CNRP: Biên giới trên biển với Việt Nam có thể "nóng" trong tương lai

11 Tháng Tám 201511:31 CH(Xem: 19319)

"BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ TƯ 12 AUG 2015

image073

CNRP: Biên giới trên biển với Việt Nam có thể "nóng" trong tương lai

 GDVN) - Phát biểu của ông Hong Sokhour cho thấy biên giới trên biển giữa Việt Nam và Campuchia có thể (bị CNRP thổi bùng) trở thành điểm nóng trong tương lai.

image074

Nghị sĩ phe đối lập CNRP Hong Sokhour trong buổi trao "phiên bản kỹ thuật số bản đồ (được cho là có thể hiện biên giới) Việt Nam - Campuchia" mà CNRP mua ở Pháp cho Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia. Ảnh: The Cambodia Daily.


The Phnom Penh Post ngày 11/8 đưa tin, phe đối lập Campuchia CNRP hôm qua đã bàn giao phiên bản kỹ thuật số của các bản đồ (được cho là thể hiện) biên giới Campuchia - Việt Nam mà đảng này mua từ Pháp cho Học viện Hoàng gia, tức Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia.

Một ủy ban về các vấn đề biên giới của Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia có các bản đồ của Liên Hợp Quốc, Mỹ, Pháp và cho biết sẽ bắt đầu nghiên cứu chúng để nỗ lực đặt dấu chấm hết cho những tranh luận về bản đồ mà các chính trị gia CNRP sử dụng dể kích động dân chúng.

Sok Touch, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia về biên giới cho biết: "Tôi đã nhận được bản đồ tại trụ sở chính của CNRP. Chúng tôi là nhữn nhà khoa học. Chúng tôi không có khuynh hướng chính trị và chúng tôi sẽ chỉ thông báo cho các chính trị gia những lợi ích và bất lợi trong sử dụng (bản đồ) để giải quyết các vấn đề biên giới".

"Quyết định ai là người đúng hay sai không phải trách nhiệm của chúng tôi, bởi vì nhiệm vụ của chúng tôi chỉ là nghiên cứu bản đồ và công bố kết quả", ông Sok Touch cho biết. Có thể mất 2 năm trước khi có một báo cáo về tranh chấp biên giới được nhóm nghiên cứu này trình lên Quốc hội Campuchia.

Hong Sokhour, một Thượng nghị sĩ của CNRP và là "chuyên gia biên giới" của đảng này nói: "Hôm nay chúng ta nói về biên giới trên đất liền, nhưng chúng tôi tin rằng trong tương lai chúng ta sẽ thảo luận về biên giới trên biển mà vấn đề chính gây tranh cãi nhất là đường Brevie, vì không ai biết rõ liệu vua Sihanouk có thừa nhận đường này hay không".

Theo Khmer Times ngày 11/8, CNRP đã giao cho Tiến sĩ Sok Touch bản sao 26 mảnh bản đồ mà ông Sam Rainsy Chủ tịch đảng này nói rằng ông đã mua từ Viện Địa lý quốc gia Pháp với giá 168 đô la Mỹ. Tuy nhiên CNRP chỉ giao đĩa DVD sao chụp lại 26 mảnh bản đồ này.

Phát biểu trong buổi bàn giao, ông Hong Sokhour nói rằng CNRP cũng không chắc chắn 26 mảnh bản đồ này có phải "bản đồ gốc" hay không. "Chúng tôi cũng thu thập chúng từ một tổ chức", Hong Sokhour giải thích.

The Phnom Penh Post lưu ý, phát biểu của ông Hong Sokhour cho thấy biên giới trên biển giữa Việt Nam và Campuchia có thể (bị CNRP thổi bùng) trở thành điểm nóng trong tương lai. Xung quanh lịch sử hình thành tranh chấp biên giới trên biển giữa Campuchia và Việt Nam ở vịnh Thái Lan và vấn đề đường Brevie, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ sẽ có bài phân tích trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vào sáng mai, mời quý độc giả quan tâm theo dõi.

Hồng Thủy 11/08/15 14:36

++++++++++++++++++++++++++++++

Tại sao Hun Sen lại nói "không thể đòi" Phú Quốc, Nam Bộ?

 image075image077

Ts Trần Công Trục 11/08/15 06:57

(GDVN) - Để tìm hiểu tại sao ông Hun Sen lại có câu nói đầy ẩn ý này, tôi xin tóm lược về vị trí địa lý cũng như thực trạng lịch sử và pháp lý các hải đảo trong vịnh...

LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi cho chúng tôi bài viết của ông, khái quát về vị trí địa lý, thực trạng lịch sử và pháp lý cũng như quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với các hải đảo trong vịnh Thái Lan bao gồm Phú Quốc, Thổ Chu.

Bài viết nhằm cung cấp thêm thông tin, căn cứ một cách hệ thống để dư luận tự trả lời những thắc mắc về việc tại sao lại xuất hiện những quan điểm sai trái "đòi" chủ quyền đối với các đảo Thổ Chu, Phú Quốc của Việt Nam, thậm chí là cả Nam Bộ từ một bộ phận người Campuchia. Xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả bài viết này.

image079

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.


Ngày 24/7 trong phiên họp Nội các Campuchia, Thủ tướng nước này Hun Sen tuyên bố rằng: “Ở thời điểm đó, họ đã “bỏ rơi” đảo Koh Tral (tức đảo Phú Quốc của Việt Nam) và Kampuchea Krom (tức người Khmer ở Nam Bộ, Việt Nam)…cho Việt Nam. Tôi không thể đòi lại được”.

Để tìm hiểu tại sao ông Hun Sen lại có câu nói đầy ẩn ý này, tôi xin tóm lược về vị trí địa lý cũng như thực trạng lịch sử và pháp lý các hải đảo trong vịnh Thái Lan và quá trình xác lập chủ quyền theo đúng nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ mà Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đã thực hiện để dư luận có thể thấy rõ bản chất của vấn đề ở đây là gì.

Vị trí địa lý:

Vịnh Thái Lan là một biển nửa kín, diện tích khoảng 300.000 km2; giới hạn bởi bờ biển của nước là Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Campuchia. Vịnh thông ra Biển Đông bằng một cửa duy nhất ở phía Nam được giới hạn bởi mũi Cà Mau (Việt Nam) và mũi Trenggranu (Malaysia) cách nhau chừng 400km. Trong vịnh Thái Lan có khoảng 200 đảo, chủ yếu nằm tập trung ở phía Đông vịnh, gần bờ biển.

Riêng trong vùng biển giữa Việt Nam và Campuchia có trên 100 đảo, như Phú Quốc, quần đảo Thổ Chu, đảo Vai, quần đảo Hải Tặc, đảo Phú Dự, Tiên Mới…Phần lớn các đảo đều có diện tích nhỏ, trừ đảo Phú Quốc có diện tích khoảng 600 km2, đảo Thổ Chu 10km2, Phú Dự 25km2, Hòn Dừa 6km2,các đảo còn lại có diện tích từ vài trăm mét vuông đến 1-2 km2.

Dân cư sống tập trung tại các đảo có nước ngọt, chủ yếu làm nghề chài lưới, trên đảo Phú Quốc cón có thêm nghề chăn nuôi, trồng cao su, hồ tiêu…Ở các đảo này có đời sống kinh tế riêng, có quá trình phát triển kinh tế, xã hội từ hàng trăm năm nay.

Đảo Phú Quốc nằm cách bờ biển tỉnh Kampot, Campuchia khoảng 14 hải lý, cách bờ biển tỉnh Kiên Giang, Việt Nam, khoảng 25 hải lý. Đảo Phú Quốc có đất đai phì nhiêu thuân lợi cho trồng trọt; có rừng bao phủ hầu hết diện tích, với nhiều loài động thực vật quý hiếm. Bờ biển đảo có những cảnh quan kỳ thú và có những bãi tắm hấp dẫn đối với du khách gần xa…

image080

Vị trí địa lý đảo Phú Quốc trên Google Map. Ảnh chụp màn hình.


Phía Nam Phú Quốc là quần đảo An Thới có khoảng trên dưới 20 đảo nhỏ, trên các đảo này có nhiều núi, ngọn cao nhất đến khoảng 641 m.

Ở ven bờ có Hòn Tai, cách bờ biển Campuchia (Kép) 3 km, rộng 2 km2, có nhiều cây cối che phủ; Hòn Tre Nam, Hòn Kiến Vàng, Đảo Phú Dự….Đảo Phú Dự cách bờ biển tỉnh Kampot, Campuchia 0,5 hải lý, diện tích 25 km2, nơi cao nhất là 175 m, có nhiều tài nguyên thiên nhiên, phía tây đảo có đồng bằng khá phì nhiêu, phía Đông Băc có sông nước ngọt….

Ở ngoài khơi có quần đảo Thổ Chu và Poulo Wai. Quần đảo Thổ Chu gồm 8 đảo, quần đảo này nằm xa nhất trong vịnh, cách đảo Phú Quốc chừng 55 hải lý, gần đường hàng hải lại có diện tích từ 10 m2 đến 1 km2. Dân cư sinh sống chủ yếu ở đảo Thổ Chu làm nghề đánh cá và khai thác rừng. Đảo Poulo Wai cách mũi Tây Bắc Phú Quốc 59 hải lý, gồm hai đảo có diện tích tương đương, cách quần đảo Thổ Chu 45 hải lý.

Thực trạng lịch sử và pháp lý giai đoạn trước thế kỷ XVIII 

Từ cuối thế kỷ thứ XVII trở về trước, theo sử sách ghi chép thì vùng Hà Tiên là một nơi ít người sinh sống nằm dọc theo vịnh Thái Lan, đường thông ra biển khơi có nhiều đảo nằm án ngữ và đây chính là hang ổ của bọn cướp biển hoành hành.

Vào đầu thế kỷ XVIII, Mạc Cửu, xuất thân từ một gia đình Trung Quốc quí tộc có quyền thế ở Long Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, do đối lập với nhà Thanh, phải chạy trốn, lánh nạn sang vùng đất hoang vu này. Lúc đầu, Mạc Cửu xin thần phục Campuchia và được vương triều Udong phong cho tước vị quan trọng trong vương triều.

Nhưng nhận thấy trong vương triều Campuchia có sự kèn cựa, ghen tỵ với vị trí của ông, nên Mạc Cửu đã chọn lập nghiệp tại một nơi sau này có thể cho ông quyền độc lập. Đó là Hà Tiên, một vùng đất giàu tài nguyên, thích hợp cho khai phá, nằm giữa Lục Chân Lạp với Thủy Chân Lạp, điểm giao thoa của của các nguồn lực tiềm năng kinh tế và chính trị.

Mạc Cửu được cử làm quan cai trị các khu vực lãnh thổ dọc theo vịnh Xiêm và bắt đầu khai hoang và phát triển công việc cai trị, mậu dịch trong khu vực đất đai của mình. Người Xiêm (Thái Lan) do ghen tỵ trước sự trù phú nhanh chóng đó, đưa quân sang xâm lược. Mạc Cửu và thuộc hạ của ông bị bắt làm tù binh. 

Trước sự bất lực của nhà cầm quyền Campuchia trong việc bảo vệ mình, sau khi thoát khỏi tù đầy, Mạc Cửu xin tự đặt mình dưới quyền bảo hộ của Việt Nam vào năm 1708, lúc này do các Chúa Nguyễn nắm quyền bính. Vào thời điểm này lãnh thổ Hà Tiên gồm các vùng Long Cai, Cần Vọt, Vũng Thơm, Rạch Giá, Cà Mau và đảo Phú Quốc.

Vào năm 1735 sau khi ông mất, Chúa Nguyễn cử Mạc Thiên Tứ là con ông giữ chức quan cai trị. Mac Thiên Tứ đã đánh bại và giết Hoắc Nhiêu, kẻ cầm đầu giặc cướp, và chiếm lại tất cả các đảo kể cả đảo Kokong vào năm 1767. Các quan lại dân sự và quân sự Việt Nam được cử đến giúp đỡ ông hoàn thành nhiệm vụ.

image081

Tượng đài Mạc Cửu ở công viên Mũi Tàu, thị xã Hà Tiên. Ảnh: Cúc Tần/vncgarden.


Từ tình hình nói trên cho thấy: Với những biến cố có liên quan đến quyền thụ đắc lãnh thổ Nam Bộ thông qua hành vi xin thần phục, từ bỏ và tiếp nhận giữa Mạc Cửu và Vương triều Campuchia, rồi giữa Mạc Cửu và các chúa Nguyễn Việt Nam đã chứng minh rằng bắt đầu từ năm 1708, vùng lãnh thổ này đã được đặt dưới sự cai quản của Nhà nước Việt Nam, không vấp phải sự phản kháng nào từ phía vương triều Campuchia.

Quá trình sáp nhập Hà Tiên và các đảo ngoài khơi gắn bó với vùng đất Hà Tiên vào An Nam là lẽ đương nhiên  khi mà vùng đất và các đảo này liên tục phải chống chọi với các cuộc cướp phá của cướp biển từ vịnh Thái Lan, với sự hỗ trợ bằng các cuộc viễn chinh của các tướng lĩnh do Chúa Nguyễn cử đến. 

Từ đó, việc sáp nhập Hà Tiên và các đảo phụ thuộc Hà Tiên về với An Nam trở thành yêu cầu cần thiết và hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ đương thời.

Giai đoạn từ thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XX

Năm 1825, huyện Hà Tiên sáp nhập vào tỉnh An Biên và đến năm 1832, Hà Tiên được nâng lên thành đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Năm 1858, lấy lý do vua Tự Đức, Hoàng đế Việt Nam (1840-1885) ngược đãi các đoàn truyền đạo Cơ đốc, quân đội Pháp đánh chiếm Việt Nam. Việt Nam thua trận, phải ký Hiệp ước 1874 nhường cho Pháp 6 tỉnh ở Nam Kỳ, trong đó có tỉnh Hà Tiên, kể cả các đảo thuộc tỉnh này.

Thực dân Pháp thiết lập chính quyền thuộc địa ở Nam Kỳ và chính quyền bảo hộ ở Campuchia, trong một thực trạng về phạm vi lãnh thổ là: Tất cả các đảo trên vùng biển giữa Nam Kỳ và Campuchia đều thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trong bản báo cáo tháng 1-1869, viên thanh tra Pháp Chessez đã viết: "Ngay cả đảo Phú Dự cách bờ biển Campuchia 0,5 hải lý và đảo Tiên Mới cách đảo Phú Dự 1 hải lý cũng đều thuộc một làng Việt Nam". Vì vậy, sau một thời gian khảo sát, ngày 25-5-1874 Thống đốc Nam Kỳ đã ký Nghị định thành lập một quận biển trực thuộc chính quyền Nam Kỳ bao gồm các đảo thuộc trấn Hà Tiên.

Ngày 11-8-1863, Campuchia cũng ký một hiệp ước với Pháp, theo đó, Pháp bảo đảm việc bảo hộ bằng quân sự nước Campuchia chống mọi cuộc tấn công từ bên ngoài. Một viên Khâm sứ được bổ nhiệm bên cạnh vua Campuchia để theo dõi việc thi hành Hiệp ước. Về phía mình, vua Campuchia bị ngăn cấm không được có bất kỳ quan hệ nào với các cường quốc bên ngoài nếu không có sự thoả thuận trước với nước Pháp.

Sau đó để nhiệm vụ tiến hành thuận lợi nhà cầm quyền Pháp quyết định hoạch định rõ nước Campuchia và lập một Uỷ ban Pháp - Khmer hỗn hợp có nhiệm vụ nghiên cứu vạch đường biên giới giữa Nam Kỳ và Campuchia và trình bày các kiến nghị của Uỷ ban lên các cấp cao nhất. Việc vạch đường biên giới sau đó được ấn định "dứt khoát" tại Công ước 15-7-1873 giữa Vua Norodom và Chuẩn đô đốc Cornulier Lucimière nhân danh Nam Kỳ. 

image082

Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 24/7 có những phát biểu đầy ẩn ý về biên giới, lãnh thổ. Ông nói: Ngày 24/7 trong phiên họp Nội các Campuchia, Thủ tướng nước này Hun Sen tuyên bố rằng: “Ở thời điểm đó, họ đã “bỏ rơi” đảo Koh Tral (tức đảo Phú Quốc của Việt Nam) và Kampuchea Krom (tức người Khmer ở Nam Bộ, Việt Nam)…cho Việt Nam. Tôi không thể đòi lại được”.


Nhưng Công ước này không đề cập đến việc quy thuộc các đảo
. Cả các Uỷ ban phân định ranh giới được thành lập vào năm 1910 và năm 1935 cũng không đả động gì tới vấn đề đảo, và đương nhiên cũng không nói gì tới đường biên giới trên biển giữa hai nước. Nhưng vấn đề các đảo đã được giải quyết dứt khoát kể từ Hiệp định ngày 15-3-1874.

Ngày 25-5-1874, hai tháng sau khi có Hiệp ước, Chuẩn đô đốc, quyền Thống đốc và Tổng tư lệnh Jules François Émile Krantz, công bố Nghị định N°124 tách đảo Phú Quốc và các đảo lân cận khác ra khỏi hạt Hà Tiên để lập thành một quận riêng biệt.

Điều 1 của Nghị định này và bản đồ mô tả nội dung của Điều 1 Hiệp định 15-3-1874, như sau:

"Đảo Phú Quốc và tất cả các đảo nằm giữa kinh tuyến 100° Đông và 102° Đông và giữa vĩ tuyến 9° Bắc và 11°30’ Bắc (kể cả quần đảo Nam Du) được tách ra khỏi hạt Hà Tiên và tạo thành một quận riêng biệt, được cai trị như mọi hạt tham biện khác của Nam Kỳ".

Đây là lần đầu tiên Nghị định nói trên nói rõ tính chất của các đảo trước đây đã được An Nam nhượng cho nước Pháp theo Hiệp ước Hoà bình ký kết giữa hai nước ngày 15-3-1874. Thực vậy, điều này cho thấy một sự liên tục trong việc cai trị các đảo tiếp nối nhau giữa Pháp và Vương triều An Nam.

Sau đó, một Nghị định thứ 2 ngày 16-6-1875, lại sáp nhập vào quận Hà Tiên, hạt tham biện Phú Quốc, do Charles-Marie Duperré, Chuẩn đô đốc, Thống đốc và Tổng Tư lệnh ký tên.

Như vậy, và kể từ thời điểm nói trên các ranh giới của lãnh thổ Phú Quốc đã được xác định rõ, do đó chúng ta có thể xác định dễ dàng và với tất cả sự chính xác cần thiết danh mục các đảo đã bị Pháp thôn tính khi họ đóng vùng Hạ Nam Kỳ để thi hành Hiệp ước 1874.

Trong khi đó, phía Campuchia không có yêu cầu nào đối với bất kỳ đảo nào và chủ quyền của các đảo đã không được nêu ra khi ký Hiệp ước1907 giữa Pháp và Xiêm (Thái Lan), theo đó đại diện nước Pháp với tư cách là Toàn quyền Đông Dương chứ không phải là với danh nghĩa bảo hộ Campuchia, nhường cho Xiêm (Thái Lan)  tất cả các đảo ở phía Bắc mũi Lemline, kể cả đảo Koh Kut.

Về sau, năm 1910, Uỷ ban được giao trách nhiệm tiến hành phân định các biên giới Nam Kỳ và Campuchia cũng không nhận được kiến nghị nào của phía Campuchia có liên quan đến việc xác định chủ quyền các đảo.

Mời quý vị đón đọc phần tiếp theo: Tranh chấp nổi lên trên vịnh Thái Lan và vấn đề đường Brévié.

Ts Trần Công Trục

image084

Trên đỉnh núi Sam nhìn qua bên kia biên giới Campuchia. Ảnh Lý Kiến Trúc

24 Tháng Mười Một 2016(Xem: 11007)
- Nhìn lại cuộc cải cách giáo dục của Pháp ở VN và bài học hôm nay. - 'Thưa Kẻ lười biếng, cậu đúng là quả bom tấn'!
30 Tháng Mười 2016(Xem: 11452)