Truyền hình Ả Rập lột mặt nạ chống Việt Nam của đối lập Cam Bốt

29 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 10447)

RFI Thứ ba 28 Tháng Giêng 2014

Truyền hình Ả Rập lột mặt nạ chống Việt Nam của đối lập Cam Bốt
theo-dong-thoi-su-1_2014-01-31
Ông Sam Rainsy, lãnh đạo phe đối lập thường có luận điệu bài Việt - REUTERS /Samrang Pring

Trọng Nghĩa

Trong không khí phấn khởi của phong trào đòi dân chủ và dân sinh tại Phnom Penh vào tháng 12/2013 và tháng 01/2014, với những cuộc biểu tình rầm rộ nhất trong lịch sử Cam Bốt, một khía cạnh đen tối đã xuất hiện : Khẩu hiệu và hành vi bạo động kỳ thị người Việt Nam nhiều khi được tung ra cùng với những lời kêu gọi cải thiện dân chủ và tăng lương đến từ phe đối lập. Đó là ghi nhận của đài truyền hình Ả Rập Al Jazeera trong một phóng sự ngày 24/01/2014 vừa qua.

Mang tựa đề « Biểu tình tại Cam Bốt phơi bày quan điểm bài Việt Nam », phóng sự của đài truyền hình Ả Rập đã nêu bật sự kiện nhiều người biểu tình đã hô vang những khẩu hiệu chống Việt Nam, phản ánh thái độ thù hằn Việt Nam mà lãnh đạo đối lập Sam Rainsy đã có từ lâu đối với Việt Nam - một tỳ vết dễ thấy giữa các thành tích đấu tranh cho nhân quyền của ông.

Theo Al Jazeera, về cuộc biểu tình của những người ủng hộ phe đối lập và công nhân may mặc tại khu phố Veng Sreng, vùng ngoại ô Phnom Penh ngày 03/01 vừa qua, báo chí đã nói nhiều về vụ cảnh sát quân sự đã bắn chết ít nhất bốn công nhân và làm bị thương hàng chục người khác.

Tuy nhiên, ít được nói đến hơn là sự kiện những người biểu tình đã gào thét những lời lẽ kỳ thị chủng tộc và xông vào cướp phá ít nhất là ba cửa hàng của người Việt Nam gần đó. Có tin cho là số cửa hiệu bị phá hủy còn nhiều hơn nữa. Nhiều người Việt cư ngụ trong khu vực đã phải bỏ chạy về Việt Nam.

Đài truyền hình Ả Rập đã trích lời anh Sok Min, 27 tuổi, chủ nhân một quán cà phê gần phố Veng Sreng đã bị những người biểu tình chống Việt Nam phá hủy, cho biết là anh đã bị thiệt hại khoảng 40.000 đô la trong vụ tấn công này và đã phải cho vợ và hai đứa con trong hoàn cảnh cực kỳ sợ hãi trở về Việt Nam vô thời hạn.

Khi được hỏi vào lúc đang xem xét cửa hàng bị hư hỏng ngay sau vụ tấn công, với hầu như toàn bộ đồ đạc bị cướp đi, trên sàn nhà vương vãi mảnh thủy tinh bị với và bao bì cà phê trống rỗng, Sok Min cho biết : « Họ đến để phá hủy tất cả mọi thứ… Họ nói rằng tôi là người Việt và họ không thích điều đó. ».

Những tuyên bố đáng ngại

Nhân cuộc bầu cử tại Cam Bốt vào tháng 07/2013, đảng Cứu nguy Dân tộc do ông Rainsy lãnh đạo đã giành được nhiều thắng lợi lớn trước đối thủ là Thủ tướng Hun Sen, lên cầm quyền từ năm 1985, ít lâu sau khi quân đội Việt Nam đánh qua Cam Bốt vào năm 1979 để lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Việt Nam đã rút khỏi Cam Bốt vào năm 1989, nhưng Đảng Nhân dân của ông Hun Sen vẫn duy trì quan hệ thân thiện với nước láng giềng hùng mạnh hơn ở phía đông, một kẻ thù lịch sử nhưng đã trở thành đồng minh.

Về phần ông Sam Rainsy, nhân vật này từ lâu đã luôn luôn cáo buộc điều ông ta cho là Việt Nam chiếm đất Cam Bốt, một quan điểm bị nhiều người cho rằng cố chấp đáng ngại. Ông Sam Rainsy khẳng định rằng ông không kích động bạo lực nhắm vào người Việt Nam sinh sống ở Cam Bốt, nhưng những phát biểu của ông trong suốt hai chục năm làm chính trị vừa qua thường bao gồm những luận điểm gay gắt chống lại thiểu số người Việt không được lòng dân tại chỗ, kèm theo những lời hứa là những người này sẽ bị đuổi khỏi Cam Bốt.

Al Jazeera nhắc lại là nhân một chuyến viếng thăm Phnom Penh ngày 23/01/2014, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tại Cam Bốt, ông Surya Subedi, đã có lời phê phán hiếm hoi nhắm vào phe đối lập, liên quan đến những luận điệu bài Việt Nam của đảng Cứu nguy Dân tộc và những vụ tấn công cửa hiệu của người Việt tại khu phố Veng Sreng.

Dùng từ yuon để gọi người Việt

Để tìm hiểu thêm, đài truyền hình Ả Rập đã tìm gặp ông Ou Virak , một nhà hoạt động nhân quyền nổi bật tại Cam Bốt, đứng đầu Trung tâm Nhân quyền Cam Bốt. Nhân vật này đã lên tiếng tỏ ý lo ngại về việc ông Sam Rainsy đang lao vào một trò kích động thù hận dân tộc nguy hiểm. Ông Ou Virak đã lên án sự kiện lãnh đạo đối lập Cam Bốt thường xuyên sử dụng thường xuyên từ ngữ youn đầy tính miệt thị để chỉ người Việt Nam.

Tiếng nói phê phán nói trên tuy nhiên đã không lọt tai nhiều người. Theo Al Jazeera, trong tháng qua, ông Ou Virak đã phải chịu một loạt những lời chửi mắng trên mạng, thậm chí còn bị dọa giết. Tổ chức Đài Quan sát Bảo vệ Giới Đấu tranh cho Nhân quyền đã công bố một thông báo khẩn cấp về tình hình của ông Ou Virak, và kêu gọi Sam Rainsy chính thức lên án các lời đe dọa đó, điều chưa thấy lãnh đạo đối lập Cam Bốt thực hiện.
Đối với ông Ou Virak, đảng Cứu nguy Dân tộc đã tập trung vào việc bài xích người Việt Nam để đánh lạc hướng dư luận trước các vấn đề cấp bách hơn mà tất cả người dân Campuchia cần phải đối mặt, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng yếu kém, nạn phá rừng ồ ạt, tình trạng vi phạm nhân quyền tràn lan của chính phủ Hun Sen.

Khi được Al Jazeera hỏi là vì sao ông lại không lên án những lời đe dọa nhắm vào ông Ou Virak, lãnh đạo đối lập Sam Rainsy nói tránh đi rằng ông lên án mọi hình thức bạo lực. Ông Rainsy cũng nói thêm rằng những lời chỉ trích của đặc sứ Liên Hiệp Quốc Subedi đã dựa trên một « sự hiểu lầm và hiểu sai » về ngôn ngữ và văn hóa Cam Bốt.

Trả lời đài truyền hình Ả Rập, ông Sam Rainsy khẳng định rằng dân Cam Bốt nói chung, và đảng Cứu nguy Dân tộc của ông nói riêng « không xem bất cứ nước nào, bất kỳ dân tộc nào là thù địch… nhưng các chính sách hiện hành của chính phủ hiện thời ở Việt Nam đối với Cam Bốt không thân thiện và không xây dựng lắm ». Ông đã nêu lại những cáo buộc về việc Việt Nam lấn đất dọc theo biên giới, và việc các công ty Việt Nam được nhượng quyền khai thác rừng ở Cam Bốt.

Đối với Al Jazeera tuy nhiên, ngay cả khi lãnh đạo đối lập Cam Bốt lên án bạo lực, ông ta có thể là không hoàn toàn kiểm soát được tâm lý chống Việt Nam mà chính ông đã kích động trên đường phố. Trong các cuộc biểu tình, tiếng hô « bọn youn súc sinh » và « bọn youn chó má » rất thường được nghe thấy nhắm vào cảnh sát và lực lượng an ninh.

Quán cà phê của người Việt là ổ gián điệp

Phuong Sopheak, 27 tuổi, là một ủng hộ viên đối lập nhiệt tình, đã gia nhập đảng Cứu nguy Dân tộc vào tháng 06/2013, từng tham gia nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ, bao gồm cả cuộc biểu tình trên phố Veng Sreng. Trả lời đài Al Jazeera, một mặt xác nhận rất thích đề nghị của đảng Cứu nguy Dân tộc muốn giúp Cam Bốt phát triển nhanh hơn, nhưng một mặt khác thanh niên này cho biết rất tâm đắc với lập trường chống người Việt nhập cư của đảng.

Thanh niên này đoán chắc rằng nhiều quan chức chính phủ hàng đầu là người Việt giả mạo thành người Cam Bốt : « Họ gửi người của họ sang Cam Bốt và cài Hun Sen lên làm lãnh đạo… để có được lãnh thổ Cam Bốt ».
Đối với đảng viên đảng Cứu nguy Dân tộc này, các tiểu thương như trường hợp ông Sok Min thực sự là gián điệp : « Một số chủ tiệm cà phê là gián điệp được cử qua để có được thông tin từ Cam Bốt. Tất nhiên họ có thể khẳng định rằng Cam Bốt là một nơi tốt cho kinh doanh và sinh hoạt, nhưng tôi đã nhìn thấy chứng minh thư của họ và họ là công an Việt Nam ».

Theo Al Jazeera, Thủ tướng Hun Sen vẫn duy trì một mối quan hệ thân thiết với Việt Nam, một kẻ thù lịch sử của Cam Bốt, qua đó cung cấp một mục tiêu tấn công dễ dàng cho đảng Cứu nguy Dân tộc. Trong một chuyến thăm Việt Nam gần đây, ông có bài phát biểu bằng tiếng Việt trôi chảy về tình hữu nghị giữa hai nước. Một clip video về sự kiện này được lưu truyền trên YouTube và nhanh chóng thu hút được hàng trăm ý kiến tức giận.

Ngoài ra, chính quyền Phnom Penh cũng có phần lỏng lẻo trong việc thực thi luật nhập cư trong trường hợp các di dân kinh tế Việt Nam như ông Sok Min, nhiều người trong số này đổi lại đã thể hiện sự trung thành với đảng Nhân dân Cam Bốt.

Họ đã mất tất cả

Cheam Yeap, một dân biểu cấp cao trong đảng cầm quyền đã bảo vệ các chính sách của chính phủ đối với Việt Nam, cho đấy chỉ là một vấn đề hợp tác khéo léo với một người hàng xóm hùng mạnh. Theo nhân vật này, việc đảng Cứu nguy Dân tộc nêu bật Việt Nam như một kẻ thù và kỳ thị một quốc gia láng giềng là một trò « rất nguy hiểm, và tác hại mạnh mẽ đến lợi ích quốc gia của Cam Bốt » vì có tác dụng xua đuổi du khách và các nhà đầu tư Việt Nam.

Đối với chuyên gia David Chandler, giáo sư danh dự tại Đại học Úc Monash, từng nghiên cứu về Cam Bốt trong hàng chục năm, đã gọi các lời cáo buộc chống Việt Nam của ông Sam Rainsy là những « mưu mẹo ». Chuyên gia này giải thích : « [Sam Rainsy] ít khi dẫn chứng cho các lời cáo buộc của ông ta. Điều chắc chắn là doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đang gây hại ở Cam Bốt, nhưng cũng tương tự như những người Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc ». Giáo sư Chandler không chắc rằng những người buôn bán nhỏ và người nhập cư kinh tế khác đến từ Việt Nam đã làm tổn hại đến lợi ích của Cam Bốt.

Phóng sự của đài truyền hình Ả Rập kết thúc bằng câu chuyện một phụ nữ Cam Bốt, bà Ben Daravy, phải bận rộn suốt tuần này để quét dọn cửa hàng tại phố Veng Sreng mà bà đang muốn cho người khác thuê. Người thuê trước đó, một phụ nữ độc thân người Việt, đã bỏ chạy về Việt Nam sau hôm mồng 03/01/2014 sau khi quán cà phê của bà bị một đám đông phá cửa xông vào, cướp đi tất cả đồ đạc cũng như dụng cụ làm bếp. Những kẻ này còn đe dọa sẽ đốt cháy căn nhà, khiến cho người phụ nữ đó cùng đứa con gái phải trốn đi bằng cửa sau và không bao giờ quay trở lại.

Bà Daravy không nén nỗi tức giận : « Họ mang xăng đến đòi đốt nhà, và họ đã có thể làm thật nếu không có một người hàng xóm ngăn cản, nói với họ rằng chủ thực sự của cửa hàng này là người Khmer chứ không phải là người Việt ».

Người phụ nữ Cam Bốt này đã tỏ ý rất thông cảm với người thuê cũ của mình : « Người Việt thuê nhà ấy đã mất tất cả mọi thứ, tôi cũng mất rất nhiều nên không thể giúp bà ấy điều gì cả »./

10 Tháng Sáu 2018(Xem: 6801)
Shagri-La 2018: Chỉ là bước khởi đầu