GM Bùi Văn Đọc: Chiến tranh là điều “vạn bất đắc dĩ”, đó không phải là giải pháp tối ưu

23 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 15718)

Tòa Tổng Giám Mục Sàigon thông báo: Cầu nguyện cho Quê hương Đất nước

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3
Tp. Hồ Chí Minh
ĐT: 08. 3930 3828

Kính gởi : Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ,
Quý Đại Chủng sinh
và Quý Anh Chị Em giáo dân
trong Gia đình Giáo phận

 Quý Cha và Anh Chị Em thân mến,

Hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) trong lá thư ký ngày 9 tháng 5 năm 2014 về tình hình Biển Đông, Gia đình Giáo Phận chúng ta sẽ dành ngày thứ Năm 22/05/2014 để hợp thông cầu nguyện cho Quê hương Đất nước. Trong ngày này:

1. Các Giáo xứ, các Dòng tu sẽ dâng lễ cầu nguyện và tổ chức một giờ chầu Thánh Thể theo ý của HĐGMVN (cử hành Thánh lễ “Cầu cho Hòa Bình và Công Lý” - Sách lễ Rôma, trang 931).

2. Xin mọi người hy sinh hãm mình, tiết giảm chi tiêu để góp phần chia sẻ với anh chị em đồng bào, các chiến sĩ nạn nhân của cuộc xung đột hiện nay.

3. Xin anh chị em hãy bày tỏ lòng yêu nước cách đúng đắn, ôn hoà, bất bạo động theo lời kêu gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam, cần phải loại trừ tất cả mọi hành vi khiêu khích, gây hấn, kích động chiến tranh, hận thù, cũng như những gì xúc phạm con người, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, đến hình ảnh tốt đẹp của con người và đất nước Việt Nam.

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang và các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin Chúa che chở và ban hoà bình cho Quê hương Đất Việt yêu dấu của chúng ta.

Xin Chúa chúc lành cho anh chị em.

Tòa Tổng Giám mục TPHCM, ngày 17 tháng 05 năm 2014
Thừa ủy nhiệm của Đức Tổng Giám Mục Phaolô,
Linh mục G.B. Huỳnh Công Minh
đã ký

T.B.: Tại Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn, Đức Tổng Giám mục Phaolô sẽ chủ sự Thánh lễ đồng tế vào lúc 9g30 ngày 22-05-2014 (Thiệp mời sẽ chuyển đến sau)

Bài giảng Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hoà bình tại Vương Cung Thánh Đường 22/5/2014

Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc

T5, 22/05/2014 - 13:40

image003

image004

image006

THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN
CHO CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH

(Col 3,12-15 ; Mt 5,1-12)

Anh chị em rất quý mến,

1. Chúng ta tập họp nhau lại đây, khá đông đảo, để cầu nguyện cho công lý và hòa bình. Chúng ta hãy xin Thiên Chúa, Đấng Giàu Lòng Thương Xót, ban Chúa Thánh Thần xuống trên cộng đoàn phụng vụ của chúng ta, trên toàn thể Giáo hội tại Việt Nam, để chúng ta có thái độ đúng đắn, khôn ngoan, trong hoàn cảnh rất tế nhị của Quê hương Đất nước chúng ta hiện nay. Cũng là dịp để chúng ta biểu lộ lòng yêu mến Quê hương Đất nước.

2. Có người sợ 2 chữ Công Lý, vì họ đồng hóa Công Lý với “sự trừng phạt”. Người khác sợ 2 chữ Công lý, vì họ đồng hóa Công Lý với sự “tranh đấu bạo động”, thậm chí với sự “khủng bố trả thù”. Nhưng dưới ánh sáng của Mạc khải, người Công Giáo không bao giờ chấp nhận một thứ “công lý báo thù” trình diễn trong phim ảnh hoặc xảy ra trong xã hội. Các sách Tân Ước cũng không đồng hóa Công lý với Trừng phạt. Trái lại Công lý của Kitô giáo là Công lý của Lòng Xót Thương, Công lý bắt nguồn từ “Lòng Xót Thương của Thiên Chúa”, Đấng mà bản chất là “Yêu thương”. Như lời thư Colôsê: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Vì thế anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại.” (Col 3, 12). Như lời sách Phúc Âm theo Thánh Mát Thêu: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5,7).

3. Công lý Kitô giáo, là sự công chính hóa nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô (x. Rm 3,22), do ân huệ Thiên Chúa ban không; nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu (x. Rm 3,23). Theo Thánh Kinh, ai khao khát Công lý, là khát khao nên người công chính, và sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng (x. Mt 5,6). Lịch sử Cứu Độ là Lịch sử Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Đấng đã sẵn sàng tha thứ cho mọi tội lỗi của loài người, và đã sai Con Một đến trần gian chịu chết để chuộc tội, hòa giải mọi người với Thiên Chúa và với nhau. Kết quả là sự Bình An mà Chúa đã hứa với các Tông đồ: “Thầy để lại Bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em Bình an của Thầy.” (Ga 14,27). Bình an là kết quả của Ơn Tha tội; vì thế Chúa Giêsu cũng như các Tông đồ đều nhấn mạnh sự tha thứ: “Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.” (Col 3,13). Đã đến lúc mọi người Việt Nam chúng ta tha thứ cho nhau và hòa giải với nhau.

4. Bình an là một “Ân huệ”, nhưng cũng là một thực tế cần phải xây dựng. Đó là một trong Tám mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu rao giảng: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.” (Mt 5,9). Những người con cái của Thiên Chúa là những con người của hòa bình, những sứ giả của hòa bình, đi đến đâu cũng đều rao giảng hòa bình, gieo mầm mống của hòa bình, không bao giờ muốn chiến tranh. Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, giống Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là “Tình Yêu”. Chúng ta giống Thiên Chúa, khi chúng ta yêu thương. Thánh Phaolô dạy chúng ta: “Trên hết mọi đức tính, anh em hãy có “lòng bác ái”: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” (x. Col 3,14).

5. Chiến tranh là điều “vạn bất đắc dĩ”, khi không còn cách nào khác để bảo vệ Quê hương Đất nước. Đó không phải là giải pháp tối ưu, nhưng là một điều xấu không thể tránh được (malum inevitabile). Chỉ có những ai hiếu chiến, xâm lược mới coi chiến tranh là giải pháp tối ưu, và dùng sức mạnh quân sự để đe dọa những người yếu thế hơn. Những người yếu thế, thì không còn cách nào khác, ngoài sự nương tựa vào bạn bè để chống lại những “thế lực ức hiếp muốn đè bẹp mình”. Những người Công Giáo chúng ta phải biết nương tựa vào Chúa, vì chỉ có Chúa mới là thành lũy vững chắc, là “Đá tảng vững bền muôn đời tồn tại”. Một thái độ sâu sắc và hợp tình hợp lý hơn nữa là “cầu xin Thiên Chúa thay lòng đổi dạ” những người đang nắm vận mệnh thế giới. Chúa là Thiên Chúa “Sáng Tạo” cũng là Thiên Chúa của Lịch Sử. Ngài là Alpha và là Ômêga, là Khởi Nguyên và là Cùng Đích, là Thiên Chúa Toàn năng. Mọi sự đều nằm trong tay Người, và không có gì mà Người không làm được./

Nhà thờ Chính tòa Sài Gòn, thứ Năm ngày 22.05.2014

+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn

18 Tháng Tám 2015(Xem: 19797)
VĂN HÓA TỔNG HỢP TÀI LIỆU: - Ts Trần Công Trục: Tại sao Thủ tướng Hun Sen nói "không sợ Việt Nam"? - Hiệp định về vùng nước lịch sử và lời nhắn Thủ tướng Hun Sen. - CNRP đã thay đổi thủ đoạn chống phá Việt Nam? - Hun Sen “hết kiên nhẫn” với CNRP chống phá biên giới Việt Nam – Campuchia.
10 Tháng Tám 2015(Xem: 14391)
Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất Việt Nam, an ninh lương thực của Việt Nam có ổn định hay không đều tùy thuộc vào vựa lúa này. Trong thời gian gần đây, sông Cửu Long bị cạn dòng và nước mặn xâm thực vào các đồng ruộng khiến cho hàng ngàn hecta lúa bị nhiễm mặn. Nguy cơ mất mùa và đồng bằng sông Cửu Long bị biến thành ruộng muối là khải năng rất có thể trong tương lai.
20 Tháng Bảy 2015(Xem: 26849)
Khoảng 2.000 người Campuchia dẫn đầu là các dân biểu của đảng Cứu quốc đối lập đã tới vùng biên giới với Việt Nam hôm Chủ nhật 19/7.
17 Tháng Bảy 2015(Xem: 30443)
Tân đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ hôm thứ Sáu bảo đảm với các đồng minh châu Á rằng các lực lượng của Hoa Kỳ đã được trang bị kỹ càng và sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống bất ngờ nào ở Biển Đông.
12 Tháng Bảy 2015(Xem: 26887)
Nhận lời mời của Chính quyền của Tổng thống Barack Obama, Ngài Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), đã thực hiện chuyến thăm lịch sử đến Hoa Kỳ, chuyến thăm đầu tiên của một Tổng bí thư ĐCSVN. Nhân dịp này, trong đó có cả cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng ngày 7/7/2015, Hoa Kỳ và Việt Nam đã ra Tuyên bố Tầm nhìn chung này.