Ông Trương Tấn Sang: "Trung Quốc đe dọa an ninh hàng hải"/Khả năng xung đột Việt -Trung

01 Tháng Mười 20159:57 CH(Xem: 12703)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ SÁU 02 OCT 2015

'Trung Quốc đe dọa an ninh hàng hải'
image024

Trong phỏng vấn dành cho hãng AP, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang cáo buộc Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế.

Ông Sang đã tới thăm trụ sở chính của hãng này ở New York hồi đầu tuần.

Chủ tịch nói với AP hôm thứ Hai 28/9 rằng việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông vi phạm luật quốc tế và đe dọa an ninh hàng hải.

Ông Sang cũng kêu gọi Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí cho Hà Nội.

Ông nói rằng sẽ chứng minh với thế giới rằng quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam đã bình thường hóa hoàn toàn, 40 năm sau khi kết thúc cuộc chiến.

Ông phát biểu trong cuộc phỏng vấn với hãng AP giữa lúc nguyên thủ các nước nhóm họp tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Hai nước cộng sản Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ anh em lâu đời nhưng căng thẳng đã dâng cao về việc khai thác dầu trong vùng biển tranh chấp, và Trung Quốc tiến hành bồi đắp đất quy mô lớn các bãi đá chìm tại Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền.

image025

Image copyright AP Image caption Chủ tịch Sang cho biết hành động bồi đắp đảo chìm của Bắc Kinh ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn hàng hải và an ninh Biển Đông

‘Hiển nhiên và dễ hiểu’

''Biển Đông thực sự là một điểm nóng của khu vực và thế giới trong thời điểm này. Năm ngoái, Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp đất quy mô lớn tại các bãi đá nửa chìm nửa nổi để biến chúng thành các đảo lớn hơn'', ông Sang cho biết, dùng tên Biển Đông thay cho biển Hoa Nam.

''Chúng tôi tin rằng những động thái của Trung Quốc vi phạm luật quốc tế, đi ngược lại Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển và trái với Tuyên bố Ứng xử Biển Đông Asean đạt được năm 2002”, ông tuyên bố.

Chủ tịch cho biết mối quan ngại của Hà Nội và các nước Đông Nam Á là ‘hiển nhiên và dễ hiểu’ vì hành động của Bắc Kinh ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn hàng hải và an ninh Biển Đông.

Ông Sang nói môi trường hòa bình là yếu tố quan trọng để thực thi các mục tiêu phát triển bền vững mới vừa đạt được đồng thuận tại Liên Hiệp Quốc.

Tại Washington tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc có “quyền bảo vệ chủ quyền của mình'' ở biển Hoa Nam, nơi Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Brunei và Malaysia cũng có tuyên bố chủ quyền các đảo nhỏ và các rạn san hô.

Trong hơn một năm qua, Trung Quốc đã bồi đắp khoảng 1.200 ha bằng cách nạo vét cát từ đáy đại dương và đang xây dựng đường băng và các cơ sở khác mà Hoa Kỳ quan ngại là có thể dùng cho mục tiêu quân sự.

Trong khi mạnh mẽ lên án Trung Quốc, Chủ tịch Việt Nam đã dành những ngôn từ nồng ấm cho Hoa Kỳ, mong muốn có thêm bước tiến để siết chặt quan hệ.

''Thời điểm Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí hoàn toàn cho Việt Nam sẽ gửi một tín hiệu cho toàn thế giới rằng quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam sẽ được bình thường hóa toàn diện và sẽ không còn ngờ vực giữa hai nước”, ông Sang nói.

Ông nói thêm rằng chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam cuối năm nay sẽ giúp củng cố quan hệ đối tác toàn diện giữa hai cựu thù mà đôi bên chính thức đạt được trong chuyến công du Hoa Kỳ năm 2013 của ông.

image026

Image copyright REUTERS Image caption Ảnh chụp vệ tinh hôm 2/4/2015 cho thấy Trung Quốc xây dựng đường băng tại Trường Sa

'Tiếp tục thảo luận'

Tháng 10/2014, Washington loan báo cho phép bán vũ khí, trên cơ sở từng trường hợp cụ thể, như một cách nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam từ năm 1975, nhằm giúp Hà Nội tăng cường khả năng bảo vệ an ninh hàng hải.

Tuy nhiên, chính quyền Obama khẳng định Hà Nội phải cải thiện thành tích nhân quyền để quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam được phát huy toàn diện.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng yêu cầu Hà Nội phải điều chỉnh các vi phạm nhân quyền trước khi Hà Nội có thể được hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương đang đàm phán.

Việt Nam là một trong 12 quốc gia đang thương thảo hiệp định gần như sắp hoàn tất này.

Chủ tịch bày tỏ sẵn sàng tiếp tục thảo luận với Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền.

Ông nói Hiến pháp Việt Nam giờ đây có bao gồm một chương về bảo vệ nhân quyền và việc thực thi sẽ được tiến hành trong ‘vài năm tới’ để các quyền đó thật sự được áp dụng ‘trên thực tế.’

Các tổ chức nhân quyền vẫn chỉ trích thành tích nhân quyền của Việt Nam. Trong khi một số điều kiện đã được cải thiện như việc xóa sổ các trại cải tạo sau chiến tranh, thành tích nhân quyền vẫn còn nghèo nàn về quyền tự do ngôn luận và các chính phủ không khoan dung với những nhà bất đồng chính kiến.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đến cuối năm 2014, Việt Nam đang giam giữ khoảng 125 tù nhân chính trị./

BBC 30 tháng 9 2015

+++++++++++++++++++++++++++++++++++

XEM THÊM:

Về khả năng xung đột Việt-Trung

Luật sư Vũ Đức Khanh Gửi cho BBC từ Ottawa, Canada

28 tháng 9 2015

 

image028

Image copyright AFP Image caption Hai nguyên thủ đã có họp báo chung sau khi gặp

Hôm 25/9, trong cuộc họp báo chung tại Vườn Hồng của Tòa Bạch Ốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định trước Tổng thống Mỹ Barack Obama và báo giới rằng, “Các quần đảo ở Nam Hải (“Biển Nam Trung Hoa” theo cách gọi của Phương Tây hoặc “Biển Đông” của Việt Nam) từ thời cổ đại là lãnh thổ của Trung Hoa”.

Đây là thông điệp mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của người đứng đầu Nhà nước Trung Quốc để khẳng định chủ quyền ở vùng đang có tranh chấp với các nước láng giềng trong đó có Việt Nam.

Tuy ông Tập cho rằng Trung Quốc có quyền duy trì cái gọi là “chủ quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Nam Sa” (Trường Sa) nhưng ông cũng thừa nhận việc cải tạo các đảo trong khu vực này với một ít lời biện hộ.

Ông nói: “Các hoạt động xây dựng ở Quần đảo Nam Sa mà Trung Quốc đang tiến hành không nhằm mục tiêu chống lại hoặc gây ảnh hưởng bất cứ quốc gia nào, và Trung Quốc không có ý định quân sự hóa chúng”.

Một điều gần như chắc chắn là nếu như Trung Quốc không khai phát pháo đầu tiên trên “Biển Đông” thì chính quyền Obama sẽ không làm gì cả cho dù có đạn nổ, máu đổ, đầu rơi. Đối với ông Obama, “di sản hòa bình” của ông là trên hết, và ông sẽ để quyết định “tham chiến” cho người kế nhiệm vì ông sẽ không còn đủ thời gian để có câu trả lời ai đã khai pháo đầu tiên.

Mô hình mới của quan hệ Trung-Mỹ

Ngoài việc khẳng định chủ quyền “Nam Hải”, ông Tập còn cho biết thêm về chính sách ngoại giao của Trung Quốc, đặc biệt đối với Hoa Kỳ.

Ông phát biểu rằng, “Trung Quốc cam kết chắc chắn con đường phát triển hòa bình. Để làm việc với Hoa Kỳ nhằm xây dựng các mô hình mới của mối quan hệ quan trọng quốc gia mà không có xung đột, không đối đầu, với sự tôn trọng lẫn nhau và cùng hợp tác có lợi là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc”.

Hôm 25/9 là lần thứ sáu ông Tập và ông Obama gặp nhau. Cả hai đều nhắc lại “chủ thuyết con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc mà ông Tập đã trao đổi với ông Obama vào tháng 6/2013 tại California.

Ông Tập triển khai thêm rằng “Trung Quốc không muốn có xung đột, đối đầu với Mỹ và mong muốn hợp tác vì lợi ích chung”.

Khái niệm “lợi ích chung” này là gì thì ông Tập vẫn chưa diễn giải cho công luận Mỹ hiểu nhưng trước thềm chuyến thăm Nhà Trắng, ông nói: “Cả hai bên (Hoa Kỳ và Trung Quốc) phải vì lợi ích cốt lõi của nhau, tránh tính toán sai lầm chiến lược, và kiểm soát và giải quyết đúng đắn các khác biệt”.

Chắc chắn một điều là Hoa Kỳ có “lợi ích quốc gia” lâu dài ở Châu Á – TBD và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi của mình ở khu vực này như cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã từng tuyên bố. Và lợi ích đó là kiến tạo hòa bình, an ninh và thịnh vượng theo tiêu chí tự do, dân chủ và tôn trọng nhân quyền, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Image copyright Reuters Image caption Hàng không mẫu hạm USS Nimitz tại Biển Đông

Giả sử như tiêu chí đó cũng là những gì mà “Trung Hoa Mộng” của ông Tập hằng mơ ước thì cớ gì mà ông Tập phải khuyến cáo Hoa Kỳ cần “tránh tính toán sai lầm chiến lược, và kiểm soát và giải quyết đúng đắn các khác biệt”.

Thực ra lời khuyến cáo của ông Tập ngụ ý cảnh báo Hoa Kỳ nên tìm hiểu kỹ “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc là gì để “tránh tính toán sai lầm chiến lược” dẫn đến xung đột gây ra đại hoạ.

Nhưng “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc là gì nếu như đó không phải là muốn độc quyền thôn tính toàn bộ “Biển Đông”, xưng hùng xưng bá và đẩy Hoa Kỳ ra ngoài khu vực?

Một Trung Quốc phát triển hòa bình, thịnh vượng, tôn trọng nhân quyền, luật pháp quốc tế, hòa hiếu, hữu nghị, hợp tác với láng giềng và cộng đồng quốc tế vì lợi ích chung chắc chắn là một Trung Quốc không phải như những gì chúng ta đang biết hôm nay.

Xung đột quân sự Trung-Việt

Với những gì đã và đang xảy ra, nhất là với tuyên bố hôm 25/9 vừa qua của ông Tập, không ai còn nghi ngờ gì nữa về dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Và Việt Nam nằm hoàn toàn trong tầm ngắm ngắn hạn của Trung Quốc trên Biển Đông với một lý do rất đơn giản là không ai hiện giờ có trách nhiệm pháp lý đến cứu Việt Nam mặc dù Việt Nam đang có trên cả chục đối tác chiến lược trên toàn cầu.

Tuy viễn ảnh một “đại chiến” trong khu vực chỉ là giả thuyết nhưng một cuộc đụng độ quân sự có giới hạn trên biển và/hoặc cả trên bộ là điều hoàn toàn khả thi.

Hôm 22/9, nhà nghiên cứu cao cấp Joshua Kurlantzick đã có một bản báo cáo dài đăng trên Tạp chí ngoại giao uy tín hàng đầu của Mỹ “Council on Foreign Relations” nhận định về khả năng một cuộc đụng độ quân sự Trung-Việt.

Image caption Việc cải tạo đảo của Trung Quốc đang gây quan ngại

Bài viết tựa đề “A China-Vietnam Military Clash” cảnh báo các nguy cơ của một cuộc đối đầu quân sự nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Việt Nam đang ngày càng dâng cao.

Tác giả còn khẳng định sự rạn nứt đáng kể trong quan hệ Trung-Việt từ vài năm qua sẽ làm tăng khả năng xung đột quân sự giữa hai nước trong vòng 12 đến 18 tháng sắp tới; và tác giả thúc giục Hoa Kỳ cần tìm cách xoa dịu căng thẳng, giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong khu vực, sẽ ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến quyền lợi của Hoa Kỳ.

Tác giả còn hé lộ một số thông tin quan trọng (BBC chưa kiểm chứng độc lập), thí dụ như bộ đội biên phòng Việt Nam và Trung Quốc đã từng chạm súng hai lần trong năm 2014 và 2015, mặc dù không rõ nguyên nhân và tình hình an ninh biên giới Việt-Trung trên bộ rất căng thẳng, hai bên dường như đã chuẩn bị sẵn sàng trong mấy tháng qua cho một cuộc đọ súng.

Quan hệ Việt Trung cũng rất căng thẳng từ sau vụ giàn khoan khổng lồ HD-981 của Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm thềm lục địa Việt Nam vào mùa hè năm 2014, và nhất là sau chuyến công du Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng vào cuối tháng 7 vừa qua, một động thái được cho là có sự “chuyển trục chiến lược” sang Hoa Kỳ của ĐCSVN.

Trường Sa và kế hoạch tấn công Việt Nam

Với vị trí chiến lược đặc biệt của Quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện nay, cộng với việc Việt Nam là nước duy nhất có nhiều đảo nhất và chiếm nhiều đảo lớn trong quần thể này, việc Trung Quốc cần loại Việt Nam càng sớm càng tốt ra khỏi khu vực là điều hết sức cần thiết không những cho hiện tại mà cho cả tương lai.

Ngoài những lợi ích về kinh tế biển và năng lượng, nơi đây còn có giá trị chính trị và ngoại giao để kiểm soát toàn bộ khu vực Đông Nam Á, và với giá trị quân sự, sẽ là trạm trung chuyển tiền phương cho toàn bộ khu vực nối liền với đảo Hải Nam và Trung Hoa lục địa.

Image copyright AFP Image caption Liệu Obama sẽ làm gì trước các động thái của Trung Quốc?

Hơn thế nữa về trung hạn, với khả năng Trung-Thái hợp tác khai thông kênh đào Kra, thì Trung Quốc sẽ không còn sợ bị Mỹ và đồng minh phong tỏa ở eo biển Malacca, trục lộ yết hầu nối liền “Biển Đông” với Ấn Độ Dương, và cũng là huyết lộ của Trung Quốc ra thế giới.

Kiểm soát Trường Sa sẽ đảm bảo thế thượng phong chiến lược của Trung Quốc trong khu vực.

Khả năng xung đột Việt-Trung xảy ra rất cao còn vì một lý do quan trọng nữa. Đó là thái độ của chính quyền Obama, đặc biệt trong năm bầu cử 2016 nhiệm kỳ cuối của ông Obama.

Năm 2016 là năm bầu cử Tổng thống và Quốc hội Mỹ mà lại là năm mà ông Obama vừa bị Quốc hội Mỹ trói tay, trói chân vì ngân sách, vừa là năm cuối của nhiệm kỳ II trước khi về hưu.

Cho nên ông Obama sẽ không thể làm gì được nhiều ngoài những lời tuyên bố hùng hồn nhưng vô thưởng vô phạt. Ông không khác chi con “vịt què” như người Mỹ vẫn thường nói.

Nếu có, Trung Quốc sẽ chọn thời điểm mùa hè 2016 để khởi chiến, vì ngoài điều kiện thời tiết tự nhiên thuận lợi cho hành quân trên bộ, trên không lẫn trên biển, Trung Quốc còn có yếu tố “thiên thời và nhân hòa của Mỹ”.

Vào thời điểm này là lúc cao trào của mùa bầu cử bên Mỹ, các ứng cử viên Mỹ tha hồ phát biểu nhưng sẽ không có ai ra được quyết định gì.

Vậy trước nguy cơ sắp mất Trường Sa, người Việt chúng ta trong và ngoài nước sẽ phải làm gì? Ông Tập Cận Bình đã nói: “Nam Hải từ thời cổ đại là lãnh thổ của Trung Hoa”. Còn chúng ta sẽ nói gì với cộng đồng thế giới, với tiền nhân, hậu thế của chúng ta, và với cả kẻ thù?

Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm của tác giả, luật sư hiện sống và làm việc ở Canada.

24 Tháng Giêng 2016(Xem: 15935)
19 Tháng Giêng 2016(Xem: 14846)
22 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 14238)
- Quảng trường nghìn tỷ và tấm ảnh trị giá 10 cân sắn "Chuyện ở tỉnh Tiền Giang quyết định đầu năm 2016 sẽ khởi xây dựng quảng trường trung tâm bao gồm bảo tàng, thư viện,... với tổng vốn đầu tư khoảng 2.200 tỉ đồng khiến người viết nhớ lại chuyến đi tìm mộ em trai, liệt sĩ trinh sát đặc công Dương Văn Quý hy sinh tại Tiền Giang năm 1972, chuyến đi bắt đầu từ ngày 4/12/2015".
19 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 18689)
Tờ Quân giải phóng nói rằng cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc ở Biển Đông diễn ra hôm Thứ Tư trên phạm vi "vài ngàn cây số vuông". Reuters ngày 18/12 đưa tin, hải quân Trung Quốc vừa tiến hành một cuộc tập trận đối kháng bắn đạn thật trên Biển Đông trong tuần này. Tham gia tập trận có các chiến hạm, tàu ngầm và máy bay, tờ Quân giải phóng hôm Thứ Sáu đưa tin.