VN: Tư nhân, Quốc doanh nào có tài "kinh bang tế thế" hiện nay?

24 Tháng Hai 201512:08 SA(Xem: 14526)

"NHẬT BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ BA 24 FEB 2015

Làm thế nào để Việt Nam đuổi kịp các nước Asian-6?


RFA Thứ bảy, 21/02/2015, 23:07 (GMT+7)

(Kinh tế) - Mùa xuân đến với nhiều tín hiệu tốt lành, tuy vậy nền kinh tế của đất nước vẫn không phát huy hết khả năng để phát triển mạnh mẽ ở mức có thể, ngược lại đang còn bị tụt hậu khá xa so với các nước láng giềng. Điều gì đã cản trở và cần phải làm thế nào để Việt Nam có thể đuổi kịp các nước Asian-6?

Nguy cơ tụt hậu?

Khoảng cách về phát triển giữa Việt Nam với Asean-6 ngày càng tăng, trong lúc so với các nước Asean-4 thì ngày càng thu hẹp. Điều này cho thấy Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tụt hậu.

Hiện tại, Việt Nam đang đứng sau 6 nước Asean tức là xếp thứ 7, sau các quốc gia như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Brunei và chỉ đứng trên Myanmar, Lào, Campuchia.

Trong một phiên họp của Chính phủ gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt câu hỏi: “Sao lại cứ phải đứng sau 6 nước Asean? Chúng ta có đuổi kịp được Asean-6 không? Không có lý do gì chúng ta không cải thiện được để bằng Asean-6.”

Điều gì đã cản trở sự phát triển của dân tộc, để đến hôm nay khiến người đứng đầu Chính phủ phải đặt câu hỏi trên?

Nói về những hạn chế được cho là cơ bản nhất đã khiến cho kinh tế Việt Nam không phát huy hết khả năng, để phát triển mạnh mẽ ở mức có thể.

Chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành, trong một lần trao đổi với RFA gần đây thấy rằng, tư duy lãnh đạo là nguyên nhân dẫn tới kinh tế Việt Nam trì trệ không phát triển được, theo ông lãnh đạo VN cần phải thay đổi tư duy một cách tích cực, nếu không muốn đất nước tụt hậu so với khu vực và thế giới. Ông nói:

“Bây giờ các vị lãnh đạo đi ra nước ngoài cũng vẫn nói Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, yêu cầu Mỹ yêu cầu Châu Âu và khắp mọi nơi mà các vị đến, yêu cầu công nhận chúng tôi là nền kinh tế thị trường. Như vậy rõ ràng chúng ta muốn hội nhập vào nền kinh tế thị trường của thế giới. Nhưng mà tiếp theo câu đó nó có sự không ăn khớp, tức là doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Vấn đề này tư duy chưa rõ ràng, doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo thì làm gì có nền kinh tế thị trường được nữa?”

Nền kinh tế thị trường gắn với định hướng XHCN là biểu hiện sự ôm đồm không cần thiết của nhà nước. Đây là cái cần phải xóa bỏ ngay lập tức để tạo điều kiện cho nền kinh tế của Việt Nam có thể cất cánh. TS. Nguyễn Quang A nhấn mạnh:

“Cái thứ nhất là phải xóa bỏ nền kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Trên cơ sở đó có thể vạch ra các chính sách kinh tế thúc đẩy cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nước và tạo điều kiện cho chúng hoạt động ngang ngửa, sòng phẳng và bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Chỉ có trên cơ sở đó thì nền kinh tế của Việt Nam mới phát triển một cách bền vững.”

Những khó khăn đang phải đối mặt khiến Việt Nam ngày càng tỏ ra “hụt hơi” trong việc bắt kịp tốc độ phát triển của các nước trong khu vực, đặc biệt là Asean-6. Tuy nhiên, theo các chuyên gia cho biết nếu nỗ lực và có chính sách đúng, kinh tế Việt Nam vẫn chưa hết hy vọng sẽ cất cánh.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng: “Các phân tích kinh tế gần đây cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được thành công như những nền kinh tế trong khu vực đã biến thành các nước công nghiệp mới (NICs) một khi xây dựng được một thể chế hỗ trợ phát triển. Một trong những cơ sở tiền đề ấy là kinh tế Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển lớn”.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trả lời câu hỏi cần phải có các giải pháp quan trọng nào để tạo ra sự bứt phá của kinh tế Việt Nam để đuổi kịp các nước Asean–6 trong thời gian tới?

Trên thực tế Nhà nước vẫn có vai trò can thiệp trực tiếp quá lớn vào nền kinh tế, với tư cách là chủ đầu tư công và chủ sở hữu doanh nghiệp, trong khi Nhà nước lại chưa thực hiện tốt các chức năng quản lý và điều tiết vĩ mô trong nền kinh tế. Đây là một trong những điểm nghẽn đang làm thui chột tinh thần kinh doanh của không ít người dân. TS. Võ Đại Lược – Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nhận định:

“Cái gì thuộc quyền nhà nước quyết thì nhà nước quyết và cái đó có thể có tính pháp lệnh, còn cái gì thuộc về thị trường thì nhà nước không nên quyết mà để thị trường định. Do vậy dù ông quyết thông qua các cái tín hiệu của thị trường, nếu can thiệp quá mạnh các tín hiệu của thị trường thì anh sẽ làm thị trường méo mó. Và do thế nó làm cho nên kinh tế phát triển kém hiệu quả.”

Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: “Việt Nam có đủ các điều kiện cần để thực hiện “cú nhảy vọt lịch sử” để rút ngắn khoảng cách phát triển, tiến kịp thế giới và Asean – 6. Cần định rõ lộ trình tận dụng thời cơ để tiến vượt bằng lộ trình công nghiệp hóa đến năm 2020 gồm 2 bước. Bước 1 ráo riết chuẩn bị các điều kiện và năng lực, chuẩn bị điều kiện cất cánh. Bước 2 bùng nổ phát triển, cất cánh và tăng tốc.”

Ông nói: “Nếu chúng ta tạo ra sự ổn định, tạo ra niềm tin của các nhà đầu tư trong thị trường, thì có khi đặt mục tiêu tăng trưởng thấp nhưng tăng trưởng thực vẫn cứ cao vì các nhà đầu tư tin cậy. Nhà nước định hướng, nhưng nhà nước có thể tác động đến bằng cách tạo ra các công cụ khuyến khích hay là kiềm chế để cho các nhà đầu tư hành động làm sao nó gần nhất với định hướng của mình.”

Chỉ có xây dựng khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng và bất cứ nhà nước nào cũng phải can thiệp vào thị trường bằng chính sách của mình. Do vậy, đừng lo ngại việc Nhà nước không kiểm soát được khu vực kinh tế tư nhân.

TS. Nguyễn Quang A khẳng định: “Nền kinh tế thuộc sở hữu tư nhân phải đóng vai trò trung tâm, dẫn dắt và vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Chỉ có nền kinh tế tư nhân nó mới có những động lực để thúc đẩy nền kinh tế chung phát triển. Kinh tế Nhà nước không thể giữ vai trò chủ đạo trong một nền kinh tế được, nó chỉ giữ một vai trò có tính chất phù trợ nào đấy mà thôi. Tôi nghĩ biện pháp quan trọng nhất là phải xóa bỏ tất cả những cái ưu ái, trước hết là các ưu ái đối với doanh nghiệp Nhà nước, thậm chí cả những ưu ái đối với doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài. Tôi không nghĩ các doanh nghiệp tư nhân cần có sự hướng dẫn hay hỗ trợ của Nhà nước, tôi tin họ sẽ tự lo lấy của họ. Song cái quan trọng là phải để cho nó có một môi trường thông thoáng và không bị ai chèn ép.”

Nếu nhìn sang các nước láng giềng thì thấy thiên hạ đã đi nhanh hơn Việt Nam rất nhiều, lẽ dĩ nhiên nếu không tiến theo kịp thì lập tức Việt Nam sẽ tụt hậu và bị họ bỏ rơi, trong khi Việt Nam là một đất nước có vị trí địa lý chiến lược quan trọng, tài nguyên thiên nhiên giàu có, con người cần cù và chịu khó.

(Theo RFA)

12 Tháng Hai 2018(Xem: 14173)
28 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 10194)
Chuyện vui cuối năm