Chân dung 7 lãnh đạo quyền lực nhất của ĐCS Trung Quốc

26 Tháng Mười 201711:49 CH(Xem: 8423)

VĂN HÓA ONLINE - THỜI SỰ  - THỨ  SÁU  27  OCT  2017


Chân dung 7 lãnh đạo quyền lực nhất của ĐCS Trung Quốc


25/10/2017


Bảy nhân vật Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa 19 vừa được công bố sẽ là những lãnh đạo quan trọng nhất của nước này trong 5 năm tới.


Ngày 25/10, sau một tuần đại hội, đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố nhân sự Bộ Chính trị khóa 19 và đặc biệt là Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan nắm quyền lãnh đạo cao nhất nước này.


image067

Ông Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters


Ngoài Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, 5 gương mặt còn lại đều là những người lần đầu tiên có mặt trong Thường vụ Bộ Chính trị: Chánh văn phòng TW đảng Lật Chiến Thư, Phó thủ tướng Uông Dương, Chủ tịch Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Vương Hỗ Ninh, Trưởng ban Tổ chức TW Triệu Lạc Tế và Bí thư Thành ủy Thượng Hải Hàn Chính.


Đại hội đảng khóa 19 đánh dấu nhiệm kỳ lãnh đạo thứ 2 của ông Tập Cận Bình. Ông Tập trở thành tổng bí thư và chủ tịch quân ủy trung ương kể từ năm 2012, giữ chức chủ tịch nước từ 2013. Trong đại hội lần này, các đại biểu đã chính thức bỏ phiếu thông qua việc đưa "Tư tưởng Tập Cận Bình" vào điều lệ đảng.


Học thuyết mới được gọi là "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới". Học thuyết này được ông Tập nêu ra trong báo cáo chính trị đọc tại khai mạc đại hội đảng cách đây gần một tuần.


image068

Cơ cấu Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khóa mới. Đồ họa: Hiền Đức


Ông Tập trở thành ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị từ năm 2007 lúc đang giữ chức bí thư Thành ủy Thượng Hải, sau Đại hội đảng khóa 17. Trước đó, ông giữ vị trí lãnh đạo tại tỉnh Chiết Giang. Chủ tịch Tập là con trai của cựu phó thủ tướng Tập Trọng Huân.


image069

Ông Lý Khắc Cường. Ảnh: Reuters


Ngoài ông Tập, một người khác có mặt ở Thường vụ khóa trước là Thủ tướng quốc vụ viện Lý Khắc Cường. Ông Lý giữ chức thủ tướng Quốc vụ viện từ năm 2013.


Tương tự ông Tập, ông Lý trở thành ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị từ năm 2007. Sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu từ đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, ông từng lãnh đạo tỉnh Hà Nam và Liêu Ninh.


Nhân vật thứ 3 trong Thường vụ mới là Chánh văn phòng TW đảng Lật Chiến Thư. Ông Lật đồng thời là Chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia, cơ quan an ninh quan trọng do ông Tập thành lập và trực tiếp điều hành. Người ta cũng thường xuyên thấy ông tháp tùng chủ tịch Trung Quốc trong các chuyến công du nước ngoài.


Ông Lật từng tháp tùng Chủ tịch Tập trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 11/2015.


image070

Trong ảnh, Phó thủ tướng Uông Dương dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc dự Đối thoại Kinh tế Mỹ - Trung 2017 tại Washington D.C. Ảnh: AFP


Phó thủ tướng Uông Dương từng lãnh đạo tại thành phố Trùng Khánh, 1 trong 4 thành phố trực thuộc trung ương, có nhiều kinh nghiệm quản lý. Ông thường được ca ngợi là nhà cải cách kinh tế hàng đầu của Trung Quốc và có công lớn cho sự thành công của tỉnh Quảng Đông.


"Ông ấy đương nhiên có thành tích tốt, không ai nghi ngờ việc đó. Và tôi cho rằng ông ấy có đúng những kỹ năng và kiến thức cần thiết, đặc biệt khi chúng ta nói về việc nâng tầm nền kinh tế Trung Quốc", South China Morning Post dẫn lời Matthias Stepan, một chuyên gia về chính sách Trung Quốc ở Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Đức).


image071

Ông Vương Hỗ Ninh. Ảnh: Reuters


Vương Hỗ Ninh, Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu Chính sách TW, xuất thân là một học giả về chính trị quốc tế. Ông từng là trưởng khoa luật của Đại học Phục Đán (Thượng Hải) với các công trình học thuật được đánh giá cao.


Ông Vương chính là người đứng đằng sau các học thuyết của cả  3 đời tổng bí thư: Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và giờ là Tập Cận Bình.


Kể từ năm 2007 đến nay, ông là gương mặt quen thuộc thường xuyên tháp tùng lãnh đạo Trung Quốc trong các chuyến công du nước ngoài.


image072

Ông Triệu Lạc Tế. Ảnh: Reuters


Ông Triệu Lạc Tế là Trưởng ban Tổ chức TW. Năm 2000, ông nắm quyền quản lý tỉnh Thanh Hải và trở thành lãnh đạo tỉnh trẻ nhất Trung Quốc. Khi trở thành bí thư tỉnh ủy, ông cũng là bí thư tỉnh ủy trẻ nhất nước. Ông trở thành ủy viên Bộ Chính trị từ khóa 18. 


Ông Triệu vừa được chuyển sang ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương, nơi ông Vương Kỳ Sơn từng lãnh đạo chiến dịch "đả hổ - diệt ruồi - săn cáo" suốt 5 năm qua. Ông Vương đã rời Thường vụ Bộ Chính trị trong nhiệm kỳ này. 


Ông Hàn Chính, 63 tuổi, Bí thư Thượng Hải, là nhân vật bước ra cuối cùng khi Thường vụ mới ra mắt.


Ông Hàn từng giữ chức Thị trưởng Thượng Hải vào năm 2003. Khi đó ông 48 tuổi và là thị trưởng trẻ tuổi nhất của Thượng Hải trong 50 năm. Ông bước vào Bộ Chính trị từ năm 2012, sau đại hội khóa 18.


Tại Trung Quốc, quyền lực tối cao nằm ở Thường vụ Bộ Chính trị, nơi tập trung những lãnh đạo ảnh hưởng nhất. Hoạt động của Ban thường vụ cho đến nay vẫn là một bí mật.


image073

Ông Hàn Chính. Ảnh: Reuters


Trong khi Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc thường họp mỗi tháng một lần thì Thường vụ Bộ Chính trị thường họp hàng tuần để quyết định các vấn đề quan trọng.


Để trở thành thành viên Ban thường vụ, một người thường phải có nhiệm kỳ Bộ Chính trị khoá trước đó. Ngoại lệ hiếm hoi trực tiếp bước vào Thường vụ mà không kinh qua nhiệm kỳ Bộ Chính trị nào là ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường vào năm 2007 tại ĐH Đảng lần thứ 17.


Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc là nơi chứng kiến những cuộc họp quan trọng nhất của các lãnh đạo nước này trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

15 Tháng Giêng 2017(Xem: 7581)
15 Tháng Mười Một 2016(Xem: 7512)