Hồi phục tinh thần minh triết vô úy của nền đạo Phật giáo Hòa Hảo

13 Tháng Sáu 201711:26 CH(Xem: 16339)

VĂN HÓA ONLINE -  VIỆT NAM  - THỨ  Ư 14  JUNE  2017


Quận Cam: Đại lễ kỷ niệm 78 năm Đức Huỳnh Giáo chủ khai sáng PGHH


Hồi phục tinh thần minh triết vô úy của nền đạo Phật giáo Hòa Hảo


VĂN HÓA


11/5/2017


"Ta chịu khổ, khổ cho bá tánh" (1)


"Việt Nam, người Việt Nam mau trở lại

"Yêu giống nòi có phải hơn không" (2)


"Quý nhau từng giọt máu đào

Để đem máu ấy tưới vào địch quân".


"Có lẽ không ai mà không biết Đức Huỳnh Phú Sổ là Đức Giáo Chủ của Phật Giáo Hòa Hảo, nhưng ít ai biết rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ là một triết gia Việt Nam. Chẳng những thế, không phải chỉ triết gia Việt Nam như bất cứ một triết gia nào xứng đáng được gọi là “triết gia “mà Đức Huỳnh Giáo Chủ lại đúng là một minh triết, một thánh triết, trong mọi ý nghĩa cao siêu nhất của danh từ". (*)


image012

Phái đoàn Bửu Sơn Kỳ Hương cung thỉnh chân dung Đức Huỳnh Giáo chủ lên ban thờ Tổ đình Minh Đăng Quang. Ảnh VH

 

Trên tinh thần đó, một buổi lễ trang nghiêm đã cử hành tại tổ đình Minh Đăng Quang tọa lạc ở Tp. Santa Ana, Quận Cam hôm Chủ Nhật 11 tháng 6 năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 78 năm nền đạo  Phật Giáo Hòa Hảo được Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng.


Theo truyền thuyết các vị dân làng lão niên kể lại, vào lúc 'hoàng hôn" ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (4 tháng 7 năm 1939), tại làng Hòa Hảo, xã Tân Phú quận Tân Châu tỉnh Châu Đốc, trước sân nhà Đức Ông Đức Bà, một thanh niên vừa tròn 19 tuổi, mặt quay về hướng tây, trước lễ đài long trọng làm lễ cáo hoàng thiên để lập đạo cứu đời. Ngài đã hướng về phương tây để: Ta chịu lịnh Tây phương thọ ký, và phát nguyện:


Đầu ngưỡng vọng đất trời minh chứng

Tấm lòng thành quyết dựng đạo đời.


Ngài đã mặc khải sứ mạng ngày18 tháng 5 năm Kỷ Mão vì thời cơ đã đến nên ngài phải: "Ta thừa dưng sắc lịnh thế tôn, khắp hạ giới truyền khai đạo pháp". (**)


Tưởng cũng nên nhắc lại, Đức Thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm từ bỏ cung vàng điện ngọc vào năm ngài mới 29 tuổi. (***)


Phật giáo Hòa Hảo khai sinh tại làng Hòa Hảo, đó vừa là tên làng quê hương của ngài Huỳnh Phú Sổ, vừa có ý nghĩa "hiếu hòa" và "giao hảo".  Làng Hòa Hảo, sau này được tôn xưng là Thánh địa của Phật Giáo Hòa Hảo.


image013

Chân dung Huỳnh Giáo chủ tại tổ đình An Hòa Tự (TT. Phú Mỹ, Phú Tân, An Giang)


Trước khi buổi lễ chính thức khai mạc, Hòa thượng Thích Minh Tuyên, Giáo hội Phật giáo Tăng già Khất sĩ Thế giới, Chủ tịch Chủ tịch đoàn Việt Nam Phật giáo Liên hiệp hội, Viện chủ chùa Minh Đăng Quang đã cử hành nghi lễ tụng niệm ngày viên tịch (rằm 15/5) của Thiền Sư Vạn Hạnh, một tăng sĩ Phật giáo xuất thân tại chùa Lục Tổ, khai sáng nền Phật giáo triều đại nhà Lý được tôn sùng là Quốc sư của Vua Lý Công Uẩn.


Ht Minh Tuyên, trong lời phát biểu về Đức Huỳnh Giáo chủ, xét về chủ trương hành đạo cứu đời của PGHH, ngài cho rằng con đường của Đức Huỳnh Giáo đẹp đẽ và cao cả hơn các đảng phái khác. HT Minh Tuyên cũng ngỏ lời xin lỗi các quí vị trong Việt Nam Quốc Dân đảng, đảng Đại Việt, đảng Duy Dân có mặt trong buổi lễ khi đưa ra nhận xét như trên.  


Được biết thân mẫu của Ht Thích Minh Tuyên là người sùng kính giáo lý tu nhân Tứ Ân PGHH  bao gồm Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), Ân đồng bào nhân loại.


image014

Ht Thích Minh Tuyên trong buổi lễ đưa ra lời nhận xét về các đảng phái Việt khác không khéo vận dụng giáo lý và chủ trương hành động của Đức Huỳnh Giáo chủ; thật là tiếc quá! Ảnh VH


Chủ trì buổi lễ, Tiến sĩ Lê Phước Sang, 86 tuổi, Hội trưởng Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội  Phật Giáo Hòa Hảo hải ngoại, nguyên Viện trưởng Viện Đại Học Hòa Hảo ở Long Xuyên, trong bài diễn văn khai mạc đã nêu lên tinh thần yêu nước thương nòi vô biên của Đức Huỳnh Giáo Chủ, cùng với sự truyền bá sâu rộng giáo lý Tứ Ân qua hàng trăm lần đi thuyết pháp, chỉ trong vòng 7 năm, giáo lý PGHH đã ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tâm linh người đất Nam bộ,  người mộ đạo quy căn đã lên tới hàng triệu tín đồ.


Đức Huỳnh Giáo chủ được coi là người cải cách và canh tân đạo Phật trở thành nền đạo Phật Việt Nam gần gũi và phù hợp với đời sống hàng triệu người dân miền đất Nam bộ.


image015

Phái đoàn Bửu Sơn Kỳ Hương do Đạo trưởng Phi Vũ dẫn đầu cung nghinh chân dung Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ tiến vào lễ đài tổ đình Minh Đăng Quang tọa lạc ở Tp Santa Ana hôm CH 11/6/2017. Ảnh VH


image016

Tiến sĩ Hội trưởng Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội  Phật Giáo Hòa Hảo hải ngoại Lê Phước Sang trước bàn thờ kính mừng Đại lễ 18/5 âm lịch năm thứ 78 ngày Đức Huỳnh Giáo chủ khai sáng nền đạo PGHH tại chùa Minh Đăng Quang, Santa Aana, Quận Cam hôm Chủ Nhật 11/6/2017. Ảnh VH.


Bài diễn văn của Ts Lê Phước Sang nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tín đồ PGHH hiện nay trong công cuộc giữ đạo và phát triển đạo. Ông cho biết số tín đồ PGHH hiện nay có thể đã lên tới 7, 8 triệu người. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là con số mà hướng phát triển giáo lý nền đạo PGHH mới là điều quan trọng, đó là sự nối kết Phật Giáo Hòa Hảo, một giáo pháp nhiệm màu và thực tế với đạo Phật và truyền thống thờ cúng tổ tiên của dân tộc hàng ngàn năm qua.  


Trước năm 1945, ước tính con số người theo đạo PGHH ở miền tây Nam bộ khoảng 2 triệu trong khi cả nước có khoảng 25 triệu, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Cao Lãnh, Cần Thơ, Rạch Giá, Vĩnh Long.


Đặc biệt, một sự kiện chưa từng diễn ra trong các buổi lễ do Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội  Phật Giáo Hòa Hảo hải ngoại tổ chức vào những năm trước; năm nay, ban Trị sự PGHH thuần túy trong nước dưới sự điều hợp của ông tân hội trưởng Nguyễn Văn Điền đã gọi điện thoại chúc mừng Đại lễ kỷ niệm 78 năm ngày Đức Huỳnh Giáo chủ khai sáng nền đạo diễn ra ở Mỹ.


Cuộc nối kết đàm thoại bất ngờ được ban tổ chức điều hợp bởi cô Khuyến Nguyễn phổ biến trên loa phóng thanh ngay trong buổi lễ.


Ts Lê Phước Sang gởi lời chào tất cả đồng đạo PGHH trong nước, cô Khuyến Nguyễn không bỏ lỡ cơ hội đã khuyến khích ông Điền nói về hiện thực các cuộc tranh đấu hiện nay và tình hình giáo hội thuần túy trong nước. 


Trả lời phỏng vấn của báo Văn Hóa, Ts Lê Phước Sang cho biết, đây là lần đầu tiên, ban trị sự trung ương thuần túy trong nước trước đây dưới sự lãnh đạo của ông Lê Quang Liêm (đã mất), bây giờ là ông Nguyễn Văn Điền cùng với ông Lê Quang Hiển là con trai ông Lê Quang Liêm làm chánh thư ký, tìm cách liên lạc với ban Trị sự trung ương hải ngoại. Cuộc nối kết này hy vọng mở ra một con đường đoàn kết tình đồng đạo giữa hải ngoại và trong nước.


image012
HT Minh Tuyên, Viện chủ Tổ đình Minh Đăng Quang và Ts Lê Phước Sang, Hội trưởng Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội  Phật Giáo Hòa Hảo hải ngoại cung thỉnh chân dung Đức Huỳnh Giáo chủ lên ban thờ hôm Chủ nhật 11/6/2017. Ảnh VH


Ngày 21/9/1946, bên cạnh việc truyền bá giáo lý Tứ ân PGHH, Đức Huỳnh Giáo chủ Phú Sổ khai sáng một tổ chức chính trị-quân sự lấy tên Việt Nam Dân chủ Xã hội đảng gọi tắt là Dân Xã đảng. Ông Nguyễn Bảo Toàn (Công giáo) là Tổng bí thư đầu tiên. Các lãnh tụ quân sự gồm có các vị tư lệnh là: Trần Văn Soái (Năm Lửa), đóng tại Cái Vồn (Cần Thơ), Lâm Thành Nguyên (Hai Ngoán), đóng tại Cái Dầu (Châu Đốc), Lê Quang Vinh (Ba Cụt), đóng tại Thốt Nốt (Long Xuyên), Nguyễn Giác Ngộ, đóng tại Chợ Mới (Long Xuyên).


Cựu Đại tá Nguyễn Văn Nam, trước năm 1975 nguyên là Tham mưu phó Chiến tranh Chính trị Quân đoàn IV, hiện nay là Tổng bí thư Dân Xã đảng.


Trả lời phỏng vấn của báo điện tử Văn Hóa Online ở California, ông Nam cho biết: "Hai vị Lương Trọng Tường, Hội trưởng ban Trị sự Trung ương PGHH và Ts Lê Phước Sang, Nghị sĩ Thượng viện VNCH có trách nhiệm rất lớn đối với giáo hội PGHH và Dân Xã đảng, tuy nhiên sau này khi chúng tôi ra hải ngoại, Dân Xã đảng không còn tập trung như hồi ở trong nước mà nay rải rác nhiều nơi trên nước Mỹ".


Khi được hỏi con số đoàn viên Dân Xã đảng hiện nay bao nhiêu, ông Nam cho biết ở hải ngoại khoảng vài trăm người, còn cốt cán ở miền tây khoảng 7, 8 ngàn người, tuy nhiên, ông Nam nhấn mạnh, Dân Xã đảng là một đối tượng theo dõi của chánh quyền, do đó các cuộc tranh đấu cho tự do tôn giáo của PGHH, chúng tôi lồng dưới hình thức Dân oan.  


Đức Huỳnh Giáo chủ không những được thế giới gọi là nhà Tôn giáo Dân tộc lớn của Việt Nam, ngài là một đại Bồ Tát trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, một nhà minh triết của thời đại, ngài còn là một nhà thơ.


Ngày 17 tháng 5 năm 1965, một hội nghị được khai mạc tại Văn phòng ban phổ thông Giáo lý trung ương (Thánh địa Hòa Hảo), tác phẩm Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ của Đức Huỳnh Giáo chủ hoàn thành.


Trong thời kỳ tranh đấu với Pháp, Nhật và Việt Minh, ngài đã từng thoát âm mưu ám sát nhiều lần. Cho đến hiện nay, hàng triệu tín đồ PGHòa Hảo vẫn tin rằng Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ chỉ "vắng mặt" tạm thời mà thôi.


Cho đến nay, sự "mất tích khó hiểu" của Đức Huỳnh Giáo chủ vẫn là một công án khảo cứu đối với các nhà sử học và nghiên cứu lịch sử.


Chưa biết đến lúc nào có một hội nghị khoa học mở ra nghiên cứu về cuộc đời hoạt động của Đức Thầy Huỳnh Giáo chủ.


image017


Ngưỡng mộ Sấm giảng Thi Văn của Đức Huỳnh Giáo chủ, Văn Hóa xin trích bài thơ Tình Yêu của ngài. Trong suốt hàng ngàn câu thơ của Đức Thầy, bài thơ Tình Yêu là bài thơ duy nhứt của Đức Thầy viết về tình yêu./( (lý kiến trúc)       


Tình yêu  


Huỳnh Phú Sổ 1946


image018


Ta có tình yêu rất đượm nồng,

Yêu đời yêu lẫn cả non sông.

Tình yêu chan chứa trên hoàn vũ,

Không thể yêu riêng khách má hồng.


Nếu khách má hồng muốn được yêu,

Thì trong tâm trí hãy xoay chiều.

Hướng về phụng sự cho nhơn loại,

Sẽ gặp tình Ta trong khối yêu.


Ta đã đa mang một khối tình,

Dường như thệ hải với sơn minh

Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,

Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh.


Lý Kiến Trúc

Quận Cam 13/6/2017


(1) Thời kỳ khai đạo, bị thực dân Pháp đàn áp, Đức Huỳnh Giáo chủ nói.

(2) Thời kỳ cách mạng, chống ngoại xâm, bảo tồn nòi giống.


(*) Bài viết của nhà thơ, triết gia Phạm Công Thiện.

(**) Bài viết của cô Ngọc Sỹ đọc trong buổi lễ.

(***) Năm 29 tuổi, sau khi công chúa Da-du-đà-la hạ sinh một bé trai - được đặt tên là La-hầu-la (zh. 羅睺羅, sa. rāhula) (nghĩa là Chướng ngại), Tất-đạt-đa quyết định từ bỏ cuộc sống xa hoa, lìa cung điện bất chấp nỗ lực ngăn cản của cha mình. Ông gọi người nô bộc trung thành là Channa (Sa Nặc) lấy con ngựa Kantaka (Kiền Trắc) rồi ra đi. Khi tới bờ sông Anomà, Thái tử dừng lại, bỏ ngựa, cạo râu, tóc, trao y phục và đồ trang sức cho Channa, lệnh cho Channa trở về.


image019

Ban tổ chức từ trái: Tín hữu Nhứt Kim và MC Khuyến Nguyễn điều hợp chương trình. Ảnh VH


image020

Trái: Tín hữu Ngọc Sỹ, tác giả bài cảm nghĩ đọc trong buổi lễ.