UBND TP.HCM phải trả lại 10kg vàng tịch thu sai

25 Tháng Tư 20188:39 CH(Xem: 8082)

VĂN HÓA ONLINE - THỜI SỰ  - THỨ TƯ 25 APRIL 2018


image053


UBND TP.HCM phải trả lại 10kg vàng tịch thu sai


23/04/2018 07:42 GMT+7


TTO - Đây là số vàng mà UBND TP.HCM đã quyết định tịch thu của ông Phạm Duy Hiếu sau khi xử phạt ông kinh doanh hàng hóa nhập lậu nhưng bị tòa xác định phạt không đúng.


TAND TP.HCM vừa ban hành quyết định buộc thi hành án hành chính của ông Phạm Duy Hiếu đối với bản án hành chính phúc thẩm mà ông đã thắng kiện UBND TP.


Trước đó, ngày 9-5-2014, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng đã ký quyết định xử phạt hành chính đối với ông Phạm Duy Hiếu (giám đốc Công ty TNHH vàng bạc đá quý A.P.) về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu với số tiền 15 triệu đồng, đồng thời tịch thu 10kg vàng. 


Quyết định này được đưa ra sau khi Công an TP.HCM lập biên bản vi phạm hành chính từ việc phát hiện 10kg vàng do ông Hiếu đang vận chuyển với lý do số vàng trên không phải do Việt Nam sản xuất. Ngay lập tức ông Hiếu khởi kiện. 


Theo ông Hiếu, số vàng đó không phải của công ty ông đang kinh doanh, mà là tài sản riêng của gia đình - do mẹ vợ tặng làm của hồi môn khi vợ chồng ông kết hôn năm 2008. Hơn nữa số vàng này chưa được mua bán trao đổi.


Cũng theo ông Hiếu, quyết định xử phạt của chính quyền TP.HCM dựa vào báo cáo của Công an TP cho rằng số vàng này là kinh doanh nhập lậu (giám định cho thấy số vàng trên không phải do Việt Nam sản xuất) là không có căn cứ. 


Vì vậy, nguyên đơn yêu cầu tòa hủy quyết định nói trên, trả lại vàng. Trong phiên xử sơ thẩm ngày 26-1-2016, TAND TP.HCM đã bác đơn kiện của ông Hiếu. 


Tuy vậy cuối năm 2016, trong phiên xử phúc thẩm, hội đồng xét xử Tòa án cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Ông Hiếu thắng kiện.


Ngay sau đó, chính quyền TP.HCM đã có đơn gửi Viện KSND tối cao đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án. 


Tuy nhiên, cho đến thời điểm ông Hiếu đề nghị TAND TP.HCM buộc UBND TP thi hành án thì vẫn chưa có quyết định xem xét giám đốc thẩm đối với bản án hoặc yêu cầu hoãn thi hành bản án. 


Trong khi đó, theo quy định, sau khi hết thời hạn tự nguyện mà người phải thi hành án không thi hành án thì người được thi hành án có quyền đề nghị tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành án. ÁI NHÂN

13 Tháng Mười Một 2018(Xem: 7247)