Dân biểu Rohrabacher: ‘Việt Nam chưa hẳn là bạn của Mỹ’

14 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 10567)

Dân biểu Rohrabacher: ‘Việt Nam chưa hẳn là bạn của Mỹ’
Monday, May 12, 2014 6:49:07 PM


Phỏng vấn dân biểu Dana Rohrabacher

Hà Giang/Người Việt

 LTS - Báo chí khắp nơi trong tuần lễ vừa qua đề cập tới việc Trung Quốc mang giàn khoan dầu khổng lồ vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tại Washington D.C., Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ mô tả hành động này của Trung Quốc là “nguy hiểm và đe dọa.” Tại địa phương, một số dân biểu Mỹ bày tỏ mối quan tâm của họ về tình hình căng thẳng tại bờ biển Việt Nam. Dân biểu Liên Bang Dana Rohrabacher, thuộc Ủy Ban Đối Ngoại Quốc Hội Hoa Kỳ, bày tỏ quan tâm của ông, qua cuộc phỏng vấn với phóng viên Hà Giang, tại tòa soạn nhật báo Người Việt chiều 12 Tháng Năm.

 

image024

Dân biểu liên bang Dana Rohrabacher trong cuộc phỏng vấn tại tòa soạn nhật báo Người Việt hôm 12 Tháng Năm. (Hình: Tâm Nguyễn/Người Việt)


Hà Giang (NV):
Tình hình tại Biển Đông ngày càng căng thẳng, ông có nhận định gì về việc Trung Quốc mang giàn khoan vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?


Dân Biểu Dana Rohrabacher
: Thế giới đang đối diện với sự phô trương sức mạnh một cách cao ngạo của một nhà cầm quyền độc tài. Tuy sự tấn công lần này nhắm thẳng vào Việt Nam, chúng ta phải nhớ là Trung Quốc không chỉ hà hiếp Việt Nam, mà cả Đài Loan, cả Philippines. Trung Quốc từ trước đã đưa ra những khẳng định chủ quyền hết sức phi lý và thái quá, đụng chạm đến chủ quyền biển của nhiều nước.

Giờ đây họ thực hiện chủ quyền đó, muốn cướp hết tài nguyên dưới lòng biển của Việt Nam, và của Nhật Bản.


NV
: Là một dân biểu liên bang đại diện cho rất nhiều người Mỹ gốc Việt, ông nghĩ gì?


Dân Biểu Dana Rohrabacher
: Tôi rất khó chịu và ái ngại. Tiếc thay, chế độ Hà Nội không được sự hỗ trợ cần thiết của lòng dân để chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc. Là chế độc cộng sản, chính quyền Việt Nam rất sợ dân chủ. Ngay cả trong những cuộc biểu tình chừng mực chống Trung Quốc vừa rồi, chúng ta thấy là một số người thực sự phản đối Trung Quốc vẫn bị kiềm hãm, một số người trước đây vì chống Trung Quốc mà bị tù vẫn không được thả. Biết đâu sự kiện này sẽ khiến mọi người dân Việt thấy rõ rằng người dân thường Việt Nam yêu nước nhiều hơn nhóm lãnh đạo, giúp họ thấy cần liên kết để phản đối hành vi tước đoạt ngang nhiên của Trung Quốc, và biết đâu nhờ đó họ sẽ buộc chính quyền phải thay đổi, hay thay đổi chính quyền đó.


NV:
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ gọi những hành động của Trung Quốc “là khiêu khích và không lợi ích.” Trong khi đó, ông Daniel Russel, phụ tá ngoại trưởng đặc trách Đông Á nói Washington rất quan tâm về những “hành động nguy hiểm” của nước này trong vùng biển đang tranh chấp. Trên thực tế, theo ông, Hoa Kỳ quan tâm vấn đề này đến đâu?

Dân Biểu Dana Rohrabacher: Điều này sẽ chứng minh tầm quan trọng của sự kiện này như thế nào với chính phủ Hoa Kỳ: Dân biểu Loretta Sanchez thuộc Đảng Dân Chủ, còn tôi thì thuộc Đảng Cộng Hòa, thế nhưng chúng tôi vẫn đang làm việc mật thiết trong việc này. Dù chính quyền của hai quốc gia vẫn còn nhiều quan điểm khác biệt, chúng tôi muốn Hoa Kỳ nỗ lực hơn trong việc giúp Việt Nam, và những quốc gia trong vùng liên kết chặt chẽ hơn với nhau, có thêm khả năng ngăn chặn sự bành trướng hung hăng của Trung Quốc. Philippines, Nhật Bản, và ngay cả Đài Loan hiện giờ cũng đang ở trong tình trạng tương tự. Trung Quốc sẽ ngày càng lấn lướt hơn nếu chúng ta không đoàn kết lại để cho họ thấy những hành động như vậy là không chấp nhận được.


NV
: Trong vai trò chủ tịch Tiểu Ban Nghiên Cứu về những mối đe dọa đang nổi lên ở Âu, Á, của Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện, ông đánh giá thế nào về hiểm họa Trung Quốc?


Dân Biểu Dana Rohrabacher
: Thập niên qua, thế giới chứng kiến sự nổi dậy của Trung Quốc như một hiểm họa. Tôi đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo mọi người. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều có một chính quyền độc tài toàn trị, nhưng ít nhất chế độ Việt Nam chỉ làm khổ cho người dân Việt Nam. Còn Trung Quốc, với chủ trương bành trướng, họ xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải của nhiều nước. Họ đã tuyên bố chủ quyền trên một vùng đất lớn bằng tiểu bang Texas của Ấn Độ. Nay Trung Quốc đang thò tay ra lấy tài nguyên từ những vùng biển mà trước đây họ chỉ mới khẳng định chủ quyền. Tôi không thấy trong lúc này có mối đe dọa nào lớn hơn hiểm họa Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng Việt Nam không nên tiếp tục nhượng bộ, và tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ cần giúp cho Việt Nam có điều kiện tốt hơn để bảo vệ chủ quyền của họ trên Biển Đông.


NV
: Ủy Ban Đối Ngoại Quốc Hội Hoa Kỳ có định đưa ra đề nghị gì với chính phủ Hoa Kỳ về việc này?


Dân Biểu Dana Rohrabacher
: Ủy ban chúng tôi liên tục có những buổi điều trần về hiểm họa Trung Quốc, chẳng hạn như buổi điều trần liên quan đến việc Trung Quốc xây đập dọc theo dòng sông Cửu Long, kiểm soát thượng nguồn của những dòng chảy qua nhiều quốc gia và điều chỉnh dòng chảy xuyên biên giới của họ. Chúng tôi cũng đã điều trần về việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, lấn lướt Việt Nam, lấn lướt Philippines. Với sự kiện này, chúng tôi sẽ tiếp tục bàn thảo, phân tích những việc làm của Trung Quốc, để tìm ra một giải pháp thích hợp.


NV:
Nếu tình trạng ngày càng tệ đi, và sự xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam gay gắt hơn việc bắn vòi rồng vào nhau, Hoa Kỳ sẵn lòng làm gì, và nên làm gì, theo ý kiến của ông?


Dân Biểu Dana Rohrabacher
: Tôi cũng đang suy nghĩ và đang tự hỏi mình câu hỏi này. Tôi không nghĩ rằng bổn phận của Hoa Kỳ là phải tham dự vào cuộc chiến của mọi quốc gia. Và nói thẳng ra, chính quyền Việt Nam cũng chưa hẳn là một người bạn của Hoa Kỳ, mà cũng không phải là bạn của tự do và dân chủ. Tuy nhiên, khi nhìn thấy những hành vi hung hăng, như của Trung Quốc, thì chúng ta cần phải làm gì đó để giúp ngăn chặn. Tôi sẽ suy nghĩ kỹ hơn về vấn nạn này.


NV
: Nếu chính quyền Việt Nam đến gặp ông lúc này để xin vấn kế, thì ông sẽ khuyên họ điều gì?

Dân Biểu Dana Rohrabacher: Tôi sẽ khuyên họ nên huy động nhiều tàu nhỏ, không phải tàu chiến đến vùng này, làm tất cả những gì họ có thể làm để Trung Quốc không thể thành công trong việc bơm dầu ở vùng đảo này. Việt Nam đã mang một số tàu hải chiến đến đây rồi, nhưng cũng nên kêu gọi cả tàu dân sự, tàu đánh cá đến, đi lại trên vùng này, và tạo nên một bức tường thành bằng tàu bè, giống như một cuộc biểu tình phản đối trên biển, cũng như cản trở tàu của Trung Quốc tìm cách đánh cá hay bắt rùa biển ở vùng biển nhà của mình.


NV
: Ông nói rằng Việt Nam thật ra chưa phải là một người bạn của Hoa Kỳ. Theo ông thì Việt Nam phải làm gì thì mới được Hoa Kỳ xem là một người bạn đúng nghĩa?


Dân Biểu Dana Rohrabacher
: Điều quan trọng nhất mà chính phủ Việt Nam cần làm để trở thành một người bạn thân hơn của Hoa Kỳ, là để cho dân chúng được tự do, nhưng đó là điều họ khó thực hiện vì nhóm người lãnh đạo bây giờ không dám để cho dân được đi bầu thực sự, vì nếu thế họ sẽ không đắc cử.

Nếu lãnh đạo Việt Nam thực sự yêu thương đất nước Việt Nam, thì đây là lúc để cho người dân đi bầu, và thiết lập bang giao mật thiết hơn với những quốc gia dân chủ. Hoa Kỳ chỉ có thể bang giao với Việt Nam ở một mức độ giới hạn, nếu họ tiếp tục giam cầm những người bày tỏ chính kiến, và không có những cuộc bầu cử đúng nghĩa.


NV:
Người Mỹ gốc Việt nên làm gì, và có thể làm gì để góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền cho quê hương?


Dân Biểu Dana Rohrabacher
: Có những điểm chúng ta sẽ giúp được, và có điểm không thể giúp. Dĩ nhiên chúng ta không thể giúp cho chính quyền Việt Nam được lòng dân hơn, chỉ có họ mới làm được việc đó. Chúng ta không thể vận động để Hoa Kỳ mang quân vào Việt Nam, nhưng có thể gửi cho Việt Nam dụng cụ quan sát, khảo sát, dò tìm, tạo điều kiện cho Việt Nam kiểm soát những vùng biển của mình tốt hơn, phát giác được sớm hơn những hành tung của Trung Quốc trong lãnh hải Việt Nam. Tuy nhiên chúng ta nhất định không gửi vũ khí sát thương đến cho Việt Nam cho đến khi Việt Nam tôn trọng nhân quyền, vì không thể gửi vũ khí sát thương đến một chính quyền đàn áp chính dân của mình.


NV
: Có phải ông vừa nói rằng việc không tôn trọng nhân quyền và dân chủ, chính là yếu tố khiến Hoa Kỳ không thể giúp Việt Nam tích cực hơn?


Dân Biểu Dana Rohrabacher
: Chắc chắn là như thế. Nếu Việt Nam là một quốc gia có nền dân chủ, thì chúng ta đã thấy có sự tiếp tay mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ, như với Philippines, Nhật Bản và Ấn Độ. Ở tình trạng hiện tại, việc giúp Việt Nam ngăn chặn sự xâm lấn của Trung Quốc là thích hợp với quyền lợi của Hoa Kỳ.


NV
: Cảm ơn ông đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn.


Liên lạc tác giả:
hagiang@nguoi-viet.com

04 Tháng Chín 2015(Xem: 9085)
“Nhân dịp 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chiều 1-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã tới thăm nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh tại nhà riêng” - ‘báo nhà’ Quân Đội Nhân Dân đưa tin.
10 Tháng Tám 2015(Xem: 11076)
(Kinh tế) - hòn đảo chỉ xêm xêm về diện tích như Phú Quốc của Việt Nam, vậy mà Singapore, chỉ với từng đó nămđã khiến cả thế giới phải nhìn họ với sự ngưỡng mộ.