5 lý do khiến Mỹ "bất lực" với chương trình hạt nhân Bắc Hàn suốt 30 năm

31 Tháng Tám 20179:41 CH(Xem: 8074)

VĂN HÓA ONLINE - THỜI SỰ  - THỨ  SÁU  01  SEP  2017


31/08/2017


5 lý do khiến Mỹ "bất lực" với chương trình hạt nhân Bắc Hàn suốt 30 năm


Dân trí Trải qua 5 đời tổng thống với rất nhiều phương án được đề xuất và thực hiện, nhưng trong gần 30 năm qua Mỹ vẫn không thể khiến Triều Tiên chùn bước trên con đường phát triển hạt nhân, thậm chí Bình Nhưỡng ngày càng cho thấy sự tiến bộ rõ rệt trong chương trình vũ khí của nước này.


image029

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát cuộc tập trận của quân đội Triều Tiên (Ảnh: Reuters)


Mỹ bắt đầu ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên từ cuối những năm 1980. Kể từ đó tới nay, Nhà Trắng đã đón tiếp 5 đời tổng thống, song chưa nhà lãnh đạo nào đạt được thành công trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Triều Tiên ngày càng cho thấy sự tiến bộ rõ rệt của nước này trong chương trình phát triển vũ khí.


Kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền từ năm 2011 đến nay, Triều Tiên đã phóng 80 tên lửa với tần suất ngày càng tăng. Chỉ tính riêng trong năm nay, đã có 18 tên lửa rời bệ phóng trong các cuộc thử nghiệm, trong đó có 2 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và một tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản trong vụ phóng mới nhất vào sáng 29/8.


Theo nhà phân tích Jon Wolfsthal, nghiên cứu sinh tại Đại học Havard và là cựu cố vấn đặc biệt dưới thời Tổng thống Barack Obama, có 5 lý do khiến Mỹ gần như bất lực trước chương trình hạt nhân của Triều Tiên trong gần 30 năm qua.


image028

Tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên trong vụ phóng ngày 29/8 (Ảnh: KCNA)


Thứ nhất, Mỹ luôn muốn đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên. Mỹ luôn tuyên bố sẽ không chấp nhận một đất nước Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, tuy nhiên Washington dường như đang buộc phải chấp nhận sự thật này. Sau khi Triều Tiên bị phát hiện nói dối về việc sản xuất nguyên liệu hạt nhân vào đầu những năm 1990, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt, nhưng sau đó lại xúc tiến một thỏa thuận với Bình Nhưỡng.


Sau khi Triều Tiên vi phạm thỏa thuận, Mỹ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt lên Bình Nhưỡng, nhưng rốt cuộc lại quay về con đường đối thoại vào năm 2005 và một lần nữa tìm kiếm một thỏa thuận với quốc gia Đông Bắc Á.


Năm 2006, Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân, Mỹ một mặt trừng phạt Bình Nhưỡng, mặt khác vẫn đề xuất đối thoại. Thậm chí trong những năm cựu Tổng thống Obama nắm quyền, Mỹ vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Triều Tiên với điều kiện Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình hạt nhân.


Theo đó, sau nhiều năm, điều Mỹ muốn ở Triều Tiên vẫn là một bản thỏa thuận. Trong khi đó, tất cả những gì Triều Tiên cần làm là cứ để cho Mỹ chờ đợi, cho tới khi nào Bình Nhưỡng cảm thấy đạt được một thỏa thuận “vừa ý” mình. Cứ như vậy, cán cân thương lượng ngày càng có xu hướng ngả về phía Triều Tiên.


image030

Cựu Tổng thống Barack Obama quan sát Triều Tiên từ một đài quan sát ở khu phi quân sự liên Triều (Ảnh: AFP)


Thứ hai, Mỹ luôn mong muốn cô lập Triều Tiên nhưng không thể. Mặc dù Mỹ từng áp dụng rất nhiều cách để cô lập Triều Tiên hòng cắt đứt nguồn tài chính nuôi chương trình vũ khí tốn kém của Bình Nhưỡng, nhưng nguồn tiền đổ về Triều Tiên vẫn không có dấu hiệu dừng lại.


Trung Quốc vẫn tiếp tục mua than đá của Triều Tiên. Người lao động Triều Tiên vẫn tới các nước châu Á và châu Phi làm việc để gửi tiền về quê nhà. Trong khi đó, các hợp đồng bán vũ khí của Triều Tiên cho các nước châu Phi và một số nước khác trên thế giới vẫn tiếp diễn, mang lại nguồn tiền đáng kể cho Bình Nhưỡng.


Mặc dù các lệnh trừng phạt cũng ảnh hưởng ít nhiều tới Triều Tiên nhưng Bình Nhưỡng vẫn cho thế giới thấy rằng nước này đang phát triển tốt hơn nhiều so với 10 năm trước đây.


Trung Quốc có thể sẽ phải chấp thuận một số lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên do sức ép của Liên Hợp Quốc và Mỹ, tuy nhiên Bắc Kinh và Bình Nhưỡng vẫn còn nhiều thỏa thuận “ngầm” khác để giúp Triều Tiên sống tốt.


image031

Các xe tải từ Triều Tiên di chuyển qua cây cầu ở biên giới với Trung Quốc (Ảnh: Kyodo)


Thứ ba, Mỹ luôn cảnh báo về nguy cơ chiến tranh với Triều Tiên, nhưng chưa có bất kỳ cuộc chiến nào xảy ra. Nếu ngay cả trước đây, khi Triều Tiên chưa có vũ khí hạt nhân và tên lửa với tầm phóng vươn tới lãnh thổ Mỹ, mà Mỹ vẫn không phát động một cuộc chiến tranh nhằm vào Triều Tiên thì nay, khả năng đó càng không thể xảy ra.


Nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ sẽ không đánh đổi tất cả để gây chiến với một một nước nhỏ như Triều Tiên. Trong khi đó, Hàn Quốc, quốc gia láng giềng với Triều Tiên, lại là một nước phát triển. Do vậy, Hàn Quốc sẽ không để Mỹ tấn công Triều Tiên vì điều đó đồng nghĩa với việc Seoul cũng sẽ bị hủy diệt.


Theo đó, Triều Tiên chỉ cần tiến từng bước một, đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống vũ khí, và sau đó đặt điều kiện thỏa thuận với Mỹ như cách mà Washington vẫn muốn từ nhiều năm nay.


image032

Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đưa ra nhiều cảnh báo sắc lạnh đối với Triều Tiên (Ảnh: Reuters)


Thứ tư, Mỹ dường như đang mất dần vị thế trong khu vực. Mặc dù Mỹ vẫn luôn tuyên bố về chính sách xoay trục sang châu Á, nhưng thực tế cho thấy Trung Quốc ngày càng mạnh hơn, còn Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ tự quyết định về việc nên ngả về bên nào giữa Trung Quốc và Mỹ.


Trung Quốc, đồng minh duy nhất và là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, từng nói rằng đối với họ, kịch bản Triều Tiên sụp đổ còn đáng lo ngại hơn những lời khiêu khích của Bình Nhưỡng. Trong bối cảnh Mỹ đang thất thế so với Trung Quốc trong khu vực còn các đồng minh của Washington ngày càng chịu nhiều áp lực, Triều Tiên dường như là nước được hưởng lợi.


Thứ năm, Triều Tiên tuyên bố “sống chết” với vũ khí hạt nhân. Mỹ từng đạt được thỏa thuận với nhà lãnh đạo Libya Muammar al-Qaddafi để đổi lại việc nhà lãnh đạo này từ bỏ chương trình vũ khí. Tuy nhiên, Libya sau đó đã rơi vào tình trạng hỗn loạn.


Tổng thống Iraq Saddam Hussein cũng đã đồng ý dừng phát triển vũ khí theo thỏa thuận với Mỹ, và sau đó Iraq rơi vào khủng hoảng cho đến tận bây giờ.


Triều Tiên có thể đã nhìn vào hai bài học trên và sẽ không bao giờ dừng chương trình vũ khí hạt nhân của họ. Vì đối với Bình Nhưỡng, từ bỏ tham vọng hạt nhân sẽ đồng nghĩa với việc đất nước sụp đổ./ Thành Đạt Theo Politico
18 Tháng Sáu 2017(Xem: 18614)
Cuộc triển lãm vũ khí gần Tokyo, do các bộ Quốc Phòng, Ngoại Giao và Công Nghiệp Nhật bảo trợ, sẽ là dịp để các nhà sản xuất Nhật « chào hàng » với các đối tác Đông Nam Á. Nhưng họ sẽ phải cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc, nhất là vì Trung Quốc bán vũ khí giá rẻ hơn cho các nước Đông Nam Á.