Khi Ông Thống Đốc rớt đài vì tội tham nhũng

16 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 10803)
“NHẬT BÁO VĂN HÓA-CALIF.,” THỨ NĂM 2014

KHI ÔNG THỐNG ĐỐC RỚT ĐÀI VÌ TỘI THAM NHŨNG

Chuyện một ông thống đốc tiểu bang ngay tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn cùng với bà vợ bị truy tố ra toà về tội tham nhũng, và sau đó bị bồi thẩm đoàn phán quyết là có tội, có lẽ phải là một sự kiện thời sự gây chấn động cho nhiều người. Nhất là khi cái kết quả bất ngờ này đã diễn ra chỉ mới vài tháng sau khi ông ta vừa rời khỏi nhiệm kỳ của mình vào đầu năm nay.

Ấy là chưa kể sự kiện phải gây ngạc nhiên lớn khó ngờ được, bởi vì từ một nhân vật sáng giá đang lên của đảng Cộng Hoà, đến mức đã nằm trong danh sách được ứng viên Mitt Romney chọn lựa để có thể ngồi cùng liên danh ra ứng cử phó tổng thống vào năm 2012, ông Bob McDonnell đã trở thành vị thống đốc đầu tiên của tiểu bang Virginia bị toà án truy tố, và sau đó bị kết án trên nhiều tội danh tham nhũng. Không những nhìn thấy sự nghiệp chính trị bỗng chốc tiêu tan thành mây khói, giờ đây ông ta còn phải đối diện với nguy cơ có thể phải ngồi tù trong nhiều năm trường.

Tuy nhiên tình hình thời sự trong thời gian gần đây lại bị ảnh hưởng bởi những biến động to lớn khác trên trường quốc tế, với tình hình căng thẳng và nghiêm trọng như tại Ukraine với tham vọng của lãnh tụ Vladimir Putin của Nga, hoặc như tại vùng Trung Đông với mối hiểm hoạ của tổ chức Hồi-giáo quá khích có tên là ISIS gây khiếp đảm cho nhiều người, với hình ảnh xử tử dã man các con tin là hai nhà báo Mỹ bị chặt đầu.

Đó là chưa kể tình hình trong vùng trước đó cũng bị chi phối bởi cuộc chiến đẫm máu giữa Do Thái và lực lượng dân quân Hamas tại dải Gaza. Còn tại Á Châu, người ta vẫn còn tiếp tục bàn tán về mối hiểm hoạ từ phía giới lãnh đạo Trung Cộng đầy tham vọng bá quyền, xuyên qua việc ngang nhiên đưa một giàn khoan dầu khổng lồ đến vùng Biển Đông, cũng như tự ý áp đặt một lằn ranh biên giới gọi là 7 vạch hay 9 vạch mà chúng ta thường gọi là đường Lưỡi Bò, bất chấp sự phản đối của nhiều quốc gia trong vùng vì nó hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần tôn trọng truyền thống và công pháp quốc tế.

Phải chăng vì thế mà phiên toà xử án ông Bob McDonnell và bà vợ Maureen -- dù kéo dài đến 5 tuần lễ với nhiều chi tiết “động trời” về đời sống riêng tư của gia đình này do chính đương sự khai trước toà trong nhiều ngày liên tiếp -- đã không tốn nhiều bút mực trên các trang báo cũng như không chiếm sự chú ý nhiều trên các cơ quan truyền thanh và truyền hình, ngoại trừ tờ Washington Post là tờ báo đầu tiên khui ra vụ này do bởi các loạt bài điều tra trước đó?

Ông Bob McDonnell có lẽ không phải là người thống đốc đầu tiên hoặc cuối cùng đã bị nhanh chóng “ngã ngựa” giữa lúc đang ở đỉnh cao quyền lực và vinh quang. Trước ông, đã có nhiều vị đứng đầu ngành hành pháp của tiểu bang bị rớt đài một cách thân bại danh liệt vì nhiều nguyên nhân khác nhau, vì tiền hoặc tình hay là vì cả hai, và nhiều vị cũng phải lãnh án để bước vào xà-lim ngồi gỡ lịch từng ngày. Những vị phạm pháp này thuộc cả hai chính đảng Dân Chủ và Cộng Hoà, đó cũng là điều dễ hiểu vì đảng nào cũng có người xấu kẻ tốt như bất cứ một tập thể, một cộng đồng hay một khối dân nào đó trong xã hội này. Tuy nhiên, vì đảng Cộng Hoà thường hay đánh bóng cho mình là có thành tích bảo vệ các truyền thống gia đình và xã hội, nên khi các vị thống đốc Cộng Hoà sai phạm vào những tội lỗi trái đạo lý, người ta mới dễ nhìn thấy hơn bộ mặt đạo đức giả của những chính trị gia đồng đảng.

Gần đây nhất là chuyện thống đốc Rod Blajojevich của tiểu bang Ilinois phải ngồi tù vào năm 2011 vì tội lạm dụng quyền lực và hối mại quyền thế khi muốn khai thác quyền hành của ông để hưởng lợi cá nhân trong việc bổ nhiệm chức vụ nghị sĩ điền khuyết cho ông Obama sau khi ông này đắc cử tổng thống vào năm 2008. Thậm chí Illinois còn là tiểu bang có thành tích kỷ lục đưa nhiều vị thống đốc vào tù nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Bởi vì trong số 7 vị thống đốc Illinois gần đây nhất, đã có đến 4 vị phải ngồi tù. Ngoài ông Blagojevich, còn có các thống đốc George Ryan bị lãnh án vào năm 2007, Dan Walker nhận tội vào năm 1987, và Otto Kerner bị kết tội vào năm 1973. Ngoài ra, cũng còn có 2 vị thống đốc khác của tiểu bang này cũng bị truy tố ra toà nhưng được tha bổng.

Riêng với các tiểu bang khác, người ta có thể nhắc đến trường hợp của thống đốc John Rowland của Connecticut cũng bị kết án vào năm 2003, Edwin Edwards của Louisiana bị kết án vào năm 2001, và Don Siegelman của Alabama bị kết án 7 năm tù nhưng đang nạp đơn kháng án.

Còn về chuyện các thống đốc rớt đài vì chuyện lăng nhăng tình ái, người ta có thể nhắc đến trường hợp của ông Eliot Spitzer phải từ chức thống đốc New York vào năm 2008 vì tội ăn chơi với các kiều nữ bán dâm thuộc loại “hàng xịn” đắt tiền. Hoặc là trường hợp của ông Mark Sanford, thống đốc tiểu bang South Carolina, vào năm 2009 đã bị mang tai tiếng và bị chễ riễu thậm tệ, khi ông tìm cách lén lút “bỏ nhà đi hoang” với tình nhân là cư dân sống ở Á-căn-đình dù rằng ông đang sống trong cảnh êm ấm vợ đẹp con khôn ngay tại quê nhà ở Hoa Kỳ. Ông Sanford bị chế riễu nặng nề vì bản chất đạo đức giả cùng với nhiều chính trị gia cùng phe Cộng Hoà, vì trước đó ông đã cùng với nhiều vị dân biểu khác như Newt Gingrich, John Ensign, đã mạnh mẽ lên án và kết tội TT Bill Clinton trong vụ lem nhem tình dục với cô Monica Lewinsky. Về sau này, khi người ta biết ra chuyện các ông này cũng chẳng đạo đức gì, nếu không muốn nói là còn lem nhem tồi tệ về đường tình ái còn hơn cả ông Clinton, thì người ta mới hỡi ôi cho cái bản chất đạo đức giả nhưng thích lên án người khác của các vị dân cử phe Cộng Hoà.

Trở về trường hợp của ông Bob McDonnell, cựu thống đốc tiểu bang Virginia, thì lần này ông bị mang tai tiếng và có lẽ cũng sẽ bị thân bại danh liệt ở cả hai mặt sự nghiệp và tình ái. Trong tuần qua, ông McDonnell và bà vợ đã bị bồi thẩm đoàn kết án nhiều tội danh tham nhũng khi họ lợi dụng chức quyền để toa rập tìm cách giúp đỡ cho doanh nhân Jonnie Williams Sr. sau khi nhận được nhiều quà cáp và tiền bạc của ông ta một cách trái đạo lý với luật pháp Hoa Kỳ.

Điều tệ và đáng trách hơn nữa là ông McDonnell lại quyết định đổ tội phần lớn lên bà vợ của ông, và tiết lộ cho mọi người cùng biết là đời sống gia đình của họ chẳng có ấm êm gì như hình ảnh nhiều người lầm tưởng. Ngụ ý của ông muốn đổ trách nhiệm lên bà vợ và cho rằng bà là người vợ không hoàn hảo, khó tính vô lối (đến mức toàn bộ nhân viên trong dinh thống đốc đòi từ chức) khiến cho cuộc sống gia đình của ông là một cực hình dù đạt được danh vọng thắng cử thống đốc. Ông McDonnell cũng khai trước toà rằng bà vợ ông ta là người hám lợi, thích đua đòi quá đáng khiến cho gia đình lâm vào cảnh nợ nần, từ đó mới dễ sa ngã để nhận các món quà cáp. Bà vợ Maureen cũng bị ông chồng ngụ ý tố cáo trước toà là người có tư tình với ông Williams (dù chỉ mới trong tình ý chứ chưa đi đến quan hệ xác thịt), cũng như là người đã nhận phần lớn những món quà đắt giá hoặc những số tiền biếu tặng hoặc cho vay không lấy lời.

Theo các chuyên gia pháp đình nhận định, đây là lý do mà các luật sư biện hộ cho ông McDonnell đã lựa chọn, với lối suy diễn rằng nếu như đời sống vợ chồng ông McDonnell trong thời gian qua không ấm êm đến mức ông ta phải cắn răng chịu đựng, thì ông và bà không thể nào có thể cùng nhau bàn bạc và toa rập để giúp đỡ cho ông Williams. Điều này giải thích vì sao mà ông McDonnell đã không ngần ngại chịu ra khai trước toà, tự động “vạch áo cho người xem lưng” để thiên hạ được dịp biết rõ hơn về “công dung ngôn hạnh” của bà vợ đã cùng chia ngọt xẻ bùi trong cuộc sống chung kéo dài suốt 38 năm qua.

Phía bà vợ Maureen thì không muốn ra khai trước toà, có lẽ cũng muốn ngầm nói rằng đời sống vợ chồng họ đã là một “nồi cám heo” không có hạnh phúc, nên vì thế bà không thể nào đủ bình tĩnh và sáng suốt để có thể cùng toa rập trong việc nhận tiền hối lộ để trợ giúp cho ông Williams.

 Tuy vậy, sau khi phiên toà chấm dứt với lời khai của tổng cộng 67 nhân chứng, bồi thẩm đoàn gồm có 7 nam và 5 nữ đã cùng nhau thảo luận trong nội bộ kéo dài đến 3 ngày trước khi đi đến phán quyết kết tội vào ngày thứ Năm tuần qua. Trong tổng cộng 13 tội danh mà ông bà McDonnell bị cáo buộc, bồi thẩm đoàn đã kết tội ông chồng với 11 tội danh, và bà vợ bị kết án với 9 tội danh nêu lên. Các bài báo tường thuật vụ án đều nói đến sự kiện ông McDonnell đã không giữ nổi cảm xúc khi bị nghe kết án và phải ôm mặt bật khóc, với tiếng khóc càng tăng cao khi tiếp tục nghe từng bồi thẩm viên xác nhận phán quyết trên từng tội danh.

Theo cáo trạng của phía công tố, cùng với lời khai xác nhận của doanh nhân Williams, thì vợ chồng ông McDonnell đã nhận nhiều món quà đắt tiền cũng như những món tiền cho vay không lấy lời một cách dễ dàng. Bù lại, ông Williams muốn mượn tay của thống đốc McDonnell để giúp công ty của ông là Star Scientific để quảng bá một loại dược thảo có tên là Atanabloc. Theo lời của ông Williams thì đây là một loại “thuốc” do ông sáng chế, nghe nói là được chiết ra từ thuốc lá, nhưng do ông biết cách biến chế trong lò vi-ba (microwave oven) để loại bỏ độc tố và khiến nó trở thành “thần dược”!

Các bằng chứng đưa ra trước toà cho thấy là ông Williams đã vận động để tổ chức một buổi giới thiệu chính thức và rình rang cho loại “thần dược” của ông ngay tại dinh thống đốc Virginia, với sự tham dự của nhiều viên chức cao cấp trong ngành y tế, với mục đích mong muốn là được các trường đại học y khoa trong vùng chấp nhận. Bà đệ nhất phu nhân của tiểu bang sau đó đã đi cùng ông Williams đến nhiều nơi để phổ biến loại “dược thảo” với nhiều nhóm bác sĩ cũng như một số doanh gia khác để kêu gọi cùng đầu tư.

Phía các luật sư bênh vực cho ông McDonnell nói rằng trong vai trò thống đốc, ông đã luôn sẵn sàng tổ chức các buổi hội họp hay giới thiệu cho các doanh nhân trong tiểu bang, và ông đã giúp cho ông Williams vì có lúc đã tin tưởng rằng công ty Star Scientific thực sự có thể đem lại công ăn việc làm cho tiểu bang. Họ cũng nói rằng ông ta không hề bị ảnh hưởng hay mua chuộc bởi các món quà của ông Williams. Thậm chí họ còn nói rằng thống đốc McDonnell không hề biết gì nhiều về những món tiền hay quà cáp mà ông Williams đã tặng cho vợ ông.

Họ còn chỉ trích rằng ông Williams là một người không đáng tin cậy vì ông ta cố tình đưa ra những lời khai kết tội nặng nề cựu Thống đốc McDonnell theo như thoả thuận dụ dỗ từ phía các luật sư công tố viên là sẽ không truy tố ông ta nếu chịu cung khai như vậy. Điều này có thể đúng về mặt đạo lý khi xét về bản chất con người của ông Williams, có thể là một người phản phúc vào giờ chót để cứu lấy thân mình. Nhưng nó không đủ mạnh về pháp lý để gỡ tội cho ông McDonnell, nếu như những lời khai của ông Williams là đúng sự thật. Hơn nữa, các công tố viên tại Hoa Kỳ cũng thường sẵn sàng dùng chiến thuật này để chia rẽ các bị cáo hầu có thể lấy được những lời khai quan trọng. 

Tuy nhiên, có lẽ các thành viên trong bồi thẩm đoàn đã không hề bị thuyết phục bởi những lời biện luận này. Các bằng chứng đưa ra trước toà cho thấy ông Williams đã cho vợ chồng ông McDonnell vay số tiền 50,000 Mỹ kim, cũng như đã chi ra thêm 15,000 Mỹ kim để trang trải chi phí đám cưới cho cô con gái của ông bà thống đốc. Ngoài ra, cũng còn có bằng chứng ông Williams đã chi khoảng 19,000 Mỹ-kim cho bà Maureen đi mua sắm “hàng hiệu” tại các cửa tiệm sang trọng như Oscar de la Renta và Bergdorf Goodman ở phố Manhattan tại New York. Sau cùng còn có bằng chứng ông Williams đã mua một chiếc đồng hồ Rolex trị giá đến 6,500 Mỹ kim ở Malibu để tặng với hàng chữ khắc tên “Thống đốc thứ 71” (của tiểu bang Virginia) mà ông McDonnell đã cười toe trong tấm hình để khoe với mọi người.

Ngoài ra, cũng còn có nhiều bằng chứng và hình ảnh linh tinh khác, cho thấy ông bà thống đốc đã được doanh gia Williams sẵn sàng bao thầu cho những chuyến du ngoạn, đi đánh golf, bù khú với nhau qua những chai rượu cognac đắt tiền cả 5,000 Mỹ kim / 1 chai, được cho mượn chiếc xe đua đắt tiền hiệu Ferrari để lái chơi vi vút. Tổng cộng coi như là ông bà McDonnell đã nhận được số tiền khoảng 177,000 Mỹ kim gồm quà cáp, tiền mặt cũng như tiền cho mượn từ phía doanh gia Williams.

Phải chăng vì thế nên cả 12 bồi thẩm viên đều không ngần ngại đi đến phán quyết kết tội cả hai vợ chồng ông McDonnell theo gần như đúng ý với những lời cáo buộc từ phía các luật sư công tố. Trong bài tường thuật của các ký giả hãng thông tấn AP về kết quả diễn ra tại phiên toà, một bồi thẩm viên có tên là Kathleen Carmody nói rằng quả tình là một điều đau buồn khi nhìn thấy cả gia đình ông bà McDonnell đều khóc sướt mướt sau khi nghe tuyên đọc phán quyết kết tội.

Bà Carmody nói rằng trước đây bà đã bỏ phiếu ủng hộ ông Bob McDonnell trong chức vụ thống đốc và nghĩ rằng ông ta là một người thống đốc giỏi. Nhưng bà lại nói thêm: “Các bằng chứng đưa ra tự nó đã nói đầy đủ quá rồi.” Còn bồi thẩm viên Robin Trujillo cho rằng “không phải chỉ có một sự kiện duy nhất để khiến cho bồi thẩm đoàn phán quyết kết tội. Tuy nhiên, sau khi đã đồng thanh với phán quyết kết án với tội danh thứ nhất, thì các phán quyết kết tội tiếp theo lần lượt diễn ra một cách mau lẹ và êm thắm khi mọi người bắt đầu nhìn thấy rõ cả một quá trình (hối lộ và tham nhũng) đã được phơi bày rõ ràng”.

 Phiên toà sắp tới để định bản án cho cả hai vợ chồng cựu thống đốc Bob McDonnell sẽ diễn ra vào đầu tháng Giêng năm sau. Theo quy định luật pháp liên bang, cả hai có thể phải ngồi tù trong nhiều năm, nhưng cũng còn nhiều yếu tố chi phối khiến cho quan toà có thể đưa ra một bản án ngồi tù nhẹ hơn. Đó là chưa kể việc luật sư biện hộ cho biết là họ sẽ nộp đơn để kháng cáo, và do đó vụ án có thể kéo dài trong nhiều năm trước khi ông bà McDonnell có thể bắt đầu bước vào xà-lim, nhiều phần là sẽ không trong cảnh cùng nắm tay nhau như đã xảy ra cách nay 38 năm khi cả hai cùng bước vào nhà thờ để trao đổi lời hứa trung thành và hoạn nạn có nhau.

Lý do đơn giản là vì ông Bob McDonnell, chẳng biết là có chịu áp lực của các luật sư biện hộ đến mấy đi chăng nữa, đã chấp nhận một chiến lược biện hộ dựa trên quyết định phải đổ hết trách nhiệm lên đầu của bà vợ tình nghĩa lâu năm của mình. Và đó chính là điều mà mọi người đều nghĩ rằng cuộc hôn nhân của hai người, nếu như trước đây không hoàn toàn êm thắm, thì giờ đây cũng không thể nào có cơ hội được hàn gắn trở lại một cách tốt đẹp. 

Đây cũng là điều mà nhiều bình luận gia đã chê trách ông McDonnell nhiều nhất. Bởi vì chuyện “vạch áo cho người xem lưng” không phải chỉ là điều mà dân gốc Á chê bai theo như câu thành ngữ quen thuộc của người Việt mình, mà dường như người Hoa Kỳ cũng không sẵn sàng áp dụng, dẫu rằng nó có thể đem lại kết quả lợi lạc một cách ích kỷ cho riêng mình.

Người Hoa Kỳ thường có truyền thống thực dụng nhiều khi đến phũ phàng và tàn nhẫn, điển hình là trong lãnh vực thương mại và ngoại giao. Do đó, họ thường đem ra câu nói “không có tình đồng minh vĩnh viễn mà chỉ có quyền lợi vĩnh viễn” để giải thích những quyết định tráo trở như trường hợp chính quyền Mỹ đã phản bội các chính quyền Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) vào năm 1971 để bắt tay với Trung Cộng với chiếc ghế tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, hoặc với Việt Nam Cộng Hoà trong vụ bỏ rơi và tháo chạy vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Do đó, họ có thể thông cảm với những quyết định phản phé vào giờ chót để cứu lấy thân mình, nhất là trong những trường hợp thường thấy tại pháp đình, khi các nghi can bị điều tra và dễ bị phe công tố áp lực và dụ dỗ. Đó là những khi các công tố viên có thể hứa hẹn hoặc dụ dỗ một nghi can là sẽ được bỏ qua nếu như chịu đồng ý cung khai trước toà để kết tội các đồng bọn của họ.

Tuy nhiên, trong trường hợp cả hai vợ chồng đều bị buộc tội, ít khi nào người ta thấy một người chồng hay người vợ sẵn sàng đổ lỗi hoàn toàn cho người phối ngẫu của mình để mong thoát nạn. Trong nhiều vụ tai tiếng khiến cho tình cảm cả hai có thể bị sứt mẻ nặng nề trong chốn riêng tư, thông thường những chính trị gia bị kết tội bao giờ cũng thường nhận được sự ủng hộ, dầu là miễn cưỡng, từ phía người phối ngẫu của mình trước công luận. Đó là trường hợp điển hình như của đệ nhất phu nhân Hillary Clinton trong thời gian TT Bill Clinton bị kết án trong vụ lem nhem với cô Monica Lewinsky. Hoặc là trường hợp của Thống đốc Eliot Spitzer của New York khi phải đối mặt với vụ tai tiếng thuê gái mãi dâm hạng sang, nhưng trong lúc thú tội trước công chúng để xin từ nhiệm, cũng luôn có mặt bà vợ kế bên như là hình ảnh của một gia đình đoàn kết để đối phó trước một giai đoạn khó khăn.

Theo nhà báo Eugene Robinson, trong một bài bình luận đề ngày 21/8 vừa qua trên nhật báo Washington Post (trước khi phiên toà kết thúc), thì rõ ràng là bồi thẩm đoàn có nhiệm vụ để phán xét xem ông Bob McDonnell có phải là một viên chức chính quyền đứng đắn và ngay thẳng hay không. Nhưng dưới con mắt của nhiều người, và ngay cả dưới mắt của đương sự, xuyên qua chính lời khai của ông McDonnell tại toà, thì rõ ràng là ông ta đã không còn là một người chồng đứng đắn và ngay thẳng.

Và với những người thường hay cổ võ một cách mù quáng cho các chính trị gia phe Cộng Hoà, khi cho rằng đảng này luôn bảo vệ các giá trị truyền thống gia đình nếu so với đảng Dân Chủ có khuynh hướng cấp tiến và phóng túng hơn, vụ án này cho thấy là các chính trị gia, dù là dưới cái vỏ khoác bên ngoài mang tên gì chăng nữa, phần đông vẫn là những kẻ thiếu thành thật, chẳng qua vì họ chỉ lo bảo vệ quyền lợi riêng tư và ích kỷ của họ mà thôi. Và trong nhiều trường hợp, những kẻ mang tiếng là đàng hoàng đứng đắn nhất, lại chính là những kẻ đạo đức giả tồi tệ nhất, như trường hợp của Nhạc Bất Quần trong truyện của Kim Dung.

MAI LOAN