Manila tiến thoái lưỡng nan với Vành Khăn

18 Tháng Bảy 20161:22 SA(Xem: 9329)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  HAI 18  JULY 2016


Manila tiến thoái lưỡng nan với Vành Khăn


 image041

Theo phân tích của hãng tin Reuters, chính phủ Philippines có thể giành chiến thắng trong vụ kiện Trung Quốc về biển Đông, nhưng trên thực tế thì Manila không thể gọi là thắng lợi trong vùng biển chiến lược khi nói về Đá Vành Khăn.


Những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy từ những chòi canh ọp ẹp được Trung Quốc xây dựng từ hai thập kỷ trước, nay bãi đá được nới rộng trên một diện tích lớn hơn 500 sân bóng đá, trong đó có một đường băng dài 3 km với nhiều nhà cửa trang hoàng, những bãi đất có thể diễu hành được và có cả một hệ thống radar chằng chịt.


Theo phán quyết được Tòa Trọng tài đưa ra vào hôm thứ Ba 12/07 thì bãi đá và tất cả những gì trên đó thuộc về Philippines một cách hợp pháp, bất kể thời gian và những gì được xây mới trên đó cũng không thay đổi được điều này.


Tuy vậy, trong tuyên bố công khai về phán quyết của tòa án, Manila đã thận trọng và kêu gọi phản ứng một cách “tỉnh táo và có kiềm chế”. Các quan chức Philippines hiểu rằng họ không có nhiều hy vọng lấy lại Đá Vành Khăn ngay tức thì dựa theo phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở Hague.


“Vấn đề này cần thời gian, không chỉ năm hay 10 năm nữa,” một quan chức cao cấp của Hải quân Philippines nói với yêu cầu không được tiết lộ danh tính đối với vấn đề nhạy cảm này.


Vị quan chức này còn nói, “trục xuất người Trung Quốc ra khỏi khu vực đó là bất khả thi”.


Đáp trả một cách cương quyết



image040

Image copyright XINHUA Image caption Máy bay dân sự Trung Quốc hạ cánh trên đường băng ở đảo nhân tạo


Bắc Kinh, không chỉ từ chối tham gia phiên tòa mà còn nói phán quyết không có giá trị pháp lý đối với chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông và tái khẳng định chủ quyền đối với Đá Vành Khăn và nhiều hòn đảo khác.


Vào hôm thứ Năm, 14/07, tờ Nhân dân Nhật báo đăng một bức ảnh trên trang nhất cho thấy một chiếc máy bay dân sự hạ cánh tại sân bay Vành Khăn, với hai lá cờ Trung Quốc tung bay từ khoang lái.


“Như tôi đã nói từ trước, phán quyết sẽ không có tác dụng,” phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng trả lời, khi được hỏi liệu Trung Quốc sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền ở Đá Vành Khăn.


“Cũng nhân dịp này, tôi muốn nói rằng nếu bất cứ ai dùng phán quyết của Tòa Trọng tài để có những hành động khiêu khích, chống lại lợi ích của Trung Quốc, chúng tôi sẽ có sự đáp trả một cách cương quyết,” phát ngôn viên Lục Khảng nói với báo giới.


Các chuyên gia ở Trung Quốc cho rằng Tòa Trọng tài không có quyền hạn để bắt buộc các bên thực thi theo phán quyết nên nước này chắc chắn sẽ không giảm đi các hành động ở khu vực biển Đông.


“Phán quyết của Tòa Trọng tài quá chung chung nên có thể nói là không giải quyết được vấn đề,” chuyên gia luật Quốc tế của Đại học Vũ Hán Hà Hiển Dị nói.


Một số chuyên gia Trung Quốc khác thì nói phán quyết là chi tiết và kỹ lưỡng, dù các quan chức Trung Quốc luôn nói không xác đáng.


Một số lãnh đạo cao cấp thì cảm thấy như bị giáng một đòn đau điếng trước thái độ hoàn toàn chống lại Trung Quốc.


“Thật là đáng ngạc nhiên khi mà một nhóm quan tòa kiêu ngạo chỉ ngồi một chỗ (ở châu Âu) và đưa ra quyết định thế nào là bãi đá và thế nào là một hòn đảo,” một học giả ở Bắc Kinh nói.


“Điều này chỉ làm tăng thêm sự đồng lòng của giới lãnh đạo và thái độ của Trung Quốc thêm cứng rắn, bao gồm cả về quân sự. Sẽ không có chuyện Trung Quốc lùi bước.”


Các tiếp cận “rón rén” của Manila cho thấy nước này hiểu rõ những rủi ro, quan chức Philippines nói.


“Chúng ta nên chừa đường cho những hành động giữ thể diện vì Trung Quốc sẽ phải đối diện với sức ép khủng khiếp từ trong nước,” quan chức Hải quân Philippines nói. “Chúng tôi không muốn Đảng Cộng Sản Trung Quốc bị lật đổ bởi những cái đầu nóng trong lực lượng Quân đội Nhân dân. Điều này rất là nguy hiểm.”


Chủ tịch Tập Cận Bình có những động thái thắt chặt quyền lực kể từ khi lên nắm quyền gần bốn năm trước và chưa có dấu hiệu nào cho thấy có những hành động như vậy.


Chỉ là Thềm lục địa


image042

Image copyright Reuters Image caption Đá Vành Khăn được Tòa Trọng tài phán quyết thuộc Philippines nhưng lại do Trung Quốc chiếm giữ và xây dựng


Phán quyết về Đá Vành Khăn là một trong những phán quyết quan trọng nhất của toàn bộ phán quyết dài 479 trang từ Tòa Trọng tài, xem xét về chủ quyền lãnh thổ đối với những bãi ngầm, bãi đá và bãi cạn nằm dọc theo tuyến đường hàng hải quan trọng.


Tòa cũng bác bỏ đường chín đoạn mà Bắc Kinh đưa ra trong vòng 69 năm qua, tuyên bố chủ quyền gần hết cả khu vực biển Đông và bác bỏ mọi căn cứ pháp lý mà Bắc Kinh đưa ra liên quan chủ quyền đảo và các khu đặc quyền kinh tế, các chuyên gia về luật nói.


Đá Vành Khăn là khu vực giàu tài nguyên mà Trung Quốc chiếm giữ ở phía đông, cách khoảng 300 km đối với phía tây đảo Palawan của Philippines và cách khoảng 1.100 km từ đảo Hải Nam của Trung Quốc, là khu vực nằm trọn vẹn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.


Tòa Trọng tài cho rằng Trung Quốc tiến hành việc xây dựng, được đẩy mạnh kể từ sau 2014, để tuyên bố chủ quyền, là bất hợp pháp và làm “trầm trọng” thêm tranh chấp, chiếu theo Công ước Liên hợp Quốc về Luật biển mà Manila đã khởi kiện ra tòa vào năm 2013.


Các vị quan tòa đồng thuận với luật sư bên phía Philippines, dựa vào bằng chứng là những ảnh chụp vệ tinh, thông tin từ lịch sử và từ khảo sát, bao gồm cả những ghi chú của hoa tiêu Trung Quốc để chỉ ra rằng, Đá Vành Khăn-về mặt pháp lý- chỉ là thềm lục địa, nổi lên khi thủy triều xuống.


Các luật sư đưa bằng chứng rằng bãi đá có tên Trung Quốc cổ là Mỹ Tế Phục- tên tiếng Anh là Mischief, là nhằm mục đích chứng minh Trung Quốc đã sử dụng và làm chủ khu vực biển Đông trong 2.000 năm qua. Ngày nay Trung Quốc gọi Đá Vành Khăn là Đá Mỹ Tế.


Khả năng xung đột


image043

Image copyright EPA


Các quan chức quân sự và ngoại giao trong khu vực nói Vành Khăn có thể là điểm gây nên sự xung đột trong bối cảnh khu vực sẽ tiếp tục có căng thẳng trong nhiều tháng sau khi có phán quyết.


Khu vực khác bao gồm Bãi Scarborough (Hoàng Nham), là ngư trường truyền thống của Philippines đã bị Trung Quốc chiếm đóng từ 2012 và Bãi Cỏ Mây (Second Thomas), nơi có một nhóm binh lính Philippines đóng quân trên một chiếc tàu bị mắc cạn đã mục nát.


Mỹ cũng đang quan sát Đá Vành Khăn một cách chặt chẽ và thường xuyên cảnh báo Trung Quốc không được xây dựng thêm trên hòn đảo thuộc về Philippines, là đồng minh quân sự của Mỹ.


Vào hôm thứ Tư vừa qua, Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Dan Sullivan đã yêu cầu các tàu chiến của Mỹ di chuyển đến gần Đá Vành Khăn như một động thái đảm bảo cho tự do hàng hải trong khu vực.


Một quan chức bộ Quốc phòng Mỹ nói với Reuters rằng nếu có xảy ra đối đầu trong khu vực, hải quân và không quân Mỹ sẽ có những hành động nhằm bảo vệ tự do hàng hải.


Manila, ngược lại, không muốn có thêm những hành động khiêu khích Trung Quốc.


“Họ đang giận dữ vào lúc này,” Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói với Reuters. “Cảm xúc đang dâng cao và chúng tôi không muốn cho họ có thêm lý do để có những hành động bạo lực.”


BBC15 tháng 7 2016

11 Tháng Mười Hai 2016(Xem: 9712)
29 Tháng Chín 2016(Xem: 11639)
28 Tháng Bảy 2016(Xem: 10198)