Tổng Thống Obama trìu mến đón Nina Phạm thoát bệnh Ebola

26 Tháng Mười 201412:00 SA(Xem: 10340)

“NHÂTBÁO VĂNHÓA-CALIFORNIA” THỨ HAI 27 OCT 2014

theodongthoisua_oc_2014-1

Nina Phạm, nữ Y tá người Mỹ gốc Việt, 26 tuổi, đã rời khỏi bệnh viện hôm Thứ sáu, tám ngày sau khi cô nhập Viện National Institutes of Health ở Bethesda. Các Bác sĩ và Nina đã đến thăm Tổng thống Mỹ Barack Obama tại phòng Bầu Dục trước khi cô trở về Texas. Nina Phạm mắc bệnh trong khi chăm sóc của Mỹ 'Bệnh nhân Zero', Thomas Eric Duncan, người đã qua đời hôm 08/10/2014.

theodongthoisua_oc_2014-2

Tổng Thống Obama trìu mến mừng Nina Phạm khỏi bệnh đã đến thăm Tổng Thống. Bức ảnh cho thấy một vị nguyên thủ quốc gia số 1 trên thế giới không ngần ngại khi ôm một nạn nhân vừa mới thoát khỏi căn bệnh dịch hiểm nghèo. (REUTERS/Kevin Lamarque)

 EBOLA VÀ NỖI HOẢNG SỢ

MAI LOAN

Trong nhiều bài viết trước đây, chúng tôi thường nhắc lại một câu thành ngữ rất phổ thông tại Hoa Kỳ là “All politics are local”, có thể tạm dịch là mọi chuyện chính trị đều ở địa phương. Câu này có thể được hiểu rộng theo nhiều nghĩa khác nhau. Nhưng với ngành truyền thông, nó có nghĩa là, ngoài việc tường thuật đầy đủ các diễn biến thời sự quan trọng, cũng phải biết chăm lo đầy đủ tin tức ngay tại địa phương của mình, cho dù những điều này có thể không gây chú ý đặc biệt đến nhiều người khác ở xa nơi đó. Bởi lẽ sự quan tâm của mỗi người thay đổi theo từng hoàn cảnh và địa điểm.

Gần đây, có lẽ khó ai phủ nhận rằng tin thời sự sôi nổi nhất tại vùng Dallas – FortWorth có lẽ là tin tức về vụ lây nhiễm siêu vi khuẩn Ebola. Thật ra thì từ 2 tuần trước, vụ này đã là đề tài gây sự chú ý của nhiều người khi bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh tại Mỹ là ông Thomas Eric Duncan vừa mới qua đời. Nội vụ trở nên nghiêm trọng hơn khi một nữ y tá trong số những người chăm sóc cho bệnh nhân được phát hiện là đã bị lây bệnh, khiến cho sự lo sợ của dân chúng đã lên cao và gần như chuyển sang mức độ hoảng sợ. Điều éo le khi nữ y tá nạn nhân này lại là người Việt nên chắc chắn đã khiến hầu hết người Việt chúng ta chú ý đến nhiều hơn. Cũng chính vì yếu tố này nên cộng đồng người Việt khắp nơi chú ý đến sự kiện này, kể cả giới truyền thông ở trong nước cũng xen vào để khai thác. Sau đó vài ngày cũng có 1 nữ y tá khác cùng nhiệm sở là cô Amber Vinson cũng được phát giác là bị lây nhiễm Ebola tương tự. Cả hai người này đang được các cơ quan y tế tối tân nhất của Hoa Kỳ đặc biệt chăm sóc để chữa trị.

Chuyện hai bệnh nhân đương không lại bị nhiễm Ebola quả tình là một cú sốc lớn cho gia đình của họ, nhưng đồng thời cũng khiến nhiều người dân bàn tán về nguy cơ lây nhiễm của nó, và do đó đã dẫn đến một hội chứng khá tiêu biểu là nỗi hoảng sợ (hysteria), tức là lo sợ quá đáng đến gần như là vô lý.

Giờ đây, có lẽ người dân tại Dallas nói riêng và nhiều người khác tại Hoa Kỳ nói chung đã được nghe tường thuật quá nhiều trên các diễn đàn truyền thông về chuyện bệnh dịch Ebola, trong đó có nhiều người đã gần như là khai thác quá lố, để khiến cho nhiều người phải hoang mang một cách quá đáng. Đó là chưa kể nhiều chính trị gia cũng nhảy vào ăn có, lợi dụng cơ hội này để chỉ trích lẫn nhau.

Cho đến hôm nay, chỉ mới có 3 trường hợp được xác nhận là bệnh nhân bị mắc bệnh sốt xuất huyết do siêu vi khuẩn Ebola, trong đó có 1 người vừa mới qua đời và 2 cô y tá chăm sóc sau đó đã bị lây nhiễm. Nhưng nỗi lo sợ về căn bệnh này dường như đã lan rộng khắp nơi trên toàn quốc. Chính vì vậy mà trong bài nói chuyện hàng tuần vào thứ Bảy vừa qua, TT Obama đã đưa ra lời trấn an và kêu gọi mọi người hãy kiên nhẫn và nên nhìn vấn đề dưới một phối cảnh toàn diện (perspective). Ông Obama xác nhận rằng “Đây là một cơn dịch bệnh nghiêm trọng, nhưng chúng ta không nên để cho nó trở thành nỗi hoảng sợ, bởi vì điều đó sẽ càng khiến cho người dân khó khăn hơn để biết về những thông tin cần thiết cho họ. Chúng ta cần phải tin theo những hướng dẫn của khoa học.

Để hiểu rõ chuyện hơn và nếu chịu khó nhìn lại vấn đề một cách toàn diện để biết về mối nguy của các loại bệnh dịch truyền nhiễm gây chết người đáng sợ hơn, nguy cơ của bệnh dịch Ebola lần này thật ra không đáng sợ và nguy hiểm như cơn đại dịch vì cúm heo (do siêu vi khuẩn H1N1) nổ ra vào mùa hè năm 2009 và lan tràn mau lẹ khắp nơi, gây kinh hoàng cho người dân tại nhiều nước vùng Nam Mỹ và Âu châu cũng như Á châu. Hoặc là cơn dịch SARS cũng gây hoảng sợ khiếp vía cho người dân và các chính quyền tại Á Châu vào cuối năm 2002. Thoạt đầu, nó xuất phát tại Trung Cộng rồi sau đó lan truyền sang Hương Cảng khiến nhiều người lây bệnh để rồi sau cùng phát tác đến nhiều người tại 37 quốc gia khác nhau trên thế giới. Nhưng khách quan mà nói, một cơn bệnh khác gây tử vong đáng sợ hơn nhiều, đó là bệnh cúm (influenza), vì mỗi năm nó khiến cho 32,000 người phải thiệt mạng (chỉ riêng tại Hoa Kỳ) vì nó hoặc những biến chứng khác gây ra từ siêu vi khuẩn cúm này. Nhưng hầu như ít thấy người dân lo sợ quá đáng và các cơ quan truyền thông thổi phồng quá lố về mối nguy thực sự chết người này.

Nhiều nhà thương và một số các hãng hàng không đã cô lập một số các bệnh nhân hoặc các hành khách nếu như họ có những triệu chứng nóng sốt như bệnh Ebola. Những nhân viên kiểm dịch với những bộ đồ bảo vệ đặc biệt để phòng chống các chất nguy hiểm đã xuất hiện khi kiểm soát các người bị nghi mắc bệnh này đã tạo nên một hình ảnh rất nghiêm trọng khiến mọi người phải căng thẳng. Nhưng điều đáng nói ở đây là trong số hàng ngàn người bị tình nghi như vậy, chưa có người nào đã được xác nhận là bị nhiễm Ebola, ngoại trừ 2 cô y tá tại Dallas là người đã chăm sóc cho bệnh nhân Eric Duncan.

Thật ra, kể từ khi cơn bệnh dịch Ebola mới nổ bùng tại các nước Tây Phi cách nay vài tháng, con số các nạn nhân bị thiệt mạng tổng cộng lên đến khoảng 4,500 người, phần lớn là tại 3 nước trong vùng. Nhưng tại riêng Hoa Kỳ, chỉ có 1 người duy nhất đã bị thiệt mạng là ông Thomas Eric Duncan được xác nhận là mắc bệnh Ebola cách nay vài tuần, và cũng chỉ mới có thêm 2 người được xác nhận là cũng bị lây theo. Tuy vậy theo tạp chí Forbes, đã có khoảng hơn 5,000 vụ được gọi là false alarm, tức là những trường hợp bị tình nghi là mắc bệnh nhưng sau đó xét nghiệm kỹ lại thì chưa có dấu hiệu chắc chắn nào khác. Thí dụ điển hình nhất là tại ngay Ngũ Giác Đài, khi một phụ nữ bị ói mửa ngay tại bãi đậu xe, các nhân viên an ninh đã vội vàng đóng cổng vào để cô lập mọi lối ra vào, nhưng sau đó các viên chức thẩm quyền đã không tìm thấy có bằng chứng nào cho thấy là phụ nữ này bị mắc bệnh Ebola.

Cơ quan CDC, tức là Tổng Nha Phòng Chống Bệnh Dịch Hoa Kỳ, nói rằng mỗi ngày họ nhận trung bình khoảng 800 cú điện thoại từ các nhà thương hay tư nhân để hỏi han về căn bệnh này. Mặc dù các viên chức y tế cao cấp đều nhấn mạnh nhiều lần rằng tình trạng lây nhiễm tràn lan và mau lẹ như tại các nước Tây Phi sẽ không xảy ra tại Hoa Kỳ, nhưng dường như nó không đủ trấn an cho nhiều người dân Mỹ. Chẳng hạn như tại thành phố Detroit ở miền Bắc, một phóng sự của đài CBS đã cho thấy nhiều người đổ xô đi đến tiệm Harry’s Army Surplus để mua tích trữ về nhà nhiều thứ như đồ ăn khô, nước uống, mặt nạ v.v. cứ như là để sửa soạn đối phó cho một tình trạng khẩn trương của thiên tai. Nỗi ám ảnh vì sợ lây nhiễm Ebola khiến mọi người bỗng muốn phòng thủ quá đáng mỗi khi chợt thấy có dấu hiệu của một người nào đó bị lên cơn sốt hay ói mửa.

Có lẽ vì bị ám ảnh rằng họ cũng sẽ dễ bị lây nhiễm siêu vi khuẩn Ebola, và nếu xảy ra thì coi như là đời tàn nên mọi người mới nhốn nháo tìm hiểu, với hy vọng rằng họ sẽ tránh được tai hoạ này. Theo phóng viên Matthew Higgins thuật lại lời của một chuyên gia y tế là bà Laura Miller nói với đài CBS Atlanta thì nhiều người Mỹ hiện nay đang lo sợ vì tưởng tượng đến những gì sẽ xảy ra nếu như người thân của họ chẳng may bị lây nhiễm bệnh này. Đó là nỗi lo sợ chết và sự bất lực của mình không thể ngăn cản được. Rồi từ cái nỗi lo sợ ám ảnh bị lây bệnh, dù với nguy cơ rất ít, cũng khiến nhiều người dễ có những suy nghĩ và hành động của một người mắc bệnh Không Tưởng (hypochondria), được định nghĩa như là người có một nỗi lo sợ vô lý về bệnh hoạn.

Và nếu những lo sợ này không được giải đáp thoả đáng, nó cứ âm ỉ mãi để lớn dần và biến thái một cách tệ hại hơn thành chứng bệnh Hoang Tưởng (paranoia), khi mà sự lo sợ đó đã làm họ tê liệt để không còn đủ sáng suốt và bình tĩnh. Chẳng hạn như khi bị nhức đầu một cách bất ngờ, họ có thể bị ám ảnh là đang có bướu ở trong não. Hoặc là đang bị một cơn ho dằng dai vài tuần lễ, họ có thể bị ám ảnh rằng đó là triệu chứng bị ung thư ngực. Khi đến phòng mạch, các bác sĩ sau khi khám nghiệm đầy đủ đã nói rằng họ không thấy có nguy cơ gì nghiêm trọng. Nhưng những người bệnh này vẫn chưa thể an tâm. Trong đầu họ nổi lên ý nghĩ biết đâu chừng các vị bác sĩ này có thể sai sót, hoặc chưa tìm ra được nguyên nhân sâu xa của nó.

Theo bà Miller thì chuyện lo sợ là điều tự nhiên, bởi vì mọi người chúng ta đều luôn sợ bị mắc bệnh, có khác nhau là ở mức độ cao hay thấp mà thôi. Cũng khó trách người dân hiện nay, chẳng hạn như những người đang sống gần khu nhà của bệnh nhân Duncan, đã lo sợ là có thể bị lây nhiễm vì mức độ rủi ro có vẻ như khá cao và cận kề. Nhưng người mắc bệnh Không Tưởng là khi họ không biết nhìn sự việc một cách khách quan, họ không còn khả năng đặt sự lo sợ đó dưới cái nhìn tổng thể để đặt mỗi sự việc vào đúng cái bối cảnh (context) của nó. Từ đó, họ sẽ biết rằng mình vẫn có thể tiếp tục sinh hoạt như bình thường, thay vì để cho sự lo sợ đó làm họ bị tê cứng, không còn sáng suốt nữa.

Vì hiện nay chưa có thuốc chữa hữu hiệu cho bệnh Ebola nên việc chúng ta sợ nó là điều dễ hiểu. Nhưng chẳng hạn như khi một cư dân sinh sống ở New York quyết định là sẽ không rời xa căn nhà của mình để tránh nguy cơ bị lây nhiễm, thì lúc đó họ đã trở thành một người mắc bệnh Hoang Tưởng. Tương tự như vậy, một số các phụ huynh tại một ngôi trường ở tiểu bang Mississippi đã hốt hoảng kéo con em của họ về nhà thay vì đến trường khi biết tin vị hiệu trưởng của trường mới đây đã viếng thăm nước Zambia, tuy thuộc Phi Châu nhưng nằm ở phía Nam, rất xa (khoảng 5000 cây số) vùng phía Tây là nơi xảy ra cơn bệnh dịch hiện nay!

Mới đây, có một nữ xướng ngôn viên đã kể lại trên làn sóng phát thanh trong chương trình Chào Bình Minh tại Houston nhiều lần kinh nghiệm trong gia đình của bà là có những người con từ xa sẽ về Dallas thăm gia đình. Nhưng rồi vì sợ đi máy bay nên những người con này sẽ quyết định lái xe dù rằng mất nhiều thời gian hơn. Ở đây chúng ta thấy rõ ràng đó là bệnh Hoang Tưởng, vô tình lại dẫn đến những hành động thiếu khôn ngoan sáng suốt, và thật ra có thể tai hại hơn cho mình.

Bởi vì các chuyên gia y tế đều xác nhận rằng bệnh Ebola không truyền nhiễm qua đường không khí như bệnh cúm, và do đó không có nguy cơ lan truyền mau lẹ như một cơn đại dịch. Kế đến, phương thức di chuyển bằng máy bay thật ra an toàn gấp ngàn lần so với việc lái xe đường trường. Chẳng hạn như trong năm 2012, thống kê cho thấy số người bị thiệt mạng vì tai nạn xe cộ tại Hoa Kỳ lên đến hơn 33 ngàn người. Nhưng cũng trong năm này, không có một hành khách nào trên phi cơ đã bị thiệt mạng, một tỉ lệ an toàn tuyệt đối. Dĩ nhiên, điều này đôi khi cũng không đủ để làm giảm bớt sự lo sợ của nhiều người khi đi máy bay, trong đó có kẻ viết bài này, nhất là khi nó đang bay lên cao và nếu mình mở mắt nhìn xuống dưới. Và cũng không ai chối cãi rằng mỗi khi tai nạn máy bay xảy ra thì những hình ảnh bao giờ cũng thảm khốc. Tuy nhiên nếu nói rằng lái xe hơi đường trường an toàn hơn đi máy bay thì là một sự suy luận và hành động của một người đang mắc bệnh Không Tưởng.

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH EBOLA

Có nhiều lý do để hiểu vì sao người ta lại lo sợ về căn bệnh Ebola. Thứ nhất là hiện nay nó chưa có thuốc chữa. Tổ chức Medecins Sans Frontières (Các Bác Sĩ Không Biên Giới) đã gọi nó là một căn bệnh do siêu vi khuẩn (virus) gây ra, dễ truyền nhiễm và có thể giết đến 90% người mắc bệnh. Cũng gần giống như bệnh cúm có nhiều loại khác nhau, hiện nay có 5 loại siêu vi khuẩn Ebola khác nhau, được đặt tên tuỳ nơi phát giác ra nó. Nhưng 3 loại nguy hiểm nhất khiến nhiều người chết là Bundibugyo (tại Uganda), Zaire và Sudan. Hai loại kế tiếp là tại Ivory Coast và Reston, tại tiểu bang Virginia, nhưng siêu vi khuẩn này chỉ nhiễm vào một vài con khỉ được mang vào từ Phi Luật Tân. Vụ nhiễm siêu vi khuẩn đầu tiên là vụ được phát giác vào năm 1976 ở dòng sông Ebola của nước Zaire, bây giờ gọi là Cộng Hoà Dân Chủ Congo.

Xin mở một dấu ngoặc nhỏ để nhắc lại sự phân biệt giữa vi khuẩn hay vi trùng (bacteria) là yếu tố gây ra bệnh do nhiễm trùng và siêu vi khuẩn (virus), tạm gọi là vi khuẩn nhỏ li ti hơn, phải dùng kính hiển vi cực đại mới nhìn thấy được. Có rất nhiều khác biệt giữa 2 loại này, chỉ cần nhớ rằng vi trùng thường chỉ nhiễm độc ở một chỗ trong cơ thể, và thường được chữa trị bằng thuốc trụ sinh rất hiệu nghiệm. Có những vi trùng cũng rất ích lợi và cần thiết cho cơ thể như một số loại vi trùng trong đường ruột chúng ta. Tuy nhiên siêu vi khuẩn thì không có lợi, và khi có mặt trong người thì tạo rối loạn trên toàn cơ thể và không có thuốc chữa. Chỉ có loại thuốc chủng ngừa (vaccine) hoặc những loại thuốc khác (antiviral drugs) chỉ có công dụng là giảm thiểu sự lan truyền hoặc phát tác nhanh chóng của nó chứ không hoàn toàn trị dứt hẳn.

Người mắc bệnh Ebola lúc ban đầu có những triệu chứng nóng sốt, đau nhức giống như cảm cúm, sau đó là xuất huyết do bởi siêu vi khuẩn tấn công vào nhiều bộ phận trong người. Triệu chứng có thể xuất hiện từ 2 đến 21 ngày sau khi bị lây nhiễm. Sau đó họ có thể bị ngứa, đau ngực, khó thở, ói mửa, tiêu chảy, gan và thận có thể bị hư hại. Bệnh nhân chỉ được xác định là bị lây nhiễm Ebola sau khi trải qua 5 cuộc thử nghiệm y khoa khác nhau.

Một trong những lý do tạo nên sự sợ hãi cho nhiều người vì cho đến nay cũng chưa có phương thức rõ rệt để chữa trị bệnh Ebola. Theo tổ chức Các Bác Sĩ Không Biên Giới thì họ cô lập các bệnh nhân để khỏi lây sang người khác. Phần lớn là lo đối phó với các triệu chứng để cầm nước cho bệnh nhân (vì họ bị mất nước nhiều khi tiêu chảy), kiểm soát mức áp huyết cũng như giúp họ thở bằng oxygen và chữa trị những biến chứng nhiễm độc khác. Đã có những trường hợp bệnh Ebola lây nhiễm sang các bác sĩ y tá chăm sóc cho bệnh nhân nên cơ quan WHO (Tổ chức Y Tế Thế Giới) đã đề ra một số quy định hướng dẫn cho cách chăm sóc các trường hợp bị mắc bệnh hoặc bị tình nghi là đang mắc bệnh Ebola. Để tránh bị lây nhiễm, các nhân viên chăm sóc phải mặc quần áo đặc biệt, đeo găng tay, mặt nạ và mắt kiếng để tránh bị va chạm với bệnh nhân.

Hiện nay, các loại thuốc chữa trị đều còn ở giai đoạn thử nghiệm. Chẳng hạn như thuốc ZMapp dùng để chữa trị cho 2 thiện nguyện viên y tế của Mỹ đã bị lây bệnh ở Phi Châu và sau đó được đưa về Mỹ để chăm sóc. Kết quả có phần khả quan vì 2 người này sau đó đã được chữa khỏi. Nhưng thật ra trước đó thuốc này chưa hề đem ra áp dụng cho người, mà chỉ mới có áp dụng tương đối thành công đối với loài khỉ nên các bác sĩ đành phải liều thử xem sao. Ngoài ra cũng còn một vài loại thuốc khác, nhưng cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm trước khi được cơ quan FDA chấp thuận để có thể được tung ra cho quần chúng sử dụng rộng rãi.

Theo cơ quan WHO thì siêu vi khuẩn Ebola bắt nguồn từ một loại dơi (fruit bats), tức là loại dơi thường ngủ trên cây thay vì ngủ trong hang động. Những con dơi có mang siêu vi khuẩn này khi ăn một số trái cây có thể truyền nhiễm qua nước miếng hay nước tiểu hoặc phân của nó. Rồi những con dơi hoặc thú vật khác ăn những thứ trái cây này sẽ bị lây nhiễm theo, để từ đó truyền sang người nếu như họ vô tình đụng phải những thứ nước miếng hay nước tiểu này. Vì thế nên những ai tiếp xúc với người bệnh Ebola dễ bị lây nhiễm nếu như họ tình cờ đụng phải những thứ dung dịch tiết ra từ bệnh nhân như mồ hôi, nước miếng, nước tiểu, chất ói mửa, máu v.v. .

Những người bị lây bệnh Ebola thường dễ biết bởi vì họ bắt đầu có những triệu chứng giống như người bệnh mà họ đã tiếp xúc gần gũi trong thời gian chăm sóc, nhất là khi con bệnh ói mửa, bị tiêu chảy hoặc bị xuất huyết. Các chuyên gia y tế tin rằng siêu vi khuẩn Ebola có thể tiếp tục sống ngoài trời trong vài ngày. Tuy nhiên, khí hậu nóng bức, hoặc ánh sáng mặt trời hay những loại xà bông hoặc thuốc sát trùng có thể tiêu diệt nó. Vì thế nên bệnh Ebola chỉ dễ lây nhiễm và lan rộng nhanh chóng tại những nơi thiếu các phương tiện vệ sinh thường thức.

Các chuyên gia y tế của cơ quan CDC nói rằng trên lý thuyết có thể xảy ra trường hợp một người bị mắc bệnh Ebola tại Tây Phi và sau đó lên máy bay đi đến 1 nước khác. Tuy nhiên, nguy cơ siêu vi khuẩn Ebola truyền nhiễm lan rộng từ đó tương đối rất thấp. Theo bác sĩ Stephen Monroe là phó tổng giám đốc của CDC thì rất ít trường hợp những người mắc bệnh Ebola có thể lây nhiễm một cách rộng lớn và mau lẹ đến nhiều hành khách khác. Bởi vì siêu vi khuẩn này được lan truyền sang người khác qua đường tiếp xúc trực tiếp, chỉ không phải là đơn thuần ở gần với bệnh nhân. Có nghĩa là rủi ro xảy đến khi chúng ta va chạm với những dung dịch như mồ hôi, nước miếng, nước tiểu hoặc máu của người bệnh, hoặc là bị kim chích đâm vào hay bị sướt da bởi những vật dụng y khoa có dính các dung dịch đó.

Theo Hiệp Hội Hàng Không Quốc Tế (IATA) gần như khó có trường hợp bệnh nhân Ebola mua vé đi máy bay vì trong thực tế họ đang bị suy yếu rất nặng bởi những triệu chứng của bệnh. Lỡ như một người đã bị nhiễm Ebola nhưng không biết nên di chuyển bằng máy bay, xác suất những hành khách khác cũng bị lây nhiễm tương đối thấp. Tuy vậy, cơ quan WHO cũng khuyến cáo các cơ quan y tế công cộng cần phải lập danh sách các hành khách để có thể tiếp tục theo dõi (monitor) trong vòng 21 ngày sau đó để xem có biến chứng xảy ra hay không. Mục đích là để chặn đứng kịp thời để đưa người bị lây nhiễm này vào bệnh viện cứu cấp và cô lập họ để không lan truyền rộng hơn. Thời gian ủ bệnh của siêu vi khuẩn, tức là từ khi nó nhiễm vào cơ thể cho đến lúc phát tác ra ngoài với những triệu chứng, có thể kéo dài từ 2 đến 21 ngày. Nếu sau thời gian gấp đôi là 42 ngày mà không có thêm một bệnh nhân mới nào bị phát giác nhiễm bệnh, thì các chuyên gia y tế có thể xác định là họ đã chặn đứng được vụ nổ bùng (outbreak) của cơn bệnh dịch này.

Trong thực tế, cho đến nay chưa có trường hợp hành khách nào đã bị lây nhiễm như vậy với chuyến bay của ông Duncan khi trở về Mỹ cách nay hơn 3 tuần. Trường hợp 2 nữ y tá tại Dallas bị lây nhiễm vì do cận kề chăm sóc bệnh nhân cũng đã được cô lập kịp thời để chuyển sang những nơi được chữa trị kỹ lưỡng và tân kỳ hơn.

VÌ SAO BỆNH EBOLA LẠI BÙNG NỔ?

Trường hợp bệnh dịch Ebola bùng nổ lần này đã khiến cho khoảng gần 9000 người bị nhiễm và hơn 4,500 người bị tử vong, theo thống kê ghi nhận được từ cơ quan WHO, phần lớn là ở các nước phía tây của Phi Châu. Nó bắt đầu xảy ra hồi cuối năm 2013 từ nước Guinea, rồi sau đó lan rộng sang hai nước láng giềng là Liberia và Sierra Leone. Tại 2 nước lân cận khác là Senegal và Nigeria cũng có vài trường hợp lẻ tẻ bị nhiễm bệnh, nhưng được coi như đã ngăn chặn kịp thời để không lan truyền khắp nơi. Riêng tại các nước khác ngoài Phi Châu, cho đến nay chỉ có 3 trường hợp nạn nhân bị thiệt mạng là ông Duncan tại Hoa Kỳ, và 2 người khác tại Tây Ban Nha và Đức.

Lần sau cùng xảy ra những vụ bùng nổ bệnh Ebola là vào năm 2012 tại Uganda với 17 người bị tử vong. Trước đó, một vụ bùng nổ lớn cũng xảy ra vào năm 2000 cũng tại Uganda, với con số nạn nhân thiệt mạng là 224 người. Còn trong vụ bùng nổ bệnh Ebola đầu tiên là tại nước Zaire vào năm 1976, có 318 bệnh nhân bị nhiễm và đến 280 người bị tử vong.

Trong vụ bùng nổ Ebola lần này, con số nạn nhân lên khá cao ở 3 nước Tây Phi được coi là nghèo đói, và tình trạng thiếu thốn nhân sự cũng như hệ thống phòng vệ y tế công cộng còn thô sơ, cùng với hạ tầng cơ sở yếu kém đã là nguyên nhân chính khiến cho nó không được ngăn chặn hữu hiệu. Trong số hơn 4500 người bị tử vong, có đến gần 240 người là nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân, nhưng sau đó chẳng may bị lây nhiễm và qua đời. Điều này cũng khiến cho số người tình nguyện sang cứu giúp cũng giảm xuống. Chính sự thiếu thốn này đã khiến cho cơ quan WHO và tổ chức Các Bác Sĩ Không Biên Giới đã gióng lên tiếng chuông báo động từ nhiều tháng qua để kêu gọi cộng đồng thế giới hãy mau tiếp tay trong nỗ lực chung để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm này không lan tràn khắp nơi.

Tuy nhiên, dường như phản ứng giúp đỡ của các nước khác trên thế giới đã không tích cực như mong muốn. Cách nay hơn một tháng, mặc dù đang gặp khó khăn trên nhiều lãnh vực như tình hình chiến sự tại Trung Đông, TT Obama cũng đã quyết định trưng dụng 4000 quân nhân Mỹ để gửi sang Phi Châu trong nỗ lực giúp ngăn chặn việc lây nhiễm Ebola lan tràn nhanh chóng khắp nơi. Những người chống đối phe Cộng Hoà đã nhanh miệng chỉ trích chính quyền Obama là không biết đặt thứ tự ưu tiên trong hồ sơ an ninh quốc phòng. Trên tạp chí The Fiscal Times, bình luận gia Andrew Peek viết rằng ông Obama quyết định gửi đến 4000 quân nhân sang Liberia để lo việc cứu thương, trong khi chỉ gửi có vài trăm quân nhân cố vấn sang Trung Đông để đối phó với nguy cơ của tổ chức Hồi giáo quá khích ISIS lúc đó đang gây khiếp đảm cho nhiều người với vụ cắt đầu các nhà báo Mỹ. Lập luận của những người chống đối cho rằng nếu muốn giúp Liberia thì chỉ cần bỏ tiền ra để lập những bệnh viện tại đây, chứ không cần phải gửi quân lính Mỹ sang. Họ cho rằng ông Obama thiếu cái can đảm dấn thân về mặt quân sự, ngụ ý chê trách ông là hèn nhát, chủ hoà, như đòi rút quân ra khỏi Iraq và A Phú Hãn, tránh né can dự vào chuyện gửi quân Mỹ sang các chiến trường sôi động như tại Syria v.v.

Thật ra với tình trạng toàn cầu hoá hiện nay, có những trường hợp các nước lớn giầu mạnh như Hoa Kỳ cũng khó ngồi yên trước những rối loạn diễn ra ở các nước khác, do bởi những hậu quả sau đó có thể có hiệu ứng giây chuyền lan đến nước mình. Đó là lý do vì sao Hoa Kỳ cứ phải bận tâm và tốn kém vào các chính sách viện trợ nhân đạo cũng như ra tay cứu giúp cho nhiều công tác phòng chống thiên tai hay nghèo đói tại nhiều nước khác trên thế giới. 

KHI CÁC CHÍNH TRỊ GIA NHẢY VÀO ĂN CÓ

Trong bối cảnh chính trường Hoa Kỳ hiện nay bị chia rẽ trầm trọng, xem chừng như ở bất cứ vấn đề nào người ta cũng muốn khai thác góc cạnh chính trị cho mình, dựa vào bất cứ biến động hay khó khăn nào để có thể chỉ trích lẫn nhau. Vụ hoảng sợ vì bệnh dịch Ebola đương nhiên cũng không thoát ra khỏi quy luật này.

 Lần này giới truyền thông đã tận tình khai thác có phần hơi quá lố, nhiều nhà bình luận và một số các xướng ngôn viên, kể cả các xướng ngôn viên người Việt, thích thổi phồng sự việc khi sử dụng nhiều từ ngữ hơi cường điệu để quan-trọng-hoá vấn đề một cách không cần thiết. Trước những tuyên bố có phần thay đổi thích ứng của các viên chức thẩm quyền cao cấp để đối phó với những đột biến xảy ra sau cái chết của bệnh nhân Duncan và 2 cô y tá chăm sóc đã bị lây nhiễm, một ông chủ đài kiêm xướng ngôn viên trên chương trình phát thanh Chào Bình Minh tại Houston lại dám cường điệu suy diễn rằng người dân hiện nay gần như không tin tưởng vào những lời phát biểu của Bác sĩ Tom Frieden, tổng giám đốc cơ quan CDC, thậm chí còn cho rằng ông ta là người nói dối.

Ông Frieden nói rằng có lẽ Tổng Nha Phòng Chống Bệnh Dịch (CDC) nên gửi một đội ngũ các chuyên gia y tế hùng hậu hơn đến Dallas ngay khi biết tin có một người đến từ Tây Phi mắc bệnh Ebola (là ông Duncan) và điều này có thể đã ngăn chặn để không xảy ra những vụ lây nhiễm kế tiếp như trường hợp 2 nữ y tá. Thật ra sự kiện này chỉ chứng tỏ một sự thành tâm của các viên chức chính quyền Mỹ có lương tâm chức nghiệp cao, biết quan tâm đến nỗi an nguy của người dân trong nước, chứ chẳng phải là những lời nói dối, hay nói quanh co để trốn tránh trách nhiệm.

Có lẽ đó là điều may mắn cho người dân sống tại các nước dân chủ giầu mạnh như Hoa Kỳ, thay vì tại các nước độc tài như Trung Cộng hoặc Việt Nam hiện nay, khi mà giới chức cầm quyền chỉ lo vơ vét vào túi tham của mình mà chẳng hề đoái hoài đến sự an nguy của người dân trong nước. Tại những nước bất hạnh đó, việc người dân nghèo đói hay tử vong vì thiên tai hoặc bệnh dịch có lên đến hàng ngàn người đi nữa cũng chẳng làm động lòng các viên chức nhà nước, nói gì đến việc trông đợi những người sốt sắng và tích cực, sẵn sàng nhìn nhận những khuyết điểm hay sơ sót của họ và nhanh chóng thay đổi phương thức hành động để đối phó với tình huống mới như thí dụ của các viên chức chính quyền tại Hoa Kỳ.

Hiện nay, các chính trị gia cũng nhảy vào ăn có. Phía Cộng Hoà chỉ trích chính quyền Obama đã không mau chóng phản ứng và đề nghị một số các biện pháp mạnh tay hơn như ngăn cấm hành khách từ Tây Phi sang Hoa Kỳ v.v. Đây cũng là một phản ứng nông nổi và mị dân (như trường hợp của Thống đốc Rick Perry và nghị sĩ Ted Cruz của tiểu bang Texas), nhưng thật ra không khả thi và quan trọng hơn nữa là không có hiệu nghiệm chút nào. Lý do đơn giản nhất là thật ra tại Hoa Kỳ không có phi trường nào có đường bay trực tiếp đến từ 3 nước đang nổ bùng bệnh dịch Ebola là Guinea, Liberia và Sierra Leone. Hành khách tại đây có thể di chuyển sang các nước Phi Châu khác hoặc sang Âu Châu hay Nam Mỹ rồi từ đó chuyển sang Hoa Kỳ. Trong bối cảnh toàn-cầu-hoá hiện nay, việc tìm hiểu nguồn gốc của hành khách đến từ Tây Phi để ngăn cấm sang Hoa Kỳ có thể nói là rất khó khả thi vì phải duyệt xét lý lịch của hàng triệu hành khách di chuyển bằng máy bay qua nhiều nước trên thế giới.

Hơn nữa, các viên chức của CDC nói rằng việc ngăn cấm di chuyển này có thể tạo nên phản tác dụng tai hại. Thứ nhất, nó sẽ ngăn cấm việc di chuyển của các nhân viên y tế để có thể tự do đi lại một cách mau chóng giữa các nước trong công tác cứu cấp của họ. Kế đến, việc ngăn cấm này còn có thể làm cho tình hình bệnh dịch Ebola tại vùng Tây Phi trở nên trầm trọng và kéo dài hơn, do đó sẽ gây tác hại cho người dân Hoa Kỳ trong đường dài.

Một nhà truyền thông nổi tiếng khác là Rush Limbaugh còn dám nói rằng chính quyền Obama cố tình làm ngơ để cho bệnh dịch Ebola lan tràn sang nước Mỹ là để trả thù cho giống da đen ở Phi Châu trước đây đã bị bắt làm nô lệ sang Hoa Kỳ! Một tay truyền thông cực hữu khác là Michael Savage, tuy cũng đậu bằng tiến sĩ y khoa về bệnh truyền nhiễm, cũng dám phát ngôn sở dĩ bệnh Ebola lan tràn sang nước Mỹ là vì chính quyền Obama đã có chính sách mở cửa tự do biên giới. Trên làn sóng phát thanh của mình, ông Savage đã gọi biếm nhẽ tổng thống Mỹ là TT Obola. Ấy vậy mà rất nhiều những người bảo thủ cực đoan lại rất say mê đón nghe các chương trình phát thanh của hai nhân vật này, mỗi ngày thu hút hàng chục triệu người nghe, rồi sau đó phát tán khắp nơi, thỉnh thoảng cũng lọt tai nhiều người Việt để từ đó phát tán lên mạng Internet (với lời biện minh rằng đây là nguồn lấy từ giới truyền thông Mỹ!).

Ngược lại, phía Dân Chủ thì chỉ trích rằng các biện pháp cắt giảm các chương trình dân sinh xã hội mà phe Cộng Hoà luôn chủ trương từ nhiều năm qua đã ảnh hưởng đến các công tác phòng chống y tế công cộng khi mà ngân sách của các cơ quan như CDC hoặc FDA phải bị cắt giảm liên tục.

Theo nhà báo Earl Hutchinson thuật lại trong một bài viết đăng trên diễn đàn Huffinton Post ngày 18/10 thì chính sách cắt giảm nhiều chương trình y tế công cộng mà các vị dân cử phe Cộng Hoà luôn chủ trương đã khiến cho cơ quan CDC đã bị cắt bớt 600 triệu Mỹ kim từ năm 2010. Số tiền này đáng lý ra có thể dùng vào các công tác hướng dẫn cách thức phòng ngừa, theo dõi các bệnh nhân kỹ lưỡng hơn, hoặc nghiên cứu để phát minh các loại thuốc chủng ngừa cho các bệnh dịch truyền nhiễm. Nói chi đâu xa, hồi đầu tháng 9 vừa qua đã có tin là các dân biểu Cộng Hoà đã muốn cắt giảm phân nửa ngân sách 100 triệu Mỹ kim mà chính quyền Obama dự trù dùng vào kế hoạch đối phó bệnh Ebola. Điều này đã không xảy ra chẳng phải vì sự tỉnh ngộ của các vị dân biểu này chợt thấy quan tâm đến nỗi lo của người dân, mà chính là vì họ ý thức được rằng nếu như điều này được tiết lộ ra ngoài, thì nó sẽ tạo nên một phản ứng vô cùng bất lợi về mặt chính trị cho họ.

Một thí dụ đáng phân tích khác là trường hợp của nghị sĩ John McCain khi chỉ trích phản ứng của chính quyền Obama, và lên tiếng kêu gọi việc thành lập một nhân vật có uy quyền để đối phó với vấn nạn Ebola. Từ ngữ phổ thông tại Hoa Kỳ gọi đó là “czar”, tương đương với một ông hoàng đầy quyền uy, như trường hợp của một Nga Hoàng. Chúng ta có thể tạm dịch nó là “ông trùm”, tức là một viên chức phối hợp nhiều phủ bộ khác nhau và thống nhất mọi quyết định để giải quyết một hồ sơ riêng biệt. Vì hệ thống chính quyền Hoa Kỳ quá to lớn, với nhiều cơ quan riêng biệt, nên các vấn đề được giải quyết thường là phải liên quan đến nhiều nơi khác nhau. Do đó, chính quyền Mỹ, nhất là từ thời TT Franklin D. Roosevelt, thường có thói quen lập ra một nhân vật gọi là “czar” này để giải quyết những chủ đề nhức nhối như nạn ma tuý (drug czar), năng lượng (energy czar), khủng bố (terrorism czar) v.v.

Trong lãnh vực y tế công cộng, nhân vật này chính là viên chức US Surgeon General. Đây là một chức vụ đặc thù tại Hoa Kỳ, tương đương như một vị tổng giám đốc đặc trách về y tế công cộng, thường là một sĩ quan cao cấp với cấp bậc Phó Đô Đốc, người đứng đầu một cơ quan khoảng 6,500 nhân viên y tế thuộc Tổng Nha Y Tế Công Cộng (US Public Health Service) để ứng phó trong những biến cố y tế công cộng khẩn cấp trên toàn quốc. Đây cũng là người có nhiệm vụ hướng dẫn dân chúng Mỹ về các đề tài sức khoẻ tổng quát cũng như đề ra những lối sống lành mạnh, tựa như những lời báo động được ghi trên các bao thuốc lá về nguy cơ của việc hút thuốc lá.

Rất tiếc là hiện nay chúng ta không có một người nào đảm nhiệm chức vụ này. Nhân vật này do TT bổ nhiệm nhưng phải được Thượng Viện chuẩn thuận. Lý do là vì người được chính quyền Obama lựa chọn là ông Vivek Murthy, một bác sĩ trẻ tốt nghiệp từ các đại học Harvard và Yale, đã bị các nghị sĩ Cộng Hoà chống đối. Những luận cứ đưa ra để biện minh cho sự chống đối là vì bác sĩ này còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, nhưng quan trọng nhất là ông ta có một khuynh hướng cấp tiến khi cho rằng tệ nạn súng ống tràn lan tại Hoa Kỳ cũng là một vấn nạn về y tế công cộng. Lời bình luận của bác sĩ này được ghi nhận vào năm 2012, thì 2 tháng sau đó xảy ra vụ anh Adam Lanza nổ súng loạn xạ tại trường tiểu học Sandy Hook ở Connecticut giết chết 20 em học sinh và 6 thầy cô.

Tổ chức NRA (Hiệp hội Súng Trường) tại Hoa Kỳ đã lập tức chống đối việc bổ nhiệm bác sĩ Murthy vì họ không muốn thấy một chính sách hay khuynh hướng nào nhằm ngăn chặn việc sở hữu súng ống một cách quá phóng túng. Tiếc là hội NRA này lại là một tổ chức tư nhân có ảnh hưởng rất lớn trong lãnh vực vận động hành lang, khiến cho hầu hết các vị dân biểu và nghị sĩ phe Cộng Hoà không dám chống lại. 

Chính vì thế nên nhà báo Michael Hiltzik, trong một bài báo đăng trên tờ Los Angeles Times ngày 12/10 vừa qua, đã chỉ trích nghị sĩ John McCain là đạo đức giả khi ông ta kêu gọi chính quyền Obama phải thiết lập một nhân vật gọi là “czar” để đối phó với bệnh dịch Ebola, bởi vì chính ông ta và nhiều nghị sĩ khác đã cản trở điều này. Theo nhà báo này lập luận, thì có ai dám phủ nhận rằng chuyện súng ống tự do bừa bãi tại Hoa Kỳ không phải là một vấn đề quan trọng về sức khoẻ người dân? Chỉ cần nhìn thống kê thôi thì cũng đủ rõ. Mỗi năm, tại Hoa Kỳ có khoảng 32,000 người bị thiệt mạng và 75,000 người khác bị thương tích vì tai nạn súng ống. Còn nguy cơ bị bệnh dịch Ebola tại Hoa Kỳ cho tới nay cũng chỉ mới làm có 1 người chết là ông Duncan tại Dallas. Tại tiểu bang Arizona không có luật lệ giới hạn việc mua súng ống (kể cả súng liên thanh) và đạn dược nên số người bị thiệt mạng vì súng ống mỗi năm khoảng 1,000 người. Nhưng cho đến nay chưa có người nào chết vì bệnh Ebola. Vì thế, xem chừng như nguy cơ của người dân tại đây bị chết vì bệnh Ebola quá nhỏ nhoi so với nguy cơ chết vì súng đạn.

Tuy nhiên, có lẽ trước áp lực chính trị của phe đối lập, TT Obama cũng đã bổ nhiệm ông Ron Klain, một viên chức kỳ cựu trong nhiều chính quyền trước đây, vào chức vụ “Ebola czar” để phối hợp các công tác phòng chống Ebola.

SỰ MÂU THUẪN VÀ ĐẠO ĐỨC GIẢ KHI CHỈ TRÍCH MỘT CHÍNH QUYỀN TO LỚN

Để kết luận, hiện nay mọi người đều nhốn nháo với những chỉ trích là chính quyền đã không hành động kịp thời. Họ kêu gọi chính quyền phải tích cực hơn nữa, như đòi hỏi cơ quan CDC phải gửi nhiều chuyên viên đến nơi để giải quyết mau chóng, phải tung thêm nhân sự đến các phi trường để kiểm soát kỹ lưỡng và gắt gao hơn số người nhập cảnh vào Hoa Kỳ để có thể chặn đứng kịp thời những người bị nghi ngờ là đang mang mầm bệnh Ebola v.v. .

Điều này có nghĩa là người ta đang đòi hỏi một chính quyền liên bang to lớn với nhiều nhân sự và quyền hành, can thiệp trực tiếp vào tình hình địa phương mỗi khi có nguy cơ bùng nổ. Thế nhưng những tiếng nói ồn ào trước đây đòi hỏi về small government (một chính phủ càng nhỏ càng tốt) của những người bảo thủ trong đảng Cộng Hoà và phe Tea Party lại im lặng một cách khó hiểu.

Những chính trị gia như ông Rick Perry, thống đốc tiểu bang Texas, thường hay huyên hoang lớn tiếng rằng chính quyền liên bang không nên can thiệp vào nội bộ của Texas, chẳng hạn như chuyện ông không muốn chấp nhận tiền tài trợ của chính phủ liên bang để giúp cho nhiều dân nghèo được hưởng chính sách bảo hiểm y tế miễn phí là Medicaid. Tại sao giờ đây người ta lại không thấy ông Rick Perry mạnh miệng khoe khoang về khả năng hữu hiệu của tiểu bang Texas để không cần sự giúp đỡ của cơ quan CDC và chính quyền liên bang?

Đây cũng là điều hay xảy ra mỗi khi có thiên tai bão lụt, động đất v.v. và nhiều người dân cũng như các chính quyền tiểu bang thường cầu cứu chính quyền liên bang giúp đỡ, trong khi họ quên rằng trước đó họ cũng hay mạnh miệng chỉ trích về cái gọi là một chính quyền liên bang quá rộng lớn nên thích xen vào chuyện nội bộ của địa phương.

Xem chừng như nhiều người dân cứ thích khoe khoang về lập trường bảo thủ và những chính trị gia mị dân cũng có những thái độ đạo đức giả đáng trách vậy.

MAI LOAN

Houston, Texas 25/10/2014

 Tái bút:

Tình hình có lẽ đã chuyển hướng khả quan một cách khá nhanh chóng, với bản tin đầu tiên cho biết là cô y tá Vinson được tuyên bố là không còn nhiễm siêu vi khuẩn Ebola nữa nhưng vẫn còn được giữ tại bệnh viện để tiếp tục theo dõi. Một ngày sau đó là đến tin cô Phạm Nina cũng thoát được cơn bệnh này, và được lập tức cho xuất viện để về nhà. Hình ảnh cô và TT Obama ôm chầm lấy nhau không chỉ đơn thuần là một nghĩa cử bầy tỏ tình cảm và chia sẻ sự vui mừng một cách chân tình rất phổ thông tại Hoa Kỳ, mà còn là một biểu hiện có giá trị tâm lý rất cao: đó là khi một vị tổng thống của đệ nhất siêu cường chẳng nề hà chuyện ôm sát vào người một nữ y tá đã mắc bệnh Ebola (nhưng vừa mới chữa khỏi) thì chẳng có lý do gì để khiến mọi người dân bình thường như chúng ta phải lo ngại một cách quá đáng. 

Ebola-free nurse Nina Pham visits President Obama after being cleared of deadly virus

The 26-year-old was released from the hospital Friday, eight days after she arrived at the National Institutes of Health in Bethesda, Md., and paid a visit to President Barack Obama in the Oval Office before her trip back to Texas. Pham contracted the disease while caring for America's 'Patient Zero', Thomas Eric Duncan, who died Oct. 8.

U.S. President Barack Obama (L) holds a meeting with Ebola Response Coordinator Ron Klain (C) and members of his team coordinating the government's Ebola response in the Oval Office of the White House in Washington October 22, 2014. (REUTERS/Kevin Lamarque)

10 Tháng Sáu 2018(Xem: 6800)
Shagri-La 2018: Chỉ là bước khởi đầu