Không chiến Hoa Đông: Nhật Bản hay Trung Quốc sẽ thắng?
(Soha.vn) - Ở Hoa Đông, nếu Nhật Bản có lợi thế về chất lượng vũ khí và hệ thống chỉ huy trên không đồ sộ thì Trung Quốc lại có lợi thế về số lượng và địa lý.
Hôm 23/11, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông (ADIZ), bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc và Nhật Bản đều nhận chủ quyền. Động thái này đã làm gia tăng căng thẳng vốn có giữa hai nước, nguy cơ xung đột cũng vì thế mà tăng cao.
Ngay sau khi thiết lập ADIZ, máy bay quân sự Tu-154 và Y-8 của Trung Quốc đã tiến vào không phận phía nam biển Hoa Đông để thực hiện chuyến tuần tra đầu tiên. Chiếc Tu-154 bay cách khu vực mà Nhật Bản xem là không phận của họ chỉ 40 khoảng km, khiến Tokyo phải lập tức điều hai máy bay chiến đấu F-15 xuất kích để ngăn chặn.
Giả định rằng có một cuộc không chiến thật sự xảy ra giữa hai nước Trung - Nhật, bên nào sẽ có khả năng giành phần thắng cao hơn?
F-2(ở trên) có lợi thế về đặc tính kỹ chiến thuật nhưng J-10(ở dưới) lại có lợi thế về số lượng và khoảng cách địa lý.
Chất lượng tiêm kích
Nhìn chung, chất lượng không quân Trung-Nhật tương đương nhau, cả hai bên đều có trong biên chế những chiếc tiêm kích hiện đại nhất thế giới hiện nay.
Lực lượng phòng vệ đường không Nhật Bản (JASDF) có trong biên chế 94 tiêm kích Mitsubishi F-2. Đây là biến thể của F-16 hợp tác sản xuất giữa Mitsubishi Heavy Industries (Nhật Bản) và Lockheed Martin (Mỹ). F-2 sử dụng phần lớn thiết bị điện tử của Nhật Bản, đặc biệt máy bay được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động AESA J/APG-1, biến nó trở thành tiêm kích được trang bị radar AESA sớm nhất khu vực châu Á.
Gần đây, khoảng 60 chiếc F-2 của JASDF đã được nâng cấp với một radar AESA J/APG-2, giúp khả năng không chiến của máy bay tăng lên đến 40% so với chưa được nâng cấp. F-2 thường được xem là đối thủ của tiêm kích “con cưng” J-10 của Không quân Trung Quốc. Mặc dù không thể so sánh với F-2 ở gần như mọi chỉ số nhưng J-10 có lợi thế về số lượng với khoảng 200 chiếc đang hoạt động.
Mặt khác, F-2 được sử dụng với vai trò bảo vệ không phận nên tiêm kích này có thể không phải là lựa chọn số 1 nếu xảy ra xung đột trên biển Hoa Đông. Bên cạnh đó, sự hạn chế về địa lý cũng ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng hoạt động của F-2 so với J-10 của Trung Quốc.
Nếu có cuộc chán trán trên không phận biển Hoa Đông, F-15J sẽ là tiêm kích đầu tiên được JASDF điều động để ngăn chặn Không quân Trung Quốc. Hiện có khoảng 213 chiếc F-15J trong biên chế của JASDF. Đây là biến thế của tiêm kích F-15 của Mỹ sản xuất theo giấy phép tại Nhật Bản. Những chiếc F-15J của Nhật Bản được đánh giá là một trong những tiêm kích thế hệ 4+ tốt nhất thế giới.
Xét về đặc tính kỹ chiến thuật F-15J của Nhật Bản (ở trên) và Su-30MK2 của Trung Quốc (ở dưới) không có nhiều sự khác biệt.
Ở khía cạnh tiêm kích đánh chặn hạng nặng, Không quân Trung Quốc cũng không hề kém cạnh. Họ có trong biên chế 76 chiếc tiêm kích Su-30MKK, 24 chiếc tiêm kích Su-30MK2, khoảng 200 chiếc tiêm kích J-11 các biến thể. Những chiếc tiêm kích trên hoàn toàn ngang cơ với các tiêm kích F-15J của Nhật Bản trong khi đó lại có lợi thế về số lượng.
Đặc biệt, Không quân Trung Quốc có trong biên chế 24 chiếc tiêm kích Su-30MK2 nhập khẩu từ Nga. Đây là một tiêm kích được thiết kế cho nhiệm vụ đánh biển nên sẽ tạo ra nhiều lợi thế so với Nhật Bản. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có khoảng 24 chiếc tiêm kích J-16, là "đứa con nhân bản" của Su-30MK2.
Su-30MK2 và J-16 sẽ là những tiêm kích đầu tiên được Không quân Trung Quốc huy động nếu xảy ra một cuộc không chiến ở Hoa Đông. Mặc dù tính năng của J-16 vẫn là một ẩn số nhưng cũng là một thách thức không nhỏ cho Nhật Bản.
Năng lực cảnh báo sớm
Bên cạnh vấn đề chất lượng tiêm kích, một khía cạnh khác có vai trò rất quan trọng nếu xảy một cuộc không chiến trên biển Hoa Đông chính là năng lực chỉ huy trên không. Hiệu quả hoạt động của phi đội chiến đấu phụ thuộc rất lớn vào yếu tố này.
JASDF có phi đội chỉ huy và cảnh báo sớm trên không rất hùng hậu. Với 4 chiếc máy bay AEW&C Boeing E-767 và 13 chiếc AWACS E-2C Hawkeye, lực lượng này cung cấp khả năng cảnh báo sớm và chỉ huy trên không toàn diện.
Những chiếc máy bay AWACS này đều có phạm vi phát hiện máy bay đối phương trên 400km, điều này mang lại cho phi đội chiến đấu của Nhật Bản khả năng phát hiện mục tiêu và tung đòn tấn công trước khi phi đội chiến đấu của Trung Quốc có thể làm điều tương tự.
Lực lượng AWACS của Không quân Trung Quốc có sự phục vụ của khoảng 5 chiếc KJ-2000, đây là loại máy bay AWACS do Trung Quốc sản xuất trên cơ sở bộ khung máy bay vận tải IL-76 của Nga. Gần đây, Trung Quốc còn giới thiệu thêm mẫu máy bay AEW&C KJ-500. Mặc dù khả năng của KJ-2000 và KJ-500 vẫn chưa được kiểm chứng nhưng cũng sẽ gây không ít khó khăn cho Nhật Bản.
Sự vượt trội về năng lực cảnh báo sớm và chỉ huy trên không tạo cho Nhật Bản nhiều lợi thế về mặt chiến thuật.
Khoảng cách địa lý
Một bất lợi của Nhật Bản là khoảng cách địa lý. Khoảng cách từ Trung Quốc đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khoảng 360km, nếu tính từ đảo Đài Loan, khoảng cách chỉ là 186km. Trong khi đó, khoảng cách từ phía tây đảo Okinawa đến Senkaku/Điếu Ngư khoảng 410km. Nếu tính đến địa điểm có căn cứ Không quân của Nhật Bản, khoảng có thể còn xa hơn, đây sẽ là thách thức không nhỏ cho phi đội tiêm kích của Nhật Bản.
Tuy nhiên, Nhật Bản lại có một lợi thế khác là sự trợ giúp của Mỹ, mặc dù khả năng can thiệp của Mỹ vẫn là một câu hỏi ngỏ nhưng ít nhất Washington cũng sẽ trợ giúp cho Tokyo về mặt thông tin tình báo. Những thông tin từ hệ thống giám sát tình báo khổng lồ của Mỹ sẽ giúp ích rất nhiều cho Nhật Bản trong vấn đề hoạch định chiến thuật.
Nhật Bản có lợi về chất lượng còn Trung Quốc có lợi thế về số lượng. Ai sẽ thắng ai trong một cuộc chạm trán giữa số lượng và chất lượng là một câu hỏi rất khó trả lời, nó còn phụ thuộc vào bối cảnh, đường lối tác chiến, chiến lược sử dụng và nhiều yếu tố khách quan, chủ quan khác.
Tuy vậy, người ta vẫn đánh giá cao khả năng giành chiến thắng của Nhật Bản trong tình huống xảy ra một cuộc chạm trán với Không quân Trung Quốc trên biển Hoa Đông./
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Xã hội dân sự, Cuộc triễn lãm ảnh “Thiên nhiên trong tôi”
Kính Hòa, RFA
26-11-2013.
Cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường cần có nhiều hoạt động dân sự để hỗ trợ vai trò của nhà nước. Trong thời gian qua, các hoạt động dân sự như vậy, dù không được nhà nước chính thức công nhận, góp phần rất lớn vào việc bảo vệ môi trường cũng như nâng cao ý thức về môi trường của người dân. Kính Hòa trình bày.
Cuộc triễn lãm tranh và thông điệp bảo vệ môi trường
Một cuộc triễn lãm về thiên nhiên Việt nam được tổ chức tại số 4 Phạm Ngọc Thạch, trong khuông viên nhà văn hóa Thanh niên từ ngày 23 đến 26 tháng 11 đang thu hút hàng ngàn lượt người xem. Điều đặc biệt là cuộc triễn lãm không phải do một trường Đại học, một cơ quan nhà nước,…hay những tổ chức …chính thống tương tự, mà bởi một nhóm người. Nhóm người đó là nhóm những người yêu quý rừng Nam Cát Tiên và những ủng hộ viên của họ.
Ông Nguyễn Huỳnh Thuật, sáng lập viên của nhóm SavingCattien cho chúng tôi biết,
“Lần đầu tiên trong lịch sử, có những bức ảnh về thiên nhiên chân thực và quý hiếm thế này. Điều thứ hai mà mọi người ngạc nhiên là không có bất cứ tài trợ nào cho cuộc triễn lãm này. Họ tìm hiểu ai có thể làm chuyện này, và họ được biết rằng có những người yêu quý thiên nhiên chung tay vì những mục tiêu tốt đẹp như thế này.
Hơn 100 bức ảnh có ba chủ đề. Thứ nhất là các di sản thắng cảnh thiên nhiên cũng như văn hóa. Thứ hai là về các động thực vật quý hiếm của Việt nam. Thứ ba là các tác động xấu của rừng bị phá do các công trình thủy điện. Ba chủ đề này nhằm đánh thức sự vô ý thức của con người làm tàn phá thiên nhiên và môi trường.”
Ngoài những người chụp ảnh Việt Nam, có nhiều tác giả quốc tế cũng gửi ảnh đến để triễn lãm, như nhà nhiếp ảnh chuyên chụp ảnh về thiên nhiên là ông Aladin Thayer người Áo, hay như Giáo sư Gebhard Schueler chuyên gia về rừng và làm việc tại Việt Nam hơn 15 năm. Các bức ảnh này được bán để lấy tiền bù cho chi phí tổ chức triễn lãm, và giúp đỡ cho những nạn nhân của lũ lụt vừa qua tại miền Trung mà một trong những nguyên nhân chính là các hồ chứa nước của những nhà máy thủy điện xả nước lũ giữa mùa mưa bão.
Một người dân trung niên đến xem triển lãm nói với chúng tôi,
“Những bức ảnh rất sống động. Tôi thấy người ta xem nhiều và hiểu nguyên nhân của các tận lũ lụt vừa qua.”
Cuộc triễn lãm cũng cuốn hút nhiều bạn trẻ, thậm chí có bạn chỉ biết cuộc triễn lãm qua truyền thông xã hội mà đã lặn lội từ xa đến để xem triễn lãm. Một bạn sinh viên đến từ Trường Đại học Cần thơ nói với chúng tôi,
“Em biết cuộc triễn lãm qua Facebook, em đến xem triễn lãm và phụ giúp các anh chị của nhóm Saving Cat Tiên chung tay bảo vệ môi trường. Sự tàn phá của con người sẽ gây ra các hậu quả đáng tiếc như lũ lụt vừa qua ở miền Trung.”
Nhà nước nhìn nhận như thế nào về hoạt động dân sự?
Những người tổ chức buổi triễn lãm này cũng chính là những người đã vận động để hủy bỏ hai dự án thủy điện lớn trên sông Đồng Nai là Đồng Nai 6 và 6A. Nhờ sự vận động này mà Chủ tịch nước đã biết đến mối nguy hại của hai con đập ấy đối với di sản thiên nhiên vô cùng quý giá của Việt nam là rừng nam Cát tiên, cũng như những tác động tiêu cực đối với cả vùng hạ du miền Đông Nam bộ nói chung. Và cuối cùng thì chính phủ Việt nam đã chính thức loại bỏ hai dự án Đồng nai 6 và 6A.
Hiện nay nhóm người này vẫn không có …tư cách pháp nhân dù rằng các hoạt động dân sự của họ đã đóng góp vô cùng lớn vào việc cất lên tiếng nói phản biện, đưa những lợi ích xã hội vượt lên tiền bạc và quyền lực của các công ty tư nhân chủ hai dự án kể trên.
Khi chúng tôi đang viết những dòng này thì có một bài báo xuất hiện trên báo Quân đội nhân dân bàn về xã hội dân sự. Trong bài báo này tác giả Thanh Nguyên trình bày một cái nhìn đầy nghi ngại về xã hội dân sự qua đoạn văn sau đây,
Một số blogger ở ta đang tuyên truyền cho “xã hội dân sự”, vẫn giữ nguyên khái niệm nhưng mang hàm nghĩa tiêu cực: Đòi thành lập những tổ chức đối trọng với nhà nước với mục đích làm giảm, khuynh loát vai trò, dẫn đến làm tan rã Nhà nước.
Trên thực tế thì không thấy hoạt động dân sự nào nhằm làm tan rã nhà nước cả. Chẳng lẽ việc dừng lại các dự án kinh tế nguy hại như Đồng Nai 6 và 6A lại nhằm mục đích làm tan rã nhà nước? Hay phản biện dự án bauxite Tây Nguyên lại khuynh loát vai trò của Nhà nước?
Bài báo cũng cho rằng nếu xã hội dân sự là tốt đẹp thì Việt nam đã có rồi, tác giả viết,
Nếu cái gì tốt đẹp, tích cực của cái gọi là “xã hội dân sự” thì xã hội ta đang có. Ví dụ chúng ta có tổ chức Công đoàn bảo vệ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của người lao động. Tương tự là các tổ chức Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi… Các tổ chức này cũng là cầu nối giữa Nhà nước với hội viên…
Không rõ hàng trăm cuộc biểu tình của công nhân và các vụ đòi đất của nông dân có nằm trong các hoạt động dân sự mà bài báo cho rằng đã có những tổ chức hoạt động dưới sự lãnh đạo của đảng đảm nhận hay không? Nhưng riêng trong lĩnh vực môi trường thì còn rất nhiều khiếm khuyết.
Ông Nguyễn Huỳnh Thuật nói với chúng tôi rằng sau cuộc triễn lãm này, nhóm của ông tiếp tục dấn thân vào việc bảo vệ môi trường thiên nhiên và văn hóa, và quan trọng nhất là hợp tác với các trường Đại học nhằm thực hiện việc giáo dục ý thức về môi trường, góp phần lan tỏa đến cộng đồng những vấn đề phải quan tâm về môi trường của đất nước,…và còn rất nhiều việc phải làm. Ngay như bạn sinh viên đến từ Cần Thơ mà chúng tôi có nói chuyện, sống ngay giữa đồng bằng sông Cửu Long mà lại hoàn toàn không biết gì về các đập nước đã và đang được xây dựng trên thượng nguồn sẽ giết dần giết mòn quê hương của bạn ấy.
Ông Thuật cũng có nói rằng chính hoạt động của các nhóm dân sự sẽ gánh bớt gánh nặng của nhà nước. Các nhóm dân sự sẽ góp phần cất lên tiếng nói phản biện từ dân chúng, giúp cho việc cân bằng các lợi ích khác nhau giữa các nhóm người trong xã hội. Điều ấy chỉ làm cho Nhà nước mạnh lên, trở thành Nhà nước do dân và vì dân như chính phủ Việt nam vẫn hàng tuyên bố.
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Luận văn của ông Cố vấn Ngô Đình Nhu
(Lá thư Úc châu)
Luận văn của Ông Ngô Đình Nhu
(1910-1963), tốt nghiệp trường École Nationale des Chartes năm 1938, có tên
“Les moeurs et les coutumes des Annamites du Tonkin au xviie siècle”. Quốc Anh
bạn tôi đang dạy học ở Sciences Po đã bớt thời gian gõ đầu trí thức Pháp mà vào
thư viện lục lọi và gửi về. Bạn Khiếu Anh cũng đã bớt thời gian đi học để dịch
bản luận văn này qua tiếng Việt với tên “Những phong tục và tập quán của người
An Nam ở Đằng Ngoài thế kỷ XVII”.
Một chút thông tin về tác giả bản luận văn:
Năm 1970, tức là 7 năm sau khi chế độ Diệm-Nhu sụp đổ, ông Trần Kim Tuyến, một
người bạn và sau này là cộng sự thân thiết của ông Nhu, cho biết ông Nhu có
bằng cử nhân văn học ở Sorbonne rồi học tiếp École des Chartes. Trong một tài
liệu khác thì nói rõ ông Nhu học ngành cổ tự học lưu trữ (archiviste
palégraphe). Ông Tuyến cho biết trường này rất kén chọn, sinh viên phải qua hai
năm dự bị ở một trường rất danh tiếng là Henry Đệ Tứ rồi mới được nhập học, mỗi
lớp chỉ có 20 học viên, sử dụng tiếng Latin rất nhiều, và chỉ có hơn một nửa số
học viên này tốt nghiệp (link này cho thấy năm 1938 chỉ có 13 người trong danh
sách luận văn). Do đó có từ “Chartistes” để chỉ các sinh viên tinh hoa của
trường này. Năm 1961, khi ở đỉnh cao quyền lực, ông Nhu có đi qua Paris và gặp
gỡ cá nhân với ngoại trưởng Pháp là Couve de Murrville, đại sứ Pháp ở VN và
Étienne Manach phụ trách Châu Á của bộ ngoại giao Pháp. Cũng theo ông Tuyến thì
nhờ hào quang của trường Chartes nên các cuộc gặp chỉ là cá nhân mà ông Nhu đã
phá băng quan hệ Pháp Việt. Sau khi có ủng hộ của Pháp, ông Nhu bắt đầu chống
Mỹ mạnh hơn, dẫn đến việc Mỹ quyết thay thế Diệm Nhu. Và theo như Phạm Xuân Ẩn
trong “Perfect Spy” thì một trong những lực lượng gây ra cái chết của ông Nhu
chính là CIA, đã can thiệp sâu vào đảo chính, thông qua một người bạn CIA của
ông Ẩn tên là Lou Conein. Tuy nhiên, ông Ẩn tránh không nói đến ai trực tiếp ra
lệnh giết ông Nhu, có thể bởi người ra lệnh (Minh Cồ) lại là bạn của ông Ẩn. Có
vẻ như giữa ông Ẩn và ông Nhu chỉ có một người bạn chung nổi tiếng: đại tá
Edward Lansdale, người vẫn được cho là nguyên mẫu của The Quiet American, và dù
có không phải thì về sau tiểu sử của Lansdale vẫn có tên là The Unquiet
American.
Trở về Hà Nội năm 1938 ngay sau khi tốt nghiệp (28 tuổi), ông Nhu làm việc như
một học giả trẻ cho đến khi bị lùng bắt và phải bỏ trốn qua Lào rồi về Đà Lạt.
Cụ thể từ năm 38 đến 43 ông làm nhân viên Nha văn khố trung ương Hà Nội. Sau đó
kiêm thêm Chủ sự văn khố tòa khâm sứ Huế. Triều đình Huế cũng bổ nhiệm ông làm
Chủ tịch hội đồng chỉnh đốn Châu bản của Văn khố nhà Nguyễn. Sau đó Nhật đảo
chính Pháp, ông Nhu (có thể vì có anh ruột là ông Diệm thân Nhật chống Pháp)
nên được bổ nhiệm làm Giám đốc văn khố trung ương tại Hà Nội. Năm 1945 ông Nhu
đã kịp xuất bản cuốn khảo cứu ” “La Fête de l’ouverture du Printemps a Hanoi – Hội Khai xuân ở Hà
Nội”.
Trong thời gian này, ông Nhu cũng lấy vợ, đám cưới được làm lễ ở Nhà thờ lớn Hà
Nội. Vợ ông là Trần Lệ Xuân, kém ông 14 tuổi, sau này nổi tiếng với tên gọi “đệ
nhất phu nhân” ở Việt Nam, và với tên do tổng thống Kennedy đặt là Dragon Lady
(bà chằn) ở Mỹ. Trần Kim Tuyến mô tả bà Trần Lệ Xuân, một thiếu nữ trẻ đẹp,
sống trong nhung lụa, phải học tiếng Việt qua gia sư, và là “một phụ nữ thuộc
một giai cấp ở Việt Nam không có”. Bà Xuân đã “nuôi chồng” suốt thời gian ông
Nhu “thất nghiệp, chưa có sự nghiệp”, ở Đà Lạt và sau đó là Sài Gòn. Thời kỳ đó
ông Nhu không có cả tiền để mua thuốc lá và ăn sáng, phải có bạn bè cộng sự
“bao”. Cuộc sống giản dị kiểu một trí thức khắc kỷ này đã đi cùng ông Nhu đến
hết cuộc đời.
Các tài liệu nói rất rõ sau Cách mạng tháng 19/8/1945 ông Diệm bị bắt và được
thả, nhưng về ông Nhu thì chỗ nói bị bắt, chỗ nói không bị bắt. Tuy nhiên theo
như tôi hiểu qua câu chuyện tôi mới được nghe kể gần đây thì ngay sau 19/8 ông
Hà đã đến gặp ông Nhu (lúc đó làm việc dưới quyền bộ trưởng Võ Nguyên Giáp) rồi
sử dụng xe của chính phủ (đi mua gạo) để đưa ông Nhu trốn ra ngoại thành, rồi
đi Phát Diệm. Chi tiết này có lý vì ông Hà lấy bằng Tiến sỹ Chính trị học ở
ngôi trường danh tiếng Sciences Po năm 1937 rồi về nước hoạt động xã hội rất
mạnh, trở nên nổi tiếng và có rất nhiều quan hệ với các phe phái lực lượng.
Chắc ông Hà có quen ông Nhu từ lúc ở Paris, và ở thời điểm sau 19/8 ông Hà có
thể biết ông Nhu đang gặp nguy hiểm (hai người anh của Nhu một bị bắt, một bị
giết cùng thời kỳ này) đã báo cho ông Nhu và giúp ông Nhu bỏ trốn. Cuộc gặp
giữa ông Hà và ông Nhu, tôi nghe kể: “nói bằng tiếng Pháp, tôi chỉ nghe được
câu mốt câu hai, nhưng chắc chắn là về chính trị”, có lẽ “chuyện chính trị” mà
hai ông nói liên quan đến việc tính mạng ông Nhu đang nguy cấp.
Trong quá trình chạy trốn, ông Nhu quen Trần Kim Tuyến, lúc này là một thành
niên trẻ mới học xong tú tài. Bs Trần Kim Tuyến sau trở thành trùm mật vụ của
chế độ Diệm-Nhu trước khi bị ông Nhu nghi ngờ và cách chức. Sau khi bị Nhu phế,
ông Tuyến sợ quá trốn ra nước ngoài. Sau sự kiện 1963 ông Tuyến mới dám trở về
Sài Gòn những cũng vẫn bị bắt. Người cứu ông là Phạm Ngọc Thảo, một điệp viên
của miền bắc, và là đại tá quân đội VNCH lúc bấy giờ. Đến 30/4, một lần nữa ông
Tuyến lại được Phạm Xuân Ẩn, cũng là một tay tình báo của miền bắc, cứu vào
phút chót. Chưa hết, trợ lý thân tín của ông Tuyến là Ba Quốc, cũng là tình báo
của miền bắc (thiếu tướng Đặng Trần Đức). Điều này thật kỳ lạ. Nó cũng kỳ lạ
như Phạm Ngọc Thảo sau chính biến đã đem một toán quân xuống Chợ Lớn để cứu Diệm
và đưa Nhu ra nước ngoài nhưng bất thành. Chuyện đại tá Thảo và ông Ẩn hai lần
cứu cựu trùm mật vụ Trần Kim Tuyến, đều do ông Ẩn và chính bác sỹ Tuyến kể lại.
Sau này, năm 1965, Phạm Ngọc Thảo bị mật vụ truy sát, bắn ở bờ suối, nhưng
không chết mà vẫn xin được giấy của học trò để viết tin nhắn. Bức thư viết tay
đẫm máu của ông Thảo hiện vẫn ở Sài Gòn. Cách đây mấy hôm tôi đã ngồi cách nó
chỉ độ hai mét nhưng mà không được xem tận mắt.
Ông Nhu, vốn là con trai của một gia đình quan lại phong kiến nhưng theo tây
học, trở thành học giả trẻ uyên bác, điều này lý giải cho việc sau nhiều năm ở
ẩn ông bất ngờ trở thành một chính trị gia mưu lược và bí hiểm. Các phát biểu
của ông Nhu cộng với nội dung cuốn sách, được coi là của Ngô Đình Nhu, xuất bản
sau khi ông bị giết (Chính đề Việt Nam) hé lộ rất nhiều chi tiết cho thấy một
học giả cổ sử, am hiểu lịch sử Việt Nam và Châu Âu, đã nghiền ngẫm tri thức trị
quốc của nhà Nguyễn, của Châu Âu rồi biến nó thành tư tưởng và học thuyết chính
trị của riêng mình.
Cách ông Nhu sáp nhập Hoàng Triều Cương Thổ, dẹp yên các tổ chức có vũ trang ở
miền nam, xây dựng ấp chiến lược … (theo thứ tự) cực kỳ giống những gì nhà
Nguyễn đã làm (theo thứ tự) với vương quốc cuối cùng của Chân Lạp (1832), dẹp
loạn Lê Văn Khôi (1832-1835), dẹp Mọi Đá Vách ở Quảng Ngãi (1863). Trong Chính
Đề Việt Nam
(sử dụng bút danh Tùng Phong) ông cũng không che dấu các bí quyết trị quốc phải
được truyền từ đời (vua) này qua đời khác, một cách nói khéo rằng các ông đã
học các bí quyết trị nước từ quá khứ.
Ở một khía cạnh khác, ông Nhu học hỏi rất nhiều từ lịch sử chính trị Châu Âu,
và trở thành hình mẫu lãnh đạo chính trị kiểu Machiavelli đầu tiên ở Việt Nam. Siêu điệp
viên Phạm Xuân Ẩn cho rằng ông Nhu là người tổ chức ám sát Trình Minh Thế. Đại
tá an ninh quân đội Đỗ Mậu và trùm mật vụ Trần Kim Tuyến thì kể chi tiết cách
ông Nhu xử lý các vấn đề biên giới và xung đột sắc tộc với Khmer bằng cách tổ
chức ám sát Sihanouk và đảo chính ở Cambodia. Với những kẻ có quyền lực yếu
hơn, đôi khi ông Nhu cũng vẫn Machiavelli nhưng theo kiểu ngược lại. Bác sỹ
Tuyến kể việc ông Nhu giải quyết các hộ kinh doanh bình dân sống bằng kinh
doanh vỉa hè rất lộn xộn bằng cách mời đại diện nghiệp đoàn của họ vào Dinh để
nói chuyện. Đó là ông Vượng, người đã phát minh ra “bia cốc bờ Hồ” được ưa
chuộng cực kỳ ở Hà Nội trước 1954. Món “bia cốc” này, tôi nghĩ, chính là tiền
thân của bia hơi Hà Nội mà ngày nay chúng ta vẫn nốc cùng thịt chó.
Cách hành xử thực dụng và máu lạnh kiểu Machiavelli đã khiến ông Nhu trở thành
chính trị gia bị sợ hãi và căm ghét; từ đó người ta quên đi rằng ông này có lẽ
là người đầu tiên (và cũng có lẽ là duy nhất) biết cách và có chủ ý xây dựng
một quốc gia dân tộc (quốc gia = nhà nước) đúng nghĩa. Một nation builder, nói
theo kiểu tây, có kiến thức lịch sử chính trị và địa lý vững chắc, nắm vững
tình thế, hiểu đại cục từ trong nước đến quốc tế, có tầm nhìn xa và dự báo
chiến lược khá chính xác. Ngày nay nhìn lại, có nhiều cái ông Nhu tiên đoán,
nhận định, chuẩn vãi chưởng.
Tôi đoán rằng, việc ông Diệm phế ông Bảo Đại và biến Việt Nam thuộc Pháp
từ thể chế quân chủ sang thể chế cộng hòa hoàn là đường lối của ông Nhu. Hiến
pháp của thể chế này không thấy ở đâu nói là ai viết, nhưng chắc cũng có bàn
tay của ông Nhu. Ngày mà bản Hiến pháp 1956 này được thông qua cũng được lấy
làm ngày quốc khánh của Việt nam Cộng hòa (sau được gọi là nền cộng hòa đệ
nhất).
Cách cai trị độc tài của chế độ Diệm-Nhu, định hình bởi bộ óc của ông Nhu và
phong cách quan lại của ông Diệm vốn là quan lớn của nhà Nguyễn. Phương pháp
cai trị của ông Nhu có thể đến từ việc ông đã nghiên cứu rất kỹ Hitler, Gandi,
Lenin, Mao cũng như am hiểu sâu sắc bản chất con người Việt Nam. Trần Kim
Tuyến cho biết ông Nhu mỗi năm đóng cửa 10 ngày chỉ để đọc sách. Đọc sách gì
ông cũng có kế hoạch sẵn, đọc cuốn nào cũng có ghi chú đầy đủ. Các nhân vật mà
ông Nhu thích đọc là Lenin, Mao. Phòng làm việc rất ngăn nắp và tài liệu sắp
đặt rất khoa học. Công cụ và lực lượng dùng để cai trị của ông Nhu, rất giống
nhà nước cảnh sát của Hitler. Thế nhưng theo ông Vỵ, trợ lý của cả ông Diệm lẫn
ông Nhu, thì chính văn phòng của ông Nhu lại rất ít nhân sự, các nhân sự cũng
“tự túc” là chính, phải chăng là do lối sống khắc kỷ và tinh thần “cần cù lao
động” để cống hiến cho tập thể của chủ nghĩa “personism”?
Sách ông Nhu đọc theo lời kể của bác sỹ Tuyến là các sách ông đọc sau này, khi
đã thành chính trị gia ở Sài Gòn. Còn trước đó, khi ở ẩn trồng hoa lan trên Đà
Lạt, hay thủa đi học ở Paris
ông đọc gì? Tôi đoán ông Nhu đã đọc các sách cổ sử như kiểu Herodotus, hay các
sách địa lý, tôn giáo thế giới.
Dấu vết của việc đọc này có thể tìm thấy trong Chính đề Việt nam, khi tác giả
của cuốn sách phân tích lịch sử văn minh nhân loại, cùng với sự hình thành và
suy yếu của các đại đế quốc, từ La Mã đến Quốc Xã, từ Nga đến Liên Xô, so sánh
các thể chế trong lịch sử, giữa Anh và Pháp. Tôi cũng đoán ông Nhu có đọc cả
Gustave Le Bon khi ông phân tích đặc tính tâm lý của dân tộc Việt Nam, mà ông
dùng từ tính khí, đó là yếu ớt và nhược tiểu, dẫn đến ứng xử ngoại giao yếu kém
do tính khí yếu ớt lại đặt dưới áp lực đe dọa bởi ngoại xâm. Tất nhiên ông Nhu
thuộc cổ sử Việt Nam, và trong 2 trang của Chính Đề ông đã diễn giải chính xác
công cuộc Nam tiến của dân tộc Việt trong 1000 năm trở lại đây cũng như mổ xẻ
chi tiết lý do/nguyên nhân Trung Quốc luôn có khát khao xâm lược Việt Nam. Với
cuốn sách hoàn thành năm 1962 này, ông Nhu có lẽ là người đầu tiên đặt ra nhiều
câu hỏi sâu sắc cho dân tộc, ví dụ như tại sao người Việt có bờ biển dài hàng
ngàn cây số mà chưa bao giờ họ khao khát đi ra biển, thậm chí cũng chưa một lần
tiến lên cao nguyên trong suốt quá trình Nam tiến ấy; cũng như là người đầu
tiên phát biểu và chứng minh được mở cửa và hội nhập sâu (mà ông gọi là phương
tây hóa, ngày nay gọi là toàn cầu hóa) không làm mất đi cái gọi là bản sắc dân
tộc. Một số “sách lược, chiến lược” ông Nhu chỉ ra trong sách, sau này không
hiểu vô tình hay học lóm mà các chế độ sau đều áp dụng.
Là một nhà nghiên cứu cổ tự, ông Nhu sớm nhận ra giới hạn nghèo nàn của tiếng
Việt và danh từ tiếng Việt, cũng như lợi thế của chữ quốc ngữ so với chữ nôm.
Trong CĐVN, ông dành hẳn một phần rất dài đưa ra các giải pháp làm mạnh tiếng
Việt.
Về tư tưởng, trong A history of the Vietnamese, nhà sử học K.W. Taylor cho rằng
ông Nhu từ chối cả hai ý thức hệ (tư bản và cộng sản, quần chúng và cá nhân).
Chính đảng do ông Nhu xây dựng có tên là Đảng Cần Lao, nếu dịch ra tiếng Anh
(Labor Party) thì rất giống tên chính đảng cầm quyền ở miền bắc lúc bấy giờ là
Đảng Lao Động. Nhưng trong tiếng Việt thì ông Nhu lý giải rằng chữ “động” trong
“lao động” có màu sắc cưỡng bức đám đông của Mao còn chữ “cần” trong “cần lao”
của ông Nhu thì có màu sắc tự nguyện. Sử gia Taylor giải thích triết lý (ý thức
hệ) Nhân Vị của ông Nhu là do chịu ảnh hưởng triết lý “personalism” của triết
gia công giáo Emmanual Mounier (khi ông còn ở khu Latin, Paris), nhưng ông Nhu
đã nhấn mạnh chân giá trị của cá nhân trong bối cảnh “hợp tác tập thể để tự cá
nhân” rồi phát triển nó thành học thuyết riêng của mình mang tên Nhân Vị.
Taylor khuyến nghị cách dịch Nhân Vị ra tiếng Anh là “personism”. Lập luận này
của Taylor có
lẽ đúng bởi chính ông Nhu phủ nhận thuyết Nhân Vị của mình giống với Nhân Vị
của Công giáo. Với học thuyết Nhân Vị, nảy mầm vào khoảng thời gian ông trốn
khỏi Hà Nội, ông Nhu đã có tư tưởng chống Mỹ (tư bản) nhiều hơn chống Pháp
(theo lời Cao Văn Viên), hòa hợp được nhiều tôn giáo (theo giải thích của ông
Nhu), và là cơ sở đề cao sự tự quyết của dân tộc (không cho Mỹ đưa quân vào,
không cho tăng cường cố vấn quân sự, không cho đặt cố vấn Mỹ bên cạnh các tỉnh
trưởng, …là những cái được chính quyền Sài Gòn chấp thuận sau khi 2 Ông Diệm
& Nhu bị giết).
Hòa hợp tôn giáo cuối cùng thất bại, nỗ lực chống lại can thiệp quân sự của
người Mỹ vào Việt Nam
cũng thất bại. Cả hai đều dẫn đến sự sụp đổ của gia đình họ Ngô. Can thiệp của
người Mỹ vào đảo chính thì như trên đã dẫn lời Phạm Xuân Ẩn. Còn xung đột với
Phật Giáo, sách của Đỗ Mậu và Trần Kim Tuyến nói ngược nhau, nhất là về việc
thượng tọa Trí Quang trốn vào sứ quán Mỹ cho đến khi xong đảo chính. Còn Phạm
Xuân Ẩn, từ thời đó đã biết đại tá Thảo là tình báo của Hà Nội, nhưng sau này
có vẻ như lờ đi, không nói về thượng tọa Trí Quang mà chính bạn của ông Ẩn là
bác sỹ Tuyến luôn cho là một ông sư marxist.
Sách của Bs Trần Kim Tuyến và tướng Đỗ Mậu cũng nói ngược nhau về nguyên nhân
của sự liên lạc của ông Nhu với Hà Nội. Dù rằng việc liên lạc ấy là có vẻ như
là thực và giống nhau trong sách của cả ông Mậu lẫn ông Tuyến: thông qua ngoại
giao, bên ông Nhu bí mật vào rừng, hoặc bên miền bắc từ rừng bí mật vào dinh tổng
thống (chắc sử liệu ở Hà Nội có ghi chi tiết). Người cán bộ cộng sản thư sinh
bí mật vào dinh gặp ông Nhu nhiều lần, được cho là tướng Trần Độ (?). Còn ông
Vỵ sau này tiết lộ rằng: ông Nhu sau khi tìm kiếm được sự ủng hộ của Pháp,
trong một chuyến đi săn cọp ở Tánh Linh đã bí mật gặp Phạm Hùng, lãnh đạo cao
cấp của mặt trân giải phóng miền nam. Sách của Đỗ Mậu và Trần Kim Tuyến chỉ
ngược nhau về cách giải thích. Nhưng dù giải thích thế nào, thì việc ông Nhu bí
mật nói chuyện với Hà Nội cũng là một cái cớ nữa để người Mỹ xuống tay. Việc
ông Nhu đi Pháp như nói ở trên, cũng là một nước cờ quan trọng nhằm kéo thêm
ủng hộ (viện trợ) của Pháp bù vào phần hụt mà Mỹ sẽ cắt đi, trong lúc tiếp tục
đàm phán bí mật để dẫn đến thỏa hiệp với Hà Nội (mà nhiều người cho rằng nếu
thành công thì sẽ thống nhất đất nước bằng hòa bình, giữ được nền cộng hòa, và
ông Nhu có thể một ngày nào đó trở thành thủ lĩnh). Điều này có vẻ cũng có lý,
khi trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, ông Nhu đã từng thực hiện thành công một
việc tương tự, khi ông gặp bí mật Bảo Đại trước khi ông vua trẻ này rời Việt
Nam qua Pháp đúng 10 năm trước (1953).
Trong một nghiên cứu ngắn cách đây chưa đến chục năm, Ks Nguyễn Gia Kiểng đã
tiếp xúc và có tài liệu từ một chính trị gia lão thành thuộc phe cánh tả của
Pháp, ông Jaques Bénet. Ông Bénet là bạn học cùng trường Chartes với ông Nhu,
tham gia kháng chiến, tham gia thành lập đệ tứ cộng hòa của Pháp, và có quan hệ
chính trị rộng rãi. Sau này ông Bénet là người của Đảng Xã Hội Pháp. Ông Nhu có
tiếp xúc bí mật với Bénet trước khi Bảo Đại qua Pháp; và chính ông Bénet đã làm
đầu mối bí mật để vận động Pháp lặng lẽ chọn Ngô Đình Diệm làm giải pháp thay
thế Bảo Đại.
Nhận định này là do ông Kiểng đã gặp trực tiếp Bénet và đọc từ bức thư riêng mà ông Nhu và Bénet trao đổi với nhau. Ông Kiểng cũng phân tích rằng ông Nhu hoàn toàn không có quan hệ với bất cứ ai ở Mỹ, cho đến khi ông Nhu có quyền lực ông mới quen Lansdales ở Sài Gòn. Ông Diệm thì có một chút quan hệ với Mỹ từ năm 1950, nhưng phải sau khi ông lên tổng thống, qua thăm chính thức nước Mỹ, và sau khi chính phủ Pháp thời De Gaulle quay lưng lại với ông Nhu, thì người Mỹ mới chính thức đứng sau ông Diệm. Phân tích này cũng phù hợp với thông tin ới nhất (2013) của Edward Miller lấy từ tài liệu được giải mật của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, trong đó Mỹ có rất ít thông tin và mù mờ về ông Diệm. Ông Kiểng cũng cho rằng sau khi Diệm Nhu bị lật đổ, nước Pháp đã quay về phía Hà Nội. Điều này khá logic với việc ông Nhu không sử dụng nhóm ông Hà (học giỏi, có uy tín, đã từng làm bộ trưởng ở Hà Nội), ông Hãn (học giả lớn), ông Luyện (em ruột ông Nhu và là bạn học của Bảo Đại) dù rằng chính nhóm này đã thuyết phục Bảo Đại ký giấy bổ nhiệm ông Diệm làm thủ tướng. Ông Diệm phần nào giải thích việc không sử dụng các trí thức lớn thiên tả Hà, Hãn, Tường trong thư riêng gửi ký giả Joseph Buttinger năm 1956. Cả Đỗ Mậu vẫn Trần Kim Tuyến đều nói các bài diễn văn quan trọng của ông Diệm đều do ông Nhu viết bằng tiếng Pháp rồi cho người dịch ra. Lá thư gửi Buttinger có thể cũng do ông Nhu viết.
Các lập luận của ông Kiểng cũng logic với việc một người chống Pháp như ông
Diệm mà chỉ trong năm 1955 đã dẹp sạch những gì chịu ảnh hưởng của Pháp, kể cả
quân đội Bình Xuyên. Năm 1955 chính quyền ông Diệm sáp nhập vùng đất Hoàng
Triều Cương Thổ của Bảo Đại vào miền nam, cũng như dẹp nguồn tài chính của Bảo
Đại ở Chợ Lớn (sòng bài Đại Thế Giới, xóm ăn chơi Bình Khang) do Bình Xuyên của
Bảy Viễn điều hành (Bảy Viễn được Bảo Đại phong tướng năm 1952, một năm trước
khi Bảo Đại qua Pháp). Chỉ dựa vào ủng hộ của Mỹ mà không có đèn xanh từ Pháp
thì sẽ không có giải pháp thay thế ngoạn mục: nhanh và ít đổ máu như vậy. Thậm
chí chiến dịch Hoàng Diệu của Dương Văn Minh đánh vào rừng Sác, cũng được cho
là chiến dịch do ông Nhu dàn xếp sẵn với Pháp chứ không hẳn là bắn nhau thật.
Sau đó Pháp đã đưa Bảy Viễn qua Paris.
Trong các sách tôi đọc, thấy cũng ông Nhu luôn chế diễu các phe phái chống cộng
là “không có giải pháp thay thế (thì chống để làm gì)” có lẽ là vì lý do bí mật
về “giải pháp thay thế Bảo Đại” mà ông Kiểng phát hiện ra.
Sau khi chế độ Diệm Nhu bị hạ đổ, Sài Gòn rơi vào hỗn loạn chính trị, đảo chính
hạ bệ nhau liên tục, cho đến khi Nguyễn Văn Thiệu lên làm tổng thống tình hình
chính trị mới bớt hỗn loạn. Nguyễn Văn Thiệu được cho là người ra lệnh giết
Phạm Ngọc Thảo. Ông Ẩn không có nhận xét gì nhiều về Diệm Nhu, nhưng với Thiệu
ông mô tả ông tổng thống này như một con khỉ nghiện thuốc phiện của người Hoa,
ý nói ông Thiệu là con khỉ nghiện viện trợ của Mỹ. Ông Ẩn, có vẻ như hơi cay
đắng khi trách người Mỹ đã lật đổ ông Diệm mà không có “giải pháp thay thế”.
Lịch sử Việt Nam
thời kỳ 1946-1955 rất bí hiểm và rối rắm. Mà lịch sử Việt Nam thời kỳ nào
cũng thế. Nếu tất cả những thông tin nói trên mà đúng, và chắc là đúng thôi, ít
ra ở sự logic các sự kiện và nhân vật, thì ông Nhu là một trường hợp vô tiền
khoáng hậu.
Từ một trí thức trẻ uyên bác, nghèo xác xơ, nói và viết tiếng Việt rất kém,
trong một bối cảnh xã hội phức tạp vừa thoát khỏi thực dân phong kiến, dân trí
thấp, thậm từ vựng chính trị của tiếng Việt cũng vẫn còn nghèo nàn, ông Nhu đã
xây dựng được lực lượng chính trị của riêng mình, với tư tưởng và học thuyết
chính trị của riêng mình (tuy tổ chức còn lỏng lẻo, nghiệp dư và có nhiều bê
bối). Rồi từ đó ông Nhu đã trở thành một chính trị gia mưu lược, rất giỏi ẩn
mình. Ông dựng lên một Tổng thống đầu tiên, một thể chế chính trị cộng hòa mới
mẻ, một nhà nước với guồng máy cai trị thực dụng đến tàn nhẫn nhưng rất hiệu
quả.Cuối cùng ông Nhu chết cùng với vị tổng thống và chế độ do chính mình dựng nên,
để lại thể chế cộng hòa còn non nớt.
Ngày 2/11 Ông
Diệm-Nhu bị lật đổ được lấy làm ngày quốc khánh thứ hai cùng nền cộng hòa thứ
hai (đệ nhị) và bản hiến pháp thứ hai ở miền nam. Người lật đổ Diệm (tổng thống
đầu tiên của miền nam) sau này trở thành tổng thống cuối cùng của miền Nam và hàng
tướng nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Các bí ẩn quanh quan hệ của tướng Dương Văn
Minh, thượng tọa Trí Quang, nhà điệp báo Phạm Xuân Ẩn, cùng với khám phá mới
nhất (2013) của Miller về kế hoạch tấn công giải phóng miền Bắc của ông Diệm
(sau trận Ấp Bắc), sẽ là món “nhậu” khoái khẩu cho các vị theo thuyết âm mưu,
và là sự hồi hộp cho những ai kiên nhẫn đợi chờ sự tiết lộ dần dà của lịch sử.
Và ngay cả khám phá mới về kế hoạch tấn công miền bắc này, cũng rất thú vị, khi
nó có thể là một quân bài để mặc cả cho một quân bài khác, đó là hiệp thương
với Hà Nội. Là một nhà nghiên cứu hiểu biết sâu sắc về lịch sử và đặc tính dân
tộc theo vùng miền, ông Nhu lập kế hoạch hiệp thương gồm 6 bước: bắt đầu là để
nhân dân hai miền trao đổi thư từ, rồi qua lại thăm nhau, rồi trao đổi kinh tế
Than-Gạo, rồi định cư, cuối cùng là tổng tuyển cử. Ông Nhu hy vọng sẽ có khoảng
3 triệu người rời miền bắc để định cư ở miền nam, làm cân bằng dân số (mỗi miền
20 triệu), có lợi cho việc trúng cử của ông Diệm hoặc ông Nhu. Kế hoạch này,
giờ nhìn vào Nam Hàn-Bắc Hàn ta sẽ thấy rất khả thi, nếu như Pinay, đại diện
cho Charles De Gaulle, theo đúng cam kết (khi ông Nhu gặp ở Paris) làm cầu nối
chính thức cho hòa đàm Nam-Bắc.
Trước khi chuyển qua bản luận văn, xin trích vài đoạn trả lời của ông Nhu:
a) Theo ghi chép của Bác sỹ Tuyến:
Câu hỏi: Hình như Đức Hồng Y Spellman có khuyến cáo Tổng Thống nên mở rộng
chính phủ và chấp nhận đối lập?
Ông Nhu trả lời: Điều đó có, Tổng Thống cũng đang cứu xét nhưng với một nước
chậm tiến như Việt Nam
không thể áp dụng chế độ tự do dân chủ như Tây phương. Đất nước chúng tôi
truyền thống dân chủ từ cả ngàn năm trước, dân chủ từ hạ tầng, từ xã ấp. Ở
thượng tầng phải làm thế nào giữ được uy quyền tối thượng của quốc gia. Mỹ có thói
quen bắt buộc các đồng minh phải dập khuôn như họ…nhưng ở Mỹ khác, ở Á Châu này
khác…trong một quốc gia hòa bình thì lại hoàn toàn khác với một quốc gia đang
có chiến tranh. Tổng Thống Kennedy khuyến cáo Việt Nam cải tổ cơ chế dân chủ có
nghĩa là (mô) phỏng cơ chế dân chủ của Mỹ. Nhưng, ông cha chúng tôi đã có nhiều
kinh nghiệm về nạn chia rẽ, nạn kỳ thị phe phái…nếu ở Việt Nam áp dụng dân chủ
như ở Mỹ thì chỉ đi đến tình trạng hỗn loạn. Mà Việt Nam thì không thể chấp nhận được
tình trạng hỗn loạn.
Câu hỏi: Hình như Tổng Thống Kennedy muốn Miền Nam có sự canh tân Hiến Pháp?
Ông Nhu trả lời: Không chính thức khuyến cáo như vậy nhưng Hoa Thịnh Đốn gián
tiếp muốn chúng tôi làm như vậy.
Câu hỏi: Hầu hết người Mỹ đứng đắn đều không muốn Việt Nam bị xáo trộn
nhưng họ muốn một chế độ cởi mở?
Ông Nhu trả lời: Vâng họ đang lên án chúng tôi là độc tài cũng như trước đây họ
đã lên án Tưởng Giới Thạch và Lý Thừa Vãn… Người Mỹ đã lầm giữa chế độ độc tài
với sự bảo vệ uy quyền quốc gia tối thượng. Chẳng hạn họ bảo chúng tôi là độc
tài vì cho rằng không có Tối Cao Pháp Viện nên Hành Pháp điều khiển Tư Pháp. Họ
cũng kết án chúng tôi là độc tài vì cho rằng Quốc Hội chỉ có một viện và do
Quốc Hội không kiểm soát được Hành Pháp.
b) Trích từ Robert Kennedy and his time (đoạn Nhu nói với Maneli):
“Tôi đang thực hiện một cuộc chiến để kết thúc chiến tranh vĩnh viễn tại Việt
Nam; Tôi đang thực sự chiến đấu chống chủ nghĩa Cộng Sản để (sẽ) kết thúc chủ
nghĩa tư bản vật chất. Tôi đang tạm thời xiết lại tự do để sẽ (sau này) cho nó
(tự do) trong một hình thức vô hạn. Tôi đang củng cố kỹ luật để khai tử những
trói buộc từ ngoại bang. Tôi đang tập trung hóa (tập quyền) đất nước để (sau
này) sẽ dân chủ hóa và sẽ phân tán quyền lực (tán quyền)… Các ấp chiến lược là
định chế căn bản của nền dân chủ trực tiếp. Khi người dân phát triển và thịnh
vượng, họ sẽ trở thành hạt nhân chính của một tổ chức quốc gia, và rồi chính
bản thân nhà nước – như Karl Marx đã nói — sẽ biến mất.”
c) Trích từ “Chính đề Việt nam”:
““Nước Việt Nam
là một nước nhỏ, nhỏ về dân số, nhỏ về lãnh thổ, nhỏ về kinh tế kém phát triển,
và nhỏ về sự góp phần của chúng ta vào văn minh nhân loại.
Trong suốt phần lịch sử nhân loại mà chúng ta được biết tới ngày nay, số phận
của các quốc gia nhỏ, từ xưa vẫn không thay đổi. Lúc nào các quốc gia nhỏ cũng
phải bị chi phối bởi những trận phong ba bão táp vô trách nhiệm do các nước lớn
gây ra. Và lúc nào cũng sống dưới sự đe dọa liên tục của một cuộc ngoại
xâm.”. “Từ ngày lập quốc, hơn một ngàn năm lịch sử đã chứng minh rằng Việt
Nam
chúng ta không thoát ra ngoài vận mạng thông thường đó. Hết phải chống Bắc, rồi
phải chống Tây, rồi lại phải chống Bắc. Liên tục, và lúc này hơn lúc nào hết,
nạn ngoại xâm vẫn đe dọa Dân Tộc Việt Nam.”
‘’Trong quá khứ, ngay những lúc ta chiến thắng Trung Quốc, các nhà lãnh đạo
Việt Nam
cũng khôn ngoan hòa thuận với Trung Quốc và tự đặt mình vào chế độ thuộc quốc.
Nhưng điều mà Trung Quốc muốn không phải là Việt Nam chỉ thần phục và triều
cống Trung Hoa, suốt thời gian gần một ngàn năm lịch sử, lúc nào cũng muốn lấy
lại mảnh đất mà Trung Hoa coi như tạm mất’’
“Như vậy, thuyết cộng sản đối với Nga chỉ là một phương tiện và ngày nào mục
đích đã đạt được, phương tiện sẽ không còn giá trị nữa. Các biến cố hiện tại ở
Âu Mỹ chứng tỏ rằng Nga sắp đến lúc bỏ phương tiện cộng sản và trở về với xã
hội Tây phương.”
“Sức mạnh của nước Anh hay nước Mỹ mà chúng ta mục kích ngày nay bắt nguồn
trước hết từ chỗ hai quốc gia này đã thực hiện được việc liên tục lãnh đạo quốc
gia trong gần 200 năm. Một nhà lãnh đạo Anh, ngày nay bước lên nắm chính quyền,
là tức khắc sau lưng mình có 400 năm kinh nghiệm và văn khố làm hậu thuẫn. Đó
là một di sản quí báu không có gì thay thế được và tạo cho họ một sức mạnh phi
thường.”
“Như trên đã trình bày, sự lãnh đạo quốc gia được liên tục khi nào các điều
kiện dưới đây được thỏa mãn:
1. Sự chuyển quyền được bình thường từ lớp người trước cho tới lớp người
sau.
2. Các bí mật quốc gia được truyền lại.
3. Thuật lãnh đạo được truyền lại và được cải thiện càng ngày càng tinh
vi.
4. Các kinh nghiệm của dĩ vãng được xếp vào văn khố, được truyền lại và
có người biết sử dụng văn khố.”
“Trình độ gián đoạn trầm trọng nhất xảy ra khi sự chuyển quyền không thực hiện
được giữa lớp người trước và lớp người sau. Bí mật lãnh đạo và bí mật quốc gia
đều mất. Thuật lãnh đạo không truyền lại được. Di sản dĩ vãng không người thừa
nhận, văn khố thất lạc và bị cướp bóc. Đó là trường hợp của các nước bị chinh
phục, mất chủ quyền. Và đó là trường hợp của Việt Nam chúng ta trong thời kỳ Pháp
thuộc.”. Tác giả của bản luận văn tốt nghiệp trường Chartes năm 1938 đã chết
cách đây đúng nửa thế kỷ.
Những phong tục và tập quán của người An Nam ở Đằng Ngoài thế kỷ XVII
(Còn tiếp). (Source: DanLuan)