Cánh cửa chỉ mới hé mở cho bà Aung San Suu Kyi tranh cử tổng thống

13 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 10294)

RFI Thứ hai 06 Tháng Giêng 2014

Cánh cửa chỉ mới hé mở cho bà Aung San Suu Kyi tranh cử tổng thống

image071

Bà Aung San Suu Kyi lần đầu bước vào Quốc hội Miến Điện tại Naypyitaw ngày 2/5/2012.

REUTERS/Soe Zeya Tun

Thanh Phương

Hôm qua, 05/01/2014, hàng ngàn người đã biểu tình ở Rangun để đòi xóa bỏ những đạo luật mang tính trấn áp và chấm dứt các vụ bắt giữ mang tính chính trị ở Miến Điện. Nhưng những người biểu tình cũng đòi chính phủ sửa đổi bản Hiến pháp năm 2008, để lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi có thể lên làm tổng thống Miến Điện.

Hiến pháp Miến Điện năm 2008, do chính quyền quân sự cũ soạn thảo, đã được thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý đúng một tuần sau cơn bão Nargis ( khiến 138 ngàn người chết và mất tích ). Hiến pháp này trao rất nhiều quyền cho phe quân đội, trong đó họ được nắm 25% số ghế của Quốc hội không cần qua bầu cử.

Đặc biệt, Hiến pháp hiện hành cấm một công dân Miến Điện có chồng hoặc con mang quốc tịch nước ngoài trở thành Tổng thống. Điều khoản này như vậy cản trở nhà đối lập Aung San Suu Kyi lên làm nguyên thủ quốc gia Miến Điện, bởi vì chồng quá cố của bà là người Anh, và hai con trai của bà hiện mang quốc tịch nước ngoài.

Bà Aung San Suu Kyi đã cho biết sẽ đại diện đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ ra tranh chức tổng thống Miến Điện. Chức vụ này sẽ được chọn bởi các dân biểu Quốc hội được bầu lên trong cuộc bầu cử năm 2015. Liên đoàn quốc gia vì dân chủ được dự báo là sẽ giành thắng lợi và như vậy ứng cử viên của đảng này trên nguyên tắc sẽ được chọn là tổng thống .

Trong thời gian gần đây, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã liên tiếp đưa ra lời kêu gọi sửa đổi Hiến pháp Miến Điện theo đúng các chuẩn mực dân chủ. Ngày 02/01 vừa qua, ngay chính tổng thống Miến Điện Thein Sein cũng đã tuyên bố ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt là sửa đổi điều khoản cản trở nhà đối lập Aung San Suu Kyi trở thành tổng thống.

Là một cựu tướng lãnh, tiếng nói của ông Thein Sein dĩ nhiên là có ảnh hưởng rất lớn, thế nhưng theo quy định hiện hành, mọi sửa đổi Hiến pháp cần phải được thông qua với hơn 75% số phiếu ở Quốc hội. Điều này có nghĩa là muốn sửa đổi Hiến pháp, nhất thiết phải có sự ủng hộ của phe quân sự Miến Điện, mà như đã nói ở trên hiện đang nắm 25% số ghế ở Quốc hội. Chính vì vậy mà thứ bảy tuần trước, bà Aung San Suu Kyi đã kêu gọi quân đội tham gia vào việc cải tổ Hiến pháp.

Từ cách đây vài tháng, một Ủy ban Quốc hội, gồm đại diện của các chính đảng và của quân đội, đã bắt đầu họp bàn về cải tổ Hiến pháp Miến Điện. Ủy ban này sẽ trao báo cáo kết luận trước cuối tháng Giêng. Nhưng không chắc là ủy ban này sẽ đưa ra những đề nghị theo đúng mong muốn của phe đối lập. 

Trước mắt, người ta được biết là Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang, đảng của tổng thống Thein Sein, hiện nắm đa số ở Quốc hội Miến Điện, chỉ đề nghị một sửa đổi nhỏ về Hiến pháp, tức là con dâu của ứng cử viên tổng thống không nhất thiết là công dân Miến Điện. Nhưng các dân biểu đảng này vẫn giữ nguyên quy định là các con của ứng cử viên tổng thống phải là người mang quốc tịch Miến Điện. Theo lời một dân biểu Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang, để bà Aung San Su u Kyi tranh cử tổng thống, hai con trai của bà phải từ bỏ quốc tịch nước ngoài và xin nhập tịch Miến Điện.

Trong bài phát biểu ngày 02/01, tổng thống Thein Sein đã không nhắc đến những đề nghị sửa đổi Hiến pháp của đảng cầm quyền, cũng như không nói rõ là ông sẽ thúc đẩy đảng của ông đi xa hơn nữa hay không. Hiện cũng chưa biết là ông Thein Sein có tranh chức tổng thống nhiệm kỳ 2 hay không.

Một điều chắc chắn là các ứng cử viên tổng thống của đảng cầm quyền sẽ tìm cách ngăn chận việc sửa đổi Hiến pháp theo hướng có lợi cho nhà đối lập Aung San Suu Kyi, cho dù làm như vậy là đi ngược lại với xu thế dân chủ hóa ở Miến Điện./

++++++++++++++++

Ngoại trưởng Mỹ: Hỗ trợ hàng hải không nhằm vào ai

image072 Trong cuộc họp báo chung với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng John Kerry đã khẳng định gói viện trợ Mỹ dành cho khu vực, trong đó có Việt Nam, nhằm nâng cao các khả năng hàng hải là không nhằm vào một quốc gia nào, một căng thẳng cụ thể nào trong khu vực.

 “Đó là một phần của sự mở rộng từng bước và được lên kế hoạch trước. Nó mở rộng các thỏa thuận và chương trình mà chúng ta đang có, nó cũng là cam kết xây dựng khả năng hàng hải mạnh mẽ hơn trong ASEAN và trong khu vực. (COC) Vì thế, đây thực sự là một chính sách đang diễn ra và không phải là kiểu phản ứng nhanh chóng với bất kể sự kiện nào trong khu vực”, ông Kerry trả lời phóng viên Reuters về việc liệu quyết định gia tăng hỗ trợ hàng hải của Mỹ cho khu vực có trùng khớp với diễn biến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông.

image073

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng John Kerry chiều 16/12 tại Hà Nội. Ảnh: Minh Thăng

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói thêm, dù có bất đồng trên biển nhưng “chúng tôi có thỏa thuận về sáu nguyên tắc giải quyết các vấn đề, chúng tôi đang thực thi DOC và trên đường xây dựng COC. Những biện pháp này sẽ duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải”.

Trong cuộc họp báo chung trước phần hỏi đáp, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, hai bên đang nỗ lực làm việc để thúc đẩy an ninh khu vực. “Chúng tôi đang mở rộng hợp tác về hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa cũng như các khả năng tìm kiếm cứu hộ”.

Ông Kerry tuyên bố: “Không một khu vực nào có thể an toàn nếu thiếu vắng sự thực thi pháp luật có hiệu quả trên biển. Vì thế, hôm nay tôi vui mừng thông báo việc Mỹ quyết định hỗ trợ 32,5 triệu USD cho thực thi luật pháp hàng hải ở các nước Đông Nam Á. Gói hỗ trợ này bao gồm cả việc đào tạo và mua sắm tàu mới cho đơn vị phòng vệ bờ biển. Nó sẽ góp phần mở rộng hợp tác khu vực trong các vấn đề hàng hải và cuối cùng là cung cấp khả năng cho các nước Đông Nam Á thực hiện hoạt động nhân đạo, giám sát vùng biển của họ một cách hiệu quả hơn”.

Về vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh:

- “Hòa bình và ổn định ở Biển Đông là ưu tiên của chúng tôi và các nước trong khu vực.

- Chúng tôi quan ngại và phản đối mạnh mẽ chiến thuật áp chế, gây hấn để giành lợi thế trong tuyên bố chủ quyền lãnh thổ.

- Các bên tuyên bố chủ quyền có trách nhiệm làm rõ tuyên bố của mình và để các tuyên bố ấy phù hợp với luật pháp quốc tế.

- Các nước có thể nhờ trọng tài phân xử hay các phương tiện khác của đàm phán để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

- Chúng tôi ủng hộ nỗ lực của ASEAN với Trung Quốc nhằm nhanh chóng đi tới Bộ quy tắc ứng xử trên biển. Trong khi Bộ quy tắc là điều cần thiết về dài hạn, thì các nước có thể giảm bớt nguy cơ hiểu lầm, tính sai bằng cách thỏa thuận ngăn chặn khủng hoảng.

- Đây là con đường đơn giản để nỗ lực và giảm thiểu căng thẳng, cố gắng giảm bớt nguy cơ xung đột”.

Ông Kerry bày tỏ những quan ngại về các hành động gần đây làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở Hoa Đông. “Chúng tôi kêu gọi nhanh chóng tăng cường đàm phán và các sáng kiến ngoại giao”, ông nói.

Ngoại trưởng Mỹ cũng nói rõ quan điểm về Vùng nhận diện phòng không mà Trung Quốc tuyên bố thiết lập ở Hoa Đông - nơi họ có tranh chấp với Nhật. “Liên quan tới tranh chấp lãnh thổ, tôi bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tuyên bố của Trung Quốc trong việc thành lập Vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông. Động thái này rõ ràng làm tăng nguy cơ hiểu lầm nguy hiểm cũng như xảy ra sự cố, nó có thể làm leo thang căng thẳng hơn nữa. Tôi nói với ngài Phó Thủ tướng rằng, Mỹ không công nhận vùng này và không chấp thuận nó. Tuyên bố của Trung Quốc sẽ không thay đổi cách Mỹ thực hiện các hoạt động quân sự trong khu vực”.

Ông tuyên bố: “Đây là mối quan ngại mà chúng tôi rất thẳng thắn, rất trực tiếp thể hiện với Trung Quốc. Vùng nhận diện phòng không không nên được thực thi, và Trung Quốc nên tránh những hành động đơn phương tương tự ở các nơi khác trong khu vực, nhất là ở Biển Đông”.

Thái An

+++++++++++++++++++

Các tập đoàn lớn của Mỹ tìm cơ hội ở Việt Nam

 

(VNExpress) 16 công ty Mỹ, trong đó có nhiều tập đoàn lớn nhất nhì thế giới, muốn tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam khi suy thoái kinh tế vẫn chưa kết thúc.

image074

Tập đoàn dầu khí Chevron của Mỹ đang đàm phán với PetroVietnam về dự án khai thác khí trị giá hơn 4 tỷ USD. Ảnh: tehrantimes

 

Đoàn đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội kinh doanh lần này có các tập đoàn lớn như Abbott, tập đoàn tài chính AIG, Công ty Caterpillar, tập đoàn dầu khí Chevron, Công ty ConocoPhillips, Công ty dầu khí ExxonMobil, hãng Ford, tập đoàn General Electric, hãng truyền thông Time Warner.

Trong buổi họp báo sáng nay, ông Matthew P. Daley, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (US-ASEAN) nói: “Mặc dù kinh tế đang ở giai đoạn khó khăn, các công ty Mỹ vẫn hết sức quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam".

Chủ tịch Hội đồng US-ASEAN cho rằng từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, xu hướng đầu tư vào Việt Nam trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ngày càng phát triển. Ông khẳng định trong vòng 3-5 năm tới, nước này sẽ trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam.

Tập đoàn General Electric (GE) - công ty lớn nhất thế giới theo xếp hạng năm 2009 của Forbes, hay Chevron - công ty lớn thứ 9 thế giới, đã có mặt tại Việt Nam từ nhiều năm thông qua các tổ chức phi chính phủ. Nhiều tổ chức trong số đó tham gia hỗ trợ người dân vùng sông Mekong, mở rộng mạng lưới giáo dục hay chăm sóc trẻ em.

Ông Hank Tomlinson, Tổng giám đốc Chevron Việt Nam cho biết, Chevron đang đàm phán với Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam về dự án khí ở ngoài khơi biển Đông trị giá 4 tỷ USD, trong đó Chevron sẽ góp 2,5 tỷ USD. Tính đến nay Chevron đã đầu tư 300 triệu USD làm công tác thăm dò.

Dự án nhằm cung cấp khí cho khu vực Mekong để chạy các nhà máy điện, đáp ứng nhu cầu điện năng. Nếu dự án sớm được Chính phủ phê duyệt, Chevron sẽ trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay.

Nhận xét về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, ông Stuart Dean, Chủ tịch General Electric khu vực Đông Nam Á nói: "Việt Nam là một trong những nước hết sức tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài". Ông cho biết dự án của GE tại Hải Phòng được chính quyền cấp giấy phép xây dựng chỉ vài ngày sau khi nộp đơn.

Doanh nghiệp sẽ có buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo của Chính phủ trong hai ngày tới để thảo luận về cơ hội đầu tư trong nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng, hàng không, dịch vụ tài chính ngân hàng, y tế, phát triển nguồn nhân lực, khai thác mỏ và truyền thông.

Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN có hơn 100 tập đoàn thành viên, phần lớn trong số đó nằm trong danh sách 100 công ty hàng đầu của Mỹ do tạp chí Fortune bình chọn./

 

Thanh Bình

+++++++++++++++++++

Quan hệ Trung Việt trước trận Hoàng Sa

Lý Hiểu Binh / Gửi tới BBC từ Hoa Kỳ

BBC - thứ tư, 23 tháng 1, 2013

 

image075

Từ 1968, Mao Trạch Đông và Lâm Bưu nói đến 'mối đe dọa' từ Liên Xô

Tiếp tục loạt chuyên đề về Hoà đàm Paris 1973, BBC xin giới thiệu bài của Giáo sư Lý Hiểu Binh từ Đại học Central Oklahoma trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt và Tiếng Trung từ London về bối cảnh quan hệ Bắc Kinh với Moscow và Hà Nội từ 1968.

Giáo sư Lý Hiểu Binh, tác giả các cuốn sách và bài viết về quân đội Trung Quốc, cũng trình bày lại cách nhìn từ Bắc Kinh về trận hải chiến Hoàng Sa 1974.

Quan hệ Trung Xô đổi hướng

Vào ngày 31/3/1968, Tổng thống Lyndon Johnson tuyên bố tạm ngưng ném bom miền Bắc Việt Nam để bày tỏ một thiện chí hòa bình, và đã nhận được phản hồi tích cực từ Hà Nội qua tuyên bố ngày 4 tháng 4 rằng họ sẵn sàng thảo luận với người Mỹ.

Trung Quốc chỉ biết về chuyện Hoa Kỳ và Bắc Việt Nam (DRV) đàm phán với nhau mãi về sau này. Vào khoảng tháng 4 và 5, Bắc Kinh bắt đầu phê phán Hà Nội đi theo Moscow. Sau khi đàm phán tại Paris bắt đầu ngày 13/5/1968, Trung Quốc vẫn tiếp tục chỉ trích Bắc Việt nói chuyện với Hoa Kỳ. Ngày 31/10, Tổng thống Johnson ngưng oach tạc Bắc Việt cả trên đất liền và vùng ven biển. Trong lúc Bắc Kinh kiềm chế không tham gia hội đàm Paris thì Moscow, trái lại, luôn hào hứng ủng hộ đàm phán. Bắc Việt Nam bắt đầu dịch chuyển lại gần Liên Xô.

Cùng thời gian ban lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu cảm thấy có bằng chứng rằng Hoa Kỳ đã là cường quốc mất dần ảnh hưởng vì thất bại của họ tại Việt Nam, trong khi Liên Xô lại chiếm ngay ‘khoảng trống quyền lực’ đó và bắt đầu thay chân Mỹ để thành ‘đế quốc xâm lăng’. Trung Quốc và các nước châu Á khác dễ trở thành mục tiêu của ‘chủ nghĩa đế quốc Xô Viết’. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Nguyên soái Lâm Bưu và cộng sự coi Liên Xô là mối đe dọa trực tiếp hơn Hoa Kỳ.

Quan niệm của Lâm Bưu được các cấp chỉ huy và binh sỹ Quân Giải phóng tán đồng vì họ trực tiếp chứng kiến sự thù địch gia tăng của Liên Xô với Trung Quốc. Trong cuộc xâm lăng Tiệp Khắc năm 1968, quân Liên Xô đã tràn vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Praha, tập phá và đánh tàn bạo các nhà ngoại giao Trung Quốc. Khi căng thẳng hai bên lên cao, Liên Xô triển khai một số lượng lớn quân đội dọc biên giới Trung – Xô, từ 17 tăng lên tới 27 sư đoàn vào cuối 1968.

Chu Ân Lai cũng từng nói thẳng với Phạm Văn Đồng vào ngày 29/4 rằng: “Nay Liên Xô đang bao vây Trung Quốc và vòng vây đó đã gần trọn, chỉ còn phía Việt Nam là chưa.” Lâm Bưu ra lệnh cho Quân Giải phóng sẵn sàng chiến đấu chống trả Liên Xô một khi có xâm nhập.

image076
"Hai ông Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai ở Hà Nội năm 1960. Ông Hồ đã mời Trung Quốc cử quân đội sang Bắc Việt Nam hỗ trợ nỗ lực chiến tranh"

Các nhà nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng có một sự thay đổi chiến lược trong tư duy của Trung Quốc năm 1968. Vì coi Liên Xô là mối đe dọa hàng đầu, Trung Quốc cho rút quân khỏi Việt Nam mà trước đó họ sang theo lời mời của ông Hồ Chí Minh để đề phòng bị tấn công từ phía Bắc. [Trên thực tế] liên minh cộng sản ở Đông Nam Á coi như tan rã.

Ngày 17/11/1968, Mao nói với Thủ tướng Bắc Việt, Phạm Văn Đồng rằng một số đơn vị Trung Quốc sẽ rút về nước và Trung Quốc “sẽ gửi quân trở lại nếu người Mỹ quay lại”.

Vào tháng 3/1969, theo thỏa thuận giữa hai quân đội, Quân Giải phóng bắt đầu rút về, giảm dần từ 16 sư đoàn, gồm 150 nghìn quân, xuống không còn đơn vị phòng không nào ở Bắc Việt Nam vào tháng 7/1970.

Trong thời gian ở Việt Nam, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tham gia 2153 trận, bắn rơi 1707 máy bay Mỹ và làm hư hại 1608 chiếc trong trận Sấm Rền (Rolling Thunder) hay ‘Chiến tranh phá hoại miền Bắc’ theo cách gọi của Hà Nội.

Liên Xô thay dần Trung Quốc

Từ đầu tháng 3/1969 bắt đầu có va chạm dọc biên giới Trung – Xô. Các vụ bắn nhau xảy thường xuyên trong cả năm, và hai nước ở vào thế sắp lâm chiến. Sang đầu năm 1970, Liên Xô triển khai tới 48 sư đoàn, bằng gần một triệu quân dọc đường biên. Có tin rằng lãnh đạo Liên Xô tính cả đến cách dùng vũ khí nguyên tử để ‘đánh phủ đầu’ Trung Quốc. Hậu quả của tình hình đó là Quân Giải phóng tăng cường lực lượng lên tới tổng số sáu triệu quân, cao nhất trong lịch sử của họ.

Một tài liệu của CIA 12/8/1969 dự báo rằng:

“Gần như căng thẳng Trung – Xô sẽ không thể nào giảm trong vòng hai ba năm tới. Vì quyền lợi quốc gia xung đột nhau, vì sự cạnh tranh nhằm lãnh đạo phong trào cộng sản quốc tế, và sự lo sợ có thực về ý định của nhau sẽ khiến việc tiếp cận gần gũi không thể xảy ra. Vấn đề biên giới cũng sẽ không dễ giải quyết.”

Sau khi Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam và giảm viện trợ cho Hà Nội, Liên Xô ngay lập tức bù vào chỗ trống và còn tiếp tục hỗ trợ kinh tế, quân sự cho Bắc Việt Nam. Từ 1969 đến 1971, Moscow ký bảy hiệp định viện trợ cho Hà Nội. Năm 1972, Liên Xô tiếp tục tăng cường hệ thống phòng thủ bằng tên lửa ở Bắc Việt Nam.

Điều thú vị là các lãnh đạo Trung Quốc cũng khuyến khích phía Việt Nam yêu cầu thêm viện trợ từ Liên Xô. Chẳng hạn như Nguyên soái Diệp Kiếm Anh đã nói với Thứ trưởng Ngoại thương Bắc Việt Nam, ông Lý Ban, vào năm 1971, rằng “Các đồng chí cần yêu cầu Liên Xô chuyển nhiều, càng nhiều càng tốt vũ khí, đạn dược, lương thực”.

Khi Chủ tịch Ban thường vụ Quốc hội Trường Chinh thăm Bắc Kinh năm 1972, Thủ tướng Chu Ân Lai nói với ông rằng Bắc Việt Nam cần đòi hỏi nhiều hơn vũ khí, quân trang quân dụng từ Liên Xô.
image077 

"Từ những năm 1968-69, Liên Xô tăng cường nhiều sư đoàn quân đội đến biên giới với Trung Quốc"

Với Bắc Kinh, cam kết hỗ trợ liên tục cho cuộc chiến tranh tại Đông Dương đã và đang làm hao hụt nguồn lực của Liên Xô. Ngoài ra, mối đe dọa từ Liên Xô đã thúc đẩy lãnh đạo Trung Quốc cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ. Nhu cầu chiến lược này cuối cùng đã đưa tới chỗ bình thường hóa quan hệ Mỹ – Trung vào nửa đầu thập niên 1970.

Về tác động của nó đến cuộc chiến tại Đông Á và Chiến tranh Lạnh, giao ước Mỹ – Trung đã tạo ra thay đổi bước ngoặt trong thế chiến lược giữa hai cường quốc thời Chiến tranh Lạnh. Nếu như các nhà hoạch định chính sách ở Washington thấy nhờ đó mà việc tập trung nguồn lực và quan tâm chiến lược của Mỹ vào đối phó với Liên Xô dễ dàng hơn, Liên Xô lại coi việc phải đương đầu cùng lúc với Phương Tây và Trung Quốc là chuyện khiến sức mạnh của họ bị phân tán nghiêm trọng.

Không nổ súng trước

Quần đảo Hoàng Sa hay Paracels mà Trung Quốc gọi là Tây Sa nằm cách Đà Nẵng chừng 170 hải lý, giữa vĩ tuyến 15'45" và 17'05" và kinh tuyến đông 111'00" và 113'00". Quần đảo này gồm khoảng từ 15-30 hòn đảo, tùy cách tính...Sau hai thập niên quân đội Việt Nam Cộng Hòa đóng giữ, năm 1974, Hoàng Sa đã bị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa chiếm bằng vũ lực.

Nằm cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 330 hải lý về phía Đông Nam, quần đảo Hoàng Sa gồm các nhóm đảo Tuyên Đức (tên Việt Nam: nhóm An Vĩnh - BBC) và Vĩnh Lạc (nhóm Lưỡi Liềm) và chừng 30 đảo nhỏ khác nằm trải rộng trên khoảng 15 nghìn km2. Đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm) là đảo lớn hơn cả, có diện tích 1,6 km2 và hiện nay chính quyền Hải Nam và Quân Giải phóng có trụ sở chính…

Vào tháng 9/1973, VNCH ra tuyên bố sáp nhật đảo Nam Yết và Thái Bình ở Trường Sa cùng 10 đảo khác thuộc vào lãnh thổ trên đất liền (tỉnh Phước Tuy- BBC) nhằm giữ quyền khai thác nguồn lợi thiên nhiên như dầu. Ngày 11/1/1974, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra công bố chính thức “xác nhận chủ quyền của nước này Nam Sa, Tây Sa, Trung Sa và Đông Sa và toàn bộ các nguồn lợi tự nhiên xung quanh là thuộc về CHND Trung Hoa”.

"Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình và Tô Chấn Hoa đã báo cáo lên Mao Trạch Đông và đề nghị Trung Quốc chiếm nốt các đảo do Nam Việt Nam kiểm soát và Mao đã đồng ý."

Ngày 15/1/1974, Hải quân VNCH gửi một khu trục hạm ra vùng biển quanh đảo Vĩnh Lạc. Sang ngày 16, phía Nam Việt Nam bắn vào đảo Cam Tuyền (Việt Nam: đảo Hữu Nhật) buộc các tàu đánh cá của Trung Quốc phải rời vùng này. Sang ngày 17, phía Việt Nam cử một khu trục hạm nữa chở quân lính đến chiếm Cam Tuyền và Kim Ngân (đảo Quang Ảnh) và nhổ cờ Trung Quốc. Nguyên soái Diệp Kiếm Anh (1897-1986), Bộ trưởng Quốc phòng và Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương đã hạ lệnh cho Hải quân Quân Giải phóng trực chiến và sẵn sàng mở chiến dịch bảo vệ Tây Sa.

Nhằm bảo vệ chủ quyền và quyền đánh bắt cá, chính phủ Trung Quốc đã quyết định có biện pháp trước tình hình này. Các tàu cá tiếp tục hành nghề nhưng luôn chú ý đến các hoạt động của Hải quân VNCH. Cùng lúc, Hải quân Trung Quốc triển khai hai chiến hạm săn tàu ngầm số 271 và 274 đến đảo Vĩnh Lạc để bảo vệ ngư dân và dân quân Trung Quốc; hai tàu quét mìn cũng được cử đến, cùng các nguồn cung ứng nước ngọt và tiếp liệu.

Chiến lược của Trung Quốc là không nổ súng trước nhưng nếu Nam Việt Nam khai hỏa trước thì Trung Quốc sẽ đánh trả tàn bạo. Nguỵ Minh Sâm, chỉ huy trưởng của căn cứ hải quân Ngọc Lâm được phong làm ‘tư lệnh chiến dịch bảo vệ Tây Sa’.

Ngày 17/1, hai chiến hạm săn ngầm của Trung Quốc chở một số dân quân ra Tấn Khánh (tên Việt Nam: Duy Mộng), và Sâm Hàng (Quang Hòa). Khi đến khu vực này họ chứng kiến hai tuần dương hạm số 4 và 16 của VNCH đã bắn vào thuyền cá Trung Quốc.

Phía Trung Quốc cảnh báo phía Việt Nam ngay lập tức và yêu cầu ra khỏi khu vực. Ngày 18/1 hai khu trục hạm Việt Nam quay lại và bắn vào các tàu cá Trung Quốc tám lần, phá hỏng một thuyền phía Bắc bãi Linh Dương (đá Hải Sâm).

Đến tối, phía Nam Việt Nam cử thêm tuần dương hạm số 5 (Trần Bình Trọng) và hộ tống hạm số 10 (Nhật Tảo) vào vùng nước cạnh Vĩnh Lạc. Như thế có bốn chiến hạm Nam Việt Nam trong khu vực và sau đó, Hải quân Trung Quốc cử thêm hai tuần ngầm số 281 và 282 tới đảo Vĩnh Hưng.

Mao đồng ý chiếm trọn

Ngày 18/1, theo yêu cầu của Thủ tướng Quốc vụ viện kiêm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Chu Ân Lai (1898-1976), Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc họp phiên đặc biệt cùng nhằm lập ra ban chuyên trách năm người để ứng phó với tình hình. Các vị Diệp Kiếm Anh, chủ nhiệm ban chuyên trách, cùng Vương Hồng Văn (1935-1992), Trương Xuân Kiều (1917-2005), Đặng Tiểu Bình (1904-1997) và Trần Tích Liên (1915-1999) đã nghe Tô Chấn Hoa (1912-1979), Phó Tư lệnh Hải quân báo cáo tình hình và đề nghị phản công.

image078

"Sau khi chiến đấu được 1 giờ 37 phút, chiến hạm số 10 (Nhật Tảo) của Hải quân VNCH bị hư hỏng nặng"

Ban chuyên trách đã ngay lập tức công bố bản hướng dẫn nhằm đánh lại các tuần dương hạm của VNCH tại đảo Vĩnh Lạc. Căn cứ vào bản hướng dẫn này, phía Trung Quốc đã chuẩn bị cho chiến dịch.

Vào 4:10 chiều ngày 18/1, ba tàu tuần dương của Việt Nam đã lập thành một đội hình nhằm tiến vào chỗ hai tàu săn ngầm số 271 và 274 của Trung Quốc. Hai tàu này nhổ neo và lao tới tăng hết tốc lực chặn đội tàu Việt Nam. Các tàu VNCH vì thế đã quay lại.

Vào lúc 7:00 sáng ngày 19/1, hai tàu số 4 và số 5 của VNCH đem hơn 40 binh sỹ đổ bộ vào hai đảo Sâm Hàng (Quang Hòa) và Quang Kim (Quang Hòa Tây). Sau cuộc đổ bộ, hai bên bắt đầu đọ súng.

Một binh sỹ VNCH bị bắn chết, ba người khác bị thương. Chừng 10:22 sáng, bốn tàu Việt Nam bắn vào tàu Trung Quốc, phía Trung Quốc bắn trả. Trong loạt đạn đầu tiên, phía Trung Quốc bắn hỏng ăng-ten cho radar trên tàu số 4 của VNCH. Tàu VNCH số 16 cũng bị tàu chống ngư lôi của Trung Quốc bắn trúng và phải rời khu vực. Các tàu Trung Quốc sau đó tập trung hỏa lực và tàu số 10 của Việt Nam.

Sau khi chiến đấu được 1 giờ 37 phút, các tàu Việt Nam để lại chiến hạm số 10 bị hư hỏng nặng. Tàu này tìm cách bơi đến bãi Linh Dương như không được. Hai tàu số 281 và 282 của Trung Quốc đã bắn chìm nó. Cùng thời gian, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình và Tô Chấn Hoa đã báo cáo lên Mao Trạch Đông và đề nghị Trung Quốc chiếm nốt các đảo do Nam Việt Nam kiểm soát và Mao đã đồng ý.

Sau trận hải chiến thành công ngoài biển, quân đội Trung Quốc đã đổ bộ xuống Cam Tuyền, San Hô (đảo Hoàng Sa), Kim Ngân (Quang Ảnh) và chiếm đóng các đảo này.

Trong trận chiến ‘Bảo vệ Tây Sa’ của Trung Quốc, có 18 binh sỹ Trung Quốc bị giết, 67 bị thương và phía Việt Nam có hơn 100 sỹ quan và binh sỹ bị giết hoặc bị thương (74???), 49 người bị bắt làm tù binh.

Giáo sư Lý Hiểu Binh giảng dạy tại Đại học Central Oklahoma và là tác giả cuốn 'A History of the Modern Chinese Army'

++++++++++++++.

Đô đốc Samuel Locklear:

"Chúng tôi sẽ phản đối việc bất kỳ ai dùng vũ lực để thay đổi trạng thái nguyên trạng (status quo) hiện nay" ông Locklear nói với các phóng viên trong chuyến công du tới Malaysia.

"Chúng ta cần duy trì những gì ở đâu thuộc ai thì vẫn như thế cho tới khi chúng ta có được bộ qui tắc ứng xử hoặc một giải ơhasp mà các quốc gia liên quan chấp nhận một cách hòa bình."

Hoa Kỳ phản đối dùng vũ lực ở Biển Đông

BBC - thứ tư, 5 tháng 6, 2013

 

image079

Đô đốc Locklear nói ông tin rồi cũng sẽ có một sự thỏa hiệp.

Hoa Kỳ sẽ phản đối bất kỳ động thái của nước nào dùng vũ lực để chiếm giữ các khu vực có tranh chấp tại Biển Đông, Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nói vào hôm thứ Tư.

Mặc dù không nêu tên nước nào cụ thể, Đô đốc Samuel Locklear nói thêm rằng các nước tuyên bố có chủ quyền tại khu vực này có thể cần phải thỏa hiệp để giải quyết tranh chấp chủ quyền.

"Chúng tôi sẽ phản đối việc bất kỳ ai dùng vũ lực để thay đổi trạng thái nguyên trạng (status quo) hiện nay" ông Locklear nói với các phóng viên trong chuyến công du tới Malaysia.

"Chúng ta cần duy trì những gì ở đâu thuộc ai thì vẫn như thế cho tới khi chúng ta có được bộ qui tắc ứng xử hoặc một giải ơhasp mà các quốc gia liên quan chấp nhận một cách hòa bình."

Chính phủ các nước châu Á muốn có một bộ qui tắc ứng xử với Trung Quốc có tính ràng buộc nhằm ngăn các hành động thù địch và phòng ngừa giao tranh.

Tuy nhiên Bắc Kinh chưa nói rõ ki nào họ sẽ bàn thảo đề xuất này.

"Chúng tôi sẽ phản đối việc bất kỳ ai dùng vũ lực để thay đổi trạng thái nguyên trạng "

Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ

Đô đốc Locklear nói rằng Hoa Kỳ sẽ không đứng về phía nào nhưng cho biết thêm một bộ qui tắc ứng xử sẽ tạo điều kiện cho hải quân "hiểu được biên giới của những gì ho có thể (sẽ) làm để phục vụ một cách tốt nhất cho một giải pháp hòa bình."

Cần phải kiềm chế

Tuy nhiên ông nói nhiều khả năng sẽ không có leo thang theo chiều hướng xấu bởi các nước "hiểu rằng đây có thể là một quá trình lâu dài, và họ hiểu cần phải kiềm chế".

Trung Quốc đã và đang tìm kiếm cách giải quyết tranh chấp qua đàm phán song phương, nhưng một số nước muốn có đàm phán đa phương.

"Dường như tôi thấy rằng khi người ta có cách tiếp cận tập thể thì sẽ khả dĩ hơn về lâu dài," Đô đốc Locklear nói.

image079

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phác họa kế hoạch tái cân bằng của hải quân và không quân trong những năm tới.

"Người ta không thể giải quyết được tình huống phức tạm mà lại chỉ nhận mà lại không chịu cho. Do đó về lâu dài sẽ có sự thỏa hiệp".

Tại hội nghị thường niên về an ninh, Đối thoại Shangri La, ở Singapore mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đưa ra thêm nhiều chi tiết về chính sách của chính quyền Obama nhằm tái cân bằng hoạt động ngoại giao và quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Hagel nhấn mạnh rằng năm 2020 không chỉ 60% lực lượng Hải quân Mỹ sẽ được tập trung vào Thái Bình Dương, mà còn có tới 60% lực lượng không quân, bao gồm sự hiện diện của một số loại phi cơ chiến đấu, cường kích tối tân như F-22 Raptor và F-35 Joint Strike.

Sự kết hợp của công nghệ mới, khái niệm mới và những gì ông gọi là khả năng 'thay đổi cuộc chơi' khác sẽ đảm bảo cho người Mỹ có thể tự do hành động ở khu vực trong tương lai.

Phóng viên về quốc phòng và ngoại giao BBC, Jonathan Marcus, nhận định bài phát biểu của ông Hagel đã không thuyết phục được phái đoàn quân sự Trung Quốc tại hội nghị.

Và cuối tuần này Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp cấp cao tại California với Tổng thống Mỹ Barack Obama, sự kiện được cho là sẽ thu hút sự chú ý của giới quan sát đặc biệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi mà cả hai quốc gia có thể có những cạnh tranh nhất định về quyền lợi cũng như quan tâm chiến lược./

18 Tháng Sáu 2017(Xem: 18618)
Cuộc triển lãm vũ khí gần Tokyo, do các bộ Quốc Phòng, Ngoại Giao và Công Nghiệp Nhật bảo trợ, sẽ là dịp để các nhà sản xuất Nhật « chào hàng » với các đối tác Đông Nam Á. Nhưng họ sẽ phải cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc, nhất là vì Trung Quốc bán vũ khí giá rẻ hơn cho các nước Đông Nam Á.