Sau 60 năm Hiệp định Geneve 1954

04 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 11491)

Ngoại trưởng Trần văn Đỗ - Hiệp định Geneve 1954

Ông Trần Văn Đỗ, trưởng đoàn đại diện của Quốc gia Việt Nam tuyên bố sẽ không ký vào Hiệp định Genève với lý do hiệp định gây chia cắt Việt Nam[7] và đẩy Quốc gia Việt Nam vào thế nguy hiểm[8]. Đại diện phái đoàn Quốc gia Việt Nam ra một tuyên bố riêng:

"Việc ký hiệp định giữa Pháp và Việt Minh có những điều khoản gây nguy hại nặng nề cho tương lai chính trị của Quốc gia Việt Nam. Hiệp định đã nhường cho Việt Minh những vùng mà quân đội quốc gia còn đóng quân và tước mất của (Quốc gia) Việt Nam quyền tổ chức phòng thủ. Bộ Tư lệnh Pháp đã tự ấn định ngày tổ chức tuyển cử mà không có sự thỏa thuận với phái đoàn quốc gia Việt Nam... chính phủ Quốc gia Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận một cách chính thức rằng Việt Nam long trọng phản đối cách ký kết Hiệp định cùng những điều khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của dân Việt. Chính phủ Quốc gia Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận rằng Chính phủ tự dành cho mình quyền hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực hiện Thống nhất, Độc lập, và Tự do cho xứ sở."[8][9]

Tuy vậy, lời phản kháng và đề nghị của đại diện Quốc gia Việt Nam đã không được Hội nghị bàn tới. Ngoại trưởng Trần văn Đỗ từ Genève tuyên bố với các báo chí như sau: "Từ khi đến Genève, phái đoàn không bao giờ được Pháp hỏi về ý kiến về điều kiện đình chiến, đường phân ranh và thời hạn Tổng tuyển cử. Tất cả nhưng vấn đề đó đều được thảo luận ngoài Hội nghị, thành ra phái đoàn Việt Nam không làm thế nào bầy tỏ được quan niệm của mình"[cần dẫn nguồn]

(Wikipedia)

+++++++++++++++++

RFI Thứ năm 31 Tháng Bẩy 2014

Trung Quốc và ý đồ phá hoại sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam

image055

Hội nghị Genève 1954

US Army

Trọng Nghĩa RFI

Ngày 20/07/1954, Hiệp định Genève được chính thức ký kết nhằm chấm dứt cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và tái lập hoà bình tại Đông Dương. Hiệp định này đã thừa nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nhưng dù là một bên ký vào Hiệp định, ngay từ thời đó, Trung Quốc đã tìm cách lợi dụng Việt Nam và nuôi dã tâm phá hoại sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Trong vòng 60 năm qua, giới nghiên cứu đã có rất nhiều đánh giá về bản Hiệp định này, về vai trò của các bên chủ chốt tham gia cuộc đàm phán tại Genève, từ hai phái đoàn đại diện cho miền Bắc và Miền Nam Việt Nam, cho đến Pháp, Mỹ, Liên Xô hay Trung Quốc, đặc biệt là trên vấn đề chia cắt Việt Nam thành hai miền, lấy đường ranh là vĩ tuyến 17.

Vào lúc chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trên Biển Đông đang bị Trung Quốc đe dọa dữ dội, dịp kỷ niệm 60 năm Hiệp định Genève 1954 đã nêu bật trở lại vai trò của Trung Quốc, trong việc bắt tay với Pháp tại Hội nghị Genève để chia cắt Việt Nam, một quyết định mà cả hai phái đoàn Việt Nam vào khi ấy phải miễn cưỡng chấp nhận.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, ý đồ đánh vào chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam thể hiện vào thời Hiệp định Genève, đã được Bắc Kinh tiếp tục từ đó đến nay, với một loạt những hành động đi đêm ngoại giao với Hoa Kỳ vào đầu thập niên 1970, ngay trong lúc Việt Nam đang lâm chiến với Mỹ, cho đến nhưng hành vi lấn chiếm biển đảo – Hoàng Sa năm 1974, Trường Sa năm 1988 và gần đây nhất là vụ đưa giàn khoan HD-981 vào hoạt động trong vùng thềm lục địa của Việt Nam.

Đó là chưa kể đến việc Bắc Kinh nuôi dưỡng lực lượng Khmer Đỏ quấy phá vùng biên giới Tây Nam của Việt Nam vào cuối thập niên 1970, và đặc biệt là vụ xua quân đánh vào các tỉnh thuộc vùng biên giới phía Bắc của Việt Nam vào năm 1979.

Trả lời phỏng vấn của RFI nhân kỷ niệm 60 năm bản Hiệp định Genève 1954, nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc, Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay tại Hà Nội đã phân tích thêm về ý đồ lợi dụng Việt Nam của Trung Quốc ngay từ thời Hội nghị Genève, bước khởi đầu của một chiến lược lâu dài nhằm vào chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, trong đó có Biển Đông.

Đối với sử gia Dương Trung Quốc, « Giá trị cơ bản nhất của Hiệp định Genève đương nhiên là việc chấm dứt cuộc Chiến tranh Đông Dương Lần thứ I. Nhưng nội dung quan trọng, mang ý nghĩa thiết thực chính là việc quốc tế thừa nhận chủ quyền, độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam ».

Trung Quốc là nước đã ký vào văn kiện quốc tế năm 1954 công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, nhưng đồng thời, Trung Quốc lại tán đồng việc chia cắt Việt Nam thành hai miền Nam Bắc. Theo sử gia Dương Trung Quốc, đó là vì trong toàn cảnh cuộc chiến tranh lạnh Đông-Tây vào thời đó, Bắc Kinh muốn biến Việt Nam thành lá chắn để bảo vệ Trung Quốc trong cuộc đối đầu với Mỹ, dùng Việt Nam làm quân cờ để mặc cả với Hoa Kỳ khi Bắc Kinh cần thay đổi chiến lược.

Vấn đề được sử gia Dương Trung Quốc nêu bật là bất chấp sự chọc gậy bánh xe của Trung Quốc, Việt Nam vào năm 1975 đã thống nhất được đất nước. Phản ứng sau đó của Trung Quốc chính là xúi giục lực lượng Khmer Đỏ của Pol Pot mở cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam sau đó xua quân đánh vào vùng biên giới phía Bắc Việt Nam (1979).

Dụng tâm phá hoại sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam còn được thấy qua việc dùng võ lực đánh chiếm nhiều bãi cạn do Việt Nam kiểm soát trên quần đảo Trường Sa (1988), và biết bao hành động quyết đoán khác tại vùng Biển Đông.

Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc qua điện thoại.

Ý nghĩa quan trọng nhất : Lần đầu tiên quốc tế công nhận nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam

DTQ : Nội dung căn bản nhất của Hiệp định Genève là đình chiến, (kết thúc) cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ I. Tuy nhiên sau đó người Việt Nam vẫn phải tiếp tục cuộc Chiến tranh Đông Dương thứ hai, rồi cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền của dân tộc. Sau Hiệp định Genève, như thế là chiến tranh chưa phải hoàn toàn chấm dứt. Hiệp định này, đối với người Việt Nam do đó chỉ là sự khởi đầu của một quá trình...

Giá trị cơ bản nhất của Hiệp định Genève đương nhiên là việc chấm dứt cuộc Chiến tranh Đông Dương Lần thứ I. Nhưng nội dung quan trọng, mang ý nghĩa thiết thực chính là việc quốc tế thừa nhận chủ quyền, độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Đây là một điều hết sức quan trọng bởi vì nước Việt Nam hiện đại, thoát thai từ xã hội thuộc địa, gắn liền với cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập.

Nhưng để nền độc lập được thừa nhận và gắn với nền độc lập là sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đó là một cuộc phấn đấu không đơn giản…

Vì thế cái giá trị lớn nhất của Hiệp định Genève là công nhận nền độc lập đã được xác lập từ năm 1945, và đi cùng với nền độc lập ấy là sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ...

Trong lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam, bên cạnh giá trị của hai chữ độc lập, vấn đề cực kỳ quan trọng là thống nhất quốc gia. mặc dù Hiệp định Genève quy định việc chia cắt Việt Nam tạm thời ra thành hai phần ở vĩ tuyến 17, nhưng thừa nhận trên tổng thể một nước Việt Nam thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ…

Toàn vẹn lãnh thổ bao gồm cả vùng biển dù chưa được đặt ra

DTQ : Có thể nói đến một vấn đề vào thời điểm đó chưa đặt ra, nhưng có hệ quả cực kỳ quan trọng cho thời kỳ hiện nay : Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam bao gồm cả một không gian sống còn là không gian biển.

Tuy không có câu chữ nào nói đến chủ quyền trên biển của Việt Nam, nhưng cái đó được thấy nếu « xâu chuỗi » lại tất cả các nội dung với những yếu tố có tính cách cam kết quốc tế trước đó, như tại Hội nghị San Francisco năm 1951 đã bàn về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, đã từng bác bỏ đề nghị trao những quần đảo đó cho Trung Quốc, và không phản đối ý kiến cho rằng Hoàng Sa-Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Tất cả đã được thề hiện trong các điều khoản mà chính Trung Quốc là một trong những nước quan trọng nhất, tham gia đóng góp và ký kết vào bản Hiệp định này…

Mỹ, một trong những nước tham gia Hiệp định Genève không ký kết vào văn bản này, đã phải ký Hiệp định Paris 20 năm sau, và điều khoản quan trọng đầu tiên cũng là thừa nhận sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam…

Vai trò “khả nghi” của Trung Quốc ngay từ thời Hiệp định Genève

DTQ : ...Chúng ta thường hay nhắc đến vai trò của Trung Quốc đối với những vấn đề liên quan đến bán đảo Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng

Người Trung Quốc thường hay nhắc đến ơn nghĩa của họ đối với Việt Nam... Tôi nghĩ rằng chúng ta sẵn sàng ghi nhận các đóng góp. Trong lịch sử, Trung Quốc quả là một đồng minh quan trọng của Việt Nam, nhất là trong cuộc Chiến tranh Đông Dương Lần thứ I...

Nhưng mà nói cho sòng phẳng… Trung Quốc cũng khai thác Việt Nam như một « không gian », một « điều kiện » trong quá trình trỗi dậy của mình. Nhìn vào lịch sử, sau khi thành lập CHND Trung Hoa vào năm 1949, bên cạnh vấn đề Triều Tiên, thì Đông Dương, và đặc biệt là Việt Nam là cơ hội để Trung Quốc bước vào võ đài thế giới.

Nếu Triều Tiên là một sự « không ai thắng ai thua », thì rõ ràng là Việt Nam với trận Điện Biên Phủ, và tác động của trận Điện Biên Phủ, (đã giúp) Trung Quốc (trở thành) đồng minh của bên thắng trận và điều đó cũng tạo ra cho Trung Quốc một vị thế để bước vào chính trường thế giới.

Nhưng mà chúng ta cũng thấy rất rõ là trong bối cảnh chung của thế giới sau Đại chiến Thứ II, thì lợi ích của các nước xã hội chủ nghĩa nói chung, và đặc biệt là của Trung Quốc ở phương Đông là muốn tạo ra được những vị trí « tiền tiêu », ở đó không chỉ có sự đối đầu, mà đằng sau đó là một sự mặc cả giữa Đông và Tây.

Dã tâm dùng Việt Nam làm lá chắn và bàn đạp

Cho nên là người ta sớm thấy rõ ý đồ của Trung Quốc, sau Triều Tiên là đến Việt Nam cũng rơi vào hình thái tương tự, tức là chia cắt nước Việt Nam – hay là Triều Tiên - ra làm đôi, để mà tạo ra được « vùng đệm » hay « phên dậu » để che chắn cho Trung Quốc, đồng thời là cái nơi để Trung Quốc có thể tạo ra những tiền đề họ có thể tiếp cận với các nước lớn, cụ thể trong vùng phương Đông này là Hoa Kỳ.

Cho nên Trung Quốc đã có những động thái tưởng như nhỏ, nhưng sau này phân tích ra, thì thấy rõ dụng tâm của Trung Quốc : Thái độ của Trung Quốc đối với các thành phần trong Hiệp định Genève.

Người ta thấy rất rõ cái việc Trung Quốc thỏa mãn với kết cục… là sau Hiệp định Genève, nước Việt Nam phải chia đôi, giống như Bắc và Nam Triều Tiên, để sau đó Việt Nam luôn luôn bị rơi vào tình trạng một nước phải đại diện cho một cái cực của cái sự đối đầu của thế giới lúc đó.

Vì thế, nếu nghiên cứu kỹ lịch sử Việt Nam, đặc biệt là cuộc Chiến tranh Đông Dương Lần thứ II, thì như một số đánh giá, hay tiên đoán của các nhà báo vào thời đó, thì ở chiến trường Việt Nam, Trung Quốc muốn « đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng ».

Nhưng trong khi diễn ra chiến trường Đông Dương, hay Việt Nam, Trung Quốc luôn luôn đứng ở vị trí dùng sức ép của Việt Nam để đạt mục đích của mình, mà mục đích quan trọng nhất đối với Trung Quốc là bắt tay với Mỹ.

Và điều đó đã diễn ra một cách hết sức rõ ràng, thậm chí đối với người Việt Nam lại trắng trợn, với các diễn biến trong năm 1972 : Chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Mỹ Nixon ; vai trò của cố vấn Henry Kisinger ; hay những ký kết tại Thượng Hải.

Người ta thấy rất rõ sự đảo chiều. Tuy Việt Nam vẫn là đồng minh, nhưng rõ ràng là Trung Quốc dùng Việt Nam như là « bàn đạp » để thay đổi chiến lược của mình, trong bối cảnh đang diễn ra những biến đổi rất lớn trên thế giới, với vai trò của Mỹ và Liên Xô…/

++++++++++++++++++

Hạn chế 'con ông cháu cha' trong lịch sử

Quốc Phương

BBC Việt ngữ

chủ nhật, 30 tháng 3, 2014

image056

Quan chế trong truyền thống phong kiến Việt Nam không tùy tiện

Tìm kiếm, tuyển chọn, bồi dưỡng đúng được người có tài, đức để ra làm quan phò dân, giúp nước, luôn là một ưu tiên trong lịch sử truyền thống Việt Nam, theo nhà nghiên cứu văn hóa từ Việt Nam.

Tệ nạn lạm dụng quan hệ quyền lực 'con ông cháu cha' gây lũng đoạn hệ thống nhà nước, giúp tư lợi cá nhân, trên thực tế đã luôn được nhiều triều đại trong quá khứ của Việt Nam tìm cách hạn chế, như ở thời kỳ của Triều đình nhà Nguyễn kéo dài suốt 143 năm, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân.

Hôm 30/3/2014, nhà nghiên cứu điểm lại một số quan chế trong quá khứ từ hình thức 'tập ấm' cho tới 'hậu bổ' sau này ở cuối thời Nguyễn, để chỉ ra những gì mà theo ông Việt Nam hiện nay có thể tham khảo.

Theo ông Xuân, không phải cứ được một xuất xứ thuận lợi nào đó về mặt quan quyền từ gia đình, dòng họ, mà một người nào đó theo dạng vẫn được gọi là 'con ông cháu cha' có thể dễ dàng ra làm quan khi thiếu các phẩm chất được yêu cầu, kỳ vọng.

Ông Xuân nói: “Không phải có chuyện do tập ấm mà các con ông quan lớn ra làm quan, cái đó trong Triều Nguyễn không có, không có cái đó,

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

“Còn trường hợp con mà giỏi, thi cử đậu, đạt, thì họ ra làm quan thì chuyện đó bình thường, không phải vì do tập ấm mà họ ra làm quan. Còn mấy ông phò mã, con của Vua cũng không có ra làm quan, phần lớn họ được lương hưởng, không có ra làm quan."

So sánh với chế độ tuyển chọn, bồi dưỡng, bổ nhiệm quan chức cao cấp lớp kế cận ngày nay, nhà nghiên cứu nói:

“Bây giờ Việt Nam cũng có chế độ đưa mấy con mấy ông lớn vô để kế nghiệp mình, để xây dựng, đào tạo lên để kế nghiệp mình, thì cái đó giữa cái này và cái thời xưa Triều Nguyễn thì hoàn toàn khác nhau, chứ không có giống nhau.”

'Phải đi chỗ khác'

Theo nhà nghiên cứu, riêng trong Triều Nguyễn (1802-1945), trong phần lớn thời gian, nhiều quy định nghiêm ngặt đã được áp dụng để kiểm soát, ngăn cấm việc lợi dụng quan hệ cá nhân, huyết thống, thân thuộc để các nhóm cầm quyền thao túng quyền lực.

Ông Xuân nói: “Anh làm quan, anh không được đứng đầu tỉnh của anh, ở huyện của anh, mà anh phải đi chỗ khác,

“Thứ hai là anh tới chỗ đó anh làm mà có một người bà con nội ngoại của anh rồi, thì nếu người đó không quan trọng thì đổi người đó đi và anh được làm quan,

“Còn nếu người đó quan trọng không thay đổi được thì anh phải đi chỗ khác, chứ anh không được về địa phương đó."

image057
"Bây giờ Việt Nam cũng có chế độ đưa mấy con mấy ông lớn vô để kế nghiệp mình, để xây dựng, đào tạo lên để kế nghiệp mình, thì cái đó giữa cái này và cái thời xưa Triều Nguyễn thì hoàn toàn khác nhau, chứ không có giống nhau"

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân

Nhà nghiên cứu còn cho hay có những quy định mà Vua cũng phải tuân thủ.

Ông nói: “Đó là những cấm kỵ, hay là họ ngoại, họ ngoại của Vua, con cháu họ hàng của mấy bà vợ, không được ra làm quan, không được làm quan,

“Và cái đó ghi rất rõ ở trên Văn Thánh, là một cái bia ghi rõ là họ ngoại không được làm quan,

“Thí dụ con cháu bà Từ Dũ giỏi cỡ mấy, không ai được làm quan, cho tiền rồi về nhà ở nhà thôi, chứ không ra làm quan,

“Tập ấm là lương và vinh dự thôi, chứ không hoàn toàn tập ấp là ra làm quan.”

'Đổi chác quyền lực'

Theo nhà nghiên cứu, Triều Nguyễn cũng đã có những quy định nghiêm nhằm răn đe, nghiêm cấm việc quan lại đổi chác quyền lực với nhau, chẳng hạn như người này nhờ người khác giúp đỡ, bao bọc quyền lực, tạo điều kiện biệt đãi cho con cháu mình được làm quan ở nơi người quen của mình.

Và ngược lại, để đổi lại, quan chức nhờ vả đó sẽ bao bọc, biệt đãi con cái của quan chức khác để con cháu hai bên cùng được làm quan lại ở các vị trí, vị thế cao trọng, với điều kiện thuận lợi, dễ dàng.

Ông Xuân nói:

“Cái đó Triều Đình không biết thì thôi, chứ Triều Đình biết là chết, nói chung là rất sòng phẳng, không có cái chuyện đổi chác lẫn nhau, không có cái đó, hồi xưa không có cái đó,

“Nhưng vào cuối Triều Nguyễn, không còn có (mạnh) nữa, thì cũng có thể xảy ra một vài trường hợp họ hàng, chứ không có nhiều đâu,

“Triều Đình biết là coi như kỷ luật ngay lập tức, đuổi anh về liền, là cách chức anh liền lập tức chứ không có chuyện gia đình trị, hay họ hàng, con ông cháu cha như bây giờ là không có, hoàn toàn không có.”

'Phễu lọc khoa cử'

Theo nhà nghiên cứu, chế độ khoa cử ngặt nghèo cũng giúp bảo đảm người chân tài, thực học, có đạo đức và các phẩm chất theo yêu cầu có thể được tuyển vào bồi dưỡng, học tập để sau ra làm quan, trong khi những ai dù là 'con ông, cháu cha' nhưng không có tài, đức, cũng có thể bị gạt ra ngoài.

"Nặng là người giới thiệu có thể mất chức, chứ không phải là anh giới thiệu lên thì muốn làm gì thì làm. Bây giờ người ta kết nạp Đảng có hai người giới thiệu Đảng, sau cái anh Đảng viên này anh làm tào lao, mà hai người giới thiệu lại không có trách nhiệm gì cả"

Nguyễn Đắc Xuân

Năm 1911, trong thời Pháp thuộc, người Pháp đã mở rộng hệ thống trường đào tạo giới chức hành chính ở Việt Nam tới Huế, về Trường hậu bổ, ông Nguyễn Đắc Xuân bình luận:

“Trường hậu bổ là anh đã học hành rồi, anh đã đỗ đạt rồi, nhưng anh không trực tiếp ra làm quan được, mà anh phải học. Anh học hành chánh, anh học đạo đức, anh học về nguyên tắc làm quan...

“Rồi sau anh đi ra làm quan, anh không phải từ Hậu Bổ ra đi làm quan liền đâu, mà anh phải về thực tập ở những nơi mà người ta sẽ cử anh tới. Cho nên anh phải thực tập mấy năm đó, một thời gian ngắn hay dài rồi anh mới được bổ, anh mới được chính thức ra làm quan, chứ không được ra làm quan."

Về việc tiến cử quan lại, theo nhà nghiên cứu, có những quy định mà tới nhà Vua cũng phải tuân thủ.

Ông Xuân nói: “Theo tôi cho đến thời gian độc lập của Triều Nguyễn, có hai loại là ông Vua cũng không có quyền cử người, mà nó phải qua khoa cử. Anh thi đỗ rồi, anh ra, người ta chọn anh, rồi anh mới ra làm quan,

“Cái thứ hai những người tài ở các địa phương, rồi địa phương đó đưa từ xã lên huyện, rồi lên tỉnh, rồi Triều đình mới biết giỏi, thì kêu vào thử lại.”

'Phải chịu trách nhiệm'

image058

Hơn 50% số quan chức kế cận được luân chuyển mới đây được dự kiến làm ủy viên trung ương Đảng từ Đại hội 12.

Triều đình phong kiến cũng có quy định nghiêm ngặt nhằm nâng cao chất lượng của việc tiến cử quan lại, mà theo ông Xuân, trong trường hợp người nào tiến cử quan lại sai, người đó sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới.

Ông Xuân nói: "Anh làm quan, anh giới thiệu một người ra làm quan, sau đó người đó tỏ ra là quan lại không tốt, thì người giới thiệu phải chịu trách nhiệm,

“Nặng là người giới thiệu có thể mất chức, chứ không phải là anh giới thiệu lên thì muốn làm gì thì làm,

“Bây giờ người ta kết nạp Đảng có hai người giới thiệu Đảng, sau cái anh Đảng viên này anh làm tào lao, mà hai người giới thiệu lại không có trách nhiệm gì cả,

“Cũng như bây giờ một ông (Ủy viên) Trung ương giới thiệu một ông Trung ương, ông Trung ương sau tham nhũng này kia, mà người giới thiệu ông lên Trung ương không có trách nhiệm,

“Hoàn toàn bây giờ người ta không có hiểu những cái hay của Triều Nguyễn ngày xưa, hiện nay không có thực hiện bất cứ một thứ gì cả,

“Mà bởi vậy Triều Nguyễn khó khăn vô cùng, nó nghèo nàn, nó bị Trung Quốc, nó bị các nước, đặc biệt là Pháp (áp lực), mà vẫn giữ cho được 143 năm là vì nó nhờ luật lệ rất nghiêm, mà nghiêm nhất là trong vấn đề dùng người.”

'Luân chuyển ngày nay'

"Tôi nghiên cứu Triều Nguyễn, anh không đời nào được làm đứng đầu, làm quan chức trong tỉnh của anh, mà anh phải đi tỉnh khác. Ngay cả tôn thất ngày xưa ở Huế không được làm Phủ Doãn Thừa Thiên, mà phải ra Thanh Hóa hoặc là các tỉnh khác, chứ không được ở Thừa Thiên Huế"

Nguyễn Đắc Xuân

Gần đây, Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành đợt một luân chuyển cán bộ cao cấp, kế cận, với 44 quan chức thế hệ trẻ được cử về các địa phương, ban ngành khác nhau ở nhiều tỉnh ngành tham gia lãnh đạo.

Trong số này, khoảng trên 50% được giới thiệu là nằm trong diện sẽ trở thành các Ủy viên Trung ương Đảng từ nhiệm kỳ 2016-2021 và nắm các chức vụ cao cấp trong chính quyền từ Đại hội Đảng lần thứ 12, dự kiến tổ chức trong năm năm 2016.

Bình luận về điều này, ông Nguyễn Đắc Xuân nói:

“Tôi nghiên cứu Triều Nguyễn, anh không đời nào được làm đứng đầu, làm quan chức trong tỉnh của anh, mà anh phải đi tỉnh khác,

“Ngay cả tôn thất ngày xưa ở Huế không được làm Phủ Doãn Thừa Thiên, mà phải ra Thanh Hóa hoặc là các tỉnh khác, chứ không được ở Thừa Thiên Huế. Toàn bộ Triều Nguyễn không có một người tôn thất nào ở tại Thừa Thiên Huế, đứng đầu Thừa Thiên Huế hết,

“Cho nên chuyện này là một ‎ý kiến, một chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì cái đó tôi chưa hiểu hiệu quả sẽ như thế nào.

"Tôi chưa biết là nó hay, hay nó dở, nên tôi chưa dám nói, nhưng mà triều Nguyễn thì họ cấm việc đó," nhà nghiên cứu nói với BBC./

29 Tháng Giêng 2014(Xem: 10498)
Trong không khí phấn khởi của phong trào đòi dân chủ và dân sinh tại Phnom Penh vào tháng 12/2013 và tháng 01/2014, với những cuộc biểu tình rầm rộ nhất trong lịch sử Cam Bốt, một khía cạnh đen tối đã xuất hiện
13 Tháng Giêng 2014(Xem: 10345)
Hôm qua, 05/01/2014, hàng ngàn người đã biểu tình ở Rangun để đòi xóa bỏ những đạo luật mang tính trấn áp và chấm dứt các vụ bắt giữ mang tính chính trị ở Miến Điện. Nhưng những người biểu tình cũng đòi chính phủ sửa đổi bản Hiến pháp năm 2008, để lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi có thể lên làm tổng thống Miến Điện.
12 Tháng Giêng 2014(Xem: 13290)
Tám năm sau Hội Tết Liên Hội tại Fairgrounds Santa Clara San Jose đạt con số kỷ lục. Hơn 70 ngàn vé vào cửa và tiền lời gần 80 ngàn. Nhưng sau đó thì thành tích từ từ đi xuống. Năm nay San Jose có 3 hội Tết nhưng chưa biết kết quả ra sao. Hai Hội Tết đúng ngày đầu năm âm lịch. Tết của tổ chức mới làm tại Faigrounds. Tết cuả anh bạn trẻ vẫn làm tại Sài Gòn Town và Tết của ông Lại Đức Hùng lui lại một tuần. Khiêm nhượng hơn, mang vẻ anh hùng thấm mệt. Nhưng IRCC vẫn dự trù sẽ đến với anh em. Đó là chuyện Tết San Jose.
16 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 12379)
Quan hệ quốc phòng Nga-Việt đang rất khởi sắc trong thời gian ba năm gần đây, với hàng loạt hợp đồng của Việt Nam đặt mua vũ khí hiện đại của Nga trị giá hàng tỷ đô la. Dấu hiệu rõ rệt nhất về quan hệ gắn bó trở lại giữa Hà Nội và Mátxcơva là chuyến công du Việt Nam ngày 12/11/2013 vừa qua của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
11 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 19088)
Trong tuần qua Luật Sư Nelson Mandela Nguyên Tổng Thống Nam Phi đã ra người thiên cổ. Ông sinh năm 1918 khi Thế Chiến I kết thúc. Ông tốt nghiệp Trường Đại Học Luật Khoa Nam Phi năm 24 tuổi. Mười năm sau, năm 34 tuổi ông đứng ra phụ trách Đoàn Thanh Niên trong Liên Đoàn Quốc Gia Châu Phi để khởi sự đấu tranh cho độc lập tự do, nhân quyền chống chế độ Kỳ Thị Chủng Tộc.
09 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 10810)
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói rằng tuy mối quan hệ của Washington với Bắc Kinh là phức tạp và hai nước có những bất đồng thật sự, xung đột không phải là không thể tránh được.
01 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 11794)
Ngay khi loan báo thành lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ của mình trên Biển Hoa Đông ngày 21/11/2013, Trung Quốc còn nói thêm là sẵn sàng thiết lập vùng phòng không của họ tại các vùng biển khác. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, đối với Trung Quốc, việc lập thêm vùng phòng không tại Biển Đông không phải là một công việc dễ dàng.
28 Tháng Mười Một 2013(Xem: 11891)
Hôm 23/11, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông (ADIZ), bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc và Nhật Bản đều nhận chủ quyền. Động thái này đã làm gia tăng căng thẳng vốn có giữa hai nước, nguy cơ xung đột cũng vì thế mà tăng cao.
17 Tháng Mười Một 2013(Xem: 11741)
Vào ngày 02/11/2013 dự án cáp treo từ Sa Pa đến thung lũng Mường Hoa và lên đỉnh Fansipan, đỉnh núi cao nhất Đông Dương đã được khởi công với số vốn 4.400 tỉ đồng Việt Nam, tương đương khoảng 208 triệu đô la Mỹ.
17 Tháng Mười Một 2013(Xem: 11545)
Là sản phẩm của Chiến tranh lạnh và cũng là biểu tượng của thế giới lưỡng cực bên tự do tư bản bên độc tài Cộng sản, bức tường Berlin được phía Đông Đức xây dựng vào tháng 8 năm 1961 và sụp đổ vào ngày 9/11/1989. Vì sao bức tường chia cắt không tồn tại được trăm năm như lãnh đạo Đông Đức Honecker tuyên bố trước đó vài tháng ?
17 Tháng Mười Một 2013(Xem: 10954)
Căn cứ theo phán quyết năm 1962, trong quyết định vừa được công bố sáng nay (11/11/2013) Tòa Án Quốc Tế đặt trụ sở tại The Hague - Hà Lan, khẳng định chủ quyền của Cam Bốt đối với khu vực chung quanh đền cổ Preah Vihear. Đây là một vùng đất có diễn tích 4,6 km vuông, có tranh chấp chủ quyền giữa Cam Bốt và Thái Lan.