Vệ tinh VNRED-Sat 1 của CS Việt Nam phóng vào quỹ đạo thám sát địa cầu

16 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 24645)
VIỆT NAM -
Bài đăng : Thứ ba 07 Tháng Năm 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 07 Tháng Năm 2013

Vệ tinh Việt Nam được đưa thành công vào quỹ đạo
 
ve_tinh_vnred_sat_1
Tên lửa Vega đã đưa vệ tinh quan sát trái đất của Việt Nam sáng ngày 7/5/2013

ESA

Thụy My

Tối thứ Hai 6/5 rạng sáng thứ Ba 07/05/2013, hỏa tiễn Vega của châu Âu đã phóng thành công lên quỹ đạo hai vệ tinh quan sát trái đất loại nhỏ là vệ tinh VNREDSat-1 của Việt Nam và Proba-V của châu Âu, cùng với một vệ tinh siêu nhỏ của đại học Estonia. Vệ tinh viễn thám đầu tiên này sẽ giúp Việt Nam giảm chi phí mua ảnh vệ tinh và chủ động hơn trong việc ứng phó với thiên tai.

Chuyến bay lần thứ hai của hỏa tiễn Vega bắt đầu vào tối thứ Hai 6/5 lúc 23 giờ 06 phút, giờ địa phương Kourou (tức 4 giờ 06 sáng thứ Ba 7/5, giờ Paris, 2 giờ 06 GMT), từ trung tâm không gian Kourou thuộc Guyane, lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Trong chuyến bay kéo dài hai giờ, tên lửa đẩy Vega đã lần lượt phóng thành công vào quỹ đạo ba vệ tinh trên.

Tân tổng giám đốc tập đoàn Arianespace là Stéphane Israël và cựu tổng giám đốc Jean-Yves Le Gall – nay là chủ tịch Cơ quan Không gian Pháp (CNES), đều hiện diện trong lần phóng vệ tinh này.

Được công ty Astrium chế tạo cho Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, vệ tinh VNREDSat-1 nằm trong ý hướng của chính phủ Việt Nam nhằm tạo lập một cơ sở hạ tầng không gian, giúp theo dõi các tác động biến đổi khí hậu tốt hơn, dự báo được các thiên tai và có biện pháp thích ứng, cũng như tối ưu hóa việc quản lý nguồn lợi thiên nhiên.

Vệ tinh này sẽ chụp các hình ảnh có độ phân giải mặt đất 2,5 m đến 10 m, từ quỹ đạo nằm ở độ cao 665 km. Đây là vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam, nặng khoảng 120 kg, tổng đầu tư là 70 triệu đô la bằng vốn vay viện trợ phát triển chính thức của chính phủ Pháp và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam. Nhờ có vệ tinh VNREDSat-1, Việt Nam sẽ tiết kiệm được chi phí mua ảnh vệ tinh, không phải mất thời gian chờ đợi từ nguồn cung cấp nước ngoài.

Theo báo chí trong nước, trạm mặt đất tại Việt Nam chiều 7/5 đã thu được tín hiệu của vệ tinh VNREDSat-1, và bức ảnh đầu tiên chụp Việt Nam sẽ được truyền về từ ngày 10/5.

Bên cạnh VNREDSat-1, vệ tinh Proba-V của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) cùng được phóng lên quỹ đạo lần này có mục đích vẽ nên bản đồ thực vật và các biến đổi của chúng trên bề mặt trái đất, với nhịp độ gần như hàng ngày. Proba-V được trang bị phiên bản thu nhỏ đã được cải thiện của công cụ Végétation của các vệ tinh Pháp nổi tiếng Spot 4 và 5, và các công cụ khác giúp thăm dò không gian xung quanh để tìm kiếm các phân tử và các bức xạ - đặc biệt là một chip điện tử thoạt đầu được chế tạo cho máy gia tốc phân tử của Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu (Cern).

Còn vệ tinh thứ ba, ESTCube-1 là một vệ tinh siêu nhỏ của trường đại học Estonia, chỉ nặng có 1,3 kg, sẽ thử nghiệm việc dùng lực đẩy từ áp suất bức xạ các vì sao để di chuyển.

Dự kiến phóng đi vào tối thứ Sáu rạng sáng thứ Bảy 4/5, việc phóng tên lửa đẩy Vega đã phải dời lại vì thời tiết xấu. Có khả năng mang theo trọng lượng 1,5 tấn lên quỹ đạo thấp (ở độ cao 700 km), hỏa tiễn Vega nhắm vào thị trường các vệ tinh nhỏ hữu dụng, chủ yếu là vệ tinh quan sát trái đất, mà lâu nay các hỏa tiễn Nga như Rockot hay Dniepr vẫn thống trị.

Hỏa tiễn Vega góp mặt vào các loại tên lửa đẩy phóng đi từ Kourou, bên cạnh hỏa tiễn Ariane 5 ECA (có thể mang đến 9,5 tấn lên quỹ đạo) và hỏa tiễn Soyouz của Nga (có thể mang được 3 tấn), đã được phóng đi nhiều lần từ Guyane.