BBC - HỘI HỌA - Tranh của họa sỹ VN bán được giá kỷ lục

29 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 17858)

Tranh của họa sỹ VN bán được giá kỷ lục

Cập nhật: 09:57 GMT - thứ hai, 27 tháng 5, 2013

buc_tranh_nguoi_ban_gao

Bức tranh Người bán gạo

Một bức tranh của Việt Nam vừa được bán ở Hong Kong với giá khoảng 390.000 đô la Mỹ, là mức giá kỷ lục đối với họa sỹ Việt Nam, theo Bloomberg.

Bức tranh lụa của họa sỹ Nguyễn Phan Chánh được đấu giá hôm thứ Bảy 25/05/2013 tại Hong Kong, bởi một trong những nhà đấu giá danh tiếng nhất thế giới Christie’s International, nhưng trước khi đạt tới mức giá đó, bức tranh phải trải qua hành trình không mấy êm xuôi.

Tên tiếng Pháp của bức tranh là ‘La Marchand de Riz’ (Người bán gạo), bị một thực tập sinh của Christie’s ở trụ sở London đánh giá nhầm rằng đây là tranh của một nghệ sỹ Trung Quốc không ký tên.

Do lỗi trên, bức tranh lụa được vẽ năm 1932 này ước tính chỉ đáng giá chưa tới 80 đô la Mỹ.

Sau khi được gửi tới châu Á, các chuyên gia ở đây nhận ra chữ ký đằng sau tấm toan, và ước tính giá trị của nó lên tới ít nhất là 100.000 đô la Mỹ.

“Nguồn gốc của nó không thể lẫn vào đâu được,” ông Jean-Francois Hubert, cố vấn cấp cao về nghệ sỹ Việt Nam cho nhà đấu giá Christie’s nói.

“Tranh vẫn có khung gốc của nhà Gardin người Paris, chuyên làm khung tranh, và bức họa từng được triển lãm năm 1934 ở Napoli,” chuyên gia người Pháp giải thích thêm.

Người mua là một nhà môi giới tranh người Pháp sống ở Hong Kong, Pascal de Sarth, ông nói ông và vợ Sylvie định sẽ treo tranh trong phòng ngủ của họ.

“Đây là một tác phẩm rất hiếm và bức tranh vẫn trong điều kiện tuyệt vời,” ông de Sarth nói, “tác phẩm đẹp thì không bao giờ là đắt cả”.

Giới nghệ thuật phương Tây ghi nhận, bức tranh của một nghệ sỹ Việt Nam được bán với giá cao nhất trước đây là của họa sỹ Lê Phổ với giá khoảng 373.000 đô la Mỹ, cũng trong một cuộc đấu giá ở Hong Kong.

Ba kỷ lục khác thuộc về các nghệ sỹ Mỹ-Trung Yun Gee, nghệ sỹ người Singapore Georgette Chen và một tác phẩm điêu khắc của nghệ sỹ người Nhật Bản Kohei Nawa.

tam_som-nguyen_phan_chanh

Bức Tắm sớm của họa sỹ Nguyễn Phan Chánh

Họa sỹ Nguyễn Phan Chánh được coi là danh họa tranh lụa và là một trong những người đầu tiên mang lại vinh quang hội họa cho Việt Nam trên thế giới.

Ông sinh năm 1892 ở Hà Tĩnh, sau làm thầy giáo ở Huế, rồi trở thành sinh viên khóa đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng với họa sỹ Lê Phổ.

Tranh lụa của ông từng được trưng bày ở nhiều quốc gia từ những năm 1930, 1940 như ở Ý, Pháp, Nhật, nhưng phải sau cuộc triển lãm ở Paris, ông mới được giới nghệ thuật phương Tây đánh giá là một trong những người đặt nền móng cho tranh lụa hiện đại Việt Nam.

Riêng buổi đấu giá Nghệ thuật châu Á thế kỷ 20 và Nghệ thuật Đương đại của nhà Christie’s hôm thứ Bảy đã thu được hơn 53 triệu đô la Mỹ, trong đó kỷ lục là bức sơn dầu của họa sỹ Chang Yu được bán cho một nhà sưu tập với giá hơn 5.7 triệu đô la Mỹ.

Nhà đấu giá Christie’s được thành lập năm 1766 bởi James Christie, và suốt qua thế kỷ 18, 19, 20, đây là nơi vẫn giữ được danh tiếng chuyên bán những tác phẩm nghệ thuật của các họa sỹ nổi tiếng, đồ trang sức xa xỉ, đồ trang trí hiếm có, và các loại rượu lâu năm.

Mức giá của các món đồ ở đây từ khoảng 200 tới hơn 80 triệu đô la Mỹ.

Christie’s International có 53 văn phòng trên 32 nước, và có 10 phòng trưng bày ở London, New York, Paris, Geneva, Milan, Amsterdam, Dubai và Hong Kong. Đây cũng chính là nhà đấu giá viên kim cương 101.73 carat, 'hoàn mỹ, không tỳ vết'.

Cập nhật: 17:36 GMT - thứ bảy, 3 tháng 4, 2010

Nét riêng hội họa Việt

phuong_vu_manh

Họa sỹ cho rằng sự thử nghiệm ít nhiều cũng là 'một cái tốt'.

Việc một bức tượng khỏa thân của nghệ sỹ Bấm Phương Vũ Mạnh, được yêu cầu dừng triển lãm tại Trung tâm văn hóa Pháp, l'Espace tại Hà Nội, hồi hạ tuần tháng Ba, do nội dung và hình thức được cho là không phù hợp với đăng ký trước cơ quan quản lý văn hóa ở Hà Nội, tiếp tục tạo ra dư âm trong nước.

Đang chuẩn bị tham dự triển lãm 'Genesis' (hay Nguồn cội) từ 22/4 tới 22/5 tới, nhân khai trương Bấm Gallery đầu tiên 100% của Việt Nam tại London, họa sỹ Đặng Xuân Hòa vẫn dành thời gian trao đổi và cho BBC Việt ngữ biết quan điểm của ông về 'sự cố' vừa xảy ra với đồng nghiệp trẻ:

"Tôi không trực tiếp theo dõi triển lãm này cũng như chưa trực tiếp xem bức tượng bên ngoài. Tuy nhiên, tôi đoán rằng đây có thể là một thể nghiệm của một loại hình nghệ thuật mới ở các nghệ sỹ trẻ"

Nó có thể là một cái gì đấy để cho người ta thấy nghệ thuật luôn luôn thay đổi, mới mẻ và đổi mới. Và cái đó chỉ có thể có lợi hơn cho nghệ thuật

"Cũng có thể tuổi trẻ say mê nghệ thuật, nhiều khi quá đà, vấp váp phải những vấn đề này nọ. Nhưng nhiều khi cũng có thể do dư luận đánh giá chưa kịp thời. Người ta chưa nắm được ngôn ngữ ấy, nên nghệ sỹ phải tự quyết định. Nhưng tôi nghĩ, sự thử nghiệm ít nhiều cũng là một cái tốt.

"Nó có thể là một cái gì đấy để cho người ta thấy nghệ thuật luôn luôn thay đổi, mới mẻ và đổi mới. Và cái đó chỉ có thể có lợi hơn cho nghệ thuật"

BBC: Ông nghĩ sao khi có bộ phận công chúng cho rằng một số nghệ sỹ trẻ hiện đang cố tình thách đố họ, theo kiểu bắt họ phải 'trồng cây chuối' để thưởng thức và suy đoán?

Họa sỹ Đặng Xuân Hòa (ĐXH): Cũng có một phần như thế. Nghệ thuật nào cũng có một phần thách đố đối với công chúng. Dù mới hay cũ, thì công chúng cũng phải ở một tầm nào đó mới có khả năng cảm nhận được nó.

Dù sao nghệ sỹ cũng là một cá nhân muốn khai mở một con đường mới. Nghệ sỹ phải tự quyết định và đi tiên phong trên con đường ấy. Và như thế đó có thể có phần thách đố với công chúng rồi.

'LÀ ĐIỀU BÌNH THƯỜNG'

la_dieu_binh_thuong

Hội họa Việt Nam theo ông Hòa có một nét riêng hiền lành, mơ mộng đáng chú ý.

BBC: Bản thân ông đã bao giờ bị buộc phải đưa tranh ra khỏi một triển lãm hay không? Nếu có thì ông làm gì?

Họa sỹ ĐXH: Chưa bao giờ. Tôi cũng thể nghiệm nhiều, nhưng có thể lúc đó những gì được thể nghiệm gói gọn trong ngôn ngữ của nghệ thuật, nên chưa mắc phải một cái gì khiến người ta phải 'lôi ra, lôi vào'.

Còn tôi nghĩ chuyện bị ngưng triển lãm nếu xảy ra, với mỗi nghệ sỹ, cũng là điều bình thường. Nghệ sỹ nên chấp nhận.

Mỗi khi có một cái gì đó mới mẻ, thách đố với công chúng, mà người ta không chấp nhận, thì mình cũng cần có thời gian. Nếu họ hiểu ra thì tốt, còn nếu không thì mình cần xem lại. Riêng tôi nghĩ là chấp nhận được, không đến mức độ phải đau khổ quá.

BBC: Được biết ông sắp đến London để triển lãm tranh tại Gallery Apricot, ông sẽ mang tới London những nghệ phẩm gì?

Trong một thế giới có rất nhiều mâu thuẫn, đủ mọi chuyện... thì nghệ thuật Việt có một vẻ gì đó hiền lành, mộng mơ, êm đềm hơn

Họa sỹ ĐXH: Đó là những bức mới nhất mà tôi sáng tác trong thời gian gần đây. Đây là những bức kết hợp ngôn ngữ dân tộc với ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại. Còn chủ đề chính là về đời sống con người, đời sống xã hội xung quanh tôi.

Nó có một cái gì đấy mang hơi thở của cuộc sống. Vì đây là những bức mới ngay với tôi, nên tôi cũng hồi hộp và hào hứng chờ đợi sự đánh giá của công chúng tại Anh ra sao.

BBC: Qua những gì ông trao đổi với báo chí trong nước, có vẻ như ông không ngại cạnh tranh với các nghệ sỹ châu Á khác, có nghệ phẩm đưa sang châu Âu hoặc Anh, như những họa sỹ tới từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, hay Ả-Rập v.v...?

Họa sỹ ĐXH: Tôi nghĩ nghệ thuật luôn là một sự va chạm, từ nghệ thuật, nghề nghiệp cho tới một thương trường nào đấy. Tôi chỉ mong mỏi tác phẩm của mình thành công và mong công chúng bên đó đánh giá đúng mức giá trị nghệ thuật của mình, hơn là sợ bị cạnh tranh.


'ĐI TÌM CÁI TÔI'

di_tim_cai_toi

Một chân dung tự họa của Đặng Xuân Hòa.

BBC: Vì sao ông tự tin về tranh đương đại Việt Nam đến như vậy?

Họa sỹ ĐXH: Nghệ thuật đương đại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến đổi, thử nghiệm và phát triển với nhiều dự án nghệ thuật thành công ở nhiều tác giả.

Có một giai đoạn nghệ thuật và hội họa Việt bị gói kín, cất giữ, lưu kho quá lâu ngày, khiến nhiều người ở nước ngoài không có điều kiện khám phá. Gần 20 năm nay, nghệ thuật Việt Nam đã ló ra với thế giới và có một tiếng nói riêng.

Và người ta thấy ở đó cũng có những chuyện của nghệ thuật, có những vấn đề của con người và xã hội mà tôi tin là có những điểm riêng biệt, những chất riêng ngay trong khu vực, ngày càng mới mẻ, hấp dẫn, nhưng cũng có khả năng hòa đồng được với nghệ thuật của thế giới.

BBC: 'Chất riêng' mà ông vừa nói tới là gì?

Họa sỹ ĐXH: Trong một thế giới có rất nhiều mâu thuẫn, đủ mọi chuyện, mọi thành phần xã hội, mọi tư tưởng, bè phái, giáo phái, rồi đủ mọi mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo v.v... thì nghệ thuật Việt Nam có một vẻ gì đó hiền lành, mộng mơ, nó êm đềm hơn.

Nghệ thuật châu Âu, phương Tây và Anh luôn luôn có dấu ấn tiên phong. Nó luôn luôn mạnh mẽ, từ cung cách suy nghĩ cho tới việc làm

Và tôi nghĩ trên thế giới, con người ta luôn thèm khát những cái đó, kể cả cái bình dị nữa. Và đó tôi nghĩ chính là những điểm mạnh của nghệ thuật Việt Nam.

BBC: Và ấn tượng nổi bật nhất sau những lần ông tiếp xúc với hội họa đương đại và trưng bày hội họa tại Anh, hai lần trước là gì?

Họa sỹ ĐXH: Qua những gì tôi được thấy ở các phòng trưng bày và bảo tàng ở Anh, có thể nói nghệ thuật châu Âu, phương Tây và Anh luôn luôn có dấu ấn tiên phong. Nó luôn luôn mạnh mẽ, từ cung cách suy nghĩ cho tới việc làm.

Hơn nữa, trong nền tảng văn hóa cao và sâu đậm, sức mạnh của nghệ thuật luôn là một tiếng nói to lớn với công chúng. Tôi sẽ phải đi xem nhiều hơn lần này, để tìm hiểu thêm xem nghệ thuật ở Anh làm gì, suy nghĩ gì.

Và đặc biệt, tìm hiểu xem họ muốn thể hiện cái tôi của mình ra sao để đến với công chúng một cách trực tiếp nhất. Đó cũng là ấn tượng và bài học lớn nhất mà tôi đã học được một cách cụ thể về nghệ thuật ở châu Âu nói chung và ở Anh nói riêng./

Cập nhật: 15:15 GMT - chủ nhật, 4 tháng 10, 2009

'Mang chuông đi đánh xứ người'

Quốc Phương

BBCvietnamese.com

nhu_huy

Như Huy cho rằng tranh VN cần được tích hợp nhiều hơn thông qua các định chế vào thị trường quốc tế

Thị trường nghệ thuật cả nước xuất hiện vô số các gallery, cùng làn sóng 'chép tranh', tranh 'du lịch', tranh 'Bờ Hồ' phổ biến tới mức truyền thông trong nước có lúc ví đó với một sự 'bội thực' nghệ thuật.

Trong khi đó, giá tranh của Việt Nam tại nhiều cuộc đấu giá nghệ thuật ở khu vực và quốc tế tiếp tục sụt giảm, các nghệ sỹ sáng giá nhất chỉ bán tranh được với giá từ vài nghìn tới vài chục nghìn đô-la, nhưng cũng chỉ với số lượng đếm trên đầu ngón tay.

Có khoảng cách gì không giữa hội họa Việt Nam và thị hiếu, thị trường nghệ phẩm quốc tế, nhất là qua giá cả nghệ phẩm, có cách nào để các tác phẩm hội họa Việt Nam 'tiến' tốt hơn vào thị trường quốc tế?

BBC Việt ngữ đặt câu hỏi này với họa sỹ, nhà phê bình mỹ thuật Như Huy, nhân chuyến thăm của ông tại Hội chợ nghệ thuật quốc tế truyền thống lần thứ 14, Arts Scene 2009, tại Đức theo lời mời của Viện Goethe và Tổ chức Art Forum Berlin. Sau đây mời quý vị theo dõi ý kiến của họa sỹ.

Ra thị trường quốc tế không chỉ là việc đưa một bức tranh tới đó mà phải có được một hệ thống đảm bảo cho người mua, người tiêu dùng quốc tế về nhiều mặt

Họa sỹ Như Huy

Như Huy: Giả định rằng nỗ lực, sáng tạo của các nghệ sỹ, họa sỹ Việt Nam đã hết cỡ rồi, thì có một vấn đề là những người thẩm định, hay 'đọc' các tác phẩm của họ là ai. Nếu chúng ta dùng khung nghệ thuật nào để đọc, thì chúng ta sẽ có kết quả như thế đấy.

Ví dụ, nếu ta dùng khung chung của nghệ thuật thế giới là 'conceptual' để đọc tác phẩm không chỉ của nghệ sỹ Việt Nam, mà cả của Thái Lan, Indonesia, thì ta sẽ thấy chất lượng rất kém. Thế nhưng nếu ta dùng khung 'narrative,' thì thấy các tác phẩm này có thể có nhiều điểm được quan tâm.

Nghĩa là anh nghệ sỹ làm gì là một phần, nhưng người đọc, người thẩm định tác phẩm ấy theo cách nào, cũng vô cùng quan trọng.

BBC: Phải chăng khó khăn trong việc bán tranh Việt Nam ra quốc tế cũng là khó khăn chung của nhiều nước, sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa mới đây?

Như Huy: Cũng đúng một phần là tình hình không được như trước đó. Song mặt khác, nhiều tên tuổi nghệ sỹ quốc tế lớn không hề bị ảnh hưởng và ngoài ra thị trường nghệ thuật này vẫn là một lĩnh vực đầu tư đặc biệt mà ta gọi là 'đại tài chính' nên tôi nghĩ không bị tác động gì lớn lắm.

CƠ HỘI NÀO

nghe_pham_duong_dai

Một nghệ phẩm đương đại được Như Huy ghi lại trong chuyến thăm Berlin - Leipzig.

BBC: Có cơ hội gì không cho mỹ thuật, hội họa Việt Nam tiến tốt hơn vào thị trường quốc tế, cần phải làm gì để đảm bảo thành công?

Như Huy: Tôi nghĩ vào thị trường nghệ thuật quốc tế không đơn thuần chỉ là việc đem một gallery đi vào một khu có vài trăm gallery mà phải tính tới các góc độ quan hệ định chế. Vì nghệ thuật thế giới là một Arts World, có quan hệ liên đới rất chặt chẽ với nhau.

Và quan hệ này không giới hạn về mặt vật lý mà còn phải có các cuộc trao đổi, làm việc vòng quanh thế giới v.v... Không riêng gì Việt Nam, một nước mạnh hơn trong khu vực như Thái Lan, vào được thị trường chẳng hạn như ở Đức là rất khó.

BBC: Còn các thị trường khác theo quan sát cập nhật của ông, như ở Hoa Kỳ hay Anh thì sao, thưa ông?

Như Huy: Hoa Kỳ dễ hơn, Anh thì khó hơn. Bởi vì châu Âu, nhất là châu Âu lục địa, có những đòi hỏi khó hơn so với Mỹ để tranh và hội họa Việt Nam nhập vào. Theo tôi biết, tại Art-Fair Việt Nam tại San Francisco, hoặc tại Thụy Sỹ v.v..., cũng có một vài gallery của Việt Nam xuất hiện.

Thực ra việc để mở một vài gallery cũng khó nhưng không hẳn rất khó, nhưng để gia nhập vào hệ thống toàn cầu của họ thì không dễ. Bởi vì gallery hiện đại là hệ thống kinh tế, hệ thống định chế, hệ thống giám tuyển v.v... Gallery Việt Nam phải có được những hành lang như thế của các hệ thống này thì mới được gọi là có thể vào được hệ thống thế giới.

BBC: Về giá cả các nghệ phẩm, theo đánh giá của ông thì tranh Việt Nam hiện nay giá cả ra sao?

GIÁ CẢ NGHỆ THUẬT

tu_su_mat_goc-dang_xuan_hoa

Bức 'Từ sự mất gốc' của họa sỹ Đặng Xuân Hòa được định giá hàng chục nghìn đô-la Mỹ.

Như Huy: Các tranh bán được theo tôi vẫn là tranh của các nghệ sỹ bậc thầy Việt Nam ngày xưa. Còn các tranh của các nghệ sỹ đương đại Việt Nam bán được vào các thị trường nghệ thuật cao cấp của thế giới, theo những gì tôi biết, thì không có. Còn các tranh của các họa sỹ như Lê Phổ hay Phái..., tôi nghĩ bây giờ không được như ngày trước, như hồi đầu.

Ngoài ra, còn có một số vấn đề kỹ thuật như là tranh giả, tranh thật. Tôi từng dự một hội thảo nghệ thuật tại Singapore và có ý kiến hỏi lấy gì đảm bảo với người mua rằng một bức tranh nọ của Việt Nam không phải là tranh giả, tranh chép, lúc đó cũng không có ai trả lời được. Ý muốn nói là đi ra thị trường quốc tế không chỉ là việc đưa một bức tranh tới đó mà phải có được một hệ thống đảm bảo cho người mua, người tiêu dùng quốc tế về nhiều mặt nữa.

BBC: Qua chuyến đi này và qua những tiếp xúc, theo ông thế giới biết gì về mỹ thuật, hội họa Việt Nam hiện nay?

Như Huy: Tôi có hỏi ý kiến nhiều người. Đoàn của tôi có rất nhiều nghệ sỹ, nhà nghiên cứu, từ Chile, Mỹ, Baranh, Panama, Ấn Độ, Đài Loan, Nam Phi v.v... Thực ra những gì họ biết về nghệ thuật Việt Nam, tôi nghĩ là rất ít.

Nay không còn phải là thời điểm của các cuộc tranh luận hay các trào lưu lớn, mà bản thân nghệ thuật thế giới cũng ít có các cuộc tranh luận lớn.

Họa sỹ Như Huy

Cái họ biết vẫn chỉ thông qua một số nghệ sỹ tên tuổi, đã thành danh của Việt Nam trên thế giới. Còn về những diễn ngôn, những vấn đề, những nỗ lực... của nghệ thuật Việt Nam, thì chắc là ta chưa đến được nhiều với họ.

BBC: Có vẻ như các tranh luận nghệ thuật quốc tế hiện nay có vẻ ít và ít ồn ào hơn trước đây? Phải chăng giới phê bình và lý luận nghệ thuật đang gặp một khó khăn, bế tắc nào?

Như Huy: Nay không còn phải là thời điểm của các cuộc tranh luận hay các trào lưu lớn, mà bản thân nghệ thuật thế giới cũng ít có các cuộc tranh luận lớn lắm. Tuy nhiên, khi sang Đức đợt này, tới thăm các triển lãm nghệ thuật lớn tại Leipzig, tôi vẫn thấy nhiều nghệ sỹ lớn của Đức theo trường phái Leipzig mới và họ vẫn đi theo dòng 'Figurative', tức là dòng tranh có hình. Và tranh của họ vẫn bán rất chạy với giá mỗi nghệ phẩm có thể lên tới cả triệu đô-la.

Còn về phê bình nghệ thuật, thì như một số nhà phê bình hàng đầu thế giới nói, lĩnh vực này đang gặp khủng hoảng vì viết mà chẳng có ai đọc. Mà những gì được đọc nhiều nhất lại là được viết trong các catalogue.

Phê bình, lý luận vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong nghệ thuật thế giới vì nó là một bộ phận cấu thành về mặt tiếp nhận. Song ngày nay, vai trò gần hơn đối với đời sống và quần chúng lại đến ngày một nhiều hơn từ vai trò của các 'curator,' tức các giám tuyển nghệ thuật./

Nên cấm tranh khỏa thân?

Báo chí và dư luận hồi giữa tháng Tư xôn xao quanh chuyện tranh khỏa thân của họa sỹ Kim Đính ở Thừa Thiên Huế bị cấm triển lãm.

Quyết định của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch được đưa ra chỉ hai ngày trước khi triển lãm khai mạc vào ngày 10 tháng Tư.

Trước đó Hội đồng Mỹ thuật địa phương, cơ quan tư vấn cho Sở, đã bật đèn xanh cho triển lãm.

Lý do Sở không chấp nhận cho triển lãm tranh là một số bức ''không đạt chất lượng nghệ thuật'' và ''không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam''.

Trong khi đó họa sỹ Kim Đính nói lý do chính là không ai muốn nhận trách nhiệm việc cho phép triển lãm tranh nude, một điều vẫn còn được coi là nhạy cảm.

Nhiều họa sỹ và nhiếp ảnh gia liên quan tới tranh ảnh khoa thân cũng nói rằng đề tài khỏa thân có từ xa xưa và được biết tới với các biểu tượng linga (dương vật) và yoni (âm hộ) và không nên coi đây là điều cấm kỵ./

PV họa sỹ có tranh nude bị cấm

Họa sỹ có tranh khỏa thân bị cấm triển lãm ở Thừa Thiên Huế nói với BBC không có khả năng tranh của anh sẽ tới được với công chúng qua con đường chính thức.

Quan chức của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế nói một số bức tranh ''không đạt chất lượng nghệ thuật'' và ''không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam''.

''[Quyết định của Sở] có tính áp đặt luôn không có cho khiếu nại khiếu niếc gì hết,'' họa sỹ Nguyễn Kim Đính nói.

Tác giả các bức tranh bị cấm trưng bày nói các quan chức phụ trách nghệ thuật trực thuộc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch đã sợ trách nhiệm và không dám cho triển lãm tranh khỏa thân trong khi bản thân giám đốc Sở từ chối trực tiếp tham gia vào hội đồng giám định nghệ thuật để xét duyệt 12 tranh nude.

Báo chí Việt Nam nói từ trước tới nay chưa có triển lãm tranh nude chính thức nào diễn ra.

Họa sỹ Đính nói các bức tranh của anh đã được hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế thông qua và khuyến cáo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp phép.

Bản thân một quan chức của Sở cũng nằm trong hội đồng nghệ thuật, theo họa sỹ Đính, người cũng nói rằng tranh của anh không khai thác khía cạnh sex.

''Nội tâm của tôi đã hàng ngày nghĩ về cái vẻ đẹp và thân phận của con người trong đó có người phụ nữ chứ thực sự tôi đâu có khai thác khía cạnh vật chất của xác thịt đâu.''

Chất lượng

Nói chuyện với BBC, ông Đặng Mậu Tựu, Chủ tịch Hội Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, một thành viên của hội đồng thẩm định tranh nói đáng ra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch vẫn nên cho triển lãm những bức tranh còn lại mà họ không cho là có vấn đề.

Như vậy, ông Tựu nói sẽ không tạo ra những ồn ào trên báo chí như mấy ngày qua.

Nhưng ông cũng nói ông đồng ý phần nào với nhận xét của Sở.

''Trong chừng mực nào đó hội đồng nghệ thuật chúng tôi thấy các tranh đó cũng bình thường thôi.

''Thứ nhất là chất lượng nó không phải là cao lắm,... có một số tác phẩm là có chất lượng.''

Nhưng ông Tựu dường như cũng đồng ý rằng công chúng phải là người đưa ra đánh giá cuối cùng về các tác phẩm nghệ thuật.

Trong khi đó họa sỹ Đính nói anh đưa ra cả thảy 16 tranh nhưng hội đồng nghệ thuật chỉ chọn 12, những tranh mà sau này bị Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cấm.

Họa sỹ Đính cũng nói trong một hai ngày tới đây sẽ gửi bốn bức bị cấm trước đây và một số bức sau này để độc giả của bbcvietnamese.com có thể tự đưa ra quyết định.

nguyen_kim_dinh__nude_01

Họa sỹ Nguyễn Kim Đính ở Thừa Thiên Huế vẽ gần 20 bức tranh nude trong mấy năm gần đây. Anh trình lên Hội đồng Mỹ thuật địa phương 16 bức.

nguyen_kim_dinh__nude_02

Họa sỹ Đính nói với BBC chủ đề chính của loạt tranh này là 'Màu của tình yêu'.

nguyen_kim_dinh__nude_03

Nguyễn Kim Đính nói anh muốn 'ngợi ca vẻ đẹp căng đầy của người nữ, vẻ đẹp có thể thấy ở mọi vùng, mọi miền.

nguyen_kim_dinh__nude_04

Họa sỹ cũng nói mặc dù người ta có thể thấy tranh không giống thật ở dáng hình nhưng 'ở đó là thân phận, không gào thét, mơ mộng hay than vãn'.

nguyen_kim_dinh__nude_05

Hội đồng Mỹ thuật bao gồm những họa sỹ uy tín bậc nhất ở miền Trung và đã thông qua 12 trong số 16 tranh ngoại trừ bốn bức tiếp theo.

nguyen_kim_dinh__nude_06

Bức này bị loại vì bị cho là 'không cùng bút pháp', theo họa sỹ Đính.

nguyen_kim_dinh__nude_07

Cũng bị loại vì 'không cùng bút pháp' là bức này.

nguyen_kim_dinh__nude_08

Còn lý do hội đồng loại tranh quý vị đang xem là 'chưa phù hợp với thẩm mỹ của người xem'.

nguyen_kim_dinh__nude_09

Tranh này cũng chịu chung số phận.

nguyen_kim_dinh__nude_10

Nhưng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế không đồng tình với khuyến cáo của Hội đồng, cơ quan được coi là có vai trò tư vấn mỹ thuật cho sở.

nguyen_kim_dinh__nude_11

Họa sỹ có uy tín bậc nhất trong Hội đồng Mỹ thuật xét tranh, ông Đặng Mậu Tựu nói với BBC nhiều bức tranh cũng 'bình thường' nhưng vẫn đồng ý cho triển lãm 12 bức.

nguyen_kim_dinh__nude_12

Sở đưa ra kết luận một số tranh của họa sỹ Nguyễn Kim Đính ''không đạt chất lượng nghệ thuật'' và ''không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam''.

nguyen_kim_dinh__nude_13

Họa sỹ Đính nói anh đã mất ba tháng để chuẩn bị cho triển lãm bao gồm việc thuê địa điểm, in giấy mời, chuẩn bị tiệc cocktail cho sự kiện bất thành ngày 10/4.

nguyen_kim_dinh__nude_14

Trước mắt họa sỹ tạm từ bỏ ý định trưng bày công khai tranh mặc dù anh nói sẽ vẫn tiếp tục vẽ.

nguyen_kim_dinh__nude_11

Họa sỹ có uy tín bậc nhất trong Hội đồng Mỹ thuật xét tranh, ông Đặng Mậu Tựu nói với BBC nhiều bức tranh cũng 'bình thường' nhưng vẫn đồng ý cho triển lãm 12 bức./

Tình cờ tìm thấy họa phẩm của Van Dyck

Cập nhật: 13:17 GMT - thứ bảy, 9 tháng 3, 2013 

buc_hoa_cua_van_dyck

Bức họa của Van Dyck tình cờ được tìm thấy trên mạng

Một tác phẩm từ thế kỷ thứ 17 của danh họa Van Dyck tình cờ được phát hiện trên mạng và định giá với mức ít nhất một triệu bảng Anh.

Bức chân dung trước đó chỉ được xem như một bản sao chép và được lưu trữ mà không trưng bày tại Bảo tàng Bowes ở County Durham.

Tác phẩm sau đó được chụp hình để gửi đi tham dự một dự án giới thiệu tất cả các bức sơn dầu của Anh trên trang BBC Your Painings, nơi tác phẩm lọt vào mắt của một nhà sử học về nghệ thuật.

Sau một cuộc giám định do chương trình Bấm văn hóa của kênh BBC Two, bức chân dung này đã được Tiến sĩ Christopher Brown, chuyên gia về Van Dyck, khẳng định là 'tranh gốc' bởi danh họa này.

Tiến sĩ Brown, giám đốc Bảo tàng Ashmolean ở Oxford, nói với chương trình The Culture Show rằng đây là "một phát hiện quan trọng".

"Tôi không nghĩ rằng có bất kỳ nghi ngờ gì về điều này. Đây chắc chắn là tuyệt tác của Van Dyck," chuyên gia nói và tin rằng đây là một tác phẩm trong giai đoạn cuối đời của danh họa khi ở Anh.

'Họa sỹ tuyệt nhất'

"Nếu xuất hiện tại cuộc bán đấu giá như một bản sao, và trong tình trạng bụi bẩn của nó, họa phẩm có lẽ sẽ chỉ được ước tính khoảng từ 3,000 tới 5,000 bảng"

Tiến sỹ Bendor Grosvenor

Anthony Van Dyck, một trong những họa sĩ chân dung tuyệt vời nhất của thế kỷ 17, sinh ra tại Antwerp và trở thành họa sĩ cung đình cho Vua Charles đệ nhất ở London vào năm 1632.

Bức chân dung mới phát hiện mô tả Olivia Boteler Porter, một công nương có liên hệ với Vua Charles I.

Bức vẽ, vốn không được cho là quan trọng và ở trong tình trạng xấu, bị bao phủ bởi lớp bụi bẩn cùng dầu bóng và không được trưng bày tại Bảo tàng Bowes.

Nhưng chân dung đã được chụp ảnh như là một phần của dự án thuộc Quỹ Catalogue Foundation nhằm thông tin về tất cả các bức sơn dầu đang thuộc quyền sở hữu công cộng và bổ sung vào trang mạng Your Paintings của BBC, nơi nó được nhà sử học kiêm thương gia nghệ thuật, Tiến sĩ Bendor Grosvenor, phát hiện.

Tiến sĩ Grosvenor cho rằng bức họa có thể được định giá ít nhất ở mức 1 triệu bảng Anh.

"Nếu xuất hiện tại cuộc bán đấu giá như một bản sao, và trong tình trạng bụi bẩn của nó, tác phẩm có lẽ sẽ chỉ được ước tính khoảng từ 3.000 tới 5.000 bảng," ông nói./

Tranh được trưng bày sau 60 năm 'bị cấm'

Cập nhật: 12:55 GMT - thứ bảy, 19 tháng 1, 2013

john_napper

Chân dung được John Napper họa từ năm 1952

Một bức chân dung gây tranh cãi về Nữ hoàng Anh, bức ‘The Queen’, từng không được giới thiệu tới công chúng trong 60 năm qua tại Anh, cuối cùng đã được trưng bày ở Liverpool.

Người ta cho rằng lí do là vì bức họa ‘trông không có gì giống’ Nữ hoàng trong thực tế, với tác phẩm được Napper John họa vào năm 1952 cho thấy ‘bà xuất hiện với một cái cổ dài bất thường.’

Napper tự mô tả tác phẩm như "bức họa tuyệt đẹp của một nữ hoàng, nhưng không phải là Nữ hoàng này".

Sau khi trải qua sáu thập niên 'cất giữ trong kho' tại một Hội đồng địa phương, bức chân dung đã được trưng bày trong đại sảnh St George ở Liverpool vào hôm thứ Sáu.

Phó Thị trưởng thành phố, ông Gary Millar, nói: "Chúng tôi rất tự hào rằng Liverpool có trong tay bức chân dung nguyên thủy từng được treo tại sảnh St George, nay lại được treo lên trở lại để kỷ niệm Nữ hoàng đăng quang.

"Đây là điều đầu tiên mà mọi người được thấy nếu họ đến kết hôn, hoặc đăng kí chung sống hay tham dự một buổi lễ nhập quốc tịch.

"Đây là một vinh dự đối với chúng tôi khi làm việc với bạn bè, các nhân viên ở sảnh này cũng như ở Hội đồng thành phố để được treo bức tranh đẹp này lên trở lại."

Họa sỹ Napper, người qua đời vào năm 2001, đã vẽ một bức chân dung thứ hai về ‘Nữ hoàng’, với một cái cổ nhỏ hơn, sau khi bản gốc đã bị một Hội đồng từ chối. Bức họa này vẫn còn được treo ở tòa thị chính Liverpool.

'Sẽ rất hài lòng'

"Nếu được treo cao, mọi người sẽ nhìn từ bên dưới. Từ góc độ đó, tranh sẽ trông bình thường. Nhưng khi treo lên, người ta đã không đặt nó lên đủ cao và do đó nó đã không giống như Nữ hoàng"

Vợ góa của họa sỹ John Napper

Vợ góa của nghệ sĩ, Pauline, nói với tờ Daily Telegraph: "Tôi vẫn nhớ rõ bức họa này. Ông đã thất vọng về góc ngồi mà ông đã thực hiện nó, ông chỉ có một người mẫu.

"Nếu được treo cao, mọi người sẽ nhìn từ bên dưới. Từ góc độ đó, tranh sẽ trông bình thường.

"Nhưng khi treo lên, người ta đã không đặt nó đủ cao và do đó nó đã không giống như Nữ hoàng."

Bà nói thêm: "Đó là một bức tranh đẹp, rõ ràng là ông ấy sẽ rất hài lòng vì nó đã được trưng bày.

“Tôi rất vui mừng, quả thực đó là một bức chân dung đẹp."

Tác phẩm được ra mắt công chúng chỉ một tuần sau khi bức chân dung chính thức đầu tiên của nữ công tước xứ Cambridge, Kate Middleton, gặp chỉ trích gay gắt của một số nhà phê bình.

Tác phẩm của Paul Emsley treo tại Bảo tàng Chân dung Quốc gia, National Portrait Gallery, đã bị chỉ trích là làm cho nữ công tước trông già hơn và thiếu sức sống./

Bán đấu giá chân dung Nữ hoàng Victoria

Cập nhật: 13:36 GMT - thứ bảy, 22 tháng 10, 2011

nu_hoang_victoria

Bức sơn dầu có thể được đấu giá với mức 30.000 bảng Anh.

Bức sơn dầu Nữ hoàng Anh Victoria và người đầy tớ John Brown, được vẽ bởi một trong những nghệ sĩ mà bà từng ưa thích, có thể có giá đến 30.000 bảng tại cuộc đấu giá ngày 01 tháng Mười Một.

Tác phẩm của Charles Burton Barber, một món quà từ Nữ hoàng tặng ông Brown, cho thấy chân dung của họ vào sinh nhật của ông Brown, người hầu của Nữ hoàng vào năm 1876.

Đây là một trong số 500 hiện vật hoàng gia từ Old Battersea House - tư dinh thuộc gia đình của Nhà xuất bản Forbes - vốn sẽ được đem bán đấu giá tại Lyon và Turnbull.

Biệt thự với phong cách đặc trưng London từ thế kỷ 17 này đã được gia đình Forbes phục chế vào năm 1970.

'Ngưỡng mộ'

Trong số các khách mời từng được tiếp đón tại tư dinh Forbes có Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và nữ diễn viên Mỹ nổi tiếng Elizabeth Taylor.

Bức họa của Barber là một trong nhiều hiện vật giá trị của Old Battersea House, trong đó có các bức thư, đồ nội thất và các tác phẩm nghệ thuật, có giá trị gộp chung từ 1,5 triệu tới 2 triệu bảng.

Khi Barber qua đời, Nữ hoàng được cho là đã gửi một vòng hoa với thông điệp: "Với sự ngưỡng mộ và kính viếng từ Victoria Đệ nhất."

Các hiện vật được trưng bày tại dinh thự hồi cuối tuần trước và sẽ được trưng bày tại Lyon cũng như Turnbull từ thứ Sáu ngày 28 tháng Mười cho đến buổi sáng ngày bán đấu giá.

Giám đốc Hội Mỹ thuật và cố vấn nghệ thuật của gia đình Forbes, Simon Edsor, cho biết nhiều hiện vật của Nữ hoàng từ lâu đã được tôn vinh giá trị của chúng bởi những nhà sưu tầm chuyên về triều đại Victoria.

Tạp chí Forbes được thành lập ở New York vào năm 1917 bởi nhà báo tài chính BC Forbes, người sinh trưởng ở Aberdeenshire, Anh Quốc./

Cập nhật: 13:39 GMT - thứ tư, 13 tháng 7, 2011

Sắp trưng bày tranh mới tìm thấy của Da Vinci

da_vinci

Bức tranh này đã có thời là tài sản của vua Charle đệ nhất

Một bức sơn dầu mới tìm thấy của danh họa Leonardo Da Vinci sẽ được đưa ra trưng bày tại Triển lãm Quốc gia Anh (National Gallery) vào tháng 11 này.

Bức Salvator Mundi, nghĩa là Vị cứu tinh thế giới, được vẽ khoảng năm 1500, mô tả đấng Christ cầm một quả cầu.

Tác phẩm này đã được biết đến từ lâu, nhưng bị cho là đã mất hoặc bị phá hủy.

Bức họa sẽ được trưng bày trong triển lãm ‘Leonardo Da Vinci: họa sĩ cung đình Milan’, từ ngày 9/11 tới tại London.

Tác phẩm mới được tìm thấy này đã có thời là tài sản của nhà vua Charles đệ nhất, được ghi lại trong danh mục sưu tập nghệ thuật của ông năm 1649 trước khi bị đem ra bán đấu giá cho con trai của Công tước Buckingham năm 1763.

Sau đó, bức tranh xuất hiện năm 1900, bị hư hại sau một số lần phục chế không rõ do ai làm.

Sau đó, nó được nhà sưu tập người Anh, Sir Frederick Cook, mua.

Hậu duệ của ông Cook sau đó bán bức họa tại cuộc bán đấu giá vào năm 1958 với giá 45 bảng.

Năm 2005, một tập đoàn buôn bán nghệ thuật của Mỹ mua lại bức tranh này.

Sau khi trải qua nhiều công đoạn bảo tồn vào năm ngoái, người ta xác định rằng đây đúng là tác phẩm của Leonardo Da Vinci.

Bức tranh giờ được ước đoán có trị giá khoảng 120 triệu bảng.

Lần cuối cùng người ta tìm thấy một tác phẩm của Leonardo Da Vinci là vào năm 1909, khi bức Benois Madonna được phát hiện.

Bức tranh đó hiện đang được trưng bày ở bảo tàng Hermitage tại St Petersburg./

Cập nhật: 13:12 GMT - thứ tư, 6 tháng 4, 2011

Câu hỏi về Mona Lisa có thể được giải đáp

image028

Bí ẩn về Mona Lisa vẫn làm các chuyên gia nghệ thuật lúng túng nhiều thế kỷ qua

Các nhà nghiên cứu sẽ tìm cách xác định người phụ nữ ngồi làm mẫu cho Leonardo da Vinci để vẽ bức Mona Lisa bằng việc đào hài cốt của một người Ý.

Sử gia chuyên về nghệ thuật Silvano Vinceti tin rằng bằng cách xác định hài cốt của bà Lisa Gherardini, ông có thể chứng minh bà có phải là người ngồi mẫu cho họa sĩ hay không.

Một giấy chứng tử mới phát hiện gần đây cho thấy bà qua đời năm 1542 và được chôn tại một tu viện ở Florence.

Việc khai quật sẽ bắt đầu tại Saint Orsola vào cuối tháng này.

Những bí ẩn đằng sau Mona Lisa và nụ cười bí ẩn của bà đã khiến các chuyên gia nghệ thuật phải bối lối suốt 500 năm qua.

"Chúng ta có thể chấm dứt cuộc tranh cãi từ cả thế kỷ qua và cũng có thể hiểu mối quan hệ của Leonardo với các người mẫu của ông," ông Vinceti nói với hãng tin Associated Press.

"Đối với ông, vẽ cũng có nghĩa là thể hiện bằng vật chất các đặc tính nội tâm trong tính cách của họ."

Sử dụng kỹ thuật khoa học, ông Vinceti nói ông hy vọng có thể trích ADN từ hộp sọ của bà Gherardini - vợ của một thương gia tơ lụa giàu có - và dựng lại khuôn mặt của bà.

Nhóm nghiên cứu do ông Vinceti dẫn đầu đã từng tái tạo khuôn mặt của một số nghệ sĩ trên cơ sở hộp sọ của họ.

Hồi tháng Sáu năm ngoái, nhóm này cho biết họ đã xác định được xương của họa sĩ Ý thời Phục hưng Caravaggio và phát hiện ra một nguyên nhân có thể đã dẫn tới cái chết bí ẩn của ông.

Tuy nhiên, còn một số ngờ vực liệu phân tích xương từ hàng thế kỷ trước liệu có thể được coi là một kết luận chắc chắn hay không.

Ông Vinceti đã nghiên cứu tác phẩm nghệ thuật này trong nhiều tháng. Ông tuyên bố đã tìm thấy các biểu tượng ẩn trong bức tranh, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Louvre ở Paris.

Ông tin rằng Gherardini có thể là người mẫu đầu tiên cho bức tranh này, nhưng da Vinci có thể đã bị ảnh hưởng bởi khuôn mặt của người học việc nam và cũng là người tình của ông./

Cập nhật: 15:25 GMT - thứ hai, 9 tháng 5, 2011

Anh sắp mở triển lãm tranh Leonardo da Vinci

leonardo_da_vinci

Triển lãm Quốc gia Anh (National Gallery) mới đưa ra chi tiết về cuộc triển lãm các tác phẩm của danh họa Leonardo da Vinci sắp tới, dự kiến sẽ là một trong các sự kiện nghệ thuật trọng đại nhất năm nay. Bức Đức Mẹ Đồng Trinh trong Hang đá (The Virgin of the Rocks) - do triển lãm mua năm 1880 và gần đây được phục chế - sẽ là một trong nhiều tác phẩm được trưng bày.

the_lady_with_an_ermine

Triển lãm sẽ trưng bày hơn 60 tác phẩm của danh họa, trong đó có bức Quý bà và con chồn (The Lady with an Ermine), là chân dung của Cecilia Gallerani, người tình của nhà bảo trợ cho da Vinci là Ludovico Maria Sforza.

la_belle_ferronniere

Bức Chân dung một Quý bà (La Belle Ferronniere) có thể vẽ phu nhân hoặc một trong những người tình của nhà quý tộc Ludovico il Moro. Bức họa này là do bảo tàng Louvre tại Paris cho mượn.

thanh_jerome

Triển lãm sẽ trưng bày nhiều tác phẩm được các bảo tàng quốc tế cho mượn. Bức họa Thánh Jerome này, được cho là vẽ trong thời gian 1488-90, là do triển lãm nghệ thuật Pinacoteca tại Vatican cho mượn.

duc_me_dong_trinh_va_em_be

Bức Đức Mẹ Đồng Trinh và Em bé (Madonna Litta) được bảo tàng tại St Petersburg, Nga, cho mượn. Các tác phẩm có liên hệ đến bức họa nổi tiếng này cũng được trưng bày.

chan_dung_mot_nhac_si

Chân dung một Nhạc sĩ được biết là bức chân dung duy nhất mà da Vinci vẽ đàn ông. Leonardo, bản thân cũng là một nhạc sĩ, cũng cộng tác với các nghệ sĩ biểu diễn khác, thiết kế các nhạc cụ và bối cảnh cho các buổi biểu diễn trong cung đình.

madonna_dei_fusi

Bức Đức Mẹ Đồng Trinh (Madonna dei Fusi) bị đánh cắp năm 2003 nhưng tìm thấy lại vào năm 2007. Chủ của bức tranh, là Công tước Buccleuch, vẫn không ngần ngại cho Bảo tàng Quốc gia mượn.

bua_toi_cuoi_cung

Các tác phẩm của một số cộng sự thân cận của da Vinci - trong số đó có bức gần như copy bức họa “Bữa tối cuối cùng” của học trò ông là Giampietrino - cũng sẽ được trưng bày. Triển lãm sẽ được mở cửa từ 9/11/2011 đến 5/2/2012.

the_lady_with_an_ermine

Triển lãm sẽ trưng bày hơn 60 tác phẩm của danh họa, trong đó có bức Quý bà và con chồn (The Lady with an Ermine), là chân dung của Cecilia Gallerani, người tình của nhà bảo trợ cho da Vinci là Ludovico Maria Sforza.

28 Tháng Chín 2020(Xem: 5321)