Bầu cử Mỹ giúp bổ túc kiến thức chính trị dân chủ ở VN?

09 Tháng Mười Một 20208:54 SA(Xem: 7324)

VĂN HÓA ONLINE - CỘNG ĐỒNG - THỨ HAI 09 NOV 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


image004Ảnh Donald Trump tại một cửa hàng quà lưu niệm ở Hà Nội. Ảnh chụp ngày 05/11/2020. . © REUTERS - KHAM


Bầu cử Mỹ giúp bổ túc kiến thức chính trị dân chủ ở VN?


Luật sư Ngô Ngọc Trai - Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội


09/11/2020

image044

Nguồn hình ảnh, Ngo Ngoc Trai


Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo người dân Việt Nam, tuy vậy phần lớn công chúng mới chỉ biết đến các thông tin bầu cử bề nổi, trong khi rất nhiều người chưa hiểu sâu về nền chính trị dân chủ.


Chấp nhận thua cuộc


Nền bầu cử Mỹ sở dĩ tồn tại được cho đến nay là do các bên họ cùng chấp nhận với nhau về một luật chơi chung, với các thể lệ trình tự và tiêu chí tiêu chuẩn đã được xác lập, không bên nào được phá vỡ.


Trong phạm vi đó các bên được sử dụng thực hiện mọi biện pháp hợp pháp để bảo vệ cho chiến thắng, bao gồm khiếu nại việc kiểm phiếu hoặc khởi kiện kết quả của ủy ban bầu cử.


Các cơ chế trung gian sẽ phải giải quyết vì họ được trả lương cho vai trò đó và họ cũng là một phần của luật chơi chung, không có vấn đề xấu xa gì ở đây. Có chăng bên nào đã thua rõ ràng mà vẫn chày cối thì sẽ bị tuyên bác bỏ yêu cầu và bên đó sẽ phải trả giá cho uy tín chính trị của mình trong những đợt vận động bầu cử sau.

image045

Nguồn hình ảnh, Getty Images


Sau tất cả những biện pháp đó sẽ có một bên thua cuộc, đòi hỏi bên đó phải biết chấp nhận, chứ không lẽ lên rừng lập chiến khu?


Cho nên trong một nền bầu cử dân chủ, thua cuộc và thắng cuộc xảy ra đồng thời và là tiền đề của nhau, biết chấp nhận thua cuộc cũng là một năng lực cần có của các bên, quan trọng không kém gì việc đòi hỏi các bên phải biết cách làm sao cho chiến thắng.


Thua cuộc có là mất hết?


Người tham gia tranh cử như ông Donald Trump hay ông Joe Biden không phải là với tư cách cá nhân mà họ tham gia với tư cách là người đại diện của một đảng chính trị, là người đại diện tiếng nói cho những nhóm quyền lợi dân chúng.


Cho nên ngay khi thất bại thì họ vẫn còn đó các mối quyền lợi phải chăm lo, dù thất cử thì trách nhiệm đại diện cho những nhóm cử tri hãy vẫn còn.


Những người đã thất bại chỉ là vấn đề của họ chưa phải là rộng lớn cấp kíp hơn so với các vấn đề rộng lớn quan trọng hơn của các nhóm dân chúng khác - được đại diện bởi người thắng cử.

image046

Nguồn hình ảnh, Getty Images


Cho nên người thua cuộc trong tranh cử vẫn là lãnh đạo uy tín của các nhóm dân chúng, chứ không hề là những người trở thành kém quan trọng sau bầu cử.


Họ có thể không là gương mặt đại diện tranh cử trong những đợt sau, do những tính toán kỹ thuật cho chiến thắng, nhưng họ vẫn là những tiếng nói ủng hộ quan trọng cho những gương mặt mới hay các chính sách mới. Ví như ông Obama là ủng hộ viên quan trọng của ông Biden trong đợt tranh cử này.


Làm tổng thống có sướng?


Nhiều người Việt hào hứng theo dõi bầu cử Mỹ và hẳn nhiều người mơ mộng có một ngày trở thành lãnh đạo chính trị. Vậy làm lãnh đạo chính trị có phải là điều sung sướng đáng mơ ước?

image047

Nguồn hình ảnh, Reuters


Thực tế, lãnh đạo chính trị như tổng thống Mỹ là một cương vị trách nhiệm hết sức nặng nề mà công việc chẳng hề sung sướng. Các vấn đề mà họ phải đối mặt đều rất hóc búa, khó khăn, đòi hỏi lao động trí óc rất cao cũng như năng lượng thuyết phục rất lớn.


Cương vị tổng thống chỉ đem lại một chút ít niềm vui danh tiếng uy thế cho những người vốn lấy sự phụng sự làm tín điều lẽ sống mà thôi.


Bởi bản chất của lãnh đạo là sự phục vụ, hứa hẹn và hành động đem lại điều ích lợi cho cộng đồng thì họ mới theo, vì trong nền chính trị dân chủ các công dân là người có quyền tự do lựa chọn.


Nghề làm chính trị theo đó bản chất là phục vụ cộng đồng, loại hình hoạt động chỉ phù hợp với một kiểu nhân cách nhất định, đó là người có tính cách dâng hiến và ước muốn phụng sự.


Đó là lãnh đạo chính trị đúng nghĩa, những người có trình độ kiến thức và tầm nhìn vượt lên trên công chúng, còn ở Việt Nam lâu nay tồn tại nhận thức sai, nhiều người nghĩ làm chính trị là giành chức quyền bổng lộc, không đúng trong một nền chính trị lành mạnh vốn có đủ thứ giám sát và làm gì cũng phải theo luật.


Cho nên cần hiểu là dù ông Trump hay ông Biden làm tổng thống thì đó cũng đều là sự dâng hiến hy sinh, chứ các ông ấy cũng chẳng sung sướng gì. Muốn sướng thân thì các ông ấy chỉ cần ở nhà là đã có đủ mọi thứ.


Trong khi ở cương vị tổng thống, họ sẽ phải đối mặt với một loạt vấn đề hóc búa, suy nghĩ làm việc để lựa chọn kế hoạch chống Covid-19, phục hồi kinh tế, gia tăng việc làm, xử lý thâm hụt mậu dịch.


Hay như ở Việt Nam, lãnh đạo chính trị cũng phải tính toán phát triển thủy điện thế nào để khỏi gây hại, hay làm sao để hạn chế tai nạn giao thông, giảm tỷ lệ tội phạm và nhiều vấn đề khác, mà nếu làm việc theo mục tiêu hiệu quả thì mọi người sẽ thấy là để giải quyết được hiệu quả vấn đề sẽ rất khó khăn chứ chẳng hề dễ dàng.


Cho nên những ai ưa sự an nhàn, hưởng thụ thì không phù hợp với nghề chính trị, và đừng tưởng làm lãnh đạo chính trị là sung sướng mà ham hố.


Bài học cho Việt Nam


Qua đợt bầu cử Mỹ, nhiều người bình thường vốn ít quan tâm tới chính trị cũng đã tỏ ra mạnh dạn bày tỏ quan điểm chính trị của mình.


Biểu thị quan điểm chính trị là tốt, dù đó là qua cuộc bầu cử từ nước Mỹ xa xôi, nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu biểu thị cho thấy những thái độ và quan điểm chính trị lành mạnh. Để từ đó cho thấy nhận thức chính trị của người Việt đã trưởng thành và mọi người xứng đáng với một nền chính trị lành mạnh đáng có.


Với tính cách gây tranh cãi của ông Trump và với những gì ồn ào ông đã tạo ra, tôi thấy cũng có cái hay mà người Việt Nam rất cần học lấy, đó là sự bình thường của lãnh đạo chính trị, đó là đừng có thiêng hóa lãnh đạo chính trị.


Theo đó, chính trị cũng chỉ là một loại hình hoạt động trong đời sống, không khác gì một loại hình nghề nghiệp, đừng thiêng liêng hóa nó. Đó chỉ là cuộc thi thố năng lực phù hợp dựa trên một số tiêu chí đòi hỏi nhất định. Thua cuộc thì mời ông về nhà, vậy thôi.


Cho nên đối với người Việt, dù là vui vì ứng viên thắng cuộc hay buồn vì người ủng hộ bị thua, thì cũng đừng quên phải tập trung vào công việc cuộc sống của mình hiện tại, chăm chỉ làm tốt công việc của mình, yêu thương gia đình.


Và nếu có thể thì hãy tiếp tục dành mối quan tâm chính trị đó cho các vấn đề ở Việt Nam, tìm hiểu, đặt câu hỏi, nghi ngờ, giám sát, thúc đẩy, trên tinh thần xây dựng.


Còn đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam thì qua những gì dân chúng biểu lộ đối với cuộc bầu cử ở Mỹ, cũng là dịp để thấy được lòng dân. Từ đó hãy cải thiện mọi thứ, tạo lập những điều mới mẻ, san sẻ gánh nặng trách nhiệm, để cùng nhau nâng tầm Việt Nam.


Bài viết thể hiện quan điểm riêng của LS Ngô Ngọc Trai từ văn phòng luật Công Chính tại Hà Nội.