Việt Nam:'Việc kê khai tài sản của cán bộ hiện nay rất buồn cười!'

10 Tháng Chín 20179:00 CH(Xem: 6751)

VĂN HÓA ONLINE - THỜI SỰ  - THỨ  HAI  11  SEP  2017


'Việc kê khai tài sản của cán bộ hiện nay rất buồn cười!'


10/09/2017


TTO - Trao đổi về dự án luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), các chuyên gia cho rằng kê khai tài sản phải đi liền với kiểm soát tài chính, giám sát và tiếp cận thông tin.


image036


Cơ ngơi đồ sộ của ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Yên Bái. Ông này bị Thanh tra Chính phủ cho rằng “kê khai tài sản chưa đầy đủ” - Ảnh: NAM TRẦN


Kê khai tài sản mà "mật", "nội bộ" là không ổn


Việc kiểm soát tài sản của quan chức thời gian qua chưa hiệu quả, phần chìm của "tảng băng" vẫn còn nguyên.


Phải làm thế nào để mỗi cán bộ khi được cất nhắc bổ nhiệm đều phải khai hết tài sản của mình và cả tài sản của bố mẹ, anh chị em, con cái hai bên. Việc này có thể rất rắc rối, phức tạp nhưng cần thiết.


Không đòi hỏi tất cả công chức nhưng những người chủ chốt, đứng đầu các cấp phải công khai tài sản kê khai cho cơ quan và khu dân cư. Cũng cần một cơ chế để nhân dân giám sát, rõ ràng công khai đến đâu, chịu trách nhiệm đến đâu. Hiện kê khai tài sản lại coi là thông tin mật, thông tin nội bộ là không ổn.


Ông VŨ QUỐC HÙNG - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương


Giám sát chặt tài chính sẽ biết nhà của ai


Muốn giám sát để ngăn chặn tham nhũng, Nhà nước cần có hệ thống quản lý tài chính chặt chẽ. Ví như hiện nay, một cán bộ cấp cao có một ngôi nhà vài chục tỉ đồng nhưng nói là của bố mẹ, trong khi bố mẹ đã qua đời. Nếu có hệ thống giám sát tài chính chặt chẽ sẽ biết nhà đó ở đâu ra.


Việc phát sinh tài sản hay tham nhũng từ chính chức vụ cũng là vấn đề cần ngăn chặn. Chẳng hạn khi tỉnh thực hiện một dự án, cần nghiêm cấm cán bộ công chức và vợ con họ sở hữu những quyền lợi hoặc tài sản trong dự án đó.


Ông ĐỖ ĐỨC VĨNH - Viện KSND cấp cao tại TP.HCM


* Tiến sĩ LÊ ĐĂNG DOANH (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương): Học kinh nghiệm các nước đi trước


Giảm chi tiêu, thanh toán bằng tiền mặt là giải pháp quan trọng trong phòng chống tham nhũng. Thanh toán qua ngân hàng sẽ giúp kiểm soát nguồn gốc đồng tiền, giúp minh bạch tài sản.


Phải quy định rõ ràng việc minh bạch tài sản quan chức trên internet để người dân biết và giám sát. Tổng thống Mỹ đều phải khai có mấy nhà, ở đâu. Thủ tướng Thụy Điển đi công tác dân cũng có thể biết vé máy bay bao nhiêu, mời cơm lãnh đạo nào, uống rượu gì...


Nói chung ta không cần sáng tạo gì thêm, chỉ cần học kinh nghiệm các nước đi trước.


Ngành nào dễ tham nhũng thì phải kê khai


Chủ thể kê khai không nên đại trà, tràn lan, chỉ nên là những người đứng đầu, đặc biệt là những ngành dễ tham nhũng như tài chính, đất đai, môi trường, giao thông... Tòa án, viện kiểm sát cũng cần vì cơ hội tham nhũng ở đó không nhỏ.


Những người trong ban lãnh đạo, hội đồng thành viên, hội đồng quản trị của các doanh nghiệp nhà nước dứt khoát phải kê khai, cả tài sản của người nhà, thân nhân chứ không chỉ của cá nhân. Kê khai trước hết là bất động sản, rồi đến chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu...


Cơ quan quản lý thông tin về kê khai tài sản cũng cần "nối mạng" trực tiếp với các cơ quan giao dịch tài sản, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu... để nắm được sự thay đổi về tài sản của người kê khai.


TS HOÀNG NGỌC GIAO - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển


Tịch thu tài sản bất minh


Nếu chỉ trông vào một luật Phòng chống tham nhũng thì việc này là bất khả thi. Ở lĩnh vực nào, tổ chức cán bộ hay quản lý kinh tế, y tế hay giáo dục..., luật pháp còn kẽ hở thì vẫn tạo điều kiện cho tham nhũng. 


Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) nên tập trung vào các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.


Hiện ta có hơn 1 triệu đối tượng phải kê khai tài sản, nhưng số được xác minh rất ít và số bị phát hiện thiếu trung thực càng ít. Có bị phát hiện cũng chỉ bị xử lý về hành chính, chính trị, chứ chưa bị xử lý về tài sản. Nhiều ý kiến đề nghị luật quy định việc xác minh tính trung thực của các bản kê khai, nhất là đối với các trường hợp chuẩn bị được bổ nhiệm.


Nhiều nhước đã trao quyền xác minh, xử lý tài sản cán bộ, công chức cho cơ quan tư pháp. Mọi tài sản bất minh, không giải trình được nguồn gốc phải bị tịch thu. Sở hữu tài sản không giải trình được nguồn gốc cũng là một hành vi tội phạm.


TS NGUYỄN ĐÌNH QUYỀN - viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp


Phải giải trình được tài sản


Tôi thấy việc kê khai tài sản của cán bộ hiện nay rất buồn cười và chả có giá trị gì đối với việc phòng chống tham nhũng. Bởi kê khai như thế nào dân không được biết.


Do vậy, cần công khai toàn bộ thông tin kê khai tài sản của cán bộ lên mạng để nhân dân biết và giám sát.


Đồng thời phải giải trình tài sản đó từ đâu mà có, mua khi nào... Nếu kê khai không trung thực thì Nhà nước tịch thu luôn, không khiếu nại.


Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC - Đoàn luật sư TP Hà Nội


Nhóm PV