Thông điệp Nguyễn Tấn Dũng: quyết liệt đổi mới thể chế, dân chủ hóa guồng máy phù hợp với thời đại computer; không một chữ về Hoàng Sa nhưng phải kỷ niệm!

02 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 15839)

Lời tòa soạn: Đầu năm dương lịch 01/1/2014, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CSVN đọc bản “thông điệp” gởi đến quốc dân dài 3,781 chữ. Trong bản thông điệp này, ông nhấn mạnh đến từ “đổi mới” và “dân chủ”.

Nhiều người tỏ ra mừng rỡ và dấy lên niềm hy vọng ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ là một Gorbachev của Việt Nam, và tương lai ông sẽ là Tổng bí thư hay Tổng thống theo thể chế Đại nghị Xã hội Chủ nghĩa! Nhiều người tỏ ra lạc quan “phấn khởi an tâm” về hai chữ “đổi mới và dân chủ”

Nhưng theo giới quan sát hải ngoại cho rằng nhiều người vẫn chưa hiểu cách dùng từ cũng như ý và nghĩa của người cộng sản. Hiểu theo “tư duy” của người quốc gia không có nghĩa là hiểu cộng sản. Nhiều người cho rằng đem vấn đề dân chủ gắn liền với sự tồn tại của đảng cộng sản đồng nghĩa với sự “hoàn thiện thể chế” mà nó lại là một vấn đề mới cần phải bàn cãi cho một “thể chế” mới ở Việt Nam.

Đặc biệt xin lưu ý, trong suốt bản thông điệp, ông Thủ tướng nước CHXHCNVN không nói, không nhắc, không nhấn mạnh “quyết liệt” một chữ nào về Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông.

Để rộng đường dư luận, Văn Hóa Magazine xin trích nguyên văn bản thông điệp từ báo Dân Trí phổ biến. (VH)

Thông điệp quyết liệt đổi mới của Thủ tướng

(Dân trí) - “Nguồn động lực để lấy lại đà tăng trưởng, để phát triển bền vững phải đến từ đổi mới thể chế, phát huy dân chủ”, “ Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển”... Thông điệp đầu năm mới 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh từ “đổi mới”.

Dân trí xin đăng tải toàn văn Bài viết đầu năm 2014 của Thủ tướng:

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh thông điệp quyết liệt đổi mới trong năm 2014 (ảnh: Việt Hưng).

Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững 
 Nguyễn Tấn Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ

Trong năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, tăng trưởng cao hơn và lạm phát thấp hơn năm 2012. Văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường có bước tiến bộ. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại đạt nhiều thành tựu. Chính trị - xã hội ổn định. Vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.

 Thực hiện Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Trong đó xác định Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2013. Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Tăng cường quốc phòng, an ninh. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

 Mặc dù kinh tế thế giới đã có những tín hiệu phục hồi; kinh tế - xã hội nước ta chuyển biến tích cực nhưng khó khăn, thách thức còn lớn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải thống nhất hành động với quyết tâm cao để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Đồng thời triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ trung và dài hạn nhằm tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Tập trung nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

I

Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do với yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn tạo ra nhiều cơ hội cho hợp tác cùng phát triển nhưng sự tùy thuộc lẫn nhau cũng tăng lên và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Báo cáo thường niên của nhiều tổ chức quốc tế đều xếp hạng năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế. Đây là chỉ báo tham khảo quan trọng về vị trí của từng quốc gia trong cuộc ganh đua toàn cầu. Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững.

Năng lực cạnh tranh được quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh có tầm quan trọng hàng đầu. Chất lượng thể chế không chỉ tác động như một yếu tố tự thân mà còn ảnh hưởng có tính quyết định đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế, của từng doanh nghiệp và là điều kiện tiên quyết để phát huy có hiệu quả lợi thế quốc gia. Không thể có được năng lực cạnh tranh cao nếu không có một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại.

Nhìn lại gần 30 năm qua, những bước phát triển vượt bậc của đất nước ta đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế, bản chất là mở rộng dân chủ, thực hiện cơ chế thị trường trong hoạt động kinh tế mà bước đột phá lớn và toàn diện là từ Đại hội VI của Đảng.

Đột phá trong quản lý nông nghiệp bắt đầu từ Khoán 10 đã đưa Việt Nam từ thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản hàng đầu thế giới. Mở rộng mạnh mẽ quyền tự do kinh doanh với việc ban hành Luật công ty, Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật đầu tư nước ngoài... đã đưa nền kinh tế nước ta ra khỏi trì trệ, phát triển năng động với tốc độ cao. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra không gian phát triển mới, rộng mở hơn.

Những quyết sách đổi mới phù hợp của Đảng và Nhà nước ta đã đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình và công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt thành tựu ấn tượng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại. Xã hội có không ít vấn đề bức xúc. Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân.

Dân chủ là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã chỉ rõ Nước ta là một nước dân chủ, mọi quyền lực đều thuộc về Nhân dân. Đảng ta đã khẳng định Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân chủ cũng là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Từ chế độ nô lệ lên chế độ phong kiến và từ chế độ phong kiến lên chế độ tư bản là những bước tiến dài về dân chủ. Chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng phải ưu việt hơn về dân chủ và Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước cũng là nhằm phát huy tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân. Dân chủ sẽ phát huy khả năng sáng tạo của mỗi người, góp phần xóa bỏ mặc cảm, tăng cường gắn kết xã hội và khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong điều kiện khoa học và công nghệ phát triển rất nhanh, đặc biệt là công nghệ thông tin, thế hệ trẻ nước ta được trang bị kiến thức ngày càng cao và phần lớn thường xuyên truy cập internet để giao lưu, học hỏi, khám phá và chiêm nghiệm thực tế. Thế hệ này đang và sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển cũng như vận mệnh của đất nước. Đây vừa là áp lực vừa là điều kiện thuận lợi để chúng ta tăng cường dân chủ và hoàn thiện thể chế.

Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại. Cùng với bảo đảm quyền dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đây là mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ cương. Người viết “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng và chủ yếu nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch.

Hiến pháp sửa đổi năm 2013 vừa được Quốc hội thông qua đã mở ra không gian Hiến định mới để chúng ta thực hiện tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không một quốc gia nào có thể thực hiện quyền dân chủ trực tiếp ở tất cả các cấp cũng như trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng dân chủ trực tiếp càng sâu rộng và thực chất thì dân chủ đại diện càng hiệu quả. Vì vậy, phải đặt mối quan hệ giữa dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trong tổng thể các giải pháp bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân. Phải mở rộng dân chủ trực tiếp và hoàn thiện cơ chế bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Sớm thực hiện thí điểm Nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa X. Đồng thời, phải hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chính sách và lựa chọn cán bộ. Nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách.

Để phát huy tốt nhất quyền làm chủ của Nhân dân, Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển. Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội. Chỉ khi dân giầu thì nước mới mạnh. Xã hội hóa không chỉ để huy động các nguồn lực mà còn tạo điều kiện cho xã hội thực hiện những chức năng, những công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn. Và chỉ như vậy mới có thể xây dựng được một bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Nhà nước phải bảo đảm và phát huy được quyền làm chủ thực sự của người dân, nhất là quyền tham gia xây dựng chính sách, quyền lựa chọn người đại diện cho mình và quyền sở hữu tài sản. Quyền làm chủ phải đi đôi với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân mà trước hết là phải tuân thủ pháp luật. 

Nhà nước phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh. Pháp luật và cơ chế chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Tài nguyên, nguồn lực của quốc gia phải được phân bổ tới những chủ thể có năng lực sử dụng mang lại hiệu quả cao nhất cho đất nước.

Nhà nước phải có chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển. Phải chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nhà nước phải xây dựng cho được bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Mọi cơ quan, công chức đều phải được giao nhiệm vụ rõ ràng. Việc đánh giá tổ chức, cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Phải hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm soát thực thi công vụ. Người đứng đầu cơ quan hành chính phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao và phải được trao quyền quyết định tương ứng về tổ chức cán bộ.

Phải tăng cường tương tác giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước và giữa bộ máy nhà nước với các tổ chức Chính trị - xã hội. Mở rộng đối thoại với người dân và doanh nghiệp bằng nhiều hình thức để Nhà nước, cán bộ, công chức gần dân hơn và chủ trương, chính sách, pháp luật sát với thực tiễn hơn. Sự phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp phải trên cơ sở bảo đảm tính độc lập theo chức năng được phân công và yêu cầu kiểm soát lẫn nhau, bổ trợ cho nhau theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp, phát huy chủ động, sáng tạo của cấp dưới, đồng thời bảo đảm quản lý thống nhất của cả hệ thống. Thường xuyên tăng cường ổn định chính trị - xã hội.

Trên tinh thần đó, năm 2014 phải tập trung sức cao nhất xây dựng, sửa đổi các luật để thực hiện Hiến pháp. Đồng thời rà soát bổ sung thể chế - cơ chế chính sách, kiện toàn tổ chức bộ máy nhằm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật, kỷ luật kỷ cương, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đề cao trách nhiệm của tập thể Chính phủ và từng thành viên Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

II

Trong những năm qua, chúng ta đã có bước tiến dài về Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. Đây cũng là một đột phá chiến lược đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trước hết phải tôn trọng đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời phải có công cụ điều tiết và chính sách phân phối để bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội. Thời gian tới phải tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt đột phá chiến lược nêu trên, trong đó tập trung giải quyết hai vấn đề quan trọng có liên quan chặt chẽ với nhau là thực hiện giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng.

Phải thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ. Những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước đang định giá phải tính đúng, tính đủ chi phí, công khai minh bạch các yếu tố hình thành giá và kiên định thực hiện giá thị trường theo lộ trình phù hợp. Đồng thời có chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Xóa bỏ tình trạng độc quyền doanh nghiệp và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực.

Phải kiên quyết thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả. Doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước. Kiện toàn cán bộ quản lý và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Chỉ có như vậy, chúng ta mới tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng và nâng cao được hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tăng cường sức mạnh của kinh tế nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế.

III

Thực hiện đường lối Đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đóng góp to lớn vào thành tựu chung của đất nước. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đang giảm dần và bộc lộ những hạn chế yếu kém của một nền nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ manh mún, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Vì vậy, phải thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế đặc biệt là đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây là nội dung quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế và cũng là đòi hỏi bức xúc cần phải được triển khai mạnh mẽ bằng nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó phải tập trung thực hiện đồng thời việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp.

Phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nhà nước có cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn. Khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, dịch vụ với quy mô phù hợp. Hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ. Từng bước hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với người nông dân và hướng tới xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng, phát triển bền vững.

Thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững. Quan tâm bảo vệ môi trường; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống, tập quán tốt đẹp của làng quê Việt Nam.

Khẩn trương sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

IV

Ba năm qua, kể từ Đại hội Đảng lần thứ XI, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Chúng ta đã dành nhiều công sức, nguồn lực để giải quyết những vấn đề trước mắt và đạt được những kết quả quan trọng. Đồng thời cũng đã chú trọng thực hiện nhiệm vụ trung và dài hạn nhưng kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu. Thực tiễn cho thấy nếu không giải quyết tốt những nhiệm vụ này thì sẽ không bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc, không khai thác có hiệu quả được tiềm năng của đất nước và cơ hội trong hội nhập quốc tế và cũng không tạo lập được nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững.

Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề. Khó khăn, thách thức là rất lớn. Nhưng đây là cơ hội để thúc đẩy Đổi mới mạnh mẽ hơn. Đòi hỏi phải có quyết tâm và bản lĩnh chính trị rất cao. Bản lĩnh của Đảng và Nhân dân ta đã tỏa sáng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Bản lĩnh đó cũng đã tỏa sáng khi đất nước ta đối mặt với khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước để hình thành đường lối Đổi mới.

Ngày nay, thế và lực của chúng ta đã mạnh hơn nhiều. Nhất định bản lĩnh đó sẽ lại tỏa sáng để Đẩy mạnh toàn diện công cuộc Đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lên tầm cao mới vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./

Nêu dân chủ 'đúng lúc và kịp thời'

BBC - thứ năm, 2 tháng 1, 2014

Trả lời câu hỏi của BBC ngày 2/1 về việc liệu có nên đặt dân chủ chung với Chủ nghĩa xã hội như trong thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay không, Giáo sư Tương Lai nói:

"Bây giờ đòi hỏi thông điệp của ông ấy phải bỏ luôn xã hội chủ nghĩa thì tôi chắc rằng ông ấy không thể tồn tại trên ghế thủ tướng được."

"Nhưng khi ông ấy nói rằng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng phải là xã hội gắn với dân chủ và Đảng phải nắm lấy ngọn cờ dân chủ thì tôi thấy nói như vậy, trong bối cảnh hiện nay, thì có thể chấp nhận được."

"... Đó là nội dung mà chúng ta mong muốn, còn đặt tên cho nó là gì thì có thể tính sau. Cái tôi cần, là nội dung cốt lõi của nó, chứ đừng mượn ngôn từ bịp bợm để lừa dối nhân dân."

Bình luận về lý do vì sao ông Dũng lại chọn thời điểm này để nhấn mạnh về vấn đề dân chủ, giáo sư Tương Lai cho rằng "muốn được lòng dân, muốn nhân dân tán thành với mình, không có gì hơn là bây giờ phải nói lên sự thật."

"Tôi thấy đã đến lúc đem vấn đề dân chủ gắn liền với chủ nghĩa yêu nước. Đó là nội dung bức xúc nhất mà người dân Việt nam mong muốn. Ai nói được điều này, là đáp ứng được lòng mong mỏi của dân," ông nói.

"Cho nên việc nêu vấn đề dân chủ lúc này là rất đúng lúc và kịp thời."

"Người nào làm được điều đó, sẽ nhận được sự ủng hộ của dân, dù là x,y,z hay a,b,c cũng không quan trọng."/

Hun Sen sang Việt Nam 'tìm sự hỗ trợ'?

BBC - thứ hai, 23 tháng 12, 2013

 

Người biểu tình không đòi ông Hun Sen 'đi Việt Nam' mà hãy ra đi

Thủ tướng Campuchia Hun Sen cùng phu nhân sẽ đi thăm Việt Nam 26-28/12 theo lời mời của người tương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng trong lúc các cuộc biểu tình ở Phnom Penh không giảm đi.

Chuyến đi diễn ra giữa lúc ông Hun Sen hiện đang gặp nhiều thách thức chính trị ở trong nước sau cuộc bầu cử kết thúc vài tháng trước cho ông tiếp tục làm thủ tướng thêm một nhiệm kỳ.

Biểu tình lớn nhất

Ông Hun Sen, người từng muốn cầm quyền cho tới năm 90 tuổi, sẽ đi Việt Nam vào lúc phe đối lập đã tổ chức cuộc biểu tình lớn nhất ở kể từ khi bầu cử mấy tháng trước ở Phnom Penh.

Hôm Chủ nhật ngày 22/12 con số người tham gia biểu tình được cho là lên tới hàng chục ngàn.

Trước đó, hôm 20/12 cũng đã có một cuộc biểu tình khác.

Đây là một trong hàng loạt cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử mà Đảng Cứu quốc (CNRP) đối lập của ông Sam Rainsy cho là gian lận.

Vương Quốc Campuchia

  • Dân số: 14.5 triệu (LHQ, 2012)
  • Diện tích: 181,035 km2
  • Ngôn ngữ chính: Khmer
  • Quốc giáo: Đạo Phật
  • Tuổi thọ: 62 năm (đàn ông), 65 năm (phụ nữ)
  • Tiền tệ: 1 riel = 100 sen
  • Xuất khẩu chính: Hàng dệt may, gỗ, đồng
  • GNI bình quân: $820 (Ngân hàng Thế giới, 2011)

Trước đó, sau khi có kết quả bầu cử, Việt Nam đã nhanh chóng công nhận chiến thắng và chúc mừng ông Hun Sen và Đảng CPP của ông.

Trong cuộc tuyển cử khép lại tháng 9 vừa qua, đảng CNRP của ông Sam Rainsy, nhân vật có thái độ chống Việt Nam mạnh mẽ, đã tăng vọt từ 29 ghế lên 55 ghế trong khi CPP giảm từ 90 xuống chỉ còn 68 ghế. Điều này làm cho Hà Nội lo ngại.

Từ Phnom Penh, nhà báo tự do Lý Định Phát nhận định với BBC rằng đây là một ‘chuyến thăm đặc biệt’ trong bối cảnh Campuchia hiện nay.

Ông cho biết có thể một trong những mục tiêu chính của chuyến đi này của ông Hun Sen là ‘tìm cách giữ vững tình hình chính trị hiện nay trước thách thức của phe đối lập’.

Hà Nội hiện đang lo lắng về tình hình hiện nay ở Campuchia

“Những việc có liên hệ đến sự tồn vong của chính quyền Hun Sen thì sẽ có sự góp ý, tư vấn của Hà Nội,” ông nói và cho biết sự bất mãn của người dân Campuchia đang dâng cao đối với việc Hun Sen và gia đình ‘ngồi trên quyền lực quá lâu’.

“Người dân muốn thay đổi tình hình chính trị thông qua biểu tình,” ông nói, “Đây là thách thức rất lớn đối với Hun Sen.”

Theo nhà quan sát Lý Định Phát thì ông Hun Sen ‘muốn thiết lập chế độ gia đình trị ở Campuchia’ và đã ‘chuẩn bị cho con trai con gái của ông ta vào những chức vụ lãnh đạo Campuchia trong tương lai’.

“Hun Sen không muốn rời chức vụ thủ tướng cũng như không muốn thay đổi tình hình chính trị tại đây,” ông nói.

Ông Hun Sen, theo trang BBC News, đã nói hồi tháng 6/2013 ông không muốn "các cuộc bỏ phiếu làm vỡ quốc gia, xã hội, thôn xóm và gia đình" ở Campuchia.

‘Bất lợi’

Đối với tác động của chuyến đi này đối với uy tín trong nước của Thủ tướng Hun Sen, ông Lý Định Phát cho là ‘bất lợi’.

“Dư luận cho rằng Hun Sen đi Việt Nam là để tìm kiếm sự giúp đỡ.”

“Nhiều người phê phán trên Đài phát thanh độc lập Tổ ong rằng: ‘Ông Hun Sen mang trong mình không phải dòng máu Khmer mà là Việt Nam’,” ông cho biết.

Hôm Chủ nhật ngày 22/12, ông Sam Rainsy viết trên trang Facebook của mình rằng ‘khoảng 500.000 người biểu tình kéo dài 5km trên Đại lộ Monivong ở thủ đô Phnom Penh’.

Hai ông Sam Rainsy và Hun Sen từng đàm phán hai lần không thành công

Nhưng trang Tân Hoa Xã của Trung Quốc nói con số người biểu tình chỉ khoảng 20 ngàn.

Theo Đài Á châu Tự do thì những người biểu tình đã hô khẩu hiệu yêu cầu ông Hun Sen từ chức.

Đảng CNRP của ông Rainsy thề sẽ tiếp tục biểu tình trong ba tháng cho đến khi nào bầu cử lại mới thôi.

Tuy nhiên, Hun Sen đã bác bỏ yêu cầu ông từ chức và bầu cử lại với lý do không có điều khoản nào trong Hiến pháp cho phép bầu cử lại.

Cũng theo đài RFA thì người biểu tình nói rằng họ đã chán nản với những vấn đề của đất nước như tham nhũng, thất nghiệp, bất công xã hội và cưỡng chế đất đai./


Văn Hóa Magazine số đặc biệt: Tổng hợp tin tức và hình ảnh về trận thủy chiến Hoàng Sa 19/1/1974 giữa Hải quân VNCH và hải quân Trung cộng / Việt Nam trong ngoài chuẩn bị kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa

Sẽ kỷ niệm sự kiện 40 năm Hoàng Sa và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc

Ngày 30 tháng 12, 2013, trong một buổi tiếp xúc giữa ông Nguyễn Tấn Dũng Thủ tướng CSVN và Hội Khoa Học Lịch Sử ở Hà Nội, Sử gia Dươgn Trung Quốc và cũng là Đại biểu Quốc Hội có nêu câu hỏi với ông Dũng có nên kỷ niệm 40 trận hải chiến Hoàng Sa giữa Hải quân Việt Nam công Hòa và Hả quân Trung cộng hay không? Ông Dũng ttả lời: “Phải kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm thế nào để ổn định”. 

Tin tức này được phổ biến trên Thanh Niên. Trận hải chiến Hoàng Sa là trận đánh oanh liệt đi vào lịch sử của các chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa; Văn Hóa Magazine-California xin trích bản tin nguyên văn dưới đây hầu rộng đường dư luận. (VH)

Thứ hai, 30/12/2013, 19:19 (GMT+7)

(Hải chiến Hoàng Sa 1974) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hiện Bộ Ngoại giao đang lên kế hoạch kỷ niệm 40 năm sự kiện (1974) Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và 35 năm sự kiện tháng 2 năm 1979 – chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ luôn ủng hộ các hoạt động của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam”. (Người ngoài cùng bên trái là Sử gia Dương Trung Quốc).

Tại cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Hội Khoa học Lịch sử chiều 30.12, ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử đã nêu băn khoăn của mình về chuỗi các sự kiện lịch sử chẵn năm trong năm 2014. Trong đó, có các sự kiện được ông cho là “tế nhị”, như: 35 năm sự kiện tháng 2 năm 1979 – chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, 40 năm sự kiện (1974) Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

“Nhiều cơ quan đặt rất nhiều câu hỏi với Hội Khoa học Lịch sử chúng tôi, năm nay sẽ kỷ niệm ra sao… Đề nghị Thủ tướng cho ý kiến để chúng tôi có thể điều hòa được tác động xã hội”, ông Dương Trung Quốc nói.

Về điều này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, ông cũng đã nhận được câu hỏi chất vấn của ông Quốc.

Trả lời trực tiếp tại Hội Khoa học Lịch sử, Thủ tướng cho biết: “Phải kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm thế nào để ổn định. Rồi còn biên giới Tây Nam thế nào. Chứ không phải Bộ Chính trị không quan tâm”.

Thủ tướng cũng cho biết hiện Bộ Ngoại giao đang soạn thảo đề án kỷ niệm sự kiện: biên giới phía Bắc, Hoàng Sa. “Kỷ niệm thế nào cho vừa đạt yêu cầu đối nội, vừa đạt yêu cầu đối ngoại. Đó cũng là lợi ích của nhân dân. Bộ Chính trị rất quan tâm đến việc kỷ niệm này”. (Thanh Niên)/

+++++++++++++++

Sự thật về hải chiến Hoàng Sa

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2014-01-01

Sơ đồ trận hải chiến Hoàng Sa 1974 giữa VNCH-Trung Quốc.

Wikipedia photo

Gần đến ngày kỷ niệm 40 năm Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam báo Giáo Dục đăng tải loạt bài về trận hải chiến giữa hải quân Việt Nam Cộng Hòa và quân Trung quốc diễn ra từ ngày 17 tới 19 tháng 1 năm 1974 do TS Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ nghiên cứu và biên tập.

Được tiếp cận thông tin đầy đủ hơn

Mặc Lâm phỏng vấn ông để biết thêm chi tiết. Khi được hỏi động cơ đã khiến ông thực hiện việc này TS Trục cho biết:

TS Trần Công Trục: Thật ra mà nói việc mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc khiến tôi muốn cung cấp một số thông tin để cho tất cả bạn đọc trong và ngoài nước được tiếp cận thông tin đầy đủ hơn, chính xác hơn và rõ ràng hơn về một sự kiện mà có lẽ không quên được trong quá trình đấu tranh của lịch sử để bảo vệ chủ quyền, sự toàn vẹn của đất nước.

Tôi nghĩ rằng từ trước tới nay cũng có khá nhiều thông tin, nội dung của các học giả cũng như các nghiên cứu người ta đã trực tiếp hoặc là gián tiếp tham gia vào trận hải chiến này. Tôi là người có điều kiện tiếp cận khai thác một trong các kho lưu trữ của hải quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) cũng như một số nhân chứng tôi tập trung trên phương tiện truyền thông. Tôi đã tập hợp và đăng lại để cung cấp cho bạn đọc một bức tranh tương đối khá chi tiết về sự kiện này.

Mặc Lâm: Qua nghiên cứu và trưng dẫn tài liệu về trận hải chiến này TS nhận xét thế nào về những người đã hy sinh trong các trận đánh ấy thưa ông?

Trận hải chiến đó những người lính hải quân VNCH là những người con đất Việt. Họ đã hy sinh dũng cảm đề chiến đấu chống lại kẻ xâm lược để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của nước VN.
-TS Trần Công Trục

TS Trần Công Trục: Trận hải chiến đó những người lính hải quân VNCH là những người con đất Việt. Họ đã hy sinh dũng cảm đề chiến đấu chống lại kẻ xâm lược để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam và như vậy cá nhân tôi, tôi đánh giá rất cao bởi vì ngoài việc họ là người Việt Nam họ có truyền thống bất khuất chống trả lại ngoại bang, đứng về pháp lý mà nói thì những người đó họ đại diện cho nhà nước Việt Nam trong quá trình bảo vệ và thực thi quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong quá trình lịch sử lâu dài bảo vệ chủ quyền của nhà nước này.

Mặc Lâm: Thưa TS nhân kỷ niệm 40 năm ngày mất Hoàng Sa sắp tới theo ông nhà nước có nên tổ chức một lễ vinh danh 74 chiến sĩ hải quân của VNCH đã hy sinh tại Hà nội hay TP HCM hay không? Theo ông thì thời điểm 40 năm đã đủ chín cho một hoạt động như vậy hay chưa?

TS Trần Công Trục: Qua thông tin mà tôi được biết thì thành phố Đà Nẵng là nơi trực tiếp quản lý Hoàng Sa họ đang chuẩn bị tổ chức một lễ phát động kỷ niệm ngày mà Hoàng Sa hoàn toàn bị Trung Quốc chiếm đóng.

Theo tôi điều quan trọng không phải là tổ chức những buổi lễ hoành tráng hay bằng nghi thức rất rầm rộ nhưng cái chính là làm sao cho dư luận trong lòng người dân Việt Nam trong và ngoài nước luôn luôn hướng về quần đảo Hoàng Sa. Cái mảnh đất thiêng liêng của cha ông Việt Nam từng đổ bao mồ hôi nước mắt để gìn giữ và bảo vệ nó. Mặc dù bây giờ cũng không còn cái gì trên thực tế nhưng về mặt ý chí, về mặt tinh thần, về mặt quyết tâm của người Việt Nam không bao giờ từ bỏ chủ quyền đâu và luôn luôn nhắc nhớ rằng quần đảo Hoàng Sa mãi mại là lãnh thổ của nước Việt Nam.


Chiến hạm HQ4 của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa tham gia bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. File photo.

Mặc Lâm: Thưa TS nhà nước đã chấp nhận cho loạt bài này xuất hiện cũng là hình thức chấp nhận sự thật sau bao nhiêu năm, theo ông nhà nước có nên chính thức mang nó vào sách giáo khoa cho các thế hệ tiếp theo biết được sự kiện các trận hải chiến bảo vệ tổ quốc này hay không?

TS Trần Công Trục: Tất cả vấn đề giáo dục cho học sinh sinh viên, từ tiểu học đến trung học hay đại học, các cơ sở giáo dục khác thì đã có chủ trương của nhà nước là sẽ đưa các vấn đề này vào trong sách giáo khoa. Hiện nay thì Bộ Giáo dục đào tạo đang khẩn trương tiến hành việc đó.

Không phải chỉ nhân sự kiện này mà trong toàn bộ đều có cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Tôi là người đã được mời tham gia trong một số cuộc họp trao đổi, thảo luận chuẩn bị cho tài liệu giáo dục này cho Bộ Giáo dục đào tạo.

Kinh nghiệm đàm phán

Mặc Lâm: Ông là một viên chức có kinh nghiệm đàm phán với Trung Quốc về vấn đề biên giới, theo TS nhận xét thì những điểm mạnh hay yếu của họ là gì?

TS Trần Công Trục: Rõ ràng là trong các cuộc đàm phán để giải quyết các tranh chấp về biên giới lãnh thổ trên đất liền hay trên biển thì luôn luôn hết sức khó khăn phức tạp thậm chí kéo dài. Khi đã ngồi vào bàn đàm phán nói chuyện với nhau để tìm ra chân lý thì không phải là dễ, nó đòi hỏi thiện chí về mặt chính trị đồng thời xuất phát từ các thực tiễn khách quan đôi bên phải cầu thị để tìm ra đùng sự thật của nó.

Đương nhiên khi ngồi vào đàm phán thì mỗi anh đều phải khai thác điểm mạnh của mình, chân lý của mình và đồng thời tìm ra điểm yếu của đối phương để làm sao đó có thể chứng minh được quan điểm đứng đắn của mình trong quá trình đàm phán. Rõ ràng là Trung Quốc họ cũng có những điểm mạnh bởi vì họ là nước rất lớn, đã đàm phán rất nhiều với các nước có liên quan đến vấn đề biên giới trên bộ trên biển.

Các học giả, chính khách đều nhìn thấy những yêu sách Trung Quốc đưa ra đòi hỏi chủ quyền của họ đến 80% Biển Đông nằm trong đường lưỡi bò là một chính sách rõ ràng vô lý.
-TS Trần Công Trục

Lực lượng tham gia đàm phán và nghiên cứu của họ khá đông đảo và được đào tạo rất bài bản. Họ cũng có bước đi khá kỹ, tôi nghĩ đây là điểm mạnh của phía Trung Quốc.

Tôi không muốn nói là yếu nhưng tôi nghĩ rằng họ cũng có những vấn đề. Chẳng hạn họ lập luận chưa được cụ thể rõ ràng. Quan điểm về mặt pháp lý thì bằng chứng mà họ khẳng định những yêu sách của họ là đứng đắn thì rất yếu. Thí dụ cả cộng đồng quốc tế cũng như các học giả, chính khách đều nhìn thấy những yêu sách Trung Quốc đưa ra đòi hỏi chủ quyền của họ đến 80% Biển Đông nằm trong đường lưỡi bò là một chính sách rõ ràng vô lý, không căn cứ vào bất kỳ cơ sở pháp lý, bất kỳ tiêu chuẩn pháp lý nào của luật pháp quốc tế cả.

Đấy là một điểm rất yếu. Khi họ tìm cách khẳng định thực tế và tranh giành sự công nhận cái yêu sách vô lý đó và nếu như các bên có liên quan trực tiếp ngồi đàm phán không nhận rõ những điều đó để có những bước đấu tranh thích hợp trong bàn đàm phán có thể rất là khó khăn.

Hay là quyền thủ đắc lãnh thổ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho đến nay theo tôi được biết Trung Quốc hay đưa ra lập luận rằng Trung Quốc có chủ quyền lịch sử vì người Trung Quốc đã phát triển, đã khai phá đã làm ăn từ lâu đời rồi… những điều đó có đúng với nguyên tắc luật pháp được áp dụng và được thế giới thừa nhận hay không lại là chuyện khác. Hiện nay có rất nhiều quan điểm đưa ra khác nhau nên chúng ta cần phải chuẩn bị để có thể chứng minh trong các cuộc đàm phán và đây là những điều mà tôi nghĩ là điểm yếu của họ.

Mặc Lâm: Thưa ông lịch sử cho thấy Mỹ đã quay lưng với Hoàng Sa vì những thỏa thuận của họ đối với Bắc Kinh trong năm 1974. Bây giờ họ lại quay lại Biển Đông trong mục tiêu trở lại châu Á Thái Bình Dương nhằm tranh giành ảnh hưởng với lá chủ bài là bảo vệ các nước nhỏ và giám sát Trung Quốc. Theo ông thì Việt Nam nên làm gì để tránh vết xe đổ của lịch sử nhưng không mất đi cơ hội dựa vào Mỹ làm đối trọng với Trung Quốc?

TS Trần Công Trục: Vâng, tôi nghĩ rằng quan điểm của nhà nước Việt Nam ta thì như các bạn đã biết trong bất kỳ hoàn cảnh nào cho dù lúc thuận lợi hay lúc khó khăn nhất trong các cuộc đấu tranh thì Việt Nam luôn luôn kêu gọi sự đoàn kết đại dân tộc, luôn luôn kêu gọi tinh thần tự lực tự cường và tự bản thân người dân Việt Nam phải đòan kết để bảo vệ lấy cái chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Chiến hạm VNCH và Trung Quốc giao tranh ở Hoàng Sa năm 1974. File photo.

Đương nhiên điều đó không có nghĩa là Việt Nam tự cô lập với thế giới. Việt Nam sẵn sàng kêu gọi sự ủng hộ đoàn kết của các quốc gia trên thế giới và đánh giá rất cao vai trò cường quốc của các nước lớn và Việt Nam sẵn sàng nhận những sự ủng hộ đó nếu những giúp đỡ ấy có tính chất vô tư, xây dựng và đúng ý nghĩa. Việt Nam sẽ có thể chấp nhận nhưng đồng thời qua đó Việt Nam có thể nhận ra được những ai, những người nào muốn lợi dụng điều này vì lợi ích của họ và thậm chí cũng có thể biết được họ có thỏa thuận trên lưng của người Việt Nam trong quá trình đấu tranh gìn giữ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia hay không.

Tôi cho rằng trong các đường lối chủ trương mà các nhà lãnh đạo Việt Nam đã từng công bố như bài diễn văn của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Shangri-La thì Việt Nam đã nói rất rõ rằng đánh giá rất cao vai trò của các cường quốc như Hoa Kỳ, Trung Quốc trong khu vực châu Á Thái bình dương này, và muốn họ thể hiện vai trò đó trong hướng giúp đỡ cho các bên ngồi lại với nhau để giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp đó. Đừng để tranh chấp xảy ra trở thành một cuộc xung đột có thể dẫn đến cuộc chiến tranh đẫm máu bất lợi cho hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới.

Việt Nam không muốn đứng về nước này mà chống nước kia. Tôi nghĩ rằng đấy là một chính sách đứng đắn và đấy là bản lĩnh của người Việt Nam và tôi cho rằng điếu đó là rất đúng. Riêng cá nhân chúng tôi cho rằng nhà nước nên tiếp tục con đường đó và chắc chắn con đường này sẽ được ủng hộ rất tích cực, rất có hiệu quả của các quốc gia đặc biệt là những nước lớn.

Tôi cũng thấy rằng rõ ràng trong bối cảnh hiện nay việc Hoa Kỳ xoay trở lại khu vực này thì tôi nghĩ họ cũng đã nhận rõ ràng nguy cơ của sự mất cân bằng trong khu vực này và họ muốn tái lập sự cân bằng đó. Và chính sự cân bằng đó sẽ giúp cho việc giữ gìn sự ổn định trong khu vực và tạo cơ hội cho các bên có thể ngồi lại với nhau giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Mặc Lâm: Xin được đưa ra câu hỏi chót. Thưa TS sự xuất hiện loạt bài hải chiến Hoàng Sa lần đầu tiên trên cơ quan chính thống cho thấy có sự thay đổi lớn trong cách đối phó với vấn đề Biển Đông của nhà nước, theo TS thì bước kế tiếp Việt Nam cần phải làm gì thêm nữa?

TS Trần Công Trục: Với tấm lòng của một người Việt Nam chúng tôi muốn nêu lên sự thật lịch sử đó và vấn đề pháp lý có liên quan để mọi người chia sẻ. Tôi cũng muốn rằng qua loạt bài này tôi sẽ nhận được thêm rất nhiều những bộ phim của các học giả có tiếng tăm trong và ngoài nước đặc biệt là những chiến sĩ hải quân VNCH trước đây đã từng tham gia các trận đánh này có thể làm cho tư liệu đứng đắn hơn, xác thực và hoàn chỉnh hơn để ghi lại cho con cháu ngày sau biết rõ một sự kiện như vậy trong quá trình đấu tranh của dân tộc.

Đương nhiên tôi cho rằng sự quan tâm và đồng lòng đó làm tôi rất xúc động bởi vì được rất nhiều bạn đọc trong ngoài nước quan tâm. Đặc biệt là các học giả rất quan tâm họ cũng chia sẻ và động viên tôi. Tôi cho rằng muốn giải quyết hòa bình những vấn đề một cách cơ bản lâu dài thì không nên dùng ý chí chủ quan của các bên, mà phải trên cơ sở thông tin khoa học khách quan, hiểu biết lẫn nhau thì mới có thể ngồi được với nhau để giải quyết vấn đề. Nếu tất cả mọi người chỉ dựa vào ý kiến chủ quan của mình thì chắc chắn sẽ không bao giờ gặp nhau và sẽ khó có thể thuận lợi.

Công việc đầu tiên đối với chúng tôi là sẽ tiếp tục việc tập hợp những người học giả, những người nghiên cứu, những người đã từng có cống hiến, đóng góp vào những sự kiện lịch sử này để cùng nhau nghiên cứu, tìm cách bổ xung hơn nữa những tư liệu để phục vụ cho cuộc đấu tranh đặc biệt là những cuộc đàm phán trong tương lai.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

++++++++++++++++

Danh sách Tử Sĩ Hoàng Sa

(Văn Hóa Magazine sưu tầm)

Hải đồ trận thủy chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974 (Tài liệu của Trần Đỗ Cẩm). Góc trên là ảnh 4 chiến hạm hải quân VNCH: HQ 10, HQ 4, HQ 5, HQ 16.


LINH VỊ CHƯ ANH HÙNG TỬ SĨ HQ HOÀNG SA NGÀY
19/1/1974
( Danh sách này được Tổng Hội HQ & HH cung cấp tháng 11/2009 )

HQ 10

1/HQ trung-tá Ngụy văn Thà Hạm trưởng
2/HQ thiếu-tá Nguyễn thành Trí Hạm phó
3/HQ đại-uý Huỳnh duy Thạch Cơ khí trưởng 63 A 702 639
4/HQ Đại-uỳ Vũ văn bang 66 A 702 337
5/HQ Tr/uý Phạm văn Đồng 67 A 701 990
6/HQ Tr/uý Ngô chí Thành 68 A 702 453
7/HQ Tr/uý Vũ đình Huân 69 A 703 058
8/Thượng sĩ nhất /TP Châu Quản nội trưởng
9/Thượng sĩ điện tử Thọ
10/Tr/sĩ quản kho Tuấn
11/Tr/sỉ giám-lộ Vương Thương
12Tr/sĩ trọng pháo Nam
13/Tr/sĩ trọng pháo Đức
14/TT/điện-tử Thanh
15/Thượng sĩ 1/cơ khí Phan tấn Liêng 56 A 700 190
16/Thượng sĩ 1 điện khí Võ thế Kiệt 61 A 700 579
17/Thượng sĩ vận chuyển Hoàng ngọc Lễ 53 A 700 030
18/Tr/sĩ 1 vô tuyén Phan tiến Chung 66 A 701 539
19/ Tr/sĩ trọng pháo Huỳnh kim Sang 70 A 702 678
20/Tr/sĩ thám xuất Lê anh Dũng 70 A 700 820
21/Tr/sĩ điện khí Lai viết Luận 69 A 700 599
22/Tr/sĩ vận chuyển Ngô tấn Sơn 71 A 705 471
23/Tr/sĩ giám lộ Nguyễn văn On 69 A 701 695
24/Tr/sĩ trọng-pháo Nguyễn thành Trong 72 A 700 861
25/Tr/sĩ trọng pháo Nguyễn vĩnh Xuân 70 A 703 062
26/Tr/sĩ cơ khí Phạm văn Quý 71 A 703 502
27/Tr/sĩ cơ khí Nguyễn tấn sĩ 66 A 701 761
28/Tr/sĩ cơ khí Trần văn Bá 65 A 700 365
29/ Tr/sĩ điện tử Nguyễn quang Xuân 70 A 703 755
30/Tr/sĩ bí thư Trần văn Đàm 64 A 701 108
31/Hạ sĩ 1 vận chuyển Lê văn Tây 68 A 700 434
32/Hạ sĩ 1 vận chuyển Lương thanh Thu 70 A 700 494
33/Hạ sĩ 1 trọng pháo Nguyễn quang Mến 65 A 702 384
34/Hạ sĩ 1 vận chuyển Ngô Sáu 68 A 700 546
35/Hạ sĩ 1 cơ khí Đinh hoàng Mai 70 A 700 729
36/Hạ sĩ 1 cơ khí Trần văn Mộng 71 A 703 890
37/Hạ sĩ 1 đoàn viên Trần văn Định 69 A 700 627
38/Hạ sĩ vận chuyển Trương hồng Đào 71 A 704 001
39/Hạ sĩ vận chuyển Huỳnh công Trứ 71 A 701 671
40/Hạ sĩ giám lộ Nguyễn xuân Cường 71 A 700 550
41/Hạ sĩ giám lộ Nguyễn văn Hoàng 72 A 702 678
42/Hạ sĩ trọng pháo Phan văn Hùng 71 A 706 091
43/ Hạ sĩ trọng pháo Nguyễn văn Thân 71 A 702 606
44/ Hạ sĩ trọng pháo Nguyễn văn Lợi 62 A 700 162
45/Hạ sĩ cơ khí Trần văn Bây 68 A 701 244
46/TT1/trọng pháo Thi văn Sinh 72 A 703 309
47/Hạ sĩ cơ khí Nguyễn văn Đông 71 A 703 792
48/ Hạ sĩ phòng tai Trần văn Thêm 61 A 701 842
49/Hạ sĩ cơ khí Phạm văn Ba 71 A 702 200
50/Hạ sĩ điện khí Nguyễn ngọc Hòa 71 A 705 756
51/Hạ sĩ điện khí Trần văn Cường 72 A 701 122
52/Hạ sĩ phòng tai Nguyễn văn phương 71 A 705 951
53/Hạ sĩ phòng tai Phan văn Thép 70 A 703 166
54/TT 1 trọng pháo Nguyễn văn Nghiã 72 A 703 928
55/TT1 trọng pháo Nguyễn văn Đức 73 A 701 604
56/TT1 trọng pháo Lý phùng Qui 71 A 704 165
57/TT1 vô tuyến Phạm văn Thu 70 A 702 198
58/TT1 phòng tai Nguyễn hữu Phương 73 A 702 542
59/TT1 thám xuất Phạm văn Lèo 73 A 702 651
60/ TT1 cơ khí Dương văn Lợi 73 A 701 643
61/ TT1 cơ khí Châu tuý Tuấn 73 A 702 206
62/TT1 điện tử Đinh văn Thục 71 A 704 487

HQ 4

63/ HQ tr/uý Nguyễn phúc Xá Trưởng khẩu
64/Hạ sĩ 1 vận chuyển Nguyễn thành Danh Xạ thủ
65/ Biệt hải Nguyễn văn Vượng xung phong tiếp đạn

HQ 5

66/HQ tr/uý Nguyễn văn Đồng
67/Thượng sĩ điện tử Nguyễn phú Hào
68/Tr/sĩ 1 trọng pháo Nguyễn đình Quang

HQ 16

69/ Tr/sĩ Điện khí Xuân
70/ Hạ sĩ quản kho Nguyễn văn Duyên

NGƯỜI NHÁI

71/Tr/uý NN Lê văn Đơn
72/Hạ sĩ NN Đỗ văn Long
73/Tr/si NN Đinh hữu Từ
74/ Người nhái Nguyễn văn Tiến

Chú thích: Văn Hóa Magazine-California trân trọng cám ơn ông Đinh Hoành Cảnh, cựu Hội trưởng Hội Cửu Long/Hải quân cung cấp danh sách tử sĩ Hoàng Sa.

Quí vị nào biết rõ ràng hơn về tử sĩ Hoàng Sa xin liên lạc với Tổng hội HQ/HH/VNCH hoặc ông Trương Văn Song tân Hội trưởng Hội Cửu Long 2013-2015.

+++++++++++++

Quan hệ Trung Việt trước trận Hoàng Sa

Lý Hiểu Binh

Gửi tới BBC từ Hoa Kỳ

BBC - thứ tư, 23 tháng 1, 2013

Từ 1968, Mao Trạch Đông và Lâm Bưu nói đến 'mối đe dọa' từ Liên Xô

Tiếp tục loạt chuyên đề về Hoà đàm Paris 1973, BBC xin giới thiệu bài của Giáo sư Lý Hiểu Binh từ Đại học Central Oklahoma trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt và Tiếng Trung từ London về bối cảnh quan hệ Bắc Kinh với Moscow và Hà Nội từ 1968.

Giáo sư Lý Hiểu Binh, tác giả các cuốn sách và bài viết về quân đội Trung Quốc, cũng trình bày lại cách nhìn từ Bắc Kinh về trận hải chiến Hoàng Sa 1974.

Quan hệ Trung Xô đổi hướng

Các bài liên quan

Vào ngày 31/3/1968, Tổng thống Lyndon Johnson tuyên bố tạm ngưng ném bom miền Bắc Việt Nam để bày tỏ một thiện chí hòa bình, và đã nhận được phản hồi tích cực từ Hà Nội qua tuyên bố ngày 4 tháng 4 rằng họ sẵn sàng thảo luận với người Mỹ.

Trung Quốc chỉ biết về chuyện Hoa Kỳ và Bắc Việt Nam (DRV) đàm phán với nhau mãi về sau này. Vào khoảng tháng 4 và 5, Bắc Kinh bắt đầu phê phán Hà Nội đi theo Moscow. Sau khi đàm phán tại Paris bắt đầu ngày 13/5/1968, Trung Quốc vẫn tiếp tục chỉ trích Bắc Việt nói chuyện với Hoa Kỳ. Ngày 31/10, Tổng thống Johnson ngưng oach tạc Bắc Việt cả trên đất liền và vùng ven biển. Trong lúc Bắc Kinh kiềm chế không tham gia hội đàm Paris thì Moscow, trái lại, luôn hào hứng ủng hộ đàm phán. Bắc Việt Nam bắt đầu dịch chuyển lại gần Liên Xô.

Cùng thời gian ban lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu cảm thấy có bằng chứng rằng Hoa Kỳ đã là cường quốc mất dần ảnh hưởng vì thất bại của họ tại Việt Nam, trong khi Liên Xô lại chiếm ngay ‘khoảng trống quyền lực’ đó và bắt đầu thay chân Mỹ để thành ‘đế quốc xâm lăng’. Trung Quốc và các nước châu Á khác dễ trở thành mục tiêu của ‘chủ nghĩa đế quốc Xô Viết’. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Nguyên soái Lâm Bưu và cộng sự coi Liên Xô là mối đe dọa trực tiếp hơn Hoa Kỳ.

Quan niệm của Lâm Bưu được các cấp chỉ huy và binh sỹ Quân Giải phóng tán đồng vì họ trực tiếp chứng kiến sự thù địch gia tăng của Liên Xô với Trung Quốc. Trong cuộc xâm lăng Tiệp Khắc năm 1968, quân Liên Xô đã tràn vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Praha, tập phá và đánh tàn bạo các nhà ngoại giao Trung Quốc. Khi căng thẳng hai bên lên cao, Liên Xô triển khai một số lượng lớn quân đội dọc biên giới Trung – Xô, từ 17 tăng lên tới 27 sư đoàn vào cuối 1968.

Chu Ân Lai cũng từng nói thẳng với Phạm Văn Đồng vào ngày 29/4 rằng: “Nay Liên Xô đang bao vây Trung Quốc và vòng vây đó đã gần trọn, chỉ còn phía Việt Nam là chưa.” Lâm Bưu ra lệnh cho Quân Giải phóng sẵn sàng chiến đấu chống trả Liên Xô một khi có xâm nhập.

 

"Hai ông Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai ở Hà Nội năm 1960. Ông Hồ đã mời Trung Quốc cử quân đội sang Bắc Việt Nam hỗ trợ nỗ lực chiến tranh"

 

Các nhà nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng có một sự thay đổi chiến lược trong tư duy của Trung Quốc năm 1968. Vì coi Liên Xô là mối đe dọa hàng đầu, Trung Quốc cho rút quân khỏi Việt Nam mà trước đó họ sang theo lời mời của ông Hồ Chí Minh để đề phòng bị tấn công từ phía Bắc. [Trên thực tế] liên minh cộng sản ở Đông Nam Á coi như tan rã.

Ngày 17/11/1968, Mao nói với Thủ tướng Bắc Việt, Phạm Văn Đồng rằng một số đơn vị Trung Quốc sẽ rút về nước và Trung Quốc “sẽ gửi quân trở lại nếu người Mỹ quay lại”.

Vào tháng 3/1969, theo thỏa thuận giữa hai quân đội, Quân Giải phóng bắt đầu rút về, giảm dần từ 16 sư đoàn, gồm 150 nghìn quân, xuống không còn đơn vị phòng không nào ở Bắc Việt Nam vào tháng 7/1970.

Trong thời gian ở Việt Nam, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tham gia 2153 trận, bắn rơi 1707 máy bay Mỹ và làm hư hại 1608 chiếc trong trận Sấm Rền (Rolling Thunder) hay ‘Chiến tranh phá hoại miền Bắc’ theo cách gọi của Hà Nội.

Liên Xô thay dần Trung Quốc

Từ đầu tháng 3/1969 bắt đầu có va chạm dọc biên giới Trung – Xô. Các vụ bắn nhau xảy thường xuyên trong cả năm, và hai nước ở vào thế sắp lâm chiến. Sang đầu năm 1970, Liên Xô triển khai tới 48 sư đoàn, bằng gần một triệu quân dọc đường biên. Có tin rằng lãnh đạo Liên Xô tính cả đến cách dùng vũ khí nguyên tử để ‘đánh phủ đầu’ Trung Quốc. Hậu quả của tình hình đó là Quân Giải phóng tăng cường lực lượng lên tới tổng số sáu triệu quân, cao nhất trong lịch sử của họ.

Một tài liệu của CIA 12/8/1969 dự báo rằng:

“Gần như căng thẳng Trung – Xô sẽ không thể nào giảm trong vòng hai ba năm tới. Vì quyền lợi quốc gia xung đột nhau, vì sự cạnh tranh nhằm lãnh đạo phong trào cộng sản quốc tế, và sự lo sợ có thực về ý định của nhau sẽ khiến việc tiếp cận gần gũi không thể xảy ra. Vấn đề biên giới cũng sẽ không dễ giải quyết.”

Sau khi Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam và giảm viện trợ cho Hà Nội, Liên Xô ngay lập tức bù vào chỗ trống và còn tiếp tục hỗ trợ kinh tế, quân sự cho Bắc Việt Nam. Từ 1969 đến 1971, Moscow ký bảy hiệp định viện trợ cho Hà Nội. Năm 1972, Liên Xô tiếp tục tăng cường hệ thống phòng thủ bằng tên lửa ở Bắc Việt Nam.

Điều thú vị là các lãnh đạo Trung Quốc cũng khuyến khích phía Việt Nam yêu cầu thêm viện trợ từ Liên Xô. Chẳng hạn như Nguyên soái Diệp Kiếm Anh đã nói với Thứ trưởng Ngoại thương Bắc Việt Nam, ông Lý Ban, vào năm 1971, rằng “Các đồng chí cần yêu cầu Liên Xô chuyển nhiều, càng nhiều càng tốt vũ khí, đạn dược, lương thực”.

Khi Chủ tịch Ban thường vụ Quốc hội Trường Chinh thăm Bắc Kinh năm 1972, Thủ tướng Chu Ân Lai nói với ông rằng Bắc Việt Nam cần đòi hỏi nhiều hơn vũ khí, quân trang quân dụng từ Liên Xô.


"Từ những năm 1968-69, Liên Xô tăng cường nhiều sư đoàn quân đội đến biên giới với Trung Quốc"

Với Bắc Kinh, cam kết hỗ trợ liên tục cho cuộc chiến tranh tại Đông Dương đã và đang làm hao hụt nguồn lực của Liên Xô. Ngoài ra, mối đe dọa từ Liên Xô đã thúc đẩy lãnh đạo Trung Quốc cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ. Nhu cầu chiến lược này cuối cùng đã đưa tới chỗ bình thường hóa quan hệ Mỹ – Trung vào nửa đầu thập niên 1970.

Về tác động của nó đến cuộc chiến tại Đông Á và Chiến tranh Lạnh, giao ước Mỹ – Trung đã tạo ra thay đổi bước ngoặt trong thế chiến lược giữa hai cường quốc thời Chiến tranh Lạnh. Nếu như các nhà hoạch định chính sách ở Washington thấy nhờ đó mà việc tập trung nguồn lực và quan tâm chiến lược của Mỹ vào đối phó với Liên Xô dễ dàng hơn, Liên Xô lại coi việc phải đương đầu cùng lúc với Phương Tây và Trung Quốc là chuyện khiến sức mạnh của họ bị phân tán nghiêm trọng.

Không nổ súng trước

Quần đảo Hoàng Sa hay Paracels mà Trung Quốc gọi là Tây Sa nằm cách Đà Nẵng chừng 170 hải lý, giữa vĩ tuyến 15'45" và 17'05" và kinh tuyến đông 111'00" và 113'00". Quần đảo này gồm khoảng từ 15-30 hòn đảo, tùy cách tính...Sau hai thập niên quân đội Việt Nam Cộng Hòa đóng giữ, năm 1974, Hoàng Sa đã bị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa chiếm bằng vũ lực.

Nằm cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 330 hải lý về phía Đông Nam, quần đảo Hoàng Sa gồm các nhóm đảo Tuyên Đức (tên Việt Nam: nhóm An Vĩnh - BBC) và Vĩnh Lạc (nhóm Lưỡi Liềm) và chừng 30 đảo nhỏ khác nằm trải rộng trên khoảng 15 nghìn km2. Đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm) là đảo lớn hơn cả, có diện tích 1,6 km2 và hiện nay chính quyền Hải Nam và Quân Giải phóng có trụ sở chính…

Vào tháng 9/1973, VNCH ra tuyên bố sáp nhật đảo Nam Yết và Thái Bình ở Trường Sa cùng 10 đảo khác thuộc vào lãnh thổ trên đất liền (tỉnh Phước Tuy- BBC) nhằm giữ quyền khai thác nguồn lợi thiên nhiên như dầu. Ngày 11/1/1974, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra công bố chính thức “xác nhận chủ quyền của nước này Nam Sa, Tây Sa, Trung Sa và Đông Sa và toàn bộ các nguồn lợi tự nhiên xung quanh là thuộc về CHND Trung Hoa”.

"Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình và Tô Chấn Hoa đã báo cáo lên Mao Trạch Đông và đề nghị Trung Quốc chiếm nốt các đảo do Nam Việt Nam kiểm soát và Mao đã đồng ý."

Ngày 15/1/1974, Hải quân VNCH gửi một khu trục hạm ra vùng biển quanh đảo Vĩnh Lạc. Sang ngày 16, phía Nam Việt Nam bắn vào đảo Cam Tuyền (Việt Nam: đảo Hữu Nhật) buộc các tàu đánh cá của Trung Quốc phải rời vùng này. Sang ngày 17, phía Việt Nam cử một khu trục hạm nữa chở quân lính đến chiếm Cam Tuyền và Kim Ngân (đảo Quang Ảnh) và nhổ cờ Trung Quốc. Nguyên soái Diệp Kiếm Anh (1897-1986), Bộ trưởng Quốc phòng và Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương đã hạ lệnh cho Hải quân Quân Giải phóng trực chiến và sẵn sàng mở chiến dịch bảo vệ Tây Sa.

Nhằm bảo vệ chủ quyền và quyền đánh bắt cá, chính phủ Trung Quốc đã quyết định có biện pháp trước tình hình này. Các tàu cá tiếp tục hành nghề nhưng luôn chú ý đến các hoạt động của Hải quân VNCH. Cùng lúc, Hải quân Trung Quốc triển khai hai chiến hạm săn tàu ngầm số 271 và 274 đến đảo Vĩnh Lạc để bảo vệ ngư dân và dân quân Trung Quốc; hai tàu quét mìn cũng được cử đến, cùng các nguồn cung ứng nước ngọt và tiếp liệu.

Chiến lược của Trung Quốc là không nổ súng trước nhưng nếu Nam Việt Nam khai hỏa trước thì Trung Quốc sẽ đánh trả tàn bạo. Nguỵ Minh Sâm, chỉ huy trưởng của căn cứ hải quân Ngọc Lâm được phong làm ‘tư lệnh chiến dịch bảo vệ Tây Sa’.

Ngày 17/1, hai chiến hạm săn ngầm của Trung Quốc chở một số dân quân ra Tấn Khánh (tên Việt Nam: Duy Mộng), và Sâm Hàng (Quang Hòa). Khi đến khu vực này họ chứng kiến hai tuần dương hạm số 4 và 16 của VNCH đã bắn vào thuyền cá Trung Quốc.

Phía Trung Quốc cảnh báo phía Việt Nam ngay lập tức và yêu cầu ra khỏi khu vực. Ngày 18/1 hai khu trục hạm Việt Nam quay lại và bắn vào các tàu cá Trung Quốc tám lần, phá hỏng một thuyền phía Bắc bãi Linh Dương (đá Hải Sâm).

Đến tối, phía Nam Việt Nam cử thêm tuần dương hạm số 5 (Trần Bình Trọng) và hộ tống hạm số 10 (Nhật Tảo) vào vùng nước cạnh Vĩnh Lạc. Như thế có bốn chiến hạm Nam Việt Nam trong khu vực và sau đó, Hải quân Trung Quốc cử thêm hai tuần ngầm số 281 và 282 tới đảo Vĩnh Hưng.

Mao đồng ý chiếm trọn

Ngày 18/1, theo yêu cầu của Thủ tướng Quốc vụ viện kiêm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Chu Ân Lai (1898-1976), Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc họp phiên đặc biệt cùng nhằm lập ra ban chuyên trách năm người để ứng phó với tình hình. Các vị Diệp Kiếm Anh, chủ nhiệm ban chuyên trách, cùng Vương Hồng Văn (1935-1992), Trương Xuân Kiều (1917-2005), Đặng Tiểu Bình (1904-1997) và Trần Tích Liên (1915-1999) đã nghe Tô Chấn Hoa (1912-1979), Phó Tư lệnh Hải quân báo cáo tình hình và đề nghị phản công.

"Sau khi chiến đấu được 1 giờ 37 phút, chiến hạm số 10 (Nhật Tảo) của Hải quân VNCH bị hư hỏng nặng"

Ban chuyên trách đã ngay lập tức công bố bản hướng dẫn nhằm đánh lại các tuần dương hạm của VNCH tại đảo Vĩnh Lạc. Căn cứ vào bản hướng dẫn này, phía Trung Quốc đã chuẩn bị cho chiến dịch.

Vào 4:10 chiều ngày 18/1, ba tàu tuần dương của Việt Nam đã lập thành một đội hình nhằm tiến vào chỗ hai tàu săn ngầm số 271 và 274 của Trung Quốc. Hai tàu này nhổ neo và lao tới tăng hết tốc lực chặn đội tàu Việt Nam. Các tàu VNCH vì thế đã quay lại.

Vào lúc 7:00 sáng ngày 19/1, hai tàu số 4 và số 5 của VNCH đem hơn 40 binh sỹ đổ bộ vào hai đảo Sâm Hàng (Quang Hòa) và Quang Kim (Quang Hòa Tây). Sau cuộc đổ bộ, hai bên bắt đầu đọ súng.

Một binh sỹ VNCH bị bắn chết, ba người khác bị thương. Chừng 10:22 sáng, bốn tàu Việt Nam bắn vào tàu Trung Quốc, phía Trung Quốc bắn trả. Trong loạt đạn đầu tiên, phía Trung Quốc bắn hỏng ăng-ten cho radar trên tàu số 4 của VNCH. Tàu VNCH số 16 cũng bị tàu chống ngư lôi của Trung Quốc bắn trúng và phải rời khu vực. Các tàu Trung Quốc sau đó tập trung hỏa lực và tàu số 10 của Việt Nam.

Sau khi chiến đấu được 1 giờ 37 phút, các tàu Việt Nam để lại chiến hạm số 10 bị hư hỏng nặng. Tàu này tìm cách bơi đến bãi Linh Dương như không được. Hai tàu số 281 và 282 của Trung Quốc đã bắn chìm nó. Cùng thời gian, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình và Tô Chấn Hoa đã báo cáo lên Mao Trạch Đông và đề nghị Trung Quốc chiếm nốt các đảo do Nam Việt Nam kiểm soát và Mao đã đồng ý. Sau trận hải chiến thành công ngoài biển, quân đội Trung Quốc đã đổ bộ xuống Cam Tuyền, San Hô (đảo Hoàng Sa), Kim Ngân (Quang Ảnh) và chiếm đóng các đảo này.

Trong trận chiến ‘Bảo vệ Tây Sa’ của Trung Quốc, có 18 binh sỹ Trung Quốc bị giết, 67 bị thương và phía Việt Nam có hơn 100 sỹ quan và binh sỹ bị giết hoặc bị thương (74???), 49 người bị bắt làm tù binh.

Giáo sư Lý Hiểu Binh giảng dạy tại Đại học Central Oklahoma và là tác giả cuốn 'A History of the Modern Chinese Army'
 

Phóng đồ trận thủy chiến Hoàng Sa tây (Tài liệu của Trần Đỗ Cẩm). Ảnh góc trên là 4 chiến hạm hải quân Việt Nam Cộng Hòa HQ4, HQ5, HQ10, HQ16 tham dự trận thủy chiến.

Thái độ của Mỹ sau trận Hoàng Sa 1974

BBC - thứ hai, 3 tháng 10, 2011


Ông Henry Kissinger từng đóng vai trò quyết định trong chính sách của Hoa Kỳ với Đông Nam Á nhiều năm liền

Một số tư liệu giải mật gần đây của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho người ta biết rõ hơn về thái độ lưng chừng của Mỹ trước tranh chấp quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đầu thập niên 1970.

Loạt sách Quan hệ Ngoại giao của Hoa Kỳ là hồ sơ chính thức về hoạt động ngoại giao của chính phủ Mỹ bắt đầu từ 1952, tập hợp các văn bản gốc như biên bản cuộc họp, điện tín, thư từ.

Các sử gia của Bộ Ngoại giao Mỹ đã hoàn tất 25 cuốn về chính quyền Kennedy, 34 cuốn về chính quyền Johnson, trong khi ý định làm 54 tập về thời kỳ Nixon và Ford (1969-1976) vẫn còn dở dang.

Biên bản cuộc họp ngày 25/01/1974, một tuần sau trận hải chiến Hoàng Sa (17 - 19 tháng Giêng), tường thuật cuộc họp về Đông Dương do Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger chủ trì.

'Tránh xa'

Đô đốc Thomas H. Moorer, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân, báo cáo: "Chúng ta đã tránh xa vấn đề."

Ngoại trưởng Kissinger hỏi lại: "Chúng ta chưa bao giờ ủng hộ tuyên bố chủ quyền của họ [Nam Việt Nam]?"

Đô đốc Moorer trả lời: "Toàn vùng đó là cả vấn đề. Trường Sa và các đảo khác có cùng vấn đề - đó là lãnh thổ đang tranh chấp. Chúng tôi đã ra lệnh tránh khỏi vùng đó."

Ông Kissinger hỏi "Ai khởi đầu trận chiến ở Hoàng Sa?"

Đô đốc Thomas H. Moorer mô tả: "Một đội tuần tra của Nam Việt Nam trong khu vực phát hiện một số tàu Trung Quốc tiến về các đảo; họ tiến đến và đưa khoảng 75 người lên đảo Duncan (Quang Hòa). Đó là một trong các đảo phía nam của nhóm Nguyệt Thiềm.

"Trường Sa và các đảo khác có cùng vấn đề - đó là lãnh thổ đang tranh chấp. Chúng tôi đã ra lệnh tránh khỏi vùng đó."

Đô đốc Thomas H. Moorer, 25/1/1974

"Họ phải đối đầu với hai đại đội Trung Quốc. Phía Nam Việt Nam phải rút sang các đảo gần đó.

"Bốn tàu Nam Việt Nam và khoảng 11 tàu Trung Quốc sau đó có trận hải chiến trong khi quân Nam Việt Nam rút lui."

Ngoại trưởng Mỹ hỏi tiếp: "Phản ứng của Bắc Việt trước toàn bộ vụ việc là thế nào?"

William Colby, Giám đốc tình báo CIA, nói: "Họ bỏ qua, nói rằng nó nằm dưới Vĩ tuyến 17 và vì thế không có ảnh hưởng đến họ. Nói chung, họ không đưa ra lập trường, không theo bên nào."

Ông William Smyser, từ Hội đồng An ninh Quốc gia, nói thêm: "Nó đặt họ vào tình thế tế nhị. Họ không nói gì cho đến khi đã xong chuyện, và rồi chỉ nói họ lên án việc dùng vũ lực."

Cuộc bàn luận tiếp tục với trình tự như sau:

"Ngoại trưởng Kissinger: Tôi biết họ nói gì rồi, nhưng họ thực sự cảm thấy thế nào?

Đô đốc Moorer: Tôi nghĩ họ lo lắng.

Ông Colby: Bắc Việt có thể muốn có mỏ dầu tại đó.

Ông Clements [Thứ trưởng Quốc phòng]: Đừng quá mơ mộng về khả năng có dầu tại các đảo đó. Đó vẫn là chuyện trên trời. Hiện chẳng có gì ở đấy cả, chỉ là tương lai thôi. Hiện nay dầu hỏa ở đó không khả thi. Chỉ là tiềm năng.

Đô đốc Moorer: Người Pháp nắm giữ các đảo trong thập niên 1930 cho đến khi Nhật chiếm trong Thế chiến. Năm 1955, người Pháp từ bỏ chủ quyền các đảo và Nhật đã làm như thế năm 1951. Nam Việt Nam và Trung Cộng kể từ đó cùng nhận chủ quyền. Philippines có tuyên bố yếu ớt, nhưng chỉ là trên giấy."

Sau đó, Đô đốc Moorer xác nhận lại với Henry Kissinger: "Chỉ thị của tôi là tránh xa khỏi toàn bộ khu vực."

Cũng cần nhắc lại, trong một cuộc gặp trước đó, ngày 23/1/1974 với ông Han Hsu, quyền trưởng phái đoàn liên lạc của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Washington, Ngoại trưởng Kissinger nói: "Hoa Kỳ không có lập trường trong việc ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Nam Việt Nam tại các đảo này."

Bảo vệ Philippines hay không?

Trong một cuộc họp ngày 31/1/1974 của Bộ Ngoại giao, Ngoại trưởng Kissinger khi đó được thông báo: "Không có dấu hiệu Trung Quốc định tiến về Trường Sa. Dẫu vậy, có sự lo ngại đáng kể từ phía Nhật, Philippines và đặc biệt là Nam Việt Nam, mà theo tin báo chí thì hôm nay đã gửi đoàn 200 người ra chiếm một số hòn đảo lâu nay không ai ở trong khu vực Trường Sa."

"Đài Loan đã chiếm ít nhất một đảo và Trung Quốc cũng vậy."

Trong bối cảnh này, Philippines đã hỏi Mỹ liệu Hiệp Ước An ninh Mỹ - Philippines có được dùng nếu quân Philippines kéo ra Trường Sa và bị Trung Quốc tấn công.

Các quan chức Mỹ có mặt trong cuộc họp đồng ý rằng không có câu trả lời rõ rệt và họ muốn để ngỏ sự mơ hồ trong câu trả lời cho Philippines.

Một người trong cuộc họp, ông Hummel, nói: "Tạp âm xung quanh các tuyên bố của chúng ta về những hòn đảo này hẳn đã đủ cho người Philippines hiểu rằng chúng ta không có ý định hay chúng ta không muốn."

Ngoại trưởng Kissinger kết luận: "Câu trả lời của chúng ta là đúng. Chúng ta không nên nói chúng ta sẽ bảo vệ họ."

Chỉ cho đến gần đây, hồi tháng Bảy 2011, Thượng Nghị sĩ Jim Webb, chủ tịch Ủy ban Đông Á và Thái Bình Dương của Thượng viện Mỹ, đã kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích công khai về hiệp ước an ninh Mỹ - Philippines trong tranh chấp Biển Đông.

Ông Jim Webb khi đó nói: "Sự minh bạch của chúng ta trong vấn đề này là vô cùng quan trọng với đồng minh, Philippines và cho toàn vùng Đông Nam Á."/

CIA theo dõi sát trận Hoàng Sa 1974

Vũ Quí Hạo Nhiên

Viết cho BBC từ Little Saigon, California

BBC - thứ hai, 30 tháng 12, 2013

Bốn mươi năm trước, Trung Quốc tấn công Hoàng Sa, đánh bật lực lượng hải quân Việt Nam Cộng Hòa đồn trú tại đó và chiếm đóng quần đảo này từ đó.

Trận hải chiến kéo dài chưa tới hai ngày dẫn đến việc Trung Quốc chiếm trọn quyền kiểm soát quần đảo này.

̣Điện tín của CIA cũng theo dõi phản ứng từ Bắc Việt khi đó

Bị ràng buộc bởi Hiệp định Paris, Hạm đội 7 Mỹ nằm ngoài khơi Thái Bình Dương không can thiệp một chút gì vào cuộc chiến này cả, nhưng điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ không quan tâm: Hồ sơ bạch hóa của CIA cho thấy họ theo dõi trận chiến và tường trình lên tổng thống Mỹ mỗi ngày.

Không phải tới năm 1973 Mỹ mới theo dõi tình hình Hoàng Sa.

Hầu hết những động thái trước đó của Trung Quốc liên quan đến quần đảo này đều được CIA ghi nhận, kể cả lời tuyên bố đường lưỡi bò 12 hải lý năm 1958.

Những thông tin này được tóm tắt trong bản Central Intelligence Bulletin (“CIB”), một bản tin tình báo hàng ngày của CIA nộp cho Tổng thống và các viên chức cao cấp.

Gia tăng hoạt động

Ngày 16 tháng 6 năm 1971, một bản CIB báo tin Bắc Kinh gia tăng hoạt động trong vùng quần đảo Hoàng Sa:

“Những đoàn công voa hải quân từ Yu-lin (Du Lâm) trên đảo Hải Nam hiện tới Hoàng Sa thường xuyên, nhất là Woody Island (đảo Phú Lâm), một trong những đảo lớn nhất trong nhóm. Bảo vệ đoàn tàu chủ yếu là tàu khu trục, là tàu chiến lớn nhất trong hạm đội Nam Hải của Trung Quốc.”

Bản CIB này cho biết Trung Quốc “đang xây một bến đậu, vét một con kênh, xây một cây cầu, và dựng nhiều tòa nhà mới trên đảo.”

Chiến hạm Nhật Tảo của VNCH đã tham gia bảo vệ Hoàng Sa

Bản CIB cũng khuyến cáo là trong tình trạng nhiều nước cùng tranh chủ quyền Hoàng Sa, những hoạt động xây cất này củng cố thêm đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.

Hồ sơ CIA cũng nhận xét rằng Trung Quốc từ nhiều năm đã giữ một đài truyền thông và quan sát trên đảo Phú Lâm và ngư dân Trung Quốc dùng Hoàng Sa làm nơi trú ẩn và lấy tổ yến.

Tới tháng 1/1974, giao tranh xảy ra giữa Trung Quốc và Việt Nam Cộng Hòa tại Hoàng Sa.

Bản tin CIB đề ngày 18/1 (giờ Washington, tức 17/1 giờ Việt Nam) báo động là “Trung Quốc và Nam Việt Nam có thể đã giao tranh hôm 16/1 vì Trung Quốc chiếm đảo Robert Island (đảo Hữu Nhật).

Sài Gòn (ý nói CIA tại Sài Gòn) báo cáo là binh sĩ Nam Việt Nam bắn vào phía Trung Quốc khi những người này dựng lều và cắm cờ trên đảo. Phía Nam Việt Nam cũng cho rằng quân Trung Quốc đã đổ bộ xuống hai đảo nữa trong nhóm đảo Lưỡi Liềm (còn gọi là Nguyệt Thiềm).”

Bản tin CIB nhận xét rằng trước trận giao tranh này, vụ đụng độ duy nhất trước đó là năm 1959 khi phía VNCH bắt một số ngư dân Trung Quốc trong nhóm đảo Lưỡi Liềm và vài ngày sau thả họ ra.

Đến hôm sau, bản tin CIB ngày 19/1 báo tin “lực lượng Trung Quốc và Nam Việt Nam giao tranh trên một hòn đảo của Hoàng Sa, đươc cho biết là Duncan Island (đảo Quang Hòa). Bản tin này, với nhiều đoạn còn chưa được bạch hóa, đưa tin rằng có 74 thủy quân lục chiến Việt Nam đổ bộ lên đảo và “bị khoảng hai đại đội Trung Quốc bao vây.”

“Phía Nam Việt Nam báo tin có 3 thủy quân lục chiến bị giết và 2 bị thương, và hiện đã rút lực lượng ra khỏi đảo.”

Bản tin ngày 21/1, tóm tắt trận hải chiến, ghi nhận “quân đội Trung Quốc và Nam Việt Nam giao tranh hôm qua (tính ra là ngày 19/1) trong ngày thứ nhì, với phía Trung Quốc chiếm trọn phần kiểm soát quần đảo Hoàng Sa.”

Bản tin này, đi kèm một trang bản đồ Hoàng Sa, trích lời “phát ngôn viên Nam Việt Nam” cho biết:

"Một bức điện tín khác đề ngày 21/1 cho rằng Bắc Việt Nam 'lúng túng' trước trận chiến Hoàng Sa"

“Phía Trung Quốc sau khi không kích vào sáng hôm qua thì tiếp theo với cuộc đổ bộ vào các đảo Pattle, MOney, và Robert (Hoàng Sa, Quảng Ảnh, Hữu Nhật). Các lực lượng hải và không quân của Sài Gòn đã được lệnh rút ra khỏi vùng này, và phía Nam Việt Nam đã bỏ lại quân đội trên đảo. Trong số người bị bỏ lại là một sĩ quan liên lạc người Mỹ, thuộc văn phòng tùy viên quốc phòng (DAO).”

Một số tài liệu khác cho thấy viên sĩ quan này khi đó đã giải ngũ, và trở thành một nhân viên dân sự của DAO tên là Gerald Kosh, sau đó có viết báo cáo chi tiết về trận chiến nộp cho Bộ binh Hoa Kỳ.

“Cho tới gần đây,” bản tin viết tiếp, “phía Nam Việt Nam chỉ duy trì sự hiện diện trên đảo Hoàng Sa. Sự xuất hiện của binh sĩ Sài Gòn trên các đảo lân cận có thể đã kích thích cho hoạt động quân sự của Bắc Kinh.”

Tới ngày 29/1, bản tin CIB cho biết Trung Quốc bắt đầu trả tù binh, khởi đầu với Gerald Kosh và năm quân nhân VNCH bị thương, sẽ được chuyển cho Hồng thập tự tại biên giới Hong Kong ngày 31/1.

CIA cũng quan tâm đến một chi tiết do một sĩ quan Việt Nam nói với phóng viên Washington Post, cho rằng vài ngày trước trận hải chiến, VNCH quan sát tàu chiến Liên Xô đi qua vùng biển này.

Bài báo này khiến CIA phải kiểm chứng lại, và trả lời trong một bức điện gửi từ trung tâm điều hành Operation Center của CIA đến phòng Situation Room của Nhà Trắng.

Bức điện tín đề ngày 23/1 bác bỏ chi tiết này và viết, “Không một chiếc tàu chiến Xô-viết nào đến gần quần đảo Hoàng Sa từ sau tháng 11 năm ngoái, dù có một tàu tuần dương, một tàu khu trục, và ba tàu ngầm đi băng qua biển Nam Hải (biển Đông) trên đường đến Ấn Độ Dương.

Liên Xô lo Trung Quốc

Hải quân Xô-viết tỏ ra đặc biệt không quan tâm đến vụ Hoàng Sa: Tàu Xô Viết neo ở biển Nam Hải để thu thập tình báo vẫn theo dõi căn cứ hải quân Hoa Kỳ ở Subic Bay, Philippines, thay vì sự việc ở Hoàng Sa.”

Bản đồ Hoàng Sa của Hoa Kỳ ghi nhận hoạt động xây cất từ phía TQ

Trong khi CIA tường thuật là cả Việt Nam Cộng Hòa lẫn Trung Quốc đều khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa, thì một bức điện tín khác đề ngày 21/1 cho rằng Bắc Việt Nam “lúng túng” trước trận chiến này.

Bức điện tín trích báo chí Pháp cho hay “nguồn tin được phép nói” (authorized sources) của Hà Nội phát biểu rằng giữ gìn chủ quyền lãnh thổ là một “nghĩa vụ thiêng liêng” của mọi quốc gia, nhưng ngược lại cũng cho rằng “những tranh chấp nhiều khi phức tạp đối với lãnh thổ và ranh giới giữa hai nước láng giềng cần được xem xét kỹ lưỡng và thận trọng.”

Liên Xô, ngược lại, không ngại ngần dùng trận chiến này để bêu xấu Trung Quốc.

Bản tin CIB ngày 21/3/1974 cho rằng: “Bộ máy tuyên truyền của Moscow đã dùng sự kiện Hoàng Sa và việc Trung Quốc ủng hộ phiến quân ở Miến Điện để lợi dụng sự nghi ngại truyền thống của Nam và Đông Nam Á đối với Trung Quốc.”

Bản tin này cũng cho rằng “Moscow có thể cũng lo ngại rằng việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa là bằng chứng của một sự hiểu ngầm giữa Bắc Kinh và Washington về khu vực.”

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo Vũ Quý Hạo Nhiên ở California, Hoa Kỳ. BBC sẽ tiếp tục đăng tải các bài về chủ đề hải chiến Trường Sa và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

BBC - Thứ Ba, 24 tháng 3, 2009

Im lặng nhưng không đồng tình

Tiến sĩ Balazs Szalontai

Viết riêng cho BBCVietnamese.com

Hà Nội không nhắc đến lực lượng Việt Nam Cộng Hòa tham gia trận Hoàng Sa 1974

Tháng Giêng 1974, khi hải quân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đánh chiếm Hoàng Sa và buộc quân đội Nam Việt Nam rút khỏi đó, ban lãnh đạo Bắc Việt không hề có phát ngôn công khai, dù là ủng hộ hay phản đối.

Báo chí Bắc Việt không hề đề cập vụ đụng độ giữa Sài Gòn và Bắc Kinh. Phản ứng chính thức duy nhất trước cuộc xâm lăng của Trung Quốc là một tuyên bố ngắn gọn, thận trọng của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam, kêu gọi có giải pháp thương lượng và hòa bình về mọi tranh cãi lãnh thổ.

Kho lưu trữ Hungary

Kể từ đó, sự im lặng của Hà Nội đã thường bị xem là thể hiện sự đồng tình của ban lãnh đạo trước hành động của Trung Quốc. Theo đó, thái độ thụ động của Bắc Việt hẳn là do sự thừa nhận ngầm về chủ quyền lịch sử của Bắc Kinh. Quan điểm này được hỗ trợ nhờ thông báo năm 1956 của Ung Văn Khiêm gửi tham tán Trung Quốc về chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa - gợi ý rằng "im lặng có nghĩa là đồng thuận". Quan điểm này nói nếu Bắc Việt không tán thành cuộc xâm lăng, thì phải nói ra chứ.

Iim lặng của miền Bắc chủ yếu là do cân nhắc chiến thuật ngắn hạn của Hà Nội.

Balazs Szalontai

Nhưng tài liệu tôi tìm thấy từ Kho Lưu trữ Quốc gia Hungary lại kể một câu chuyện khác. Chúng gợi ý rằng sự im lặng của miền Bắc chủ yếu là do cân nhắc chiến thuật ngắn hạn của Hà Nội, chứ không phải vì sự đồng ý về pháp lý giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Sau vụ xâm lấn, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch nói với đại sứ Hungary ở Hà Nội rằng "có nhiều văn bản và dữ liệu về quần đảo của Việt Nam". Các cán bộ khác của miền Bắc nói với các nhà ngoại giao Hungary rằng theo họ, xung đột giữa Trung Quốc và chính thể Sài Gòn chỉ là tạm thời; họ nói sau đó, "vấn đề này sẽ là vấn đề cho cả quốc gia Việt Nam." Khác với Bắc Kinh, Hà Nội không hề xem vụ việc đã khép lại. Một vụ trưởng của Bộ Ngoại giao Bắc Việt nói với Hungary rằng chính phủ miền Bắc dự tính sẽ họp với Trung Quốc để làm rõ vấn đề.

Tháng Chín 1975, Tổng Bí thư Lê Duẩn nêu vấn đề Hoàng Sa trong chuyến thăm Trung Quốc. Phản ứng không khoan nhượng của Bắc Kinh rõ ràng làm lãnh đạo Việt Nam bực mình. Sang tháng 11, một cán bộ Việt Nam nói với nhà ngoại giao Hungary rằng Hoàng Sa "là phần không thể tách rời của Việt Nam và chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ chủ quyền với các đảo nhiều dầu hỏa này có tầm quan trọng chiến lược."

Dấu hiệu phản đối của Việt Nam, gián tiếp nhưng rõ rệt, đã xuất hiện từ những tháng đầu của 1974. Sau khi Trung Quốc chiếm đảo, Bắc Việt bắt đầu gây khó khăn cho Hoa kiều khi muốn thăm thân nhân ở đại lục, và cũng không cho nhiều công dân đại lục sang miền Bắc thăm người thân. Nếu Hà Nội đồng ý cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, hẳn những cử chỉ này đã không xảy ra.

Tham vọng lãnh thổ của Hà Nội không phải xuất phát từ việc làm đồng minh của Liên Xô mà đó là mục tiêu của Việt Nam mà thôi. Thực ra, các bản đồ Liên Xô sau năm 1950 đều đánh dấu Hoàng Sa là của Trung Quốc, và vì thế thật khó cho Kremlin công khai phản đối Trung Quốc.

Tính toán

Hà Nội không vui khi Gerald Ford gặp Leonid Brezhnev năm 1974

Nhưng nếu Bắc Việt phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, tại sao họ im lặng trong trận đánh và cũng đã yêu cầu Moscow im lặng? Để trả lời, ta phải phân tích kỹ quan hệ Trung-Việt và Xô-Việt trong giai đoạn 1972-74.

Năm 1972 và nửa đầu năm 1973, lãnh đạo Hà Nội rõ ràng bất mãn trước quan hệ cải thiện của Mỹ và Trung Quốc. Theo họ, Trung Quốc đã hy sinh quyền lợi Việt Nam. Nhưng cuối 1973 đầu 1974, quan hệ Trung - Mỹ bắt đầu xấu đi, vì Mao Trạch Đông kết luận rằng chính sách của Washington về Đài Loan và Liên Xô không đáp ứng mong đợi của ông. Tình hình mới buộc Bắc Kinh và Hà Nội linh động hơn với nhau.

Vào cuối năm 1973 và đầu 1974, giới ngoại giao Liên Xô ở Hà Nội ghi nhận phía Trung Quốc bắt đầu mềm mỏng hơn trong giao dịch với Bắc Việt - có lẽ vì nếu xảy ra đồng thời xung đột với cả Mỹ và Bắc Việt, quyền lợi của Trung Quốc sẽ bị nguy hại.

Lãnh đạo Bắc Việt dĩ nhiên chẳng thích gì phe Mao tuyển đang một lần nữa thắng thế trên chính trường Trung Quốc. Nhưng họ không thích Chu Ân Lai, kiến trúc sư trong hòa giải Mỹ - Trung và nay cũng là đối tượng tấn công của phe Mao tuyển. Có thể họ hy vọng sự hòa giải Mỹ - Trung sẽ phần nào bị đảo ngược và vì thế muốn tránh gây hấn với Bắc Kinh - đặc biệt vì Hiệp định Paris 1973 đã không chấm dứt giao tranh giữa chính quyền Thiệu và quân cách mạng.

Tháng Chín 1973, Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng nói với Fidel Castro rằng nếu miền Nam tiếp tục tấn công "vùng giải phóng", quân cộng sản sẽ đánh lại cho đến khi chính phủ Thiệu sụp đổ. Trong hoàn cảnh đó, rõ ràng Bắc Việt cần có hòa hoãn tạm thời với Trung Quốc.

Thời điểm Trung Quốc lấn chiếm cho thấy Bắc Kinh muốn hành động trước khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ - tức là trước khi Hà Nội có thể giành lấy các hòn đảo tranh chấp

Balazs Szalontai

Thái độ thận trọng của Bắc Việt với Trung Quốc cũng còn là vì Hà Nội không tin Liên Xô. Nếu họ đã không thích sự gần gũi Mỹ - Trung thì họ cũng chẳng ưa gì việc Mỹ - Xô hòa hoãn. Cuộc hội đàm của Nixon ở Moscow và Brezhnev ở Vladivostok với Gerald Ford rõ ràng bị Hà Nội chau mày.

Về phần mình, Liên Xô cảm thấy sự hung hăng của đồng minh Bắc Việt có thể dẫn tới rắc rối to trên trường quốc tế. Tháng 11.1974, chỉ vài tháng trước khi Hà Nội đánh thắng miền Nam, đại sứ Liên Xô Shcherbakov nói với các đồng nghiệp Đông Âu rằng Moscow quyết tâm ngăn chiến tranh bùng nổ ở Việt Nam, vì nó đi ngược lại mục tiêu căn bản trong chính sách toàn cầu Liên Xô.

Lời nói của Shcherbakov để lộ ra là Liên Xô muốn giảm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Bắc Việt hơn là hỗ trợ Hà Nội dùng vũ lực thống nhất đất nước. Cuối năm 1973, phái đoàn của Phạm Văn Đồng, khi đi thăm Đông Đức, đã công khai tuyên bố chính sách hòa hoãn của Moscow chẳng đem lại kết quả tích cực ở châu Âu, và nói cả Liên Xô và Trung Quốc đều có cống hiến lớn cho phong trào cộng sản quốc tế. Tức là trong năm 1973-74, Hà Nội vẫn không chịu theo phe nào giữa Liên Xô và Trung Quốc.

Tóm lại, có lẽ chúng ta không thể dùng nguyên tắc "im lặng là đồng ý" để giải thích hành vi của Hà Nội trong trận hải chiến Trung Quốc - Nam Việt Nam. Sự thụ động tạm thời của Bắc Việt phản ánh tính toán chiến thuật chứ không mang tính chiến lược hay pháp lý.

Trong khi đang còn đánh nhau với miền Nam và nghi ngờ Kremlin, Hà Nội ắt hẳn cảm thấy họ không thể cùng đối đầu với Bắc Kinh. Nhưng ngay sau khi chính quyền Thiệu sụp đổ, Bắc Việt không ngần ngại kêu đòi Hoàng Sa.

Thời điểm Trung Quốc lấn chiếm cho thấy Bắc Kinh muốn hành động trước khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ - tức là trước khi Hà Nội có thể giành lấy các hòn đảo tranh chấp.

Về tác giả: Tiến sĩ Balazs Szalontai từng dạy ở Đại học Khoa học Công nghệ Mông Cổ và hiện là một nhà nghiên cứu độc lập ở Hungary. Ông là tác giả cuốn sách Kim Nhật Thành trong thời kỳ Khruschev (Đại học Stanford và Trung tâm Woodrow Wilson xuất bản, 2006).

Di sản cự̣u Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu

BBC - thứ sáu, 23 tháng 9, 2011

 

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (trái) trao đổi với Tổng thống Hoa Kỳ Johnson.

Cựu bí thư Hoàng Đức Nhã nói về di sản của cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, Nguyễn Văn Thiệu và "bi kịch" mất Hoàng Sa.

Trả lời Quốc Phương của BBC Việt ngữ nhân 10 năm ngày mất của ông Thiệu 29/9/2001, ông Nhã nói:

"Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là người ái quốc, có đường lối lãnh đạo quốc gia rất rõ ràng theo quy định của Hiến pháp mà không phải là người bất chấp Hiến pháp,"

Ông Hoàng Đức Nhã, cựu Bí thư kiêm Tham vụ Báo chí của cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nói qua điện thoại từ Hoa Kỳ:

"Cho đến hơi thở cuối cùng, dù không còn làm Tổng thống nữa, ông vẫn muốn tập thể Việt Nam ở hải ngoại hậu thuẫn giúp cho đồng bào ở trong nước vẫn sống trong một chế độ không được dân chủ ở Việt Nam hiện nay."

Ông Nhã cũng thuật lại phản ứng và cho biết quan điểm của ông Thiệu trong lúc xảy ra sự kiện Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974.

Ông Nhã khẳng định ông Thiệu đã ngay lập tức chỉ đạo chính quyền, ngoại giao và quân đội Việt Nam Cộng hòa phản đối hành động "xâm lăng" khi hạm đội của Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa.

Trong một công bố với tư cách người làm chứng, ông Hoàng Đức Nhã thuật lại, dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Thiệu, ông đã "gọi điện cho đại sứ Hoa Kỳ" và chất vấn vì sao Hoa Kỳ "không thông báo" cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa:

"Sao Hoa Kỳ thấy như vậy với bao nhiêu phương tiện quan sát điện tử, thấy sự di chuyển của hạm đội Trung Quốc lại không cho phía Việt Nam Cộng hòa biết."

Ông Nhã cho biết ông và Tổng thống Thiệu đã "không tin" khi nghe đại sứ Hoa Kỳ lúc đó, ông Graham Martin nói rằng phía Hoa Kỳ "không thể thấy được".

Ông Hoàng Đức Nhã nói ông đã chất vấn Đại sứ Martin rằng chuyện một hạm đội di chuyển mà người Mỹ "không thấy" thì quả là khó tin.

Toàn văn cuộc phỏng vấn về di sản của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và nhiều câu hỏi chưa có giải đáp sẽ được BBC Việt ngữ đăng vào tuần tới./

Một số hình ảnh trận thủy chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974

Phóng đồ trận thủy chiến. Tài liệu của Trần Đỗ Cẩm


Soái hạm 274 của hải quân Trung cộng.

 

Chiến hạm Trung cộng áp sát khiêu khích chiến hạm VNCH

 

Phóng đồ kế hoạch điều quân. Tài liệu của Trần Đỗ Cẩm

 

Phóng đồ trận thủy chiến. Tài liệu của Trần Đỗ Cẩm

 

 

 

 

Mít tinh tại Saigon năm 1974 đả đảo Trung cộng xâm lăng Hoàng sa. Tài liệu của Tổng cục CTCT.

 Mít tinh tại Saigon đả đảo Trung cộng xâm lược Hoàng Sa. Tài liệu của Tổng cục CTCT.

+++++++++++++++++

Đài truyền hình Đồng Nai chiếu trận hải chiến Hoàng Sa 1974

Chủ nhật, 16/12/2012, 21:48 (GMT+7)

(Hải chiến Hoàng Sa 1974) - Đài truyền hình Đồng Nai trình chiếu phim tài liệu về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đưa ra những bằng chứng về trận hải chiến Hoàng Sa 1974 do các nhà làm phim của chính quyền Việt Nam Cộng hòa thực hiện khoảng 1 tháng sau sự kiện đó. Sự kiện Hoàng Sa tháng 1/1974 là một cuộc xâm lược một vùng đất có chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam.

Ban biên tập xin gửi đến quý độc giả bộ phim tài liệu quý giá này.

Mời các bạn xem thêm sự thật về sự kiện Hoàng Sa 1974

Cách đây hơn 3 thập kỷ, ngày 19/01/1974, quân đội Trung Quốc đã tấn chiếm quần đảo Hoàng Sa, lúc này đang do chính quyền Sài Gòn quản lý.

Sự kiện Hoàng Sa tháng 1/1974 là một cuộc xâm lược một vùng đất có chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam.

Hơn ba thập kỷ qua, trong bối cảnh quan hệ Việt-Trung có những bước thăng trầm, Việt Nam vẫn luôn khẳng định Hoàng Sa cùng với Trường Sa là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của mình. Bởi vì chủ quyền ấy đã được minh chứng bằng thời gian và lịch sử của nhiều thế kỷ những cư dân và Nhà nước Việt Nam đã quản lý và khai thác vùng lãnh thổ trên biển Đông này.


Sự xác lập chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa (cũng như với Trường Sa) được minh chứng không chỉ bằng những tài liệu do người nước ngoài ghi chép như sách Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán viết năm 1696, hay của nhiều tác giả Tây phương như Le Poivre(1749), J,Chaigneau (1816-1819), Taberd (1833), Gutzlaff (1849)…; cũng như những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể liên quan đến hoạt động của các Đội Hoàng Sa xưa ở cửa biển Sa kỳ và đảo Lý Sơn (Cù lao Ré), mà còn được ghi lại trên nhiều thư tịch, trong đó có những văn bản mang tính chất Nhà nước của Việt Nam.

Cho đến nay chúng ta vẫn có bằng chứng đầy đủ về chủ quyền của nhà nước Đại Việt (gồm cả Đàng Ngoài của các chúa Trịnh và Đàng Trong của các chúa Nguyễn đều tôn phò nhà Lê) qua Thiên Nam Tứ chí Lộ Đồ Thư trong Hồng Đức Bản Đồ hay Toản Tập An Nam Lộ trong sách Thiên Hạ Bản Đồ (của Đỗ Bá Công soạn năm Chính Hoà thứ 7-1686) và sách Phủ Biên Tạp Lục của bác học Lê Quý Đôn (1776)…

Tấm bản đồ trong Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ được vẽ theo bút pháp đương thời với lời chú rất rõ ràng:

“Giữa biển có một dải cát dài gọi là Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) dài tới 400 dặm… Họ Nguyễn mỗi năm và cuối mùa Đông đưa 18 chiếc thuyền đến đấy lấy hàng hoá, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn…”

Còn bản đồ vẽ trong Toản Tập An Nam Lộ thì ghi chú rất rõ địa danh Bãi Cát Vàng trên biển khơi phía trước của những địa danh trên đất liền như các cửa biển Đại Chiêm, Sa Kỳ, Mỹ Á, phủ Quảng Nghĩa và các huyện Bình Sơn, Chương Nghĩa, Mộ Hoa.

Với sách Phủ Biên Tạp Lục của nhà bác học Lê Quý Đôn (1776), Hoàng Sa còn được mô tả kỹ hơn. Năm 1775, Lê Quý Đôn được Chúa Trịnh cử vào vùng đất Phú Xuân lãnh chức Hiệp trấn để lo việc bình định hai trấn mới thu hồi được từ Chúa Nguyễn là Thuận Hoá và Quảng Nam. Sách dành nhiều trang để mô tả về các “Đội Hoàng Sa” và “Bắc Hải” của chúa Nguyễn tổ chức cho dân vùng Tư Chính, Quảng Ngãi tổ chức thường kỳ việc vượt biển đến Hoàng Sa để thu luợm các sản vật đem về đất liền. Những tư liệu thu thập tại địa phương xã An Vĩnh (Cù lao Ré) còn nói tới “Đội Quế hương” cũng là một hình thức tổ chức do dân lập xin phép nhà nước được ra khai thác ở Hoàng Sa.

Qua thời Nguyễn, kể từ đầu thế kỷ XIX, trong điều kiện nước Việt Nam (dưới triều Gia Long) và Đại Nam (kể từ triều Minh Mạng) đã chấm dứt tình trạng cát cứ và phân tranh, thống nhất quốc gia thì việc quản lý lãnh thổ được ghi chép đầy đủ và lưu trữ tốt hơn. Tấm bản đồ được lập thời Minh Mạng Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ vẽ rất rõ cả một dải lãnh thổ gồm những đảo trên biển Đông được ghi chú là “Vạn lý Trường Sa” (tên gọi chung cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo quan niệm đương thời).

Hai bộ sách địa lý quan trọng của triều Nguyễn là phần Dư Địa Chí trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (1821) và sách Hoàng Việt Địa Dư Chí (1833) đều đề cập tới Hoàng Sa trong phần viết về phủ Tư Nghĩa và đều chép lại những nội dung của các tài liệu trước, trong đó có hoạt động của các “Đội Hoàng Sa”.

Bộ chính sử Đại Nam Thực Lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn liên tục cho đến thập kỷ đầu của thế kỷ XX đều nhiều lần ghi lại các sự kiện liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa như một bộ phận của lãnh thổ quốc gia. Ngay trong phần Tiền Biên chép về các tiên triều, bộ biên niên sử này cũng nêu lại những sự kiện từ thời các Chúa Nguyễn liên quan đến các quần đảo này.

Một thống kê cho thấy trên bộ sử này, trong phần chính biên ghi chép cho đến thời điểm in khắc đã có 11 đoạn viết về những sự kiện liên quan đến hai quần đảo này. Nội dung cụ thể như là việc nhà nước điều cho thuỷ quân và Đội Hoàng Sa ra đảo để “xem xét và đo đạc thuỷ trình” (quyển 50,52…đời Gia Long); cử người ra Hoàng Sa “dựng miếu, lập bia, trồng cây”, “vẽ bản đồ về hình thế”, “cắm bài gỗ dựng dấu mốc chủ quyền” (quyển số 104, 122, 154, 165 đời Minh Mạng).

Ngoài ra còn các bộ sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ(1851) cũng ghi rõ những công việc nhà nước Đại Nam đã thực thi trên lãnh thổ Hoàng Sa. Và đặc biệt quý giá là những châu bản của các vị vua triều Nguyễn (tức là có thủ bút của nhà vua) có liên quan đến Hoàng Sa. Giá trị của những văn bản gốc này là sự thể hiện quyền lực của người đứng đầu quốc gia đối với vùng lãnh thổ này. Ví như, phê vào phúc tấu của bộ Công ngày 12-2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua viết :”Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4,5 thước (ta), rộng 5 tấc, khắc sâu hàng chữ “Năm Bính Thân Minh Mạng thứ 17, họ tên cai đội thuỷ quân phụng mệnh đi đo đạc, cắm mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu”; hay các châu phê về việc thưởng phạt người có công tội khi thực thi trách nhiệm ở Hoàng Sa, đạc vẽ bản đồ v.v…

Mãi đến năm 1909, lần đầu tiên Trung Quốc mới đề cập đến chủ quyền của mình đối với khu vực lãnh thổ này. Điều đó cho thấy, trong suốt 3 thế kỷ trước đó (XVII-XIX), các tài liệu thư tịch của Nhà nước Việt Nam kế thừa nhau đã liên tục thể hiện chủ quyền lịch sử và thực tiễn quản lý‎ đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa.

Đến cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, Pháp với tư cách bảo hộ Việt Nam đã tiến hành quản lý Hoàng Sa – Trường Sa. Trong những lần tranh cãi giữa chính quyền bảo hộ Pháp và Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa, Pháp đã 2 lần yêu cầu Trung Quốc đưa vấn đề ra toà án quốc tế giải quyết, nhưng Trung Quốc không đồng ý.

Chủ quyền của Việt Nam còn được các nước thừa nhận ở một Hội nghị quốc tế quan trọng. Tháng 9/1951, tại Hội nghị Sanfrancisco, với 46/51 phiếu, các nước đã bác bỏ đề nghị trao Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Cũng tại Hội nghị này, đại diện chính quyền Việt Nam lúc đó đã tuyên bố chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có nước nào phản đối.

Chính phủ Sài Gòn, sau đó là cả Chính phủ Sài Gòn và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, cũng đều thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Dưới đây là một vài bằng chứng:

Năm 1956, lực lượng hải quân của Chính quyền Sài Gòn tiếp quản các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi Pháp rút quân về nước.

Năm 1956, Sở Hầm mỏ, kỹ nghệ và tiểu công nghiệp miền Nam tổ chức một cuộc khảo sát với sự giúp đỡ của hải quân của Chính quyền Sài Gòn trên 4 đảo: Hoàng Sa (Pattle), Quang Ảnh (Money), Hữu Nhật (Robert), Duy Mộng (Drumond).

Ngày 22-10-1956, Chính quyền Sài Gòn đặt quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy.

Ngày 13-7-1961, Chính quyền Sài Gòn đặt quần đảo Hoàng Sa, trước kia thuộc tỉnh Thừa Thiên, vào tỉnh Quảng Nam và thành lập tại quần đảo này một xã lấy tên là xã Định Hải, trực thuộc quận Hoà Vang và đặt dưới quyền một phái viên hành chính.

Từ 1961 đến 1963, chính quyền Sài Gòn lần lượt cho xây bia chủ quyền ở các đảo chính của quần đảo Trường Sa như: Trường Sa, An Bang, Song Tử Tây, v v…

Ngày 21-10-1969, Chính quyền Sài Gòn sáp nhập xã Định Hải vào xã Hoà Long cũng thuộc quận Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam.

Tháng 7-1973, Viện Khảo cứu nông nghiệp thuộc Bộ Phát triển nông nghiệp và điền địa Sài Gòn tiến hành khảo sát đảo Nam Ai (Nam Yết) thuộc quần đảo Trường Sa.

Tháng 8-1973, với sự hợp tác của Công ty Nhật Maruben Corporation, Bộ Kế hoạch và phát triển quốc gia Sài Gòn tiến hành khảo sát phốt phát ở quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 6-9-1973, Chính quyền Sài Gòn sáp nhập các đảo Trường Sa, An Bang, Itu Aba, Song Tử Đông, Song Tử Tây, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Ai, Sinh Tồn và các đảo phụ cận vào xã Phước Hải, Quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.


Trận hải chiến sinh tử tháng 1/1974

Có ý thức về chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, các chính quyền miền Nam Việt Nam đều bảo vệ chủ quyền đó mỗi khi có nước ngoài biểu thị ý đồ tranh giành hay xâm chiếm đảo nào đó trong hai quần đảo.

Ngày 16-6-1956, Bộ Ngoại giao chính quyền Sài Gòn tuyên bố một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Đồng thời cũng trong năm này, Chính quyền Sài Gòn đã kịch liệt phản đối việc Trung Quốc chiếm nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ngày 22-2-1959, Chính quyền Sài Gòn bắt giữ trong một thời gian 82 “ngư dân” Trung Quốc đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng và Quang Hoa trong quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 20-4-1971, Chính quyền Sài Gòn khẳng định một lần nữa quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Ngày 13-7-1971 Ngoại trưởng chính quyền Sài Gòn khẳng định một lần nữa chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo đó trong cuộc họp báo ngày 10-7-1971.

Đỉnh điểm xung đột xảy ra vào tháng 1/1974, khi nhiều tàu chiến của quân đội Trung Quốc tiến hành đánh chiếm cụm đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 11-1-1974 khi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đang được chính quyền Sài Gòn quản lý, là một phần lãnh thổ của họ. Ngay sau tuyên bố nói trên, hải quân Trung Quốc đã mở màn chiến dịch xâm chiếm Hoàng Sa bằng cách tung nhiều chiến hạm và tàu đánh cá vũ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa.

Ngày 12-1-1974, ngoại trưởng Vương Văn Bắc của chính quyền Sài Gòn đã cực lực bác bỏ luận điệu ngang ngược và lên án hành động gây hấn của Trung Quốc

Ngày 16/1/1974, Chính quyền Sài Gòn đã ra tuyên bố với những bằng chứng rõ ràng về pháp lý, địa lý, lịch sử của Việt Nam đối với hai quần đảo. Đồng thời Bộ tư lệnh Hải quân Sài Gòn đã đưa bốn chiến hạm ra vùng biển Hoàng Sa để ngăn chặn các hoạt động vi phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa của lực lượng vũ trang Trung Quốc nhưng với thái độ ôn hoà, kiềm chế.

Ngày 18/01/1974, Trung Quốc tăng viện thêm quân, chiến hạm tới quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 19/01/1974, Trung Quốc và Việt Nam Cộng hoà đã có trận hải chiến ở khu vực đảo Quang Hoà.

Ông Lữ Công Bảy, người đã có mặt trong cuộc hải chiến Hoàng Sa 35 năm trước trong vai trò là thượng sĩ giám lộ trên chiến hạm HQ-4 hồi tưởng lại: “Đúng 8g30, phía Trung Quốc nổ súng trước. Một loạt đạn đại liên và cối 82 bắn vào đội hình người nhái Việt Nam làm hai binh sĩ tử thương và hai bị thương. Nhưng chỉ huy phía Việt Nam không thể ra lệnh cho các tàu nổ súng vì lực lượng người nhái đang ở vị trí cực kỳ nguy hiểm.

Đúng 10g20, bốn chiến hạm HQ-4, HQ-5, HQ-10, HQ-16 đồng loạt khai hỏa. Như đã chuẩn bị trước, hạm trưởng Vũ Hữu San ra lệnh “bắn”. Chiến hạm di chuyển với tốc độ cực nhanh, khói đen bốc lên ngùn ngụt, thân tàu rung lên bần bật vì trúng đạn, vì tiếng dội của các khẩu đại bác vừa khai hỏa.

Chiến hạm HQ-4 chạy uốn lượn như con rắn, hết sang phải lại sang trái nên đã tránh được loạt đạn đại bác của đối phương. Thế rồi các cột nước bùng lên, đạn rít xung quanh tàu vèo vèo. Một mảnh đạn phạt lủng đài chỉ huy, văng ra trúng chân trung úy Roa đang cố gắng theo dõi tàu Trung Quốc qua màn hình rađa. Thượng sĩ nhất giám lộ Ry trúng mảnh đạn nơi cánh tay trái. Hạ sĩ giám lộ Phấn, xạ thủ đại liên 30 trên nóc đài chỉ huy, bị thương nơi ngực, máu thấm đỏ cả áo. Tiếng la ơi ới của các anh em bị thương vọng lên đài chỉ huy.

Trong bộ đàm tôi đã nghe tiếng bạn tôi, trung sĩ nhất giám lộ Vương Thương, báo cáo: HQ-10 đã bị trúng đạn, hạm trưởng Ngụy Văn Thà tử thương, hạm phó Thành Trí trọng thương ngay bụng. Hầu hết sĩ quan, hạ sĩ quan và thủy thủ trên đài chỉ huy đều bị tử thương và bị thương rất nặng” (Trích Hoàng Sa – tường trình 35 năm sau: 30 phút và 35 năm – Nguồn: Tuổi Trẻ).

Trận hải chiến chỉ diễn ra trong vòng 30 phút. 74 binh sỹ Việt Nam Cộng hòa đã hi sinh.

Ngày 20/01/1974, Trung Quốc đã điều động thêm máy bay oanh tạc các đảo VNCH đóng giữ. Tính đến thượng tuần tháng 02/1974, Trung Quốc đã tạm chiếm quần đảo Hoàng SA và thiết lập căn cứ quân sự tại đây.

Ngay sau khi Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm toàn bộ các đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa do VN quản lý, ngày 19-1-1974 và 14-2-1974 chính quyền Sài Gòn đã ra tuyên cáo về việc Trung Quốc “xâm lăng trắng trợn bằng quân sự” và tái khẳng định về chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa.

Ngày 20-1-1974, ngoại trưởng chính quyền Sài Gòn cũng đã gọi điện và gửi thư cho chủ tịch Hội đồng Bảo an và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đề nghị những biện pháp cần thiết trước tình hình khẩn cấp về việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa.

Trong khi đó, ngày 26-1-1974, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN cũng đã ra tuyên bố phản đối hành động xâm chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc và công bố lập trường “về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của VN.

Hành động dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc đã vi phạm Điều 2 của Hiến chương LHQ. Trước các hành động đó, các nước như Liên Xô, Hà Lan, New Zealand, Indonesia…, các tổ chức quốc tế như Tổng Liên đoàn Lao động thế giới, các lực lượng thanh niên Italia, Hội đồng công dân Australia, Viện Nghiên cứu xã hội Australia, Ủy ban Đại học Australia bảo vệ Đông Dương,…đã lên tiếng phản đối hành động xâm lược lãnh thổ bằng vũ lực của Trung Quốc. Đồng thời, cũng trong năm 1974, HĐBA LHQ đã thông qua Nghị quyết 3314 định nghĩa về hành vi xâm lược bằng vũ lực.

Sau ngày miền Nam giải phóng, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN đã nhiều lần tuyên bố khẳng định Hoàng Sa là của VN. Và ngày 5-6-1976, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cộng hòa miền Nam VN đã lên tiếng bác bỏ những thông tin xuyên tạc về Hoàng Sa – Trường Sa và khẳng định hai quần đảo này là thuộc chủ quyền VN, từ trước đến nay đều do người VN quản lý.

Vậy đã rõ sự thật lịch sử về sự kiện Hoàng Sa 19/01/1974. Lịch sử vốn không thể che đậy, càng không thể tô vẽ hay xuyên tạc. Sử liệu còn đó, nhân chứng vẫn còn đó.

Hoàng Sa (tổng hợp)