Nhà văn, Nhạc sĩ, Ca sĩ: Từ Nguyệt Lãm Tới Milly Mercury

23 Tháng Sáu 20218:24 SA(Xem: 6181)

VĂN HÓA ONLINE – VIỆT NAM - THỨ BẨY 19 JUNE 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Nhà văn, Nhạc sĩ, Ca sĩ: Từ Nguyệt Lãm Tới Milly Mercury

image018

Phan Tấn Hải


Rất là gian nan để có sách tiếng Anh lưu hành trên thị trường văn học tiếng Anh. Sẽ rất là gian nan khi được người sáng lập và điều hành mạng âm nhạc Spotify phỏng vấn và đón nhận một ca khúc đơn vào mạng này. Và giọng ca của cô Nguyệt Lãm, với nghệ danh là Milly Mercury, đã chinh phục bà Rebecca Cullen, Chủ Biên mạng âm nhạc Spotify, như một tài năng mới đầy hứa hẹn. Những thành công sơ khởi khi vượt qua gian nan đã là niềm vui cho cô bé Nguyệt Lãm, người liên tục trong 5 năm qua đã vừa đi học, vừa đi làm, vừa sáng tác nhạc, và vừa viết sách.


image019Cô Nguyệt Lãm, bây giờ là nhà văn Milly Mercury.


Đó là chặng đường gian nan khi cô bé Nguyệt Lãm tự khám phá bản thân để trở thành Milly Mercury. Chỉ mới vài ngày trước, vào ngày 12/6/2021, vài ngày trước khi tiểu bang California gỡ nhiều hạn chế đại dịch, mạng Amazon bắt đầu lưu hành tác phẩm văn học thiếu nhi, nhan đề “Beethoven The Bear” của tác giả Milly Mercury, bút hiệu của cô Nguyệt Lãm, con gái của nhạc sĩ Trần Duy Đức và ca sĩ Nguyệt Hạnh. Chỗ này cũng nên mở ngoặc cho các độc giả Quận Cam: chị Nguyệt Hạnh là một người xông xáo nhiều năm trong ngành xã hội, thường được đồng hương gọi đơn giản là “chị Hạnh.” Người ta dễ dàng đoán ra tại sao cô bé Nguyệt Lãm bây giờ có cơ duyên trở thành một nhà văn tiếng Anh, một ca sĩ và là một nhạc sĩ sáng tác trong giới nghe nhạc tiếng Anh, hẳn là thừa kế từ những tinh hoa văn hóa Việt từ ba và mẹ.


image020Bìa sách “Beethoven The Bear” của Milly Mercury.


Mạng Amazon giới thiệu rằng tác phẩm văn học thiếu nhi “Beethoven The Bear” là một câu chuyện cảm động cho mọi lứa tuổi về một chú gấu con, có tên là Beethoven.


Nhà văn Milly Mercury -- tức là cô con gái của nhạc sĩ Trần Duy Đức cũng có cùng đam mê sách & nhạc như ba mẹ -- giải thích bằng tiếng Anh với phóng viên Việt Báo về cuốn sách đầu tay, về con gấu nhỏ trong truyện. Nơi đây, dịch ra tiếng Việt như sau (cô không viết được tiếng Việt):


Tôi viết sách này bởi vì tôi muốn tặng sách này cho bản thân thơ ấu của tôi, bởi vì trong sách, Beethoven là một con gấu con, người có một bạn thân là Pete, một chú hải cẩu con, và trong tuổi thơ của tôi, tôi đã có một bạn thân, người đó là ông nội/ngoại của tôi và khi ông đi xa hệt như Pete đã đi nghỉ hè, tôi đã rất buồn, và đó là những gì gợi hứng cho tác phẩm. Và ngay nơi trang đầu sách, tôi đề tặng sách cho ông tôi. Tôi biết, ông sẽ hãnh diện về tôi.


Tôi cũng muốn viết sách và đề tặng cho bản thân thơ ấu của tôi, bởi vì cô bé đó xứng đáng với tình yêu và lòng cảm thông mà cô bé đó được đón nhận trong thế giới này, bất kể về cách sầu muộn cô bé trải qua, bởi vì cô bé được yêu thương với cách mà cô hiện hữu.


Và tôi muốn gợi cảm hứng cho các bậc ba mẹ để hiểu biết và yêu thương khi đối diện với đề tài bệnh tâm thần và sự hỗ trợ cho các con của họ,và hãy nói về chuyện cũng bình thường thôi khi trả qua sầu muộn.


June 24, 2018. Đó là khi tôi viết xuống.


Cảm ơn tất cả các vị ba mẹ trên thế giới này vì đã hỗ trợ và chăm sóc [các con của họ].”


image021Từ trái: Nhạc sĩ Trần Duy Đức, nhà văn-nhạc sĩ-ca sĩ Nguyện Lãm và mẫu thân.


Bạn đọc sẽ nhận ra cô bé hẳn là đã trải qua nhiều năm sầu muộn. Tác giả không tâm sự rõ ràng, nhưng ai đọc cũng thấy. Chuyện y tế cũng là đề tài cấm kỵ tại Hoa Kỳ, nhưng cho chúng ta thấy rằng, khi cô bé Nguyệt Lãm trải qua nhiều sầu muộn như thế, thì chính tình yêu thương của ba mẹ (nhạc sĩ Trần Duy Đức và ca sĩ Nguyệt Hạnh) đã kiên nhẫn chăm sóc, cảm thông và yêu thương cô bé Nguyệt Lãm, để bây giờ cô trưởng thành và trở thành nhà văn Milly Mercury. Do vậy, các gia đình hãy kiên nhẫn với con em mình, vì cô bé cảm ơn ba mẹ cô và đề nghị các bậc ba mẹ khác trên thế giới hãy: "It s OKAY to be sad" --- sầu muộn là bình thường, kiên nhẫn rồi sẽ qua, tình yêu và lòng cảm thông của ba mẹ sẽ giúp con mình thành công.


Tác phẩm văn học thiếu nhi “Beethoven The Bear” của Milly Mercury có thể tìm mua ở đây:


https://www.amzn.com/B096TRWVZY


Và rồi, ước mơ trở thành nhạc sĩ sáng tác và ca sĩ của Milly Mercury. Ca khúc “Good In Goodbye” do cô Milly Mercury sáng tác và hát đã được Rebecca Cullen chọn, đưa lên mạng âm nhạc Spotify kèm với một bài phỏng vấn của chính bà Cullen. Bài phỏng vấn có nhắc đến sự thai nghén của quyển sách thiếu nhi mà cô bé Nguyệt Lãm (bây giờ là Milly Mercury) đã được trình làng qua Amazon trong tháng 6 năm 2021. Những thành công sơ khởi này đã là niềm vui cho cô bé Nguyệt Lãm, người liên tục trong 5 năm qua đã vừa đi học, vừa đi làm, vừa sáng tác nhạc và vừa viết sách.


Hình như cộng đồng Việt chưa có nhiều người nghe cô Nguyệt Lãm hát. Đó là một giọng ca rất lạ và buồn. 


Bạn có thể nghe cô Milly Mercury hát ca khúc “Play Me” Của nhạc sĩ Neil Diamond nơi đây:


https://www.smule.com/recording/neil-diamond-play-me-frenchiea-s/2272681144_4052559056


Nhưng hát là một chuyện, còn sáng tác ca khúc lại là chuyện khác. Trong cuộc phỏng vấn đăng trên Spotify ngày 14/10/2020, Rebecca Cullen giải thích về cơ duyên phỏng vấn cô Milly Mercury: “Sau khi phổ biến ca khúc đơn ‘Good In Goodbye’ (Tốt Lành Khi Từ Biệt) của cô, chúng tôi có cuộc phỏng vấn vớ nghệ sĩ va nhạc sĩ sáng tác Milly Mercury, để tìm hiểu thêm về các lựa chọn sáng tạo của cô, về ý nghĩa phía sau ca khúc, và về giấc mơ của cô trong cương vị một nghệ sĩ.”


Người phỏng vấn là Rebecca Cullen thắc mắc về nhan đề ca khúc. Cô Milly Mercury giải thích rằng, chữ goodbye (từ biệt) có phần đầu là chữ good (tốt lành), trong khi lẽ ra là rất đau đớn khi nói từ biệt với người mà chúng ta yêu thương. Cô Milly Mercury nói rằng nhan đề ca khúc gợi lên từ một sự chia tay. Cô cho biết trong cùng một ngày khi cô từ biệt người cô đã yêu thương, cảm xúc đó đã làm cô sáng tác ca khúc và ghi âm lại chỉ trong một ngày hôm đó.


Cô Milly Mercury giải thích rằng ca khúc rất buồn, giọng cô hát như khóc ngay trong ngày đầu tiên mối tình tan vỡ, và tiếng khóc chen vào giọng ca đối với cô gần như là một cách trị liệu, và sau khi dòng nước mắt chảy xuống thì bạn sẵn sàng bước ra và thấy mặt trời lần nữa. Do vậy, chữ “good” trong chữ “goodbye” là khi thức dậy ngày hôm sau, sau khi nước mắt đã được khóc thương, thì lại nhìn thấy cái đẹp trong sự từ biệt, một cơ hội để đón chào ngày mới và cái mới, đầy ánh mặt trời chói sáng và tiếng chim hoan ca, và đầy những tiếng nhạc hạnh phúc.


Trong cuộc phỏng vấn, cô Milly Mercury cũng nói rằng cô đã học một khóa về văn học sáng tác, trong đó cô làm thơ rất nhiều. Cô cho biết lúc đã đó viết xong một tác phẩm văn học thiếu nhi. Cô cũng yêu thích khiêu vũ và nhiếp ảnh. Và giấc mơ của cô hiện nay là sáng tác nhiều bản nhạc hay, nhiều video ca nhạc xuất sắc.


Chúng ta có thể đọc lại kỹ càng mấy dòng cô vừa nói trong cuộc phỏng vấn. Có phải đây là giấc mơ của nhạc sĩ Trần Duy Đức đã di truyền lại cho cô: “Giấc mơ của cô hiện nay là sáng tác nhiều bản nhạc hay, nhiều video ca nhạc xuất sắc.” Không phải em nào trong thế hệ thứ nhì của cộng đồng Việt cũng có căn cơ như cô bé đã có thể đóng vai nhà văn, nhạc sĩ và ca sĩ cùng lúc. Nhưng ít nhất, cô bé Nguyệt Lãm khi vượt qua các gian nan để trở thành Milly Mercury, cũng đã cho thấy rằng dòng chảy văn hóa Hoa Kỳ thực sự là văn hóa đa sắc tộc, nơi đó văn hóa Việt đã có một dấu ấn độc đáo và không phai nhòa.


Bạn có thể nghe một phần trích từ ca khúc ‘Good In Goodbye’ của cô, cũng qua giọng ca chính cô Milly Mercury:


https://stereostickman.com/interviews/milly-mercury/


Xin chúc mừng nhạc sĩ Trần Duy Đức và ca sĩ Nguyệt Hạnh: thành công của Milly Mercury cũng là của cộng đồng Việt. (Phan Tấn Hải)

29 Tháng Mười Một 2022(Xem: 1859)