Bóng ma “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tiếp tục ám ảnh thế giới 2015

04 Tháng Giêng 201512:00 SA(Xem: 10628)
“NHẬT BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ HAI 05 JAN 2015

Bóng ma “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tiếp tục ám ảnh thế giới 2015

Thứ bảy, 03/01/2015, 12:24 (GMT+7)

(Quốc tế) - Lực lượng Hồi giáo cực đoan IS không phải là “ngáo ộp” mà là hiện thực sống động, đe dọa an ninh toàn cầu và các quyền con người.

image071_0

Chiến binh IS thảm sát các tù binh là binh sĩ và cảnh sát Iraq. Rơi vào tay IS coi như cầm chắc cái chết

Kẻ thù chung

Các tội ác và nguy cơ từ phía tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) là có thật. Không chỉ Mỹ và đồng minh thân cận (Anh, Pháp) mà cả Nga và Trung Quốc đều thừa nhận như vậy. Các điều tra viên Liên Hợp Quốc đã khẳng định, IS phạm các tội ác chiến tranh và chống lại loài người. Các tội ác của IS bao gồm tra tấn, sát hại người vô tội, thảm sát, giết người theo lối tàn bạo, hãm hiếp, cưỡng hôn, đào tạo lính trẻ em, hà khắc với nữ giới, biến phụ nữ thành nô lệ tình dục, khôi phục chế độ nô lệ…

Có ý kiến cho rằng nhóm IS chỉ là “ngáo ộp” do tình báo Mỹ dựng lên (nhằm tạo cớ cho nước này can thiệp vào các nước khác), nhưng thực tế đã phủ nhận điều này.

IS đã trở thành kẻ thù của không chỉ Tây Âu (không quá xa Trung Đông) và Mỹ mà còn cả các nước Trung Đông và Bắc Phi, Trung Quốc, Đông Nam Á, cho tới tận châu Úc. Quân số của IS bao gồm hàng ngàn công dân đến từ hàng chục quốc gia trên thế giới (ngoài Iraq và Syria). Các nước đông người Hồi giáo ở Đông Nam Á là Indonesia, Philippines và Malaysia đều xác nhận có nhiều công dân đang chiến đấu trong hàng ngũ IS. Đến như đảo quốc Singapore vốn nổi tiếng văn minh, hiện đại và quản lý tốt xã hội cũng ghi nhận có công dân sang Syria tham gia thánh chiến.

IS đe dọa không chỉ người Kitô giáo mà còn cả chính người Hồi giáo (cả dòng Shiite lẫn Sunni) và người Arab, nói chung là… toàn thế giới. Bản thân nhiều quốc gia Hồi giáo đã phỉ nhổ vào IS, cho rằng nhóm này đi ngược lại giáo lý đạo Hồi.

Hình ảnh IS như thể truyền thêm cảm hứng cho phiến quân khét tiếng Taliban thực hiện cuộc thảm sát các học sinh tại một ngôi trường nằm ở thành phố Peshawar của Pakistan vào ngày 16/12 mới đây.

image073

Chiến binh jihad của IS chuẩn bị chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley

Tháng 8/2014, nhân loại bàng hoàng trước việc IS lần lượt chặt đầu hai nhà báo Mỹ là James Foley và Steven Sotloff. “Nhà nước Hồi giáo” IS từng tra tấn Foley, và khi không thể nhận tiền chuộc thì quyết định hành hình. Foley chết rồi nhưng vẫn không được yên vì IS tiếp tục rao bán thi thể nhà báo can đảm và vô tội này.

Quá trình IS lần lượt và từ từ cắt đầu Foley và Sotloff vừa thách thức nhân loại vừa tựa như một cái tát mạnh vào niềm kiêu hãnh của siêu cường Mỹ.

Mỹ đã phản ứng mạnh trước hành động của IS nhưng vẫn tỏ ra thận trọng khi kiên nhẫn lôi kéo đầy đủ các đồng minh vào cuộc đối đầu với IS, đồng thời kiềm chế, tránh đưa lục quân ồ ạt vào lãnh thổ Iraq và Syria.

Nét riêng

“Virus” IS biến chủng từ “virus” al-Qaeda, với mức độ ác tính cao hơn hẳn. Nhóm khủng bố quốc tế al-Qaeda đã phải chào thua mức độ tàn bạo và phi nhân tính của IS.

image074

Lực lượng IS chiếm thế thượng phong ở Iraq và Syria trong năm 2014

Hệ tư tưởng của IS là chủ nghĩa Hồi giao cực đoan nhất, phản động nhất, tàn bạo nhất cho đến nay. IS đã sản sinh một thứ chủ nghĩa khủng bố kiểu mới, tinh quái và hiểm độc hơn al-Qaeda và cả Taliban, dù cho lực lượng Taliban cũng từng thiết lập được chính quyền toàn quốc và duy trì chế độ hà khắc kỳ quái của mình tới 5 năm (và có lẽ còn lâu hơn nữa nếu không bị quân đội Mỹ lật đổ).

IS không nương tay với kẻ thù (các nhóm Hồi giáo đối lập, quân đội Syria và Iraq). Binh sĩ đối lập nào rơi vào tay IS coi như cầm chắc cái chết – chúng sẽ hạ sát tù binh, hàng binh, và truy sát những người bỏ chạy. Chiến binh IS điềm nhiên nhả đạn AK vào đầu những người lính chính phủ bị trói và xếp nằm thành hàng trên sa mạc, sẵn sàng “nắn gân” bất cứ kẻ nào có ý định chống đối.

Chiêu chặt đầu và ghi hình cảnh chặt đầu đã trở thành “thương hiệu” của IS. Trong vụ James Foley, nhằm tăng hiệu ứng tâm lý, IS dùng chính công dân Anh (theo đạo Hồi) để hành quyết nhà báo Mỹ. Clip quay rất chuyên nghiệp để không lộ thông tin mật nhưng vẫn gây rúng động thế giới nói chung và người dân phương Tây nói riêng, đồng thời gây thanh thế “lẫy lừng” trong cánh Hồi giáo cực đoan. Việc tung video rùng rợn lên mạng vừa ít “tốn kém” vừa gây tác động mạnh hơn cả các vụ đánh bom tự sát đẫm máu vốn nhan nhản ở Trung Đông.

Khác với al-Qaeda, IS chủ trương chiếm lĩnh lãnh thổ và xây dựng chính quyền quy củ.

So với Taliban (thời chưa bị lật đổ ở Afghanistan), IS đã thiết lập được Caliphate (vương quốc Hồi giáo) mang tính quốc tế cao hơn, thể hiện ở các điểm sau: 1- Nhà nước vắt qua 2 quốc gia Iraq và Syria, với định hướng mở rộng ra toàn vùng Levant và rộng hơn nữa, 2- Nhận được sự hưởng ứng và gia nhập từ các phần tử cực đoan trên toàn cầu (ở châu Âu, châu Phi, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Úc).

IS “mở” và thực dụng hơn Taliban, tích cực dùng mạng xã hội (Facebook, Twitter, YouTube,…) để tuyên truyền, mở rộng ảnh hưởng và để tuyển mộ chiến binh. “Chính quyền” của IS lắm chiêu mị dân hơn, nên dù tàn ác nhưng lại lôi kéo được một bộ phận dân cư. IS biết tận dụng sự bất mãn của người Sunni và kết hợp cương – nhu để xây dựng hình ảnh một nhà nước “vì dân” (tất nhiên là dân Hồi giáo) và củng cố quyền lực của mình.

IS coi trọng công tác “giáo dục” với nội dung nhồi nhét tư tưởng cực đoan phản động vào đầu óc thế hệ trẻ ở vùng mà chúng chiếm được.

image075

Vũ khí hạng nặng của quân Hồi giáo IS (ảnh: Reuters)

Về tiềm lực quân sự, IS tỏ ra thiện chiến và bài bản hơn các lực lượng thánh chiến khác. Chúng biết áp dụng các chiến thuật, chiến lược quân sự, lại sở hữu vũ khí hạng nặng từ nhiều nguồn: mua từ chợ đen, chiếm đoạt từ kho chính phủ Iraq và Syria, từ phe đối lập, từ hàng viện trợ của phương Tây cho phe đối lập ôn hòa ở Syria. Giới chỉ huy của IS bao gồm các cựu tướng lĩnh kinh nghiệm trong quân đội Saddam cũ.

Nhờ đó, hồi giữa năm 2014, phiến quân IS có thể dễ dàng chiếm thành phố quan trọng Mosul sau một đợt tấn công chớp nhoáng. Nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở cả Iraq và Syria lọt vào tay IS. Khi ấy nhiều sư đoàn của quân đội Iraq (vốn được biết đến là bạc nhược và tham nhũng) đã nhanh chóng tan rã.

Về kinh tế, “Nhà nước Hồi giáo” có nguồn tài chính dồi dào (từ bán dầu, các cơ sở ngân hàng chiếm được, các quyên góp của tín đồ, bắt cóc đòi tiền chuộc…). IS tỏ ra đặc biệt khôn lanh khi biết chiếm lĩnh các huyết mạch kinh tế, đập thủy điện, nguồn nước, các mỏ dầu, nhà máy lọc dầu, và móc ngoặc với các bên để bán dầu ra ngoài. IS cũng khôn khéo tận dụng bộ máy viên chức (của chế độ bị chúng lật đổ) để duy trì hoạt động kinh tế.

Sự hiệu quả của IS (cả về quân sự và kinh tế) đã gây ấn tượng mạnh cho những nhóm khủng bố khác, nhất là ở châu Phi. Nhiều nhóm khủng bố khác ở nơi xa, trước thành công của IS, đã tự xem mình là “đệ tử” của nhóm IS, nhiệt liệt hưởng ứng ý tưởng thành lập vương quốc Hồi giáo.

Với mô hình hoạt động bài bản, nếu có bị tan rã thì IS vẫn có thể hóa thân thành các nhóm khủng bố nhỏ lẻ, hoạt động độc lập. Hiện nay “các chú sói” Hồi giáo cực đoan hoạt động đơn lẻ cũng đủ gây mệt mỏi cho phương Tây.

Sự trỗi dậy của IS ở Trung Đông trong năm 2014 đã đưa câu chuyện khủng bố sang một trang mới.

Căn nguyên

Cũng như nhiều phe phái cực đoan khác ở Trung Đông, nhóm IS (tại Iraq và Syria) mang trong mình gốc văn hóa du mục của các bộ lạc Arab trên sa mạc. (Trong tiếng Arab, từ “Arab” cũng có nghĩa là du mục!). Lực lượng IS nằm ở vùng lõi của Trung Đông nên điều này càng nổi bật.

Trong quá khứ, cuộc sống du mục trên sa mạc khắc nghiệt đã hình thành nên tính cách dữ dằn, quyết liệt đặc trưng trong các bộ lạc Arab (phương Tây cũng là gốc du mục nhưng không phải là du mục trên sa mạc như người Arab.) Để sinh tồn, các bộ lạc phải chiến đấu khốc liệt với nhau nhằm tranh giành nguồn nước và các thảo nguyên nuôi gia súc. Xưa kia, các bộ lạc có xu hướng hành xử với nhau vô cùng tàn độc, sẵn sàng thảm sát kẻ thù một cách không ghê tay (nhưng họ không cho rằng thế là xấu mà coi đó chỉ là chuyện “ân oán giang hồ” thông thường.)

image076

Việc IS ra tay tàn độc với các tù binh trong tay chúng làm gợi nhớ tới các cuộc thanh toán đẫm máu giữa các bộ lạc Arab thời xưa, đồng thời ám ảnh lương tri loài người (ảnh: AFP)

Tính chất độc tôn trong nền văn hóa gốc du mục đó khiến bộ phận cực đoan trong cư dân Trung Đông không chấp nhận nổi một tôn giáo thứ 2 ngoài Hồi giáo cũng như một giáo phái thứ 2 trong nội bộ Hồi giáo. Chiến tranh tôn giáo khởi phát từ đây.

Cả trong lịch sử và hiện tại, giáo phái đa số Sunni coi giáo phái thiểu số Shiite là dị giáo, và Sunni thường tìm cách o ép hoặc triệt tiêu Shiite. Tình hình thêm phức tạp khi xét trong toàn thế giới Hồi giáo, Shiite là thiểu số, nhưng ở một số nước nó lại chiếm đa số (như ở Iraq và Iran). Tại Iran, Shiite thống trị hệ thống chính quyền nhưng tại Iraq thời Saddam, thiểu số Sunni lại nắm quyền và đàn áp đa số Shiite một cách tàn khốc.

Song đây mới chỉ là yếu tố nội sinh giải thích sự tàn bạo của nhóm IS (theo dòng Sunni). Yếu tố ngoại sinh cũng lớn không kém.

Đầu thế kỷ 20, Anh và Pháp có nhiều thuộc địa nhất ở Trung Đông, họ đã vẽ lại biên giới giữa các quốc gia ở Trung Đông và gây ra bất mãn trong người Trung Đông khi đó. Tại Iraq, người Anh đã cố công đưa người Sunni lên nắm quyền và sẵn sàng dùng quân đội để đàn áp sự nổi dậy của người Shiite. Sau này người Mỹ tiếp tục ủng hộ Iraq (với chính quyền trong tay người Sunni) để kiềm chế Iran (đông người Shiite), nhưng đến năm 2003 họ lại lật đổ chính quyền của Saddam Hussein và đưa người Shiite lên nắm quyền. Từ đó ở Iraq xuất hiện sự hận thù đối đồng thời với người Mỹ và với chính quyền của người Shiite (các chính quyền Iraq hậu Saddam, đặc biệt là thời Thủ tướng Maliki, thường không biết thực hiện hòa hợp dân tộc khi họ quá ưu tiên người dòng Shiite). Còn tại Iran thì đã xuất hiện tư tưởng chống Mỹ sau khi CIA đạo diễn cuộc đảo chính tại Iran năm 1953… Mớ bòng bong này đã làm trỗi dậy tư tưởng chống phương Tây trong các lực lượng cực đoan Trung Đông.

Giai đoạn sau chiến tranh Iraq 2003, nhiều “cán bộ cấp cao” của IS phải bóc lịch trong nhà tù Mỹ. Sự tra tấn của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tại đây đã góp phần “tôi luyện” thêm thái độ cực đoan của các thủ lĩnh này khi họ ra tù.

Mỹ không thể phủ nhận vai trò của mình trong quá trình can thiệp đơn phương và áp đặt vào tình hình Iraq và Syria, thể hiện rõ trong lịch sử phong trào cực đoan IS: Chi nhánh al-Qaeda ở Iraq (tiền thân của IS) ra đời vào năm 2004, chỉ một năm sau khi Mỹ xâm lược Iraq. Đến năm 2006, tổ chức này phát triển thành cái gọi là Nhà nước Hồi giáo Iraq. Tình hình nội chiến căng thẳng ở Syria (trong đó Mỹ tích cực hậu thuẫn cho phe đối lập) đã tạo điều kiện cho “Nhà nước Hồi giáo” nói trên mở rộng lãnh thổ từ Iraq sang Syria và đóng đô ở thành phố Raqqa (Syria) với tư cách là IS.

Tuy nhiên các phần tử thánh chiến người phương Tây tham gia IS hoặc hưởng ứng phong trào IS không chỉ bao gồm những kẻ cuồng tín mà còn có cả những kẻ “chán đời, việc làm không ổn định, không được trọng dụng” nên bất mãn, trong khi IS lại “trọng” người tài. Khủng hoàng tài chính của thế giới tư bản phương Tây từ năm 2008 cùng với sự trỗi dậy của chính sách cực hữu, bài ngoại, chống nhập cư ở nhiều nước châu Âu đã làm cho nhiều thanh niên gốc Trung Đông cảm thấy bị gạt sang bên lề.

image077

Xe tăng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lặng lẽ quan sát cảnh lực lượng IS tấn công thành phố Kobani của Syria sát biên giới ngay trước mắt họ (ảnh: Reuters)

Trên bàn cờ quốc tế, cuộc chiến chống IS chưa thực sự hiệu quả một phần là vì Mỹ và các quốc gia Trung Đông như là Thổ Nhĩ Kỳ chưa sẵn sàng giúp Syria chống lại IS (do cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều không ưa chế độ của Tổng thống Assad và ít nhiều đều muốn mượn tay IS để làm suy yếu Syria).

Một hình ảnh ấn tượng của năm 2014 là chiến xa và binh sĩ của Thổ Nhĩ Kỳ lặng lẽ khoanh tay đứng nhìn cảnh IS tấn công thành phố Kobani của Syria nằm sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Giải pháp

Công luận đặc biệt chú ý tới thái độ của người Mỹ và chiến lược của Nhà Trắng trong bối cảnh Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS hay gửi các thông điệp răn đe tới Mỹ.

Bị “đánh vỗ mặt” với các trường hợp như James Foley, siêu cường Mỹ đã hạ quyết tâm tiêu diệt hoàn toàn khối ung thư mang tên IS.

Tuy nhiên với kinh nghiệm xương máu trong các vụ can thiệp quân sự cộng với chính sách “rút quân” của chính quyền Obama, lần này Nhà Trắng nhấn mạnh yếu tố toàn diện, thực chất, và lâu dài trong cuộc chiến chống khủng bố IS, cố gắng phân hóa kẻ thù trong khi tranh thủ tối đa lực lượng ủng hộ, huy động các nước cùng tham gia gánh vác trách nhiệm.

image078

Máy bay chiến đấu của Mỹ (ảnh: Utah People’s Post)

Ngay từ cuối tháng 8/2014, Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đã thừa nhận việc đánh bại hẳn lực lượng này sẽ đòi hỏi chiến lược dài hơi với cách tiếp cận rộng rãi trong toàn khu vực và sự ủng hộ từ các nước láng giềng Iraq (như Jordan, Saudi Arabia, và Thổ Nhĩ Kỳ), kết hợp quân sự với các nỗ lực ngoại giao và chính trị.

Tướng Dempsey khẳng định “đánh đổ phiến quân IS không phải là việc riêng của Mỹ” và là một quá trình dần dần “ép chặt IS từ nhiều hướng nhằm phá rối lực lượng này trước khi đánh bại hoàn toàn nó”.

Cũng chính vị tướng này nhấn mạnh “cần phải tiếp cận cộng đồng Sunni một cách toàn diện và tích cực, thuyết phục họ thấy rằng IS không phải là con đường dẫn tới tương lai”.

Trên thực tế Mỹ đã nỗ lực tăng cường hỗ trợ xây dựng chính quyền Iraq theo hướng có tính đại diện rộng rãi hơn, cho nhiều phe phái trong xã hội, đáp ứng các nguyện vọng của cả người Sunni và các thành phần khác. Vừa rồi Iraq đã thành lập được một chính phủ mới theo hướng đó.

Ngày 10/9 trước thềm lễ kỷ niệm 13 năm vụ khủng bố 11/9, Tổng thống Mỹ Obama đã đọc diễn văn vạch ra chiến lược chống IS, với 4 trụ cột bao gồm: (1) tiến hành không kích có hệ thống vào các mục tiêu IS, săn lùng các phần tử khủng bố ở cả Iraq và Syria; (2) vực dậy lực lượng vũ trang bản địa (thông qua cố vấn, huấn luyện, thông tin tình báo và các trang thiết bị), hỗ trợ binh sĩ Iraq và dân quân người Kurd, hỗ trợ phe đối lập (ôn hòa) Syria (chứ không phải quân đội Syria); (3) phát huy và đẩy mạnh các năng lực chống khủng bố, phối hợp với nhiều bên trong hoạt động này (cắt nguồn tài chính của IS, cải thiện công tác tình báo, chống tư tưởng cực đoạn, ngăn chặn chiến binh ngoại xâm nhập vùng Iraq và Syria cũng như từ đây đi ra thế giới); và (4) hỗ trợ nhân đạo cho dân chúng bị thay đổi nơi ở do nhóm IS (bao gồm cả người Sunni va Shiite, người Kitô giáo).

Sau đó tại Diễn đàn Liên Hợp Quốc, Tổng thống Obama cũng phát biểu kêu gọi toàn thế giới đoàn kết chống IS. Và trên thực tế Mỹ đã tập hợp được hàng chục nước tham gia chống IS.

Cho tới nay các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu thực hiện đã đem lại hiệu quả nhất định, như giải cứu được đáng kể những người dân Yazidi bị IS vây hãm, gây thiệt hại về người và của cho IS (đặc biệt là triệt phá được nhiều cơ sở dầu mỏ hái ra tiền của IS), góp phần làm chậm đà tiến của IS, hỗ trợ quân đội Iraq và dân quân người Kurd tái chiếm nhiều vị trí quan trọng. Sau những căng thẳng nhất định giữa Mỹ và Syria thì cuối cùng Mỹ cũng đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào vị trí của IS trên đất Syria mà không vấp phải sự phản đối của Syria.

Tuy nhiên, các chiến dịch không kích nói trên rất tốn kém (so với kết quả thu được). Đã vậy Mỹ cùng đồng minh lại hạn chế mở rộng không kích ra những vùng đông dân cư (nơi thành viên IS sống xen kẽ với dân) do lo ngại gây thương vong cho dân thường. Giới chức Mỹ (kể cả bên quân sự) thừa nhận để “dứt điểm” được IS thì cần huy động cả bộ binh Mỹ, mà Mỹ lại không muốn sa lầy vào một cuộc chiến trên bộ nữa.

Trong khi đó trên thực địa nổi lên vai trò của lực lượng dân quân người Kurd ở cả mặt trận Iraq và Syria. Lực lượng này (bao gồm khá nhiều phụ nữ) tỏ ra rất kiên cường và hiệu quả trong việc kháng cự quân IS hung tàn.

Iran (có đông người Shiite và có mối quan hệ tương đối tốt đẹp với chính quyền Iraq hiện nay) cũng nổi lên như một yếu tố rất năng động và tích cực trong cuộc chiến chống IS. Iran được biết đã hỗ trợ nhiều mặt cho Iraq đối phó với các chiến binh Hồi giáo cực đoan.

Dự báo tình hình Trung Đông nói chung và khu vực “Levant” nói riêng vẫn sẽ có nhiều diễn biến sôi động, khi ở đây hội tụ cả quái thú IS và nhiều người chơi quốc tế (trong đó mối căng thẳng Mỹ-Syria, Mỹ-Iran mới chỉ tạm lắng dịu; Nga và Trung Quốc cũng có lợi ích lớn ở đây). Mảnh đất Iraq và Syria chắc chắn tiếp tục là sới đấu quan trọng, có thể sẽ rất đẫm máu trong năm 2015. Dù cho Mỹ đang bận bịu với tình hình Ukraine và xoay trục dần sang châu Á-Thái Bình Dương, mặt trận Trung Đông này vẫn không dễ bỏ qua đối với họ.

(Theo VOV)

07 Tháng Mười 2014(Xem: 10728)
Năm 1623, khi chúa Nguyễn mượn đất Prei Nokor của vua Khmer để đặt trạm thu thuế, thì nơi đây dân cư đã đông đúc. Họ là người Việt từ Quảng Nam vào, người Việt từ Hải Nam, Triều Châu tới.
05 Tháng Mười 2014(Xem: 10222)
Giữa trung tâm thương mãi Hồng Kông, một khẩu hiệu thật lớn đến năm thước mỗi bề được hằng trăm bạn trẻ giương cao "They can't kill us all" tạm dịch là "Họ không thể giết hết chúng ta".
30 Tháng Chín 2014(Xem: 15928)
Phe chủ nghĩa dân tộc Ukraine đã giật sập một bức tượng Lenin ở trung tâm Kharkiv, thành phố lớn thứ hai ở Ukraine, trong một hành động được chính quyền ủng hộ. Người dân đứng xem đã reo hò và nhảy cẫng ăn mừng khi bức tượng sụp xuống. Bức tượng này từng được người biểu tình thân Nga ở thành phố mà đa số người dân nói tiếng Nga này bảo vệ khi cựu Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ.
23 Tháng Chín 2014(Xem: 10828)
Vào giữa tháng 9 năm nay, Đại học Corvinus ở Budapest, thủ đô Hungary đã cho dọn đi bức tượng ông tổ chủ nghĩa cộng sản, triết gia Đức Karl Marx.
18 Tháng Chín 2014(Xem: 9407)
Philippines và Liên minh châu Âu thể hiện lập trường đồng nhất trong việc sử dụng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm thứ Hai 15 tháng 9 nói với Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso rằng, Philippines "vẫn quyết tâm thúc đẩy một giải pháp hoà bình, dựa trên luật lệ để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông." Ông Aquino nói ông tin giải pháp khả thi và hiệu quả duy nhất là dựa trên luật pháp quốc tế.
16 Tháng Chín 2014(Xem: 10062)
Philippines ngày 11/9 chính thức khai trương cuộc triển lãm trưng bày các bản đồ cổ cho thấy bãi cạn Scarborough (còn được gọi là đảo Hoàng Nham) ở Biển Đông là một phần thuộc lãnh thổ Philippines.
09 Tháng Chín 2014(Xem: 9655)
Có lẽ lần này những ngòi bút chỉ trích ông Obama từ nhiều năm qua (con số này không nhỏ trong cộng đồng người Việt chúng ta) sẽ rất hả hê vui mừng vì coi như đã nắm chắc được bằng chứng để biện minh cho những bài viết của họ từ bấy lâu nay là đúng như thần khi họ luôn chê bai tài lãnh đạo của vị tổng thống da đen đầu tiên của Hiệp Chúng Quốc.
31 Tháng Tám 2014(Xem: 9672)
Đại tướng Mỹ Martin Dempsey và Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam
25 Tháng Tám 2014(Xem: 9895)
Một quan chức Quốc hội Campuchia bác bỏ thông tin nói Campuchia hứa với Việt Nam sẽ trừng phạt những người đốt cờ Việt Nam tại Phnom Penh.
19 Tháng Tám 2014(Xem: 9728)
Chủ tịch QH Samdech Heng Samrin nói phía Campuchia lấy làm tiếc về hành động biểu tình và đốt quốc kỳ VN của một nhóm đối tượng quá khích, mong Chính phủ và nhân
17 Tháng Tám 2014(Xem: 9700)
“Việt Nam sẽ không bao giờ chấp nhận hòa bình thỏa hiệp, mọi quốc gia dùng sức mạnh quân sự cưỡng chiếm đều sẽ phải trả giá", Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng trả lời VnExpress bên lề Hội nghị Đối ngoại đa phương.
15 Tháng Tám 2014(Xem: 9839)
Các bản tin quốc tế về buổi họp báo của TNS John McCain và TNS Sheldon Whitehouse ngày 8 tháng 8 ở Hà Nội đã không nêu lên hai điểm quan trọng: cải thiện nhân quyền phải ở mức căn bản và tiến trình phát triển quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam mang tính cách tiệm tiến, tuỳ thuộc mức cải thiện nhân quyền. Một số bản tin Việt ngữ cũng phạm thiếu sót vì lấy tin từ các bản tin quốc tế.
12 Tháng Tám 2014(Xem: 9267)
Hội nghị Ngoại trưởng khối 10 nước ASEAN lần thứ 47-AMM47, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á- EAS và Diễn đàn Khu vực ASEAN với sự tham gia của 27 quốc gia tại thủ đô Naypyitaw của Miến Điện vừa kết thúc hôm chủ nhật 10 tháng 8.
07 Tháng Tám 2014(Xem: 9954)
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Một chi tiết thú vị là tôi lại gặp chính ông Lê Đình Thịnh - điều tra viên mà vào năm 2012 đã tham gia bắt và hỏi cung tôi. Lần này, điều tra viên hỏi khá nhiều về Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, nội dung xoay quanh mục đích tôn chỉ của Hội và một số vấn đề khác. Có vẻ họ rất quan tâm đến tiêu chí “hoạt động ôn hòa” của Hội và cố gắng dò tìm xem hội này thực sự ôn hòa hay có định xách động dân chúng không.
06 Tháng Tám 2014(Xem: 15146)
Tôi không nghĩ ông bị xúc phạm vì ai đó ghi sai binh chủng của ông. Tôi nghĩ có thể ông McCain bị xúc phạm vì hai bức hình mà ông PQN tặng cho ông. Có thể vì ông nói tiếng Anh nhanh nên phóng viên nghe không rõ, hay có thể người phiên dịch cố gắng làm “nhẹ” đi vấn đề, nên mới lấy vụ binh chủng ra làm cái cớ. Nếu ông bị xúc phạm vì ghi sai binh chủng, thì chắc ông cũng bị xúc phạm vì ai đó viết sai tên của ông. Do đó, tôi nghĩ chính hai tấm hình làm quà đó mới là thủ phạm làm ông bị xúc phạm.
04 Tháng Tám 2014(Xem: 11302)
Trong lúc Việt Nam kỷ niệm 60 năm hiệp định Geneva công nhận một nước Việt Nam độc lập sau gần một thế kỷ dưới ách thống trị thực dân, những vụ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tiếp tục là đề tài bàn luận của người dân.
31 Tháng Bảy 2014(Xem: 10726)
Đây là chuyến thăm Trung Quốc lần hai của Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh Trong chuyến thăm Trung Quốc, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh tuyên bố Việt Nam sẽ 'không là đồng minh quân sự với bất kỳ quốc gia nào'.
28 Tháng Bảy 2014(Xem: 9739)
Các cuộc biểu tình phản đối bạo động ở Việt Nam đã diễn ra tại Đài Loan và Hong Kong hồi tháng Năm Việt Nam vừa có phản ứng trước bình luận của Thủ tướng Đài Loan Giang Nghi Hoa trong đó nói Hà Nội "thiếu thành thật" trong việc bồi thường cho doanh nghiệp Đài Loan bị thiệt hại do các vụ bạo động hồi tháng Năm. Nhận định trên được ông Giang đưa ra trong buổi phỏng vấn với BBC tiếng Trung hôm 21/7 tại Đài Bắc
25 Tháng Bảy 2014(Xem: 12324)
Hiệp định Geneva năm 1954 được ký kết nhằm giúp chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam và cả Đông Dương. Thế nhưng mục tiêu đó đã không đạt được; trái lại chiến tranh lại diễn ra suốt trong mấy mươi năm sau đó, ngăn chặn sự phát triển của Việt Nam về mọi mặt.
22 Tháng Bảy 2014(Xem: 12915)
Cuộc gây rối trước cổng sứ quán Việt Nam diễn ra sáng nay thứ Hai 21/7 tại Phnom Penh, Campuchia do một số tổ chức phản động ở Campuchia cầm đầu. Đây là vụ gây rối lần thứ hai sau vụ quấy rối, đe dọa và cản trở hoạt động của cơ quan sứ quán hôm 8.7