Chuyện gì đang xảy ra tại Đan viện Thiên An - Huế?

07 Tháng Bảy 201712:06 SA(Xem: 8408)

VĂN HÓA ONLINE - THỜI SỰ  - THỨ  SÁU 07 JULY  2017


Chuyện gì đang xảy ra tại Đan viện Thiên An?


BBC 5/7/ 2017


image018Bản quyền hình ảnh GNsP Image caption Chính quyền huy động các lực lượng làm "đường dân sinh" tại khu vực Đan viện Thiên An nhận sở hữu


Báo địa phương nói Đan viện Thiên An ở Huế "xây dựng các công trình không phép một cách hệ thống" trong lúc cơ sở tôn giáo này kêu gọi chính quyền tỉnh "chấm dứt ngay các hành động chiếm đoạt tài sản Giáo hội".


Đan viện Thiên An tọa lạc tại rừng thông Thiên An, xã Thủy Bằng, Thừa Thiên Huế.


Thông cáo do Đan viện này phát đi vào cuối tháng 6/2017 cáo buộc chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế "huy động công an, thuê côn đồ phá hủy thánh giá, đánh đập, thóa mạ các đan sĩ".


"Sự vụ ngày 28/6 là lần thứ ba trong thời gian ngắn, các kế hoạch phá hoại Đan viện Thiên An và thánh tượng được chuẩn bị bài bản, kết hợp giữa an ninh, công an và côn đồ nhằm phá hủy bằng chứng đức tin của người Công giáo tại Đan viện," thông cáo viết.


"Đan viện khẳng định quyền sở hữu và quyền sử dụng hợp pháp đối với toàn bộ nhà, đất, rừng thông trên đồi Thiên An lẫn hồ Thủy Tiên và kiên quyết bảo vệ công lý, mong muốn tìm kiếm lẽ công bằng một cách ôn hòa và thiện chí."


"Đan viện kêu gọi các tổ chức, cá nhân lên tiếng buộc chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế chấm dứt ngay việc chiếm đoạt tài sản Giáo hội và phá hủy biểu tượng thiêng nhất của Kitô giáo."


image019

Bản quyền hình ảnh Thien An monastery Image caption Các đan sĩ Đan viện Thiên An trong một hoạt động kêu gọi bảo vệ môi trường


'Thiếu hợp tác'


Hôm 5/7, BBC liên hệ Đan viện nhưng không nhận được phản hồi do các đan sĩ đang trong giai đoạn tĩnh tâm.


Cùng ngày, ông Bùi Thanh Hà, Phó Ban Tôn giáo Chính phủ nói với BBC: "Đây là việc của địa phương, không phải thẩm quyền của chúng tôi để trả lời."


Ông Lê Văn Thìn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thủy Bằng được báo Thừa Thiên Huế hôm 5/7 dẫn lời: "Hơn 50 lần chính quyền địa phương và ngành chức năng lập biên bản về những sai phạm của Đan viện Thiên An, nhưng đại diện cơ sở tôn giáo không ký vào biên bản, còn tỏ thái độ thiếu hợp tác".


Báo này cũng cho hay, Đan viện Thiên An "liên tục tiến hành xây dựng nhiều công trình trên phần đất thuộc sự quản lý của Nhà nước, xây dựng công trình tôn giáo chưa được cấp phép; không có giấy phép xây dựng, sai mục đích sử dụng đất."


"Việc này không chỉ vi phạm pháp luật về đất đai, mà còn vi phạm về xây dựng; gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương./


Cưỡng chế đất, cơ sở tôn giáo và hệ lụy


Hòa Ái - RFA
2017-06-30


image020

An ninh và côn đồ đến đập phá thánh giá tại Đan viện Thiên An.


Vụ việc Đan viện Thiên An trong thời gian qua liên tục bị lực lượng chức năng địa phương theo dõi, sách nhiễu thậm chí ra tay hành hung những tu sĩ tại đó do xung đột đất đai giữa tu viện Công giáo này với chính quyền Thừa Thiên-Huế.


Đây có phải chỉ là một vụ việc đơn lẻ? Và nếu tình trạng phổ biến sẽ dẫn đến hệ lụy gì?


Cơ sở tôn giáo bị trưng thu


49 héc-ta đất rừng thông thuộc sở hữu của Đan viện Thiên An, được Ty Điền địa Thừa Thiên-Huế chứng nhận từ năm 1959, bị chính quyền Thừa Thiên-Huế trưng thu hồi năm 1998 để xây khu du lịch mà không bồi hoàn một đồng nào cho Đan viện Thiên An.


Quá trình khiếu nại, kiện tụng từ địa phương đến trung ương trong suốt thời gian dài của các vị tu sĩ ở Đan viện Thiên An về 49 héc-ta đất rừng thông vừa nêu không được giải quyết.


Nếu gọi là một di tích lịch sử hay di tích về văn hóa thì phải được tôn trọng. Không phải chính quyền tôn trọng mà tất cả người dân cũng phải tôn trọng.
- TS. Sử học Nguyễn Nhã


Không những vậy, hồi đầu tháng 5 năm 2017, các vị tu sĩ còn bị chính quyền và những cơ quan truyền thông bôi nhọ với cáo buộc “có những phần tử xấu trong Đan viện Thiên An tàn phá rừng thông đặc dụng trên 60 năm tuổi”. Đơn thư yêu cầu giải quyết thông tin không đúng sự thật của Đan viện Thiên An được chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế hứa sẽ làm việc trong tháng 8 tới đây.


Tuy nhiên, trong hai ngày liên tiếp 28-29/6 vừa qua, một lực lượng đông đảo khoảng 100 công an, an ninh và côn đồ đến đập phá thánh giá cũng như hành hung các tu sĩ. Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi, người phát ngôn của Đan viện Thiên An cho RFA biết vụ việc xảy ra là do Đan viện quyết tâm bảo vệ 107 héc-ta tổng thể đất đai còn lại của Đan viện trước những dấu hiệu cho thấy chính quyền địa phương rắp tâm chiếm đoạt và bán cho các công ty Đài Loan.


Không chỉ Đan viện Thiên An mà nhiều cơ sở tôn giáo khác nhau từ Bắc vô Nam đều buộc phải ký vào các văn bản hiến tặng hoặc cho mượn đất đai và tài sản vật chất bởi sức ép của chính quyền Cộng sản sau năm 1975. Chúng tôi có thể trưng dẫn trường hợp điển hình như khu đất Tòa Khâm sứ cũ bị trưng dụng để xây dựng công viên hồi năm 2008, Nhà dòng nữ tu ở Vĩnh Long, thuộc Dòng thánh Phao Lồ bị tịch thu hơn 30 năm và đến năm 2008 nhà dòng bị mua bán để làm khu du lịch.


Hay hai trường hợp mới nhất có thể kể đến gồm Chùa Liên Trì, ở quận 2, Sài Gòn bị cưỡng chế san bằng hồi đầu tháng 9 năm nay và tu viện Dòng Mến Thánh giá, giáo xứ Thủ Thiêm, được thành lập trên 177 năm, đứng trước nguy cơ bị giải tỏa và di dời do đề án xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm.


Đài Á Châu Tự Do ghi nhận mặc dù Chính phủ Việt Nam chủ trương hạn chế trưng dụng đất đai của các cơ sở tôn giáo, trong đó có Công giáo. Và đối với những cơ sở Công giáo đã hiến tặng cho chính quyền với mục đích được sử dụng vào từ thiện hay công ích xã hội mà nhận thấy việc sử dụng không còn theo như yêu cầu ban đầu thì các cơ sở này có nhu cầu cần dùng sẽ được chính quyền có thể xem xét trả lại. Thế nhưng, hầu hết các trường hợp xin xét duyệt được trả lại của các cơ sở tôn giáo đều không được chấp thuận.


image021

Một Đan sĩ Đan viện Thiên An bất tỉnh sau khi bị côn đồ tấn công. Tin Mừng Cho Người Nghèo


Trả lời câu hỏi của RFA về khía cạnh lịch sử, văn hóa thì những di tích tôn giáo như nhà thờ, chùa chiền, đền miếu nên được bảo tồn và gìn giữ hay không, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã cho biết quan điểm của ông:


“Về nguyên tắc thì tất cả những gì liên quan đến di tích lịch sử văn hóa là không nên đụng tới. Bởi vì nếu đụng tới thì có hệ lụy không hay. Theo tôi, nếu gọi là một di tích lịch sử hay di tích về văn hóa thì phải được tôn trọng. Không phải chính quyền tôn trọng mà tất cả người dân cũng phải tôn trọng. Một quốc gia biết tôn trọng văn hóa lịch sử của mình thì tự nhiên đất nước đó sẽ phát triển. Bởi vì nếu tự hào với lịch sử văn hóa của mình thì mình sẽ có động lực để làm cho đất nước mình phát triển. Còn không biết khai thác và sử dụng thì theo tôi cuối cùng sẽ không hay.”


Hậu quả ra sao?


Mặc dù việc trưng dụng đất đai và tài sản tôn giáo tại Việt Nam trong suốt hơn 4 thập niên qua được chính quyền giải thích phục vụ cho nhu cầu xây dựng và phát triển quốc gia, nhưng hiệu quả từ việc làm này cho đến nay vẫn chưa có một thống kê chính thức nào được công bố. Ngược lại, một trong những hậu quả nghiêm trọng như Tiến sĩ Nguyễn Nhã đề cập đến “hệ lụy không hay” là sự xung đột giữa chính quyền với tôn giáo trong vấn đề tranh chấp đất đai. Nhà quan sát tình hình Việt Nam, Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng nhận định:


Việc đụng tới một cơ sở đất đai tôn giáo như Đan viện Thiên An thì rõ ràng có thể nói là một tình huống mà chính quyền đã hành xử cực kỳ thiếu ngôn ngoan.
- TS. Kinh tế Phạm Chí Dũng


“Qua việc đụng tới đất đai của tôn giáo, đặc biệt đụng tới đất đai của các cơ sở Công giáo thì điều đó không phải là chỉ ảnh hưởng đến niềm tin hay lòng tin của giáo dân đối với Chính phủ, chế độ hay đảng cầm quyền mà còn khuấy động cả một cuộc xung đột giữa Công giáo và Cộng sản mà đã từng xảy ra trong quá khứ. Đây mới là nguy cơ rất ghê gớm. Cho nên việc đụng tới một cơ sở đất đai tôn giáo như Đan viện Thiên An thì rõ ràng có thể nói là một tình huống mà chính quyền đã hành xử cực kỳ thiếu ngôn ngoan.”


Chúng tôi cũng tìm hiểu về ích lợi kinh tế, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đưa ra một ví dụ, diện tích đất 600 m2 của Chùa Liên Trì, vừa bị cưỡng chế, theo giá thị trường hiện tại có thể thu về 60 tỷ đồng. Theo suy luận của một nhà kinh tế, ông Phạm Chí Dũng cho rằng số tiền này là không lớn đối với chính quyền và hiệu quả kinh tế mang lại cho quốc gia từ diện tích đất đai của Chùa Liên Trì trong tương lai như thế nào thì chưa ai biết. Nhưng rõ ràng, thực tế cho thấy chính quyền quận 2 cưỡng chế đất đai Chùa Liên Trì sai luật theo Luật Đất đai 2013 cũng như vi phạm Luật Tố tụng Hành chính 2010.


Qua tìm hiểu và tiếp xúc với một số cơ sở tôn giáo ở Việt Nam bị trưng thu đất đai, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận sự phân hóa ngày càng lớn giữa chính quyền với tôn giáo trong tranh chấp đất đai đến mức các tổ chức nhân quyền thế giới lên tiếng cáo buộc Hà Nội không quan tâm gì về tâm linh, tín ngưỡng của người dân, thậm chí đàn áp tôn giáo qua việc cưỡng chế đất đai thờ tự và tu tập./


++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Chùa Liên Trì trước tin bị cưỡng chế


27 Tháng Sáu 201612:26 SA(Xem: 1089)


"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  HAI 27  JUNE 2016


Chùa Liên Trì trước tin bị cưỡng chế


image022

Image copyright Fb Pham Le Vuong Cac Image caption Chùa Liên Trì nằm tại phường An Khánh, quận 2


Hàng chục nhà hoạt động và Phật tử đã đến chùa Liên Trì ở TP Hồ Chí Minh sau khi có tin 'nơi này bị chính quyền cưỡng chế' hôm 23/6.


Tuy nhiên cho tới giờ phút này, việc cưỡng chế giải tỏa dường như chưa được thực hiện.


Hội đồng Liên Tôn Việt Nam từ nhiều tổ chức tôn giáo ra thông cáo vào thứ Năm 23/6 đánh giá rằng "do áp lực của công luận của quốc tế", nhà chức trách đã "tạm thời chưa thực hiện chờ cơ hội thuận tiện".


Chùa Liên Trì tọa lạc tại phường An Khánh, quận 2, là một trong các cơ sở còn sót lại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ trước 1975, giáo hội không được chính phủ thừa nhận.


Hòa thượng Thích Không Tánh, trụ trì chùa Liên Trì, được cho là nhân vật bất đồng chính kiến. Năm 1995, ông cùng Hòa thượng Thích Quảng Độ bị Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh tuyên phạt mỗi người 5 năm tù về tội phá hoại chính sách đoàn kết và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước.


Trước đó Hội đồng Liên Tôn đã phát đi thông báo khẩn về việc chùa Liên Trì có khả năng bị cưỡng chế giải tỏa ngày 23/6.


“Việc giải tỏa Chùa Liên Trì của nhà cầm quyền đã có dự tính từ lâu nhằm triệt hạ những cơ sở tôn giáo độc lập không chịu nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền”, thông báo viết.


‘Làm từ thiện ngoài luồng’


Hôm 22/6, trả lời BBC qua điện thoại, Hòa thượng Thích Không Tánh nói: “Ngay lúc tôi đang nói chuyện điện thoại thì ngoài cổng chùa đang có 3, 4 công an canh gác. Từ mấy năm nay, chính quyền tìm mọi cách cô lập và ngăn cản Phật tử đến chùa và họ nói đây là chùa ‘phản động’.


“Có thể một trong những lý do khiến chính quyền tìm mọi cách cưỡng chế, giải tỏa chùa là vì lâu nay vẫn diễn ra các hoạt động ‘ngoài luồng’ như phát quà cho thương phế binh của chế độ cũ, trợ giúp dân oan mất đất hay họp mặt các cựu tù chính trị hoặc các hội đoàn xã hội dân sự”.


image023

Image copyright FB Nguyen Thien Nhan Image caption Các nhà hoạt động, Phật tử tại chùa Liên Trì hôm 23/6


“Phía công an nói là không thích những việc này và nhiều lần đề nghị nhà chùa không tiếp tục làm. Tuy vậy, chúng tôi thấy đây là những việc nhân đạo, ích lợi cho xã hội nên không thể không ủng hộ”.


“Trong các cuộc họp trước, chính quyền đã đề nghị bồi thường đến 6 tỷ đồng để di dời chùa đến một mảnh đất hẻo lánh giáp ranh tỉnh Đồng Nai”.


“Nhưng nhà chùa có phản hồi là bồi thường 100 tỷ cũng không chuyển đi, vì chúng tôi muốn duy trì một cơ sở tôn giáo đã tồn tại trên 70 năm ở mảnh đất và tiếp tục phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân trong khu vực”.


Hôm 23/6, BBC liên hệ Ban Quản lý Khu Thủ Thiêm để hỏi thêm thông tin nhưng người trực tổng đài báo “lãnh đạo đang họp với bên Thành ủy”.


Trong khi đó, điện thoại của Ban Bồi thường Giải phóng Mặt bằng quận 2 thường xuyên trong tình trạng bận máy.


Hôm 22/6, BBC gọi cho ông Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 2 nhưng ông nói ngắn gọn: “Tôi không trả lời vấn đề này” rồi cúp máy.


Ngoài Chùa Liên Trì còn có hai cơ sở của Công giáo là Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Mến Thánh giá cũng nằm trong diện bị giải tỏa ở khu vực này./ (BBC 23 tháng 6 2016)


++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


‘Ngưng phá’ cơ sở của Hội Dòng Mến Thánh Giá


04 Tháng Giêng 20165:23 CH(Xem: 3921)


"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ HAI 04 JAN 2016


 ‘Ngưng phá’ cơ sở tôn giáo ở Thủ Thiêm


image024

Image copyright FacebookTinMungChoNguoiNgheo Image caption Các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm căng băng rôn và cầu nguyện


Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm nói Ủy ban Nhân dân Quận 2, TP Hồ Chí Minh vừa ‘tạm ngưng tháo dỡ’ trường học của nhà dòng.


Được biết kể từ hôm 22/10, các lực lượng của Quận 2 tiến hành đập phá một cơ sở giáo dục vốn được các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm xây dựng từ thời thập niên 1960.


Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy chính quyền huy động lực lượng an ninh, dân quân tự phát, chở dù bạt, ghế đá ra án ngữ lối đi nhằm ngăn cản giáo dân đến cầu nguyện cùng các nữ tu.


Hôm 24/10, soeur Đặng Thị Mỹ Hạnh cho BBC Tiếng Việt biết sau cuộc họp giữa đại diện nhà dòng và Ủy ban Nhân dân Quận 2 vào sáng cùng ngày, chính quyền ‘tạm ngưng tháo dỡ’ và các nữ tu trở vào tu viện.


“Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm tiếp tục làm đơn gửi thành phố yêu cầu bồi thường thỏa đáng vụ này,” soeur Hạnh nói.


‘Biến chuyển tích cực’


Linh mục Đinh Hữu Thoại, Phòng Công lý-Hòa bình Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, cho biết thêm: “Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã làm đơn yêu cầu chính quyền trở lại cơ sở bị sử dụng trái mục đích từ bốn năm nay nhưng không có kết quả."


"Trong việc đấu tranh đòi lại quyền sở hữu cơ sở của nhà dòng, các nữ tu chỉ biết cầu nguyện, làm đơn cầu cứu và kêu gọi mọi người chia sẻ thông tin rộng rãi.”


Linh mục Thoại nhấn mạnh rằng chừng nào chính quyền chưa thay đổi Luật Đất đai và Luật Tôn giáo thì những vụ việc tương tự khó được xử lý ổn thỏa.


Ông cũng nhận định rằng từ vụ đòi đất ở giáo xứ Thái Hà, Hà Nội năm 2011 đến nay, các vụ đòi lại cơ sở tôn giáo tại Việt Nam đã có biến chuyển tích cực là tin tức lan nhanh hơn trên mạng xã hội và nhận được quan tâm từ các tổ chức nhân quyền quốc tế.


Hôm 24/10, Linh mục Thoại đã cùng các chức sắc tôn giáo khác trong Hội đồng Liên tôn Việt Nam cùng ký tên vào Thư ‘Hiệp thông với Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm’ gửi đến các cộng đồng tôn giáo tại Việt Nam và các cơ quan nhân quyền quốc tế.


Cùng ngày, BBC Tiếng Việt đã cố gắng liên hệ với Ủy ban Nhân dân Quận 2 nhưng không nhận được phản hồi.


image025

Image copyright FacebookTinMungChoNguoiNgheo Image caption Các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm tiếp tục giữ phương thức đấu tranh ôn hòa thông qua việc cầu nguyện


'Hiến tặng trường cho mục đích giáo dục'


Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm là nhà dòng Mến Thánh Giá đầu tiên của giáo phận Sài Gòn, được thành hình từ khoảng năm 1840.


Các nữ tu đến thập niên 1960 đã xây dựng lên ba trường học gồm trường Nữ Thủ Thiêm, trường Nam Thủ Thiêm và trường Nữ thánh Anna với tổng diện tích 4000 mét vuông.


Sau 4/1975, việc hiến trường diễn ra với việc Giáo hội Sài Gòn cam kết "sẵn sàng để nhà nước sử dụng các cơ sở tư thục Công Giáo trong Giáo phận Sài Gòn vào công tác giáo dục", theo nội dung một văn bản của Tổng Giám mục Sài Gòn Phaolo Nguyễn Văn Bình ký.


Kể từ cuối 2011, với dự án 'xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm' của Quận 2, ba ngôi trường này đã ngưng hoạt động, không còn được sử dụng cho mục đích giáo dục nữa, và do đó Nhà dòng viết đơn yêu cầu trả lại.


Tuy nhiên, yêu cầu này đến nay chưa được đáp ứng.


Được biết trường Nam Thủ Thiêm đã bị đập bỏ hồi 11/2012, hiện chỉ còn là một bãi đất trống.


Những năm gần đây, khiếu nại đòi nhà đất tôn giáo tăng lên ở một số tỉnh phía Nam và Hà Nội. Hầu hết đều liên quan đến nhà đất có nguồn gốc tôn giáo bị chính quyền trưng thu, trưng dụng hoặc mượn không trả lại.


Thủ Thiêm nằm ở vị trí chiến lược bên trong vành đai tăng trưởng Đông Bắc của Thành phố Hồ Chí Minh.


Năm 2011, báo chí nhà nước gọi vụ đòi đất ở Thái Hà là 'âm mưu chống chính quyền' và cáo buộc các giáo sĩ Thái Hà 'kích động gây rối'./ (theo BBC/24/10/ 2015)
23 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 5978)