Báo Anh, Mỹ viết về Đại tướng Trần Thiện Khiêm qua đời

03 Tháng Bảy 20216:29 SA(Xem: 6134)

VĂN HÓA ONLINE – VIỆT NAM - THỨ BẨY 03 JULY 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Báo Anh, Mỹ viết về Đại tướng Trần Thiện Khiêm qua đời


BBC 03/7/2021


image001Nguồn hình ảnh, Getty Images. Ông Trần Thiện Khiêm, ảnh khoảng năm 1964


Đại tướng Việt Nam Cộng Hòa Trần Thiện Khiêm mới đây đã qua đời vào ngày 24 tháng 6 năm 2021 tại Miền Nam California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 95 tuổi.


30/04: Tổng thống Minh và văn thư yêu cầu Mỹ rút khỏi Việt Nam


Sinh năm 1925, ông Khiêm từng giữ vai trò quan trọng trong các cuộc đảo chính tại Sài Gòn trong những năm 1963 đến 1964.


Ông là một trong 5 sĩ quan được phong cấp Đại Tướng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.


Đại tướng Trần Thiện Khiêm giữ chức vụ đứng đầu Bộ Quốc Phòng và Thủ Tướng Việt Nam Cộng Hòa trong thời gian lâu nhất - sáu năm.


Ông đã cùng với Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu rời khỏi Việt Nam vào chiều tối ngày 25 tháng 4 năm 1975 để đến Đài Loan và sau đó sang Mỹ.


Báo Anh The Telegraph ngày 29/6 có bài tưởng nhớ, viết:


"Được CIA mô tả là "một người đầy tham vọng và một con sói đơn độc", vào tháng 11 năm 1960, với tư cách là tướng của Sư đoàn 21 Bộ binh, Khiêm chỉ đạo quân đội cứu Tổng thống Ngô Đình Diệm khỏi một âm mưu đảo chính. Kết quả là ông Diệm đã bổ nhiệm ông làm Tham mưu trưởng Liên quân và ông trở thành nhân vật quyền lực trong chính trường miền Nam Việt Nam.


"Vào đầu năm 1963, ông đã ngăn chặn một nỗ lực đảo chính khác, nhưng năm đó việc Diệm thiên vị người Công giáo và đàn áp Phật tử chiếm đa số dân của miền Nam, dẫn đến bạo lực bùng lên làm tổn hại quan hệ với Hoa Kỳ. Vào ngày 1 tháng 11, Khiêm cùng với các tướng lĩnh hàng đầu khác, tiến hành một cuộc đảo chính với sự hỗ trợ của CIA. Ông Diệm và em trai là Nhu ban đầu trốn thoát, nhưng bị bắt lại vào ngày hôm sau và bị ám sát."


Tờ Daily Telegraph nhắc lại vào tháng 1 năm 1964, ông Khiêm, người đã cảm thấy bị đứng ngoài cuộc sau cuộc đảo chính, đã tham gia vào một cuộc đảo chính khác do một tướng bất mãn tương tự là Nguyễn Khánh cầm đầu.


"Vào tháng 9 năm 1964, ông dính líu đến một âm mưu đảo chính bất thành và bị đưa đi "lưu vong danh dự" với tư cách là đại sứ tại Hoa Kỳ và sau đó là Đài Loan.


"Ông Khiêm cũng dính líu, mặc dù từ xa, trong nhiều lần đảo chính khác, và rồi trở về Sài Gòn vào tháng 5 năm 1968 sau khi Nguyễn Văn Thiệu được bầu làm tổng thống. Ông Khiêm làm Bộ trưởng Nội vụ, rồi Phó thủ tướng và cuối cùng là Thủ tướng từ tháng 9 năm 1969."


image004Nguồn hình ảnh, Getty Images. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu năm 1972


Còn bài báo ngày 2/7 trên báo Mỹ The New York Times nhận định về giai đoạn này:


"Là cánh tay phải của Tổng thống Thiệu, Tướng Khiêm đã thẳng tay đàn áp các đối thủ của chế độ và gạt sang một bên những người ủng hộ đối thủ không đội trời chung của ông Thiệu, Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ. Tướng Khiêm là người thực thi chính sách cứng rắn nhất của chính phủ và là con cưng của Đại sứ quán Hoa Kỳ."


Tờ báo Mỹ viết tiếp:


"Năm 1969, ông được Tổng thống Thiệu, một người bạn thân, khen thưởng với hai lần thăng cấp - vào tháng Ba lên Phó Thủ tướng, và vào tháng Tám lên Thủ tướng. Là một vị tướng bốn sao, ông cũng là sĩ quan quân đội cấp cao nhất của đất nước."


image006Nguồn hình ảnh, Getty Images


Theo bài ngày 2/7 của The New York Times, "Khi nạn tham nhũng phát triển mạnh ở miền Nam Việt Nam, ông Khiêm đã đưa họ hàng vào những công việc béo bở trong cơ quan hành chính dân sự. Như các nhà điều tra và báo chí Mỹ đưa tin, ông đã bổ nhiệm hai anh em vào các chốt hải quan để họ kiếm lợi nhuận từ việc buôn lậu ma túy và các hàng lậu khác tại sân bay Tân Sơn Nhứt của Sài Gòn và các cảng. Một người anh rể trở thành đô trưởng Sài Gòn; một người họ hàng khác trở thành giám đốc cảnh sát quốc gia."


"Khi lạm phát tăng cao, ông Khiêm đưa ra các biện pháp thắt lưng buộc bụng về kinh tế và các nỗ lực bình định lớn hơn. Năm 1971, ông khẳng định rằng 90 phần trăm dân số đang sống trong tình trạng an ninh tương đối. Nhưng trong vòng một năm, đối mặt với sự phản kháng ngày càng tăng của dân chúng, chính phủ đã bãi bỏ hầu hết các cuộc bầu cử và nói rằng các quan chức địa phương, từ lãnh đạo tỉnh đến trưởng ấp, sẽ được chế độ bổ nhiệm."


image008Nguồn hình ảnh, STAFF. Tháng 3/1975: tàu hải quân HQ504 chở 7000 người từ Huế và Đà Nẵng chạy loạn vào Nam sau khi các đô thị phía Bắc của VNCH tan rã trước sức tấn công của Lực lượng VNDCCH


Bài của The New York Times kể lại:


"Trong bài phát biểu trên đài phát thanh và truyền hình ngày 2 tháng 4 năm 1975, ông Khiêm nói với quốc dân: "Trong hai tuần qua, chúng ta đã bị thương vong nặng nề chỉ vì mất tự chủ và không giữ trật tự. Tôi khẳng định quyết tâm của chính phủ trong việc bảo vệ phần lãnh thổ còn lại của miền Nam Việt Nam và chiếm lại toàn bộ lãnh thổ đã mất vào tay Cộng sản".


"Nhưng hai ngày sau, ông Thiệu thông báo rằng ông Khiêm đã bị sa thải. Bản thân ông Thiệu từ chức vào ngày 21 tháng 4, dẫn đến sự sụp đổ cuối cùng 9 ngày sau đó."


"Sau khi dừng chân ở Đài Loan, ông Khiêm đến Hoa Kỳ, là một trong những người giàu nhất trong số 200.000 người Việt tị nạn. Tờ Chicago Tribune viết vào năm 1979, "Khiêm, người sẽ không bao giờ phải làm việc nữa, sống với vợ trong một ngôi nhà sang trọng ở ngoại ô Virginia, và họ sở hữu một ngôi nhà thứ hai ở miền nam nước Pháp."


The New York Times ghi nhận: "Tướng Khiêm tránh tranh cãi bằng cách giữ thái độ khiêm tốn và hầu như không phỏng vấn."


Còn báo Anh The Times ngày 3/7 viết:


"Không giống như nhiều người đồng hương, ông Khiêm dường như đã tích lũy đủ tiền để tận hưởng một cuộc sống mới kín đáo nhưng thoải mái ở Mỹ. Ông mất tại San Jose, California, 46 năm sau."


Báo Anh The Telegraph hôm 29/6 nói:


"Không giống như nhiều người tị nạn miền Nam Việt Nam, dường như ông đã trốn thoát với các nguồn lực để sống thoải mái khi sống lưu vong. Năm 1977, ông được một tờ báo Mỹ cho là "một người giàu có, san sẻ thời gian giữa châu Mỹ và châu Âu"."


Ông Trần Thiện Khiêm, Thủ tướng miền Nam Việt Nam, sinh ngày 15 tháng 12 năm 1925. Ông mất ngày 24 tháng 6 năm 2021, thọ 95 tuổi.


+++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


30/04: Tổng thống Minh và văn thư yêu cầu Mỹ rút khỏi Việt Nam


  • Nguyễn Tiến Hưng
  • Gửi cho BBC News Tiếng Việt

29 tháng 4 2020


image010Nguồn hình ảnh, Getty Images. Quân giải phóng ở trong Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975


Mùa Xuân là mùa của hy vọng, của tương lai. Nhưng đối với người dân Miền Nam, mùa Xuân 1975 lại đem tới tuyệt vọng, nó giống như những đám mây đen giầy đặc hiện lên chân trời tím.


Cuối Thu sang Đông năm 1974, giá dầu lửa tăng lên gấp bốn lần. Thế là xong! Nạn siêu lạm phát đã ập tới vào đúng lúc những chi tiêu lớn lao của người Mỹ đã biến đi cùng với đoàn quân của họ. Rồi Quốc Hội Mỹ cúp viện trợ. Người lính miền Nam chịu cảnh khốn cực nhất: với 20.000 đồng lương mỗi tháng (tương đương 28 dô la năm 1975), họ không đủ tiền mua cả gạo, cả nước mắm, thức ăn và thuốc men cho gia đình, cũng như đẻo súng trên vai ra chiến trường mà không đủ đạn.


Nhưng họ vẫn tiếp tục chiến đấu để bảo vệ tự do, xây đắp nền Cộng Hòa. Chỉ cho tới khi không còn phương tiện để chiến đấu, Miền Nam mới sụp đổ. Nhân chứng tại chỗ, Tướng John Murray, Chỉ Huy Cơ Quan Viện Trợ Quốc Phòng Mỹ ở Sài Gòn bình luận: "Ta nên nhớ Napoleon đã từng nói: 'Thượng Đế đứng về phe nào có các tiểu đoàn lớn nhất, mạnh nhất.' Và đúng như vậy, vào thời điểm đó, Thượng Đế đã đứng về phe cộng sản; quân họ đông hơn, mạnh hơn. Và đó là lý do tại sao sụp đổ."


Nhưng dù sụp đổ, dù bại trận, tinh thần dân chủ, cộng hòa đã không sụp đổ: Miền Nam đã bảo tồn được Hiến Pháp cho tới giây phút cuối cùng.


image012Nguồn hình ảnh, Getty Images. Ông Dương Văn Minh tháng Tư 1975


TT Nguyễn văn Thiệu Từ chức

Trước đà tiến quân như vũ báo của quân đội Bắc Việt được Liên Xô yểm trợ tối đa với xe tăng, thiết giáp tối tân, hỏa tiễn phòng không SAM, ngày 20/04/1975, Đại sứ Mỹ Graham Martin gặp TT Thiệu đễ thuyết phục ông từ chức, với lý do là vì ông Thiệu đã trở thành một trở ngại cho hòa bình. Bắc Việt không điều đình với ông và Quốc Hội Mỹ cũng không ủng hộ ông, cho nên nếu ông không từ chức thì "cơ hội cuối cùng để cứu vãn Miền Nam Việt Nam như một quốc gia còn chút tự do sẽ không còn nữa."


Sau một lúc thẩm định tình hình, ông Thiệu hỏi: "Nếu tôi từ chức thì liệu viện trợ Mỹ có đến không?"


Martin trả lời: "Tôi không dám hứa nhưng cũng có thể đến."


Trước khi ông Đại sứ ra về, ông Thiệu chỉ nói: "Tôi sẽ làm điều gì có lợi nhất cho nước tôi."


TT Thiệu kể lại là sau khi gặp ông Martin, ông đã mời các tướng lãnh đến Dinh Độc Lập. Trong buổi họp, ông cho họ biết về những chuyện ĐS Martin đề cập tới. Ông Thiệu nói nếu các các tướng lãnh coi ông như một trở ngại cho hoà bình thì ông sẽ từ chức.


Không ai phát biểu gì cả, cho nên "Đã thật rõ ràng là họ không muốn tôi ngồi lại ghế Tổng Thống nữa."


Phó Tổng thống Trần Văn Hương lên kế vỵ


Theo đúng hiến pháp, sáng thứ hai, 21/04/1975 TT Thiệu mời Phó tổng thống Trần Văn Hương vào Dinh Độc Lập để trao quyền.


Sau đó, ông mời Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn vào để họp bộ ba. Ông căn dặn là việc chuyển giao quyền bính phải theo đúng thủ tục hiến định, và chương trình làm việc như sau:


§ 5 giờ chiều 21/04: Tổng thống loan báo quyết định từ chức cho toàn thể Nội Các;


§ 5 giờ 30: thông báo cho lưỡng viện Quốc Hội;


§ 7 giờ 30: Thượng Viện, Hạ Viện, Nội Các và lãnh đạo các định chế hiến định như Tối Cao Pháp Viện, Giám Sát Viện và các tướng lãnh vào phòng Khánh Tiết Dinh Độc lập để dự lễ bàn giao và tuyên thệ của Tổng thống Trần Văn Hương


Chiều muộn, ông lên đài truyền hình thông báo quyết định định của mình cho quốc dân. Đầy cay đắng với sự phản bội của đồng minh vì đã thất hứa, ông đọc một bài diễn văn rất dài, hết sức căng thẳng và xúc động.


image014Nguồn hình ảnh, Getty Images. Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu tháng Hai 1975


Ông Thiệu ra đi với danh chính ngôn thuận

Sau khi được trao quyền, ông Hương e ngại rằng vì ông đã là Phó Tổng Thống của ông Thiệu, cho nên dư luận sẽ cho rằng bây giờ ông chỉ điều hành một chính phủ theo ý ông Thiệu. Ông liền yêu cầu Đại sứ Martin thuyết phục ông Thiệu xuất ngoại và dàn xếp giùm chuyến đi này. Sau đó ông Hương gọi cho ông Thiệu để khuyên ông sớm rời khỏi Việt Nam, vì "Nếu không, Cộng sản sẽ nói tôi đang điều khiển một chính phủ Thiệu không có Thiệu."


Để cho việc ra đi được hợp pháp, TT Hương ký nghị định đề cử ông Thiệu làm đặc sứ VNCH đi Đài Bắc phúng viếng Tổng Thống Tưởng Giới Thạch vừa qua đời ngày 5/04/1975. ĐS Martin giúp phương tiện chuyên chở. Ông Martin gọi chiếc máy bay DC-6 dưới quyền sử dụng của Đại sứ Mỹ từ Thái Lan bay qua Sàigòn trong đêm 25/04. Ông Thomas Polgar (trùm CIA ở Sàigòn) và tướng Charles Timmes gặp ông Thiệu và đoàn tùy tùng ở nhà Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm trong Bộ Tổng Tham Mưu. Polgar chuẩn bị ba chiếc công xa màu đen chở mọi người ra phi trường.


Đoàn xe lướt qua đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong của đồng minh gần phi trường, với mấy chữ nỗi bật trên bảng: "Những hy sinh cao quý của các chiến sĩ Đồng Minh sẽ không bao giờ bị quên lãng." Nhìn thấy bảng ấy, ông Thiệu thở dài và quay mặt đi.


Đoàn xe chạy vút về phía sân bay của hãng Air America. Đại sứ Martin đã đợi sẵn ở đó để tiễn đưa. Dù buồn thảm và cam chịu số phận, ông Thiệu vẫn đi thủng thẳng, cố giữ phong độ. Ông quay lại cám ơn ông Martin đã dàn xếp chuyến đi. Với một giọng xúc động, ông Martin đáp lễ: "Thưa Tổng Thống, đó là điều tối thiểu tôi có thể làm. Xin tạm bịệt và chúc Ngài may mắn."


image016Nguồn hình ảnh, Getty Images. Ảnh ngày 1/4/1975: Người Sài Gòn tìm cách ra đi


TT Hương mời Tướng Minh làm Thủ tướng

Tổng Thống Hương thành lập chính phủ mới. Việc đầu tiên ông làm là mời Tướng Dương Văn Minh vào Dinh Độc lập để thuyết phục ông giữ chức Thủ Tướng chính phủ. Tướng Minh không chịu, nhất định phải giữ chức Tổng Thống.


Trước sự bế tắc, ngày 24/04, Tướng Đôn đưa ra một công thức dung hòa: ông Minh sẽ làm Lãnh đạo Quốc gia với thực quyền, còn ông Hương sẽ tiếp tục làm Quốc trưởng nhưng rồi sẽ lùi vào bóng tối như trường hợp Quốc trưởng Bảo Đại đã làm trước đây.


Nhưng ông Minh cũng vẫn không chịu. Ông Hương cho ông Martin hay "Ông Minh nói rằng nếu ông ta nhận chức vụ từ bất cứ người nào trong chánh quyền cũ thì cũng sẽ làm giảm tư thế của ông trong những cuộc điều đình tương lai."


Tướng Minh lên ngôi ngoài khuôn khổ Hiến pháp?

Ngày 28/04/1975 ĐS Martin đánh điện về Washington:


"Để tránh việc Sàigòn bị san bình địa và tránh việc lật đổ chính phủ VNCH một cách toàn diện, Pháp đã mạnh mẽ thúc đẩy một công thức mà theo như họ nghĩ... là sẽ thỏa mãn Hà Nội. Đó là việc ông Minh lên nắm chính quyền được thực hiện hoàn toàn ngoài khuôn khổ hiến pháp hiện hành của VNCH; họ biết rõ rằng một trong những mục tiêu chính của Hà Nội là phá hủy tính chất hợp hiến của khuôn khổ hiến pháp hiện hành. Pháp đã chấp nhận như vậy, nên đã thúc đẩy một sự chuyển quyền ở ngoài khuôn khổ hiến pháp...


"Họ cho rằng nếu ông Minh lên nắm quyền trong một tình huống cách mạng thay vì một cuộc chuyển quyền theo hiến pháp thì Hà Nội sẽ chấp nhận ông ta."


Nhưng chính phủ Sài Gòn không chịu, vì như ông Martin báo cáo, "Đem một tướng về hưu đi thẳng lên chức tổng thống là không bình thường. Thật là không thực tế việc ông Minh nghĩ rằng ông ta được dân chúng hoan hô như trường hợp Tướng De Gaulle." De Gaulle đã đưa ra một tiền lệ về một tướng về hưu nhảy ra làm tổng thống nước Pháp.


Đến lượt Chủ tịch Thượng Viện

Ngày 25/04, ông Martin gửi điện về Washington: "Hôm qua Tổng thống Hương đã gặp ông Trần Văn Lắm và ông tân Chủ tịch Hạ viện. Ông Hương đã được họ thuyết phục là bất cứ sự chuyển quyền nào cũng phải theo trật tự hiến pháp, điều này có nghĩa là những sắp xếp trước đây (việc đưa ông Minh lên thẳng chức tổng thống - lời tác giả) bây giờ không còn có thể thực hiện được nữa, vì theo hiến pháp thì ông Trần Văn Lắm, Chủ tịch Thượng viện sẽ là người kế vị chức Tổng thống nếu ông Hương từ chức."


Nhưng Đại sứ Pháp Jean Mérillon cho biết: phía Cộng sản không chấp nhận điều đình với ông Lắm.


Cho nên sau cùng, ông Lắm đã không yêu cầu Quốc hội tấn phong chính ông mà còn giúp Quốc hội giải quyết vấn đề cho nhanh. Ông Martin báo cáo:


"Ông Trần Văn Lắm đã quyết định là ván bài quá nguy hiểm để vận động làm tổng thống. Ông ta đã giúp triệu tập được Quốc hội để giải quyết vân đề sớm hơn thời gian đã ấn định một chút."


Quốc Hội trao quyền cho TT Hương chọn người kế vỵ

Dù trong một tình huống hết sức nghiệt ngã, các nghị sĩ, dân biểu đã hành động xứng đáng với tư cách của đại diện nhân dân. Quốc hội nhóm họp và quyết định trao quyền cho TT Hương lựa chọn người kế vỵ. Nghị quyết vào lúc 8 giờ 30 tối như sau:


-- Để có thể đối phó một cách kịp thời với tình hình nghiêm trong hiện nay, Quốc hội VNCH đã quyết định ủng hộ Tổng thống VNCH trong công cuộc tìm kiếm chánh sách và những biện pháp để tái lập hòa bình tại miền Nam trên căn bản Hiệp định Paris ngày 27 tháng Một, 1973;


-- Thứ hai, nếu cần thiết, Tổng thống VNCH có thể lựa chọn người để thay thế ông để tiếp tục sứ mệnh với sự chấp thuận của Quốc hội nước VNCH."


Số phiếu là đồng nhất - 123/124 vì theo Hiến pháp, Chủ tịch Lắm không có quyền bỏ phiếu trừ khi số phiếu sát nhau.


TT Hương đặt trách nhiệm lại cho Quốc hội

Dù Quốc hội để cho ông tự lựa chọn người kế vị, nhưng một phần vì cựu TT Thiệu đã căn dặn là chớ có trao quyền cho Tướng Minh - vì rất nguy hiểm - cho nên ông Hương đã nhất định không đề cử. Ngày 27 tháng 4, ông Martin gửi báo cáo về Washington:


"Tổng thống Hương đã họp với lãnh đạo các định chế dân chủ và đi tới kết luận là ông không thể nào đề cử ông Minh theo như thẩm quyền mà Quốc hội đã biểu quyết hôm qua… nên ông quyết định đặt trách nhiệm lại cho Quốc hội. Ông sẽ gửi thư từ chức Tổng thống tới Quốc hội. Ông Lắm sẽ dùng rađiô và bất cứ phương tiện nào khác ngày Chủ nhật để cố triệu tập Quốc hội vào tối nay lúc 7 giờ. Nếu không đủ túc số (quorum) thì Quốc hội sẽ họp sáng mai."


Sau cùng thì ông Lắm đã triệu tập đầy đủ túc số để biểu quyết về một câu hỏi:


'Tất cả quý vị Dân biểu Nghị sĩ ai là người đồng ý cho Tổng thống VNCH chuyển quyền Tổng thống VNCH cho Tướng Dương Văn Minh để thi hành nhiệm vụ tìm mọi phương cách tái lập hòa bình tại Việt Nam.'


Số phiếu thuận là 134/136. Theo hiến định, hai người không được bỏ phiếu là Chủ tịch Thượng viện Trần Văn Lắm và Hạ viện, ông Phạm Văn Út. Như vậy số phiếu là đồng nhất.


TT Dương Văn Minh tuyên thệ

Chiều thứ Hai, 28/04, lễ tuyên thệ của Tổng thống Dương Văn Minh được cử hành trang trọng tại Dinh Độc Lập, trước mặt đầy đủ đại diện các định chế dân chủ.


Trong bài diễn văn nhậm chức, ông Minh kêu gọi:


"Cùng các anh em bên kia: tôi thực sự muốn hòa giải, các anh em cũng biết thế. Tôi yêu cầu mọi tầng lớp đồng bào hãy tôn trọng sinh mạng của nhau. Đó là tinh thần của Hiệp định Paris…Chúng ta hãy ngồi vào bàn hội nghị để tìm những giải pháp hữu ích nhất cho quốc gia dân tộc. Để sớm chấm dứt những đau khổ của dân chúng và anh em binh sĩ, tôi đề nghị chúng ta ngưng ngay lập tức những cuộc tấn công lẫn nhau."


image018Chụp lại hình ảnh, Thư của ông Dương Văn Minh gửi phía Mỹ


Yêu cầu Mỹ ra đi

Việc Tổng thống Minh làm ngay sau đó là viết một công hàm gửi Đại sứ Martin:


"Tôi trân trọng yêu cầu ông Đại sứ vui lòng ra chỉ thị cho nhân viên của Cơ-Quan Tùy Viên Quốc Phòng DAO rời khỏi Việt Nam trong 24 giờ đồng hồ kể từ ngày 29-4-1975 để vấn đề Hòa-Bình Việt Nam sớm được giải quyết."


Năm 1985 Đại sứ Martin đã trao cho chúng tôi văn bản này để giữ làm kỷ niệm. Đây là tài liệu lịch sử quan trọng vì là văn thư cuối cùng của chính phủ VNCH gửi chính phủ Hoa Kỳ.


Sáng sớm ngày 29 tháng 4, một sĩ quan trẻ tuổi phóng xe máy tới Tòa đại sứ Mỹ để tống đạt bức thư. Đại sứ Martin liền trả lời ngay:


"Tôi xin thông báo để Ngài hay là tôi đã ra chỉ thị như Ngài yêu cầu. Tôi tin rằng Ngài sẽ ra lệnh cho quân đội của Chính phủ Ngài cộng tác bằng mọi cách để làm dễ dàng cho việc di chuyển các nhân viên DAO…"


image020Nguồn hình ảnh, Getty Images. Tổng thống VNCH Dương Văn Minh và nội các ra khỏi Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975


Chuyển quyền cho phe chiến thắng trong trật tự

Các cánh quân của quân đội Bắc Việt đồng loạt tiến vào Sàigòn từ năm hướng khác nhau lúc 5 giờ sáng ngày 30/04. Trước tình hình tuyệt vọng, Tổng thống Minh đã quyết định đầu hàng, nhưng cũng trong vòng trật tự: đó là chuyển nhượng quyền hành cho phe chiến thắng. Ông cho thâu băng bản tuyên cáo với ý định để phát sóng vào lúc 9 giờ sáng ngày 30/04:


image022Nguồn hình ảnh, Getty Images. Ngày 30/4/1975


"Đường lối của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp để cứu vãn sinh mạng của đồng bào. Chúng tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải giữa người Việt Nam với nhau để khỏi phí phạm xương máu của người Việt Nam chúng ta.


"Vì lẽ đó tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ VNCH hãy bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi yêu cầu anh em chiến sĩ chính phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam hãy ngưng nổ súng.


"Chúng tôi đang ở đây chờ gặp Đại diện chính phủ Cộng Hòa Lâm Thời Miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận về việc bàn giao chính quyền trong vòng trật tự và tránh sự đổ máu vô ích của đồng bào."


Ít người để ý tới một sự kiện lịch sử quan trọng, nó hầu như là một phép lạ, đó là trong thời gian dầu sôi lửa bỏng mà Sàigòn và các đô thị lớn, nhỏ như Đà Nẵng, Nha Trang, Huế, Đà Lạt, Vũng Tầu, Cần Thơ, An Giang, An Xuyên, đâu đâu cũng vẫn tương đối là an ninh. Không có biểu tình lớn hay đình công, đảo chính, đốt nhà, phá phách, cướp bóc hay đánh bom. Lúc quân đội Bắc Việt tiến vào Sàigòn thì thành phố vẫn còn êm ả: điện, nước, rađiô, tivi, điện thoại, xe taxi, xe buýt, xe xích lô vẫn hoạt động như thường lệ.


image024Nguồn hình ảnh, Getty Images. Sài Gòn tháng 7/1975


Hãy nhìn vào Baghdad hay Kabul trong những năm vừa qua: từ khi có tin Hoa Kỳ quyết định rút quân (chứ chưa rút hẳn) thì tình hình đã và còn đang nhiễu nhương đến mức nào?


Như vậy là Trời còn ban phát một ân huệ cho nhân dân Miền Nam: trong chiến bại họ đã vẫn bảo toàn được Hiến Pháp VNCH - cột trụ của lý tưởng tự do mà họ đã bảo vệ và xây đắp trong hai mươi năm với bao nhiêu hy sinh, xương máu.


Sau 45 năm, một câu hỏi - đúng ra là một kịch bản - vẫn còn lưu lại trong trí óc chúng tôi: nếu như sau khi TT Minh tuyên bố đã sẵn sàng để chuyển giao quyền bính, những vệ binh trước cổng Dinh Độc Lập - trong những bộ quân phục mầu trắng với giây biểu chương vàng - được lệnh đứng vào thế nghiêm để chào đón, rồi từ từ mở cánh cổng sắt đồ sộ để mời phái đoàn bên thắng cuộc tới dự lễ chuyển giao quyền bính, và tuyên bố thống nhất đất nước - trước thềm Dinh Độc Lập (ngó thẳng ra Đại lộ Thống Nhất) - thì lịch sử đã diễn ra như thế nào?


Bài viết thể hiện quan điểm riêng của TS Nguyễn Tiến Hưng, Bộ trưởng Kế hoạch trong chính phủ Nguyễn Văn Thiệu những ngày cuối cùng của VNCH.

29 Tháng Mười Một 2022(Xem: 1859)