Những báu vật ở Nhà thờ Đức bà Paris thoát cơn hỏa hoạn

17 Tháng Tư 20196:37 CH(Xem: 12835)

VĂN HÓA ONLINE - ĐIỂM NÓNG A  - THỨ NĂM 18 APRIL 2019


Những báu vật ở Nhà thờ Đức bà Paris thoát cơn hỏa hoạn


17/04/2019


Nhà thờ Đức Bà Paris, với tuổi đời hơn 850 năm, là nơi cất giữ rất nhiều tạo tác, tác phẩm nghệ thuật và di vật vô giá được thu thập qua nhiều thế kỷ.


Khi vụ cháy làm sập mái nhà thờ và một tháp nhọn trên đó hôm 15/4, nhiều người đã lo sợ rằng những báu vật này sẽ biến thành tro bụi. Một hệ thống kết cấu bằng gỗ, được gọi là "khu rừng", góp phần khiến ngọn lửa bùng cháy to hơn.


Cơ quan cứu hỏa Paris cho hay kết cấu đá của nhà thờ cũng như "các tác phẩm nghệ thuật chính" đã được "cứu", theo CNN. Tuy nhiên nhiều chi tiết, chẳng hạn như thiệt hại do dùng nước dập lửa, vẫn chưa rõ ràng.


Những báu vật sống sót


Mũ Gai, vật mà một số người tin là đã được đặt lên đầu Jesus khi Đức Chúa bị đóng đinh lên thập tự giá, cũng là món đồ mà nhà thờ xem là "quý giá và thiêng liêng nhất" của họ, đã thoát được ngọn lửa dữ. Thị trưởng Paris Anne Hidalgo cũng xác nhận Áo choàng của Thánh Louis (tức vua Louis IX) và nhiều "báu vật" khác cũng được cứu.


image001

Mũ Gai, di vật được xem là quý giá nhất tại Nhà thờ Đức Bà Paris. Ảnh: Reuters


Theo Bộ trưởng Văn hóa Pháp Franck Riester, những món đồ này đã được đưa đến cất giữ tại Tòa thị chính Paris.


Tượng gà trống bằng đồng nằm trên tháp Mũi Tên, kiến trúc đã bị phá hủy trong vụ hỏa hoạn, vẫn còn nguyên vẹn, theo đại sứ Pháp tại Mỹ Gerald Araud. Nó "chứa đứng những di sản của việc bảo vệ Paris", ông nói trên Twitter.


Nhiều tác phẩm nghệ thuật sẽ được chuyển đến bảo tàng Louvre trong những ngày tới, theo ông Riester. Số này bao gồm nhiều bức tranh lớn, được biết đến với tên chung là Mays de Notre-Dame. Kiểm tra bước đầu cho thấy những tác phẩm này bị tác động bởi khói song không bị cháy.


Mặt trước và hai tháp chuông nhà thờ, kiến trúc cao nhất Paris cho đến khi tháp Eiffel ra đời vào cuối thế kỷ 19, đã sống sót qua vụ cháy. Tháp Bắc hoàn thành vào năm 1240 trong khi tháp Nam ra đời sau đó 10 năm.


image002

Hai tháp chuông ở mặt trước nhà thờ vẫn nguyên vẹn. Ảnh: Getty


Quả chuông chính của nhà thờ, Emanuelle, được đặt ở tháp Nam. Quả chuông này đã dánh dấu những thời khắc quan trọng trong lịch sử Pháp, như ngày kết thúc Thế chiến 2, các ngày lễ và sự kiện đặc biệt.


Bộ ba cửa sổ hoa hồng, các cửa sổ hình vòm làm bằng kính mờ nhiều màu sắc có từ thế kỷ 13, có thể vẫn còn nguyên vẹn. Bộ trưởng Riester nói cả ba cửa sổ dường như không bị hư hại gì nghiêm trọng.


Đại phong cầm, một trong những nhạc cụ nổi tiếng nhất và lớn nhất thế giới, hiện diện ở nhà thờ từ thời Trung cổ châu Âu, cũng được "cứu sống". Đây là một trong hai cây đàn loại này ở nhà thờ, được chế tạo bởi Francois Thierry vào giữa thế kỷ 18, có khoảng 8.000 ống.


Bệ thờ và thánh giá bằng vàng vẫn nguyên vẹn sau vụ cháy. Hình ảnh cho thấy chúng vẫn đứng vững cùng các dãy ghế tựa và các bức tượng vây quanh bên trong giáo đường.


image003

Bệ thờ và thánh giá bằng vàng bên trong giáo đường. Ảnh: Getty


Hy hữu nhất có lẽ là việc 16 bức tượng đặt trên nóc nhà thờ đã được di dời trước khi hỏa hoạn xảy ra, để phục vụ dự án trùng tu trị giá 6,8 triệu USD. Tượng 12 tông đồ và 4 nhà truyền giáo được di dời bằng cần cẩu và đưa đến một xưởng ở Bordeaux.


Các bức tượng này được đặt xung quanh tháp Mũi Tên, kết cấu đã bị ngọn lửa thiêu rụi. Do đó, nếu tượng không được di dời sớm như vậy, có lẽ chúng cũng sẽ có chung số phận với ngọn tháp hình xoắn ốc.


image004

Những bức tượng đặt trên nóc nhà thờ đã được di dời trước khi hỏa hoạn xảy ra. Ảnh: Getty


Số phận những tạo tác khác vẫn là dấu hỏi


Tháp Mũi Tên trên nóc nhà thờ Đức Bà bị sập khiến hai phần ba phần mái bị phá hủy. Những di vật bên trong tháp, của thánh Denis và thánh Genevieve, cũng được cho là đã không còn.


Song có vẻ như những món đồ có giá trị nhất đã thoát khỏi vụ cháy. "Chúng tôi đã cố gắng bảo vệ những bảo vật quý giá nhất ở nơi an toàn", một người phát ngôn của Tòa thị chính Paris nói với CNN.


image005

Tháp Mũi Tên trước và sau vụ cháy. Ảnh: Getty/Reuters


Truyền thông Pháp đưa tin một mẩu của Thập giá Đích thực và một trong số Đinh Thánh được cứu.


Nhà thờ cón có rất nhiều tác phẩm điêu khắc, tượng và tranh vẽ khắc họa các hình ảnh và vị thánh trong Kinh Thánh. Một bộ sưu tập tranh, mỗi bức cao gần 4 mét, với khoảng 76 bức ban đầu, mô tả các đoạn trong Sách Tông đồ Công vụ của Kinh Tân Ước. Các tác phẩm ra đời từ năm 1630 đến năm 1707 và trong số 50 bức còn được lưu giữ, 13 bức vẫn được trưng bày tại nhà thờ.


Hiện không rõ mặt ngoài của nhà thờ bị thiệt hại đến mức độ nào. Một nguồn tin từ cảnh sát Paris cho biết một phần mái vòm bị sập ở đoạn giữa và các kiến trúc sư đang kiểm tra xem cấu trúc này có ổn định hay không.(theo Đông Phong)


16/04/2019


Bên cạnh giá trị kiến trúc, công trình 850 năm tuổi lưu giữ nhiều báu vật vô giá, trong đó có những thánh tích thiêng liêng của đạo Kitô như Đinh Thánh và Mão gai trên đầu Chúa.


image006


Một trong những thánh tích thiêng liêng nhất của đạo Kitô là Mão gai trên đầu Chúa. Theo điển tích, đây là một phần còn sót lại của vòng gai nhọn mà các binh lính La Mã đã đội lên đầu Chúa Jesus trước khi đưa ngài đóng đinh lên thập tự giá. Ảnh: AFP.


image007


Theo Thị trưởng Paris Anne Hidalgo, Mão gai của Chúa cùng những hiện vật quan trọng khác tại Nhà thờ Đức Bà Paris đã được bảo vệ an toàn. Ảnh: Reuters.


image008


Đây là cây Đinh Thánh đang được lưu giữ tại Nhà thờ Đức Bà Paris, được tin là đã được dùng để đóng đinh Chúa Jesus lên cây thập tự. Ảnh: Getty.


image009


Một trong những thánh tích nổi tiếng là mẩu gỗ được cho là từ cây thập tự mà Chúa Jesus bị đóng đinh vào. Những thánh tích này đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các tín đồ Công giáo tới thăm nhà thờ mỗi năm. Ảnh: Getty


image010


Những cửa sổ hoa hồng cũng là một phần nổi bật trong kiến trúc nhà thờ. Có tổng cộng 3 cửa sổ kiểu này bên trong công trình, mỗi cái lại kể một câu chuyện khác nhau trong kinh Cựu Ước và Tân Ước. Ảnh: Getty.


image011


Tất cả hệ thống cửa sổ với màu sắc rực rỡ được lưu giữ từ khi nhà thờ hoàn thành vào thế kỷ 13. Mỗi khi ánh sáng chiếu qua, nó khiến sẽ không gian bên trong nhà thờ trở nên thêm phần huyền ảo. Ảnh: AFP.


image012


Hiện vẫn chưa rõ tình trạng của những ô cửa sổ màu sắc này sau vụ hỏa hoạn. Ngoại trừ cửa số phía bắc, có vẻ như những cửa sổ khác đã bị ảnh hưởng vì nhiều người nghe thấy tiếng kính vỡ. Ảnh: Getty


image013


Thiệt hại nghiêm trọng nhất nằm ở phần mái và chóp của nhà thờ, đây được coi là nơi lưu giữ xương, răng và tóc của Thánh Denis và Thánh Genevieve, hai vị thánh bảo hộ cho Paris. Ảnh: AFP


image014


Các bức tượng đá bên ngoài lối vào, mô tả hình ảnh của các vị vua trong kinh Cựu Ước, cũng là một phần quan trọng trong bộ sưu tập tác phẩm điêu khắc ở Nhà thờ Đức Bà Paris. Ảnh: Getty


image015


Nguyên mẫu cây đàn organ ống lớn ở Nhà thờ Đức Bà Paris có từ thời Trung cổ. Qua thời gian, những nghệ nhân chế tác đàn đã không ngừng cải tiến nó. Dù vậy, một số ống đàn tạo ra âm thanh vẫn được giữ nguyên. Cây đàn có tới 8.000 ống, 5 bàn phím và 109 phím, là đàn organ ống lớn nhất ở Pháp. Ảnh: AFP.


image016


Bên ngoài nhà thờ, những bức tượng bằng đá mô phỏng sinh vật gargoyle, một loài nửa người nửa quỷ, canh giữ Nhà thờ Đức Bà nhưng chúng cũng có chính là miệng của các máng thoát nước từ hệ thống mái của công trình. Ảnh: Reuters


image017


Cuối cùng, bản thân Nhà thờ Đức Bà cũng là dấu ấn kiến trúc quan trọng với cảnh quan thành phố Paris và được coi là báu vật của thủ đô nước Pháp. Ảnh: AFP.


. (theo Quốc Thăng / Zing) (Ảnh: AFP, Reuters, Getty)


Tìm thấy tượng gà trống mang thánh tích trên tháp nhà thờ Đức Bà Paris

image018

Thụy Miên


Con gà trống bằng đồng nằm trên chóp của ngọn tháp đã đổ xuống vừa được tìm thấy trong tình trạng méo mó nhưng có thể được khôi phục, theo AFP dẫn thông tin từ Bộ Văn hóa Pháp hôm 17.4.


image019

Con gà được tìm thấy trong đống đổ nát. Twitter


Không như các tượng gà trống khác nằm trên nóc những tòa nhà ở Paris, con gà bằng đồng của nhà thờ Đức Bà Paris có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì bên trong chứa đến 3 thánh tích gồm một phần Mão gai của Chúa Jesus cùng thánh tích (xương, tóc và răng) của Thánh Denis, vị thánh bảo hộ của người dân Pháp và Thánh Genevieve, thánh bảo hộ của Paris. 


Theo điển tích, Mão gai là một phần còn sót lại của vòng gai nhọn mà binh lính La Mã đã đội lên đầu Chúa Jesus trước khi giải ngài đóng đinh lên thập tự giá.


Tổng giám mục Paris, Jean Verdier vào năm 1935 đã đặt các thánh tích trên vào con gà bằng đồng với hy vọng có thể bảo vệ được giáo dân thủ đô Pháp.


Ban đầu, nhiều người lo ngại bức tượng đã bị phá hủy khi tháp thánh giá bị thiêu rụi và đổ sập. Tuy nhiên, một phát ngôn viên Bộ Văn hóa Pháp chiều nay xác nhận một nhân viên phục chế đã tìm được con gà trong tình trạng “thê thảm".


Người đứng đầu Liên đoàn Các nhà xây dựng Pháp, ông Jacques Chanut đã đăng bức ảnh chụp con gà màu xanh lá lên mạng.


Báo Le Parisien dẫn lời một quan chức cho biết dù méo mó, con gà vẫn có thể được khôi phục như cũ. Tuy nhiên, chưa rõ rõ tình trạng các thánh tích bên trong.


Quan chức này tiết lộ khi ngọn tháp từ thế kỷ 19 ngã vào nhà thờ Đức Bà Paris, bức tượng con gà rơi về phía ngược lại của ngọn lửa nên vẫn giữ nguyên được màu sắc ban đầu.
28 Tháng Chín 2020(Xem: 5307)