Bắc Kinh quyến rũ Myanmar, Aung San Suu Kyi tương kế tựu kế

01 Tháng Chín 20161:05 SA(Xem: 8098)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  SÁU 02  SEP 2016


Bắc Kinh quyến rũ Myanmar, Aung San Suu Kyi tương kế tựu kế


(GDVN) - Với thời thế hiện nay bà Aung San Suu Kyi phải chọn cho Myanmar nâng tầm chiến lược với Trung Quốc trước Hoa Kỳ, ngược với Singapore.


Trong thời gian từ ngày 17/8 đến 21/8 vừa qua, Cố vấn Nhà nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Aung San Suu Kyi đã có chuyến thăm tới Trung Quốc.


Bà Aung San Suu Kyi đã được Trung Nam Hải tiếp đón rất trọng thị cùng những hứa hẹn về tiến trình hòa giải dân tộc và phát triển kinh tế đầy hấp dẫn, theo Reuters. [1]


Bắc Kinh đã tặng bà Aung San Suu Kyi món quà ý nghĩa. Đó là bức thư có chữ ký của đại diện ba nhóm sắc tộc nổi dậy ngoan cố, vốn được trang bị đầy đủ vũ khí và có quan hệ với Trung Quốc, tuyên bố ý định tham gia hội nghị hòa bình mà bà Aung San Suu Kyi sẽ tổ chức trong tháng 8/2016. [4]


Reuters dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho biết, trong chuyến thăm của bà Aung San Suu Kyi, hai bên muốn tìm kiếm giải pháp cho dự án thủy điện Myitsone do Trung Quốc đầu tư tại bắc Myanmar, vốn bị đình lại từ thời Tổng thống Thein Sein.


Hai bên nhất trí việc Trung Quốc xây dựng hai bệnh viện ở hai thành phố lớn nhất của Myanmar, là Yangon và Mandalay. Một cây cầu sẽ được Trung Quốc xây dựng tại Kunlong, nhằm hạn chế hoạt động của những nhóm sắc tộc Trung Quốc, ảnh hưởng tới an ninh biên giới. 


image041

Bà Aung San Suu Kyi được Trung Quốc tiếp đón với nghi thức nhà nước do ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng chủ trì. Ảnh: flipboard.com.


Tuy nhiên theo cá nhân người viết, điều Bắc Kinh đặc biệt quan tâm là hiện thực hoá tham vọng xây dựng tuyến đường bộ và đường sắt qua miền bắc Myanmar tới Vịnh Bengal.


Từ đó giúp thúc đẩy thương mại của Trung Quốc từ Trung Đông mà không phải đi qua Biển Đông. [4]


Dự án “4 trong 1” gồm tuyến đường ống dẫn dầu, đường ống dẫn khí, đường bộ và đường sắt sẽ làm thay đổi chiến thuật của Trung Nam Hải tại Biển Đông.


Chiến lược “Con đường tơ lụa mới” sẽ được hiện thực hoá dễ dàng hơn với kế sách đi tắt đón đầu mà Bắc Kinh vừa hoàn tất việc khởi phát từ Hy Lạp.

Sự lợi hại của Dự án “4 trong1” 


Có thể thấy rằng việc “bẻ nanh” của Iran đã gây ra nhiều phiền luỵ cho Washington, trong đó nguy hại nhất là việc các đồng minh của Mỹ tại Trung Đông đã hạ tầm trong quan hệ với cường quốc quân sự này, vốn được xem vừa là bệ đỡ, vừa là rào chắn của họ.


Song điều nguy hiểm hơn là các đối thủ của Hoa Kỳ nhân cơ hội này đã kết nối, nâng tầm quan hệ với các đồng minh cũ của Washington tại Trung Đông.


Cả Nga và Trung Quốc đều có những bước đột phá vào sân sau của Mỹ tại vùng đất khói lửa này.


Bắc Kinh đã quyến rũ Pakistan và Nepal để thực hiện việc khai thác lợi ích từ Trung Đông đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, do người khổng lồ Ấn Độ án ngữ cả hai quốc gia này nên những kết quả đạt được không như Bắc Kinh mong đợi.


Khi kế sách đi tắt đón đầu trong việc hiện thực hoá nhanh chóng chiến lược “Con đường tơ lụa mới” có được trụ móng quan trọng nhất tại Hy Lạp, thì cũng là lúc Bắc Kinh hướng tới việc khai thác lợi ích từ con đường chiến lược này, cho dù nó mới ở giai đoạn thành hình.


Thủ đoạn “mỡ nó rán nó” trong triển khai chiến lược “Con đường tơ lụa mới” có thể được xem là ý tưởng tuyệt vời của Bắc Kinh.


Khi nhánh đường bộ có chí phí quá lớn, nhánh đường thuỷ thì gặp rào cản bởi phán quyết của Toà Trọng tài, khiến Bắc Kinh phải tìm đường đi tắt.


Người viết cho rằng, Trung Nam Hải đã nhận ra con đường đi ngang qua Myanmar là cách đi tắt đón đầu lợi hại nhất.


Bắc Kinh đã khởi phát Dự án “4 trong 1” với ba giai đoạn.


Giai đoạn I là dự án “2 trong 1” – xây dựng 2 đường ống dẫn dầu và khí và đã được Myanmar chấp thuận.


Giai đoạn II là dự án “3 trong 1” – xây dựng tuyến đường sắt song song với 2 đường dẫn dầu, khí đốt.


Giai đoạn III là dự án “4 trong 1” – xây dựng tuyến đường bộ song song với đường dẫn dầu – khí và đường sắt.


Từ Trung Hoa đại lục những chuyến tàu lợi ích sẽ chạy thẳng tới vịnh Bengal.


Trong tương lai, tuyến đường sắt từ Myanmar có thể chia nhánh kết nối với những tuyến đường sắt Trung – Thái hay Trung – Lào mà Bắc Kinh đã và đang xúc tiến.


image043

Hình ảnh cho thấy sự lợi hại của dự án “4 trong 1” mà Bắc Kinh theo đuổi. Ảnh: Reuters.


Đường bộ từ Myanmar có thể rẽ nhánh qua Thái Lan, kết nối với Campuchia, thông tuyến cho Phnom Penh – Bắc Kinh.


Trên biển, từ vịnh Bengal, Trung Quốc có thể hướng mũi nhọn chiến lược về phía nam, qua vịnh Thái Lan, kết nối với Đông Nam Á, thẳng xuống Nam Thái Bình Dương, kết nối với Australia và các quốc gia trong khu vực.


Nếu hướng về phía tây sẽ tới sườn đông của châu Phi.


Đặc biệt, khi mũi nhọn chiến lược của Trung Quốc hướng lên phía bắc, qua Ấn Độ Dương tới Trung Đông và kết nối với móng trụ chiến lược tại Hy Lap.


Như vậy, Bắc Kinh sẽ tham gia kiểm soát cả Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và Địa Trung Hải.


Hệ thống đường bộ và đường thuỷ của Dự án “4 trong 1” sẽ giúp Bắc Kinh có thể kiểm soát gần như toàn bộ khu vực vận hành của TPP và kiềm toả Ấn Độ - đối thủ tiềm tàng nguy hiểm nhất.


Con đường tạm qua Myanmar đã làm cho Dự án “4 trong 1” lợi hại vô cùng.


Tính khả thi của Dự án “4 trong 1”


Người viết cho rằng, Dự án “4 trong 1” sẽ được Naypyidaw chấp thuận và cũng sẽ được Washington đồng thuận vì nhiều lẽ. Quan trọng nhất vẫn là lợi ích của các bên được trung hoà và đạt tới mức cao nhất trong dự án này, từ dự án này.


Bắc Kinh sẽ tập trung nguồn lực cho dự án thế kỷ.


Trong thời gian tới, có thể Bắc Kinh sẽ không “phóng lao” theo những dự án khổng lồ kiểu như đường sắt tại Indonesia, hay những dự án thuỷ điện hoặc khai khoáng đang gặp rắc rối tại lục địa đen, hoặc châu Mỹ Latinh xa xôi.


Bắc Kinh sẽ tập trung sức người sức của cho dự án trọng điểm tại Myanmar, ngay khi có sự chấp thuận và đạt được sự đồng thuận của các đối tác.


Hiện nay dự án “2 trong 1” đã được chấp thuận, do vậy Bắc Kinh sẽ nhanh chóng hoàn tất dự án tiền khả thi cho giai đoạn “3 trong 1”.


Việc trải thảm đón tiếp Ngoại trưởng Myanmar cho thấy Trung Nam Hải đã sẵn sàng, thậm chí là nóng lòng chờ đợi dự án quan trọng này.


Vì vậy, chắc chắn phác thảo kỹ thuật cho giai đoạn “4 trong 1” cũng đã được Bắc Kinh gửi tới Naypyidaw sau chuyến thăm của bà Aung San Suu Kyi.  


Với Myanmar thì sao? Người viết cho rằng, đây là cơ hội mà Myanmar muốn từ chối cũng không được.


Có thể nhận diện quan điểm của bà Aung San Suu Kyi trong chiến lược đối ngoại cho Myanmar thời kỳ mới không khác gì cố Thủ tướng Lý Quang Diệu thời Singapore lập quốc. 


Đó là xây dựng chiến lược đối ngoại xoay quanh hai đối tác quan trọng nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc.


Tuy nhiên, với thời thế hiện nay bà Aung San Suu Kyi phải chọn cho Myanmar nâng tầm chiến lược với Trung Quốc trước Hoa Kỳ, ngược với Singapore.


Bởi lẽ, với Hiến pháp hiện hành, quân đội Myanmar còn đóng vai trò rất lớn trong quản lý và điều hành đất nước, trong đó có việc nắm quyền điều hành những thực thể kinh tế quan trọng.


Điều đó đang bị xem là rào cản cho kết nối và nâng tầm chiến lược với Hoa Kỳ và phương Tây. Thời kỳ quá độ từ chuyên chế bảo thủ sang dân chủ cởi mở tại Myanmar sẽ phải diễn ra trong thời gian cả thập kỷ.


Trong khi yêu cầu phải nhanh chóng chứng minh khả năng quản lý đất nước bằng việc khai thác lợi ích cho Myanmar đã trở thành sức ép với chính quyền của NLD.


Không thể lãng phí thời gian chờ đợi cơ hội từ Hoa Kỳ, do đó việc lựa chọn nâng tầm quan hệ với Trung Quốc là hợp lý với Myanmar. Song quan trọng nhất là quyết định của Naypyidaw sẽ nhận được sự bảo đảm của Washington.

Còn với Hoa Kỳ thì việc nhường Trung Quốc đi trước trong kết nối quan hệ chiến lược với Myanmar là lựa chọn “thả con săn sắt bắt con cá rô”. 


Trong lúc này, chính quyền của Tổng thống Barak Obama rất cần sự “ủng hộ” từ Bắc Kinh để đảm bảo cho ứng cử viên Hillary thắng cử.


Bên cạnh đó là làm sao để giảm căng thẳng tại Biển Đông, vì đây là khu vực quan trọng nhất của TPP cũng như trục chiến lược đối ngoại mới của Hoa Kỳ.


Khi Bắc Kinh chọn dự án “4 trong 1” để thực hiện kế sách đi tắt đón đầu thì đây là cơ hội để Washington làm giá với Bắc Kinh.


Như vậy, dù có thể nhận diện sự lợi hại của Dự án “4 trong 1” nhưng Washington sẽ đồng thuận với Naypyidaw và Bắc Kinh để đổi lấy sự an toàn cho chiến lược quan hệ đối ngoại mới của mình


Bởi thế tính khả thi của Dự án “4 trong 1” là rất cao.


Dự án “4 trong 1” sẽ chỉ tạo ra khoảng lặng nhất thời tại Biển Đông 


Có thể thấy rằng, kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Cố vấn An ninh Mỹ Susan Rice ngay sau phán quyết của Toà Trọng tài, đã thể hiện ngày càng rõ nét trong các quyết sách và hành động gần đây của Bắc Kinh và Washington.


Mục đích tối quan trọng là đảm bảo cho đảng Dân chủ tiếp tục làm chủ Toà Bạch Ốc.


Tuy nhiên, việc ngầm “ủng hộ” Obama để giúp Hillary thắng cử, sẽ khiến cho Bắc Kinh đối mặt với hiểm nguy. Bởi lẽ với Bắc Kinh, nước Mỹ của Trump dễ đối phó hơn với nước Mỹ của Hillary.


Khi Bắc Kinh được Washington nhẹ nhàng trong thể hiện quan điểm về phán quyết của Toà Trọng tài, cũng như làm ngơ trước nhiều hành động “chướng tai gai mắt” của Bắc Kinh và đặc biệt là đồng thuận với Dự án “4 trong 1”, đổi lại Bắc Kinh sẽ phải làm dịu tình hình xung đột tại Biển Đông. 


Song theo người viết thì Bắc Kinh sẽ thay đổi chiến thuật độc chiếm Biển Đông, nhằm không vi phạm luật chơi với Washington, chứ không từ bỏ mục tiêu này.


Bắc Kinh sẽ làm giảm bước sóng nổi, nhưng gia tăng bước sóng ngầm, chờ thay đổi chủ nhân tại Toà Bạch Ốc.


Chắc chắn Bắc Kinh sẽ có những hành động khó lường tại Biển Đông. Mục đích của Trung Nam Hải là tạo ra những công cụ hữu hiệu nhất để chỉ phải đánh đổi ít nhất lợi ích với Washington, khi chính quyền mới của nước Mỹ công bố chính sách và kế hoạch hành động.


Có thể thấy rằng, dù rất lợi hại nhưng Dự án “4 trong 1” chỉ là đường tắt, đường tạm chứ không phải là con đường chiến lược thay thế nhánh đường thuỷ trong chiến lược “Con đường tơ lụa mới” của Tập Cận Bình, mà sẽ phải đi qua Biển Đông. 


Việc Trung Nam Hải cho mũi nhọn chiến lược từ cảng biển trên vịnh Bengal hướng về phía nam, thọc hậu vào Biển Đông để phá băng là hoàn toàn có thể nhận diện được.


Hai mũi nhọn từ nam lên, từ bắc xuống sẽ đưa Biển Đông vào tầm kiểm soát hoàn toàn của Bắc Kinh.


Khi tiến độ khai thác lợi ích của “Con đường tơ lụa mới” được đẩy nhanh nhờ Dự án “4 trong 1” tại Myanmar, Bắc Kinh sẽ thực hiện quyết liệt hơn ý đồ của mình tại Biển Đông.


Bởi lẽ, lúc đó Trung Nam Hải không còn bị áp lực thời gian cho khai thác lợi ích tại đây.  


Bình luận viên Jane Perlez của The News York Times nhận định, Bắc Kinh không vô tư với món quà dành cho Ngoại trưởng Myanmar.


Còn chuyên gia Yun Sun thuộc Trung tâm Nghiên cứu Centre Stimson tại Washington nhận xét: "Bắc Kinh duy trì quan hệ tốt với Myanmar là chiến thuật thủ thế trong bối cảnh bị cạnh tranh gay gắt bởi Washington”. [4]


Tóm lại, chuyến thăm của Cố vấn Nhà nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Aung San Suu Kyi tới Trung Quốc trong tháng 8/2016 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với các đối tác tay ba: Bắc Kinh - Naypyidaw - Washington.


Song kết quả chuyến thăm này của bà Aung San Suu Kyi còn ảnh hưởng rất lớn tới cả ba phía có lợi ích chiến lược tại châu Á – Thái Bình Dương là Hoa Kỳ, Trung Quốc và ASEAN.


Nó có thể đưa tình hình xung đột tại Biển Đông – trung tâm lợi ích chiến lược của các bên – vào một bước ngoặt mới đầy nguy hiểm và khó lường.   


Tài liệu tham khảo:


[1]http://www.reuters.com/article/us-china-myanmar-idUSKCN10T0LK


[2]http://www.nytimes.com/2016/08/21/world/asia/aung-san-suu-kyi-myanmar-china.html?_r=0


[3]http://www.globaltimes.cn/daily-specials/Suu-Kyi-visits-China/Suu-Kyi-visits-China.html


[4]http://www.globaltimes.cn/content/1000525.shtml


Ngọc Việt  29/08/16

15 Tháng Giêng 2017(Xem: 8510)
15 Tháng Mười Một 2016(Xem: 8379)