RFI Thứ bảy 30 Tháng Mười Một 2013
Lập vùng phòng không tại Biển Đông đối với Trung Quốc không dễ !
Creative commons / US Air Force
Trọng Nghĩa
Ngay khi loan báo thành lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ của mình trên Biển Hoa Đông ngày 21/11/2013, Trung Quốc còn nói thêm là sẵn sàng thiết lập vùng phòng không của họ tại các vùng biển khác. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, đối với Trung Quốc, việc lập thêm vùng phòng không tại Biển Đông không phải là một công việc dễ dàng.
Dẫu sao thì tuyên bố của Bắc Kinh đã làm dấy lên quan ngại về khả năng Trung Quốc triển khai « mô hình Hoa Đông » tại Biển Đông, nơi họ đòi hởi chủ quyền trên 80% diện tích, trực tiếp tranh chấp với 4 nước Đông Nam Á là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Philippines là nước đầu tiên đã công khai bày tỏ thái độ lo âu. Trả lời phỏng vấn trên một đài truyền hình hôm 28/11/2013, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho rằng tuyên bố lập vùng phòng không của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông đã gợi lên khả năng nước này có thể làm điều tương tự ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Philippines xác định : « Có nguy cơ là Trung Quốc sẽ kiểm soát không phận (ở Biển Đông) ». Đây là một điều đáng ngại vì theo ông Del Rosario, tại vùng Biển Hoa Đông, với vùng phòng không vừa thành lập, Trung Quốc đang « biến cả một vùng trời thành không phận nội địa của Trung Quốc. Và đó là một hành động lân chiếm, phương hại đến sự an toàn của hàng không dân sự. ».
Một số nhà phân tích tuy nhiên đã thử tìm hiểu về tính khả thi của một vùng phòng không của Trung Quốc trên Biển Đông và đã cho rằng căn cứ vào tình hình hiện nay, đây là một đề án rất khó thực hiện.
Trong một bài phỏng vấn dành cho hãng tin Mỹ Bloomberg vào hôm qua, 29/11, chuyên gia về Biển Đông Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc đã nêu bật một số trở ngại ngăn không cho Bắc Kinh áp đặt một vùng phòng không trên Biển Đông như họ đã làm được đối với Biển Hoa Đông
Câu hỏi trước tiên là kích thước của vùng phòng không đó. Theo ông Thayer, Bắc Kinh có hai lựa chọn : một là thiết lập một khu vực giới hạn chung quanh đảo Hải Nam, và hai là khuếch đại vùng này để bao gồm tất cả các vùng bên trong đường lưỡi bò mà Bắc Kinh dùng để đòi hỏi chủ quyền.
Đối với giáo sư Thayer, trong giả thuyết mà Bắc Kinh chọn phương án thứ hai, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát vùng phòng không tại Biển Đông vì không có phương tiện kỹ thuật.
Nếu tại vùng Đông Bắc Á, tức là vùng Biển Hoa Đông, phi cơ Trung Quốc có thể nhanh chóng bay từ đất liền ra biển, không cần phải tiếp tế nhiên liệu, có thể đến nơi mau hơn, ở lâu hơn trên không, quay về để lấy nhiên liệu rồi bay tiếp, thì tại Biển Đông, Trung Quốc chưa có được tiềm lực không quân hùng hậu như vậy.
Họ có thể triển khai máy bay, nhưng thời gian trụ lại trên không rất ít oi, và không quân Trung Quốc lại phải hoạt động ở những vùng xa xôi. Nếu gặp khó khăn, họ phải đi lại trên một chặng đường dài chứ không như ở miền Bắc.
Mặt khác, ở Biển Đông, Trung Quốc phải tính đến sự hiện diện của không quân Việt Nam, vốn đã cho phi cơ của mình tuần tra trên vùng đảo Trường Sa. Mặt khác, vùng phòng không đó lại cản trở việc quân đội Mỹ luân phiên trung chuyển qua các căn cứ tại Philippines.
Tóm lại, chỉ riêng về mặt địa chính trị và thuần túy kỹ thuật, vùng phòng không của Trung Quốc tại Biển Đông là một điều khó thực hiện. Đó là chưa kể đến khía cạnh chính trị, khi Trung Quốc đang lại tìm cách chiêu dụ các nước Đông Nam Á./
+++++++++++++
B-52 của Mỹ bay qua “vùng xác định phòng không” của Trung Quốc
RFA 26.11.2013
Máy bay B-52 của Mỹ mang tên lửa X-51A WaveRider bay trên bầu trời California vào tháng 1 năm 2013.
U.S. Air Force photo/Bobbi Zapka
Hai oanh tạc cơ chiến lược B-52 của Hoa Kỳ hôm thứ ba vừa bay qua không phận quốc tế nơi Trung Quốc vừa ấn định là vùng xác định phòng không thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Tin từ Ngũ giác Đài hôm thứ ba cho hay các viên chức quốc phòng Hoa Kỳ nói hai phi cơ B-52 chỉ thi hành cuộc huấn luyện thường lệ đã được ấn định từ lâu, trước khi Trung Quốc áp đặt vùng phòng không, và Hoa Kỳ tiếp tục xác định quyền sử dụng vùng trời này, mà Hoa Kỳ coi là không phận quốc tế.
Ngũ Giác Đài cũng cho biết hai phi cơ ném bom chiến lược B-52 cất cánh từ Guam, bay qua không phận vùng quần đảo Senkakư/ Điếu ngư tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc lúc 7 giờ sáng giờ Tokyo, tức 7 giờ giờ Việt Nam, và trở về cùng nơi xuất phát, mà không gặp phản ứng nào của Bắc Kinh.
Hôm qua Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel đã ra tuyên bố rằng hành động của Trung Quốc không thể làm thay đổi phương cách Hoa Kỳ tiến hành những hoạt động quân sự trong khu vực.
Bản tuyên bố xác định: Hoa Kỳ giữ vững những cam kết với các đồng minh và đối tác, tái xác nhận rằng Hiệp ước quốc phòng Mỹ-Nhật được áp dụng cho khu vực quần đảo Senkakư.
Cũng ngày, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ là Đại Tá Steve Warren đã tuyên bố rằng máy bay mang cờ hiệu của Mỹ khi bay qua khu vực mà Trung Quốc mới quy định sẽ không làm những những thủ tục mà Bắc Kinh vừa đưa ra, tức không thông báo cho đài kiểm soát không lưu của Trung Quốc biết tên hãng hàng không, chuyến bay, điểm đến, và tần số liên lạc.
RFI Thứ năm 28 Tháng Mười Một 2013
Báo chí Trung Quốc : Bắc Kinh phản ứng quá chậm trước B-52 của Mỹ
US Air Force
Thụy My
Báo chí chính thức Trung Quốc hôm nay 28/11/2013 nói rằng Bắc Kinh đã mất quá nhiều thời gian để có phản ứng trước « hành động thách thức » của Washington – cho hai pháo đài bay B-52 bay ngang qua vùng nhận dạng phòng không mới được chế độ cộng sản Bắc Kinh tuyên bố.
Khi loan báo đã cho hai chiếc B-52 bay qua « vùng nhận dạng phòng không » mà không hề thông báo cho chính quyền Trung Quốc, Hoa Kỳ đã có « thái độ sai trái » trong một « cuộc chiến dư luận nhằm chống lại Bắc Kinh » - theo như khẳng định của tờ Global Times.
Tờ báo thuộc Đảng Cộng sản cho rằng Trung Quốc « không đạt được việc đáp trả thích đáng trong một thời gian thích hợp, và chúng tôi bị tràn ngập theo cấp số nhân một số lượng lời bình tiêu cực về vùng nhận dạng phòng không mới ».
Global Times kết luận : « Trung Quốc phải cải cách cơ chế quan hệ công chúng nhằm giành được phần thắng trong cuộc chiến tranh tâm lý do Washington và Tokyo tung ra ».
Hôm thứ Bảy tuần trước, Bắc Kinh đã đơn phương tuyên bố « vùng nhận dạng phòng không » bao trùm một phần lớn biển Hoa Đông, kể cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện đang do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền.
Theo các quy định mới do Bắc Kinh đưa ra, thì các phi cơ bay ngang qua vùng này phải trình kế hoạch bay, cho biết quốc tịch và giữ liên lạc vô tuyến với chính quyền Trung Quốc.
Nhưng hai pháo đài bay B-52 của Mỹ đã cất cánh từ đảo Guam ở Thái Bình Dương hôm thứ Hai 25/11 đã bay ngang qua « vùng nhận dạng phòng không » này mà không hề báo cho Trung Quốc. Tờ China Daily hôm nay cho rằng vụ hai chiếc B-52 này đã đi ngược lại những khẳng định của Washington là Hoa Kỳ đứng ngoài cuộc tranh chấp lãnh thổ Trung-Nhật.
Để gỡ lại chút thể diện, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định đã « liên tục giám sát » chuyến bay của hai pháo đài bay Mỹ.
Nhìn chung, báo chí chính thức Trung Quốc hôm nay nhận định vùng nhận dạng phòng không mới được áp đặt đã « thành công », cho dù đã gây ra những căng thẳng ngoại giao trong khu vực.
China Daily cam đoan : « Tình hình lộn xộn là do chính sách không khoan nhượng của Nhật, và thông điệp của Washington chỉ củng cố thêm tính hiếu chiến nguy hiểm của Tokyo, làm mất đi khả năng có thể có những dàn xếp ngoại giao »./
BBC - thứ sáu, 29 tháng 11, 2013
TQ điều chiến đấu cơ 'kèm' Mỹ và Nhật
Vùng nhận dạng phòng không do Trung Quốc lập trên biển Hoa Đông
Trung Quốc nói đã huy động chiến đấu cơ hôm 29/11 để theo dõi các phi cơ của Hoa Kỳ và Nhật bay qua vùng phòng không doTrung Quốc thiết lập ở biển Hoa Đông.
Vùng phòng không bao gồm cả khu vực do Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc cùng tuyên bố chủ quyền.
Hồi tuần trước Trung Quốc thông báo toàn bộ máy bay qua vùng này phải báo trước lịch trình và nhận dạng nếu không sẽ phải đối mặt với “các biện pháp phòng vệ khẩn cấp”.
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn nói họ không chấp nhận quy định trên của Trung Quốc và đã cho phi cơ quân sự bay trong khu vực.
Vùng nhận dạng phòng vệ (ADIZ) trong đó có vùng đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan cùng cho là họ có chủ quyền.
Nam Hàn thì tuyên bố chủ quyền với một đảo đá nhỏ trong vùng.
Việc thiết lập ADIZ gây ra phản ứng giận dữ lan rộng, với Hoa Kỳ gọi đây là “động thái gây bất ổn nhằm thay đổi hiện trạng trong khu vực”.
Hôm thứ Năm, Trung Quốc thông báo đã điều động chiến đấu cơ trong khu vực như là “biện pháp phòng vệ” và tiến hành giám sát như bình thường.
Phát ngôn viên Lực lượng Không quân Trầm Kim Khoa (Shen Jinke) cho biết, sáng hôm thứ Sáu 29/11 (giờ địa phương), hai phi công Trung Quốc đã phát hiện ra hai phi cơ giám sát của Hoa Kỳ và 10 máy bay của Nhật – kể cả loại máy bay cảnh báo sớm, máy bay giám sát và chiến đấu cơ – bay ngang qua vùng ADIZ, theo truyền thông địa phương dẫn lời.
Cũng không thấy ông Trầm nhắc tới việc có bất kỳ động thái nào xảy ra hay không.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ông Tần Cương nói Trung Quốc có quyền kiểm soát vùng này và việc tự do di chuyển trên vùng trời biển Hoa Đông không hề bị ảnh hưởng.
Độ tín nhiệm
Trung Quốc gửi tàu bệnh viện Hòa Bình tới giúp Philippines sau bão Hải Yến
Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Lye Liang Fook từ Đại học Quốc gia Singapore thì vấn đề vùng phòng không ở biển Hoa Đông hiện “vẫn chủ yếu là vấn đề của Trung Quốc và Nhật Bản”.
Tuy nhiên, tác giả này cho BBC News biết ý kiến rằng:
“Các thành viên Asean đều có quyền lợi trong việc duy trì ổn định khu vực. Họ muốn thấy cả Trung Quốc và Nhật Bản ngồi lại ở bàn đàm phán để giải quyết khác biệt chứ không muốn bên nào nắn gân bên kia liên tiếp trên không hoặc trên biển.”
“Kể cả khi ta giả định rằng các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và Nhật không muốn bên nào đi đến chỗ phải ra tay tấn công, khả năng tính toán sai trên biển và trên không vẫn tăng lên với bất cứ biện pháp mới nào được đưa ra và bên đối diện đáp trả, như vùng AIDZ của Trung Quốc.”
Nhà nghiên cứu này cũng nêu ra vấn đề liên quan đến Biển Đông:
“Có những người ở đang đồn đoán rằng Trung Quốc có thể tiến một bước nữa bằng cách mở ra vùng ADIZ tương tự ở vùng tranh chấp tại Biển Nam Trung Hoa (SCS). Chẳng hạn Trung Quốc có thể đặt ra vùng đó ở nơi tranh chấp với Philippines nhằm ép nước này rút đơn kiện Trung Quốc ở tòa án trọng tài quốc tế.”
“Nếu Trung Quốc làm thế thì sẽ dễ mất độ tín nhiệm mà họ dày công xây đắp kể từ khi các lãnh đạo mới lên cầm quyền hơn một năm qua.”/
TQ đưa máy bay chiến đấu tuần tra vùng xác định phòng không
RFA 29.11.2013
Máy bay ném bom JH-7 của quân đội Trung Quốc trong một lần bay huấn luyện chiến đấu, ảnh chụp hôm 04 tháng 9 năm 2012.
AFP
Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc đã dùng máy bay chiến đấu để tuần tra vùng xác định phòng không tức không phận mà chính phủ Bắc Kinh mới đơn phương thành lập ở vùng biển Hoa Đông.
Trong bản tin phổ biến sáng nay, Tân Hoa Xã cho biết sự kiện này đã diễn ra ngày hôm qua với nhiều chiến đấu cơ và một máy bay thám thính của Hoa Lục thực hiện những chuyến bay để tuần tra không phận ở Hoa Đông.
Bản tin cũng trích dẫn lời phát ngôn viên quận đội Trung Quốc là ông Thân Tiến Khoa, nói rằng đây là lần đầu tiên máy bay của Trung Quốc xuất hiện trên không phận ở Hoa Đông, đồng thời nói thêm không quân Hoa Lục sẽ thường xuyên làm điều này cũng như thi hành những biện pháp đối phó cần thiết để bảo vệ vùng trời của họ.
Việc làm của Trung Quốc tức khắc được những nhà quan sát coi là sẽ tạo thêm căng thẳng về ngoại giao cũng như quân sự với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn, là 3 quốc gia đã lên tiếng nói không công nhận không phận mà Trung Quốc tự ý áp đặt, đồng thời cũng đã đưa chiến đấu cơ bay ngang qua vùng trời đó mà không tuân theo những quy định Trung Quốc đặt ra.
Sáng nay, ông Yoshihide Suga, Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng Nhật Bản nói với báo chí rằng để bảo vệ chủ quyền biển đảo, máy bay của quân đội Nhật sẽ tiếp tục hoạt động ở khu vực mà Trung Quốc tự nhận là không phận của họ.
Ông Suga cũng nhắc lại rằng việc Trung Quốc đơn phương quy định những luật lệ buộc tất cả các phi cơ bay vào vùng trời này phải thuân theo là hành động muốn dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng trong khu vực.
Bản đồ vùng xác định phòng không tức không phận mà chính phủ Bắc Kinh mới đơn phương thành lập ở vùng biển Hoa Đông. AFP PHOTO.
Vùng không phận mới do Trung Quốc đặt ra bao gồm vùng quần đảo Senkaku, tức Điếu Ngư mà Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản, và đảo Ieodo mà Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền với Nam Hàn.
Trước những căng thẳng đang xảy ra ở Đông Á, viên chức ngoại giao cao cấp nhất của EU là bà Catherine Ashton đã lên tiếng nói rằng những chuyện đang xảy ra đã tạo thêm căng thẳng.
Trong thông cáo phổ biến sáng nay, bà Ashton cũng nói rằng EU kêu gọi tất cả các quốc gia liên hệ phải thật thận trọng và biết tự chế.
Phản ứng từ Bắc Kinh là phát biểu của phát ngôn ngôn viên Tần Cương, nói rằng EU có quyền lập vùng không phạn thì Bắc Kinh cũng có quyền làm điều tương tự.
Tại Washington, một phát ngôn viên của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ từ chối bình luận về tin Trung Quốc đưa chiến đấu cơ tuần tra và bảo vệ không phận họ mới tự thành lập, nhưng nói rằng Hoa Kỳ và các nước đồng minh sẽ tiếp tục sử dụng vùng trời đó như đã từng sử dụng trước đây, xem đó là không phận quốc tế, không thuộc sở hữu của bất kỳ quốc gia nào.
Vào ngày Chủ Nhật tới đây Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Joseph Biden sẽ lên đường đến thăm Châu Á, ghé qua 3 cường quốc Á Châu là Trung Quốc, Nam Hàn và Nhật Bản.
Thứ Tư vừa rồi, một viên chức cao cấp của Nhà Trắng cho hay khi có mặt tại Bắc Kinh, Phó Tổng Thống Biden sẽ trình bày quan điểm của Hoa Kỳ và đồng minh về vùng xác định phòng không mà Trung Quốc mới tự thiết lập, nêu thắc mắc của Washington đối với quyết định của Bắc Kinh và kêu gọi chính phủ Hoa Lục không nên có những hành động gây thêm khó khăn cho quan hệ với các quốc gia láng giềng Đông Á, cũng như tái khẳng định điều Hoa Kỳ từng nói là khu vực đó thuộc không phận quốc tế.
Viên chức yêu cầu không nêu tên này cũng nói rằng tất cả những cam kết mà Hoa Kỳ đã ký với 2 đồng minh chiến lược Nam Hàn và Nhật Bản sẽ được thi hành nghiêm chỉnh, tức Hoa Kỳ sẽ giúp bảo vệ không phận, hải phận và lãnh thổ cho 2 quốc gia này.
Một điểm cũng được chú ý đến là sáng hôm nay, bài bình luận của tờ Hoàn Câu Thời Báo xuất bản ở Bắc Kinh lại lên tiếng ca ngợi thái độ bình tĩnh của chính phủ Trung Quốc trước những hành động gây hấn, ám chỉ việc Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật Bản đã đưa máy bay quân sự vào vùng không phận mới của Hoa Lục.
Bài bình luận này còn nói rằng Trung Quốc sẽ không xem Hoa Kỳ là mục tiêu nếu phía Mỹ không đi quá xa, nhưng cảnh báo sẽ áp dụng những biện pháp cứng rắn đối với Nhật Bản nếu Tokyo tiếp tục đưa máy bay quân sự vào không phận của Hoa Lục mà không tuân theo những quy định do Trung Quốc đặt ra./
RFI Thứ sáu 29 Tháng Mười Một 2013
"Vùng phòng không" Trung Quốc : Cơ hội vàng cho Mỹ
Hiện diện và hợp tác quân sự của Mỹ tại Châu Âu-Thái Bình Dương. Ảnh Bộ Quốc phòng Mỹ.
Trọng Thành
Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không tại Biển Hoa Đông là chủ đề được nhiều báo Pháp chú ý. Le Monde có bài « ‘‘Chiến lược xoay trục’’ về Châu Á của Mỹ bị thách thức bởi căng thẳng tại vùng Biển Hoa Đông ». Mở đầu bài viết với nhận định : « Nếu Barack Obama cần một cuộc khủng hoảng để chứng minh cho chiến lược xoay trục về Châu Á, thì các cơ hội đã đến ».
Ngày 23/11/2013, vài giờ sau khi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thành lập vùng phòng không tại vùng biển nói trên, bao gồm không phận của nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, mà Trung Quốc đòi chủ quyền với tên gọi Điếu Ngư, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tái khẳng định Washington sẵn sàng giúp Tokyo, nếu Nhật bị tấn công.
Theo Le Monde, chính sách « xoay trục » được nói đến từ lâu của Mỹ cho đến nay chỉ là tuyên bố. Kể từ năm 2012, Washington thường dùng từ « tái cân bằng » (“rebalancing”) để nói đến chủ trương tăng cường hiện diện tại vùng Châu Á Thái Bình Dương. Biến cố bất ngờ này chắc chắn sẽ trở thành một nội dung chính trong chương trình làm việc của Phó tổng thống Joe Biden tại Đông Bắc Á đầu tháng 12. Hiện tại, máy bay Mỹ và máy bay Nhật tiếp tục bay qua vùng phòng không mà Trung Quốc xác lập, không cần báo trước và cũng không bị phản ứng gì.
Theo Le Monde, việc Trung Quốc quyết định lập vùng phòng không xảy tiếp theo
một loạt các hoạt động khẳng định chủ quyền tại vùng biển Senkaku/Điếu Ngư, mà
biến cố trực tiếp kích phát các phản ứng của Trung Quốc là tuyên bố của Nhật
Bản « quốc hữu hóa » Senkaku hồi tháng 9/2012. Vùng biển Tây Thái Bình Dương tiếp tục là nơi đối đầu âm thầm giữa Bắc
Kinh và Washington trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng tham vọng xây dựng
một lực lượng hải quân biển xa hùng mạnh để khẳng định điều mà họ gọi là « quyền
lịch sử » trên vùng biển này.
Bầu trời Hoa Đông : Bắc Kinh phản ứng thụ động ?
Cũng về chủ đề này, tờ Les Echos có bài « Tại vùng biển Trung Quốc, Tokyo và Seoul thách thức Bắc Kinh ». Về phản ứng thụ động của Trung Quốc trước việc Nhật Bản và Hàn Quốc bất chấp tuyên bố, vẫn cho máy bay tuần tra qua lại khu vực « vùng phòng không », Les Echos nhận định : Để kiểm soát được một không phận rộng lớn như hiện nay, phải có một hệ thống phương tiện kiểm soát mà Trung Quốc hiện không có được. Còn giới chuyên gia Tokyo thì thiên về nhận định Bắc Kinh không có ý định gây xung đột trực tiếp, mà chủ trương áp đặt dần dần với việc tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực tranh chấp, và hàng ngày quấy rối các nước láng giềng như đã làm trong quá khứ.
Les Echos cũng không quên nhắc đến những bình luận mang tính giễu cợt của
rất nhiều cư dân mạng Trung Quốc. Việc Trung Quốc đưa tầu sân bay ra biển khơi
được một blogger ví như một cách đánh lạc hướng dư luận trong nước trước các
vấn đề thực sự nóng bỏng. Một dân mạng khác thì bịa ra một câu chuyện, rất được
hưởng ứng trên mạng Weibo (Vi Bác). Vào lúc máy bay chiến đấu của Trung Quốc
sắp sửa bắn hạ chiếc B-52 Mỹ - bay vào « vùng phòng không » mà Bắc Kinh
vừa tuyên bố - phi công Mỹ đe dọa công
bố tài sản của tất cả các lãnh đạo Trung Quốc đang cất giấu tại Hoa Kỳ. Lời
đe dọa này khiến phía Trung Quốc quyết định không nổ súng…
Cuộc chơi lớn của Obama
Liên quan đến chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ, trong đó chủ trương xoay trục tại Châu Á-Thái Bình Dương là trung tâm, Le Monde có bài xã luận « Đại cuộc của Obama ».
Bài xã luận của Le Monde mở đầu với ghi nhận một loạt các biến cố lớn gần đây thoạt nhìn dường như không có liên hệ với nhau như : giải trừ vũ khí hóa học trở thành giải pháp cho cuộc xung đột ở Syria, thỏa thuận quốc tế về hạt nhân Iran, việc Hoa Kỳ đưa hai pháo đài bay B-52 đến vùng Biển Hoa Đông thách thức Trung Quốc. Dưới cái nhìn của nhà phân tích chính trị quốc tế, các biến cổ kể trên cho thấy chiến lược đối ngoại của nước Mỹ đang bước vào một giai đoạn hoàn toàn mới. Đó là việc chấm dứt một thập kỷ chiến tranh tại vùng Trung Cận Đông, để chuyển hướng sang phía Châu Á-Thái Bình Dương.
Le Monde giải thích, tại Trung Cận Đông, có vẻ như Mỹ đã thay đổi chính sách hết sức đột ngột trong việc từ bỏ ý định dùng vũ lực để trừng phạt chính quyền Damas, vì sử dụng vũ khí hóa học. Trên thực tế, trong thời gian này Mỹ đã tiến hành các đàm phán bí mật với Iran, cho phép đạt được một thỏa thuận ban đầu về chương trình hạt nhân của Teheran, góp phần tháo gỡ ngòi nổ chiến tranh trong vùng.
Trong các bước tiến ngoại giao của Hoa Kỳ liên quan đến hai hồ sơ Syria và Iran, nước Nga đã trở thành một « đồng minh tình huống » quan trọng. Liên Hiệp Châu Âu bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Cả Nga và Hoa Kỳ cùng có một đối thủ chung : Trung Quốc. Nga lo ngại ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại vùng Siberi. Washington có nhiều thứ để nhân nhượng với Nga. Trên thực tế, Hoa Kỳ đã nhượng bộ Nga nhiều trong chương trình xây dựng lá chắn tên lửa ở phía đông của Liên Hiệp Châu Âu, và giờ đây Washington hoàn toàn để mặc vấn đề Ukraina cho Nga và Liên Hiệp Châu Âu giải quyết với nhau. Đây là một thay đổi mang tính bước ngoặt, nếu so sánh với chính sách kiên quyết mở rộng Liên minh Bắc Đại Tây Dương về phía Nga, dưới thời các tổng thống tiền nhiệm George W. Bush và Bill Clinton.
Le Monde ghi nhận một điều trớ trêu của lịch sử : Trung Quốc quyết định lập vùng phòng không tại Biển Hoa Đông đúng vào lúc các thương lượng về Iran tại Genève đang hết sức căng thẳng. Hành động của Hoa Kỳ đưa B-52 đến Biển Hoa Đông và phản ứng thụ động của Trung Quốc cho thấy cuộc chạm trán Trung-Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương chỉ vừa mới bắt đầu. Chiến lược của Obama hiện nay tái khẳng định chủ trương khi ông mới nhậm chức Tổng thống : « Tôi là Tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên của Mỹ ».
RFI Thứ năm 28 Tháng Mười Một 2013
Bắc Kinh sẵn sàng chịu giông bão ngoại giao nhưng không dám khiêu chiến
Một ảnh trên mạng minh họa cờ Trung Quốc cắm trên đảo Điếu Ngư (Senkaku trong tiếng Nhật) REUTERS /Stringer/Files
Khi áp đặt các quy định về « vùng nhận dạng phòng không », Trung Quốc muốn nới rộng ảnh hưởng trong khu vực mà Bắc Kinh tự cho là đã bị gặm nhấm một cách bất hợp lý. Theo nhận xét của các chuyên gia, Bắc Kinh sẵn sàng chịu đựng giông bão ngoại giao, nhưng chắc chắn là không dám đương đầu với một cuộc xung đột vũ trang.
Các nhà quan sát ghi nhận thái độ chừng mực của Bắc Kinh sau vụ hai pháo đài bay B-52 của Mỹ bay ngang qua vùng nhận dạng phòng không (ZAI) trên biển Hoa Đông ngay sau khi chế độ cộng sản mới công bố.
Tại vùng biển này có một quần đảo nhỏ mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật Bản gọi là Senkaku, hiện do Tokyo quản lý nhưng Bắc Kinh liên tục tìm cách khẳng định chủ quyền. Vùng biển xung quanh quần đảo không có người ở này phong phú hải sản và có tiềm năng dầu khí.
Viên Kính Đông (Jingdong Yuan), một chuyên gia về chính sách đối ngoại của trường đại học Sydney khẳng định với AFP là cả Bắc Kinh lẫn Tokyo đều « luôn tâm niệm là không để bị cuốn vào tình hình dẫn đến một sự xung đột trực tiếp ».
Tranh chấp lãnh thổ bắt đầu nóng lên từ tháng 9/2012 sau khi Nhật Bản mua lại ba trong số năm hòn đảo của Senkaku/Điếu Ngư từ một chủ tư nhân người Nhật. Quan hệ Nhật-Trung đặc biệt xấu đi từ đó.
Tuy Nhật Bản đang kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư nhưng không muốn có thêm rủi ro nên hiện vẫn không đưa người ra đây sinh sống. Đối với Tokyo, không có chuyện chấp nhận việc đưa ra tranh cãi về chủ quyền của quần đảo nhỏ bé này.
Nhưng với Bắc Kinh, mọi phương tiện đều tốt nhằm thuyết phục thế giới là yêu sách đối với Senkaku/Điếu Ngư có cơ sở, và hiện đang có tranh chấp lãnh thổ tại đây.
Đó là nguyên nhân vì sao Trung Quốc thường xuyên gởi tàu và máy bay đến quấy rối khu vực Senkaku/Điếu Ngư, dù tuần duyên Nhật Bản thường xuyên tuần tiễu. Việc thành lập vùng nhận dạng phòng không nằm trong chiến dịch của kiểu chiến tranh hao mòn này.
Ông Viên Kính Đông nhấn mạnh, Bắc Kinh muốn thuyết phục là chỉ « thực hiện quyền khẳng định chủ quyền một cách thường xuyên. Sau khi Nhật quốc hữu hóa Senkaku/Điếu Ngư, tôi tin rằng Trung Quốc thực sự muốn tạo ra sự kiện là có tranh chấp lãnh thổ tại đây ».
Theo Taylor Fravel của Massachusetts Institute of Technology (MIT), thì Trung Quốc bực tức trước vùng nhận dạng phòng không do Nhật Bản quy định. Bắc Kinh coi đây là ý định « bành trướng » của Nhật, « bao trùm các mỏ khí đốt Trung Quốc và những địa điểm nằm gần Trung Quốc ».
Những hành động của Trung Quốc hôm nay được nung nấu từ mối oán thù xưa nay đối với Nhật Bản, từ những hành vi của quân phiệt Nhật cho đến cuối Đệ nhị Thế chiến, một quá khứ đế quốc cần phải thanh toán.
Rana Mittter, một chuyên gia về quan hệ Trung-Nhật của trường đại học Oxford khẳng định rằng Bắc Kinh « vốn đinh ninh là các yêu sách lãnh thổ của mình đã không được quan tâm và đánh giá đúng đắn trong những thập kỷ gần đây, nên nay tìm cách đảo ngược tình hình. Có lẽ trước hết là vấn đề danh dự ».
Các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc không chỉ liên quan đến Nhật Bản, mà còn cả các nước khác như Việt Nam và Philippines. Mùa hè năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi huy động tổng lực để Trung Quốc trở thành một đại cường trên biển. Tham vọng này ngày càng khiến người ta lo ngại.
Thực tế, tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhiều quốc gia gần đây đã kêu ca về áp lực đang tăng cao của Trung Quốc để thỏa mãn tham vọng bá quyền đại dương của mình. Các nhà quan sát ghi nhận, trong những cuộc xung đột chủ quyền với các láng giềng, Bắc Kinh không ngần ngại đặt lại vấn đề nguyên trạng, nhất là tại Biển Đông.
Theo ông Cổ Khánh Quốc (Jia Qingguo) của trường đại học Bắc Kinh, mỗi lần có cơ hội gặm nhấm được một ít đất đai là Trung Quốc liền « năng nhặt chặt bị ». Và những bước đi dè dặt dần dần sẽ trở thành những gót giày đinh nện xuống, một khi đã đạt được vị thế siêu cường./