Ts. Thắng: Điểm yếu của XHDS ở VN: thiếu kinh nghiệm tổ chức

24 Tháng Tám 20178:40 CH(Xem: 11141)

VĂN HÓA ONLINE - VIỆT NAM  - THỨ  SÁU  25  AUGUST  2017


Điểm yếu của xã hội dân sự ở Việt Nam: thiếu kinh nghiệm tổ chức


Ts. Nguyễn Đình Thắng


23/8/ 2017


Khả năng tổ chức của người dân, độc lập với chính quyền, là yếu tố căn bản cho dân chủ. Dễ hiểu thôi. Chính quyền tự thân là một siêu tổ chức. Để không bị áp đảo, người dân phải tổ chức giỏi đến mức có thể kiểm soát chính quyền.  Ở đâu xã hội dân sự càng phát triển thì nền móng cho dân chủ càng vững chắc. Vậy mà ít người đấu tranh cho dân chủ, kể cả ở trong và ngoài Việt Nam, chịu đổ công để học và tập về tổ chức.


Về khả năng tổ chức, người dân Việt Nam thua xa người dân Campuchia. Năm 2013 đất nước láng giềng này đã có 3,500 tổ chức của người dân chính thức đăng ký hoạt động, và 25,000 tổ chức có hoạt động nhưng không đăng ký. Xem: https://www.ccc-cambodia.org/downloads/publications/Cambodia%20CSO%20Sustainability%20Index%202014.pdf.


Năm 2017, số tổ chức có đăng ký hoạt động tăng lên thành 5,000. Còn ở Việt Nam số tổ chức xã hội dân sự độc lập với chính quyền thì nghe nói đâu chừng 30, cho 95 triệu dân. Dân số Campuchia chưa đến 16 triệu.


Thế nào là xã hội dân sự?


Xã hội dân sự là tổng thể của những tổ chức của người dân, độc lập với chính quyền và không là doanh nghiệp. Nói cách khác, đơn vị của xã hội dân sự là tổ chức, chứ không là cá nhân. Có 1 triệu người, nhưng rời rẽ thì vẫn không có xã hội dân sự. Nhưng khi 1 triệu người ấy bắt đầu tập hợp lại thành tổ chức thì xã hội dân sự bắt đầu hình thành.


Mức phát triển của xã hội dân sự có thể đo lường qua 3 chỉ số: Số tổ chức, quy củ và quy mô hoạt động của các tổ chức, và mức phối hợp hàng ngang giữa các tổ chức với nhau.


Đúng ra, chỉ những hoạt động nào có yếu tố tổ chức thì mới là hoạt động xã hội dân sự. Còn các hoạt động nhân quyền, dân quyền, từ thiện… mang tính cách rời rẽ thì không là hoạt động xã hội dân sự. Sự phân biệt này thường không cần thiết ở các quốc gia dân chủ, vì tại đó các hoạt động nhân quyền, dân quyền, phục vụ nhân sinh… hầu như luôn luôn mang tính tổ chức. Ở Việt Nam thì khác, tinh thần “một mình một ngựa” là phổ biến. Có người còn hãnh diện, gọi đó là “độc lập” – đấy là tư duy tự hào làm chiếc đũa lẻ dễ bị bẻ gẫy.


image023

Ts. Nguyễn Đình Thắng tại buổi thuyết trình về công thức "nhóm kết nghĩa", Orange County, ngày 12/08/2017 (ảnh Thuận Lai)


Thế nào là tổ chức?


Cho dễ hiểu, tổ chức có thể ví như một công trình kiến trúc -- một căn nhà, một biệt thự, một dinh thự, một lâu đài… Trong công trình kiến trúc ấy, mỗi viên gạch đều có chỗ và chức năng riêng nhưng lại gắn kết chặt với các viên gạch khác trong cấu trúc tổng thể. Chức năng riêng của mỗi viên gạch và những quan hệ vô hình nhưng rất thật giữa các viên gạch với nhau theo cấu trúc tổng thể tạo nên công trình kiến trúc.


Số khoảng 30 tổ chức xã hội dân sự độc lập ở trong nước hiện nay thực ra mới chỉ là những chồng gạch, dù được sắp xếp ngay ngắn nhưng vẫn rời rẽ, chưa là một công trình kiến trúc.


Một tổ chức phải bao gồm đủ 3 yếu tố:


-          Một nhóm người hợp tác với nhau;


-          Nhóm người đó được phân bổ theo chức năng chuyên biệt nhưng liên đới “hữu cơ” với nhau;


-          Sự phân bổ ấy được định chế hoá để không phụ thuộc vào cá nhân.


Phải hội đủ cả 3 yếu tố, thiếu một cũng không xong. Chẳng hạn, một nhóm người tập hợp lại và phân bổ chức năng với nhau nhưng thiếu định chế thì mới chỉ là một hội đoàn chứ là tổ chức theo định nghĩa ở trên.


Làm sao để thay đổi?


Không thay đổi hiện trạng này thì không thể có dân chủ. Bước tiên khởi là chính những người mưu cầu dân chủ phải quyết tâm học và tập về tổ chức.


Nếu như kinh nghiệm về kiến trúc không là yếu tố bẩm sinh thì cũng vây, không ai sinh ra tự động có khả năng tổ chức. Thực ra, từ những con người với đời sống, cá tính và đặc tính riêng tạo thành một tổ chức phức tạp hơn nhiều so với xây và bảo trì một công trình kiến trúc. Con người không là viên gạch bất động và tổ chức không là căn nhà trơ trơ.


Kiến thức và kinh nghiệm tổ chức không thể học qua sách vở mà phải trải nghiệm bản thân. Không thể ngồi xem người khác thi bơi để trở thành kình ngư. Và cũng không thể đọc mấy bộ truyện kiếm hiệp rồi bước lên võ đài tỉ thí.


Sống ở các quốc gia dân chủ  cũng không tự động có khả năng tổ chức. Viên gạch không tự động biết tạo dựng căn nhà, con bù lon không tự động hiểu các quy tắc vận hành của cỗ máy. Đó là lý do cách đây hơn 15 năm tôi bỏ công việc kỹ sư trong một cơ quan nghiên cứu lớn, để dồn trọn thời gian cho một tổ chức lúc ấy rất nhỏ, để học và tập. Tôi hiểu rằng nếu mưu cầu dân chủ cho đất nước thì trước hết phải học và tập về tổ chức.


Khả năng tổ chức là thước đo về tiến độ của công cuộc đấu tranh dân chủ. Những ai mưu cầu dân chủ nhưng chưa đi những bước đầu trên hành trình xây dựng được tổ chức cho đúng nghĩa thì chưa thể là “nhà đấu tranh dân chủ”. Điều này áp dụng cho cả những người ở trong và những người ở ngoài Việt Nam.


Cần nói rõ thêm


Thực ra, tình trạng xã hội dân sự ở Việt Nam không đến nỗi bi đát như các con số mà tôi dẫn chứng.  Nếu nói về “tổ chức xã hội dân sự” độc lập, thì quả là chưa có ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở Việt Nam đã có những tổ chức tôn giáo độc lập hội đủ 3 yếu tố: có nhân sự, có sự phân bổ chức năng, và có định chế. Các tổ chức tôn giáo như vậy cũng là thành phần của xã hội dân sự. Nghĩa là xã hội dân sự ở Việt Nam đã có dù các “tổ chức xã hội dân sự” thì chưa.


Và đây là một ngộ nhận phổ quát: không phải bất kỳ tổ chức nào TRONG xã hội dân sự cũng là “tổ chức xã hội dân sự”. Cụm từ “tổ chức xã hội dân sự” được dùng cho những tổ chức với sứ mạng thay đổi quy tắc xã hội, như là bảo vệ nữ quyền, đòi minh bạch trong chính quyền, vận động cải tổ hệ thống luật pháp, bảo vệ quyền tự do tôn giáo… Còn các tổ chức hoạt động thuần tuý trong phạm vi của các quy tắc xã hội hiện hành thì không là tổ chức xã hội dân sự.


Muốn có dân chủ thì phải thay đổi các quy tắc xã hội mang tính chuyên chế hiện nay, nghĩa là phải có các tổ chức xã hội dân sự. Và đây đang là điểm yếu của nỗ lực dân chủ hoá đất nước: sự thiếu vắng các tổ chức xã hội dân sự đúng nghĩa.


Tuy nhiên, chúng ta có hy vọng vì chúng ta hoàn toàn chủ động trong việc chuyển từ hoạt động đơn lẻ, nối kết lỏng lẻo sang tập trung xây dựng tổ chức. Sự thay đổi về cách làm ấy có thể bắt đầu ngay vào 8 giờ sáng mai. Chúng tôi đề ra công thức “nhóm kết nghĩa” là để tạo thuận lợi cho những nhóm người quyết tâm thay đổi.


Chủ động biến hy vọng thành hiện thực là trách nhiệm của tất cả những ai, ở trong và ngoài nước, thực tâm mưu cầu dân chủ cho Việt Nam./ (http://machsongmedia.com)