Mỹ-Trung lại 'ra đòn' thuế quan

23 Tháng Tám 20189:04 CH(Xem: 6470)

VĂN HÓA ONLINE - THỜI SỰ B - THỨ SÁU 24 AUG 2018




TP - Mỹ và Trung Quốc tiếp tục dùng vũ khí thuế quan tấn công nhau vào hôm qua, khi cùng áp mức thuế 25% đối với 16 tỷ USD hàng hóa của mỗi bên, trong khi các quan chức thương mại ngồi vào bàn đàm phán ở Washington.

image014

Do nhiều yếu tố trong đó có tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, hãng American Airlines đã phải đóng cửa hai tuyến bay thẳng qua Trung Quốc. Ảnh: China Daily.


Tính từ đầu tháng 7 tới nay, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã liên tục ăn miếng trả miếng bằng “đòn” thuế quan với số hàng hóa trị giá 100 tỷ USD, tạo thêm nguy cơ đối với tăng trưởng kinh tế thế giới.


Bộ Thương mại Trung Quốc nói sẽ nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Reuters trích một thông cáo của cơ quan này cho hay.


Tổng thống Donald Trump trước đó đe dọa áp thuế đối với hầu hết trong số hơn 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ mỗi năm, trừ khi Bắc Kinh đồng ý thay đổi nhiều thứ, bao gồm các hành vi liên quan đến sở hữu trí tuệ, các chương trình trợ giá công nghiệp, cơ cấu thuế, và phải nhập hàng Mỹ nhiều hơn.


Những đòi hỏi đó lớn hơn nhiều so với yêu cầu đơn giản chỉ là nhập khẩu hàng hóa và điều này khiến nhiều người lo ngại rằng Bắc Kinh có thể cân nhắc dùng tới các biện pháp trả đũa khác, ví dụ ngăn chặn các công ty Mỹ làm ăn tại Trung Quốc hoặc làm suy yếu đồng Nhân dân tệ để kích thích các nhà xuất khẩu trong nước.


Ngay trong nội bộ chính quyền Mỹ cũng chia rẽ về vấn đề cứng rắn với Bắc Kinh đến độ nào là đủ, nhưng Nhà Trắng có vẻ tin rằng họ đang thắng trong cuộc chiến thương mại khi nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển chậm lại, thị trường chứng khoán chao đảo.


“Họ sẽ không dễ dàng đầu hàng. Theo lẽ thường họ sẽ trả đũa từng chút một”, bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói trên kênh CNBC hôm thứ Tư. “Nhưng đến cuối ngày, chúng ta có nhiều đạn hơn họ. Họ biết điều đó. Nền kinh tế của chúng ta mạnh hơn rất nhiều so với họ, và họ cũng biết điều đó”, ông Ross nói.


Các nhà kinh tế tính toán rằng cứ 100 tỷ USD hàng hóa bị đánh thuế, quy mô thương mại toàn cầu lại giảm đi 0,5%. Kinh tế Trung Quốc cũng bị cho là giảm tăng trưởng trong năm 2018 ở mức 0,1-0,3 điểm phần trăm, ít hơn so với Mỹ, nhưng tác động đối với kinh tế Trung Quốc sẽ lớn hơn vào năm tới, khi các nước nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Bắc Kinh cũng chịu hậu quả.


Đợt áp thuế này diễn ra trong lúc các quan chức đôi bên đang trải qua cuộc đàm phán kéo dài hai ngày. Đây là cuộc đàm phán thương mại chính thức đầu tiên kể từ cuộc gặp giữa bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross với phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Bắc Kinh hồi tháng 6.


Tuy nhiên, ngay từ đầu tuần này, ông Trump, nói với phóng viên Reuters rằng ông không “trông đợi nhiều” từ cuộc đàm phán giữa thứ trưởng Tài chính Mỹ David Malpass và thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn.


Một số nguồn tin nói sự cứng rắn của ông Trump đã làm xuất hiện một số chỉ trích nhằm vào các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, xung quanh chuyện xử lý tranh chấp thương mại.


Về nội dung cuộc đàm phán đang diễn ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng không cho biết chi tiết.


Một bài bình luận trên hãng tin Tân Hoa Xã nói Trung Quốc mang thiện chí đến với cuộc đàm phán, nhưng Washington vẫn mơ hồ về việc họ muốn gì.


Đợt đánh thuế mới nhất của Mỹ nhắm tới 279 danh mục hàng hóa bao gồm thiết bị bán dẫn, đồ nhựa, hóa chất và thiết bị đường sắt. Trung Quốc đưa ra danh sách 333 loại hàng hóa Mỹ bị áp thuế, trong đó có than đá, vụn đồng, nhiên liệu, sản phẩm thép, xe buýt và thiết bị y tế.


Theo Nhật báo Trung Quốc, hai đường bay thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ ngừng khai thác, bắt đầu từ tháng 10, do giá nhiên liệu tăng, cạnh tranh khốc liệt trong khi nhu cầu đi lại giảm do tranh chấp thương mại giữa hai nước. Hôm thứ Ba vừa rồi, hãng American Airlines nói họ sẽ ngừng khai thác đường bay giữa Chicago và Thượng Hải, sau khi bỏ tuyến bay thẳng giữa Chicago và Bắc Kinh.


Hãng hàng không lớn nhất nhì Mỹ này tuyên bố họ  sẽ cân nhắc mở lại các tuyến bay này khi “các điều kiện tốt lên”. Mặc dù bỏ 2 tuyến bay thẳng qua Trung Quốc nhưng American Airlines lại mở thêm 9 tuyến bay mới, hầu hết là bay thẳng, từ Mỹ tới châu Âu./ Anh Minh