon nhưng không được Ok, lại chạy ra bến cá Phan Thiết may gặp chiến hữu có ghe đánh cá cho quá giang ô đi ghe về Vũng Tàu, về đến Saigon ngơ ngác trong cơn hoảng loạn). 
  • Ngày 24/4/1975, TT Thiệu lên đài THVN9 Saigon tố khổ Mỹ, bàn giao chính phủ rối như tơ vò cho cụ Trần Văn Hương.
  • Ngày 30/4/1975, Dương Văn Minh ra lệnh Quân lực VNCH buông súng. Sàigon thất thủ. Trước đó vài ngày, nguyên Tổng thống “chuồn” mất, nguyên Phó tổng thống, nguyên tướng Thủ tướng, nguyên tướng Tổng Tham mưu trưởng … cũng “chuồn” mất, cụ kẻ sĩ Trần Văn Hương ở lại. Màu xám Hiệu ứng thất thủ ngắn ngày đã biến thành màu đỏ Hiệu ứng thất thủ dài ngày liên tục cho đến ngày nay. (lkt)

THƯ MỜI


image007image009Viện Bảo tàng Lịch sử tại San Jose.


+++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


image011Ngày 29/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd James Austin lần đầu đến Việt Nam được mời đến thăm bia đá McCain ở Hà Nội. Bia ghi dấu ngày chiến đấu cơ Skyhawk do phi công Thiếu tá Hải quân McCain lái oanh tạc Hà Nội đã bị hỏa tiễn Nga bắn rơi xuống hồ Trúc Bạch năm 1967. Tấm bia bề ngang rộng khoảng hơn hai mét khắc những hàng chữ bên trái. Năm Thiếu tá MaCain bị bắn rơi xuống hồ Trúc Bạch (1967) thì Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng James Austin mới có 14 tuổi. Nguồn ảnh Reuters.


image013Bà Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris ôm bó hoa đứng một mình, đang đọc những dòng chữ khắc trên bia xi măng viết về cố Phi công hải quân Thiếu tá McCain bị bắn rơi xuống hồ Trúc Bạch Hà Nội ngày 26-10-1967. Trong lần ném bom xuống thành phố Hà Nội, chiến đấu cơ Skyhawk của Thiếu tá John McCain bị bắn rơi, ông bị thương, bị bắt sau khi bung dù rơi xuống hồ Trúc Bạch, ông trở thành tù binh nhốt ở Hỏa Lò (Hanoi Hilton) hơn 5 năm; Thiếu tá McCain được trả tự do vào tháng 5-1973 sau khi Hiệp định Paris bốn bên ký kết ngày 27/1/1973. Cố Thượng nghị sĩ McCain từng yêu cầu phía Việt Nam điều chỉnh dòng chữ nói ông là phi công của Không Quân Mỹ trong khi ông là phi công của Hải Quân.  Ảnh Reuters.


image015Bia đá McCain trên đường đi bộ bên cạnh hồ Trúc Bạch; góc phải trên là chân dung Thượng nghị Sĩ McCain. Ảnh tài liệu của Lý Kiến Trúc chụp tại Hà Nội ngày 10/5/2014.


image017Bộ đội cộng sản Bắc Việt và quân Mặt trận DTGPMN tấn công Cổ thành Quảng Trị. Ảnh tài liệu trên Net rất tiếc không ghi tên phóng viên chiến trường chụp.


image019Một tiểu đội Thủy quân Lục chiến cắm cờ VNCH trên nóc Cổ thành Quảng Trị. Rất tiếc và vô cùng thiếu sót, bức ảnh lịch sử này không ghi tên phóng viên nhiếp ảnh chiến trường đã chụp vào giờ khắc sinh tử vào sáng ngày 16/9/2021.


image021Các binh sĩ thuộc Sư đoàn Bộ binh, Thủy quân Lục chiến và Nhẩy dù trao đổi tình hình chiến sự với nhau ở mặt trận Quảng Trị. Nguồn: Lê Quang Lưỡng.


image023Quân lực VNCH tiến vào thành phố đổ nát hoang tàn dưới mưa bom và pháo. Chưa thấy có tài liệu chính xác nào kiểm kê được con số thường dân chết trong trận chiến Quảng Trị năm 1972.


image025Nụ cười của lính trẻ Giải phóng miền Nam bên cổ thành đổ nát Quảng Trị. Ảnh Đoàn Công Tính


image026Nụ cười hồn nhiên và cái bắt tay lịch sử oan khiên của những người lính trẻ.


image028Chúng ta là Lính. Lính nào cũng là Lính. Lính từ Dân mà ra. Lính và Dân như cá với nước.


image030Vietnam Peace Agreement