Nhà giáo: Học sinh quá tải, cần xem lại mục tiêu giáo dục

24 Tháng Mười Một 20168:18 CH(Xem: 11004)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  SÁU   25  NOV  2016


Nhà giáo: Học sinh quá tải, cần xem lại mục tiêu giáo dục


image022


 


image024


Một mặt cho rằng các bậc phụ huynh có một phần lỗi khi luôn muốn con mình giỏi, nữ nhà giáo Tô Thụy Diễm Quyên cũng chỉ ra rằng các giáo viên có một phần vai trò khi học sinh bị quá tải trong việc học. (Ảnh minh hoạ)


Vấn đề áp lực học hành lại được bàn luận nhiều trên một số trang tin Việt Nam sau khi xuất hiện trên mạng một đoạn video ghi cảnh hai học sinh nam dường như phải ăn cơm hộp khi được chở bằng xe máy trên đường đi học thêm.


Ít nhất hai báo mạng, Dân Trí và Phụ Nữ Online, đã đăng đoạn video dài hơn 20 giây được cho là của một người có tên Chu Chí Khanh ghi lại ở thành phố Hồ Chí Minh và đăng lên trên Facebook cá nhân của anh hôm 21/11.


Anh Khanh đặt tiêu đề cho đoạn video là “Thực trạng ‘ĂN - HỌC’ tại Việt Nam hiện nay!” và chú thích thêm: “Video được quay vào tầm 5h chiều khi tụi nhỏ vừa tan học về, không biết có phải vì bận ‘chạy show học thêm’ tiếp hay không mà ba mẹ lại để 2 đứa nhỏ ăn cơm hộp trong khi đường kẹt xe và bụi bặm như vậy...trông tội quá!”


Chị Hương Mai, 38 tuổi, một người dân ở tp. HCM, nói với VOA rằng cảnh học sinh phải “ăn cơm hay gặm bánh mỳ” trên xe sau lưng ba mẹ trên đường đi học thêm đã có ở thành phố cả 20 năm nay, kể từ khi bản thân chị là một học sinh. Chị cho rằng cả trẻ em lẫn người lớn đều chịu thiệt hại do những áp lực học hành:


“Cái này cho thấy một áp lực học hành quá lớn đối với trẻ em. Ở đây, ở Việt Nam, phải học rất là nặng từ nhỏ, và nhiều em không có thời gian để ăn như đã thấy trong hình. Nhiều em còn không có thời gian để ngủ. Còn cái áp lực học hành, chương trình học quá nặng về toán, lý, hóa và các môn chủ yếu sử dụng não trái. Những đứa trẻ có thiên hướng về não phải không chịu được áp lực học hành đó, dẫn tới phải căng sức hơn bình thường. Cha mẹ cũng phải lo lắng rất là nhiều. Họ cũng mất rất nhiều thời gian thay vì là dùng thời gian đó để nghỉ ngơi hay tái tạo sức lao động”.


Một mặt cho rằng các bậc phụ huynh có một phần lỗi khi luôn muốn con mình giỏi, đạt thành tích cao trong học tập, nữ nhà giáo Tô Thụy Diễm Quyên cũng chỉ ra rằng các giáo viên có một phần vai trò khi học sinh bị quá tải trong việc học.


Từ tp. HCM, nhà giáo 49 tuổi nói với VOA:


“Tất cả những thầy cô giáo đang làm trong ngành giáo dục cũng cảm thấy mình cũng có một phần trách nhiệm, cũng một phần lỗi trong đó. Vì làm sao để các em đạt điểm thi tốt cho nên là nhiều thày cô giáo cũng tìm cách này cách nọ để dạy luyện thi thêm cho các em nữa. Chúng ta phải xác định lại mục tiêu của giáo dục, thì lúc bấy giờ mới có thể giảm bớt được cái cảnh chạy đua với nhau để mà học tập. Rất đơn giản đó là mục tiêu học để làm người và học để lao động. Còn hiện giờ, chúng ta đang học để giải quyết lượng kiến thức. Khi mà thay đổi mục tiêu giáo dục như vậy, nó phải đi kèm theo là thay đổi cách đánh giá”.


Về cách thức thay đổi phương pháp giáo dục, chị Hương Mai - hiện làm việc trong lĩnh vực kinh doanh nhưng trước đây được đào tạo để trở thành giáo viên ngoại ngữ - nêu ra các gợi ý:


“Nếu mà muốn cải tổ, làm cho tốt hơn, cần phải ngồi lại để tạo ra những chương trình học phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng nhóm tuổi. Ví dụ như tuổi nhỏ, các em không nên học nhiều mà các em nên chơi nhiều để có thời gian ngủ để tăng trưởng chiều cao. Cái thứ hai là chương trình phải phù hợp với từng năng lực, từng khả năng trí não của từng nhóm. Nhóm nào thích tự nhiên phải có chương trình riêng của các em, các chương trình phù hợp với các em có thiên hướng về xã hội, và chương trình học phù hợp với các em có thiên hướng về nghệ thuật. Bộ não của con người không có cân bằng mà thường là sẽ phát triển lệch, thì chúng ta tạo ra một chương trình chống học lệch thì nó rất là phản khoa học”.


Nhà giáo Tô Thụy Diễm Quyên cho biết không chỉ riêng học sinh Việt Nam mà ở rất nhiều nước trên thế giới, vẫn còn tình trạng các em cùng một lứa tuổi vào học cùng một lớp với cùng một cách giảng dạy, cùng một bài kiểm tra, đánh giá, và cùng một yêu cầu đầu ra. Bà cho rằng điều này là phản khoa học.


Ở cương vị hiện nay là chuyên viên của Sở Giáo dục tp. HCM, bà Quyên cho VOA biết thành phố đang tiến hành những thay đổi trong công tác giáo dục để giảm bớt tình trạng kể trên:


“Hiện giờ là đã thay đổi được rồi, mặc dù là chưa hoàn toàn đồng bộ. Bởi vì vẫn còn phải có những quy trình thi cử, đánh giá vẫn có đi theo nếp cũ. Nhưng ở tp. HCM rất nhiều phụ huynh đã hiểu ra mục tiêu giáo dục thực sự tốt nhất cho con mình là gì”.


Từng là một trong 250 người được Microsoft chọn là chuyên gia cố vấn giáo dục toàn cầu, bà Quyên lưu ý rằng “trong thế kỷ 21 kỹ năng tư duy sẽ quan trọng hơn kiến thức chúng ta nhận được”.


Bà cho biết tp. HCM sắp tổ chức một cuộc thi để các giáo viên nêu ra hàng nghìn ý tưởng về giảng dạy một cách sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin. Theo bà, sự kiện này cũng là một dịp tốt để các phụ huynh đến và “nhìn thấy con họ bây giờ cần phải học điều gì”./ (theo VOA 23.11.2016/An Tôn).


 


+++++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Nhìn lại cuộc cải cách giáo dục của Pháp ở Việt Nam và bài học hôm nay

Đặng Việt Thủy


23/11/16


Thảo luận (1)


(GDVN) - Với cải cách giáo dục lần thứ nhất, nhà cầm quyền Pháp hy vọng trong một thời gian ngắn có thể đào tạo được một số công nhân kỹ thuật và viên chức giúp việc.


Tư lệnh ngành giáo dục yêu cầu tránh cưỡi ngựa xem hoa khi phân luồng đào tạo Việt Nam nên tham khảo cơ chế “sách giáo khoa kiểm định" của Nhật Bản Mô hình trường học mới, Bộ phải bắt đúng bệnh mới mong chữa khỏi!


LTS: Bàn về vấn đề cải cách giáo dục, tác giả Đặng Việt Thủy chỉ ra những ưu nhược điểm trong cuộc cải cách của Pháp tại Việt Nam cách đây 110 năm (1906).


Đây là một bài viết có nhiều ý hay góp phần đưa ra bài học cho bài toán cho nền giáo dục Việt Nam hiện đại.


Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này!


Sau một phần tư thế kỷ xâm lược Việt Nam kể từ năm 1858, thực dân Pháp đã đặt được những viên gạch đầu tiên cho một nền giáo dục mới.


Tháng 6/1886, Paul Bert được cử giữ chức Tổng sứ Bắc Kỳ và Trung Kỳ mở đầu một thời kỳ mới về giáo dục, tăng cường mở các trường Pháp - Việt, hạn chế chương trình học tiếng Hán trong các trường.


Tuy vậy, cho đến gần 10 năm sau, sự nghiệp giáo dục của người Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ không có gì đáng kể.


Nguyên do cuối năm 1886, Paul Bert chết đã làm đình lại rất nhiều dự tính về công cuộc giáo dục của mình.

image025

0

Quang cảnh trường Tiểu học nữ sinh trên phố Hàng Cót thành lập năm 1910. (Ảnh: Vietnamnet.vn)

Đến năm 1905, hệ thống giáo dục ở Việt Nam lúc này tồn tại dưới ba hình thức khác nhau:


Ở Nam Kỳ, đa số các tổng xã đều có các trường tiểu học Pháp - Việt dạy chữ Pháp và quốc ngữ, chữ Hán hầu như bãi bỏ hoàn toàn hoặc chỉ là môn phụ.


Ngoài ra, còn một vài trường trung học như Chasseloup Laubat, Bá Đa Lộc dạy tiếng Pháp cho người Việt và dạy tiếng Việt cho người Pháp.


Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, số trường dạy chữ Pháp và chữ quốc ngữ còn rất ít ỏi, riêng Trung Kỳ trường dạy chữ Hán vẫn tồn tại khắp nơi.


Như vậy, ba kỳ Bắc, Trung, Nam với ba chế độ giáo dục khác nhau đã làm cho người Pháp gặp rất nhiều khó khăn trong việc theo dõi và thực hiện các chính sách của mình.


Tuy nhiên, đây là những tiền đề cho một cuộc cải cách giáo dục của người Pháp.


Tình hình chính trị lúc này đã tương đối ổn định, sự phát triển kinh tế, xã hội đòi hỏi phải có một đội ngũ công nhân và cán bộ kỹ thuật có trình độ cao hơn.


Về giáo dục, họ cũng cần có sự thể nghiệm đường lối sao cho phù hợp với một đất nước có nền văn hóa phương Đông lâu đời bước đầu tiếp xúc với nền văn hóa còn xa lạ của phương Tây.


Toàn quyền Paul Beau thay Paul Doumer đã nhận trọng trách này. 


image026

Bức tranh cải cách giáo dục đại học, chuyên nghiệp ở Việt nam

Năm 1903, Paul Beau ký nghị định thành lập Hội đồng nghiên cứu cải cách giáo dục.  


Sau ba năm hoạt động, năm 1906 một nghị định công bố nội dung cải cách đã ra đời (Nghị định cải cách giáo dục ban hành năm 1906 nhưng vì thiếu thầy, thiếu sách giáo khoa nên tới năm 1910 mới chính thức thực hiện). 


Với cải cách của Toàn quyền Paul Beau, hệ thống trường Pháp - Việt được tổ chức lại gồm hai bậc: tiểu học và trung học.


Bậc tiểu học Pháp - Việt có bốn lớp: lớp tư, lớp ba, lớp nhì và lớp nhất. Cuối bậc có kỳ thi lấy bằng tiểu học Pháp - Việt.


Chương trình học hầu hết bằng tiếng Pháp, còn tiếng Việt và chữ Hán chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp.


Riêng môn tiếng Pháp, để học sinh có số vốn tối thiểu theo học ba lớp trên, chương trình chú trọng dạy ngay từ lớp đầu tiên (lớp tư) khi mới bước vào trường tiểu học.


Về tiếng Việt và tiếng Hán chương trình đã ít, tùy tiện, yêu cầu lại thấp: lớp nhất là lớp cuối cấp tiểu học mà học sinh chỉ cần đọc trôi chảy và đúng, còn thầy giáo cũng chỉ cần giảng cho học sinh hiểu bài bằng cách cắt nghĩa chữ khó và tóm tắt đại ý.


Còn chữ Hán chỉ mang nội dung luân lý, không dạy khoa học bằng chữ này.


Bậc trung học: học sinh được thi vào trung học sau khi đã tốt nghiệp tiểu học.


Bậc này chia làm hai: trung học đệ nhất cấp và trung học đệ nhị cấp. Trung học đệ nhất cấp chỉ học có một năm, chia làm hai ban.


Ban Văn học, học thêm một ít chương trình của ban tú tài Pháp, nhưng tùy theo hoàn cảnh của địa phương mà thay đổi cho thích hợp, ở đây có thể dạy thêm tiếng Pháp, tiếng Việt và tiếng Hán.


Ban Khoa học chia làm ba ngành (nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp), có mục đích đào tạo những nhân viên cho các ngành kinh tế.


Do đó, ở ban này, chương trình văn học sẽ không còn hoặc chỉ dùng rất ít, trái lại việc học những môn khoa học thực hành sẽ được chú ý hơn.  


Ngoài ra, ban Khoa học còn có thể thi vào lớp Sư phạm hoặc Pháp chính. 


image027

Sách cải cách theo chương trình của Pháp. (Ảnh: Vietnamnet.vn)

Nếu trong cải cách của hệ thống trường Pháp - Việt chỉ là hoàn chỉnh thêm một bước chương trình trung học (thực ra cũng chưa đầy đủ) để đào tạo những nhân viên cho các ngành kinh tế, hành chính và sư phạm thì việc cải cách trong hệ thống trường chữ Hán sẽ làm thay đổi khá nhiều cơ cấu của nền giáo dục cổ truyền này.


Trên cơ sở những quan điểm của các bậc chuyên gia thời đó, nền giáo dục chữ Hán được chia làm ba bậc: ấu học, tiểu học và trung học.


Trong đó không cắt hẳn phần học chữ Hán nhưng triệt để "phổ cập" chữ quốc ngữ.


Đối với các trường nữ học thì chủ yếu là thực hành; tại các trường tiểu học, tiếng Pháp là tự nguyện còn với các trường cao đẳng thì đó là ngôn ngữ bắt buộc.


Thời gian này, nhà cầm quyền Pháp còn mở thêm các trường sư phạm ở Hà Nội, Nam Định, Huế, Gia Định; các trường chuyên nghiệp và xưởng học nghề; các trường Kỹ thuật thực hành.


Ngoài ra, còn có các trường Mỹ thuật thực hành; trường Thợ máy như trường Cơ khí Á Châu (École des Mécaniciens Asiatiques) ở Sài Gòn (1906), trường Mỹ thuật Gia Định (1913)...


Trường Y sĩ Hà Nội (sau này thành Đại học Y khoa) mở ra từ năm 1902.


Cuộc cải cách giáo dục lần này có những điểm nổi bật sau:


Sự xâm nhập mạnh mẽ của nền giáo dục Pháp - Việt vào hệ thống giáo dục phong kiến.


Nếu như trước kia từ Paul Bert đến Paul Doumer chỉ mới có một vài quy chế cho việc học chữ Pháp, chữ quốc ngữ mang tính chất từng phần thì lần này Paul Beau đã kế thừa những thành quả trên, hệ thống lại cụ thể hơn và bổ sung một số điểm cho phù hợp với tình hình lúc đó.


Đối với nền giáo dục phong kiến lần này họ đã cắt đi một phần chữ Hán để thay vào phần khoa học thường thức như Toán, Vệ sinh...


image028

Tính “địa phương” trong giáo dục phổ thông - một bài học sâu sắc

Nhưng họ vẫn chưa dám thẳng tay xóa bỏ hoàn toàn nền giáo dục phong kiến và những cơ cấu của nó như nội dung chương trình, sách giáo khoa và tổ chức thi cử...


Điều đáng chú ý là, trước kia hai nền giáo dục phong kiến và Pháp - Việt tồn tại hầu như biệt lập với nhau.


Còn trong cuộc cải cách giáo dục lần này, thực dân Pháp vẫn để tồn tại song song nhưng lại cố làm cho hai nền giáo dục này xích lại gần nhau hơn.


Theo đó, sự khác nhau giữa hai nền giáo dục này sẽ chỉ như giáo dục cổ điển và giáo dục hiện đại ở Pháp.


Do đó, ở các trường ấu học, tiểu học và trung học của giáo dục phong kiến chương trình cổ điển là phần chữ Hán, có chương trình hiện đại là chữ Pháp, chữ quốc ngữ và chính phần chữ Pháp của các trường này cũng lấy trong sách của trường Pháp - Việt.


Học sinh sau khi học xong trường ấu học không nhất thiết phải theo học trường tiểu học và trung học để đi thi hương mà còn có thể học trường tiểu học Pháp - Việt để thi vào các trường trung học Pháp - Việt.


Như vậy, tuy cải cách lần này chưa triệt để nhưng nền giáo dục thực dân đã xâm nhập mạnh mẽ hơn vào nền giáo dục phong kiến cổ truyền, sẽ tạo điều kiện để xóa bỏ hoàn toàn nền giáo dục này khi cần thiết.


Với cải cách giáo dục lần thứ nhất, nhà cầm quyền Pháp hy vọng trong một thời gian ngắn có thể đào tạo được một số công nhân kỹ thuật và viên chức giúp việc, đó là hướng của các trường Pháp - Việt.


Đối với hệ thống giáo dục phong kiến, sẽ có được một tầng lớp quan lại tuy vẫn lấy cựu học làm chính, nhưng đã ít nhiều tân học có thể làm cầu nối giữa nhân dân và "nhà nước bảo hộ".


Tuy nhiên, các trường Pháp - Việt với 14 môn dạy bằng tiếng Pháp trên tổng số 20 môn ngay từ những lớp đầu tiên của bậc tiểu học, cũng đủ thấy sự mô phỏng hầu như hoàn toàn theo chương trình của bậc tiểu học ở Pháp.


Nó đã gây ra nhiều khó khăn về giáo viên, sách giáo khoa, tổ chức cơ sở vật chất, chất lượng và hiệu quả không thể cao.


Còn nội dung giảng dạy chữ quốc ngữ và chữ Pháp ở hệ thống các trường chữ Hán, người ta đã tập trung nhiều về luật pháp, đơn từ, phong tục... là những môn cần thiết cho việc cai trị ở phủ, huyện.


Đối với thi Hội chưa có gì thay đổi. Trong khi chữ Pháp và chữ quốc ngữ vốn chưa phải là thứ chữ quen thuộc đối với dân chúng.


Chỉ riêng chữ Pháp, cách đặt câu, cách đọc, cách viết đã có bao nhiêu thứ rắc rối, muốn tiếp thu học trò phải mất rất nhiều thời gian mới có thể lọt qua kỳ thi Hương.


Đến kỳ thi Hội, sĩ tử phải kiến giải những vấn đề nóng bỏng về kinh tế, chính trị, xã hội mà họ chưa được học hỏi bao nhiêu, nên không có cách nào khác là nói dựa hoặc trình bày, lý giải vấn đề một cách chủ quan, nông cạn và hời hợt.

Do vậy, tuy công cuộc cải cách giáo dục của Toàn quyền Paul Beau đã cố dung hòa hai nền giáo dục Pháp - Việt và phong kiến nhưng rõ ràng là không thể đáp ứng được yêu cầu như người ta mong muốn.


Sau hơn 10 năm nền giáo dục tỏ ra bất cập vì những người đào tạo ra "tân học không dày và cựu học cũng mỏng" mà người Pháp lại phải tiến hành cải cách giáo dục lần thứ hai vào năm 1917.

Tài liệu tham khảo:
- "Hỏi đáp Lịch sử Việt Nam" - Tập 5, Nxb Trẻ, TP HCM - 2007.
- "Đại cương Lịch sử Việt Nam" - Tập II, Nxb Giáo dục, Hà Nội - 2006.


Đặng Việt Thủy


 


+++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


'Thưa Kẻ lười biếng, cậu đúng là quả bom tấn'!

Ngô Khởi


04/05/13


 (GDVN) - Bạn đọc Ngô Khởi đã gửi đến Giaoduc.net.vn một bài viết công phu xung quanh sự kiện clip "kẻ lười biếng" luận về giáo dục. Bài viết có tựa đề: Từ "Sự trăn trở của Kẻ lười biếng" đến vấn đề cải cách giáo dục VN. Sau đây là phần 1 của bài viết.


'Kẻ lười biếng' từ chối lên báo 'Kẻ lười biếng' là thần chém gió hay tên đốt đền? 'Kẻ lười biếng' và cách nhanh nhất để Bộ Giáo dục lấy lại niềm tin 'Kẻ lười biếng hẳn đã thương đau cho mình và bạn bè nhiều lắm'


Phần 1: "Thưa Kẻ lười biếng, Cậu đúng là quả bom tấn" (*) 


Nhà giáo Phạm Toàn gọi tác giả “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng”“Kẻ nổi loạn”. Với tôi Cậu là quả BOM TẤN vừa phát nổ. Thực tế cho thấy, tiếng vang của trái bom thật lớn, lớn hơn tất cả những gì mà tập thể hay cá nhân các vị GS, TS, các nhà GD, nhà Quản lý… từng làm được khi luận về GD.


Tuy nhiên, sức công phá của nó tới đâu còn tùy thuộc vào ĐỘ Ỳ của bộ máy quản lý GD hiện thời.


Nhưng BOM TẤN ơi, dù sao hàng triệu con tim VN ở mọi trình độ, tầng lớp, lứa tuổi cũng đã trở thành fan hâm mộ của Cậu rồi. Cậu thật xứng đáng với sự yêu mến, thán phục của mọi người. Mong sao sự kiện của Cậu đủ sức châm ngòi một trào lưu mới, giúp cho hầu hết từ lớn tới bé, từ già chí trẻ, những con người đang bị GD làm cho điêu đứng sốc lại tinh thần, cất lên chính kiến, loại bỏ u nhọt… góp phần đưa GD nước nhà sớm trở lại vai trò và con đường ngay ngắn vốn có: Trang bị kiến thức và năng lực LÀM NGƯỜI cho mọi thành viên của một xã hội tiến bộ.


Chúng ta vẫn cứ nói mãi, tranh luận mãi về bệnh tật của GD: Nào là quá tải, nào là dạy thêm, học thêm, nào là gian lận thi cử, mua bán bằng cấp… Song đó cũng chỉ là những triệu chứng lâm sàng của một căn bệnh ác tính.


image029

Hãy thử tìm hiểu căn nguyên của một trong những vấn đề nổi cộm nhất, từ lâu đã khiến dư luận vô cùng bức súc. Đó là: Cải cách giáo dục phổ thông.


Trong vòng chưa đầy một thập niên đã có đến mấy cuộc cải cách, mấy lần làm sách (xong lại vứt vào sọt rác), đem mấy thế hệ tương lai ra làm thí nghiệm, tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng… Cuối cùng: vẫn chỉ một con số không tròn trịa!


Một lý do rất cơ bản: "Bệnh viện và đội ngũ thầy thuốc"!


Dư luận đồn rằng, đã có không ít sự thiếu minh bạch trong các cuộc cải cách GD. Ở vào thời buổi này, rất nhiều bệnh viện cố tình lờ đi trách nhiệm quản lý, dung túng, tiếp tay, thậm chí câu kết với tiêu cực. Những y, bác sỹ ít lương tâm thường bắt bệnh hời hợt, mải miết kê đơn, chỉ cốt thu đầy túi tham, bất chấp cả tính mạng của con bệnh.


Và cũng như thế: Những người làm cải cách luôn chỉ lo tiêu sao cho được nhiều tiền, sao cho được thật nhiều tiền!


Có người bảo, nói thế là hồ đồ, là vơ đũa cả nắm, là oan ức quá cho nhiều người. Xin thưa, không có đâu ạ! Dù là ai, miễn là công dân VN - những người hàng ngày đang nộp thuế cho Nhà nước, những người đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả xương máu để kiếm ra đồng tiền nuôi con ăn học, kể cả tự nộp tiền cho mình đi học… đến thời khắc này hoàn toàn có quyền suy diễn và khẳng định như vậy, sau khi đã tận mắt chứng kiến những màn diễn ngu ngơ (kiểu như thay đổi mẫu ký tự trong bảng chữ cái) và kết cục bi thảm của cái công cuộc thê lê, kỳ quặc này.


Chao ôi! mọi thứ cứ rối tinh rối mù cả lên, chẳng khác nào ngài Giao thông với những SÁNG KIẾN số chẵn – số lẻ, ngày chẵn – ngày lẻ; cấm tuyệt đối taxi Hà Nội đỗ dưới lòng đường, khiến cho khách hàng phải vừa chạy vừa lên - xuống xe. Có lẽ không ngoài hai mục đích, một là: gia tăng tai nạn giao thông, hai là: nâng cao "thu nhập" cho đội ngũ cảnh sát, thanh tra giao thông… Thật là hài hước và vô lý hết chỗ nói!


Tuy là người ngoại đạo, chẳng quá sa đà vào những việc không phải của mình, song cũng xin có một kế hèn được hiến cho các vị - những con người đang được cả dân tộc giao cho trọng trách, những con người đang ngày đêm “lao tâm khổ tứ” với GD nước nhà.


Theo tôi, làm GD Đại học mới khó. Khó vì GD Đại học trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực, liên quan mật thiết với nền kinh tế, với thị trường lao động vốn đã vô cùng phức tạp và đầy biến động.


Ngược lại, Giáo dục phổ thông chỉ có nhiệm vụ trang bị những kiến thức cơ bản, tối thiểu, mang tính định hướng, giúp học sinh có đủ khả năng để có thể bắt đầu tham gia thị trường lao động hoặc tiếp tục cùng với những chuyên ngành khác nhau của hệ thống đào tạo Đại học.


Câu hỏi đặt ra: Vậy đâu là cơ bản? Cơ bản đến đâu là đủ? Cậu bé của chúng ta cho rằng: Lớp 9!


Thực ra đó cũng chỉ là suy nghĩ mang nhiều cảm tính. khó ai có thể trả lời cho thấu đáo.


Tuy nhiên, vẫn Đang có một lối thoát!


Đã gọi là phổ thông, cơ bản (mà thực chất là phổ thông, cơ bản) thì đâu chẳng giống đâu, đặc biệt là những môn học về KHTN. Vậy tại sao ta không photo coppy lấy một bộ sách của một nước tiên tiến nào đó, mang về mà dạy cho con, cho cháu chúng ta nhỉ? Mỹ, Anh, Pháp, Canada… hay Hàn Quốc chẳng hạn.


Chẳng lẽ chỉ vì ta vốn là một dân tộc anh hùng, từng đánh thắng oanh liệt biết bao triều đại phong kiến phương Bắc, đánh thắng oanh liệt vài ba tên đế quốc đầu sỏ… Rồi giống nòi ta vốn là con Lạc cháu Hồng (Tổ tiên của các dân tộc khác là loài vượn), vốn thông minh hơn, sạch sẽ, cao quý hơn… nên kiểu dạy, kiểu học của ta phải khác người, sách của ta phải hay ho, mĩ miều hơn, tiên tiến, hiện đại hơn?!


Thôi! xin đừng tự hào hơi, sỹ diện hão mãi nữa! Đã cần phải tự biết mình là ai từ lâu rồi!


Thiết nghĩ, khiêm tốn học hỏi các nước tiên tiến mới chính là cách thức tối ưu, tiết kiệm nhất, con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất. Thậm chí ngay cả những môn KHXH vẫn hoàn toàn có thể tham khảo ở họ không ít, xem họ biên tập thế nào, dạy gì, dạy đến đâu, dạy và học như thế nào.


* Còn tiếp...
---
(*) Tiêu đề từng phần do Tòa soạn đặt. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.


Ngô Khởi


Nhìn lại cuộc cải cách giáo dục của Pháp ở Việt Nam và bài học hôm nay

Người gọi ‘kẻ lười biếng’ là BOM TẤN: Trách nhiệm thuộc về ai?

Ngô Khởi


07/05/13


 (GDVN) - Bạn đọc Ngô Khởi đã gửi đến Giaoduc.net.vn một bài viết công phu xung quanh sự kiện clip "kẻ lười biếng" luận về giáo dục. Bài viết có tựa đề: Từ "Sự trăn trở của Kẻ lười biếng" đến vấn đề cải cách giáo dục VN. Sau đây là phần 2 của bài viết.


Phần II: Giáo dục ngày càng tuột dốc. Trách nhiệm thuộc về ai?


Clip "Sự trăn trở của kẻ lười biếng" xuất hiện khiến cho câu chuyện giáo dục rôm rả hẳn lên. Đối với tác giả của clip: khen có, chê có. Nhưng chê ít mà khen lại quá nhiều.


Dễ hiểu thôi: Ngoài việc Cậu quá ưa nhìn, diễn thuyết quá hay, quá hùng hồn…  thì về phương diện bản lĩnh (thể hiện Trách nhiệm cá nhân đối với thời cuộc), Cậu xứng đáng là một ANH HÙNG!


Clip đã làm nức lòng biết bao người lớn. Chúng ta vui, vui lắm! Vui vì bỗng nhiên có người nói toạc hộ mình bao nhiêu bức xúc đang chứa chất bấy lâu trong lòng. Nhưng người lớn chúng ta ơi! Chút vui mừng nhỏ nhoi ấy làm sao che giấu nổi nỗi thất vọng, niềm xót xa, tủi hổ đang hiển hiện trong từng ánh mắt, trên từng khuôn mặt, mỗi khi nhắc đến hai từ: "Giáo dục"?!


Thất vọng! Vì không biết còn phải chờ đợi cho tới bao giờ?!


Xót xa! Vì ngẫm lại không biết bao nhiêu lần phải cắn răng trước tất cả những gì mà GD đã và đang đày ải ta suốt mấy chục năm ròng!


Tủi hổ! Vì thấy mình thật thấp hèn - chẳng thể bén nổi cái chân lông của một thằng bé!


Chúng ta vẫn nói nhiều, vẫn nói rất nhiều về thực trạng của GD. Hôm nay, nhờ có Cậu bé, chúng ta lại tiếp tục cùng nhau nói nhiều hơn. Song có một điều rất cần phải nói, nếu không muốn nói là CẦN NHẤT. Đó là:


GD ngày càng tuột dốc. TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI?


Thì hầu như trong chúng ta, chẳng có ai nhắc tới cả.


Phải chăng ta đang lãng quên? Không phải thế.


Đó vẫn chỉ là vì: Chẳng bằng một thằng bé!


Theo "tập quán" ở ta, mỗi khi có một sự cố ở đâu đó thì việc Quy trách nhiệm luôn diễn ra một cách hết sức êm thấm. Phải chăng người Việt Nam ta vốn ưa chuộng hòa bình, có truyền thống về đức vị tha và lòng nhân ái cao cả: Lỗi nhiều thành lỗi vừa, lỗi vừa thành lỗi ít, lỗi ít coi như không có. Và nếu sau khi đã bỏ qua nhiều lần mà lỗi vẫn chưa hết thì lúc đó chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện triệt để tinh thần "xây dựng", tinh thần "đoàn kết", "yêu thương đùm bọc lẫn nhau". Để rồi cùng nhau tìm ra trách nhiệm thuộc về Tập thể này, Đội ngũ kia, Bộ này, Ngành nọ, thậm chí là "chúng ta".  Và cuối cùng sẽ là… KHÔNG AI CẢ! 


Vả lại: "Nếu cứ động vi phạm là kỷ luật thì lấy đâu ra cán bộ mà làm việc" hả giời?!


Hoan hô tinh thần "ĐOÀN KẾT" và "XÂY DỰNG"!


Hoan hô "ĐẠO ĐỨC" và "TÌNH YÊU THƯƠNG" con người!


Tôi đã đọc khá nhiều bài phản hồi về “Kẻ nổi loạn”. Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là có một vị GS đã chất vấn Cậu bé về "Trách nhiệm của học sinh đối với thực trạng GD nước nhà hiện nay?".


Trong chúng ta, những bậc trung và cao niên hẳn ai cũng chưa thể quên Câu chuyện Khoán 10 trong nông nghiệp xảy ra cách đây ngót 3 thập kỷ.


Cơ chế Khoán phá bỏ lối làm ăn tập thể thủ cựu, ỷ lại, dựa dẫm, vô trách nhiệm… đã giúp nền nông nghiệp phát triển vượt bậc, biến đất nước từ chỗ thiếu đói triền miên bỗng dưng trở thành quốc gia xuất khẩu gạo vào hàng nhất nhì thế giới. Vẫn mảnh ruộng ấy, con người ấy, tại sao vậy?


Thế mới biết: Mùa màng chưa tươi tốt chớ vội đổ lỗi cho nông dân; đất nước còn nghèo đói, chậm phát triển đâu phải tại nhân dân lười lao động, thiếu sáng tạo; GD trì trệ, mục nát sao lại bảo do học sinh không chịu phấn đấu?!


Hỡi những ai đang được nhân dân giao cho trọng trách!


Xin đừng bắt chước vị GS nọ: Đùn đẩy trách nhiệm cho cả trẻ em!


Xin hãy lắng nghe nguyện vọng của toàn dân!


Xin hãy bỏ chút thời gian vàng ngọc của các vị suy ngẫm về GD!


Xin hãy nhìn ra Thế giới, hãy làm những việc làm thật đúng đắn và có lương tri, hãy ra những quyết định sáng suốt!...


Và xin: Hãy làm tất cả những gì để sớm đưa GD nước nhà trở lại vai trò và con đường ngay ngắn vốn có: Trang bị kiến thức và năng lực LÀM NGƯỜI cho mọi thành viên của một xã hội tiến bộ!


Ngô Khởi

04 Tháng Bảy 2015(Xem: 25930)
Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản, ngày 4/7, tại Nhà khách Quốc gia ở Tokyo, Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
25 Tháng Sáu 2015(Xem: 19104)
11 Tháng Sáu 2015(Xem: 13810)
Đại biểu tới từ tỉnh Bình Dương nói:"Một con số khổng lồ. Nói rõ hơn, chỉ riêng năm 2014, hơn 20 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lọt vào lãnh thổ Việt Nam không qua ghi nhận của các cơ quan chức năng Việt Nam, tức không hề chịu thuế, không phải qua các hàng rào quản lý kỹ thuật của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam".
09 Tháng Sáu 2015(Xem: 15644)
- Việt Nam sẽ nhận được thêm nhiều tàu chiến mới, sẽ đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, tránh để trứng vào một giỏ, có thể giáng đòn chí mạng đối với kẻ thù. - Báo chí Trung Quốc gần đây lo ngại Việt Nam tăng cường sức mạnh quốc phòng, tìm cách chia rẽ quan hệ Việt Nam với các nước để dễ bề thao túng. - Gần đây, Việt Nam mở rộng hơn hợp tác quốc phòng với Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter vừa thăm Việt Nam và tuyên bố, Washington sẽ cung cấp 18 triệu USD cho Hà Nội để giúp Việt Nam mua tàu tuần tra Metal Shark do Mỹ chế tạo.