Võ Đại Tôn: Tiếng Chim Bên Dòng Thác Champy

20 Tháng Tư 20218:37 SA(Xem: 9173)

VĂN HÓA ONLINE – CỘNG ĐỒNG - THỨ BA 20 APRIL 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Giới thiệu thi phẩm

Tiếng Chim Bên Dòng Thác Champy


Tác giả: Hoàng-Phong-Linh Võ-Đại-Tôn

Giới thiệu: Điệp Mỹ Linh

image022

L.T.S.- Tập thơ Tiếng Chim Bên Dòng Thác Champy của Hoàng-Phong-Linh Võ-Đại-Tôn được ra mắt tại Houston, năm 1992, sau khi Ông mãn tù cộng sản Việt Nam. Điệp-Mỹ-Linh xin trân trọng giới thiệu tác phẩm này.


*


Kính thưa quý vị, thời gian gần đây, nhiều ngòi bút trong tập thể người Việt tỵ nạn đã tốn hao không biết bao nhiêu giấy mựt để viết, ca ngợi và đánh bóng hai nhân vật của “phía bên kia”. Hai nhân vật đó là Bùi-Tín và Dương-Thu-Hương. Tôi sẽ không phê phán bất cứ điều gì về Bùi-Tín và Dương-Thu-Hương; tôi chỉ xin thưa với quý vị rằng những ngòi bút thuộc “phía bên này” đã thực hiện rõ nét câu “Bụt nhà không thiêng”.


Thật vậy, trong cộng đồng người Việt Quốc-Gia, biết bao nhiêu người đã thật sự dấn thân cho đại cuộc, tại sao không ai nói đến mà chỉ tìm cách bôi bẩn? Trong tập thể cựu quân nhân mới sang Mỹ theo diện H.O. đã có biết bao nhiêu người quyết tâm ở lại với mục đích làm được chút gì cho quê hương. Thế nhưng, khi những người có chí dũng ấy mãn tù và đến đây, tập thể người Việt Quốc-Gia có dành cho họ chút ưu ái nào không?


Giữa lúc tôi cứ buồn buồn và bị ray rứt về phản ứng của một số người Việt tị nạn đối với Bùi-Tín, Dương-Thu-Hương và quý vị H.O. thì tin ông Võ-Đại-Tôn mãn tù và được đồng bào Việt tại Úc–Đại-Lợi tưng bừng tiếp đón được tung ra. Cùng chia xẻ niềm vui với mọi người, tôi tự mãn: Ít ra “phe mình” cũng có một người được đón tiếp một cách trịnh trọng và nồng nhiệt như vậy.


Sự đón tiếp nồng nhiệt của tập thể người Việt tị nạn dành cho ông Võ-Đại-Tôn đã nói lên tất cả lòng thương yêu, sự quý trọng của họ đối với một người đã thật sự làm chấn động dư luận thế giới trong cuộc họp báo được trực tiếp truyền hình và truyền thanh ngày 13-07-1982 tại Hà-Nội.


Xuất xứ, ông Võ-Đại-Tôn là một sĩ-quan Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa và cũng là một cá nhân trong tập thể tỵ nạn chúng ta. Nhưng từ sau cuộc họp báo lịch sử đó, danh từ riêng Võ-Đại-Tôn đã vượt ra ngoài mọi sự bình luận, mọi sự phê phán, mọi sự cân nhắc. Danh từ riêng Võ-Đại-Tôn đã vượt lên tất cả để tiêu biểu một cách xứng đáng cho tinh thần bất khuất, ý chí dũng cảm của Người Lính Việt-Nam Cộng-Hòa và của người Việt Nam trước kẻ thù chung của Dân tộc: cộng sản.


**


Đây không phải là lần đầu tiên tôi nói đến ông Võ-Đại-Tôn. Trong một lần phát biểu cảm tưởng nhân kỷ niệm ngày Quân-Lực, năm 1986, tôi đã nói: “...Hình ảnh người Lính Việt-Nam Cộng-Hòa sẽ không còn được nhắc nhỡ nhiều nếu không có một Võ-Đại-Tôn làm chấn động dư luận thế giới vì tấm lòng tha thiết với non sông...” 


Bây giờ, sáu năm sau, nơi đây, tôi không đủ ngôn từ để nói đến cái Dũng và Trí của ông Võ-Đại-Tôn – mà tôi chỉ xin phép được nói đến tâm hồn lãng mạn, rất nghệ sĩ của nhà thơ Hoàng-Phong-Linh Võ-Đại-Tôn.


Từ lâu, cả thế giới và tập thể tị nạn chúng ta nhìn ông Võ-Đại-Tôn dưới hình ảnh một chiến sĩ đầy quả cảm. Sau khi ông Võ-Đại-Tôn ra tù, chúng ta mới ngạc nhiên khi được biết rằng: Từ chốn tận cùng của khổ nhục, từ những rung động thầm kín, từ những khắc khoải thâu đêm, hồn của dũng sĩ đã sáng tạo những vần thơ ướt lệ không thua gì một nhà thơ đã thành danh. Đúng như Novalis đã nói: “Poetry heals the wounds inflicted by reason”.


Tâm hồn thi sĩ ẩn núp bên trong người võ biền Võ-Đại-Tôn: - nhà thơ Hoàng-Phong-Linh.


Thi phẩm Tiếng Chim Bên Dòng Thác Champy do nhà xuất bản Bất-Khuất ấn hành, dày 119 trang, gồm 34 bài, viết theo đủ thể loại.


Mở đầu, Hoàng-Phong-Linh trang trọng tưởng niệm phục quốc quân Vũ-Hoài. Trang Thay Lời Tựa, tác giả Hoàng-Phong-Linh gửi gấm: “... Xin mời các bạn đi vào thơ tôi với chút niềm cảm thông suy lắng, chút ngậm ngùi bâng khuâng. Xin đừng phủ phàng đạp mạnh – trời Thơ động vỡ hồn tôi.”


Lời nhắn gửi của Hoàng-Phong-Linh rất khiêm nhường.


Để dành những giây phút thích thú cho quý vị khi quý vị đọc và thưởng thức tập thơ, nơi đây tôi không làm công việc phân tích – mà tôi chỉ xin trình bày một cách khái lượt để quý vị có một khái niệm tổng quát về toàn thể tập thơ.


Bài thơ đầu tiên, Tiếng Chim Bên Dòng Thác Champy, được tác giả chọn làm tựa đề cho thi tập. Ngay những dòng đầu, tác giả đã vẽ ra một cuộc chia ly vĩnh viễn đầy tức tưởi:

Em cứ nằm yên đấy,
Bên dòng thác Champy
Con đường chúng ta đi,
Đã vô cùng gian khổ.
Dăm mảnh đá xanh rêu thành nấm mộ,
Anh đắp lên cùng với cả tình anh.
Em đã đi qua bao thác bao ghềnh.
Đường về quê nay trở thành tử lộ....


Đọc những dòng này, nếu không thấy những dòng tác giả đề tặng cố phục quốc quân Vũ-Hoài, độc giả cũng vẫn cảm nhận được nỗi đau của một người khi thấy chiến hữu của mình gục ngã. Nỗi đau ấy dẫm nát hồn người ở lại. Từ nỗi đau thương quằn quại đó, tâm hồn nghệ sĩ trong người võ biền Võ-Đại-Tôn vươn lên để thi vị hóa một cảnh đời nghiệt ngã:


Rồi từ đấy – trong rừng vắng từng đêm
Hay mỗi sáng sương mờ ôm đỉnh núi,
Trên cành vắt mình qua khe suối
Con chim buồn đứng hót tiếng cô đơn!


Câu “Con chim buồn đứng hót tiếng cô đơn” là tiếng than thầm gửi người vừa nằm xuống, và đồng thời cũng là lời tự hứa của tác giả đối với chiến hữu bạc mệnh, để tiếp nối đoạn đường gian khổ, với mục đích thực hiện hoài bảo giải phóng quê hương khỏi ách bạo tàn của csVN. Nhưng oái ăm thay:


Đường quê hương, anh ngã ngựa không ngờ,
Trong phút chốc trở thành tên chiến bại.
Em là chim trên ghềnh xa hót mãi.
Anh là chim trong bốn vách tù cao....


Tiểu sử của nhà thơ Hoàng-Phong-Linh in đậm nét ở giai đoạn này. Trên thi đàn Việt-Nam không phải chỉ có một Hoàng-Phong-Linh vừa là chiến sĩ, vừa là thi sĩ; cũng không phải chỉ có Hoàng-Phong-Linh mới sáng tác thơ trong tù. Nhưng quả thật, trong những nhà thơ Việt-Nam chỉ có một nhà thơ Hoàng-Phong-Linh mới rời cuộc sống đầy đủ, lìa bỏ điều kiện tự do sáng tác tại hải ngoại để trở về dành lại vùng trời xưa yêu dấu.


Khi thất bại Hoàng-Phong-Linh cũng không hề nao núng, vẫn là “chim trong bốn vách tù cao.” Câu này biểu lộ sự cao ngạo/ngang tàng của một chiến sĩ và thể hiện rõ rệt cái “ngông” rất dễ thương của một nghệ sĩ. Và câu thơ này cũng khiến tôi nhớ đến câu nói của William Ernest Henley: “My head is bloody but unbowed”.


Suốt tập thơ hơn 30 bài, độc giả sẽ bắt gặp rất nhiều câu hùng tráng. Nhưng, tôi chỉ xin đi vào thế giới tình cảm/thế giới lãng mạn của một chiến sĩ mà thôi. Với mục đích đó, những vần thơ sau đây:


“Ánh trăng soi vằng vặc.
Dòng tơ trời lung linh,
Xuyên qua song cửa sắt,
Vào thăm ta tự tình...”


Tuy không thấy tác giả dùng từ ngữ “cô đơn” hay “buồn”, nhưng hình ảnh vầng trăng biểu tượng cho sự cô lẻ, đơn độc và song cửa sắt biểu hiệu cho chốn lao tù, khiến người đọc thấm thía được nổi quạnh quẽ của người tù biệt giam. Rồi:


“...Trăng nhìn ta hiu hắt.
Ta nhìn trăng tái tê.
Trong gió mùa đông bắc,
Kẻng thù nghe lê thê…”


Khi người tù mở rộng tâm tư để đón nhận ân sủng của thiên nhiên thì tiếng kẻng nhà tù vang lên, đưa người tù trở về thực tại. Trong cõi quạnh hiu này, âm vang của tiếng kẻng nghe đồng vọng xa xôi khiến người tù não nùng khi nghĩ đến chuỗi ngày dài vô vọng sắp tới của mình!


Nhà tù có thể giam giữ thân xác, nhưng không thể kềm giữ được tâm hồn và sự suy nghĩ của bất cứ một ai cả. Bởi vậy, tâm hồn của nhà thơ Hoàng-Phong-Linh mới vượt khỏi, vút cao, tìm về dĩ vãng êm mơ với những dòng mật ngọt trong bài Paris, Em:


“Giọt lệ buồn bên tháp Eiffel
Trời mù sương hay nước mắt em,
Nhỏ xuống hồn ta thành mộng mị.
Sầu thương tím ngắt một dòng Seine...”


Ở những dòng thơ này chúng ta bắt gặp nỗi nhớ mênh mông của thi sĩ hướng về buổi chia xa nào đó mà lòng thi nhân không thể nào quên lãng được. Vì không quên được, thi sĩ đành nhắn nhủ người xưa:


“...Ta vẫn tìm em qua dáng mộng.
Thuyền xưa về lại bến tình sông.
Hãy giữ cho ta dòng lệ ấm,
Cho dù trời lạnh mấy mùa đông!”


Có ai nghĩ đến người xưa mà lòng không chĩu nặng u hoài? Hoàng-Phong-Linh cũng vậy. Nhưng khi đang đắm hồn trong niềm thương, nỗi nhớ, bất chợt nhận ra thực trạng của mình, ông tự thán:


“... Xin tạ từ màu mắt của em xanh,
Trong hồn ta trái mộng đã rơi cành...”


Hoặc:


“Trắng tay thua một cuộc cờ,
May ta còn lại nàng thơ trong tù!”


Mặc dù đã có nàng thơ bầu bạn, Hoàng-Phong-Linh cũng vẫn không thể nguôi sầu; vì Hoàng-Phong-Linh là phần hồn của một dũng sĩ. Mà, một dũng sĩ có nguôi sầu được không khi quê hương còn lầm than, bạn hữu còn khổ nhục trong vòng lao lý và đồng bào còn đang quằn quại dưới sự thống trị khắc nghiệt của csVN? Vì vậy, đôi khi dũng sĩ Hoàng Phong Linh cũng phải thở dài:


“Đêm nghe vẳng tiếng còi tàu
Xuôi Nam hay ngược hướng nào, về đâu?
Xin ngừng cho nhắn đôi câu,
Nếu toa còn trống, chở sầu dùm ta!”


Sau những lúc yếu đuối vì tình cảm bị chi phối, Hoàng-Phong-Linh lại trở về với bản tính ngang tàng đầy khí phách của một người hùng:


“Ban ngày dù cá chậu
Ban đêm vẫn đại bàng.
Giữa buồng giam tôi cất tiếng cười vang!”


Từ thái độ trầm tĩnh và lời xác quyết dứt khóat trong lần họp báo quốt tế do csVN tổ chức – ngày 13-07-1982 – cho đến thái độ cao ngạo lúc sống trong tù của ông Võ-Đại-Tôn, chúng ta thấy rằng ông là một người trước sau như một: Lúc nào cũng sống hiên ngang và chấp nhận hoàn cảnh để mưu đồ việc lớn. Đó là nhân sinh quan của kẻ sĩ.


Trong bài Lời Viết Cho Con, nhà thơ cũng truyền đạt đến người con trai duy nhất của ông tinh thần dũng cảm của một kẻ sĩ:


“...Chí kình ngư trong bốn bể mênh mông,
Không thể sống cùng sông ngòi phẳng lặng.
Cánh đại bàng vỗ tung trời hoa nắng,
Không chập chờn cùng chim sẻ quanh sân…”


Trong một môi trường mà ai cũng nặng lòng mong cho con giật được mảnh bằng đại học, có việc làm tốt, lương cao, nhà lớn, xe hơi đắt tiền, v.v… thì những lời thơ của ông Võ-Đại-Tôn Hoàng-Phong-Linh viết cho con trai có bị xem là lập dị hay không?


Thưa không! Đó là tinh thần của kẻ sĩ Đông-Phương mà nền giáo dục Hoa-Kỳ chưa bao giờ đưa vào học đường.


Dù là một người có chí lớn, đầy nghị lực để chấp nhận gian khổ, nhục nhằn, đôi khi ông Võ-Đại-Tôn Hoàng-Phong-Linh cũng mềm yếu, thấy mình bất lực trước nỗi điêu linh của dân tộc. Những lúc ấy tác giả phải nương vào sự huyền nhiệm của đấng thiêng liêng để tâm hồn được lắng đọng:


“…Và đêm nay
Trong âm thầm ngục tối
Con lạc loài như một ánh sao sa!
Lạy Mẹ Maria,
Hồn con dâng tiếng khóc,
Quê hương con là ngục tù tang tóc,
Bao năm rồi dòng máu chảy trong đêm.
Đường Thánh-Giá sao cứ mãi dài thêm,
Đời khổ nhục, đá cũng tan thành lệ!...”


Bằng những lời thơ bình dị, không làm dáng và ý thơ đậm đà cùng lối gieo vần nhẹ nhàng, nhà thơ Hoàng-Phong-Linh đã trải rộng nỗi lòng của ông với Quê Hương, với đồng đội, với bằng hữu. Ông cũng dành cho vợ trái tim nồng ấm và truyền cho con ý chí bất khuất. Và trên tất cả, Hoàng-Phong-Linh cho người đọc thấy rõ sự vi diệu của niềm tin.


Tôi nghĩ, chỉ với hơn một trăm trang giấy mà nhà thơ Hoàng-Phong-Linh Võ-Đại- Tôn đã dàn trải được tất cả những điều đó thì thật là tuyệt vời!


Xin độc giả đón nhận thi phẩm Tiếng Chim Bên Dòng Thác Champy của nhà thơ Hoàng-Phong-Linh Võ-Đại-Tôn với tất cả nhiệt tình như quý vị đã hân hoan đón mừng chiến sĩ Võ-Đại-Tôn sau khi ông trở về từ ngục sâu.


ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/
06 Tháng Bảy 2021(Xem: 7850)
27 Tháng Năm 2021(Xem: 9169)
01 Tháng Năm 2021(Xem: 10470)
28 Tháng Tư 2021(Xem: 9259)