Lou Correa: “tình hình nhân quyền ở VN tệ hơn”; VN-ODA: “móc túi đôla Nhật bộn”

11 Tháng Ba 20237:41 SA(Xem: 1961)

VĂN HÓA ONLINE – VIỆT NAM – THỨ BẨY MAR 11, 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


Lou Correa: ‘tình hình nhân quyền ở VN tệ hơn’; VN-ODA: ‘móc túi đôla Nhật bộn’


10/03/2023


image003Dân biểu Hạ viện Mỹ Lou Correa đại diện một địa hạt Quốc hội đông cử tri gốc Việt ở miền nam bang California. Source: VOA


Một dân biểu Quốc hội Mỹ kêu gọi chính quyền của Tổng thống Biden lên tiếng mạnh mẽ hơn về tình hình nhân quyền ở Việt Nam mà ông cho rằng đã trở nên ‘tệ hơn’ kể từ sau khi thỏa thuận tự do thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đổ vỡ vào năm 2017.


Lou Correa, dân biểu Hạ viện Mỹ thuộc Đảng Dân chủ đại diện một địa hạt Quốc hội đông cử tri gốc Việt ở miền nam bang California, nói trong một cuộc phỏng vấn với VOA Tiếng Việt rằng ông sẽ tiếp tục lên tiếng công khai và mạnh mẽ về vấn đề nhân quyền của Việt Nam như ông đã làm trong những năm qua cho dù các nhà ngoại giao Mỹ đang nêu vấn đề một cách kín đáo và tế nhị.


Phát biểu của ông được đưa ra sau khi Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, trong một cuộc đàm luận về quan hệ giữa hai nước do một viện nghiên cứu chính sách ở Washington tổ chức vào tuần trước, cho biết Mỹ vẫn tiếp tục nêu lên những lo ngại liên quan đến tình hình nhân quyền, xã hội dân sự cũng như các vấn đề khác liên quan đến những người đang bị giam cầm ở Việt Nam, nhưng “cố gắng không để những cuộc thảo luận này xuất hiện trên trang nhất của báo chí.”


Dân biểu Correa nói ông tôn trọng chính sách đối ngoại mà chính quyền Biden đang theo đuổi, nhưng lưu ý rằng trong tư cách một thành viên của nhánh lập pháp đồng đẳng với hành pháp, ông nêu quan điểm rằng Mỹ cần thể hiện rõ ràng cho Việt Nam thấy quan hệ giữa hai nước khó có thể sâu sắc hơn nếu vấn đề nhân quyền tiếp tục bị phớt lờ.


“Tôi nghĩ Việt Nam rất muốn giao thương nhiều hơn với Mỹ. Và chúng ta nên nêu rõ rằng nếu họ muốn tiếp tục làm việc với chúng ta, họ cần phải biết rằng sẽ bị buộc phải chịu trách nhiệm và phải tuân theo những tiêu chuẩn khi dính dáng đến nhân quyền và tự do tôn giáo,” ông nói.


“Thực tế là tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam đã tệ,” ông nói thêm. “Khi thỏa thuận TPP đang được đàm phán, chính phủ Việt Nam đã dốc sức trưng ra bộ dạng văn minh, tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo. Khi các cuộc thảo luận về TPP bị đình chỉ, tôi thấy thái độ của họ đã thay đổi hoàn toàn. Vì vậy, có thể thấy khi chính phủ Việt Nam có điều gì đó để thương lượng, họ sẽ làm việc với chúng tôi. Khi không có gì để mặc cả thì họ thường không làm việc với chúng tôi.”


Phúc trình Toàn cầu năm 2023 của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) công bố hồi tháng 1 nhận định rằng trong năm 2022 chính quyền Việt Nam không chỉ tăng cường đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền mà cả các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước.


“Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam vẫn trầm trọng ở gần như khắp các mặt,” HRW nói trên website của mình.


Vào tháng 12 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam và danh sách theo dõi đặc biệt vì nước này “thực hiện hoặc dung túng cho những vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo.” Sự định danh này có nghĩa là Việt Nam bị Mỹ theo dõi sát sao và các quan chức vi phạm có nguy cơ phải đối mặt với các chế tài.


Nhà chức trách Việt Nam luôn bác bỏ những cáo buộc vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo, nói rằng họ chỉ bắt giữ những người vi phạm pháp luật Việt Nam.


Đại sứ Knapper cho biết trong cuộc đối thoại nhân quyền gần đây nhất, Việt Nam cũng nêu những lo ngại về nhân quyền ở Mỹ liên quan tới đến bạo lực súng ống, bạo lực nhắm vào người gốc Á, và nạn kì thị chủng tộc.


Dân biểu Correa bác bỏ việc đánh đồng giữa hai vấn đề, lưu ý rằng vấn đề của Việt Nam và Mỹ hoàn toàn khác nhau.


“Tôi muốn nói rằng chúng tôi đang tích cực bỏ tù những người vi phạm luật sử dụng súng của chúng tôi. Bạn biết đấy, về cơ bản, chúng tôi tống giam những người phạm tội với súng ống. Ở Việt Nam, họ nhắm mục tiêu vào những người thực thi nhân quyền. So sánh như vậy là khập khiễng. Tôi ghi nhận lập luận của họ nhưng tôi không đồng ý với lập luận đó.”


Dân biểu Correa là một trong bốn đồng chủ tịch một khối dân biểu Hạ viện có cùng chung những quan tâm về Việt Nam, một phần cũng là do nhiều cử tri mà họ đại diện trong địa hạt Quốc hội của họ là người gốc Việt.


“Là một trong những đại diện của cộng đồng người Mỹ gốc Việt lớn nhất tại Mỹ, tôi đã làm việc không mệt mỏi để cải thiện cuộc sống của người Mỹ gốc Việt tại Quận Cam và trên toàn quốc,” ông nói trong một thông cáo loan báo thiết lập Khối Việt Nam (Vietnam Caucus) cho Quốc hội thứ 118 của Mỹ vào ngày 24 tháng 1.


“Tôi đã đại diện cho Little Saigon của Quận Cam trong 25 năm, và lần đầu tiên trong năm nay, Khối Việt Nam sẽ có hai đồng chủ tịch đại diện cho Quận Cam. Khi chúng tôi bước vào Quốc hội lần thứ 118, tôi sẵn sàng làm việc cùng với các đồng chủ tịch của mình để làm giàu thêm cho cuộc sống của mọi người Mỹ và mọi người Mỹ gốc Việt, đồng thời ưu tiên các cuộc đối thoại về vi phạm nhân quyền, tôn giáo và chính trị ở nước ngoài.”


Ông Correa cho biết ông đang làm việc với Dân biểu Cộng hòa Michelle Steel, một đồng chủ tịch Khối Việt Nam cũng đến từ Quận Cam, để bảo đảm rằng tiếng nói của người Mỹ gốc Việt được phản ánh trong Quốc hội Mỹ. Điều đó có nghĩa là ông sẽ vẫn tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam


“Chúng ta có những công dân Mỹ bị bắt giữ ở Việt Nam. Có những tù nhân lương tâm, tù nhân tôn giáo, tù nhân chính trị Việt Nam,” ông nói với VOA.


“Chúng tôi tăng áp lực lên chính phủ Việt Nam để chính phủ Việt Nam biết rằng chúng tôi đang theo dõi những gì họ đang làm và chúng tôi trông chờ họ hành xử như bất kỳ xã hội văn minh nào khác, nghĩa là tôn trọng quyền tự do tôn giáo của con người. Chúng tôi làm điều đó một cách liên tục.” (theoVOA)


+++++++++++++++++++++++++++


VN-ODA: “móc túi đôla Nhật bộn”


Nhật Bản viện trợ không hoàn lại 9 dự án cho Việt Nam


Nhật Bản và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Hiện Nhật Bản đang là quốc gia viện trợ ODA hàng đầu của Việt Nam với trên 2.700 tỉ yen vốn vay, gần 100 tỉ yen viện trợ không hoàn lại và xấp xỉ 180 tỉ yen hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật.


Tổng giá trị các dự án Nhật Bản viện trợ không hoàn lại đợt này là trên 1,3 triệu USD, trong đó chiếm phần lớn là dự án rà phá bom mìn tại tỉnh Quảng Bình.


image005Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio (thứ tư từ trái sang) tại lễ ký kết - Ảnh: Đại sứ quán Nhật Bản cung cấp


Ngày 10-3, tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng viện trợ không hoàn lại chín dự án cho Việt Nam.


Chia sẻ tại lễ ký kết, đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho biết khi nghĩ đến mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam, ta thường nghĩ đến những dự án đầu tư cỡ lớn và những dự án phát triển hạ tầng quy mô lớn.


Tuy nhiên, bên cạnh đó, sự hợp tác còn chú trọng ở cấp địa phương, nơi có vấn đề thiết thực cần được giải quyết như: nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cấp cơ sở y tế, hay đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt an toàn cho người dân.


Ông cho biết quy mô từng dự án của chương trình viện trợ không hoàn lại cấp cơ sở không lớn nhưng đã mang lại rất nhiều lợi ích, niềm vui cho người dân địa phương.


Kể từ khi chương trình này được triển khai ở Việt Nam vào năm 1992, cho đến năm 2021 đã có 724 dự án được thực hiện, với tổng số tiền viện trợ lên tới 64,5 triệu USD.


Chín dự án lần này nhằm mục đích cải thiện chất lượng sống, đảm bảo an ninh và an toàn cho người dân Việt Nam cũng như khắc phục các hậu quả chiến tranh.


Tổng giá trị viện trợ cho chín dự án này là hơn 1,3 triệu USD.


Trong đó, dự án rà phá bom mìn tại tỉnh Quảng Bình chiếm phần lớn (hơn 648.000 USD).


Theo đánh giá của Nhật Bản, Quảng Bình là một trong những tỉnh bị ô nhiễm bom mìn nghiêm trọng nhất Việt Nam. Vào năm 2018, khoảng 28% diện tích của tỉnh được cho là vẫn còn vật liệu nổ.


Điều này đã cản trở sự phát triển hạ tầng cơ bản và phát triển đất nông nghiệp của tỉnh.


Mục tiêu của dự án này là chuyển 320ha đất bị ô nhiễm bon mìn tại xã Vĩnh Ninh thuộc huyện Quảng Ninh và xã Cự Nẫm của huyện Bố Trạch thành đất có thể sử dụng cho kinh tế, xã hội.


Phía Nhật cũng sẽ cung cấp các thiết bị y tế phục hồi chức năng và máy móc phục vụ dạy nghề cho trung tâm bảo trợ xã hội của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thái Bình.


Các dự án khác bao gồm: xây Trường mầm non xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải, Yên Bái); cấp bảy xe chữa cháy đã qua sử dụng cho bảy tỉnh ở Việt Nam; máy theo dõi bệnh nhân cho Bệnh viện Đà Nắng.


Nhật cũng sẽ viện trợ một số dự án xây dựng cầu, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt và xử lý nước thải tại các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Nghệ An.


Cũng trong đợt này, Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ cho tổ chức Save The Children Japan thực hiện dự án cải thiện dinh dưỡng và sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao đời sống của các dân tộc thiểu số tại huyện Bắc Yên và Sốp Cộp thuộc tỉnh Sơn La.


Chi phí dự án rơi vào khoảng 250 triệu yen (khoảng 1,8 triệu USD).


Nhật Bản và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Hiện Nhật Bản đang là quốc gia viện trợ ODA hàng đầu của Việt Nam với trên 2.700 tỉ yen vốn vay, gần 100 tỉ yen viện trợ không hoàn lại và xấp xỉ 180 tỉ yen hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật. DUY LINH/TTO