Phạm Chí Dũng: Đảng Cộng sản VN đang dần phải thừa nhận xã hội dân sự

24 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 15572)

RFI Thứ bảy 21 Tháng Mười Hai 2013

Phạm Chí Dũng: Đảng Cộng sản VN đang dần phải thừa nhận xã hội dân sự

nhatbaovanhoa_vietnam_0

Nhà bình luận Phạm Chí Dũng.

DR

Thụy My

Trước đây trong bài trả lời phỏng vấn mang tựa đề “Hậu hội đồng nhân quyền: Dân chủ Việt Nam sẽ ra sao?” trên RFI ngày 02/12/2013, nhà bình luận Phạm Chí Dũng có nhận định là đã “bắt” được tín hiệu về việc Nhà nước Việt Nam đang dần phải thừa nhận mô hình xã hội dân sự. Hôm nay chúng tôi xin phép trao đổi thêm về vấn đề này với ông Phạm Chí Dũng.

RFI : Thân chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng. Trong lần trả lời phỏng vấn trước đây anh có nhận xét là có những dấu hiệu cho thấy Nhà nước Việt Nam tỏ ra cởi mở hơn về vấn đề xã hội dân sự (XHDS). Có vẻ tín hiệu đó đang rõ hơn trên mặt báo Đảng trong những ngày gần đây?

Nhà bình luận Phạm Chí Dũng : Chắc chắn là đã rõ hơn, chẳng hạn bài “Không để các tổ chức xã hội dân sự bị lợi dụng” đăng trên báo Quân đội Nhân dân ngày 08/12/2013. Bởi đây là lần đầu tiên xuất hiện một bài viết trên báo Đảng thừa nhận khái niệm “tổ chức xã hội dân sự”, và cụm từ « Xã hội dân sự » cũng không còn bị đặt trong ngoặc kép như cách diễn đạt đầy định hướng “thù địch” như trước đây.

Chúng ta có thể nhận ra là không phải ngẫu nhiên mà trước bài “Không để các tổ chức xã hội dân sự bị lợi dụng”, báo Quân đội Nhân dân vào ngày 24/11/2013 cũng đã có bài “Cần hiểu đúng về Xã hội dân sự”, với khái niệm nhạy cảm này được đặt trong ngoặc kép. Bài báo này nêu ra bốn khái niệm về XHDS, nhưng đáng chú ý là nhắc lại một khái niệm của Liên minh vì sự tham gia của công dân (CIVICUS) 2005: “Xã hội dân sự là Diễn đàn giữa gia đình, nhà nước và thị trường, nơi mà mọi con người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung”.

Cần chú ý là khái niệm này được nêu ra trong một bản báo cáo khảo sát về XHDS mà Viện Những vấn đề Phát triển của Tiến sĩ Nguyễn Quang A là một thành phần tham gia nghiên cứu. Vào khoảng năm 2010, viện này đã bị Chính phủ ra văn bản đóng cửa. Ông Nguyễn Quang A cũng là một nhân vật được coi là “rất nhạy cảm” đối với chân đứng của chế độ và hiện nay đang phụ trách chính trang mạng Diễn đàn Xã hội Dân sự cũng nhạy cảm không kém.

Dù chỉ mới phát tác đôi chút, nhưng sự thay đổi tâm tính của báo Đảng về cách nhìn và có thể cả cách hành xử đối với XHDS khiến giới quan sát không thể không liên tưởng đến bối cảnh ra đời của các bài báo này. Bài “Cần hiểu đúng về Xã hội dân sự” trên báo Quân đội Nhân dân xuất hiện gần hai tuần sau sự kiện Nhà nước Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Đáng chú ý là bài này nêu ra câu hỏi: “Chúng ta phải làm gì để người dân hiểu đúng về “xã hội dân sự” và phát huy những mặt tích cực của nó?”. Tuy vẫn đòi hỏi “vạch trần bản chất sự cơ hội, lợi dụng hoặc mù quáng ảo tưởng về cái gọi là xã hội dân sự”, nhưng dù sao bài viết này cũng đề nghị một số giải pháp như cần có các hội thảo riêng về cái gọi là “xã hội dân sự” làm rõ lịch sử khái niệm, cái được, cái mất, cái tốt, cái xấu của nó.

Còn bài “Không để các tổ chức xã hội dân sự bị lợi dụng” cũng của báo Quân đội Nhân dân lại chỉ cách thời điểm Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry viếng thăm Việt Nam có một tuần. Bài này “tiến bộ” hơn bài trước đôi chút với sự thừa nhận “Sự ra đời, phát triển của XHDS là một đòi hỏi khách quan đối với mọi xã hội. Chúng ta không phủ nhận những đóng góp của tổ chức XHDS đối với sự phát triển của xã hội”.

Bên cạnh đó là : “Cùng với thừa nhận sự tồn tại khách quan của các tổ chức XHDS, quan tâm tạo điều kiện để các tổ chức XHDS hoạt động đúng hướng, phục vụ lợi ích của đất nước và dân tộc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, chúng ta cần nhận thức rõ và khắc phục những hạn chế, thách thức của nó đối với sự phát triển xã hội ”. Cũng như : “Nhận thức đúng đắn về XHDS là cơ sở để chúng ta đấu tranh chống mọi tư tưởng, quan điểm, hành vi lợi dụng XHDS chống phá Việt Nam; để các tổ chức XHDS phát triển lành mạnh, phát huy tốt vai trò, tác dụng của mình đối với các hội viên, thành viên và toàn xã hội”.

Rõ ràng đã có một sự chuyển giọng trên cùng một tờ báo, hoặc trong cùng một khẩu ngữ của thể chế, trong bối cảnh rất thách thức về đối ngoại chính trị.

RFI : Còn nhớ chỉ mới năm ngoái xã hội dân sự còn bị báo Đảng xem là “thủ đoạn của diễn biến hòa bình”?

Nếu so sánh, có thể thấy chất giọng của báo Đảng cách đây một năm là khắc nghiệt hơn nhiều. Một trong những minh chứng đặc trưng cho tâm thế đó là một bài viết trên báo Nhân Dân điện tử ngày 31/08/2012 với tiêu đề “Xã hội dân sự - một thủ đoạn của diễn biến hòa bình”.

Khi đó, bài báo Nhân Dân nhận định: “Nếu XHDS mạnh, thì sẽ dẫn tới vô chính phủ, bất ổn về xã hội và chế độ sẽ sụp đổ. Đây chính là lý do để các thế lực thù địch quan tâm nghiên cứu, vận dụng, nhằm lợi dụng vai trò của XHDS trong hoạt động lật đổ một chế độ như họ đã thực hiện tại một số nước trong thời gian qua”.

Còn vài năm trước, giới tuyên giáo Đảng vẫn duy trì cách nhìn một chiều về XHDS, cho rằng: một số học giả trên thế giới có quan điểm chống cộng rất đề cao vai trò của XHDS trong các cuộc “cách mạng màu” lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) tại Đông Âu trước đây.

Ở Đông Âu thời trước, có những “tổ chức chính trị đối lập” hình thành, phát triển và hoạt động với danh nghĩa là “tổ chức XHDS”, như Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan, Hội Văn hóa Ucraina ở Liên Xô trong những năm 80 của thế kỷ XX… Tương tự, tại Tiệp Khắc, với sự hỗ trợ của bên ngoài, các đối tượng chống đối chế độ đã thành lập Phong trào Hiến chương 77 làm hạt nhân. Các cuộc “cách mạng đường phố” tại các nước vùng Trung Đông - Bắc Phi thời gian qua cũng cho thấy vai trò của các cơ quan đặc biệt nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ (NGO), trong việc hỗ trợ các tổ chức XHDS lôi kéo, kích động quần chúng lật đổ chế độ.

Giới tuyên giáo Đảng cũng gìn giữ đến mức sắt son tinh thần bảo thủ khi cho rằng các nước, các tổ chức quốc tế, các NGO nước ngoài đang tìm mọi cách để hình thành, phát triển XHDS theo tiêu chí phương Tây ở Việt Nam, qua đó thực hiện mục tiêu lật đổ chế độ XHCN bằng biện pháp “bất bạo động”, “phi vũ trang”. Hoạt động này nằm trong ý đồ thực hiện “tiến trình dân chủ ở Việt Nam” với mục đích lợi dụng XHDS để gây mất ổn định chính trị, tiến tới thay đổi chế độ như xảy ra tại các nước Đông Âu, thuộc Liên bang Xô Viết trước đây và Trung Đông - Bắc Phi thời gian qua.

Cuối cùng là thái độ chụp mũ xảy ra vào năm 2012 khi một số báo Đảng cho rằng: một số đối tượng cơ hội chính trị có quan điểm chống đối cực đoan đã lợi dụng một số tổ chức quần chúng hợp pháp để tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn có nội dung đòi hỏi đưa Hiến pháp 1992 trở về Hiến pháp năm 1946, trưng cầu ý dân về Điều 4 cũng như toàn bộ Hiến pháp, lập Tòa án Hiến pháp, thúc đẩy XHDS và thực hiện các quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, báo chí, lập hội theo tiêu chí phương Tây, tư hữu hóa đất đai…

Cũng theo các báo Đảng : « Nếu thực hiện các nội dung này theo ý đồ của họ thì chế độ xã hội chủ nghĩa thực tế sẽ không còn tồn tại ở Việt Nam. Đây là phương thức đấu tranh công khai rất nguy hiểm, nếu không cảnh giác có thể sẽ giúp các thế lực thù địch lợi dụng các tổ chức XHDS để đưa ra những kiến nghị nhằm thay đổi thể chế, thay đổi hệ thống luật pháp xã hội chủ nghĩa bằng luật pháp dân chủ, tư sản ».

Những bài báo có cách nhìn rất phiến diện về XHDS như vậy xuất hiện trong bối cảnh tình trạng nhân quyền ở Việt Nam nóng hổi, trong những cáo buộc của các tổ chức nhân quyền và một số nhà nước tiến bộ trên thế giới. Đây cũng là thời điểm mà làn sóng bắt bớ những người bất đồng chính kiến dâng cao và cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ vào cuối năm 2012 đã bị phía Hoa Kỳ hủy bỏ.

RFI : Hai bài báo gần đây của tờ Quân đội Nhân dân mà anh vừa nêu ở trên có thể cho thấy sự đổi khác nào trong tư duy của giới lãnh đạo Việt Nam về XHDS?

Giới quan sát chính trị ở Việt Nam và quốc tế có lẽ đã hiểu rất rõ rằng những thay đổi về đường lối và nhận thức của đảng cầm quyền thường được biểu hiện qua hệ thống truyền thông của Đảng, đặc biệt qua những cơ quan ngôn luận như báo Nhân Dân và Quân đội Nhân dân. Trên hai tờ báo này luôn có các mục “Bình luận - phê phán”“Phòng, chống diễn biến hòa bình”, thường tập trung chỉ trích, công kích “các luận điệu sai trái và thù địch” đối với hệ thống truyền thông quốc tế như đài VOA, RFA, BBC, RFI… và một số trang web, blog của giới truyền thông xã hội.

Nhiều năm qua và gần nhất là từ đầu năm 2013 đến nay, có thể thấy các sự kiện liên quan đến nhóm “Kiến nghị 72”, vụ tuyệt thực của hai tù nhân lương tâm Cù Huy Hà Vũ và Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, đề xuất thành lập đảng Dân chủ Xã hội của ông Lê Hiếu Đằng hay hoạt động của Mạng lưới blogger Việt Nam đều hiện diện như một phần tất yếu trên mặt báo Đảng.

Tình hình đó cho thấy Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng, cơ quan tuyên giáo trung ương đã thấm thía và đặc biệt lo ngại về các diễn biến bất đồng tư tưởng. Tất nhiên những người theo đường lối “kiên định xã hội chủ nghĩa” không muốn bỏ qua những phản ứng tư tưởng nổi bật và có sức lan tỏa lớn ngoài xã hội.

XHDS cũng là một trong những tiêu điểm của công tác “phản tuyên truyền” của Ban Tuyên giáo Trung ương và các báo Đảng. Nhưng vào lần này, hiển nhiên đang có một chuyển động thầm kín và có chút tự ti trong lòng họ. Họ đang chuyển từ thái độ phủ nhận XHDS một cách cực đoan sang cách nhìn bắt buộc phải chấp nhận XHDS, như một thực thể khách quan của xã hội trong xu hướng hội nhập quốc tế. Tuy nhiên sự chuyển biến này không thể hy vọng là nhanh chóng, mà sẽ rất chậm chạp.

RFI : Theo anh từ những nguyên do nào mà lại có sự đổi thay về nhìn nhận XHDS trong giới lãnh đạo Việt Nam?

Cần nhắc lại, XHDS là một quy phạm đã được phái đoàn thường trực của Nhà nước Việt Nam cam kết, nằm trong 14 điều cam kết của Việt Nam trước chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 8/2013. XHDS cũng là một yêu cầu mà phía Hoa Kỳ nêu ra như một trong những ưu tiên đối với lộ trình dân chủ hóa ở Việt Nam. Bắt đầu từ cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nguyên thủ quốc gia Việt - Mỹ vào tháng 7/2013 và sau đó là một số chuyến ngoại giao con thoi, chính thức lẫn không chính thức, giữa hai quốc gia này.

Những cuộc gặp gỡ mang tính thúc đẩy như thế lại lồng trong bối cảnh Nhà nước Việt Nam đang rốt ráo vận động cho một vị trí trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP. Có lẽ cũng cần nhắc lại là nếu vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc chỉ mang tính danh nghĩa mà không dẫn dắt trực tiếp đến một nguồn lợi nào về kinh tế, thì TPP được coi là một trong những chiếc phao cứu sinh đối với nền kinh tế Việt Nam. Kinh tế Việt Nam lại đang lâm vào tình trạng quá quẫn bách, quẫn bách đến nỗi cạn kiệt về nội lực mà chỉ có thể trông mong vào những nguồn ngoại viện chủ yếu từ Hoa Kỳ, Tây Âu và Nhật Bản, và có thể từ cả “bạn vàng” Trung Quốc.

Từ khung cảnh hòa đồng lẫn hỗn mang về kinh tế và chính trị như thế, chúng ta có thể thấy tiến trình hình thành XHDS ở Việt Nam là một xu thế mang tính tất yếu. Xu thế này dựa vào chính nhu cầu của nhiều tầng lớp người dân Việt Nam về ít nhất các quyền dân sinh, tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do tôn giáo và những quyền khác như biểu tình, lập hội, trưng cầu dân ý. Dù rằng tất cả những quyền này đã được nêu ra trong bản Hiến pháp năm 1992 nhưng sau hơn hai chục năm, đến bản Hiến pháp mới 2013 vẫn không được luật hóa.

Xu thế tất yếu về XHDS ở Việt Nam cũng được biểu đạt từ 11 cuộc biểu tình chống Trung Quốc can thiệp vào khu vực Biển Đông trong năm 2011, đến hàng loạt kiến nghị của nhóm “Kiến nghị 72” trong năm 2013, cho đến sự hình thành một số tổ chức dân sự trong nước, mà thực chất là tổ chức phi chính phủ. Chẳng hạn như Mạng lưới blogger Việt Nam, Phong trào Con đường Việt Nam, Ủy ban Công lý Hòa bình của giới Công giáo, và gần đây là nhóm Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam và Hội Bầu bí Tương thân… Hiện nay có ít nhất 11-12 nhóm dân sự lớn nhỏ đã và đang hình thành ở Việt Nam.

Xu thế hình thành các tổ chức dân sự cho thấy dù muốn hay không, Nhà nước Việt Nam vẫn phải dần chấp nhận sự tồn tại của những tổ chức này và có thể còn nhiều tổ chức dân sự khác, miễn là những hoạt động dân sự đó không “nhằm ý đồ chính trị hoặc lật đổ chính quyền”.

Đó cũng là lý do vì sao gần đây trong nội bộ Đảng dường như đã bắt đầu xuất hiện một luồng quan điểm thừa nhận “XHDS là một vấn đề mới ở Việt Nam, đang thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều trí thức, công chức và nhân dân”, và “Về bản chất xã hội dân sự có nhiều đặc điểm mang tính tích cực (hoạt động trong khuôn khổ pháp lý và đạo lý; vì mục tiêu rất tích cực) cần được nghiên cứu, làm rõ và vận dụng phù hợp vào điều kiện thực tiễn nước ta”.

RFI : Nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn để hình thành một XHDS đúng nghĩa ở Việt nam. Theo anh kịch bản nào có thể xảy ra cho XHDS trong những năm tới?

Cho dù Đảng có thể “chủ động nghiên cứu và vận dụng XHDS”, tôi vẫn có cảm giác như sự thay đổi về nhận thức và hành vi đối xử của Đảng đối với XHDS hiện thời và trong ít nhất một năm tới không xuất phát từ lòng thành tâm chính trị như một tố chất đã được chiết xuất ở Miến Điện, mà chủ yếu vẫn mang tính đối phó, và chủ yếu là đối phó với trào lưu đối ngoại, trong thế chẳng đặng đừng.

Tôi cũng có cảm giác là đối sách của Đảng đối với XHDS đang có nhiều nét tương đồng với giai đoạn năm 2006 – 2009. Đó là khoảng thời gian mà Nhà nước Việt Nam được hứa hẹn và sau đó được gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới, được dỡ bỏ khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo và nhân quyền của Quốc hội Hoa Kỳ. Khi đó, một số cuộc hội thảo về XHDS đã được Nhà nước tổ chức, nhưng chủ yếu bao gồm thành phần giới chức Đảng và các cơ quan nghiên cứu và quan chức của chính quyền, chứ không được nổi bật bởi thành phần trí thức phản biện độc lập.

Trong vài ba năm đó, những cuộc hội hảo, tọa đàm đã chỉ bàn luận chủ yếu về vấn đề học thuật của XHDS như XHDS là gì, kinh nghiệm về XHDS ở các quốc gia phát triển trên thế giới, một số đặc điểm của XHDS ở Việt Nam, nhưng lại nhấn mạnh đến vai trò của các tổ chức hội đoàn nhà nước chứ không phải hội đoàn tư nhân và càng không làm rõ vai trò của các hội đoàn thiện nguyện trong các tôn giáo. Nhưng câu hỏi “Làm thế nào để có XHDS?” vẫn luôn là một bế tắc đầy cố tình. Cuối cùng, các cuộc hội thảo này đã kết thúc mà không có bất kỳ một lộ trình cụ thể nào cho việc triển khai XHDS ở Việt Nam, dù một số trí thức phản biện độc lập đã nêu ra không ít kiến nghị.

Rất có thể vào lần này, Nhà nước Việt Nam cũng muốn thực hiện đối sách mang tính đối phó như thế, như một cách trì hoãn thời gian theo phương châm “vừa mềm dẻo vừa đấu tranh”. Còn nếu sau hai đến ba năm nữa mà nền kinh tế Việt Nam trở lại thời được coi là hoàng kim như năm 2007 và thế đứng của thể chế cũng đỡ mong manh hơn hiện thời, hoàn toàn không loại trừ vấn đề XHDS sẽ không còn được xem là một nhu cầu, yêu cầu của dân chúng.

Thậm chí sẽ không còn được nêu ra trong bất cứ cuộc hội thảo nào, còn những tổ chức dân sự mang tính hành động cao nhất sẽ có thể bị sách nhiễu, và lãnh đạo của họ sẽ có cơ hội trở thành tù nhân lương tâm. Cũng cần nói thêm là cho đến nay, ở nhiều tỉnh thành, cách nhìn đối với XHDS vẫn còn rất hà khắc, thậm chí cụm từ này bị coi là một điều cấm kỵ và rất gần gũi với nghĩa “phản động”.

Thế nhưng tôi vẫn hy vọng tình hình những năm tới sẽ khác hơn là giai đoạn 2006-2009. Cơ sở của sự khác biệt, có thể xem là sự khác biệt cơ bản như thế, là tất cả các yếu tố về hạ tầng kinh tế, mức độ bất bình đẳng xã hội gây ra bởi các nhóm lợi ích và thân hữu, niềm tin dân chúng, phản ứng xã hội. Và cả điều được coi là “đoàn kết” trong nội bộ Đảng hiện thời đã chênh biệt rất nhiều so với thời gian trước đây - một sự chênh lệch đủ lớn để không làm cho bất kỳ dĩ vãng nào có thể tái hiện. Nói cách khác, Nhà nước Việt Nam đã quá thụt lùi trong hoạt động điều hành quản lý kinh tế - xã hội, ít nhất tính từ thời mở cửa kinh tế những 90 của thế kỷ trước, và hậu quả của sự thụt lùi này là rất khó có thể cứu vãn.

Một khi quá khứ khó hoặc không thể lặp lại, và theo phân tích riêng của tôi thì sẽ hầu như không còn cơ hội để lặp lại, những người cầm quyền ở Việt Nam chỉ có thể chọn một trong hai con đường: hoặc đi ngược với quy luật, xu thế và các trào lưu về hội nhập quốc tế và do đó sẽ mang đến cho họ những nguy hiểm khôn lường về thế tồn vong chính trị và cả tài sản cùng mối an nguy cá nhân. Hoặc phải bắt nhập những vận động quốc tế một cách thành tâm hơn, sẵn lòng thừa nhận và chấp nhận mô hình XHDS hơn. Như những gì mà Tổng thống Thein Sein và các thuộc cấp của ông đã và đang tương đối thành công, trong mối quan hệ với người dân và đảng Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi ở Miến Điện.

Một chính thể có bản lĩnh là chế độ không e ngại, không e sợ sự tồn tại và phát triển của XHDS. Nếu vận dụng được những mặt mạnh của XHDS, chế độ đó chắc chắn sẽ được lòng dân hơn và tuổi thọ của nó cũng sẽ kéo dài hơn. Còn nếu vẫn khăng khăng khống chế và đàn áp XHDS thì sự sống của chế độ sẽ chỉ còn tính bằng năm tháng.

RFI : Chúng tôi rất cám ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng đã nhận lời trao đổi với RFI Việt ngữ trong chương trình hôm nay.

28 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 19904)
Phát hiện trên đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học trong và ngoài nước, trong đó có Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản. Tiến sĩ Hiroshi Tachihara, Chủ tịch danh dự Hiệp hội này và người kế nhiệm, tiến sĩ Tsutomu Honda, Chủ tịch Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản, đã đến Việt Nam để cùng hợp tác nghiên cứu, khảo sát và đánh giá hệ thống hang động ở Đăk Nông. “Điều này khiến chúng tôi rất ngạc nhiên, vì ban đầu chúng tôi không nghĩ Việt Nam có hoạt động núi lửa”, ông Hiroshi Tachihara nói.
25 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 18023)
Đây là di sản thiên nhiên độc đáo của quá trình phun trào núi lửa cách đây hàng triệu năm. Phát hiện chấn động này mở ra tiềm năng du lịch to lớn cho khu vực Tây Nguyên.
16 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 16679)
Dân trí - Ngày 12/12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tham dự lễ khởi công xây dựng công trình hệ thống cung cấp điện phục vụ cho việc thi công Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 tại thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận.
07 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 17995)
Ngày 19/03/2014 vừa qua là cột mốc thời gian lịch sử đối với Ngành Năng lượng Hạt nhân Việt Nam: chiếc lò phản ứng đầu tiên, duy nhất nước ta (tạm gọi Lò Đà Lạt 1) đã hoạt động khai thác tròn 30 năm tuổi, kể cả những quảng thời gian ngắn sửa chữa, khôi phục, mở rộng và thay nạp nhiên liệu mới (Mỹ rút hết nhiên liệu về nước từ 1975).
30 Tháng Mười Một 2014(Xem: 16896)
Một báo cáo mới được công bố cho biết hiện Việt Nam có 210 người siêu giàu, tăng 15 người so với năm ngoái. Như vậy, con số người siêu giàu ở Việt Nam vẫn tăng đều đặn mỗi năm. Năm 2011, Việt Nam có 170 triệu phú tiền đôla. Năm 2012, con số này tăng lên 195 người.
26 Tháng Mười Một 2014(Xem: 18395)
Nhiều ý kiến đã phản đối, nói rằng địa điểm này quan trọng về an ninh quốc phòng. Tỉnh Thừa Thiên - Huế cho dừng một dự án ở đèo Hải Vân sau những phản đối liên quan lý do quốc phòng an ninh. Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, tuyên bố tỉnh chủ động cho dừng dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế trên đèo Hải Vân.
23 Tháng Mười Một 2014(Xem: 17194)
Lao Động - Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp phép cho Cty CP Thế Diệu (thuộc Cty TNHH World Shine Hong Kong, Trung Quốc) xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng ở đèo Hải Vân có vốn đầu tư lên đến 250 triệu USD. Tuy nhiên, địa điểm này được các nhà nghiên cứu xem là khu vực trọng yếu về quốc phòng nên việc triển khai dự án bị dư luận phản ứng rất gay gắt.
16 Tháng Mười Một 2014(Xem: 17319)
Theo Đại tá Thái Thanh Hùng, nguyên Chỉ huy phó Bộ chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng, dự án Trung Quốc trên núi Hải Vân nắm ở vị trí “yết hầu” có thể chia cắt đất nước, khống chế toàn bộ vịnh Đà Nẵng!
12 Tháng Mười Một 2014(Xem: 18485)
Trả lời chất vấn đại biểu quốc hội “tại sao có sân golf trong sân bay” chiều 4/11/2014, ông đại tướng bộ trưởng QP Phùng Quang Thanh giải trình: “…Trước hết là sử dụng đất, thì đất ở đây là đất lưu không, đất ở loại khung sườn, tức là không dùng gì vào việc xây dựng hạ tầng ở bên dưới…”.
10 Tháng Mười Một 2014(Xem: 17614)
Ngày 7-11-2013, phái đoàn thường trực của VN tại Liên Hiệp quốc ra thông cáo báo chí cho biết VN đã trở thành thành viên mới nhất của Công ước Liên Hiệp Quốc chống Tra tấn và những hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, hạ nhục phẩm giá con người. Mới đây, ngày 23-10-2014, Chủ tịch nước Việt Nam đã trình Quốc hội phê chuẩn Công ước quốc tế ấy.
02 Tháng Mười Một 2014(Xem: 24606)
Danlambao nhận được bài viết sau đây từ một cán bộ đảng từng làm việc bên cánh "chính phủ". Xin gửi đến các bạn trong thôn để có thêm thông tin về tình hình nội bộ đảng CSVN đã bắt đầu sôi động cho những chiếc ghế quyền lực sẽ được tranh giành ráo riết trong kỳ đại hội đảng sắp đến.
26 Tháng Mười 2014(Xem: 19907)
“Thanh tra Bộ TT&TT đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty Cổ phần Truyền thông VietNamNet vì đã có hành vi xúc phạm danh nhân khi đăng bài viết “Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” hôm 8-10 trên trang thông tin điện tử tổng hợp www.2sao.vn.”
22 Tháng Mười 2014(Xem: 17207)
Trong dòng thời sự quốc tế sôi động từ Ebola đến Ukraina, thông qua cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, nhật báo kinh tế Les Echos đã ghé mắt nhìn sang Việt Nam, với một bài phân tích đề án phát triển cảng Hải Phòng vừa được khởi động, nhằm biến nơi này thành một cửa ngõ thông thương quan trọng của miền Bắc Việt Nam và miền… Vân Nam của Trung Quốc.
19 Tháng Mười 2014(Xem: 18171)
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Phạm Quý Tiêu, hôm 18/10, gửi thư xin lỗi Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam vì đã nhầm lẫn khi tuyên bố rằng Tokyo đã cam kết cho Việt Nam vay 2 tỷ USD để tiến hành dự án Cảng hàng không Long Thành ở tỉnh Đồng Nai.
16 Tháng Mười 2014(Xem: 18347)
Năm 1941, Hồ Chí Minh về Việt Nam lập chiến khu dọc theo biên giới tiếp giáp với Tầu. Để bảo đảm an toàn, đoạn chót đường tầu hỏa và đường bộ của Tầu ăn sâu vào lãnh thổ Việt Nam có nơi 500 mét, nhiều nơi đến cả cây số và nơi này dùng làm an toàn khu đặt cơ quan đầu não, huấn luyện cán bộ, dưỡng quân, tiếp nhận và cất dấu vũ khí. Nếu Pháp hành quân hay dùng máy bay oanh tạc vùng này, Tầu sẽ la lên là vi phạm lãnh thổ của họ.
16 Tháng Mười 2014(Xem: 20139)
Theo tin của tờ Tuổi Trẻ, ngày 08/10/2014 vừa qua, bùn đỏ đã tràn ra từ một hồ thải quặng ở khu vực nhà máy bauxite Tân Rai, Lâm Đồng. Đúng hơn đây phải gọi là bùn màu đỏ, màu của đất bazal và tuy bùn đỏ này không nguy hiểm bằng bùn đỏ thật sự, nhưng sự kiện này một lần nữa gióng lên tiếng chuông báo động về tác hại của việc khai thác bauxite Tây Nguyên đến môi trường và đời sống của người dân trong khu vực, ấy là chưa kể những thiệt hại về kinh tế và nguy cơ về an ninh quốc phòng.
14 Tháng Mười 2014(Xem: 17139)
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso và ông Nguyễn Tấn Dũng ở Hà Nội hôm 25/08/2014 Thủ tướng Việt Nam đang có chuyến thăm châu Âu từ ngày 12/10 đến 18/10 nhằm đẩy mạnh hợp tác với các đối tác châu Âu, theo truyền thông trong nước.
12 Tháng Mười 2014(Xem: 21096)
Bắt đầu từ tháng 10/2014, các cơ quan thuộc đảng cộng sản được lệnh đồng loạt phân phát đến mọi đảng viên một tập tài liệu có tên ‘Cuộc gặp cấp cao tại Thành Đô năm 1990’ do ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn. Theo một số bức công văn, tài liệu tiết lộ cho Danlambao, việc gửi tài liệu tuyên truyền được giải thích nhằm phản bác lại các thông tin rò rỉ về Hội nghị Thành Đô được lan truyền trên mạng interner.