Đất vàng bờ Tây sông Sài Gòn và sứ mệnh của đô thị hiện đại

13 Tháng Ba 20188:28 CH(Xem: 11992)

VĂN HÓA ONLINE - VIỆT NAM  - THỨ TƯ 14 MAR 2018


Đất vàng bờ Tây sông Sài Gòn và sứ mệnh của đô thị hiện đại


30/09/2017


Nhà xưởng và bến cảng đã di dời ra khỏi thành phố, những khu đất vàng bờ Tây sông Sài Gòn sẽ đảm nhận sứ mệnh đưa TP.HCM trở thành đô thị hiện đại với sự hỗ trợ của hạ tầng.


Dọc bờ Tây sông Sài Gòn (tính từ chân cầu Sài Gòn đến cảng Tân Thuận) đã bắt đầu hình thành những cụm cao ốc trên nền cảng sông ngày xưa. Trong khi bờ sông từ Bình Thạnh đến quận 1 đã được lấp đầy dự án với hàng chục tòa cao ốc thì ở phía quận 4, khu vực Bến cảng Nhà Rồng – Khánh Hội và Cảng hàng hóa Tân Thuận là những khu đất hiếm hoi còn sót lại sau khi hạ tầng cũ di dời.


Hạ tầng, dự án tranh nhau săn cơ hội trên đất vàng


Những cây cầu nối đô thị cũ và đô thị mới Thủ Thiêm được xem là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển đô thị hai bên bờ sông. Khi cầu Thủ Thiêm 1 được xây dựng, đầu cầu bờ Tây đã đón sóng bằng những siêu dự án như Vinhomes Central Park (trên nền Tân Cảng), Saigon Pearl.


Cầu Thủ Thiêm 2 mới đề xuất thì dự án Vinhomes Golden River (trên nền xưởng đóng tàu Ba Son) đã đầu tư. Tiếp theo, thông tin về cầu Thủ Thiêm 3, 4 có thể sẽ hỗ trợ kết nối với Khu đô thị Thủ Thiêm sẽ là cơ hội lớn để Nhà Rồng - Khánh Hội và Tân Thuận chuyển mình thành những khu đô thị hiện đại.


image078

Bến cảng Nhà Rồng - Khánh Hội sẽ được thay thế bằng một khu phức hợp cao tầng. Ảnh: Tuấn Khôi.
Với khu Nhà Rồng - Khánh Hội (quận 4, thuộc cảng Sài Gòn), do có hệ thống cầu cảng được đầu tư hoàn chỉnh, kết nối giao thông đường thủy - bộ, thuận lợi nên khi chuyển đổi, khu vực này sẽ trở thành vị trí quan trọng trong phát triển vận tải hành khách và du lịch đường thủy.


Đầu năm nay, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 6815/QĐ-UBND chấp thuận cho Công ty TNHH Đầu tư Phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông là Nhà đầu tư thực hiện dự án Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội với diện tích mặt đất, mặt nước sử dụng khoảng 31,5 ha. Vị trí và ranh giới khu đất sẽ được xác định chính xác khi được giao đất chính thức.


Quy mô đầu tư dự án bao gồm khu nhà cao tầng chức năng hỗn hợp với trung tâm thương mại dịch vụ, căn hộ (3.116 căn), biệt thự (32 căn), trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo như phê duyệt.


Hiện có nhiều nhóm liên danh xây dựng cầu đường và đầu tư bất động sản đề xuất xây cầu Thủ Thiêm 3 và nâng cấp đường Tôn Đản theo hình thức đối tác công tư. Theo đó, điểm đầu của cầu Thủ Thiêm 3 sẽ từ đường Tôn Đản, quận 4, băng qua đường Nguyễn Tất Thành đi vào cổng chính của cảng Khánh Hội hiện hữu rồi vượt sông Sài Gòn để nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm ở quận 2.


Không chỉ dừng lại ở cầu Thủ Thiêm 3 mà cầu Thủ Thiêm 4 cũng đang có kế hoạch xây dựng sau khi di dời cảng hàng hóa Tân Thuận.


image079

Vingroup là đơn vị sở hữu nhiều khu đất vàng bờ Tây sông Sài Gòn. Ảnh: Lê Quân


Dự án cầu Thủ Thiêm 4 có mức đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng, còn được kỳ vọng thúc đẩy kinh tế - xã hội cho khu Nam thành phố. Đây là dự án mà TP.HCM cho là cấp bách cần phải thực hiện ngay.


Với sự thúc đẩy về hạ tầng không khó để bờ Tây sông Sài Gòn lấp đầy các dự án nhà cao tầng bởi các chủ đầu tư luôn mong muốn được phát triển dự án của mình trên những khu đất vàng này .


Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang nhận xét: “Ngoài giá trị quan trọng về vị trí, yếu tố view sông, hồ, kênh rạch là một tiêu chí đứng hàng thứ 2 tạo nên giá trị bất động sản. Nếu biết cách khai thác thì view sông sẽ làm giá trị bất động sản tăng thêm 10-20%, điều này thực sự kích thích các chủ đầu tư".


Sứ mệnh riêng của bờ Tây sông Sài Gòn


Theo đồ án quy hoạch 1/2.000 khu trung tâm 930 ha của TP.HCM, về tổng thể, toàn khu trung tâm có hệ số sử dụng đất (tỷ lệ giữa tổng diện tích sàn toàn công trình với diện tích toàn bộ lô đất) trung bình là 4 (được xác định dựa trên khả năng đáp ứng về giao thông).


Trong đó, hệ số sử dụng đất trung bình của các khu là: khu bờ tây 6, khu lõi trung tâm thương mại - tài chính (CBD) 5, khu trung tâm văn hóa lịch sử 3,5, khu vực cận lõi trung tâm 3, khu biệt thự quận 3 thấp nhất là 2,5.


Như vậy, trong toàn khu trung tâm, bờ tây sông Sài Gòn có hệ số sử dụng đất cao nhất (6), gấp 1,5 lần hệ số sử dụng đất trung bình của toàn khu trung tâm, cao hơn cả khu lõi trung tâm thương mại - tài chính.


image080

Bờ Tây sông Sài Gòn đang thực hiện "sứ mệnh" làm khu vực nén cao ốc cho khu trung tâm. Ảnh: Lê Quân.


Theo một lãnh đạo của Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, TP.HCM chọn cách phát triển bờ Tây sông Sài Gòn như thế là vì sự cân bằng giữa phát triển đô thị và bảo tồn - phát triển những khu đất cảng (sau di dời), để giảm tải đầu tư cho khu trung tâm lịch sử - khu biệt thự quận 3, dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn...


Bởi việc chọn lựa địa điểm phát triển dự án phần lớn do thị trường điều tiết, Nhà nước chỉ định hướng chứ không thể khiên cưỡng áp đặt.


Đường Tôn Đức Thắng (từ Hàm Nghi đến Công trường Mê Linh) trở thành phố đi bộ và xe điện, giao thông cơ giới sẽ được chuyển xuống đường ngầm bên dưới. Tuy vậy, khu vực dọc bờ Tây sẽ cho phép phát triển nhà cao tầng, bởi vì đây là khu vực nén, kết nối không gian với khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).


Chỉ chưa đầy hai năm kể từ ngày chủ đầu tư thực hiện các dự án trên các khu đất trước đây là cảng biển, diện mạo kiến trúc đô thị khu bờ Tây đã định hình. Nhiều tòa nhà chọc trời đã mọc lên sừng sững tại Tân Cảng, Ba Son... và sắp tới là Nhà Rồng – Khánh Hội và Tân Thuận.


image077

Các khu đất vàng ở bờ Tây sông Sài Gòn sau khi di dời nhà xưởng đang nhanh chóng mọc lên dự án cao ốc.


6 đại gia sở hữu đất vàng Nguyễn Huệ Ngoài Vạn Thịnh Phát, 5 đại gia khác là Satra, Saigontourist, Sunwah, BIDV, Tài Nguyên đang sở hữu nhiều đất vàng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) nhất./(Bình Nguyên)